. HUY PHẠM
Tôi sợ bị ba tôi phạt, sợ bị đánh đòn. Đương nhiên rồi, không ai thích vậy hết. Ba tôi thường làm cho mọi thứ trở nên long trọng đình đám, mặc dù sau cùng tôi chỉ ăn bốn năm roi thôi. Tưởng chừng đơn giản, thế nhưng cách đánh quan trọng hơn cú đánh. Ba tôi sẽ ngồi nói rất lâu về tội lỗi của tôi, phân tích những sai trái tồi tệ mà tôi gây ra, làm cho tôi suy nghĩ ân hận, ăn năn hối cải. Kiểu như có thật nói dối tác hại ghê gớm đến thế không? Hay thế giới có bị diệt vong không nếu tôi bỏ qua bài tập về nhà? Trong lúc tôi đang suy nghĩ, bỗng nhiên ngọn roi bổ xuống “chát” một cái đau điếng, rồi lại tiếp tục những lí lẽ lê thê, thành ra chỉ vài roi nhưng giờ đánh đòn có khi kéo hơn nửa tiếng. Khoảng cách giữa hai roi với nhau thật dài. Những lỗi lầm tôi mắc phải thường lặp đi lặp lại, ít khi có lỗi mới nên chương trình của ba tôi càng về sau càng tẻ nhạt.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Sau này ba tôi nghĩ đến hình thức khác nhẹ nhàng hơn, không cần phải động thủ nữa. Hình phạt sẽ là đọc hết một quyển sách mới được bước ra ngoài. Có những quyển dày thật dày, cứ vài trang tôi lại so đo ước tính xem khi nào mình mới hoàn thành. Cuối cùng tôi rút ra kết luận, chờ đợi chính là chuyện đáng buồn nhất. Ngọn roi không gây ra đau đớn, quãng thời gian chờ nó đến mới đau đớn. Đọc sách cũng không chết, đọc hoài không hết mới chết. Tôi thường không biết phải làm gì đến khi cái roi bổ xuống, hay số trang sách chưa đọc mỏng dần đi...
Trong những ngày không được ra ngoài tôi chỉ có một hi vọng duy nhất. Ba tôi không thể vì chưa hoàn thành hình phạt mà không cho tôi đến trường. Thế nên vào sáng sớm, khi những tia sáng đầu tiên lọt vào phòng, tôi thủng thẳng rửa mặt, nhẹ nhàng chuẩn bị quần áo, rón rén nhón chân đi từ phòng khách ra ngoài sân, từ từ mang dép, chậm rãi băng qua cái vườn nhỏ xíu, nhìn những bông hoa của dì tôi mới nở, bình tĩnh mở chốt cổng sắt, chạy vù đi như một cơn gió ra khỏi con hẻm cụt. Tới đầu đường lớn, tôi nhảy thật cao, vung tay gào lên sảng khoái “Ahhhhh...” Bởi vì nếu chậm chân, rất có thể mẹ tôi sẽ bắt tôi lại, chờ đến sát giờ học mới được ra khỏi nhà. Khi đã thoát rồi, tôi có thể nhìn ngắm bên ngoài, hưởng ánh sáng tự do, bầu không khí náo nhiệt vui vẻ của buổi sớm mai trong trẻo.
Con đường đến trường tiểu học của tôi là con đường đẹp nhất thế giới. Hồi đó thế giới hơi nhỏ, chỉ từ ngôi nhà cũ kĩ tôi sống chung với ba mẹ và gia đình người dì, ra cái hẻm ngắn ngủn phía trước, đi thẳng đến con đường đầy cây xanh, băng qua chợ Kiến Thiết, quẹo vào đoạn gồ ghề đất đỏ, đến trường. Cả hành trình lặp đi lặp lại hàng ngày này, đoạn đi ngang chợ hấp dẫn hơn cả. Đó là khu chợ của cư xá. Tôi sẽ đi thật chậm, nhìn nhà cửa, hàng quán, bánh trái… Tôi thích nhìn món ăn, đó là một nghi thức mà tôi sẽ làm cẩn thận trước khi quyết định mình sẽ ăn gì. Sau khi tham khảo hết tất cả các loại bún, hủ tíu, phở… lúc nào tôi cũng quyết định ăn xôi. Món xôi thần thánh trứ danh trong cư xá.
