Chuyến trở về của cỏ là truyện ngắn dã sử mà tôi cảm thấy ưng ý nhất. Đây cũng là truyện ngắn ngốn thời gian của tôi nhiều nhất. Ba bốn tháng trời cứ quanh quẩn với hai từ “Trần Cảo”, cuộc khởi nghĩa xuất phát từ chùa Quỳnh Lâm - Đông Triều quê tôi. Phải bắt đầu câu chuyện thế nào, diễn tiến của cuộc làm loạn đánh về kinh thành ra sao. Ban đầu, tôi đã định chọn chính Trần Cảo làm người kể chuyện, nhưng rồi thấy chẳng ổn, cái giọng tôi lúc ấy (ngoài hai mươi) vốn hợp với những nhân vật không có gì trong tay, thích làm loạn, phá phách, nhiều ước vọng và cũng dễ thay đổi trước khó khăn, bất trắc. Cuối cùng, tôi đã chọn được người kể chuyện là một trong những người nông dân theo Trần Cảo khởi nghĩa. Một người có tên mà như không tên trong vô vàn người đã đi cùng vua Cảo đánh thốc đến thành Đông Kinh rồi bị bỏ rơi. Vua Cảo chạy trốn, nhân vật của tôi may mắn thoát chết về lại quê hương. Cuộc làm loạn bất thành như những gì đẹp và buồn nhất ở quá vãng…
Giờ tôi viết những dòng này cũng là nhớ về quá vãng. Cuộc “khởi nghĩa chữ nghĩa” của chính mình gần mười năm trước giờ nhìn lại nhiều lúc thấy ngây ngô quá thể. Nhưng hình như đó là những gì kết tinh trọn vẹn cảm xúc nhất, khó trở lại lần hai…
Nhà văn ĐINH PHƯƠNG
******
Trên đời này chẳng có chiếc áo nào đẹp hơn thế. Chiếc áo vợ tôi sửa trước ngày tôi đi theo vua Cảo làm loạn đánh thốc tận Đông Kinh.
Chiếc áo nâu sậm làm từ áo của mẹ tôi.
Mẹ tôi chết tháng trước. Miếng cơm cuối cùng đưa lên miệng, thằng lỏi hàng xóm rình rập phía ngoài chạy vào giằng lấy. Tôi túm được lúc nó lao ra ngoài. Khốn nạn. Tôi nói. Bà ấy đẻ ra tao đấy. Miếng cơm rơi xuống đất, bát văng đằng bát, cơm văng đằng cơm. Con trai tôi từ đâu chạy vào thấy thế vơ đưa lên mồm nhai. Thằng lỏi hàng xóm giằng tay chạy mất.
- Nhè ra.
- Nhưng con nuốt mất rồi.
- Nuốt cũng nhè. Mẹ mày thằng bất hiếu!
Mẹ tôi sắp chết đói. Trời ơi. Nước mắt tôi rơi thành giọt nhỏ xuống mặt thằng con trai duy nhất, thằng bé nối dõi nhà họ Nguyên. Cái dòng họ tàn tạ hết đời này sang đời khác, biết được thêm mấy đời nữa rồi dứt hẳn?
Đã mấy tháng nay chúng tôi ăn cháo, rồi cháo cũng không có mà ăn, phải ăn củ chuối, củ mài. Rồi củ cũng không có, vậy là nhịn đói. Lúc ấy ngồi quanh đống lửa, ba cặp mắt soi vào nhau, trừng trừng nham nhở. Mắt chĩa vào lửa, rần rật bức bối. Ruộng nương khô cằn, trồng được ít thóc, ít ngô nào đều bị quan quân hoặc giặc cướp cướp hết. Thằng con tôi đi bắt dế nướng ăn. Chúng tôi học nó, nào dế, cào cào, châu chấu, ếch nhái, cá, ốc, rắn mối,… con gì nướng được là nướng. Ăn rồi uống nước sông Cầm cho qua bữa. Nhiều hôm đói quá ăn quên cả mẹ.
Hôm ấy mẹ tôi bấu chân mình bật máu lúc tôi mang miếng thịt rắn mối nướng cho bà. Tôi đuổi nó ngã dúi, trầy đầu gối mới bắt được. Đói vàng mắt, đến rắn mối cũng hiếm, ăn cả thạch sùng. Nghe bảo làng bên có nhà bắt được ổ thạch sùng chia nhau ăn sùi bọt mép chết cả.
