Theo dấu chân cha

Thứ Tư, 16/03/2022 08:06

. NGUYỄN THỊ THÚY HÀ
 

Vào một ngày giữa xuân năm 2019, khi đang chuẩn bị cho tiết giảng thì bất ngờ tôi nhận được điện thoại của chú Phan Huy Vĩnh - Ủy viên Hội cựu chiến binh của Sư đoàn 341:

- Cháu có muốn sang Campuchia thăm lại chiến trường xưa của bố không?

Tôi đáp ngay:

- Có chứ chú. Đó là ước muốn cháu ấp ủ từ lâu mà chưa thể thực hiện được chú ạ!

Trả lời vậy nhưng trong lòng đầy băn khoăn và hoài nghi, tôi hỏi chú:

- Nhưng chú ơi, cháu làm sao sang bên đó được ạ?

- Sắp tới có đoàn cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện và thân nhân liệt sĩ hi sinh tại chiến trường Campuchia sang thăm lại đất nước Chùa Tháp. Hội cựu chiến binh Sư đoàn 341 sẽ có 1 đại diện là thân nhân liệt sĩ tham gia. Nếu cháu có nguyện vọng, chú sẽ đề xuất hội xem xét.

Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà (mặc quân phục) phát biểu tại Lễ tiếp đón đoàn của lãnh đạo tỉnh Battambang, Campuchia, tháng 3/2019

Sau cuộc điện thoại đó là những ngày hồi hộp đợi chờ của tôi. Bởi tôi hiểu, thân nhân liệt sĩ của Sư đoàn 341 hi sinh tại chiến trường Campuchia không phải chỉ mỗi mình tôi. Hội cũng có những tiêu chí để xét duyệt, đề xuất người tham gia. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn luôn nhen nhóm một niềm hi vọng. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi ì ạch đến thế. Một tuần trôi qua, niềm hi vọng vơi dần đi. Rất nhiều lần, tôi bấm số toan gọi cho chú Vĩnh, nhưng rồi lại thôi. Bởi tôi sợ sớm phải đối mặt với nỗi thất vọng. Nhưng rồi tôi vỡ òa trong hạnh phúc khi được tham gia chuyến đi do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam và Ban liên lạc cựu quân tình nguyện Việt Nam tổ chức, theo lời mời của Hội Liên hiệp hữu nghị Campuchia - Việt Nam.

Trước ngày lên đường, tôi làm lễ dâng lên ban thờ thắp hương cho bố. Tôi thầm thì: “Ngày mai con sẽ lên đường sang Campuchia để thăm lại chiến trường xưa của bố. Con vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Chắc bố cũng vui lắm phải không? Bố hãy đồng hành và phù hộ cho chuyến đi của con thật suôn sẻ, bình an và may mắn, bố nhé!” Xong, tôi kiểm tra lại hành lí, xếp sắp thêm một số đồ dùng cá nhân và lên giường định bụng ngủ sớm. Nhưng trằn trọc mãi, tôi không thể ngủ được. Cố tìm mọi cách để dỗ mình vào giấc ngủ nhưng tôi đành bất lực. Tôi nằm đếm từng phút, từng giờ và mong sao cho trời mau sáng để được lên đường. Cảm giác vui sướng, háo hức cứ lan tỏa và thấm sâu vào mọi ngõ ngách tâm hồn tôi.

Buổi sáng hôm đó, trời Hà Nội lâm thâm mưa phùn, cái rét chỉ còn là những sợi nhỏ mảnh mai len lỏi, lẩn khuất vào từng cơn gió nhẹ. Phố phường vẫn còn rực rỡ sắc xuân, trăm hoa đua nở, những chồi non óng mượt đang vươn.

