. NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Năm 1939, Nguyễn Triệu Luật viết cuốn Ngược đường Trường Thi, mượn giọng một ông thầy giáo mà dạy cho học trò các câu chuyện lịch sử, nhẩn nha theo lối điểm các địa danh trên trục đường dài nhất Hà Nội ấy để kể về những tích xưa chuyện cũ, tự gọi là một lối viết pha trộn giữa “chân sử” và “bông lông”:
“Nội đường thành phố, các anh có biết con đường nào dài nhất, thẳng nhất không? Đó là con đường Duvillier, Borgnis Desbordes, Paul Bert. Đường bắt đầu từ cửa Nhà hát Tây, thẳng một mạch như sợi chỉ căng, đi qua ngã tư Gô Đa, Trung Ương Thư Viện, Vườn hoa Cửa Nam, Hàng Đẫy cho tới chỗ gặp con đường đi Cầu Giấy mới là hết địa phận thành Đại La cổ. Vậy kể từ Cầu Giấy đến cửa Nhà Hát Tây, đường ấy dài đến sáu nghìn thước, tức là sáu cây số. Kể riêng cái quãng thẳng như sợi chỉ căng, cũng được linh ba nghìn thước tây. Con đường ấy có một cái số kiếp quẩn quanh cùng bút mực văn chương từ hơn tám trăm năm đến giờ”.
Bằng lời mở đầu hoa mĩ như vậy, tác giả bắt đầu từ Văn Miếu, biểu tượng học vấn của đất nước với con đường được đắp đằng sau: “Khúc đường ấy, nối cửa Nam thành Thăng Long với Giám và Trường Thi, và là khúc đường đầu tiên của con đường dài sáu nghìn thước bây giờ… Tới đây các anh chỉ mới thấy cái duyên nợ của con đường ấy đối với nguồn học dân tộc ta thôi, còn cái lẽ lộn xộn quẩn quanh các anh chưa thấy”.
Điều đặc sắc của cuốn “lịch sử kí sự” pha những câu chuyện mang tính chất tiểu thuyết này là sự gợi mở từ những địa danh điền dã ngay trên một trục đường lịch sử của Hà thành, cho thấy một cái nhìn mang tính kết hợp giữa khảo cứu lịch sử, địa lí và dân tộc học. Nguyễn Triệu Luật nhìn thấy ở trục đường ngày nay chúng ta quen với các tên phố Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền một dữ lượng di sản văn hóa, từ cả những thiết chế (Văn Miếu, thư viện, trường thi, bách hóa, Nhà hát Tây) đến những dấu tích cảnh quan (hồ Hoàn Kiếm, con đê cổ, trận chiến quá khứ bến sông Hồng…) Hơn nữa ông dùng thủ pháp chồng lớp bản đồ để khiến người đọc nhận diện các trầm tích quá khứ trên một địa điểm, như phủ chúa Trịnh xưa biến mất rồi mọc lên trường thi thời Nguyễn và thư viện thời Pháp thuộc. Gắn với mỗi nơi chốn là một câu chuyện về một vài tên tuổi quá khứ, thông qua những tên chương nhiều ẩn ý: Cái tiết tháo bình thường không cao không thấp của một kẻ sĩ hồi cuối Mạc, Bảng tùng để thơm, Đổi văn sang võ, Sinh tàm Lý học sĩ (Sinh tàm: sống thẹn), Mặt trời Nam sao chẳng mọc cùng mặt trời Đông?
“Ngược đường” cũng có nghĩa là ngược về quá khứ, về những biến thiên đã diễn ra trên mảnh đất này. Có một sự ngậm ngùi, một tiếng thở dài nhè nhẹ của người kể chuyện trước người đọc mà tác giả tạm lấy những học trò ở một ngôi trường trên phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến ngày nay) làm đại diện. Không phải vô cớ mà Nguyễn Triệu Luật kể những câu chuyện lịch sử theo một lối khác, mà như chính ông đã nói ở lời mở đầu là ảnh hưởng từ một bộ phim của Pháp năm 1938 - Remontons les Champs-Élysées (Nguyễn Triệu Luật dịch là Ngược đường Élysées). Bộ phim hài kể về một giáo viên cố gắng truyền đạt những bài học lịch sử cho học sinh bằng cách dẫn dắt họ vào những sự kiện và tình huống dã sử trên con đường trung tâm Paris qua nhiều thế kỉ, trong đó có một bước ngoặt là Cách mạng tư sản Pháp 1789. Sự kiện phá ngục Bastilles hay bài La Marseillaise đã thành quốc ca Pháp là những mốc quan trọng, cũng như các nhân vật lịch sử nổi lên và chết đi được xếp đặt mang tính trào lộng mà Nguyễn Triệu Luật gọi là “lông bông”, có lẽ đã cuốn hút ông. Câu chuyện lịch sử nước Pháp gợi ý một điều gì cho Nguyễn Triệu Luật?