- Con sẽ đi tu.
- Mày đi đi. Sư chết. Phật cũng chết.
Mẹ tôi không ăn miếng thịt ngay mà để nó trên gối nằm. Lúc lại lấy ra ngửi. Ngửi đủ bắt đầu liếm. Liếm dọc, liếm ngang. Khi miếng thịt ướt đẫm, nước dãi rỏ cả ra miếng vải đen dùng làm gối thì đưa lên mồm nhai, nuốt, vẻ thỏa mãn. Tôi nhớ lâu rồi mẹ không được ăn thịt. Nước mắt tôi ứa ra, càng lau càng ứa. Thằng con tôi nhìn ra khoảng trời trước mặt. Thoảng buồn. Nỗi buồn vô cớ của tuổi mười ba giữa thời loạn. Chạm vào đau rát, chạm vào là mất hết. Mười ba của nó là bản sao mười ba của tôi. Tôi là bản sao mười ba của bố tôi. Bố tôi chết hôm nào? Chết ra sao? Gia thế đằng nội thế nào? Mẹ tôi giấu. Tôi quên chúng trong cơn đói triền miên, dai dẳng. Nếu bố tôi còn sống tôi sẽ hỏi bố có phải là bản sao của ông nội. Ông nội có phải là bản sao mười ba của cụ nội và nơi bắt đầu bản sao ấy ở đâu?
Hôm nay mẹ tôi không còn đủ sức để nói. Mọi thứ từ quá khứ được lấp lại. Mẹ nhìn vào mắt tôi, mờ đục của ngày tháng cũ. Mẹ chưa một ngày được hưởng sung sướng từ lúc sinh ra. Đời mẹ tàn tạ trong những cơn đói. Mùa đông nối mùa hè, nối sang cả niềm tin mà mẹ có trên đời.
- Bà chết không nhắm mắt.
- Mẹ chết không nhắm mắt.
Tôi vuốt mắt cho mẹ. Mẹ nhìn tôi thở hắt ra lần cuối rồi mới đi hẳn. Bóng trắng mảnh bay lên vướng mạng nhện lúc sau mới tan. Ánh mắt nhìn xoáy vào bụng thằng cháu nối dõi tông đường ra điều trách cứ. Tôi mệt, ngồi phịch xuống nền nhà, cơm bết vào đít quần dinh dính.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Ngoài cửa. Mùa đông quẫy đạp gấp gáp. Chúng tôi phải làm loạn. Phải đánh tận kinh thành giành lấy miếng ăn của bọn vua chúa. Đạp lên lưng, lên đầu chúng. Bắt chúng chịu nỗi dày vò như chúng tôi đã chịu. Tôi họ Nguyên, tên Hải. Con tôi cũng họ Nguyên, tên Hưng. Mà tên họ có quan trọng gì khi có tên có họ mà cũng như không. Bởi chúng tôi là cỏ. Giống cỏ bờ, cỏ bụi để trâu, bò, dê của nhà giàu nhai nghiến, bứt, dẫm nát dưới chân hoặc đứng cao hơn mà ỉa lên đầu. Nay cỏ hợp sức nhau lại để trở về. Chuyến trở về mông lung không biết trước thế nào.
Hôm mẹ chết có đám mây ngũ sắc bay ngang đỉnh núi xám. Mây hình bồ tát vẩy nước cam lồ. Mẹ có hóa Phật? Tôi chẳng mong mẹ hóa Phật. Chỉ mong mẹ ở bên bảo vệ tôi trước hòn tên, mũi đạn.
Mẹ chết vì đói. Chưa đầy năm sẽ thành bộ xương trắng. Người giàu nhiều thịt mới cần ba năm cải mả. Người nghèo quê tôi chỉ non năm, moi lên đã sạch tinh tươm hết thảy. Đến con giun, con dế sống trong mộ người nghèo cũng vật vờ, động đến không buồn chạy.