Chúng tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, đoàn do Đại tá Trịnh Vinh Pha - Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia dẫn đầu. Sau gần năm giờ đồng hồ đi ô tô, chúng tôi đã đặt chân đến Phnom Penh. Trải qua quãng đường 230km trong điều kiện thời tiết vô cùng nóng bức, cả đoàn thấm mệt nhưng mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Vui nhất là các cựu chiến binh. Họ vui vì thấy Campuchia, đất nước mà họ không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân để đánh đổ chế độ diệt chủng, nay đã trở nên giàu đẹp. Với riêng tôi, tôi mang bao tâm trạng buồn vui ngẫm ngợi... Tôi sang đây đúng thời điểm Campuchia kỉ niệm 20 năm thực hiện chính sách “Thắng - Thắng” và kỉ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (1979-2019). Chuyến đi này là cơ duyên, cũng là cơ hội để tôi hiểu sâu hơn về thế hệ cha ông.

Sau bữa trưa, trong lúc mọi người sắp đặt đồ đạc, tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức, tôi xuống sảnh khách sạn, hỏi lễ tân cách di chuyển đến một số địa danh mà bố đã từng nhắc đến trong những lá thư gửi về cho mẹ. Những lá thư nhàu nát, ố màu, nét chữ đã bị nhòe nhưng tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Nhờ mẹ “phiên dịch” tôi hiểu được nội dung của mỗi lá thư. Cô lễ tân không biết nói tiếng Việt nên tôi loay hoay đi tìm anh hướng dẫn viên du lịch của đoàn để nhờ. Chợt tôi nghe thấy tiếng gọi:

- Hà, cháu làm gì ở đây?

Tôi quay lại và nhận ra bác Chiến - cựu quân tình nguyện Việt Nam, cùng sư đoàn với bố tôi vừa từ thang máy bước ra.

Tôi đưa tờ giấy ghi địa chỉ, bác liếc nhanh qua những dòng chữ và bảo tôi chờ. Sau một lúc trò chuyện với cô lễ tân, bác quay lại bảo:

- Bác sẽ đi cùng cháu.

Quá bất ngờ, tôi vui sướng reo lên. Dường như hiểu được tâm trạng của tôi, bác nói tiếp:

- Bác cũng đang định tranh thủ thăm lại một số nơi ngày xưa từng chiến đấu. Nhưng bây giờ Phnom Penh đã thay đổi rất nhiều, một số địa danh không còn nữa. Bây giờ bác cháu mình chỉ có thể đến đại lộ Mô-ni-vông và Đài Độc lập thôi.

Phnom Penh đang giữa mùa xuân nhưng trời nắng như đổ lửa, hơi nóng từ mặt đường bốc lên phả vào mặt tôi hầm hập.

Hai bác cháu lên xe tuk tuk. Theo lời kể của bác về một số trận đánh của Sư đoàn 34, tôi hình dung ra dáng vẻ uy phong của bố khi chỉ huy một cánh quân tiến về Phnom Penh. Tôi hình dung đến cảnh bố và đồng đội ôm chầm lấy nhau cùng hò reo vui sướng và hạnh phúc đến trào nước mắt khi thủ đô Phnom Penh được giải phóng.

Lúc đầu hai bác cháu định chỉ ngồi trên xe tuk tuk đi một vòng qua đại lộ Mô-ni-vông rồi quay về Đài Độc lập, nhưng đến giữa đại lộ, tôi xin dừng xe. Tôi muốn được bước đi trên con đường bố đã từng hành quân. Tôi muốn tìm lại dấu chân của bố thuở nào. Tôi muốn được đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên bước chân to lớn, chắc nịch của bố. Dù là lần đầu đặt chân tới đây nhưng tôi thấy đại lộ này thân quen đến lạ. Tôi đi chầm chậm. Từng bước... từng bước... Và lắng nghe. Một phức cảm rất lạ dâng lên trong tôi. Nghĩ đến bố, tim tôi nhói lên niềm tiếc thương. Nhưng khi nghĩ mỗi bước chân của tôi đang in lên những dấu chân của bố, tôi bỗng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc.