Bà bán xôi và tôi thân thiết từ lâu, nhưng tôi không biết tên bà, cả khu chợ gọi bà là Xôi đơn giản vì bà bán xôi. Phong thái của bà đặc biệt, chưa từng có người thứ hai như thế trên đời. Đầu tiên, bà trải miếng lá chuối ra, bốc một phần xôi chính bỏ vô giữa, bà bôi miếng xôi này thật rộng, trông như đây sẽ là một gói xôi khổng lồ. Sau đó bà nhìn vào mắt tôi, hiền từ chậm rãi: “Bà lấy cho con thêm chút nữa nhe.” Tiếp theo, bà cầm một cục xôi nhỏ bỏ vào cho tôi, khi thu tay về bà ngắt bớt hơn phân nửa, để lại thau của mình. Bà Xôi lặp lại chừng chục lần như vậy, gói xôi vẫn y nguyên, không to hơn chút nào. Tại sao bà Xôi lại làm thế? Đơn giản đó chỉ là niềm đam mê của bà. Khách khứa lúc này đứng nhìn trong ức chế căng thẳng. Tôi cũng sốt ruột không kém. Sau khi bà Xôi thỏa mãn thú vui bốc tới bốc lui của mình, lúc cuộn lại, gói xôi trông khiêm tốn, nằm lọt thỏm giữa miếng lá chuối to như bản đồ thế giới, lúc mở ra tôi có thể nhìn thấy nước Mĩ, nước Nhật, Việt Nam và cái chợ Kiến Thiết bé xíu trong đó. Rồi ngay lập tức, tôi đắm chìm trong mùi xôi dìu dịu lá dứa, vị ngọt thanh thanh của nếp, của đậu, chút béo của dừa và sau cùng là cảm giác thèm thuồng như thể mình ăn chưa đủ, mình còn thiếu rất nhiều, mình muốn ăn nữa, ăn nữa… Có thể nói, đây là gói xôi say đắm lòng người, hình thức lạ, trình bày đẹp mắt theo phong cách Nhật. Dì tôi gọi đó là gói xôi Bonsai.
Trường tôi cũng nhỏ như gói xôi, nằm trên con đường hẻo lánh ít người qua lại, một phần vì đường xấu và quá gồ ghề, nhiều ổ gà bụi mù mịt. Mỗi khối có hai lớp, bọn tôi biết hết nhau. Giờ chơi, sân trường quá nhỏ không đủ cho những đôi chân hiếu động. Đám con trai cá biệt sẽ nhảy qua cái hàng rào đổ dài từ lâu, chạy ra bên ngoài. Đó là những đứa ngỗ nghịch, đầu gấu. Tôi phóng ra ngoài theo. Tôi không ngỗ nghịch đầu gấu, tôi nghĩ tôi chỉ hơi phá phách một chút, cũng thuộc dạng một bộ phận nào đó, có thể gọi là đít gấu. Tôi theo bọn kia vì nếu tôi tỏ vẻ sợ hãi, bọn nó sẽ coi thường tôi. Bọn bạn đầu gấu đại ca phấn khích dẫn đít gấu đi khắp nơi, vòng ra căng tin, đi sâu vào con hẻm bên trong, xuyên thẳng tít ra con đường lớn. Có hôm bọn tôi đi xa đến nỗi không còn nghe được tiếng trống trường nữa. Lúc quay về, mọi thứ im ắng như một cái bẫy, sân trường vắng ngắt. Hội nhà gấu rón rén đến trước cửa lớp nhìn vào, cảm giác thật lạ lẫm so với việc ngồi bên trong.
Vừa khi tôi còn bỡ ngỡ, cô giáo ra mời bọn tôi vào, nhân tiện tuyên bố mỗi em ba roi. Nghe mới hụt hẫng làm sao. Ba roi đối với tôi hơi dưới sức, quá ít. Ở nhà, tôi và mấy đứa em họ thường ăn một lúc năm roi, như vậy mới đủ liều lượng. Ba roi dường như chỉ dành cho những đứa mới chập chững, lần đầu bị đòn trong đời, nó thiếu một chút đẳng cấp, một chút từng trải. Bị đòn ba roi giống như vừa bị đánh, vừa bị thương hại, chẳng còn mặt mũi nào. Năm roi dữ dội hơn, gai góc hơn, chỉ dành cho những tay lão luyện, những anh chị dạn dày chinh chiến. Tôi nghĩ năm roi là vừa. Đủ sợ và đủ ngán, nhưng cô giáo chỉ cho ba thôi. Tôi xếp hàng chờ đến lượt mình, quay mặt vào bảng đen. Đó cũng là một quãng thời gian khá dài, tuy nhiên trong lúc chờ đợi, tôi có thể quan sát cái thước kẻ ào ào lao xuống thẳng vào mông đám bạn, tự lượng sức mình. Lượt của tôi diễn không lâu sau đó. Cái thước to bản rít lên trong không khí dữ dội đầy đe doạ, nhưng tốc độ xuống khá chậm và có chút hụt hơi: một, hai, ba. Không cảm giác đau chút nào hết. Tôi hiên ngang bước về bàn mình. Được một đoạn, chợt nghe tiếng khóc ré xé toang bầu không khí căng thẳng phía sau. Tiếng khóc òa não lòng cộng thêm chút tỉ tê sụt sịt kéo dài sau đó làm mất hết mặt mũi bọn con trai nhà gấu. Tiếng khóc của bạn Vinh mập. Bọn tôi quên mất sự có mặt này. Tôi cũng không hiểu sao bạn Vinh mập lại lẽo đẽo theo bọn tôi đi xa đến vậy, để rồi khóc như một đứa bé chỉ với ba roi ít ỏi. Bình thường bạn này chỉ quanh quẩn trong sân trường. Hôm nay hẳn năm roi thì bạn sẽ lăn ra giãy đành đạch và nói lời từ biệt bạn bè, mái trường thân yêu.
