. PHẠM DUY NGHĨA
Tôi được biết Sa Pa lần đầu vào năm 1997, khi mới lên Lào Cai làm giảng viên trường sư phạm tỉnh được vài tháng. Lần ấy nhà trường cử tôi cùng mấy sinh viên đi dự lớp tập huấn giáo dục do tổ chức Oxfam Anh mở tại Sa Pa. Bốn thầy trò háo hức lên đường trên chiếc UAZ màu rêu, loại xe quân sự giờ đã lỗi thời, do anh lái xe vui tính của trường cầm lái. Vượt qua mấy con đèo rực nắng, đến cách Sa Pa chừng bảy cây số thì thấy không khí bắt đầu mát lạnh như ở trong một cái xưởng làm kem. Lác đác hiện ra những rặng sa mộc bên đường, mới biết đã đi vào một vùng khí hậu khác.
- Thầy Nghĩa đi chuyến này khác gì nghỉ mát, sướng nhá - Anh lái xe nói - Tranh thủ kiếm lấy một cô giáo xinh xinh làm bạn cho đỡ buồn.
Minh họa: Trương Đình Dung
Đến nơi mới thấy chẳng có lí do nào để buồn. Sa Pa đẹp và khí hậu thì tuyệt vời khiến tôi lúc nào cũng có cảm giác như mình đã lạc chốn đào nguyên. Ngoài thị xã khi ấy là mùa hè, trời nóng như thiêu nhưng nơi đây mùa đông vẫn còn ngự trị. Lớp tập huấn ở trên đồi, nhìn sang đỉnh Fansipan xanh thẳm chọc trời. Mây bay lãng đãng ngoài cửa sổ, đặc đến nỗi có thể thò tay chộp lấy và lôi vào trong lớp một tảng trắng muốt như lôi một chiếc chăn bông.
Phụ trách lớp là Aisling, một nữ chuyên gia đứng tuổi người Ireland. Cao và thẳng đuỗn như một cây thông núi đá. Quan điểm của chị ta trong suốt đợt tập huấn, chốt lại, là dạy trẻ em tập đọc không bằng phương pháp đánh vần. Chẳng hạn, học từ bàn thì cứ cho học sinh đọc thẳng là bàn, chẳng cần phải a nờ an / bờ an ban huyền bàn làm gì cho rắc rối.
Dự tập huấn có cả cán bộ ngành giáo dục và giáo viên tiểu học vùng cao. Chẳng ai phản bác Aisling. Chị ta đến từ một xứ sở văn minh, là người bỏ tiền ra cho chúng tôi ăn chơi nhảy múa nửa tháng ở chốn này. Làm khách mời, tốt hơn hết là chúng tôi ngồi ngắm mây trời và để mặc chị ta “khai hóa”.
Biết vậy nhưng ngứa miệng nên tôi vẫn cãi. Tôi nói, đại để là trước Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam 95% dân số mù chữ, bây giờ thì chúng tôi sắp phổ cập giáo dục tiểu học rồi, người dân ai cũng biết viết biết đọc. Có được điều ấy, một phần quan trọng là nhờ việc học chữ bằng cách đánh vần. Học sinh của chúng tôi, một khi đã biết đánh vần thì có thể đọc được bất cứ chữ gì, kể cả những từ không hiểu nghĩa. Ví dụ, nó đọc được từ tỉ giá hối đoái, mặc dù chả hiểu tỉ giá hối đoái là gì. Còn theo cách của chị, thì học từ nào chỉ biết đọc từ ấy thôi.
Aisling nhìn tôi, cau mặt.
Tôi cứ nói. Rằng tiếng Việt của chúng tôi là ngôn ngữ đơn âm tiết, do đó có thể đánh vần. Nó khác với tiếng Anh nhà chị, là ngôn ngữ đa âm tiết, không thể đánh vần. Đây là sự khác biệt mang tính đặc thù giữa ngôn ngữ các dân tộc, nên không thể lấy cách học ở ngôn ngữ này áp dụng cho ngôn ngữ kia.
Nét mặt Aisling nhẹ nhõm hơn, nhưng chị ta vẫn kiên quyết.
- Anh Nghĩa đã phát hiện ra một điều thú vị là tính đặc thù trong ngôn ngữ mỗi dân tộc - Ả phiên dịch thấp béo, mỗi ngày kiên trì uống đủ hai lít nước, dịch lời Aisling - Tuy nhiên, cái gì văn minh hơn thì nên theo, nên học.