Áo mẹ dây rớt dãi lưu cữu, ngả vàng, loang lổ vết đốm bằng hai, ba ngón tay. Vợ tôi cởi áo mẹ ra giữ lại, mặc vào cho bà áo đỏ ngày cưới của mình. Chiếc áo được mặc duy nhất một lần trong đời, vải còn đẹp, nhưng mỏng, giặt phơi sau đêm tân hôn, cất sâu tận đáy hòm. Bảo giá mà tìm cho mẹ được cỗ quan tài thì tốt. Nói thì nói vậy nhưng kiếm đâu ra. Người mẹ quấn một manh chiếu rách. Tôi bảo bà giờ như cô dâu mới về nhà chồng. Chợt nghĩ, cái hạnh phúc và bất hạnh trong thời tao loạn này thật không biết đâu mà lường, mỏng mảnh, nằm đan nhau như những sợi vải trong cùng chiếc áo. Ngày mẹ tôi về làm dâu có được mặc áo mới? Chắc là không, mà nếu có bao nhiêu năm lưu tán khắp phương trời mẹ có còn giữ lại được gì. Kỉ niệm thành vệt, mờ phai dần trong trí nhớ. Tôi nhớ mẹ trong nỗi nhớ về miếng ăn, áo mặc và nhiều lần chạy loạn. Vợ tôi lấy lá quanh nhà đun nước đổ đầy chum sành, lấy gáo dừa múc từng gáo nhỏ, tỉ mẩn kì cọ cho mẹ. Người mẹ mỏng dẹt, xanh trắng như loài cá đòng đong, ghét trên da bong từng mảng, nước nóng chạm người nguội lạnh, đục nhờ. Mái tóc bạc trắng, lơ thơ, nhìn rõ da đầu. Thằng cháu trai loay hoay cạnh bà nhặt từng sợi tóc rụng. Tắm, mặc quần áo cho mẹ xong, tôi bế mẹ đi chầm chậm quanh nhà cho khô người, khô tóc. Đầu mẹ ngả trên tay tôi, mắt nhắm nghiền như ngủ. Mùi sả thoang thoảng. Màu áo đỏ chập chờn hư ảo. Mẹ tôi đã bế tôi bao lần mà đây là lần đầu tiên tôi bế mẹ… Mẹ nhẹ đến nao lòng. Con tôi đi một bên nhặt từng sợi tóc bà bung ra. Từ lúc sinh ra đến giờ, nó chưa thấy ai chết gần gũi với nó đến thế. Nó không khóc. Vợ chồng tôi cũng không khóc.
- À ơi... Con cò mày đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. À ơi... Ông ơi ông vớt tôi nao. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng. À ơi... Có xáo thì xáo nước trong. Chớ xáo nước đục đau lòng cò con. À ơi... À ơi...
Vợ tôi đi một bên, hát khe khẽ bài hát ru từ nhiều kiếp trước.
Bài hát gió thổi lên trời…
Nhà ba người đi thoăn thoắt không kèn trống. Ráng chiều trải trên ba tấm lưng gầy, mặt trời không ra đỏ không ra vàng, cứ mỗi lần nhìn lên là mỗi lần thấy chuyển từ góc chân trời này sang góc chân trời khác. Lỗ huyệt nhỏ, mẹ tôi nằm xuống, lấp vài xẻng đất là xong. Đầu quay về hướng kinh thành, chân hướng ra phía biển. Xong, tôi bứt một nắm hoa mào gà đỏ ối đặt lên mộ mẹ. Không vàng hương. Bắt cả hai mẹ con quỳ xuống lạy ba lạy, trán chạm đất.
- Con sẽ đánh lên kinh thành, làm quan làm tướng để họ Nguyên vẻ vang. Mong mẹ phù hộ.
Trên đường về con tôi buông tay, những sợi tóc bạc trắng bay tứ tán ở lại phía chiều.