Nhưng suy cho cùng, việc bạn Vinh khóc không có gì quá ngạc nhiên. Bạn này ở cùng khu tôi, cách một dãy nhà. So với bạn bè cùng lớp, bạn Vinh giàu có và khác hẳn bọn tôi. Kiểu như, bạn là khách hàng thân thiết của tất cả hàng quán chợ Kiến Thiết. Bạn ăn xôi, chè đậu, chè bưởi, kem chuối… thoả thích trên đường từ trường về nhà, ăn trải dài từ trên xuống dưới. Mỗi sáng tôi chỉ có hai ngàn xôi thì gói của bạn tận bốn ngàn, đầy ú ụ. Năm ngoái bạn chuyển vào lớp tôi. Tôi không biết trước đó Vinh học ở đâu, tôi chỉ có thể nhớ đó là một ngày trời mưa buồn bã, bọn tôi túm tụm trước hành lang giữa giờ chơi. Một đứa chỉ vào bạn Vinh rồi nói: “Thằng này tên Vinh, nó bị máu trắng, chỉ sống được mấy năm nữa thôi. Ba má nó cho nó ăn uống thoải mái để nó chết.”
Bạn Vinh không phản đối lời giới thiệu kia. Dưới cơn mưa lê thê của những ngày đầu hè, bọn tôi không quan tâm lắm còn bạn Vinh máu trắng dường như quá quen với cách nói này rồi. Đáp lại, bạn đưa que kem mắc tiền lên miệng liếm láp trong sự thèm thuồng của cả đám máu đỏ, không chết, nhưng cũng không có tiền ăn kem.
Tôi không thích Vinh. Tôi không có cảm tình nổi với sự phẳng phiu và giàu có của bạn. Mỗi sáng, tôi vẫn thường thấy bạn từ tốn ăn uống khắp chợ Kiến Thiết rồi thủng thẳng vào lớp với chiếc áo sơ mi ủi cẩn thận, khăn quàng đỏ trên vai, tờ mười ngàn đứng lên trong túi áo mà không cần gấp lại, trông thật chướng mắt. Buổi chiều, bạn lại lê la, chơi điện tử, lại ăn uống quanh một vòng. Vừa lúc nghe tiếng khóc ré, tiếng sụt sùi ngay phía sau lưng, trong cảm giác nóng rát thoáng qua của ba roi ít ỏi và mùa hè sắp đến, tôi chợt nhận ra cả một năm học sắp hết mà tôi chưa nói chuyện với bạn Vinh lần nào.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Vào những ngày đầu tháng năm, trời nóng hầm hập xen lẫn vài cơn mưa rào xối xả nhưng ngắn ngủi. Bọn tôi lại ùa ra cổng, đầu gấu, đít gấu, tay chân gấu nhảy ào ào qua cái hàng rào đổ dài. Bạn Vinh lẹt đẹt sau cùng, bạn phóng một bước đầy cố gắng, thừa quyết tâm nhưng lại thiếu độ dài. Bước chân ngắn ngủn làm bạn không qua nổi, rơi lại phía sau. Cây bông giấy trước kia nằm rạp nay vươn dậy cao hơn, đầy sức sống sau những cơn mưa rào, với cánh tay dài gai góc chộp lấy bạn Vinh. Bạn ngã oạch gọn gàng xuống đất, ống chân trầy xước chảy ra một giọt máu nhỏ xíu. Bọn tôi quay lại, vài đứa đỡ bạn vào lớp.
