. TỐNG NGỌC HÂN
Thung lũng rất rộng, um tùm cây cối, che khuất hoàn toàn tầm nhìn. Nơi con người có thể quan sát được là dòng suối và hai dải đường mòn uốn lượn ven bờ. Cỏ ven đường tốt đến nỗi mỗi bước chân người vừa đặt xuống đã ngay lập tức bị cỏ lợp lên. Con đường ướt át quanh năm vì triệu triệu tia nước li ti từ trên thác nước bay xuống. Ở đây, hầu hết là những loài cây lạ, hoa lạ tự mọc, tự tươi tốt. Không ai xén tỉa bao giờ. Rất nhiều người tới đây nhầm tưởng trời đang mưa phùn. Có ai đó nói, cả ba lần đến thác Sinh Tử đều gặp trời mưa. Mưa thác làm tóc An ướt, bết vào trán. Đôi giày cao cổ, đế bằng, buộc dây màu nâu, bám đầy hoa cỏ. Dù không tin là sẽ tìm thấy chùm chìa khóa của Chương và bị Chương từ chối, nhưng An vẫn một mực cùng anh bạn mới quen quay lại thung lũng. Vì sao ư? Mới năm ngoái từng có sinh viên lạc rừng và mất tích khi một mình khám phá vườn quốc gia và leo lên thác nước Sinh Tử.
Minh họa: Tô Chiêm
Trời tháng tư rất lạnh. Con đường hoàn toàn dành cho người đi bộ. Ngay cả ngựa, nếu có, chắc cũng khó đi. Nếu là một cô nàng nhút nhát, yếu đuối thì sẽ không dám cương quyết như vậy. Ở trạm soát vé, ông bảo vệ già nói tuyết vừa rơi năm hôm trước. Ở thung lũng này, cuối tháng ba âm lịch năm nào cũng có một trận tuyết rơi rất dày nhưng lại mau tan, như chính thức tiễn biệt mùa băng giá.
Đường cứ hun hút đi xuống. Hai đầu gối An nhức buốt. Vốn chỉ mới quen nhau từ buổi sáng nên An ngại, không dám trò chuyện với Chương cho đường bớt dài. Chỉ khi nào Chương hỏi cô mới trả lời. Chương thì thất thường. Anh ta nói gì đó với cô thì rất dè sẻn. Khi anh ta nghe điện thoại của cô gái nào đó thì sẽ nói tiếng Pháp. Nói cũng nhanh thôi, độ một phút. Và thi thoảng lại rên rỉ một mình vài câu tiếng Anh.
Hai người cứ đi. Từ trạm soát vé xuống đến thung lũng là hơn một cây số. Thú thật là, lúc sáng, đi cả đoàn tám người thì không sao, An thậm chí còn thấy rất gần vì khung cảnh quá đẹp, quá say đắm. Còn bây giờ, thời gian đã quá trưa sang chiều, quay lại, cô thấy con đường xa thăm thẳm và vô cùng hoang vắng. Tự nhiên cô sợ. Đang đi, đến một khúc cua tay áo, bỗng An nhìn thấy cành hoa màu tím ai đó mới bẻ, giắt lên một chạc cây ven suối. An vội vàng tiến lại để nhìn cho rõ thì phát hiện ra chùm chìa khóa có treo một con cá sấu to bằng hai ngón tay màu da cam. An ngạc nhiên reo lên. Nó đây rồi! Chương cười bằng mắt, môi khẽ nhếch lên. Buối sáng, chắc là trong lúc cởi áo khoác ra trùm lên đầu, để nước trên thác bay xuống không làm ướt mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ, chùm chìa khóa trong túi anh ấy đã rơi ra. Vì rơi xuống cỏ êm nên không ai biết. Chắc chắn có ai đó đi trên con đường này đã nhìn thấy, nhặt và treo lên cành cây. Thế mà ông soát vé lại bảo người ta thường đi thung lũng vào buổi sáng, không ai đi buổi chiều cả.
