. SƯƠNG NGUYỆT MINH
Tôi biết sông Vàm Cỏ Đông từ ngày đóng quân ở biên giới Tây Nam. Đơn vị tôi là lữ đoàn pháo cao xạ, được điều đi bảo vệ sở chỉ huy quân đoàn đóng ở Thanh Đức, phía bắc thị trấn Gò Dầu.
Trước khi được đằm mình trong nước sông Vàm Cỏ Đông, thì sông đã nổi tiếng và xao xác trong lòng tôi qua những câu hát da diết Lên ngàn của Hoàng Việt ra đời từ năm Thìn bão lụt: Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi. Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng. Nước ngược dòng hò ơ... và mênh mang Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục phổ thơ Hoài Vũ: Ở tận sông Hồng em có biết. Quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông. Ơ… ơi! Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng… Đêm hành quân, trăng sáng mênh mang, lặng nghe câu hát vọng ra từ cái đài Orionton của Hungary trang bị cho anh trung đội trưởng, cánh lính trẻ chúng tôi náo nức, thấy cuộc đời tươi đẹp đáng sống biết bao.
Cho đến khi đơn vị đóng quân bên dòng sông Vàm Cỏ Đông thì Lên ngàn và Vàm Cỏ Đông lại mang đến cho tôi một cảm xúc khác, một nghĩ ngợi khác. Ở trong nhà dân được vài tuần thì hậu cần lữ đoàn cho xe tải chở gỗ, tre, lá trung quân ùn ùn về. Vẫn ở cùng dân, nhưng là ở nhà dã chiến dựng tạm trong vườn tược của dân. Dĩ nhiên là bên cạnh nhà dã chiến lợp lá trung quân bao giờ cũng làm mấy cái hầm chữ A nửa chìm nửa nổi, có giao thông hào để chạy ra hầm khi đại bác tầm xa của quân Pol Pot câu đến.
Tôi không hiểu vì sao lữ đoàn chưa tập kết đủ các đơn vị lên biên giới Tây Nam, và quân Pol Pot đã đánh tùm lum sang đất ta, chiến sự khá căng thẳng, mà ông chính ủy vẫn chỉ thị cho anh Bảo, Trợ lí Dân vận đến ủy ban xã liên hệ mượn đất để đơn vị tăng gia sản xuất? Có lẽ ông quán triệt quá sâu sắc hai nhiệm vụ của quân đội thời bình là “Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm kinh tế xây dựng đất nước”. Cũng có thể, ông nghĩ cuộc chiến tranh biên giới nhì nhằng sẽ kéo dài nhiều năm, mà quân đội ta từ thời chống Mĩ đã có “cây sắn tấn công”. Chẳng nói đâu xa, năm trước khi tiếng súng đã đì đùng ở biên giới mạn Lò Gò, Xa Mát, Gò Mô, Phước Tân - Tây Ninh, cả lữ đoàn tôi vẫn rùng rùng kéo quân từ Dĩ An lên tận Bến Cát - Bình Dương xin đất tăng gia sản xuất, đơn vị nào cũng ra công… trồng sắn. Cứ trồng mười hom sắn thì hỏng, chết khô, chỉ vài ba gốc sống sót có củ, do lính tráng quen cầm súng đánh giặc, lơ mơ về “nước, phân, cần, giống”. Cũng chẳng mình đơn vị tôi cuốc đất lật cỏ trồng sắn, ở mạn Phú Giáo là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7 còn được giao một khu rừng 50ha để chặt cây, dọn cỏ, đo đất, khai phá hoang làm rẫy trồng cây lương thực, đắp hồ Bầu Chư nuôi cá cung cấp thực phẩm cho cả sư đoàn. Cái thời ấy, đâu đâu cũng vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất. Lính tráng cầm súng mà cứ lăn lưng ra như anh thợ cày, như ông nông dân chính hiệu.
Thời ấy, “lụt Bắc lụt Nam, giặc tràn biên giới”, dân đói mà quân cũng đói. Đơn vị tôi ăn bo bo thay cơm. Bo bo là mì hạt loại xấu, nước ngoài dùng để chăn nuôi, nghe nói nhập từ Ấn Độ về. Bữa đầu ăn còn thích, thích do tò mò, lạ miệng; nhưng vài hôm sau thì uể oải ăn, nhọc nhằn nuốt. Ăn hết đợt bo bo thì ăn cơm nếp. Chẳng hiểu sao đất nước mình trù phú có hai châu thổ lớn, hai vựa lúa khổng lồ mà thiếu gạo? Nghe nói gạo nếp nhập từ Trung Quốc, bảo quản kém nên nhiều hạt đã ngả màu vàng, nấu ăn nhạt thếch. Ăn cơm nếp một hai bữa còn chịu được chứ ăn cả tháng thì thằng lính phàm ăn nhà quê nào cũng lắc đầu lè lưỡi. Rất có thể ông chính ủy lữ đoàn nhập ngũ từ thời chống Pháp đã qua quá nhiều đận đói nên lo xa vừa đánh giặc vừa tăng gia sản xuất.