Tôi kệ bạn Vinh. Đó chỉ là một tai nạn nhỏ xíu. Nhưng tờ mười ngàn không gấp của bạn đã rơi ra, bay vào gốc bông giấy gần đó, khuất sau những cành gai. Mỗi lần gió thổi qua, nó run bần bật, cuống cuồng quanh đám rậm rạp như con thú nhỏ bị thương nằm trong bẫy, rồi lặng đi buồn bã im lìm. Một cơn gió mới lại đến, lần này tờ tiền vẫy tôi rối rít, vẻ khẩn cầu tất bật như nài nỉ van xin làm tôi không thể đứng im được nữa. Tôi cứu tờ mười ngàn.
Trong đời tôi chưa bao giờ có được mười ngàn. Đó là số tiền quá lớn đối với tôi. Vậy nên tôi phải tần ngần đứng lại một lúc. Tôi cũng chưa lấy tiền của ai bao giờ. Nhưng lần này thì khác, không phải vì tôi cần tiền hay tôi thích mười ngàn đến vậy. Đó chỉ là một tờ giấy vẽ ngoằn ngoèo, tôi có thể vẽ đẹp hơn. Sau cùng, tôi tự hiểu rằng, cho dù tôi không muốn lấy, thì tôi cũng không thích trả. Tôi quyết định quay lại sân trường, gom mấy đứa em họ lại, dẫn hết ra căng tin, long trọng đãi mỗi đứa một món linh đình tùy thích. Đám em ngẩn ngơ tròn mắt xuýt xoa. Tôi cũng tự đãi mình cây kem như lần tôi thấy bạn Vinh ăn ở hành lang. Vèo một cái, hết tiền. Tôi không quan tâm lắm, cũng không thấy có lỗi. Ngay cả khi tan học về, những gì tôi nghĩ đến chỉ là giọt máu nhỏ xíu màu đỏ thoáng qua. Lẽ ra, đó phải là màu trắng mới đúng.
Dì tôi thường nói, nếu mình làm việc xấu, kiếp sau mình sẽ gặp quả báo. Có điều, quả báo đến nhanh quá sức tưởng tượng của tôi. Ngay sau bữa ăn tối, Dì tôi tuyên bố, sáng nay dì mất mười ngàn. Đúng bằng số tiền tôi lấy của bạn Vinh. Đám em họ sau khi ăn uống no say đã cảm kích chỉ thẳng vào tôi. Thật chới với, không thể nói nên lời nào. Lần này dì không đánh, dì bàn giao tôi cho mẹ và tối hôm đó, số roi không thể nào đếm hết. Roi của mẹ tôi bằng mây, tuy không to như của cô giáo, nhưng dẻo dai và lên nước bóng loáng sau nhiều năm lăn lộn trên mông tôi. Cái roi dài hơn nửa mét, cong nhẹ một chút. Đó là bán kính cong hoàn hảo làm cho khi bổ xuống, tiếng gió phát ra không ồn ào đe doạ, chỉ khẽ rít lên một chút nhưng đầy cương quyết, uy quyền. Toàn bộ lực từ cánh tay mẹ tôi sẽ truyền hết vào đầu roi, ào xuống rát bỏng. Tôi cam đoan thề thốt thế nào cả nhà cũng không tin. Mẹ tôi chỉ hỏi: “Vậy tiền đâu mà ra căng tin ăn?” Bây giờ, cho dù tôi có nói thật về tờ mười ngàn cũng không xong. Có thể tôi sẽ bị đòn lại từ đầu. Có thể mẹ tôi mỏi tay sẽ nhường lại cho dì. Tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Tôi khóc lóc thảm thiết, rồi chuyển qua khóc thầm, khóc thút thít, khóc sụt sùi… Khóc hết các thể loại mà con người đã từng liệt kê trong lịch sử xong tôi quay lại từ đầu của thảm thiết và cứ thế… Cả nhà nhìn nhau, kết luận gọn gàng: “Đã trộm tiền mà còn khóc như là oan ức lắm.” Sau cùng, tôi phải chịu thêm hình phạt bổ sung, ngày mai tôi sẽ không có một đồng nào đi học hết. Đó là tấm gương cho tất cả mấy đứa em họ.