Hộc tốc tụt dốc, giờ gặp suối mà quay lên ngay thì tiếc quá. An rất thích dòng suối này. An hỏi Chương vì sao nước suối lại có màu vàng. Chương nói màu vàng là do những viên đá, sỏi dưới suối có màu vàng thôi, cả những cọng rêu nữa. An đi lại sát mép nước, thò tay xuống làn nước rất ấm đang bốc hơi, nhặt lên một viên sỏi. Đúng là viên sỏi có màu vàng. Kì lạ thế chứ. Không thế sao họ gọi suối vàng. An nhìn Chương như ướm hỏi. Chúng ta quay lên chứ. Chương không trả lời, chỉ tay về phía những khóm hoa tím biếc lộng lẫy trong thung lũng xen giữa những lùm cây cỏ và bảo: Cô có nhìn thấy con đường mòn bên cạnh bụi hoa tím kia không? Có con đường đi vào chân núi đấy. An ngạc nhiên nhìn theo hướng tay Chương chỉ. Hình như là có một con đường mòn thật. Cô lưỡng lự. Chương tò mò nhìn con đường không chớp mắt rồi bảo, cô quay lại đi, cùng mọi người về phố. Tôi muốn lên trên ấy. An run rẩy. Ôi không. Em đi cùng anh. Em không để anh đi một mình đâu. Chả gì em cũng người miền núi, còn anh thì trai thành phố.
Hai người rẽ phải trên một lối đi chìm trong cỏ. Mưa thác mỗi lúc một dày. Tiếng thác tựa như tiếng hí của một con ngựa lạc bầy cất lên giữa lưng chừng trời, càng đến gần càng da diết. Tại lạnh quá chăng. Chương nói trời khoảng tám độ, An không tin. Chỉ năm độ là cùng.
Trong đoàn, ngoài An ra, bảy người còn lại đều là sinh viên năm cuối trường Kinh tế, bạn của chị gái An. Sát ngày họ đi tour này thì chị Tâm bị trẹo chân không đi được nên An xin thế vào chỗ chị. An chưa từng đi thác Sinh Tử bao giờ nên háo hức lắm. Vùng núi này là xứ sở của những ngọn thác và thác Sinh Tử là ngọn thác cao nhất, đường đến khó nhất, nhưng lại đẹp nhất, họ còn gọi Thác Trời. Quả nhiên, cả đoàn choáng ngợp bởi sự giàu có sinh động của vườn quốc gia và vẻ đẹp kì vĩ của thác nước. Thác Sinh Tử không phun nước liền mạch như người ta thường thấy. Mà nước trên thác đổ xuống từng đợt như sóng biển. Khoảng cách giữa những con sóng thác ấy vừa vặn một phút. An thấy thác Sinh Tử giống như một cái cối giã gạo khổng lồ, từng nhịp chày nước đổ xuống tạo thành âm thanh giòn giã, tưng bừng. Chương từng nói, có lẽ, trên ngọn thác, có một cái cọn nước rất lớn. Chính cái cọn ấy tạo thành những cơn sóng thác. Bao nhiêu chàng trai trẻ tìm cách lên ngọn thác để khám phá sự huyền bí của thiên nhiên. Nhưng ít người tới nơi. Có người tới thì không trở về. Có người trở về thì im lìm, không nói gì cả, không muốn chia sẻ với bất kì ai sự kì diệu của thiên nhiên.
Quan sát gương mặt Chương, An thấy sự thích thú hiển hiện. Tuy nhiên, An không thấy ở Chương niềm mãn nguyện như những người khác trong đoàn.