*
* *
Vợ tôi cho áo của mẹ lên tảng đá nhẵn rồi lấy chày đập. Giặt xong còn phải đun nước cây chang, cây xó nhuộm đi nhuộm lại, đóng cọc đem phơi rồi đứng canh sợ có người ngang qua cướp mất. Nước thao thiết chảy. Mây trên đầu lững thững bay. Nàng ngừng tay ngẩng đầu lên mỉm cười một mình rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc. Có tiếng chim lảnh lên rồi vụt tắt nhường chỗ cho tiếng rao khàn đục hòa cùng tiếng mõ từ phía xa vọng tới. “Loa, loa, loa, loa… Tất cả dân chúng nghe đây. Tối bảy ngày nữa trai tráng y lệnh vua Cảo họp mặt tại Quỳnh Lâm Tự. Sai hẹn khi quân chém đầu. Loa, loa, loa, loa…” Nghe đâu quan quân trong hai huyện Thủy Đường và Đông Triều đã bị giết hoặc bỏ trốn từ mấy hôm trước.
Tôi vẫn chưa tin được vua Cảo cho người đến từng làng thông báo cho chúng tôi ngày làm loạn. Canh bạc duy nhất tôi đặt vào cuộc làm loạn này. Mà xét cho cùng chúng tôi chẳng còn gì để mất. Chúng tôi cần trở về nơi cha ông chúng tôi đã từng đặt chân đến hoặc mơ ước đến. Cỏ cũng có giá trị của cỏ, cũng muốn trồi lên cao, uống ánh sáng mặt trời cùng các loài cây khác. Phải đâu cứ đời này sang đời khác làm cỏ để thứ khác chà đạp.
- Mấy ngày nữa tôi đi, nhà nó đi cùng không?
Vợ tôi ngẩng mặt lên rồi lại cúi xuống tiếp tục tỉ mẩn theo mỗi đường luồn chỉ không nói gì. Tay nàng khẽ rụt lại khi mũi kim xuyên phải rỉ ra một giọt máu nhỏ. Gương mặt gần như bất động…
Tôi nuốt nước bọt đánh ực rồi đứng lên. Tôi biết vợ hết lòng vì tôi. Vợ đang sửa cho tôi chiếc áo đẹp nhất trong hàng quân vua Cảo từ chiếc áo của chính mẹ tôi mặc hôm bà mất. Áo của mẹ khéo sửa lại thành áo lành. Với chiếc áo lành, tôi ra trận oai phong như Trương Phi, Quan Vũ, Triệu Vân trong giọng kể của ông Sử què. Hình ảnh cầu Trường Bản đong đưa. Triệu Vân liều mình cứu ấu chúa giữa ngàn quân. Trương Phi hét một tiếng, tướng của Tào Tháo sợ đến vỡ mật mà chết. Tôi cũng một mình một ngựa, mặc áo lành như chiến giáp, chém đông bạt tây, hô nam vạt bắc. Tôi quên mẹ tôi mới chết chưa lâu. Mà đúng là phải quên đi. Phải dùng hết sức bình sinh cùng vua Cảo đánh vào Đông Kinh. Vào Đông Kinh rồi thì cái gì chẳng có. Nếu được ban quan tước tôi sẽ xây cho mẹ lăng mộ to nhất tổng. Khói hương trắng một vùng xua đi không hết. Mẹ cứ ở dưới âm ti mà hưởng phúc...
Tôi định lại gần đưa tay vuốt mái tóc xơ xác của vợ, nghĩ thế nào lại thôi. Nhớ lại ngày mới về làm dâu, nàng trẻ đẹp lắm. Mái tóc mượt mà. Hai má căng mọng, ngực vun đầy. Đêm động phòng, vợ tôi bảo nếu không có loạn khéo được tiến vua làm cung tần mĩ nữ. Lần đầu nghe thế tôi chỉ cười. Nhưng từ các lần sau mỗi lần nghe câu ấy là tôi thấy bức bối.
- Mình đừng nhắc đến vua chúa trước mặt tôi nữa.
- Sao thế?
- Nhắc nữa tôi giết.
Cả đêm tôi quay mặt vào tường, nghiến răng kin kít. Vợ sụt sịt khóc biết ý từ ấy không nói nữa.
*
* *
Hôm tôi đi trời lạnh, gió mùa ùa vào từ phía biển rít lên từng đợt hung hãn. Căn nhà chao lên chực ụp xuống. Hai tay đưa lên cấu mạnh vào dái tai một lúc mới thấy đau. Vợ tôi co ro ngồi bên bếp lửa hơ tay, thỉnh thoảng lại dịch người quay về phía gió lùa vào, che cho lửa khỏi tạt đi. Tôi đến gần lùa tay vào yếm vợ. Ngực nóng rẫy, vợ khẽ đẩy ra, thở dài.