Từ tháng 9/1977, Pol Pot đã tiến hành chiến tranh với quy mô ngày càng lớn, và tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, có nơi tới 20km ở Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành - tỉnh Tây Ninh. Kinh hoàng nhất là đêm 24 rạng 25/9/1977, Pol Pot điều hai sư đoàn, một trung đoàn và quân địa phương vùng 20, 21, 23 tấn công ồ ạt hai huyện Tân Biên và Bến Cầu. Làng mạc bị đốt cháy. Trâu bò, người bị sát hại một cách dã man. Chỉ riêng xã Tân Lập, huyện Tân Biên đã có 506 người dân bị giết, 135 người bị thương, có 20 gia đình bị sát hại.
Ở mạn Phước Tân, tình hình biên giới cũng nóng bỏng. Tình cờ bố mẹ Binh nhất Nguyễn Mạnh Phơn quê Ninh Bình và Binh nhất Phạm Văn Liên quê Nam Định cơm đùm cơm nắm lặn lội gần 2000 cây số, ngược rừng rú đường biên thăm con. Bố mẹ con cái gặp nhau nơi đồn biên phòng giữa rừng xanh núi đỏ, mừng mừng tủi tủi. Được một thời gian ngắn, xung đột càng căng thẳng, dự tính quân Pol Pot sẽ đánh bất cứ lúc nào, cán bộ nghĩ cách nói khéo để các bậc phụ huynh rời đồn nhanh, về Bắc sớm, tránh hòn tên mũi đạn. Hai anh lính trẻ xin phép đơn vị đưa bố mẹ xuống thị xã Tây Ninh đón xe về quê. Một số anh em xì xào, rỉ nhau: “Chúng nó theo bố mẹ tếch ra Bắc rồi. Không trở lại đồn đâu.” Nhưng mọi đồn đoán đều sai bét. Sau khi tiễn chân bố mẹ lên xe, hai anh lính trẻ lập tức đi nhờ xe, chạy bộ về đồn đúng lúc đơn vị đang phát vũ khí, vào vị trí chiến đấu. Đêm, quân chủ lực Kh’mer Đỏ được pháo binh yểm trợ, ào ạt tấn công Đồn biên phòng Phước Tân, để dọn đường kéo xuống đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Binh nhất Nguyễn Mạnh Phơn đã hi sinh anh dũng ngay trận đầu tiên ở chốt Gò Mô sát biên giới, đúng lúc bố mẹ anh mới về đến Sài Gòn. Mười ngày sau, Binh nhất Phạm Văn Liên cũng hi sinh ngay công sự tại cổng đồn trong một trận lính áo đen Pol Pot tập kích. Bố mẹ các anh không bao giờ nghĩ lần gặp con mình ở đồn cũng là lần chia tay vĩnh viễn.
Cuối năm 1977, nhiều đơn vị chủ lực của ta ở biên giới Tây Ninh đã đẩy địch dạt về đất Campuchia. Có đơn vị của quân đoàn tôi truy kích lính áo đen từ Mộc Bài qua Bavet tới tận Chi Phu, rượt chúng theo dọc Quốc lộ 1 tới khu vực cầu Prasot. Đi đến đâu cũng thấy phum sóc của người Kh’mer hoang tàn, vườn đầy cỏ mọc, nhà không bóng người ẩm thấp, rêu phong khắp ngõ. Kh’mer Đỏ đã dồn hết dân vào khu lao động khổ sai. Khi quân ta truy kích địch, các công xã Kh’mer vỡ ra. Dân mừng vui trào nước mắt, từng đoàn từ Chi Pu, Pô Pet theo Quốc lộ 1 đến Bavet về rừng Sở, sang khu vực cửa khẩu Mộc Bài của đất ta tị nạn. Những tháng năm này, chiến sự biên giới Tây Nam cứ nhùng nhằng, thụt thò, nhô lên - lùi lại, lùi lại - tiến lên, quân Pol Pot đánh nống sang đất ta, ta đánh lại đẩy dạt địch về đất nó, truy kích... địch cả tháng rồi lại rút quân về nước.