Hai người đã đi một đoạn khá xa, đã gần đến chân núi. Nhìn xuống, dòng suối giống như con trăn vàng đang trườn lên thác. Bất chợt Chương quay đầu hỏi An, giọng tỏ ra thân mật hơn. Cô mệt không? Chúng ta ngồi nghỉ một lát nhé. Hai người không nói gì, cùng ngồi xuống một tảng đá hình mai rùa mà phía trên lưng nó có một khóm tử quyên nở hoa tím biếc. Cả tảng đá phủ rêu xanh rì như một tấm thảm. Những cái gốc cây rừng đổ ngã quanh đó cũng đầy rêu. Những cây còn đang tươi tốt cũng vậy. Rêu từ gốc lên tận ngọn. Cành cây như những cánh tay của loài vượn khổng lồ đang thò lên trời mà khua khoắng. Ở đây, mùa đông, chắc là không bao giờ thấy mặt trời. Vì núi cao quá. Nước từ trên đỉnh thác bay xuống quanh năm như mưa. Ánh mặt trời có xuống được đây cũng chỉ là những giọt sáng nhỏ nhoi lẫn vào ánh ngày không thể phân biệt. An rất muốn nói gì đó, nói thật to, thật nhiều cho không gian bớt u ắng nhưng Chương cứ im lìm như tảng băng nên cô không dám mở lời. Mãi rồi An đánh liều hỏi. Anh định tìm gì trên núi phải không? Rõ ràng là Chương nghe thấy tiếng An nhưng Chương chỉ nhổm người lên và tiếp tục bước đi. An lếch thếch theo sau. Phải chục phút. Khi hai người tiến vào sát vách núi, Chương mới nói. Tôi cần tìm một phiến đá to hình con ngựa quỳ.
An đưa mắt nhìn quanh, chỗ này là vườn đá, đá đứng đá nằm các tư thế, các dáng hình. Nhưng không có tảng đá nào hình con ngựa. An có cảm giác đây là sự sắp đặt của con người chứ không phải thiên nhiên đã bài trí như thế. Màu hoa tím dịu dàng khiến không gian trở nên trong trẻo hơn. Không khí tinh khiết hơn. Đoàn của An sáng nay và rất nhiều du khách, chắc chắn chưa từng đặt chân đến khu vườn địa chất này. Cảnh hiếm thấy ở một đất nước nhiệt đới. An rất muốn Chương kể cho nghe gì đó. Nhưng thật sự là Chương rất kiệm lời. Khi hai người đã có thể sờ vào vách núi đá ẩm ướt, Chương mới nói. Cô có biết vì sao địa y ở đây có màu đỏ như máu không? Nó thiếu mặt trời đấy. Từ chỗ này, nếu bám vào dây leo mà đu lên trên kia là chúng ta đặt chân tới một khu vườn rộng gấp trăm lần chỗ này. Vô cùng đẹp.
An kinh ngạc. Anh đã tới đây rồi sao? Chương gật đầu. Tôi từng đến đây. An ngửng đầu nhìn Chương không chớp mắt. Chương có khuôn mặt và vóc dáng thật sự hoàn hảo. Chương nhặt một viên đá nhỏ lên tung hứng trên hai tay và bảo, nghề của tôi mà. Đi triền miên tháng ngày. Lấy mẫu, đo đạc, tính toán, xử lí, kết luận. An vẻ như không hiểu gì mấy. Đứa con gái học về Du lịch thì cần gì phải biết về đất đá. Tuy nhiên An ngờ vực. Em tưởng anh học Kinh tế cơ mà. Chương lắc đầu. Không, tôi học Mỏ địa chất. Ban đầu, tôi không muốn cô đi theo tôi. Giờ thì cô không thể quay về một mình. Đợi tôi ở đây cũng không được vì sẽ nguy hiểm. Con đường này không chỉ có chúng ta đi. Chúng ta sẽ cùng lên trên ấy. An nhìn vách đá dựng đứng, dây leo bám chằng chịt, những khoảng không có dây leo thì phủ đầy rêu đỏ như máu tươi, cảm thấy bất an. Chương tỏ ra kiên trì. Cô đã đi đò ngang bao giờ chưa? An lắc đầu. Chương giải thích một cách miễn cưỡng. Người chèo thuyền không thể cắt ngang dòng nước xiết để sang bờ bên kia. Muốn sang thì phải bơi ngược theo bờ một đoạn sông rồi mới rẽ ngang dòng. Chúng ta muốn leo lên trên kia, thì phải đi dọc theo vách núi này, con đường càng lên cao, vách núi càng bớt dựng. Giờ cô đi sau tôi, thở sâu và chậm. Ít nói thôi. Nói nhiều sẽ nhanh mất sức. Có khát nước không, uống nước đã nhé!