Quỳnh Lâm Tự. Tiết trời tháng ba mà hanh hao, khô gầy như tháng chạp. Cây cỏ năm ấy mọc chậm, thất thường, có cây vừa nhú lộc, xanh nõn lập tức úa vàng, héo rũ rồi rụng. Cành cành khẳng khiu vươn lên nền trời xám ngắt. Hồ sen phía trước cửa chùa mùi bùn bốc lên tanh lợm cách vài dặm còn ngửi thấy. Sư sãi trong chùa nghe tin Cảo dấy binh làm loạn đánh lên kinh thành táo tác kéo nhau chạy cả lên Trù Phong Tự lánh nạn.
Từ sông Cầm vào đến Quỳnh Lâm Tự phải đi bộ non nửa ngày. Đường sá khó đi, cây cỏ rậm rạp chắn lối. Ngay từ sáng sớm vợ đã vét số gạo ít ỏi sót lại từ đợt đổi mâm ra nấu, chuẩn bị cơm nắm cho tôi lên đường. Thực tâm, tôi không đói, vẫn muốn ngủ với vợ lần cuối. Biết đâu chẳng có hạt mầm được gieo giữa ngày loạn. Cái mầm nối tiếp hi vọng. Thằng con ngồi trong góc nhà nhìn tôi. Chiếc áo tôi đang mặc có một phần chiếc áo của nó. Tôi biết, nó không muốn mẹ nó cắt ít vải lấy ra từ cái áo duy nhất đang mặc. Nhưng nó không làm cách nào để giữ lại được trước những lời dỗ ngon ngọt, thậm chí cả cưỡng bức của mẹ. Nó bất hạnh. Sinh ra, lớn lên đều bất hạnh. Kí ức về bố mẹ của nó rồi đây cũng bất hạnh. Nó sợ lửa, cứ nhìn vào lửa là người co ro, rúm ró. Bao nhiêu lần tôi bắt nó ngồi trước lửa là mỗi lần nó són đái ra quần.
- Bố… đi… à?
Câu nói bị cắt rời, gió tạt ngang tạt dọc một lúc mới tới được tai tôi. Tôi không đáp lại, mở liếp cửa ra. Trời tối mờ, sương giăng trắng. Từng khoảng đậm cây cối gieo xuống mặt đất. Phía ngoài cũng gió. Lửa vạt ngang thành vệt dài rồi tắt lịm. Vợ tôi ú ớ dứt khỏi giấc mơ. Thằng con trai nhoẻn cười khi lửa tắt. Nó muốn đứng dậy bước theo tôi mà không được. Đã mấy ngày nay nhà chẳng có gì ăn. Đã mấy ngày nó không đi đâu được ngoài cái xó lạnh lẽo. Tóc hất ngược về sau, tôi hiên ngang bước ra. Lác đác bóng người kéo nhau đi, tôi nhìn mãi không thấy ai quen để bắt chuyện.
Trên đường đi tôi vẫn tiếc không được ngủ với vợ lần cuối.
*
* *
Quá Dậu. Sân trước Quỳnh Lâm Tự, lửa bay ngút trời. Ngàn ngạt là lửa. Lửa soi sáng một góc núi. Lửa soi sáng từng khuôn mặt người vàng héo, hổn hển vì quãng đường dài. Lửa chém mạnh tàn xuống từng mái tóc rối bù bùn đất. Lửa chạm vào đâu, chỗ ấy tan ra, hòa vào thành lửa. Lửa như mưa, đưa tay ra là vốc được từng vốc sáng. Cả đời tôi chưa lần nào thấy lửa nhiều như thế. Tôi cố lại gần chỗ người cầm lửa nhưng bị phang mạnh vào đùi, đau quá lui ra. Cạnh người cầm lửa đều có người cầm gậy bảo vệ. Mắt những người ấy tròn, vàng, long lanh. Vua Cảo mặc áo đen, không thêu rồng, không mũ miện đứng trên lầu nhìn xuống. Vua Cảo là Đế Thích giáng sinh, mặt vuông, dáng nhẳng, đầu trọc lốc. Hai bên quân lính mặc quần áo lộ cộ, chẳng có chiếc áo nào đẹp như chiếc áo tôi đang mặc. Quân lính của vua Cảo ai cũng trọc đầu.