Hôm sau, tôi lê những bước chân chán chường và cái mông ê ẩm ngang chợ. Vẫn là ánh nắng tươi đẹp, một ngày nhộn nhịp và bầu không khí tưng bừng của buổi sáng. Con đường đến trường tiểu học của tôi là con đường đẹp nhất thế giới. Hồi đó thế giới hơi nhỏ. Và tôi bị thế giới nhỏ bé của mình lãng quên. Không có tiền là không có gì hết. Tôi không thèm nhìn vào bất cứ hàng quán nào. Chỉ lúc đi ngang bà Xôi, tôi dừng lại vài giây. Bà Xôi hất hàm hỏi: “Như cũ hen?” Tôi làm ra vẻ tội nghiệp lí nhí: “Sáng nay mẹ con không cho tiền ăn sáng.” Trong khoảnh khắc, dường như có chút hi vọng le lói. Bà Xôi thoáng giật mình, đôi mắt long lanh của bà nhìn tôi đầy thương cảm, gương mặt bà chùng xuống, mái tóc bạc óng ánh lắc nhè nhẹ. Bà bất bình cho tôi, bà hiểu những bất công của tôi. Một thằng bé ngoan như vậy, hiền như vậy, oan ức như vậy, mà không có đồng nào ăn sáng hết. Tôi đã thấy ánh nắng ban mai chiếu vào những sợi cước trắng, chói loá một quầng hào quang thanh nhã. Bà Xôi phảng phất nét hiền từ của một vị thánh Xôi. Sự việc diễn ra trong vài giây ngắn ngủi nhưng tôi có cảm giác mình trôi qua hàng thế kỉ chậm rãi. Thánh Xôi ngồi thẳng lại, đôi môi bà nhành xuống, đôi mắt bà thấp thoáng vẻ u hoài. Bà nhìn tôi, nói nhẹ nhàng bằng một giọng không thể đầm ấm hơn: “Thôi má không cho tiền cũng không sao, mai ăn con.”
Ôi trời! Hi vọng sụp đổ cũng nhanh như khi nó đến. Bà Xôi hiện nguyên hình là bà Xôi, tất cả các hào quang xung quanh bà vụt tắt, mà đó cũng không phải là hào quang, đó là đom đóm. Tôi chuẩn bị quay bước đến trường thì phía sau tôi, vị khách tiếp theo nói lớn: “Gói bốn ngàn, thêm gói nữa cho nó luôn. Con bao nó.” Đó là bạn Vinh. Tôi hoảng hốt nhìn xung quanh xem còn có ai khác, nhưng không, chỉ tôi và bạn Vinh. Bạn Vinh bao tôi sao? Mà còn hẳn một gói bốn ngàn, gấp đôi gói xôi bình thường của tôi. Trong tích tắc, bao nhiêu hào quang, ánh sáng thần thánh quay trở lại, chói lòa huyền ảo quanh gói xôi, quanh tôi, bạn Vinh, chợ Kiến Thiết và con đường đến trường đẹp nhất thế giới, trừ bà Xôi.
Dì tôi nói cái gì cũng đúng. Có lần dì phán: “Sự việc nào đi nữa, phải trải qua mới có thể biết.” Cho đến buổi sáng đó, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao gói xôi lại quan trọng như thế với thằng Bờm. Một bài thơ ngớ ngẩn. Giờ thì mọi thứ sáng tỏ. Tôi cũng giống như thằng Bờm vậy. Thằng Bờm chắc hẳn đã cười sằng sặc vì vui sướng. Còn tôi, tôi cười trong lòng, ngượng ngùng bối rối. Tôi ăn gói xôi ngon nhất trên đời, bự nhất trên đời. Cùng lúc, tôi với bạn Vinh dường như đã thiết lập một trạng thái khác trên con đường đến trường tuyệt đẹp.
Rồi những ngày sau, không hẹn mà gặp, bọn tôi hay cùng mua xôi. Tất nhiên gói xôi của tôi teo lại như cũ. Thánh Xôi sáng sáng nhìn thấy bọn tôi lại cười toe toét. Tôi cũng muốn hôm nào đẹp trời, đãi bạn Vinh một gói bự nhưng tôi chưa bao giờ để dành được đồng nào. Túi tiền của tôi hạn hẹp hết chỗ nói và tôi phá sản thường xuyên trong ngày. Vì vậy trời chưa đẹp được như ý tôi muốn. Bạn Vinh không mong chờ chuyện đó. Việc kết bạn với tôi cũng khiến bạn vui rồi. Thỉnh thoảng bạn lại còn bao tôi ăn chè, chơi điện tử... Những thứ tôi nghĩ nên đáp trả lại bạn Vinh cứ thế càng thêm chồng chất.