Lần đầu tiên An thấy Chương nói nhiều đến thế. Vậy mà An từng nghĩ Chương là người mắc chứng tự kỉ dạng nhẹ. Hai người lầm lũi đi. Vì cả ngày chưa ai từng nhìn thấy mặt trời nên cũng không ai biết rồi bóng tối sẽ từ đâu đổ bộ xuống. Từ trời xuống hay từ đất lên, hay từ nỗi sợ hãi mông lung trong người tỏa ra. Hai người càng đi lên, trời càng lạnh. Chân vách đá là một con đường rất nhỏ, khoảng hơn gang tay bề ngang và chỉ đi một người một. Càng ngày tiếng thác dội lại càng rõ, những tiếng ùm ụp rợn người. Và dòng suối như con trăn vàng khổng lồ đang mắc võng, đầu nó mắc vào thác, đuôi nó mắc vào một cây cầu treo nhìn xa thấy nhỏ xíu như chiếc lược. Đi được khoảng trăm mét thì Chương dừng lại. Lúc này, không ai còn nhìn thấy những bụi tử quyên chỗ hai người từng ngồi nghỉ nữa. Chương bắt đầu xem xét vách đá một cách tỉ mẩn. Vầng trán nom rất đỗi thông minh của Chương đã rịn mồ hôi. Sóng điện thoại thì từ lúc hai người tụt xuống lòng thung lũng đã không thấy tí nào nên An chỉ có thể xem giờ. Đúng ba giờ chiều, Chương lôi cuốn sổ nhỏ từ túi quần ra và ghi chép. Chương vạch những dây leo bìm bìm trên vách đá và chỉ cho An một lối lên nhỏ là những hốc đá tự nhiên chỉ vừa vặn lọt những bàn chân đi giày. An run bắn người. Không. Em không biết leo núi đâu. An thầm nghĩ như thế và ân hận vì đã vội vàng gia nhập cái tour quỷ quái này. Nhưng Chương không nói gì, chỉ nhanh nhẹn tìm kiếm những sợi dây máu chó to nhất, già nhất, nắm chặt lấy, đu người lên, nhún thử xem sức tải của chúng là bao nhiêu. Từng sợi đứt phựt. Đến lượt An cũng vã mồ hôi ra. Chương nhìn An, cái nhìn như đong đo, xem xét mẫu vật. Rồi Chương kết luận. Cô cần ba sợi. Tôi sẽ cần năm sợi. Đây là phần của cô. Những sợi bên phải lối đi. Cô thuận tay phải đúng không? An gật. Còn tôi là những sợi bên trái, tôi thuận tay trái. Cô lên trước đi. Không quá hai chục mét đâu. Tôi sẽ leo ngay sau gót cô. Nhớ là chỉ nhìn lên, không được nhìn xuống. Cởi bớt áo ra. Nào bắt đầu...