Năm 1978, chỉ trước ngày đổi tiền hai tuần, quân Kh’mer Đỏ lại tràn sang đất ta, càn quét vùng Ba Chúc - An Giang, hoành hành cướp bóc, tra tấn, bắn bỏ, chém giết dã man hơn 3000 người dân thường vô tội. Ông chính ủy lữ đoàn thông báo thời sự cho đơn vị, giọng lúc sôi nổi quyết liệt biểu hiện lòng căm thù quân Pol Pot dã man, lúc trầm xuống xót xa khi kể về những cái chết thương tâm. Lúc ấy, tôi vẫn nhớ cả hội trường lặng người nghe ông chính ủy tường thuật vụ thảm sát Ba Chúc. Một cuộc phát động quyết tâm lên đường tiêu diệt quân Kh’mer Đỏ bảo vệ lãnh thổ và đồng bào của đơn vị diễn ra ngay sau buổi thời sự Tình hình biên giới Tây Nam. Khí thế bừng bừng. Không lo lắng. Chẳng sợ hãi. Sĩ quan đã qua chiến tranh chống Mĩ, lính trẻ mới nhập ngũ chưa tròn năm cũng hào khí hừng hực chỉ muốn cầm súng lên đường biên ngay.
Vậy mà, ông chính ủy vẫn còn đủ điềm tĩnh để giao nhiệm vụ cho các đơn vị vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tranh thủ tăng gia sản xuất. Ông chính là một mẫu mực về bản lĩnh sắt đá của người chỉ huy nhìn xa trông rộng, thật diệu kì. Trừ ba tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu, còn đại đội công binh, đại đội thông tin và lữ đoàn bộ đều mượn đất của dân trồng lúa. Đơn vị tôi cũng kịp xin được hơn chục công đất bên sông Vàm Cỏ Đông. Thuê dân cày bừa, mạ mua của dân, rồi bộ đội ai trực chiến thì trực còn lại cuốc góc, be bờ, thay nhau giăng hàng còng lưng… cấy. Sau mới vỡ ra, đơn vị kéo quân đi đánh Pol Pot, nhưng vẫn cử lại một tổ hậu cần để trông nom, chăm sóc, thu hoạch. Cho nên, khoai sắn, gạo mới thu hoạch từ chỗ tăng gia ùn ùn chở sang chiến trường K phụ thêm cho bữa cơm người lính ngon miệng no bụng, cầm súng chắc tay mà đánh địch…
Buổi trưa, gió hiu hiu thổi, tôi ngủ vật vờ ở nhà dân. Lúc sau chợt tỉnh, tôi thấy ông chủ nhà bưng ra một rổ tiền kim loại với các mệnh giá khác nhau. Khi ấy, khoảng giữa tháng 5/1978, mới đổi tiền được hai tuần. Lòng chợt nghĩ đến cái sự giàu có của người điền chủ bên sông Vàm Cỏ Đông, mà tôi vẫn chưa biết tính toán so đo với đồng lương nhà binh còm cõi của mình. Vô tư thế. Ông điền chủ nhặt tiền đưa cho một người đàn ông tầm ba mươi tuổi tóc xoăn, da ngăm đen, chân thương tật bước đi hơi lặc. Giơ tay đón một vốc tiền kim loại, người đàn ông đi ra lán ngoài ruộng.
Ông điền chủ bảo:
“Tên nó là Kro Bây người Kh’mer tị nạn đấy. Tui vừa bảo nó trả tiền công cày bừa cho thợ làm mướn.”
Một loáng đã thấy Kro Bây trở lại nhà. Tôi giật mình nhìn thấy một con chó trần trụi không mọc cái lông nào, da đỏ au, mắt đỏ đòng đọc xệnh xạng đi theo anh ta.
Ông điền chủ bảo:
“Chó của Kro Bây vào nhà tránh nắng đấy.”
Tôi trố mắt ngạc nhiên, hỏi:
“Kro Bây, sao con chó trụi lông thùi lụi thế?”
Giọng lơ lớ, không sõi tiếng Việt, Kro Bây giải thích, tôi nghe không hiểu. Ông điền chủ bảo:
“Nó nói là do con chó ăn thịt người đấy.”
