Con nước tha hương

Thứ Sáu, 18/02/2022 15:22

. TRƯƠNG CHÍ HÙNG
 

Dân quê tôi có câu, “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, ý nói cứ vào độ tháng bảy âm lịch thì mùa nước nổi lại về, rồi chùng chình mãi với bà con miền Tây, đến tận tháng mười một mới rút. Mỗi năm, vào những tháng nước nổi, quê tôi vui như hội. Người người nhà nhà sắm sửa ngư cụ cho một vụ đánh bắt cá tôm từ nước lên cho đến khi nước rút. Những chiếc xuồng bơi ra đồng vào hừng đông, mang theo ít câu lưới, trưa về đầy khoang cá. Ai chịu đầu tư vài luồng dớn hoặc đặt đáy ở vàm kinh, cá nhiều đến mức mỗi ngày thu hoạch đầy ghe, đong bằng thúng bằng bao bán cho thương lái chớ không dùng cân nổi. Bao nhiêu sản vật khác cũng theo mùa nước nổi mà trỗi lên như dàn đồng ca sắc màu rực rỡ khắp miền Tây. Từ sắc vàng tươi bông điên điển, sắc tím thẫm của bông súng, sắc xanh mượt của rau dừa rau muống làm cho cánh đồng lênh láng nước bỗng chốc trở thành bức tranh thiên nhiên trác tuyệt. Những kí ức tươi đẹp đó in hằn trong tâm thức mỗi người dân miền Tây, đến nỗi dù có đi đâu về đâu, hễ thấy cơn mưa đầu mùa nặng hạt, hễ gặp dòng sông nước cuộn chảy đỏ quạch phù sa, chúng tôi lại mong muốn trở về quê đón mùa nước lên, để ăn món cá linh nấu canh chua bông điên điển một bữa cho đã thèm…

Nghề hạ bạc mùa nước nổi giờ đây không nuôi nổi dân quê. Ảnh: PV

Riêng tôi, hơn ba mươi năm lớn lên từ sông nước của một vùng phù sa châu thổ vĩ đại nhất trên lưu vực Mê Kông, đây là lần đầu tiên vào mùa nước nổi nhưng lòng lại mang nhiều nỗi niềm bi cảm, bởi tháng chín âm lịch đã sắp rơi theo tờ lịch cuối cùng, mà con nước thì vẫn xa vời vợi. Những con đập thủy điện ngạo mạn chi chít ở thượng nguồn, như những nhát dao chặt dòng sông mẹ kiêu hãnh ra thành hàng trăm khúc, khiến mạch máu không thể lưu thông, và Cửu Long cạn dòng giữa mùa nước nổi cũng là điều đã được tiên đoán. Đầu nguồn sông Tiền ở địa phận huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp cũng giống như đầu nguồn sông Hậu vùng An Phú, An Giang, nước vẫn chưa thấy tràn đồng. Kinh Vĩnh Tế đến giờ chỉ nhận được một lượng nước ít ỏi từ sông Hậu, con sông vốn dĩ hào phóng sẻ chia lượng nước dồi dào mỗi năm cho miệt bưng biền thỏa sức tắm táp phù sa. Mấy bờ mẫu nhỏ trên các cánh đồng biên viễn cũng chưa ngập, những gốc rạ úa vàng vẫn đứng xơ rơ trong nắng gió đồng nghĩa với việc bà con miền Tây chẳng tìm được chút kế sinh nhai nào từ sản vật mùa nước nổi. Những tay lưới, những đài dớn, những mẻ câu còn nằm khô ráo ở góc nhà. Mấy chiếc xuồng ba lá trét dầu chai từ đầu mùa khô mà đến giờ vẫn chưa một lần chạm nước. Tiếng nói cười vang động trên cánh đồng mênh mông sau những luồng câu mẻ lưới bội thu giờ trở thành thứ quá xa vời với người dân miền Tây.