An cởi chiếc áo phao, buộc ngang hông. Chương cũng làm như thế với chiếc áo nỉ khoác. An bám vào những sợi dây rừng đã được Chương chọn trên vách núi nghiêng và đặt bàn chân đầu tiên vào hốc đá, cảm giác giống như cô đang tham dự một game leo núi nổi tiếng mà truyền hình phát mỗi tuần một số. Đôi găng tay bằng sợi vải trắng của An chỉ sau vài cú bắt nắm đã đổi màu đỏ thẫm do nhựa của dây máu chó ứa ra, thấm vào. Nghe lời Chương, An không nhìn xuống dưới, cứ cần mẫn leo từng bước. Đầu gối An run bần bật, nhức nhối vì cả một ngày đi bộ, leo trèo rã rời. Trong đầu An chợt có suy nghĩ, Chương vì muốn đến nơi này nên đã treo chùm chìa khóa lên cành cây để lấy cớ quay lại. Chỉ vì cô rốt ráo đòi giúp Chương đi tìm nên mới xảy ra cơ sự.
Những chùm hoa mua đuôi chồn buông lõng thõng màu hồng tươi ngay phía đỉnh đầu cho An động lực tiếp tục. Những hốc đá ngày một rộng. Nó đủ chỗ cho hai bàn chân. Nhưng, những dây rừng thì cứ lỏng dần ra. Như thể chúng bị sức nặng của An kéo bật khỏi gốc cây. Không thể nào, những sợi dây máu chó to như sợi chão, phải có hằng chục năm tuổi, không dễ gì bật khỏi những kẽ đá với những bộ rễ cắm sâu và trườn xa. Trời lạnh buốt mà toàn thân An nóng rực. Gió quất rát mặt. Chỉ còn độ một mét cuối cùng, An kiệt sức, mắt hoa lên. Mồ hôi vã ra như tắm. Thay vì nắm lấy ba sợi dây như Chương dặn, An chỉ có thể nắm được một và dựa toàn bộ người vào vách đá, cằm tì vào cái hốc trước mặt. Bữa trưa với món bánh mì và sữa chua đem theo dường như không đủ cho cơ thể mười chín với ngần ấy vận động. Trong khi toàn cơ thể như đơ cứng thì An vẫn kịp nghĩ. Buông tay ra là chết. An sẽ không buông. Nhưng An không còn chút sức lực nào để đẩy cơ thể lên nữa, đôi cánh tay như bằng gỗ rồi. Đúng khi ấy thì bàn tay Chương nắm lấy cổ chân trụ của An. Bàn tay rất nóng. Cùng một giọng nói rất ấm vọng lên. Cố lên nào. Một hai ba. Bàn chân An được đẩy lên. Một hốc, hai hốc và cuối cùng, An đã trườn được lên miệng vực.
An nằm ngửa trên mặt cỏ ẩm ướt, toàn thân như bị trói chặt, ê ẩm, nhức buốt. Cô thấy vị ngọt trên môi mình. Lạ chưa. Hương vị của loại kẹo dâu tây cô thích. An ngồi bật dậy. Thấy Chương đang ngồi cách đó khoảng một mét, dựa vào một gốc cây rất lớn, vỏ mốc trắng như da con trăn.
Cô làm tôi hú vía!
An bẽn lẽn ngồi im.
Tôi không nghĩ là cái trò ăn kiêng của bọn con gái lại tai hại như thế. Tôi gọi cô đến mười câu, cô không trả lời, hai chân run run. Tôi biết ngay cô bị tụt huyết áp. Tôi đã dùng đầu để đẩy bàn chân cô lên đấy. Cô nhìn tóc tôi đi!
An không dám nói gì vì xấu hổ. Có lẽ An vừa thiếp đi đôi chục phút vì mệt mỏi. Cái tư thế ngủ của An thì rất xấu, chị Tâm thường bảo đó là tư thế bành trướng. Lần đầu tiên An biết thế nào là đói lả. Chương ném sang An một thanh lương khô và cộc lốc. Ăn đi!
Sau khi ăn và uống nước xong, An đứng dậy, nhẹ nhàng xoay hai cổ chân và ngỡ ngàng nhìn khu vườn lộng lẫy muôn sắc lá hoa, kề đó là một hồ nước khổng lồ xanh biếc.
