Lộc xuân từ Côn Đảo

Thứ Tư, 16/03/2022 16:33

. LÊ HỒNG LAM

Cũng như hoa sữa của Hà Nội, phượng vĩ của Hải Phòng, mimosa tượng trưng cho Đà Lạt, sao dầu vững chãi thẳng băng đặc chất Nam bộ Sài Gòn, đất Bến Tre gắn bó với cây dừa… thì cây bàng là loài cây đặc trưng phủ bóng khắp hòn đảo Côn Lôn(1). Những cây bàng ở đây đặc biệt ở chỗ có tán rộng, thân cây to xù xì hơn hẳn những nơi khác. Có lẽ vì vậy mà cả đảo có 53 cây bàng được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Những cây bàng ở Côn Đảo.
Lần đầu tiên tới Côn Đảo, sau khi kết thúc cuộc họp ở Sài Gòn đúng ngày thứ Sáu, tôi gọi cho vợ cậu em họ làm hàng không đang ở Cần Thơ nói đặt cho anh cặp vé đi Côn Đảo. Lúc ăn tối xong, nhận vé trong tay rồi, tôi vẫn đinh ninh Côn Đảo và Phú Quốc là một! Đêm về trước khi đi ngủ vào Google tra các địa danh đặc trưng để mai còn đi chơi, tôi mới tá hỏa: Côn Đảo khác mà Phú Quốc khác!

Âu cũng là cái duyên, lúc chiếc Fokke bé tí đậu xuống sân sân bay Cỏ Ống, đi bus vào khu trung tâm, một mình khoác chiếc ba-lô lang thang đúng kiểu du lịch bụi, thấy quán café Côn Sơn với chiếc biển đóng trên thân cây bàng và chiếc võng được mắc giữa hai thân bàng cổ thụ, tôi ngồi lại gọi một li đen đá không đường, mắt nhìn ra biển những ngày cuối năm, nghe Bằng Kiều thao thiết: “Buồn ơi, ta xin chào mi, khi cuộc tình đã bỏ ta đi…”

Lần thứ hai trở lại, hai chị em cũng được cậu hướng dẫn viên của đoàn chở đến đúng quán café Côn Sơn xưa ngồi đợi để nhập đoàn. Những thân bàng uể oải xám xịt năm xưa đã to lớn, căng đầy sức sống và xanh mướt trong gió biển đầu xuân hòa cùng tiếng hát hùng tráng của Trọng Tấn: “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ...”. Lần đầu gặp nhau đúng kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, còn giờ là “em khác xưa rồi, khúc hát cũng khác xưa”.

Bàng cũng là một loài cây nhiệt đới, cùng họ với trâm bầu, tán lá mọc thẳng, đối xứng trên những cành nằm ngang làm cho cây bàng trưởng thành trông xa như chiếc bát úp, sẵn sàng che chở, nhìn từ xa đã thấy được vẻ có thể cậy nhờ.

Hai trong số 53 cây bàng di sản được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận tại Côn Đảo.

Căn nhà mới của ba con tôi có ban-công khá rộng, được bạn mua nhiều loại cây đem đến trồng. Ngay từ ngày đầu của lần thứ hai ra Côn Đảo này, tôi đã hỏi cô bé dẫn đoàn xem nơi nào có bán bàng non để tôi mua vài bầu cây đem về Hà Nội. Cô bé cũng đi hỏi đi tìm nhưng ngày cuối trả lời là họ không có bán, vì ở Côn Đảo này chỗ nào chả có cây non, bán bàng non ở đây khác gì đứng bán lá giữa rừng già. Cô bảo tôi khi nào sắp về, em chỉ chỗ cho, anh muốn lấy mấy cây thì xuống xe mà nhổ đem về.

Sau khi viếng miếu cậu Cải, bãi Đầm Trầu - bãi biển được xếp hạng thứ 18 trong 25 bãi biển đẹp nhất Thế giới, là nơi cuối cùng đoàn chúng tôi dừng chân trước khi ra sân bay để mọi người bay về Sài Gòn và Hà Nội. Lúc anh em đang rộn ràng “tập tay” hiệp cuối với ốc hấp và mực một nắng, tôi lang thang dọc một vòng bãi biển và hí hoáy chụp ảnh. Dừng chân ở một trong những cổng của Vườn Quốc gia Côn Đảo, bắt gặp một cậu có vẻ là người của Vườn Quốc gia này, dáng se sắt khỏe mạnh với làn da đen bóng, tôi tiến lại hỏi chỗ lấy bàng non, cậu ta cười, chỉ cho mấy cây, bảo anh ra mà nhổ. Nhớ rút thẳng lên và rút từ từ không rễ nó đứt.