- Tất cả im lặng.
Tất cả chẳng ai bảo ai cùng hướng lên cao. Tôi thấy hồn mẹ tôi, bố tôi, của tổ tiên cụ kị nữa cùng đứng trong sân chùa, tay chắp lại nhìn lên. Trên đời này chỉ có sự phản loạn là mang ít nhiều ý nghĩa… Họ đứng cùng tôi trong hàng quân cỏ. Họ nép bên tôi, cạnh chiếc áo đẹp nhất của hàng quân, chiếc áo vợ tôi chắp bằng chiếc áo mẹ tôi và con tôi. Của máu dòng họ Nguyên kết lại.
- Tất cả cạo trọc đầu.
Dao bổ cau sắc lẻm được phân phát cho vài người đứng trên cùng. Chúng tôi tự chuyển dao, cạo cho nhau. Sương đêm rơi xuống lạnh thấu xương. Màu trắng của sương hòa cùng màu vàng của lửa thành sương khói. Tóc bay phần phật. Gió tháng ba thổi tóc bay tứ tán. Nâng những ngọn tóc lên la đà rồi vút lên nền trời đen sẫm. Tóc cũng có tiếng nói. Tóc hát, tóc kể cho chuỗi ngày khổ cực mà cha ông chúng tôi từng chịu. Cơn đói triền miên mà chúng tôi phải mang. Tóc thành mưa tưới cây cỏ. Chạm vào cây nào cây ấy đâm chồi nảy lộc xanh mươn mướt. Tóc thành mặt trời soi vào da thịt chúng tôi cho khỏi lạnh. Chúng tôi cúi xuống nhặt tóc tung lên. Tóc người này trộn lẫn vào tóc người kia. Lần đầu cạo trọc cũng là lần chia li. Biết đâu giây phút này là giây phút cuối cùng được đặt chân ở mảnh đất đã sinh ra, làm loạn, rồi chết ở chốn khác xa ngái. Đất ấy có là đất hứa Đông Kinh? Tránh hỏi, chúng tôi chỉ cầm chắc cái đang có trong tay.
Dao sắc cạo nhiều thành nhụt. Dao bết tóc, máu, bùn đất. Tôi lấy tay vuốt hết đi rồi đưa dao lên đầu tự lia vài đường. Không đau, chỉ có niềm thèm khát nào đấy dâng lên.
- Tất cả uống thật say.
Rượu từ trong gian tam bảo, cứ ba người khuân ra một chum lớn. Mở ra, mùi xộc thơm nức, rượu gạo sóng sánh, hơi đục. Uống lấy no. Lấy sức mai tiến về kinh thành. Mọi người vục đầu vào chum tợp lấy tợp để. Chỉ vài ngụm đã có người lăn ra. Tôi uống. Đời tôi chưa lần nào được uống nhiều, sảng khoái đến thế. Ông Sử què bảo đã là hảo hán ăn uống cũng phải ra dáng hảo hán. Ăn to, nói lớn, uống rượu bằng bát. Nay không có bát tôi đứng dạng chân, ưỡn ngực, hít một hơi sâu, vục cả hai tay vào chum rồi đưa lên miệng uống. Rượu cạn, không cho đầu vào được, mọi người bắt chước tôi cũng cho tay vào vục. Rượu lẫn máu tanh, ngọt, thấm nóng từ chân lên đầu. Đang uống dở, một người rú lên, ngã lăn ra đất.
Tôi cố chen lại chỗ tiếng rú. Đáy chum có đầu người. Mắt mở trừng trừng, tóc bết lại dập dờn theo rượu. Vài người bụm miệng nôn. Người chết là khách buôn lụa từ biển lên kinh, thỉnh thoảng vẫn cưỡi ngựa bạch qua làng. Vua Cảo thấy nhốn nháo từ trên lầu đi xuống. Mọi người đứng sang hai bên nhường đường cho vua. Vua đi chậm, vài bước lại dừng nhìn vào từng khuôn mặt. Sau cùng nhìn vào chum, cúi xuống nhấc đầu ra vứt tạch xuống đất.