Thế nào? Cô còn ân hận không?
Đẹp quá anh ạ! Em ân hận chứ. Ân hận là đến bây giờ mới biết nơi này!
Ven hồ, hoa dại nở hồng rực, những con chim màu trắng trông giống con cò, cao lớn lênh khênh đang chậm rãi rỉa lông.
Anh ơi, ai đào cái hồ này?
Hồ tự nhiên. Ai đào được hồ trên đỉnh núi này chứ. Nước hồ chảy xuống thác, theo suối vàng đi khắp các làng bản, tưới tắm cho ruộng vườn.
An cảm thấy ngượng. Sinh viên năm nhất, hầu hết là ngu ngơ như thế.
Anh ơi, thế nước ở đâu ra mà đầy hồ nhỉ?
Cô có nhìn thấy cánh rừng bạt ngàn bao quanh hồ nước kia không? Nước từ rừng mà ra.
Ôi, em muốn đem một bụi hoa về phố!
Nhiệt độ ở đây trung bình có năm độ thôi. Có những thời gian băng tuyết phủ kín cả tháng. Về vùng thấp, nóng, nó không sống được. Giờ chúng ta sẽ đi một vòng cho ấm người!
Không, không đi quanh hồ đâu, em lạnh lắm. Em sắp chết cóng rồi!
Cô làm tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nếu đi quanh hồ này, ít nhất phải năm ngày. Còn nếu khám phá khu rừng bên kia, phải mất hai tháng. Chúng ta chỉ đi một vòng khu vườn địa chất này thôi. Tôi chỉ muốn cho cô biết, vì sao thác lại phun nước từng cơn, chứ không chảy liên tục. Đây là những trải nghiệm rất quý giá.
An bặm môi vì lạnh. Hốc mũi nhức buốt như đang bị cái lạnh khoan thủng. Cảm giác như máu đang chuẩn bị ứa ra như nhựa cây máu chó. An đi sát cạnh Chương. Mùi kẹo dâu từ người Chương thoang thoảng. Trên môi An cũng còn đượm vị ngọt. Cách thác chừng ba chục mét hai người đã nhìn thấy một ghềnh đá đen sì rất dài dưới hồ, nằm án cửa thác. Ra thế, chỉ khi nước được đẩy lên, chồm qua ghềnh đá ấy thì mới đổ xuống. Thiên nhiên kì lạ vậy. Càng lại gần, An càng thấy lạ.
Anh ơi, em thấy nó giống một cây gỗ hơn là tảng đá. Càng không phải cọn nước như sáng nay anh đã nói.
Thì nó là một cây gỗ mà! Phía gần chúng ta là gốc, phía bên kia là ngọn. Nó dài đến hai chục mét ấy. Có một cọn nước khổng lồ tạo sóng cho hồ nhưng ở tận phía bờ bên kia, chỗ lùm cây lá đỏ ấy. Cái hồ nước này chảy xuống hằng trăm con thác mà thác Sinh Tử chỉ là một trong số đó. Cô nhìn kìa, con ngựa quỳ bên miệng thác.
Anh ơi, em muốn cởi giày lội xuống hồ nước. Hồ bốc khói thế kia là nước ấm lắm. Chân em cứng đơ rồi.
Cô không được lội xuống hồ!
Tại sao không?
Cô có biết tại sao thác nước này có tên là thác Sinh Tử không?
Em không biết!
Vì những ai lội xuống đây đều không trở về!
Họ đều chết ạ?
Không phải chết mà là mất tích. Cô có từng nghe về những vụ lạc rừng, những vụ mất tích trên dãy núi này không?
Có, ít nhất là ba vụ trong hai năm gần đây. Nhưng tại sao anh đoán là họ mất tích khi lội xuống hồ?