Tôi chọn một cây nhỏ nhất, mới có ba chiếc lá. Bàng non mọc từ những quả bàng già rơi xuống bám vào nền cát ẩm rồi từ đó nảy mầm đâm rễ gắn vào đất Côn Sơn. May quá, rút được một cây trọn vẹn. Tôi chỉ một cây bé hơn nhiều, lá mầu xanh sẫm chứ không tươi non như lá bàng hỏi cây này là cây gì, cậu kiểm lâm nói cây mù u. Loài cây này đặc trưng của miền Tây Nam bộ với câu ca luyênh loang trải dài qua bao nhiêu thế hệ:

“Bướm vàng đậu trái mù u

Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn…”

Chợt nhớ có lần tôi đọc được một bản tin với nội dung là ở một số nước có phong trào: sau khi ăn những quả chín, người ta gom hạt lại, phơi lên xong bỏ vào những bọc nhỏ. Rồi mỗi khi đi trên đường nhìn thấy những bãi đất trống, họ ném hoặc rắc những hạt cây này xuống. Chỉ cần 10-20% số hạt này đâm chồi nảy lộc thành cây trưởng thành thì đã giúp ích cho cho thảm thực vật và môi trường sống của nơi đó lắm rồi.

Xin từ đất Côn Đảo - nơi được mệnh danh là bàn thờ của Tổ quốc - hai cây non, lòng vui như ngày Xuân đi hái lộc về. Lấy một chiếc túi ni-lông ở quán, bọc lại, hai cây non theo tôi dọc hành trình từ Côn Đảo về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. Băn khoăn không biết có được xách tay khi bay, cậu em thân thiết trấn an: “Anh cầm 2 cây này như cầm theo bó hoa lên máy bay như mấy cô mấy chị vẫn làm chứ gì”. Lúc check-in ở sân bay Tân Sơn Nhất, cô nhân viên mặt đất ngồi máy soi chiếu hành lí cứ nhìn tôi và hỏi mãi về “món quà từ Côn Đảo”, băn khoăn không biết cây từ vùng cát mặn có sống tốt nơi đất đồng bằng.

Về tới Hà Nội, lúc đêm đã khuya và rét cắt da cắt thịt. Nhưng việc đầu tiên khi đặt hành lí xuống là kiếm chậu, đổ đất để trồng hai cây non. Mong cây bàng và cây mù u, sau chuyến bay đầy thú vị này sẽ đâm chồi nẩy lộc, tôi đợi chúng lớn thêm lên để đem về quê, nhờ ba trồng giữa mảnh vườn nơi quê cha đất tổ, như một thông điệp gửi gắm, mong cô Sáu và các anh hùng liệt sĩ nơi đất thiêng phù hộ cho cha mẹ, gia đình và mọi người được khỏe mạnh, bình an.

Nhớ lại hôm đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương và thắp hương cho cô Sáu, các bạn đưa cho tôi một bọc trái cây gọi là “lộc” trong đó có quả trứng gà (lê-ki-ma) đặc trưng của quê hương của nữ Anh hùng. Tôi đem về Hà Nội, đợi trái chín rồi cho con “hưởng lộc”, ba cái hạt to của trái lê-ki-ma được hai cha con vùi vào chậu đất ẩm, hàng ngày tưới bằng nước vo gạo, nếu có được những cây lê-ki-ma con thì còn điều gì tuyệt diệu nào bằng.

Tri ân các cô các chú các bác liệt sĩ đã ngã xuống, để những ngày mùa Xuân này tôi may mắn có một chuyến đi thuận lợi và đem về lộc Xuân là những cây non.

L.H.L

Hà Nội – 05/3/2022

___________________

(1) Tên gọi cũ của Côn Đảo 

VNQD
Thống kê