Trở về khách sạn, tôi cùng đoàn đến thăm Đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Từ xa, tôi đã nhìn thấy một khối đá khổng lồ tạc nổi bật hình ảnh một người lính cách mạng Campuchia sát cánh cùng một anh bộ đội tình nguyện Việt Nam bên một thiếu phụ và đứa con nhỏ. Đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; là sự tri ân của nhân dân Campuchia dành cho các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Một cảm giác tự hào lan tỏa trong tôi.

Đoàn chúng tôi trang nghiêm đứng trước tượng đài, không gian bỗng lắng lại. Tôi cảm nhận được rõ ràng nét mặt ưu tư và ánh mắt hoài niệm xa xăm của những người lính một thời trận mạc.

Sau khi thành kính dâng vòng hoa tươi, thắp nén hương thơm, cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi xuôi xuống phía Nam theo đại lộ Norodom, qua cầu Chpa - Om pâu (nó còn có tên là cầu Sài Gòn) để đến trụ sở Thượng viện Campuchia.

Vừa xuống xe, bác Chiến đã níu tôi lại:

- Bác không thể nhận ra bóng dáng của Campuchia cách đây 40 năm nữa, cháu ạ. Mọi thứ thay đổi nhanh quá. Ngày giải phóng, thành phố Phnom Penh đâu đâu cũng hoang tàn, đổ nát, không điện, không nước, giống như một thành phố chết vậy. Ngoài bộ đội ta và bộ đội bạn, hầu như không thấy người dân nào.

Tại trụ sở Thượng viện, đoàn chúng tôi được ngài Sim Ka - Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia đón tiếp trong không khí trang trọng nhưng thân mật. Trong lời phát biểu, ngài khẳng định: “Những thành tựu to lớn của đất nước Campuchia ngày nay không thể tách rời khỏi sự giúp đỡ lớn lao, kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em”. Tôi cảm nhận được sự trọng thị, chân thành qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ của ngài.

Trong niềm xúc động và tự hào, tôi lại miên man nghĩ về bố. Qua lời mẹ kể thì bố là một người thẳng thắn, bộc trực nhưng thật thà, tốt tính. Chính cái vẻ mộc mạc, chân chất ấy đã chinh phục được mẹ - một cô gái xinh đẹp, đảm đang có tiếng trong vùng. Bố mẹ cưới nhau vào mùa xuân năm 1974, nhưng vì bố mải mê chiến đấu khắp các chiến trường nên mãi đến đầu năm 1979 mới có tôi. Khi biết tin mẹ mang thai, bố vô cùng vui sướng, hạnh phúc. Trong những lá thư sau đó, bố đều thông báo đã cắt phép. Mẹ mong từng ngày, đợi từng đêm, nhưng đáp lại sự mỏi mòn chờ đợi của mẹ vẫn chỉ là những lời hẹn trên giấy: “Chiến trường ác liệt quá. Hai mẹ con hãy đợi anh nhé! Sắp rồi, sắp rồi…”

Nhưng rồi... Mùa thu năm 1980, mẹ đau đớn chết đi sống lại trước tấm giấy báo tử. Bố đã vĩnh viễn nằm lại nơi nước bạn xa xôi mà chưa một lần được nhìn thấy mặt đứa con bố mong mỏi, đợi chờ suốt bao năm. Khi đó, bố mới 30 tuổi, mang quân hàm đại úy, là trung đoàn phó Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân khu IV.

Lúc bố hi sinh, tôi mới hơn một tuổi nên chưa có ý niệm gì về nỗi đau mất bố. Nhưng lớn hơn một chút, tôi dần dần ý thức được sự thiệt thòi khi thiếu thốn tình yêu thương của bố. Nhiều lúc, tôi chỉ mong được gọi một tiếng “Bố ơi” nhưng không thể. Nhìn các bạn được bố bế bồng hay công kênh trên vai đi chơi, tôi thầm ghen tị và khao khát. Những lúc bị mẹ mắng oan, tôi chỉ ước bố xuất hiện, ôm tôi vào lòng, xoa đầu và vỗ về. Buổi khai giảng đầu tiên, tôi không được bố dắt vào lớp học. Suốt những năm tháng sau này, lúc nào tôi cũng lủi thủi đến trường một mình.