Điều này tôi không thể nói được, trừ phi...
Anh nói đi! Nếu không em cứ lội xuống!
Nếu cô không nghe lời tôi thì ngay ngày mai đội cứu hộ sẽ cày xới sục sạo tung cả thung lũng lên, cả cánh rừng dưới chân thác nữa. Mà sẽ không thấy ai cả!
Vậy khi đó chúng ta ở đâu? Dưới đáy hồ à?
Không, chúng ta sẽ ở trong rừng, tự sinh tồn. Không ai tìm thấy chúng ta cả. Vì chính chúng ta không muốn ai tìm thấy. Không muốn trở về.
An ngồi trên tảng đá, cạnh búi tử quyên rất to. Hoa sai chíu chít và tím lựng. Lúc Chương cho An xem ảnh, cô giật mình thấy tảng đá cô ngồi giống y hệt con ngựa quỳ. Không phải ngẫu nhiên mà Chương bảo An ngồi lên đó để chụp ảnh. Sau khi hoàn tất bộ ảnh, Chương bỗng trở nên dịu dàng. Anh ngồi xuống cạnh An và nói.
Em hãy nghe lời tôi, không cắt ngang nhé. Giờ đã muộn rồi. Em phải trở về, trên chính con đường hai ta đã lên đây. Nếu thực hiện chính xác thì khoảng ba mươi phút sau em xuống đến chân vực. Đi một giờ nữa đến tảng đá hình con rùa, chỗ lúc trước chúng ta nghỉ chân. Dưới gốc tử quyên có một túi nhỏ. Trong túi có lương khô, một cây đèn pin, chìa khóa xe. Em sẽ đi một tiếng rưỡi nữa là đến trạm soát vé. Sau đó sẽ đi xe về khách sạn.
Thế còn anh?
Tôi sẽ “mất tích” sáu ngày. Vì ngày thứ 8 tôi phải có mặt ở trường để thi khảo sát rồi!
Nhưng anh có mang theo đồ đạc gì đâu. Quần áo, nước uống, thức ăn cũng không còn?
Nếu có đủ mọi thứ thì sẽ không gọi là trải nghiệm Sinh Tử. Mà sẽ gọi là phượt, là picnic.
Nhưng em không thể đu xuống vách núi bằng con đường cũ. Anh cũng biết là xuống khó hơn lên rồi còn gì. Có con đường nào khác không?
Có. Tôi sẽ chỉ cho em con đường xuống nhanh nhất!
Chương cầm tay An gần như kéo cô lại gần miệng thác. Thác sâu hun hút như cái giếng trắng xóa bọt mỗi khi một cơn nước đổ ập xuống. Tà huy lọt vào miệng thác đem theo ánh hào quang cuối ngày bừng sáng. An run rẩy đứng nép vào Chương.
Em sợ lắm. Anh cho em ở lại cùng anh!
Không, em phải về. Tất cả đang cuống lên tìm em. Còn bố mẹ tôi đã quá quen với những chuyến đi của tôi!
Vâng. Vậy thì em xuống trước nhé. Anh Chương này, thế nếu sau bảy ngày anh vẫn chưa về thì sao?
Cô bé bướng bỉnh này. Còn nói nữa tôi sẽ ném em xuống thác!
Hay là anh ném em xuống đi! Cả ba lô của em nữa!
Vừa nói, An vừa thoăn thoắt cởi áo khoác, giày, nhét vào ba lô và dùng túi bao ba lô bọc lên. Rồi An đứng thẳng dậy, ngước nhìn Chương lần cuối, khẽ nhắm mắt lại. An thấy mình ở trong vòng tay mạnh mẽ, ấm áp của Chương, thấy nụ hôn của Chương trên mắt trên trán, trên môi, thấy tiếng Chương giục giã.
Em nhảy đi! Cố gắng nhảy càng ra xa vách đá càng tốt. Đừng lo quá, nước rất ấm. Nào một... hai... ba!