Rượu chưa cạn nhưng không ai dám uống. Tôi tìm được một góc sau tượng hộ pháp nằm co ro ngủ. Đêm ấy tôi mơ về những chiếc đầu bay. Đầu người khách buôn bịt mắt bằng dải lụa vàng, cười khằng khặc chui vào trong áo chơi bịt mắt bắt dê. Càng nhiều đầu người bay vào chiếc áo càng to. Tôi cố đếm, nhiều lắm, không sao đếm hết. Vua Cảo đến nhấc chiếc áo đựng đầu người ấy đi nhẹ như không. Tôi hóa đầu bay theo, càng đuổi càng mất…
Trời chưa sáng, có tiếng chuông chùa đánh lên lệnh tiến về Đông Kinh. Tôi cố bò dậy. Nhớ lại giấc mơ đêm, nhìn xuống chiếc áo, tôi muốn về nhà. Nhưng trốn về lúc này tức mất đầu. Tôi cúi xuống rập đầu lạy Phật.
Đến quá Ngọ, đoàn người mới ì ạch xuất phát. Chuông ngân từng chặp dài. Người này vịn người kia, tầng tầng lớp lớp. Những cái đầu nham nhở tóc cạo chưa sạch, máu, bùn đất nhô lên, hạ xuống phía trước. Vua Cảo đi đầu, cưỡi một con ngựa đen tuyền, lông óng ánh. Tôi đuổi theo vệt sáng trên lông ngựa để xua đi ý nghĩ chạy trốn.
Không biết giờ này ở nhà vợ con tôi đang làm gì? Chiếc áo tôi đang mặc cũng không còn đẹp như lúc vợ tôi mới sửa nữa. Nó dính rượu, máu của trận khao quân tối qua. Chúng tôi chưa ra đến sông Cầm đã phải dừng lại. Vua Cảo sai phát quân lương. Nhiều người đói bốc gạo nhai sống. Chúng tôi được lệnh đi lấy nồi, củi đem về nấu.
*
* *
Đoàn người nối nhau lầm lũi. Hình ảnh đáng nhớ nhất là muôn ngàn cái đầu nham nhở, nhấp nhô trong nắng sớm. Vài người dụi mắt, vài người nhổ nước bọt, vài người tách đoàn ra đứng đái. Muôn người nhìn lưng người đằng trước mà quên đi quãng đường phải di chuyển. Lịch sử cũng không vì thế mà xê dịch. Lịch sử hả hê đứng trên cao nhìn xuống đoàn người. Vua Cảo biết điều ấy, với vua Cảo, tất cả chỉ là một trò chơi không hơn. Vua Cảo chơi trên những xác người, hồn cỏ. Đã có lúc chơi ngang ngửa với lịch sử.
Tháng tư, Cảo đem binh ở Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm, xâm phạm thẳng vào bến Bồ Đề. Nhà vua mới nghe tin báo, xuống chiếu thân chinh. Sai Lại Thúc Mậu đem quân qua sông, đóng ở Gia Hạ ra lệnh nổ ba tiếng pháo, các quân tiến đánh, đại phá quân của Cảo. Cảo chạy về Trâu Sơn… (Đại Việt thông sử)
Phía bên kia sông là thành Đông Kinh. Khói bốc lên mờ ảo. Khói dày, gió qua bạt khói đi, vài người bảo thấy thấp thoáng mái cong vút của tẩm điện. Chúng tôi tin, xuýt xoa, chắc mẩm. Đánh tan được đội quân của Lại Thúc Mậu trấn giữ, cướp thuyền tràn qua là sẽ có tất cả.
- Tất cả nghe lệnh vua Cảo xông lên.
Tôi cuống cuồng chạy theo người chạy phía trước, người chạy phía trước chạy theo người chạy phía trước nữa,… hàng ngũ rối loạn, ép nhau lao vào quân triều đình. Vua Cảo đứng phía sau nhìn quân lính lao vào tử chiến. Tôi không biết làm gì trong trận chiến đầu tiên, tay run rẩy, giáo loạng choạng, mắt mở to nhìn chằm chằm phía trước. Tránh bên này, tránh bên kia. Xiên bên này, chọc bên kia. Phía nào cũng gươm đao, cung lửa. Phía sau thúc giục xông lên. Tiếng hú gào, tiếng nấc, tiếng cầu xin, tiếng chửi bới dậy một quãng bờ sông. Bất ngờ một cái đầu rụng xuống, máu từ bụng phun thành tia ra ngoài, mảnh óc bắn vào áo. Tôi sợ hãi vứt giáo, lăn ra giả chết, nín thở mặc cho những thân người đổ chồng chất lên. Tôi bị chôn trong nhiều xác người.