Phải chi các năm trước, khi con nước không về, khi cá tôm vắng bóng, thế nào bà con cũng thở dài chậc lưỡi rồi bảo nhau, thôi kệ, không câu lưới được thì đi Bình Dương, kiểu gì cũng sống thôi. Cách nghĩ bình dị đó bấy lâu nay đã thấm vào máu dân miền Tây. Hễ gặp khó khăn hay biến cố gì, thì ý nghĩ đi Bình Dương lại lóe lên. “Bình Dương” không chỉ là một địa danh xa xôi nào đó, nơi bà con có thể làm thuê làm mướn kiếm từng đồng từng cắc sống qua ngày, mà nó còn là “giấc mơ đổi đời”, là miền đất hứa, là chốn nương thân cho những người dân nghèo ở thôn quê khi sông nước cạn kiệt cá tôm, khi hạn mặn hoành hành, khi được mùa mất giá. “Giấc mơ Bình Dương” đã kéo hàng triệu sinh linh miền Tây rời thửa ruộng mảnh vườn, dấn thân và đánh đổi. Nhưng năm nay, bà con không dám nuôi giấc mơ ấy nữa, chỉ biết lặng im chờ con nước trong nỗi hi vọng mong manh, bởi ngay cả những người đang mưu sinh đất khách cũng chật vật tìm đường về sau bao tháng ngày chống chọi với dịch bệnh, đói khát, bất an. Từng dòng người miền Tây đang trôi xuôi về quê cũ. Quê nhà gần quá mà xa quá. Quê nhà cũng mông lung như một giấc mơ...

*

* *

Nhớ hồi đó, vào mùa nước lên là tụi con nít chúng tôi vui nhất. Số là mỗi năm khi đến mùa nước đổ, người ta sẽ đắp một cái đập lớn ở vàm rạch Trà Bông, song song với cây cầu đúc, để ngăn nước từ sông cái chảy vào rạch, bảo vệ lúa thóc sau mùa vụ hè thu. Khi những dân công đang hì hục đắp đập thì chúng tôi cũng háo hức chuẩn bị “đạo cụ” cho trò chơi “đóng tuồng cải lương”. Đập đắp xong, đất khô ráo là bọn tôi mừng lắm, xế chiều kéo nhau đến cầu Trà Bông. Năm tháng ấy, tôi còn nhỏ nên không được đóng vai nào trong tuồng của những đứa trẻ xóm nghèo, nhưng bữa nào tôi cũng tới rất sớm, nhìn mấy anh chị hóa trang, chuẩn bị “sân khấu”. Tôi nhớ, mấy anh chị lấy khoảng một chục chai dầu gió đã dùng hết, rửa sạch rồi đổ dầu lửa vào, dùng đất sét bịt miệng chai lại, sau đó cắm vô một cái tim đèn bằng giấy và đốt lên, cháy sáng lung linh. Con gái thì ai cũng đem theo cái khăn rằn để quấn phía dưới làm váy, phía trên cũng quấn khăn bên ngoài lớp áo và mắc vào mấy chùm bông vừng y như công chúa. Có chị còn lấy cây nổ (loại cây thân nhỏ như đầu đũa, mềm như một loại dây leo, lá li ti, trái tròn tròn bóp vào nổ kêu bụp bụp) quấn quanh đầu như vòng nguyệt quế, trên tóc giắt thêm mấy bông hoa dại đủ màu sắc. Con trai thì quấn cái khăn ngang bụng, buộc bẹ chuối quanh đầu như kiểu tráng sĩ Kinh Kha chuẩn bị vượt sông Dịch Thủy.

Trời vừa sụp tối, đèn dầu thắp lên quanh “sân khấu”, anh Hùng Em con mợ Hai tôi từ trong bụi chuối bước ra giữa đập, giới thiệu tuồng cải lương sắp diễn bằng cái giọng trịnh trọng như người lớn. Chúng tôi thì đứng trên cầu nhìn xuống, vỗ tay và hò hét ầm trời để cổ vũ. Dứt tràng pháo tay, anh chạy vào bụi chuối lấy cây kiếm bằng tre giắt lên cái khăn buộc ngang hông, đi ra “sân khấu” đĩnh đạc như một dũng tướng. Anh kêu: “quân sĩ!” Chúng tôi đồng thanh “dạ” một tiếng thật lớn, thấy lòng vui không sao tả nổi vì tưởng như mình cũng được tham gia đóng tuồng. Cứ thế, chúng tôi đứa ngồi đứa đứng coi mấy anh chị diễn cải lương đến tối. Tôi nhớ chị Mỹ Nương xóm dưới thường đóng vai nữ chính, chị có đôi mắt to tròn, mi dài cong vút, tuy lúc đó còn nhỏ nhưng chị hát nghe rất “mùi”. Thằng Lâm Mập kế nhà tôi thì hay đóng vai phản diện hoặc mấy ông “già dê”, chỉ cần nó xuất hiện là bọn tôi ôm bụng cười không ngưng được. Còn chị Út Lanh thì luôn trong vai tì nữ, theo hầu chị Mỹ Nương từ đầu tuồng đến cuối. Dĩ nhiên, anh Hùng Em lúc nào cũng vào vai nam chính oai phong tuấn kiệt, đến nỗi tôi chỉ mong sao lớn lên chút nữa, được đóng tuồng như anh chắc tôi vui lắm. Chớ khi đó, tôi và vài đứa bạn cùng trang lứa không vào được vai gì hết, chỉ biết đợi có người kêu “quân sĩ!” hoặc “quân bây đâu” thì chúng tôi “dạ”.