Nhìn các bạn ríu rít được bố đón đưa, tôi vô cùng thèm thuồng và ao ước. Giá có bố, tôi sẽ chạy ào ra, ôm chầm lấy bố, sà vào lòng khoe với bố những điểm mười và mách với bố chuyện thằng Sơn, thằng Tuấn suốt ngày bắt nạt tôi. Tôi tưởng tượng ra rất nhiều việc tôi sẽ làm nếu có bố bên cạnh. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy mình thật cô độc. Sau này, được mẹ, bà và các bác cựu chiến binh kể cho nghe những câu chuyện về bố thì hình ảnh của bố ngày một dày thêm, hiện hiển rõ ràng hơn trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ về bố thường xuyên và nói chuyện với bố mỗi ngày theo cách của mình. Mặc dù chưa một lần nhìn thấy bố bằng xương bằng thịt nhưng tôi cảm nhận được bố luôn dõi theo tôi. Mỗi khi thành công, tôi thấy bố nhìn tôi đầy vẻ hãnh diện, ánh mắt sáng lên niềm vui. Khi tôi thất bại, chán nản, bế tắc, tôi lại tưởng đến vẻ mặt buồn buồn, ánh mắt trìu mến, ấm áp và lời động viên, an ủi của bố: “Mạnh mẽ lên con gái của bố. Bố tin con gái bố sẽ làm được mà”. Dần dần, tôi không còn cảm thấy mình cô độc và thiệt thòi nữa. Ngược lại, tôi cảm thấy may mắn, tự hào và hãnh diện khi được làm con gái của bố.

Trong mấy ngày ở Phnom Penh, sự kiện để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là buổi tiếp đón của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ quan hệ Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam, bà Men Som On. Tại một nhà hàng Việt khá nổi tiếng ở Phnom Penh, trong không khí vô cùng gần gũi, thân mật, cởi mở và ấm áp, bà nói hộ nỗi lòng, tâm trạng của nhiều thành viên trong đoàn khi sang Campuchia lần này “như là sự trở lại quê hương lần thứ hai của các chú, các anh”. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc, sau khi thay mặt cho thân nhân liệt sĩ phát biểu cảm tưởng, vì xúc động nên tôi đã khóc, bà vội bước tới ôm tôi vào lòng, hai mắt bà cũng rơm rớm. Bà nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, gọi cháu, xưng cô. “Cô đồng cảm, thấu hiểu nỗi mất mát của cháu và vô cùng biết ơn sự hi sinh của bố cháu cũng như các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.” Trước lúc chia tay, bà Men Som On một lần nữa ôm tôi vào lòng và nói: “Cô không bao giờ quên cháu”. Tôi thấy lòng mình ấm lại. Trong giây phút đó, tôi nghĩ, ở trên cao, chắc hẳn bố tôi cũng đang mỉm cười. Và hơn lúc nào hết, tôi càng cảm thấy tự hào về bố hơn.

Đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến thăm hai tỉnh Battambang và Siem Riep. Ở những nơi này, chúng tôi được lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh cùng một số đơn vị Quân đội Hoàng gia Campuchia đón tiếp rất nồng hậu. Đến bất cứ nơi đâu, tôi cũng đều nhớ đến bố. Những cung đường tôi vừa qua, những vùng đất tôi vừa đặt chân đến đều đã từng in dấu chân của bố. Cảnh cũ còn đây, đồng đội của bố đang về thăm lại, còn bố thì... Nghĩ đến đây, lòng tôi thắt lại, khóe mắt cay xè.

Lúc đến thăm khu nhà truyền thống của Sở chỉ huy Mặt trận 479 tại ấp Khvean, phường Kok Chok, thành phố Siem Reap, bác Chiến kéo tôi ra một góc, gần căn hầm bí mật, kể cho tôi nghe một câu chuyện mà tôi đau đáu muốn biết từ lâu, đó là bố tôi hi sinh ở đâu, trong trường hợp nào.