Tôi càng ngạc nhiên hơn. Ông điền chủ kể:
“Chú bộ đội không biết đâu. Lính Pol Pot nghi cái phum của Kro Bây thân Việt Nam. Chúng kéo đến tàn sát. Kro Bây và một số người chạy thoát được. Tui là người cưu mang từ lúc nó chạy sang Việt Nam. Sang Việt Nam, nhưng nó vẫn nhớ bố mẹ và các em. Một buổi tối, nó trốn tui quay trở lại Campuchia. Chiều tối hôm sau thấy nó trở lại nhà tui, ôm con chó trụi lông, da đỏ au nầy.”
Kro Bây nằm võng đung đưa, ngóc đầu nói đế vào một tràng dài, tôi nghe vẫn không hiểu. Ông điền chủ bảo:
“Nó nói cửa nhà cháy hết. Bố mẹ, anh em nó cũng chết hết. Phum sóc thành bãi đất hoang không người, còn mỗi con chó nhà nó sống sót đói quá ăn cả thịt người, thịt đồng loại chết đấy. Nó bảo, con chó trụi lông thấy nó về, ngoáy đuôi mừng rỡ, mãi nó mới nhận ra.”
Tôi nghe sởn gai ốc. Thông báo chính trị, ông chính ủy lữ đoàn kể về sự dã man, độc ác giết người như thời trung cổ của Kh’mer Đỏ, nhưng đốt phá, tàn sát đến mức cả phum thành tro bụi, người chết người chạy thoát, chỉ còn một con chó sống sót phải ăn thịt đồng loại, ăn xác người do bản năng tồn tại thì lần đầu tôi được nghe. Tôi linh cảm được bọn Kh’mer Đỏ - kẻ thù mà chúng tôi buộc phải chống lại không còn là giống người, chúng khác với đối phương của thế hệ cha anh trước đây đã cầm súng.
Ở đây chúng tôi gọi ông chủ nhà là ông Hai.
Ông Hai là lính đánh Mĩ, sau ngày 30/4, ông “rửa đao gác kiếm”, về làm điền chủ của gần trăm công đất. Thời trai trẻ, bước chân ông dọc ngang khu Mỏ Vẹt - Ba Thu vùng giáp ranh Tây Ninh và tỉnh Svay Riêng - Campuchia. Cánh đồng hoang mênh mông, nước phèn. Những đám bùng nhùng liên kết từ mùn, cỏ cây lẫn bùn lầy. Cư dân ở “cánh đồng chó ngáp” chủ yếu là muỗi. Muỗi bay loạn xạ, vã vào người như vã trấu. Nhưng hãi sợ nhất là dằm cây lông cỏ, chúng làm da chân da tay xước sát, sát xước chỗ nào mưng mủ chỗ đó.
Ông điền chủ bảo:
“Tui đã từng là đồng đội các chú. Các chú tin tui đi. Tụi Pol Pot nó đánh mình từ năm 1970, chớ đâu phải bây giờ. Đơn vị tui đóng ở Bavet tỉnh Svay Riêng, trong Mỏ Vẹt ấy. Có đêm gần sáng, tụi nó tập kích vào chỗ mình đóng quân, đánh nhau một hồi, nó rút chạy để lại mấy xác chết. Sáng trắng nhận ra xác lính Kh’mer Đỏ. Đơn vị cử người sang đơn vị nó làm rõ trắng đen, nó bảo đánh nhầm. Đánh nhầm mà lính mình cứ đi công tác lẻ là bị dao quắm chém lả gáy.”
Tôi bảo:
“Cháu cũng nghe mấy anh lớp trên trong đơn vị kể: Từ Chiến dịch Chenla I năm 1970, lính Khmer Đỏ đã quay súng đánh bộ đội giải phóng mình, cướp súng đạn, quân tư trang rồi. Các anh ấy còn nói lính Kh’mer Đỏ hoang dã, tàn ác lắm, còn sợ hơn lính Lon Nol.”
Ông điền chủ thở dài:
“Thì thế. Đơn vị nào cũng bị lính Kh’mer Đỏ giấu mặt giết ngầm.”