Khi lúa hè thu cắt xong hết, người ta xả đập cho nước vào đồng, thế là đoàn cải lương xóm nghèo tạm thời giải tán. Chúng tôi tiu nghỉu đứng nhìn dòng nước đục ngầu ngoạm từng miếng “sân khấu”, nuốt tuột vào trong. Anh Hùng Em gom mấy chai dầu, mấy cây kiếm lại đem vô nhà cất. Đám con gái thì cầm vòng hoa héo ném theo dòng nước, dõi mắt nhìn cho đến khi nó trôi khuất miệt đằng xa. Nhưng chưa kịp buồn lâu, chúng tôi lại có niềm vui mới. Bởi thường khi xả đập, nước sẽ tràn lên đồng rất nhanh. Lúc đó, ếch nhái cá tôm cũng theo con nước mà di chuyển. Những “đào chánh” “kép chánh”, những “quân sĩ”, “tì nữ” của vở tuồng hôm trước giờ xách thùng xách rọng đi giăng lưới, cắm câu, nhấp ếch, đặt lọp, đổ xà di... Thỉnh thoảng chúng tôi trèo hái mấy trái cà na to tròn bằng đầu ngón tay, ăn chua chua chát chát. Có khi chúng tôi chia thành hai phe để chơi bắt rượt, nhưng thay vì chạy đuổi bắt nhau, chúng tôi lại bơi lội trên cánh đồng nước ngập sâu ngang ngực. Có lẽ chẳng nơi nào trên dải đất hình chữ “S” này, tuổi thơ của bao thế hệ luôn ngập tràn trong nước như ở miền Tây quê tôi…

Kể thêm mùa nước lên tôi thường đi theo anh Hùng Em để học nghề hạ bạc. Lúc nào anh cũng chỉ dạy cho tôi một cách tận tâm, đôi khi diễn giải giống y như một chuyên gia. Có lần anh bảo với tôi, mày đừng tưởng cắm câu cá lóc là dễ, ai cắm cũng được. Cắm tào lao thì dễ chớ cắm bài bản thì khó lắm. Phải biết cách móc mồi để cho con cá táp mà mồi không sứt. Không cắm cây cần câu quá sâu mà cũng không được quá cạn, sâu quá nó sẽ không có độ nhún, cá ăn câu dễ bị sẩy, còn cắm cạn thì con cá dính rồi nó lôi cần đi luôn. Mà mày phải canh nước nữa nghen. Nước chụp lên thì cắm con mồi gần sát bờ, vì cá men theo con nước để ăn trùn ăn dế, gặp mồi câu nó sẽ đớp liền, còn nước rút thì cắm mồi xa bờ một chút... Nghề nhấp ếch cũng khó lắm, anh Hùng Em dạy tôi khi ếch cắn mồi, phải rung cần nhấp thật nhẹ, không nên giật liền vì dễ sẩy. Đợi ếch nuốt mồi thật sâu rồi nhảy đi hoặc lặn xuống nước, lúc đó giật ngược lại thì khả năng dính gần như một trăm phần trăm. Anh còn nói, những con ếch nhỏ thường đớp mồi liên tục, đớp trật rồi đớp lại tức thì. Nhưng mấy con ếch bự thì khôn hơn, đớp mồi hụt rồi nó bắt đầu dè chừng, cẩn trọng trước khi đớp lần tiếp theo, có con không thèm đớp nữa là coi như mình thất bại. Ếch bự cắn mồi xong cũng thường ngậm lâu hơn ếch nhỏ, nếu nôn nóng mà giật là sẩy ngay. Lúc ấy, người nhấp ếch phải “đấu trí” với nó, phải dùng sự nhẫn nại của mình để thắng cái khôn ranh của những con ếch già. Cái nghề Bà Cậu là vậy đó, phải để ý từng li từng tí mới được, trúng thất ở mỗi chuyến đi đánh bắt là do kinh nghiệm của mình là chủ yếu, không phải do chuyện hên xui đâu. Nhiều khi thấy anh Hùng Em chỉ dẫn tỉ mỉ về một “bí quyết” đặt lọp ếch hay bắt rắn, bắt lươn gì đó, tôi buột miệng nói, anh mà đi học chắc học giỏi lắm. Anh không thèm nhìn tôi, tay cầm lưỡi câu móc mồi, miệng lẩm bẩm nói, tao ghét học kinh khủng, tối ngày mấy cái chữ, nhức đầu.