Cho đến một ngày hơi đẹp trời nọ, cơ hội cuối cùng cũng đến. Trong buổi học sáng, cô giáo bắt bọn tôi trang trí bình hoa. Chuyện tô vẽ đường diềm này đối với cả lớp là một cực hình. Nhưng tôi thì khác, từ nhỏ tôi đã có thể vẽ ra bất cứ thứ gì tôi tưởng tượng trong đầu. Đầu năm học, tôi thường vẽ đầy kín những trang đôi giữa quyển vở, sau đó tôi tháo ra, vở cứ thế mỏng dần. Sau này, mẹ tôi quyết định kí tên vào để chấm dứt chuyện vẽ vời mà mẹ tôi cho là vô bổ kia. Tôi đành vẽ ở hai trang sau cùng. Sợ mẹ bắt gặp, tôi xé những bức tranh tuyệt tác ra và thật kinh khủng, hai trang đầu tiên đầy chữ nghĩa cũng rơi theo, lả tả. Lần đó tôi lại được năm roi. Nhưng bạn bè tôi lại dành cho tôi một sự ngưỡng mộ đặc biệt, bọn nó có thể say sưa ngồi cả giờ chơi để xem tôi vẽ, miễn là bọn tôi có vài tờ giấy... Sáng nay, bạn Vinh mạnh dạn mang hẳn quyển tập sang chỗ tôi ngồi: “Vẽ giùm tao cái gì ngầu ngầu đi!” Ô kìa, ngầu là nghề của tôi, tôi là trùm ngầu mà. Trước đó, tôi đã trang trí gần chục bình hoa khác cho đám đầu gấu. Lần này, tôi quyết định dành một sự đặc biệt cho riêng bạn Vinh. Tôi suy nghĩ rất lâu mới bắt đầu đặt viết chì xuống, cổ tay tôi uyển chuyển, nét vẽ tôi mềm mại, thanh thoát đưa lên quẹt xuống, tôi vẽ rất chăm chú…
Cái bình hoa của bạn Vinh to tướng, trên bình, một hiệp sĩ mặc giáp, cưỡi ngựa phi dũng mãnh, bụi tuôn cuồn cuộn phía sau. Tay dũng sĩ cầm cương, tay kia cầm ngọn giáo dài, đầu ngọn giáo cắm “ót” ngọt xớt vào tên gian ác đang há hốc mồm phía dưới, máu văng tung tóe. Ngầu hết chỗ nói. Bạn Vinh khoái ra mặt. Đám đầu gấu ganh tị trầm trồ. Đúng là nghệ thuật. Nghệ thuật mang niềm vui đến cho một vài người, tuy nhiên nghệ thuật không được tất cả số đông chấp nhận. Trong khi cả đám con trai trong lớp đều khẳng định đây là cái bình hoa hay ho nhất, đẹp nhất thế giới, thì cô giáo không nghĩ vậy. Cô cho bạn Vinh bốn điểm. Gần chục bình hoa khác cũng do chính bàn tay nghệ nhân tôi trang trí với những hình ảnh tầm thường như đồng cỏ, hoa hòe, thỏ sóc… điểm cao chót vót. Thật khó hiểu.
Bạn Vinh không buồn, ngược lại bạn cám ơn tôi rối rít. Lâu lâu bạn lại mở quyển tập ra nhìn cái bình hoa bàn tán cùng bọn đầu gấu. Nhưng tôi không vui được như vậy, tôi muốn làm điều gì đó đặc biệt và đã thất bại thảm hại. Cuối cùng tôi đành tự nghĩ, chắc cô giáo không nhìn thấy nét đẹp của cái bình hoa, hoặc là cô không thích ngựa.
*
* *
Mùa hè năm đó đến muộn và dường như kéo dài hơn bình thường. Màu đỏ trên cây phượng duy nhất trong cư xá chói rực mấy tháng liền, cùng tiếng ve rền rĩ đứt đoạn giữa những buổi trưa nóng bức. Tôi và bạn Vinh thường trốn giấc ngủ trưa, lê la khắp nơi. Sân bóng, chợ Kiến Thiết, chơi điện tử và sau cùng chờ đến buổi chiều muộn, sau bữa cơm, phóng ra nằm dài trên sàn của hai cái cầu trượt song song trong công viên nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa cư xá. Đó là những giờ phút nghỉ ngơi tuyệt diệu sau một ngày chơi bời nặng nhọc. Cái công viên sơ sài như bị bỏ hoang này là chỗ bọn tôi thích nhất. Một khu đất kẹp giữa con đường tách đôi, bao quanh bởi lớp tường mỏng, thấp lè tè. Trong đó người ta xây một cái bục cao lên và mái che gọi là sân khấu, một đu quay hình tròn không còn quay được nữa, hai xích đu bên cạnh cầu trượt, chỗ bọn tôi thường nằm. Từ đây, bọn tôi có thể nhìn thấy ánh trăng thấp thoáng sau tàn lá. Trễ hơn một