Khi tiếng hò hét dứt dần, chỉ còn lại tiếng rên nho nhỏ bốn phía, tôi nhích dần về phía bờ sông, ti hí nhìn mặt trời. Mặt trời đỏ rực. Nước sông quặn lên, phù sa quyện máu người đỏ ối. Tôi không còn là Triệu Vân, Trương Phi trong truyện Tam Quốc nữa. Tôi chỉ là thằng Nguyên Hải nhà nghèo, khố rách áo ôm. Kẻ đào ngũ không ai thấy. Tôi đã nhìn thấy thấp thoáng tường lũy, thành quách phía bên kia sông, thế là thỏa mãn một đời. Đủ để kể cho vợ con, làng xóm nghe về điều tôi đã thấy, đã làm.
Giờ tôi phải trở về ngôi nhà nơi có vợ con đang đợi.
Không cần làm quan. Tổ tiên, cha mẹ bắt buộc phải tha thứ cho một đứa con như tôi. Vợ, con sẽ hiểu tôi quan trọng với họ hơn của cải, quyền lực. Tôi ham sống, muốn nhận phần sống, chưa muốn chết ở đây. Đã có nhiều người chết. Quân lính triều đình, quân lính nhà trời chết. Cỏ cũng chết. Chỉ có vua Cảo tinh quái, ranh ma, xảo quyệt, gian hùng, đứng sau và chạy trước. Tôi không thờ vua Cảo nữa.
*
* *
Quân triều đình lấn át quân nổi loạn, tôi đã nghe thấy tiếng chửi. Tiếng chửi của người ở gần cõi khác bạt tất cả tiếng gươm giáo, hò hét. Tiếng chửi vua Cảo là kẻ không ra gì, đem con bỏ chợ, không hết lòng với quân lính, anh em đã từng đồng cam cộng khổ từ lúc còn ở Quỳnh Lâm Tự.
Vua Cảo giả điếc thúc ngựa phi nước đại, roi quất vun vút.
Từng tảng tóc nham nhở cuống cuồng dẫm đạp lên nhau chạy theo.
Tôi tìm đường về nhà.
Bỏ lại vua Cảo, bỏ lại lớp lớp người, có sống có chết, đã cùng mơ ước một cuộc sống khác.
*
* *
Cỏ sinh ra trên đời này vốn vô nghĩa. Ông trời bất công khi sinh ra các loài cây lớn còn sinh ra cỏ. Thà rằng đừng sinh ra thì còn không biết trời đất méo tròn. Sinh ra rồi mới thấm hết nỗi khổ nhục…
Ông Sử què thường bắt đầu câu chuyện của mình như thế.
Câu chuyện của tôi đã trải qua, tôi kể lại, trở thành câu chuyện của ông. Ông thêm một, bớt hai cho hấp dẫn, lê chân què, phách nhịp trên tay đi kể khắp nơi trong huyện. Cũng đủ ăn, đủ uống trong một thời gian dài trước khi người nghe chán, ông quay lại với Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du. Không có anh hùng nào trong ấy. Cũng không có một mình, một ngựa, một đao xông vào trận tiền chém bay đầu người như chém chuối. Chỉ có cỏ, cỏ đã làm một chuyến trở về.
- Âu thế cũng đủ đầy cho một kiếp người.
Tôi sống cùng vợ, con trai ven sông Cầm. Ngày ngày, ngắm đàn vịt bơi lội trên sông thỉnh thoảng nghĩ đến vua Cảo.
Ngày con vua Cảo chết, tôi đem chiếc áo đã mặc trong chuyến trở về thả xuống lòng sông. Chiếc áo bươm nát, nham nhở, chi chít lỗ thủng. Sông nhấn ướt, đẩy trôi dần xuôi xuống phía cuối dòng.
Đ.P
VNQD