Anh Hùng Em cũng như biết bao người dân xóm tôi, chọn con cá con tôm luống cà công ruộng chớ không chọn con đường chữ nghĩa. Bà con quê tôi nhiều người bảo nhau, “lấy táo đong lúa chớ không ai lấy táo đong chữ” bao giờ, “trên cơm dưới cá” lo gì đói khát. Chính quan điểm đó kéo dài từ đời này sang đời khác, nên dân quê tôi ít ai chịu cho con em đi học đến nơi đến chốn. May lắm là học để biết đọc biết viết, rồi họ nghỉ học, ra đồng cắt lúa, hái rau, xuống sông bắt cá. Anh Hùng Em học chưa hết lớp 2 rồi nghỉ, mợ Hai tôi cũng chẳng la rầy gì. Ngay cả má tôi lúc sinh thời cũng thường nói, nhà nào có đứa con như thằng Hùng Em là khỏi lo đói, mùa nào nó cũng có công ăn chuyện làm hết. Mùa khô nó đi cắt lúa vác lúa, lái máy cày máy xới mướn cho người ta, mùa nước thì tay câu tay lưới, cá tôm ăn không hết vừa đem bán vừa mần khô làm mắm để dành. Tôi thấy má tôi nói đúng, nhưng khi tôi đòi nghỉ học như anh thì má không cho. Hồi đó tôi cũng ghét đi học lắm, vì học vừa nhức đầu vừa buồn ngủ. Tôi chỉ thích đi theo anh Hùng Em, suốt ngày ngụp lặn trong cánh đồng mùa nước nổi. Tôi ngưỡng mộ lúc anh nhấp được con ếch cái già, giăng câu dính con cá lóc bự chảng hoặc thọc tay vào bùn kéo ra con lươn vàng nghính. Trong mắt tôi, anh là người hùng của miệt sông nước, giống hình ảnh của anh trong vai dũng tướng trên sân khấu tuổi thơ ở vàm rạch Trà Bông.

Nhưng buồn thay, mấy hôm trước đây, tôi gặp lại “người hùng” của mình ở một khu tập trung dân cư về từ vùng dịch. Số là, người dân miền Tây đang làm công nhân tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau đợt bùng phát dịch Covid-19, giờ kéo nhau về quê quá nhiều, nên ngoài lực lượng y tế, địa phương tôi còn huy động thêm viên chức cùng tham gia tiếp đón, hỗ trợ bà con. Tôi được phân công trực tại một điểm trường học, có nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn khai báo thông tin, sau đó liên lạc với các huyện thị đến đón bà con về quê cách li. Đang loay hoay phân luồng để bà con tập trung đúng theo sự chỉ dẫn, tôi bỗng thấy anh Hùng Em. Anh như lọt thỏm giữa hàng ngàn chiếc xe gắn máy đậu san sát nhau, đang nhích từng chút một để mong được về quê sớm nhất. Chiếc áo mưa mỏng anh mặc đã rách tả tơi, dán chặt vào người làm lộ ra mấy cọng be sườn. Sau lưng anh, chị Mỹ Nương đang ẵm đứa con nhỏ, còn đứa lớn hơn thì ngồi chen ở giữa. Nhớ hồi đám cưới anh Hùng Em với chị Mỹ Nương, tôi có nhắc chuyện anh chị từng đóng đào chánh kép chánh trong mấy tuồng cải lương ở vàm rạch Trà Bông. Anh chị đều bảo là nhớ, không ngờ hồi nhỏ đóng cải lương đùa chơi mà lớn lên thành đôi thật. Rồi anh chị cười, cả hai đẹp rạng rỡ như chùm bông điên điển mùa nước lên. Hình ảnh ấy khác xa với lúc này, khi anh chị trông tiều tụy, xác xơ. Chiếc xe gắn máy cà tàng dường như cũng giống chủ nhân của nó, đã mệt mỏi sau chặng đường dài, nấc lên tiếng nổ khàn đặc, phun ra những cuộn khói đen ngòm. Tôi vẫn nhận ra anh chị giữa dòng người hồi hương bất đắc dĩ ngày hôm ấy, dù anh chị bịt kín khẩu trang. Cả hai người đều mang đôi mắt u buồn, nhìn đăm đăm về phía trước nhưng dường như chẳng có một điểm đích nào cả. Có lẽ nắng mưa và bụi đường đã làm biết bao đôi mắt hồi hương trở nên mờ đục, cay xè.