Cuối chiều, những rảnh mạ cuối cùng đã cấy xong, mấy thằng lính trẻ chúng tôi ùa mình xuống sông Vàm Cỏ Đông tắm táp trước khi về đơn vị. Sông Vàm Cỏ Đông, người xưa gọi là sông Quang Hóa, hoặc Cái Cay, hay Khê Lăng. Sông bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp, nguồn chính từ tỉnh Prey Veng - Campuchia, qua phía bắc mang tên Prek Kampong Spean, chảy vào nước ta tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Sông chảy ngoằn ngoèo như dải lụa qua Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng kịp kết thúc thủy trình khoảng 98km, chảy thêm 6km làm ranh giới hai tỉnh Tây Ninh - Long An. Sông đổ vào địa phận tỉnh Long An qua Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước trọn một thủy trình 86km, rồi cùng người anh em… sông Vàm Cỏ Tây tạo thành sông Vàm Cỏ đổ vào sông Soài Rạp để đi ra biển Đông. Vàm Cỏ Đông, con sông thơ, con sông huyền thoại và sử tích. Sông chứng kiến những cuộc binh đao, sông chứa chất trong lòng bao thăng trầm, buồn vui và tâm sự thầm kín mà chẳng nói nên lời. Nước sông trong xanh, mát rượi, mơn man da thịt chúng tôi sau một ngày bùn đất. Bơi lội. Vẫy vùng. Té nước. Chúng tôi thỏa thuê vui đùa trên sông nước Vàm Cỏ Đông. Vài chiếc vó kéo cá khổng lồ trễ nải, hững hờ buông xuống mặt nước như không biết chiến tranh đang đì đùng ở đường biên. Một người đàn ông cầm chĩa phóng xuống sông bắt tôm càng xanh. Mấy chị bơi thuyền bứt lục bình về chấm mắm kho ăn. Những chòm cây thốt nốt vòi vọi in bóng lên bầu trời xanh. Đó đây, những con chim xanh chao liệng không biết mỏi, soi mình trên mặt nước.
Bên sông Vàm Cỏ Đông bình yên quá! Dường như chiến tranh còn ở đâu đó, xa vời vợi. Vậy mà, chỉ ít phút sau tôi đang bơi thì quờ tay phải tấm vải mỏng. Không, là cái xà rông. Tôi quờ tay lần nữa thì cảm thấy tay vừa chạm vào cái gì trơn tuột như da thịt đàn bà. Không dám quờ tay nữa, tôi ngóc đầu lên cao nhìn. Một người phụ nữ nằm ngửa, mặt biến dạng, tóc cắt ngắn, bụng trương sình, mặc xà rông cũ có nhiều hoa văn cổ.
Tôi nháo nhào sải tay bơi vào bờ. Mấy thằng bạn lính cũng nháo nhào bơi theo. Ông điền chủ đã đứng trực sẵn trên bờ nhìn đám lính trẻ mặt đẫm nước nhợt nhạt, ông cười bình thản:
“Có chi đâu mà. Tháng nào chả có xác người trôi sông.”
Tôi bảo:
“Cháu quờ tay phải cái xà rông.”
“Người Kh’mer đấy. Quân Pol Pot nó giết đồng bào, rồi quẳng xác xuống kinh rạch cho cá sấu ăn. Cá sấu ăn không hết, xác người trôi ra sông Prek Kampong Spean, trôi về Sông Vàm Cỏ đất mình. Có chi lạ.”
Chúng tôi trố mắt nhìn miệng ông điền chủ.
“Từ năm 1975 lận, tui đã thấy xác người Kh’mer trôi về sông này, chứ đâu phải bây giờ. Cả cột nhà cháy, cả đồ thờ tự nữa. Việt kiều mình chạy loạn về nước, cả người Kh’mer cũng chạy sang bên mình tị nạn. Dọc đường biên, phum ấp bị quân Pol Pot đốt cháy dữ lắm. Tháng trước, pháo tầm xa của quân Pol Pot còn bắn sang tận Gò Dầu. Tui đang lo bọn Pol Pot đánh thốc sang, vượt sông này chiếm thị trấn Gò Dầu đấy. Tui đã tưởng được sống những ngày bình thường, được làm người nông dân bình thường, vậy mà lại phải đánh nhau với cái thằng trước đây từng là bạn của mình. Nó dùng đủ mọi cách để ám hại mình. Cái thằng Kro Bây này cũng đã từng ỉa đái xuống sông Prek Kampong Spean cho nước bẩn chảy vào nước mình, đầu độc sông Vàm Cỏ Đông đấy.”
Người đàn ông tóc xoăn đang ngồi ở bờ sông, đứng phắt dậy đi vài bước rồi quay đầu lại, miệng thao tháo nói, vẫn cái giọng ngọng nghe chẳng hiểu gì. Ông điền chủ bảo:
“Nó nói, biết thế không kể cho tui nghe nữa. Nó bảo tui nói với bộ đội Việt Nam là do lục thum bắt cả đơn vị nó, ăng ka bắt dân nó sắp hàng ị đái xuống sông, quẳng cả xác người, xác gà vịt chó mèo xuống sông cho trôi về Việt Nam, chứ nó đâu có muốn làm.”