chút, trăng sẽ chót vót trên đỉnh đầu. Ánh sáng trong trẻo lành lạnh phủ dần xuống bọn tôi như một dải lụa màu xanh dịu dàng thân thuộc. Sàn cầu trượt mát rượi, có lúc ướt đẫm sương. Bọn tôi nói với nhau về trường học, bạn bè, những năm trước, vài câu chuyện vô thưởng vô phạt đầy ngớ ngẩn rồi cười sằng sặc dưới bóng của mùa hè. Thường tôi nói nhiều hơn. Tôi chờ sau này lớn lên, tôi sẽ học ở trường Kiến trúc. Tôi sẽ thiết kế một công viên đẹp hơn, màu sắc hơn, tưng bừng hơn ngay chính chỗ này. Sẽ có rô bốt, đu quay thật lớn, đèn sáng rực rỡ... Ngày khác, tôi thay đổi, tôi sẽ thiết kế một chiếc xe thật ngầu. Tôi sẽ học về thiết kế. Cũng có khi tôi trở thành nhà báo, ca sĩ… Mỗi ngày một nghề đầy khó khăn và đều diễn ra ở tương lai xa xôi tít tắp sau này. Đó là một sự chờ đợi khác, dài hơn khoảng cách giữa hai roi của ba tôi rất nhiều, dài hơn những quyển sách, hoàn toàn mù mịt, ngay cả chính tôi cũng không thể nào biết được. Trong thời gian đó, tôi nằm đây, nhìn lên bầu trời thăm thẳm. Thông thường, bạn Vinh nghe hết mọi thứ tôi nói và kết luận một câu đầy an ủi: “Sáng mai ăn xôi hả?” “Ừ, ăn xôi...”
Đó cũng là năm học cuối cùng ở trường cũ. Trường cấp hai xa hơn, rộng hơn và có rất nhiều lớp, nhiều bạn bè. Nhưng không có bạn Vinh. Gia đình bạn quyết định không cần phải đi học nữa. Bọn tôi chỉ còn gặp nhau buổi chiều, sau giờ tan trường. Việc đó ban đầu không gây ra nhiều trở ngại. Lúc tôi về đã thấy bạn Vinh ngồi sẵn trước nhà. Nếu bạn không đến, tôi sẽ phóng qua nhà bạn sau buổi cơm chiều. Bọn tôi lại lang thang và buổi tối luôn kết thúc trên sàn cầu trượt.
Lại thêm một mùa hè nữa, rền rĩ trong ánh mặt trời kéo dài vô tận. Vào một buổi tối bình thường, tôi hỏi bạn Vinh có nhớ lần bạn ngã ở hàng rào không, bạn Vinh trả lời tôi bạn vẫn còn nhớ. Tôi kể cho bạn nghe về tờ mười ngàn và cái quả báo kì dị của tôi. Bạn Vinh cứ ôm bụng cười lăn lộn suốt. Nhưng tôi không kể với bạn gói xôi và những hào quang của sáng hôm sau, chuyện này thật ngại. Bọn tôi nằm nói xấu bà Xôi cho đến khi trăng treo tít trên đỉnh đầu. Sau cùng trên đường đi bộ về, trong ánh sáng xanh vằng vặc và mọi thứ mồn một như ban ngày, chỉ kém ban ngày một chút xíu, bạn Vinh nói: “Tao vẫn còn giữ quyển tập vẽ có cái bình bông với hiệp sĩ của mày. Má tao nói cái bình thấy ghê quá!” Tôi thật ngạc nhiên. Mà cũng đúng, đó đâu phải là bình bông, đó là nghệ thuật mà.
*
* *
Tôi và bạn Vinh gắn bó với nhau thêm hai mùa hè tươi đẹp nữa. Sau đó bọn tôi ít gặp nhau hơn. Không có lí do gì cho chuyện này. Đó chỉ đơn giản là những buổi tối trên cầu trượt thưa dần và sau cùng mất hẳn. Nhà tôi dọn đi xa hơn một chút, về phía cuối cư xá, tôi không còn ở cùng dì và mấy đứa em họ đáng ghét nữa. Tôi lớn hơn, loay hoay với bài vở, những mơ ước đầu tiên trong đời, của chính tôi và của gia đình dành cho tôi nữa. Còn bạn Vinh thì không, bạn chưa bao giờ nói với tôi về ước muốn hay những kì vọng, bạn dần biến mất lặng lẽ bên cuộc sống của tôi, giống như cái cách bạn xuất hiện lần đầu trong tiếng khóc sụt sùi. Thời gian của tôi trôi qua chầm chậm và những thứ khác cũng dần biến mất. Kiểu như có quá nhiều thay đổi. Con đường đến trường mới không đi ngang qua chợ Kiến Thiết, vì thế tôi không còn ăn xôi. Sau nhiều năm, tôi chuyển sang ăn bánh mì. Nhưng tôi hào hứng với những mới mẻ này. Thay đổi luôn làm tôi tò mò và cảm thấy khó hiểu.