Sau mỗi buổi tập huấn, cả lớp tản đi các nơi, ùa vào thiên nhiên tươi đẹp. Chả hơi đâu mà bận tâm đến Aisling và cái phương pháp dạy học của chị ta. Bốn thầy trò tôi lang thang trong ngõ vắng, thoắt cái đã lạc nhau giữa màu xanh mênh mông của các khu vườn. Hết lê lại đến mận, hết mận lại đến đào, đâu đâu cũng một sắc xanh tràn trề cây trái. Không gian tươi mát và trong trẻo đến nỗi chỉ một tiếng gọi nhau khe khẽ cũng làm run rẩy những cành lá còn long lanh đẫm nước sau cơn mưa.
Hai cô học trò của tôi, một em tên Phương, một em tên Thảo. Thảo có đôi má bầu bĩnh, thích ăn diện, hơi một tí là dỗi thầy. Phương thì mộc mạc và kín đáo hơn. Thấy tôi hái một quả lê mọng nước cho Phương mà không hái cho Thảo, cô nàng ấm ức bỏ về. Cậu học trò nam thì thào với tôi:
- Nó lại làm nũng thầy đấy. Nó muốn thầy phải dỗ dành cơ. Ôi dào…
Thấy tôi mỉm cười, cậu ta xoắn xuýt hơn, trên đường cùng tôi về khách sạn:
- Mà hôm nay thầy tuyệt vời thật đấy. Thầy đã cho mụ Aisling đo ván. Cả lớp ai cũng nể thầy.
Aisling không chịu đo ván. Cuối đợt tập huấn, con người nhiệt tình mà khó tính ấy đã quyết chứng minh phương pháp tiên tiến của mình bằng việc cho bày ra nền đất những mảnh bìa cứng có in các chữ tiếng Việt. Một bé gái người Mông trong “lớp học thử nghiệm không đánh vần” được yêu cầu ngồi ghép chữ. Khi cô bé đã chọn các chữ từ đống bìa và xếp đúng thành một câu Asling cho trước, thì chị ta nhún vai kết luận:
- Điều đó đã nói lên tất cả.
Nắng lung linh trên mặt bàn gỗ và tôi thấy cả những đốm sáng kiêu hãnh trong mắt chị ta - người đàn bà đến từ hòn đảo phía bắc Đại Tây Dương.
Lớp tập huấn bế mạc bằng những trái lê, đào, mận và những cốc rượu vang. Chúng tôi chạm cốc với Aisling, chúc cho sự trường tồn của ngôn ngữ các dân tộc. Màu đỏ của rượu cứ ngời lên lóng lánh trong ánh vàng tươi màu nắng chan hòa.
*
* *
Tôi yêu nắng Sa Pa. Thứ nắng sang trọng, vàng như tơ, trên trái đất chỉ có ở những vùng ôn đới. Hơn mười năm trước, tôi có dịp cùng nhà văn Hồ Anh Thái ở Sa Pa trong cái nắng mùa đông châu Âu ấm áp dịu dàng ấy. Năm đó anh đi tàu từ Hà Nội lên Lào Cai chơi với tôi. Cùng vào Sa Pa có cả hai người thân thiết của tôi đang sống ở Lào Cai là chị Hồng Nhung giáo viên và nhạc sĩ Phùng Chiến - tác giả bài hát nổi tiếng Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời. Chúng tôi ngồi trong một quán rượu cá hồi. Quán nằm trên đỉnh dốc cao, nơi có thể nhìn thấy lung linh toàn thị trấn. Phùng Chiến xòe tay hứng nắng. Ông nâng giọt nắng lóe sáng trong lòng bàn tay như nâng một viên kim cương và nói:
- Ở Sa Pa những đứa con gái nào hợp khí hậu thì da đều trắng và đều xinh đẹp. Cứ nắng lên là má chúng lại ửng hồng.
Và ông kể về lần đầu tiên đặt chân đến Sa Pa của mình. Đó là cuối mùa thu năm 1982. Sa Pa khi ấy còn hoang sơ với những biệt thự vắng người và những cánh rừng xạc xào lá rụng. Một buổi hoàng hôn đi qua ngã tư thị trấn, ông gặp cô bé mười sáu tuổi là con gái của ông chủ cửa hàng sách, một người bạn của ông ở đất này. Cô bé vừa từ rừng về, trên váy còn vương mùi thơm hắc của nhựa thông và trên bờ vai nhỏ nhắn của cô là một bó cành thông khô úa. Hạ bó củi xuống bãi đất trống, cô cất tiếng chào ông.