- Sau khi giải phóng Phnom Penh, sư đoàn nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân Pol Pot trên địa bàn Sam Lop, Battambang và biên giới giáp Thái Lan. Đầu năm 1980, bọn Pol Pot ráo riết tổ chức các hoạt động chống phá tuyến phòng ngự trên biên giới của ta với các thủ đoạn cài mìn trên các trục đường chính, đường mòn, kết hợp tập kích. Ta đã tổ chức các bãi mìn trước chốt, phối hợp cùng các lực lượng tiêu diệt địch trước chốt, để tránh bị bất ngờ. Đến mùa thu năm 1980, trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 8 của bác xây dựng kế hoạch chủ động phá thế bu bám cài mìn của địch, quyết tâm truy quét, phá tan, tiêu diệt căn cứ của quân Pol Pot mới chuyển từ Thái Lan về. Bố cháu trực tiếp xuống tiểu đoàn xây dựng kế hoạch tác chiến. Đó vừa là nhiệm vụ nhưng cũng vừa là tình cảm riêng của bố cháu đối với Tiểu đoàn 8. Vừa về tiểu đoàn, bố cháu đã đến từng lán thăm sức khỏe anh em bộ đội, kiểm tra tình hình triển khai chiến đấu của đơn vị. Vào bữa cơm, bố cháu ngồi cùng anh em, khen các cậu liên lạc nấu ăn ngon và cười đùa rất rôm rả. Bố cháu khoe với bác: “Vợ em sinh con gái rồi anh ạ! Em vui lắm. Em cắt phép rồi mà chưa thể về được.” Trưa hôm đó, bố cháu không ngủ mà trực tiếp cắt tóc cho từng người trong tiểu đoàn bộ. Bố cháu cắt rất khéo, rất đẹp, mọi người đều tấm tắc khen. Hôm sau, khi xong bữa trưa, bố cháu trực tiếp dẫn một đoàn đi kiểm tra địa hình tác chiến. Bỗng một chiến sĩ đạp phải mìn. Đội hình dồn về một gốc cây to thì bố cháu cũng đạp phải mìn nên bị thương. Mặc dù được chuyển về phẫu thuật tại trạm xá của Trung đoàn 266 nhưng vết thương quá nặng, bố cháu đã trút hơi thở cuối vào một buổi sáng cuối thu. Nghe tin bố cháu hi sinh, cả sư đoàn đều lặng người vì bất ngờ và đau đớn, xót xa... Mỗi lần nhớ đến bố cháu, bác không thể cầm được nước mắt. Nhưng chiến tranh là thế, cháu ạ!

Nghe bác kể, lòng tôi cuộn lên, ngực tôi đau nhói. Cố kìm nén cảm xúc nhưng nước mắt tôi vẫn cứ trào ra không thể nào ngăn nổi. Tôi càng thấm thía hơn sự hi sinh, mất mát trong chiến tranh và cảm thấy thương bố, thương mình vô cùng. Một ước mơ rất nhỏ nhoi, rất giản dị, chỉ là bố con được nhìn thấy nhau thôi mà sao xa xôi đến thế!

Tạm biệt Campuchia với nhiều quyến luyến bịn rịn, ngồi trên xe trở về Việt Nam tôi bâng khuâng nghĩ tới câu nói rất hay của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống bắt nguồn từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ.” Bố tôi và biết bao quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống để đất nước Campuchia hồi sinh và phát triển mạnh mẽ hôm nay. Tự hào và hãnh diện vì bố, tôi đã vượt qua được nỗi đau mất mát để vươn lên. Sau bao vất vả khó khăn, tôi đã được khoác lên mình màu xanh áo lính. Tôi đang đi trên con đường của bố, tiếp nối truyền thống gia đình. Tôi tin là bố cũng tự hào và hãnh diện vì tôi.

N.T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)