Có một buổi tối muộn, tôi bắt gặp bạn Vinh một mình trên cầu trượt, nhỏ bé và đơn độc. Bạn ngồi ở bậc cao chỗ mọi người sẽ trượt xuống, hai chân co lại, hai tay ôm lấy đầu gối như chờ đợi một điều gì. Chắc chắn không phải tôi vì chính tôi cũng có những buổi tối y như vậy. Chỉ có điều bọn tôi dường như đã lệch mất một pha. Nếu như chồng hình ảnh của hai buổi tối lên nhau, tôi sẽ nằm dài phía bên này, còn bạn Vinh ngồi trên kia, cả hai không nói câu nào, lặng im đuổi theo những suy nghĩ vùn vụt của mình đến xa tít chân trời, nơi một ngôi sao lẻ loi vừa rơi xuống, để lại một vệt sáng dài thăm thẳm. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bạn Vinh…
Chưa bao giờ tôi nghĩ bạn Vinh sẽ chết. Tôi quên chuyện này từ lúc tiểu học. Sau nhiều năm, tôi cứ tưởng đây là một trò đùa. Cái chết của bạn được mọi người chuẩn bị kĩ lưỡng đến mức tôi nghĩ chính bạn cũng quên. Biết bao nhiêu buổi tối trên sàn cầu trượt, bọn tôi chưa bao giờ nói về chuyện đó. Và khi mọi người không còn ai nhớ đến nữa, thì bạn Vinh chết. Một buổi chiều, dì tôi sang nhà nói với mẹ tôi, như một tin tức bình thường xảy ra mỗi ngày trong cư xá. Để rồi sau này tôi vẫn nhớ rõ cảm giác trống trải kì lạ trong buổi tối tôi đến nhà bạn, đứng bên ngoài nhìn vào. Có những vòng hoa xung quanh. Tôi ngửi thấy mùi thơm dìu dịu của nhiều loại hoa bao bọc lấy ngôi nhà đông đúc. Người qua lại và tiếng khóc ỉ ôi của mẹ bạn. Điều kì lạ của cái chết, là cho dù người ta có chuẩn bị kĩ lưỡng như thế nào đi chăng nữa, cái chết vẫn gây ra những bất ngờ. Tôi thấy hình bạn Vinh đặt chính giữa, bạn mặc áo trắng, phẳng phiu, trong túi chỉ thiếu tờ tiền không gấp. Tôi nghĩ rằng bạn đang nhìn tôi, nhưng khi đến gần hơn, tôi hiểu rằng không phải. Bạn Vinh đang nhìn vào khoảng không mênh mông phía sau tôi bằng tất cả nỗi buồn và đôi mắt lạnh lùng không chút cảm xúc. Dường như bạn đã quên đi những ngày mưa trong hành lang trường tiểu học, những mùa hè đổ dài như cái hàng rào cũ, ánh trăng sáng trong veo lạnh lẽo từ tít trên cao, xuyên qua một khoảng không vời vợi, xuyên qua tán lá, xuyên qua tiếng cười ngớ ngẩn và những giấc mơ còn xa tít của tôi, phủ xuống hai đứa trẻ nằm dài trên sàn cầu trượt song song. Những ngày tháng nào bạn Vinh đã dùng để chờ đợi cái chết của chính mình bên cạnh tôi, trong lớp học, trong cơn mưa và trong những đổi thay của một cuộc đời ngắn ngủi. Giờ thì tôi đã hiểu cái đêm dưới ánh trăng xanh đẹp đẽ, tôi đã kể với bạn Vinh về trường mới, năm học mới, tất cả những ước mơ của tôi, về tương lai tít tắp. Tôi nằm chờ tương lai. Còn bạn Vinh, bạn chờ cái chết.
Tôi quay ra đi bộ về phía công viên nhỏ. Tôi nằm rất lâu trên cầu trượt, trống trải và tinh tường như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Phía sau tán lá vẫn thấp thoáng ánh trăng của năm nào trong trẻo. Tôi cứ nằm im như thế cho đến khuya, đến khi mặt trăng đã vượt ra khỏi tàn cây, lặng lẽ đơn độc giữa bầu trời sâu thăm thẳm. Một dải lụa xanh từ trên cao chầm chậm rơi xuống, bao bọc lấy tôi, dịu dàng an ủi.
H.P
VNQD