Cuối thập niên 1930, ý niệm về chủ nghĩa dân tộc dường như đã hội tụ đủ trong tầng lớp trí thức và học sinh, sinh viên Việt Nam, dấy lên một trào lưu tìm về nguồn cội. Những tác phẩm khảo cứu về lịch sử được xuất bản, các tạp chí nghiên cứu sử học của Hội Trí Tri và sau đó là Tri Tân, Thanh Nghị, Hàn Thuyên ra đời. Những bài hát chủ đề “thanh niên - lịch sử” của nhóm Đồng Vọng và Ban âm nhạc Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương đầu thập niên 1940 cũng là kết quả của một ý thức dân tộc trỗi dậy, được gợi hứng từ chính những sản phẩm của nền giáo dục Khai sáng mà người Pháp thiết lập từ hơn nửa thế kỉ trên mảnh đất thuộc địa. Năm 1940, Pháp thất thủ trước Đức quốc xã, chính phủ Pétain ở Pháp cũng như tại Đông Dương đưa ra khái niệm “cách mạng quốc gia”, đề cao các giá trị “Lao động, gia đình, Tổ quốc”, khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động hướng đạo và tập thể, vô hình chung tạo ra một môi trường cho những tư duy về dân tộc Việt Nam cho chính những học sinh bản xứ.
Những học sinh mà nhân vật “ông giáo Nguyễn Lý Viên” đang kể cho nghe những câu chuyện lịch sử, thực ra cũng là khối tuổi trẻ đang được gieo cấy những ý niệm dân tộc chủ nghĩa, mà ông thầy giáo An Nam này rõ ràng muốn “remake” (làm lại) từ bản gốc của ông thầy Pháp kia. Đây cũng chính là một cách mà những phong trào tân nhạc, kịch nói đã thực hiện trong suốt hai thập niên 1920 và 1930 để đi từ những “bài ta theo điệu Tây” hoặc đóng kịch của Molière được dịch ra tiếng Việt sang viết những bài hát mới với nhạc và lời hoàn toàn của người Việt và diễn những vở kịch nói “thuần-nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta” như lời Nguyễn Mạnh Bổng, quản lí Hữu Thanh tạp chí, quảng bá cho vở Chén thuốc độc (1921) của Vũ Đình Long, vở kịch đánh dấu sự khai mở của kịch nói Việt Nam. Nhưng phải đến thời sau Ngược đường Trường Thi, dòng chảy diễn ngôn về dân tộc chủ nghĩa mới thành một con sông lớn. Những bản hành khúc kêu gọi lòng ái quốc của Lưu Hữu Phước, Văn Cao và nhiều tác giả trẻ khác đều cho thấy sự ảnh hưởng từ bản La Marseillaise. Một trong những từ khóa các bài ca này dùng là hô ngữ “cùng đi”: Cùng nhau đi hồng binh hoặc Nào đồng lòng đi, đi, đi sá gì thân sống! Cũng gợi cảm hứng từ một quá khứ lịch sử khá gần gũi Nguyễn Triệu Luật, Văn Cao viết: Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng, trong khói sương chiều ám, trên dòng sông Nhị Hà còn kia…, nhưng là của một đám đông gần xa hò hét: Thăng Long! Thăng Long! Thăng Long thành! Hình ảnh khối đông đi hùng dũng này khác với cái dáng đi của nhân vật thầy giáo khi tan trường trong Ngược đường Trường Thi: “Ông giáo Nguyễn Lý Viên lại lủi thủi trên con đường Hàng Đẫy, thủng thẳng bước một về nhà”. Bước chân lẻ loi nện trên hè phố Hà Nội, không thể nói là vui.
*
* *
Đó là khung cảnh của Hà Nội cuối những năm 1930, hiển nhiên những nhân vật đi bộ. Đi bộ không chỉ trên thực địa, thủng thẳng nhấn nhá tìm kiếm những chỉ dấu quá khứ mà còn trong tâm tưởng. Vào thời này, con đường trục chạy ngang thành phố mà Nguyễn Triệu Luật đã dẫn dắt từ Văn Miếu, biểu tượng học vấn phương Đông thời trung đại đến Nhà hát Lớn, biểu tượng cho sự áp đặt văn hóa của thực dân phương Tây, tựa như gợi ý một cuộc tiếp biến khác, như kết quả của quá trình thực dân hóa. Nhân vật ông thầy đã tiếc nuối khi kể rằng lo sợ dòng họ “bảng tùng để thơm” sẽ bị đứt mạch thư hương nếu được trao phần thưởng tại Nhà hát Tây, nên bỏ học cao đẳng để chỉ trở thành “một anh giáo cùn”. Câu chuyện sẽ rất hữu ý một cách khác hẳn nếu điểm cuối là một nhà băng hay dinh Toàn quyền. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên của lịch sử đã trao cho tác giả một cơ hội tiến hành một cuộc khảo sát văn hóa.