*

*        *

Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn đọc được ở đâu đó số liệu về người miền Tây hồi hương, năm chục ngàn người ở tỉnh này, bảy chục ngàn người ở tỉnh kia. Chúng ta cảm thấy đó là một con số quá lớn, đồng nghĩa với số người miền Tây quay về sau những năm tháng trắng tay nơi đất khách quê người rất nhiều. Thế nhưng, các con số thường chỉ mang ý nghĩa thống kê, đôi khi nó không phản ánh được sự bi đát mà con người phải trải. Những ngày ở điểm trực, tôi đã dự phần vào biết bao số phận, tôi đã vô tình chạm vào những ánh mắt mà có lẽ suốt đời này cũng khó lòng thoát ra được. Ánh mắt tuyệt vọng của những người “đi hai nhưng về một”, lạnh và buồn như hũ tro cốt buộc phía sau xe. Ánh mắt hốt hoảng của những người vừa qua cơn thập tử nhất sinh, vẫn đang hiện hữu nhưng cứ tưởng là giấc mộng. Ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ, như hàng ngàn câu hỏi ném xuống cuộc đời. Và ánh mắt của gia đình anh Hùng Em tôi, như biết bao ánh mắt khác của dòng người hồi hương, đầy cay đắng và bất lực.

Câu chuyện của gia đình anh mấy tháng qua được anh kể lại một cách đứt đoạn, trầm buồn. Có thể, anh cũng không muốn người khác biết được những bi đát mà anh đã trải, hoặc giả anh cũng muốn quên nó đi, để bước tiếp chặng đường còn lại. Thực ra, tôi cũng có thể đoán được cảnh ngộ của anh, bởi nó giống như hầu hết các gia đình hồi hương bất đắc dĩ mà tôi có dịp tìm hiểu. Vì không tìm được kế sinh nhai ở quê nhà, những người này phải dấn thân đi tìm một miền đất hứa. Nhưng rồi biến cố bất ngờ ập đến, những người dân tha hương phải chống chọi lại với cái đói khát, cái bất an, sự sợ hãi và cả cái chết. Và, ngay cả những khi khổ đau nhất, tâm thức họ vẫn hướng về quê hương, nơi có những người thân đang ngóng đợi. Họ như những hạt phù sa, dù có dạt trôi đến đâu thì vẫn luôn nuôi khát vọng được bám vào đất mẹ.

Chúng ta không thể đong đếm được từ khởi nguyên đến nay, sông mẹ Mê Kông đã bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ này bao nhiêu hạt phù sa. Chỉ biết rằng, sự hào phóng của dòng sông giờ đây đã không còn đủ sức cưu mang những đứa con trên mảnh đất này. “Anh chị sẽ được về quê thôi, nhưng về quê rồi anh chị làm gì để sống?”, câu hỏi ấy tôi không dám thốt ra, nhưng có lẽ anh chị cũng trăn trở.