Cô bé mới xinh làm sao, và má cô thắm đỏ làm sao. Mặt trời mùa thu đang lặn xuống khu rừng mờ sương, nhưng dường như có một mặt trời đang mọc lên trên má cô vậy. Hình ảnh trước mắt nhạc sĩ đẹp bất ngờ như một bức tranh ấn tượng của Monet. Ông bỗng thấy lòng xốn xang. Những nốt nhạc đầu tiên đã ngân lên từ đó…
Và lúc này, trong quán rượu cá hồi, Phùng Chiến khe khẽ hát.
… Sa Pa chiều nghiêng huyền thoại
mặt trời mọc lên từ má em
phố nhỏ hiện lên từ trong mây
ơi Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời
bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái
đắm say phiên chợ, anh về cùng em…
Hồ Anh Thái ngồi trầm tư. Anh mặc áo thun đen, bên ngoài là chiếc sơ mi kẻ sọc mở phanh đón gió từ dãy Hoàng Liên lồng lộng thổi. Cô giáo Hồng Nhung ngồi bên thì thầm kể cho anh nghe về chợ tình Sa Pa khiến anh cười mủm mỉm. Chị không biết người đàn ông lặng lẽ này từng đi khắp thế giới, nhưng năm nào cũng lên Sa Pa ít nhất một lần.
Nhất là những khi có tuyết.
*
* *
Những năm tôi ở Lào Cai, mỗi bận nghe tin Sa Pa có tuyết hoặc băng, trường sư phạm lại cho xe chở các thầy cô giáo chúng tôi đến tận nơi chiêm ngưỡng. Tôi nhớ mãi buổi chiều buốt giá cùng các đồng nghiệp đi ngắm băng dọc con đèo Ô Quy Hồ. Từ giọt gianh những mái hiên nhà, nước chảy xuống thành dòng đông cứng lại như tấm rèm pha lê. Cây cối bị ướp trong băng, đồng loạt buông những chùm thủy tinh lóng lánh. Mỗi chiếc lá như được ép plastic, và những bông hoa bé xíu cũng được bọc trong những hộp băng nhỏ trong veo.
Ngày ấy thông tin còn chậm nên chưa xuất hiện những đội săn băng. Đèo Ô Quy Hồ vắng, mù mịt sương. Băng phủ khắp dãy Hoàng Liên, nhìn từ xa núi rừng như được thoa một lớp phấn mờ mờ trăng trắng.
Nếu như băng thường gợi cảm giác sầu thảm thì tuyết tươi sáng và lãng mạn hơn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết là buổi sáng mùa xuân, hôm ấy xe của cơ quan đưa chúng tôi vào Sa Pa từ rất sớm. Đến nơi đã thấy tuyết trắng xóa các con đường thị trấn. Những mái nhà lấp lánh. Những mảnh đồi sáng choang. Bên hàng rào gỗ của một nhà trồng hoa, những khóm cẩm chướng đỏ tươi bị vùi trong tuyết trắng.
Chúng tôi ùa ra giữa đường nghịch tuyết. Hôm ấy ai cũng mặc áo đỏ, áo màu cà rốt nên cả đoàn rực rỡ như lửa trên nền tuyết chói chang.
Nghịch chán thì kéo nhau lên núi chơi. Ở chân núi chúng tôi gặp một cô gái đứng dưới cành lê trước cổng một khu vườn nhỏ. Vừa nhìn thấy cô, tôi chết lặng. Đời tôi chưa gặp một người con gái nào xinh thế bao giờ.
Da cô trắng, dáng cô đẹp và má cô cứ hồng lên như má con búp bê matrioshka. Tôi lấy cớ hỏi đường lên đỉnh Sân Mây để được đến gần cô một chút. Cô chỉ tay về mỏm đá cao khuất trong mây trắng và nhìn chúng tôi, những người khách lạ, bằng đôi mắt thật buồn.
Tôi tiếp tục leo núi qua những vườn lan vườn đào nhưng chẳng còn lòng dạ nào ngắm cảnh nữa. Mấy lần định trốn đoàn quay về chân núi một mình. Tuyết đã ngừng rơi từ đêm trước nhưng lúc quá trưa, trên khu rừng đá Thạch Lâm, một cơn mưa tuyết ào đến bất ngờ khi tôi đang tìm lối đi giữa những khe đá hẹp.