Tôi cố bụm miệng, không dám cười. Hóa ra, bọn Pol Pot chẳng từ một thủ đoạn nào để xâm hại Việt Nam, kể cả trò trẻ con thù vặt và bẩn tính. Lúc này, đám lính trẻ chúng tôi mới thấy sợ ghê người. Không còn thấy dòng sông Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc” nữa. Xa xa phía mặt trời sắp lặn, những cây thốt nốt đã bắt đầu đen thẫm. Tiếng đại bác uỳnh oàng phía đường biên. Một vùng chết chóc đau thương.
Chúng tôi, đứa thì đi bộ, đứa thì đạp xe đạp mượn của dân vội vã trở về đơn vị. Đứa nào đứa nấy nhào đến bên giếng khơi, thả gầu múc nước dội ào ào lên đầu lên thân cho sạch cái nước sông ngấm xác chết lúc cuối chiều.
Chiều tối, chúng tôi ăn cơm sớm tiếp các nghệ sĩ Đoàn ca múa Bông Sen đến đơn vị phục vụ. Đây chính là Đoàn ca múa giải phóng thời còn ở miền, R. Dạo ấy, cánh lính trẻ chúng tôi khi xem tivi cứ há hốc miệng nghe như nuốt từng lời ca sĩ Quốc Hương hát Tiểu đoàn ba lẻ bảy và ca sĩ Tô Lan Phương hát bài Nhạc rừng. Có chàng lính trẻ đang ăn cơm, thấy Tô Lan Phương hát còn bưng cả bát chạy đến trước tivi. Tô Lan Phương vừa trẻ đẹp, vừa hát hay. Lính trẻ xa nhà mỗi lần nghe chị hát xong cứ ngẩn ngơ, không ít chàng sờ tay vào màn hình cố chạm vào má chị. Vậy mà, khi Quốc Hương và Tô Lan Phương hiện ra bằng da bằng thịt rõ mồn một ngay ở đơn vị, thì các chàng lính trẻ cứ thậm thụt, e dè đứng từ xa ngắm nhìn.
Sau khi tiễn các nghệ sĩ Đoàn ca múa Bông Sen xuống tiểu đoàn biểu diễn, tôi ngồi uống nước với Đại úy Phạm Ngọc Miện - Trưởng ban tổ chức Lữ đoàn. Anh Miện từng là chính trị viên tiểu đoàn kì cựu thời chống Mĩ bảo:
“Tớ xem ra tình hình đang nóng lắm. Thanh niên xung phong lên biên giới rồi. Đến các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, rồi văn công cũng lên biên giới.”
Tôi bảo:
“Vâng. Chả mấy chốc phải làm trận cuối cùng, chứ không thể nhì nhằng mãi”.
Anh Miện bảo:
“Tớ xem ra cậu điểm xạ chưa ổn, thỉnh thoảng vẫn bắn tắc cú.”
“Dạ. Vâng.”
“Còn phải tập nhiều.”
“Dạ. Vâng.”
“Chúng ta đóng quân ở đây vẫn trong tầm bắn của pháo địch. Cậu nhớ cho tôi, khi đại bác của bọn Pol Pot câu sang, nếu nghe được tiếng nổ đầu nòng “ku…um, ku…um, ku…um…” rồi “xoẹt”, cuối cùng là “go…ành”, thì lập tức phải nằm ngay xuống đất, nằm lên cứt đái hay tổ kiến cũng nằm. Rồi liếc quanh thấy ổ voi, ổ trâu hay chỗ trũng thì lăn đến, mà tránh mảnh đạn pháo.”
“Dạ. Vâng.”
“Còn nếu nghe tiếng trái đạn bay như huýt gió, có nghĩa là nó bay qua đầu mình rồi mới nổ, cứ điềm nhiên mà đánh cờ, hoặc nằm võng, hay đứng đái nhé.”
“Dạ. Vâng.”
“Nhưng mà, địch nó mà bắn pháo bầy, một lúc mấy trận địa pháo cùng bắn ấy, thì dù thức hay say sưa trên võng, cứ nghe đạn pháo rít là phải lật sấp người rơi xuống đất, rồi nhào xuống hầm trú ẩn hoặc vũng trũng mà nấp, như một phản xạ tự nhiên ấy, nghe rõ chưa?”
“Dạ. Vâng.”