Anh Hùng Em châm thêm điếu thuốc, hút một hơi rồi thả khói vào mông lung. Bàn tay anh phồng rộp vì chạy xe quãng đường dài, có mấy chỗ vết phồng bể ra, chảy máu và nước vàng. Tôi lấy thuốc cho anh thoa vào và dùng băng keo cá nhân dán lại. Anh bảo, mấy cái lặt vặt này có gì đâu phải bận tâm, hồi xưa đi đồng, nước ăn lở tay lở chân hết vẫn chịu được mà. Hóa ra, hồi ức về mùa nước nổi vẫn luôn âm ỉ trong anh như tàn lửa rơm con cúi, chỉ cần một lọn gió cũng bùng cháy lên. Hồi trước, dân miền Tây, hễ mùa nước nổi là coi như suốt ngày làm gì cũng dính tới nước. Đi giăng câu giăng lưới thì ngâm tay chân trong nước. Đặt dớn hay dỡ chà thì lặn hụp trong nước từ sáng tới chiều. Mấy bà mấy chị đi hái bung súng rau muống đem bán cũng đâu tránh khỏi tiếp xúc với nước. Bởi vậy, hầu như ai cũng bị nước ăn. Nước ăn khiến chân tay ngứa ngáy, đau rát rất khó chịu, nhưng không vì vậy mà bỏ công ăn việc làm, nên nhiều bài thuốc dân gian đã được dân quê tôi tận dụng. Anh Hùng Em từng chỉ tôi cách dùng trái tu hú bôi vào chỗ nước ăn. Tu hú là loại cây có gai như cây bông giấy nhưng lá dày, hoa màu vàng có bốn cánh. Trái tu hú non màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng, kích thước cỡ trái hạnh, không ăn được vì có vị rất đắng, nhưng lại trị chứng nước ăn rất hiệu quả. Chỉ cần lấy trái tu hú chín, bẻ đôi ra, thoa vào mấy chỗ bị nước ăn, lát sau sẽ thấy bớt liền, thoa chừng ba lần sẽ dứt hẳn. Giờ đi giáp miền Tây, kiếm đỏ con mắt không biết có gặp cây tu hú nào không. Mà chuyện chân tay bị nước ăn cũng xưa cũ lắm rồi. Hỏi mấy đứa con của anh Hùng Em có biết nước ăn là gì không, chúng ngơ ngác hỏi lại, nước không có răng làm sao mà ăn được. Câu nói ngây thơ của bọn trẻ vừa vui lại vừa buồn như tiếng thở dài.

Có lẽ không bao lâu nữa, những giá trị văn hóa gắn liền với mùa nước nổi sẽ phủ bụi thời gian, chìm khuất trong lớp trầm tích kí ức. Vắng bóng con nước, vắng bóng cá tôm, những người như anh Hùng Em phải rời con sông bỏ cánh đồng để lên phố thị. Nhưng đất khách không phải lúc nào cũng đãi người quê, những biến cố chốn thị thành không giản đơn như con thủy triều lên xuống. Nó khốc liệt và tàn nhẫn hơn nhiều. Nó đẩy hàng ngàn gia đình bật ngược về quê. Cũng có thể dăm ba tháng nữa, vì khó khăn đói kém, họ lại tiếp tục khăn gói lên thành phố làm thuê. Những cuộc di dân như một vòng luẩn quẩn, ghì chặt lấy số phận của dân nghèo.

Gia đình anh Hùng Em chào tôi, rồi nổ máy xe chạy theo đoàn người về khu cách li của huyện. Không hiểu sao, nhìn những dòng người nối đuôi nhau hồi hương, lòng tôi lại nghĩ về những dòng sông. Dòng sông cũng như dòng đời và dòng thời gian khắc nghiệt. Dòng sông này rồi sẽ mang vài hạt phù sa về neo đậu gần vàm rạch Trà Bông quê tôi. Nơi đó bây giờ người ta đã đập cây cầu đúc, xây một cái cống lớn để mỗi năm không cần phải đắp đập nữa. Sân khấu của tuổi thơ tôi mãi mãi chỉ còn trong hoài niệm. Những “diễn viên” ngày xưa giờ đang chìm nổi giữa cuộc mưu sinh. “Đào chánh”, “kép chánh” thì vừa khuất dạng trong màn mưa mờ mịt. Còn tôi, tôi mãi là khán giả đứng bên rìa sân khấu, chứng kiến bao tấn tuồng cay đắng xót xa. Có lúc, chỉ thèm được nghe anh Hùng Em dõng dạc kêu “quân sĩ” để tôi “dạ” một tiếng thật lớn mà không được.

T.C.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)