An nhoài người ra khỏi vòng tay Chương, bật văng người vào miệng thác trong niềm phấn khích lạ lùng. An như rơi xuống tận đáy vực. Nước trong veo nhìn rõ những viên sỏi màu vàng lấp lánh. Cô đạp mạnh vào một tảng đá để trồi người lên mặt nước và hối hả bơi vào bờ trước khi một cơn nước nữa ập xuống.
Đang lững thững trên lối mòn ven suối, An nhìn thấy chiếc ba lô màu hồng của cô trôi lập lờ...
Tám giờ tối, trạm soát vé để không. Chiếc xe phân khối lớn được xích vào gốc cây sa mộc ngay cạnh lối đi lát đá ướt sũng sương đêm. Đất ấm, hơi nước bay lên gặp không khí lạnh tạo thành muôn vạn hạt sương nhỏ li ti dày đặc kết thành tấm màn bao quanh An. Quầng sáng của ánh đèn pin bị màn sương cô lập nhỏ xíu như quả bóng bàn giọt vào những cánh cửa im lìm không có bất kì dấu hiệu nào của sự tìm kiếm. Chương sai rồi. Không ai tìm em cả. Biết thế này, em đã ở lại cùng anh. An thầm nghĩ thế. Móc chùm chìa khóa trong túi áo ra, An nhận thấy có ba chiếc chìa. Ắt là có chìa để mở khóa sợi dây sắt.
An về đến khách sạn là 22h đêm. Người mệt như dần, An chìm vào giấc ngủ mê man ngay sau khi khép cửa phòng.
Tỉnh giấc bởi tiếng đập cửa, An lững thững đi ra. Mọi người ùa vào phòng. Các anh chị xúm lại, người sờ đầu, người sờ tay cô em út của nhóm. Anh trưởng nhóm đặt tay lên ngực. Lạy Chúa! Em làm chúng tôi đau tim. Mọi người đã tìm em cả buổi chiều. Hiện giờ đội cứu hộ vẫn trên núi. An ngơ ngác không hiểu gì cả. Cô ấp úng. Em quay lại tìm chìa khóa cho anh Chương mà. Rồi hai người lên hồ Sinh Tử.
Trời ơi, em bị ma rừng nhập rồi. Chương nào, chìa khóa nào? Hồ Sinh Tử ở đâu? Nhóm chúng mình có bảy người, cả em. Đây em đếm đi. Nếu em bảo có người tên Chương thì anh ấy đâu? Sao lại để em về một mình? Sáng nay chúng ta đi thác Sinh Tử, trời mưa và quá lạnh nên chúng ta không ăn trưa dưới thác như kế hoạch. Khi quay về đến trạm soát vé, mọi người không thấy em đâu. Tất cả quay xuống tìm em...
An mở to mắt, phản ứng: Không, từ đầu em thấy tám người cơ mà. Cả anh ấy là tám. Anh ấy chở em. Đi thác về đến trạm soát vé thì anh ấy tìm không thấy chìa khóa.
Trời ơi, cô bé! Em đi một mình một xe. Còn sáu chúng tôi đi ba xe. Thôi, em tắm giặt đi, rồi chúng ta ăn gì đó, mọi người chưa ai ăn uống gì cả. Mười hai giờ đêm rồi. Để anh báo với cứu hộ và gia đình em. Xem kìa, ga giường em đầy dấu giày. Để anh bảo người ta thay ga cho.
Mọi người kéo đi. An bước vào phòng tắm, chốt cửa. Vừa trút bỏ quần áo, An nghe tiếng chị nhân viên dọn phòng nói với ai đó qua điện thoại. “Căn phòng này như có dớp, đúng ngày này năm trước, một cậu sinh viên địa chất đi thác Sinh Tử rồi mất tích. May mà con bé này tự mò về được.”
T.N.H
VNQD