Kinh nghiệm chiến trường của người đi trước là xương máu, không nghe chỉ có thằng đần. Tôi đang dạ vâng ngoăn ngoắt, thì chú Ba chủ nhà bưng sang lán dã chiến bọn tôi ở, cho một rá xôi sắn. Chúng tôi quây quanh rá xôi, ồn ào chuyện, ồn ã cười. Nhưng, cuộc vui “ngắn chẳng tầy gang” thì lính áo đen từ bên kia biên giới câu đạn đại bác đến. Bắt đầu là tiếng đề pa từ xa xa “cu… ùng, cu… ùng, cùng…” rồi “xoẹt”, cuối cùng là “go…ành”... Không ai bảo ai, tất cả đều lăn người ra, nằm ệp xuống. Rồi lăn tiếp xuống hào giao thông, chạy đến hầm trú ẩn. “Cu…ùng, cu…ùng”, “xoẹt”… “goành”. Ôi trời! Bài học chưa khô mực, tôi mới vừa nhập tâm thì được thực hành ngay. Liên tục những tiếng nổ chát chúa rất gần, như xé rách màng nhĩ. Mảnh đạn bay veo véo phạt đứt lá thốt nốt, đốn gục những cây hóp đá. Những trái pháo bay rít chói tai, tiếng nổ “go…ành”, “go… ành” làm hầm trú ẩn rung lên, đất rơi lả tả lên đầu, lên vai. Có dễ đến gần hai chục phút tiếng đại bác mới im. Hóa ra, cùng lúc đó, bọn Kh’mer Đỏ không chỉ nã pháo vào thị xã Tây Ninh mà còn câu pháo sang Gò Dầu. May mắn chúng tôi không tổn thất, nhưng đơn vị bạn đóng quân bên cạnh bị cháy một xe tải, mấy chiến sĩ bị thương, một số nhà dân bị cháy.
Một góc lán dã chiến bày tranh kí họa Người lính ở biên giới Tây Nam bị cháy. Cũng may, pháo vừa dứt thì lính ta xông vào dập lửa, chỉ vài ba bức họa cháy dang dở. Đó là các tác phẩm của đoàn sinh viên mĩ thuật Trường Cao đẳng Mĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn có 5 người, nhiều tuổi nhất là cô gái hai mươi ba mùa xuân tóc cắt ngắn ngang vai, trẻ nhất là cậu bé 13 tuổi mặt non búng sữa. Họ đi xe đò từ Sài Gòn xuống Gò Dầu, rồi bắt xe ôm vào đơn vị tôi trình giấy giới thiệu. Ông Đại úy Chủ nhiệm Chính trị bảo: “Các cháu phải xuống trận địa. Ở đây không có gì đáng vẽ đâu. Mà các cháu có sợ Pol Pot không?” Cô gái đoàn trưởng tóc ngang vai, nước da trắng hồng, mặt trái xoan xinh xắn, bảo: “Nếu sợ thì chúng cháu đã không đến đây.” Vậy là xuống trận địa. Một tuần sau thì có tranh, toàn tranh kí họa. Một tháng sau thì treo tranh ở lữ đoàn bộ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Gò Dầu đến xem. Có một bức kí họa hình ảnh trận địa pháo cao xạ, có cây thốt nốt mọc ngay ở thành công sự. Tôi bảo cô họa sĩ tóc ngắn ngang vai, nắng gió biên ải đã kịp nhuộm nước da nâu giòn: “Máy bay có thể đến từ bốn phương tám hướng. Em bắt cây thốt nốt đứng chặn đường quay của nòng pháo thế này, thì bắn thế nào được?” Cô họa sĩ ngẩn người ngạc nhiên. Tôi giải thích thêm cho cô hiểu về góc bắn, hướng bắn, tầm bắn…, cô giật mình, bảo: “Em thật kém cỏi. Đi thực tế mà không chịu quan sát, hỏi han tỉ mỉ. Tranh vô lí, xa rời hiện thực quá.” Rồi ngượng ngùng, cất bức kí họa đi. Các sĩ quan và lính tráng đứng xem nữ họa sĩ trẻ với con mắt đầy cảm thông, thương mến. Những ngày tiếp theo, đoàn sinh viên cao đẳng mĩ thuật thành phố đến một số tiểu đoàn, xuống tận trận địa bày tranh cho bộ đội xem. Người nghệ sĩ đã trở thành chiến sĩ, chỉ vài tuần ở biên giới mà họ chững chạc, tự tin, và mạnh mẽ, mất hẳn đi cái vẻ mặt trắng học trò. Năm tháng thời gian đã qua, rất có thể có bạn sinh viên mĩ thuật ngày ấy đã trở thành họa sĩ tên tuổi, chẳng biết các bạn ấy còn nhớ những ngày đi kí họa trong tầm đại bác ở biên giới Gò Dầu, Mộc Bài - Tây Ninh nữa không?