Trục đường Nguyễn Triệu Luật khảo sát cũng cơ bản là trục đường chia nội thành Hà Nội thời Pháp thành hai nửa, phía bắc là khu phố bản xứ và phía nam là khu phố Tây, với vùng đệm là hồ Hoàn Kiếm và một số công trình công cộng, hành chính ở giữa. Nó hiển nhiên là một lộ trình đô thị hóa của Hà Nội. Phố Hàng Khảm, tên cũ của Tràng Tiền và Hàng Khay, chính là phố thương mại đầu tiên người Pháp thiết lập ở Hà Nội và cũng là con đường được rải đá đầu tiên khoảng năm 1885. Ở con đường này có những cái đầu tiên của Hà Nội kiểu Tây: quán cà phê đầu tiên, hiệu giày Tây đầu tiên, cửa hàng bách hóa, hiệu thuốc Tây…
Nửa thế kỉ sau, con đường chứng kiến sự suy tàn của xã hội thuộc địa. Năm 1944, nạn đói bắt đầu diễn ra ở miền Bắc, và nhạc sĩ trẻ Văn Cao nếm trải cái đói giữa mùa đông Hà Nội: “Có đêm phải đốt dần bản thảo và kí họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu”. Được Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh tìm gặp và giao công tác soạn một bài hát cho “khóa quân chính kháng Nhật sắp mở”, Văn Cao nhận lời và tìm cảm hứng viết bài hát bằng cách đi trên những con đường Hà Nội:
“Phải làm như thế nào bây giờ? Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen cố tìm một cái gì để nói, tìm một âm thanh đầu tiên. Những đường phố quen thuộc ấy thường không vang lên một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn và vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang… Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không mảnh giẻ che thân. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc. Không phải cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về gác tôi viết được nét nhạc đầu bài Tiến quân ca”.
Văn Cao kể về trải nghiệm sáng tác của chính mình từ những cuộc “điền dã” những cung đường Hà Nội quanh ga Hàng Cỏ hay Bờ Hồ kết hợp những tưởng tượng về “bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” của một cuộc cách mạng tương lai. Mỗi cuộc tìm kiếm chất liệu thực địa ở trung tâm Hà Nội mang lại một cảm thức dân tộc chủ nghĩa khác nhau, dù là sự hoài cổ của Nguyễn Triệu Luật năm 1939 hay tính chiến đấu của Văn Cao năm 1944. Quả thực chúng đều là sự kế thừa và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, cả nhu cầu tồn giữ quá khứ nhiều bảo thủ lẫn những ý niệm cách mạng hàm chứa bạo lực. Sự thừa nhận ngầm ẩn quá trình thực dân hóa lẫn sự phản kháng quá trình này đều là sản phẩm của một giai đoạn những người trí thức Việt tìm cách diễn đạt bản sắc của mình, mà cho đến nay vẫn chiếm một vị trí quan yếu trong thế giới tư duy của họ.
Nguyễn Triệu Luật kết thúc tác phẩm của mình bằng lời trần tình có phần yếm thế, song lại rất thành thực:
“Vì thế, đành làm cái nghề cùn này, chẳng danh vọng gì, nhưng có cái thú là không có thể làm hại ai được, cho dẫu làm hại một cách vô tình.
Chắc các anh cười tôi lắm đó.
Nhưng đừng, vì nếu không, thì sao tôi lại gặp gỡ các anh đây để kể câu chuyện tất niên này”.
Những gì Nguyễn Triệu Luật viết, gần gũi với những câu chuyện “vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, tưởng như trốn lánh vào những vùng khuất quá khứ, và đã có một thời bị coi là bệnh thời đại phải “khai tử”. Non một thế kỉ sau, người Việt nhận ra mình đang quên nhanh hơn, và lo âu cho những con đường mất dần những viên gạch bằng chứng lịch sử. Người ta nói mỗi viên gạch ở mảnh đất Hà Nội cũng là vật chứng một câu chuyện lịch sử, chúng chỉ đợi những ông thầy biết kể một cách lôi cuốn để chí ít còn được lưu lại trong kí ức.
N.T.Q
VNQD