Tôi chạy về ngôi nhà sàn trên núi để tránh tuyết. Ở đó có những cô gái Kinh mặc váy áo dân tộc vùng cao đang lả lướt buông mình trong tiếng nhạc mơ màng réo rắt. Du khách nâng bầu rượu, ngả nghiêng say. Trong nhà người cứ múa, ngoài sàn tuyết cứ bay, hàng triệu bông tuyết trắng tinh rợp sáng cả bầu trời như cảnh trong phim về một chốn xa xôi nào phương bắc.
Cơn mưa tuyết đã làm tôi mắc kẹt trên cái nhà sàn ấy cả buổi chiều.
Khi về đến chân núi tôi không thấy cô gái xinh đẹp ở đó nữa. Nơi cô đứng chỉ còn cội lê tuyết phủ im lìm. Mảnh vườn với vài bụi cây thưa cũng chìm dưới một lớp tuyết dày trắng muốt. Tuyết đã xóa đi mọi dấu vết. Bốn bề hoang vắng, quạnh hiu…
Đêm ấy tôi thức làm thơ. Ngày hôm sau gửi tạp chí Văn nghệ Lào Cai, hi vọng ở chân núi kia sẽ có người đọc nó.
Một chiều xuân ấy, đến Sa Pa
Tuyết phủ ngàn thông tuyết trắng nhòa
Ngẩn ngơ lạc lối vườn cổ tích
Thăm thẳm trời Đông, hư ảo Nga...
Hỏi thăm cô gái đứng bên đường
Dưới nhành lê trắng tuyết còn vương
Người xinh như thể nghìn năm trước
Theo tuyết luân hồi, trêu cõi dương
Hun hút đường lên, thăm thẳm mây
Nôn nao tuyết bỏng dưới chân giày
Lối về đâu bóng nhành lê mướt
Chỉ thấy vườn hoang ngợp trắng đầy…
*
* *
Từ nhà tôi ở thành phố Lào Cai vào tới Sa Pa chỉ mất một tiếng phóng xe máy vượt đèo. Một buổi chiều thu nhiều năm trước tôi trốn nhà đi Sa Pa cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hựu, được ông dẫn lên núi Hàm Rồng vào lúc hoàng hôn, chỉ cho xem từng loài hoa được trồng trong vườn Châu Âu và kể về tính nết, cuộc đời của chúng. Đây nàng chuông tím mộng mơ đài các. Kia quý cô mai thiên hương man mác trắng ngần. Thím pentolia này mang tên Tây nhưng bình dị như cây mồng tơi. Con bé thanh anh đỏng đảnh kiêu kì nọ chỉ quen khí hậu ôn đới, mang ra xứ nóng sẽ lụi dần. Còn cái loài hoa cứ chuyển màu từ trắng sang xanh, tím, phớt hồng, như một kiếp đàn bà không biết tới thủy chung, chính là cẩm tú cầu đến từ dải Hy Mã Lạp Sơn bốn mùa ướp trong mây trắng…
Lê Hựu yêu tất cả những loài hoa xứ lạnh ấy. Ông nói về chúng như nói về bạn bè thân thiết, với say đắm của một con người gắn bó nhiều năm với mảnh đất này và để lại cho đời những bức ảnh nghệ thuật đặc sắc về Sa Pa. Ông bước đi sôi nổi, dưới bầu trời xanh lam, như bước giữa những đồi hướng dương vàng rượi ở Tuscany, miền trung Italia, hay những đồng oải hương tím ngắt xứ Provence, miền nam nước Pháp.
Ông còn cho tôi biết, chỉ vài năm nữa thôi, trên ngọn núi vàng rực ráng chiều này sẽ có thêm một loài hoa ru mình với gió. Người Nhật vừa tặng Sa Pa một trăm cây giống quý, trong đó có anh đào.
Tôi chưa kịp nhìn thấy loài hoa ấy, thì đã xa biền biệt núi đồi.
Ngót chục năm trời, hôm nay tôi mới trở lại Sa Pa. Lê Hựu không còn nữa, nhưng những cây anh đào đã lớn rồi. Một sắc hồng loang trên khắp phố phường, trong những vườn cây, và thầm thì trên núi vắng…
Hà Nội, 12/2021
P.D.N
VNQD