Đoàn ca múa Bông Sen cũng chẳng hề hấn gì trong trận pháo kích này. Khi Đoàn đang thắp đèn măng xông, hóa trang, thì pháo bắn vọt qua đầu. Đèn đóm tắt hết. Im ắng một hồi. Pháo địch không bắn nữa, thì lại sáng đèn. Lính ta lại được xem múa Tiếng chày trên sóc Bom Bo, nghe Tô Lan Phương hát Nhạc rừng và Quốc Hương hát Tiểu đoàn ba lẻ bẩy… Buổi biểu diễn rồi cũng trót lọt. Các nghệ sĩ cũng ra trận như chúng tôi, họ hát ngay trong tầm đại bác.
Cùng thời gian này, Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7 đang phản kích quân Pol Pot sang tận ngã ba Cốc, làng Kokixom. Trung đoàn phó Phạm Văn Thức đi xuống Tiểu đoàn 3 đốc chiến, vẫn lối mòn đã đi, anh đạp phải mìn, bị thương, quân đoàn phải điều một máy bay trực thăng từ Tân Sơn Nhất lên Sở chỉ huy Trung đoàn đưa anh về bệnh viện tuyến trên. Ống chân trái của anh phải cưa cụt. Bộ đội chốt ở ngã ba Cốc mỗi ngày thương vong từ 20 đến 30 người. Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt.
Chiến tranh không còn ở các phum làng dọc đường biên, và các đồn biên phòng mà đã lan sâu vào đất liền cả Việt Nam - Campuchia, có nơi sâu đến 20km. Lửa đã cháy và súng đạn đã nổ suốt dọc biên giới Tây Nam rồi. Chỗ nào cũng nóng bỏng, căng thẳng, căng nén, như cái lò xo gắn mũi tên đang ép chặt, chỉ chờ nó bung ra là phóng thẳng đến Phnom Pênh…
*
* *
Gần chục năm trôi đi, sau những ngày chiến chinh dọc đường gió bụi, lúc ở biên giới, khi vào phố xá Phnom Pênh, lúc ở những cánh rừng Âm leng, U đông khô khát, rồi về nước đi học, chuyển nhiều đơn vị tôi mới trở lại bên sông Vàm Cỏ Đông. Sông vẫn đó mà người xưa không còn. Chú Ba chủ nhà cũng đã mất, dãy tre xanh rờn đã mọc trên chỗ hai cái hầm dã chiến nửa chìm nửa nổi ngày xưa. Người đàn ông Kh’mer tóc xoăn, chân hơi lặc chắc đã về lại Campuchia sống cuộc đời mới. Ông điền chủ đã mất bởi bệnh tật, bởi thương tích chiến tranh.
Sông Vàm Cỏ Đông vẫn xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng. Một vùng biên mậu sáng lên cùng nền kinh tế thị trường khởi sắc. Cầu Gò Dầu cũng khác xưa, khác đến mức người ta xây mới cầu Gò Dầu 1 và cầu Gò Dầu 2 bắc song song qua sông, thay đổi đến mức dân trong vùng còn gọi là cầu Xóa Nợ. Xóa nợ là bởi bên này là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, bên kia là cửa khẩu Bavet nhộn nhịp, sầm uất. Casino san sát mọc lên ở Bavet, tấp nập, dập dìu, sát phạt đỏ đen. Dân cờ bạc Sài Gòn, miền Đông, miền Tây qua cửa khẩu Mộc Bài sang Bavet nước bạn tính cuộc đổi đời. Người ít tiền thua ít, người nhiều tiền thua nhiều. Mười người sang Bavet chui vào sòng bạc, chín người cháy túi. Trở về, qua cây cầu dài hơn 300m mới thấy đoạn trường, đen đủi, nợ nần chồng chất. Tiếc tiền bạc, giận mình hận đời, tuyệt vọng, nghĩ quẩn, có người nhảy xuống sông Vàm Cỏ Đông chạy trốn món nợ khốn cùng.
Ngày ấy, bên sông Vàm Cỏ Đông, những đoàn quân rùng rùng qua cầu Gò Dầu căng mình ra bảo vệ biên giới và giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pol Pot. Bao nhiêu người lính đã đi qua sông, đi qua cây cầu, bao nhiêu người lính không về? Buồn vui cứ lẫn lộn trong tôi…
S.N.M
VNQD