Sứ giả của mùa xuân

Thứ Hai, 31/01/2022 07:00

Tiết xuân đang tới, từ “chòi canh” trạm ra đa trên mây đến nhà giàn DK1 giữa biển những người lính đang náo nức đón xuân. Mỗi bước chân các chiến sĩ như dồn dập, hối hả hơn vừa chuẩn bị đón tết vừa bước vào ca trực sẵn sàng chiến đấu. Đua cùng xuân, các chiến sĩ nỗ lực làm nhiệm vụ, từng phút, từng giây bảo vệ vùng trời, vùng biển bình yên của Tổ quốc.

CHÒI CANH TRÊN MÂY

Nắng tỏa ánh vàng trên Trạm Ra đa T35, Trung đoàn 293, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân. Đứng trên đài quan sát phòng không có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, bao quát một vùng rộng lớn, Thiếu tá Lý Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm T35 giọng hào sảng:

- Đơn vị chúng tôi được ví như trạm “cảnh sát” tại nút giao thông quan trọng trên bầu trời Tây Bắc.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa hiểu, Dũng giải thích thêm.

- Cũng giống như mạng lưới giao thông dưới mặt đất, hằng ngày, hằng giờ, trên bầu trời liên tục có nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế. Mỗi chuyến bay đều có lịch trình và đường bay cụ thể. Chúng tôi có nhiệm vụ liên tục bám nắm, theo dõi các chuyến bay, bảo đảm bầu trời bình yên.

- Khi nào xuất hiện những tình huống giao thông có nguy cơ mất an toàn trên không? - Chúng tôi băn khoăn.

- Thời điểm cùng lúc có hàng chục tốp bay gồm tốp bay quá cảnh, nội địa, quốc tế, chỉ một tốp bay không đúng quỹ đạo đã định trước là xuất hiện nguy cơ gây mất an toàn. Ngoài ra còn có nguyên nhân bất thường khác như thời tiết xấu, nhiều chuyến bay không hạ cánh được đúng lịch trình nên phải xin bay quá cảnh thêm mấy vòng, tìm thời cơ thích hợp hạ cánh. Chúng tôi phải theo dõi sát, báo cáo cấp trên để có tình huống xử lí kịp thời. Và điều đáng lo ngại nhất là xuất hiện những vật thể bay lạ, không có trong lịch trình, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền trên không, an ninh của đất nước.

 

Diễn giải khái quát nhiệm vụ của Trạm T35 trong vài câu như vậy nhưng để hoàn thành là một quá trình lao động vất vả, bền bỉ của từng cán bộ, chiến sĩ. Đến Trạm ra đa T35, 2-3 giờ sáng chúng tôi vẫn thấy phòng chỉ huy sáng đèn. Sở chỉ huy của Trạm luôn sáng đèn 24/24 giờ. Với bộ đội ra đa, không có khái niệm ngày và đêm. Tiếng điện thoại “reng... reng..” liên hồi. Khẩu lệnh chiến đấu được Thiếu tá Lý Ngọc Dũng phát ra. Nhanh như sóc, chỉ chưa đến một phút, các chiến sĩ điện công, trắc thủ đã đưa máy vào hoạt động. Trên màn hình liên tục xuất hiện các mục tiêu. Tai nghe, mắt nhìn, tay thao tác, các trắc thủ căng thẳng dõi theo điểm sáng, sục sạo, bám sát, đánh giá mục tiêu thật, giả. Cùng lúc tại sở chỉ huy, anh Dũng dõi theo màn hình, liên tục nhắc cán bộ, chiến sĩ bám từng mục tiêu cụ thể. Tại vị trí tiêu đồ, một chiến sĩ ốp tai nghe, nhận tín hiệu từ đài, mắt quan sát bản tiêu đồ, tay thoăn thắt đánh dấu tốp mục tiêu trên bảng mi-ca... Cứ như vậy trong 2 giờ liền, cán bộ, chiến sĩ Trạm T35 kiểm soát hơn 40 tốp bay, không để sai, sót, lọt, chậm, hoang báo mục tiêu.

Gần sáng, bước ra khỏi ca trực, nét mặt chiến sĩ tiêu đồ phờ phạc, mệt lử. Anh Dũng đến cạnh tôi vui vẻ: “Mời nhà báo đi vãn cảnh thư giãn, lên thăm đài canh gác ngoài trời để có trải nghiệm sâu hơn cuộc sống của bộ đội ra đa”. Ở đây anh em trong đơn vị gọi đài quan sát ngoài trời với cái tên là “chòi canh” trên mây. Bởi chòi canh được đặt cao chót vót trên ngọn đồi độc lập. Vào mùa rét, nơi đây sương sà xuống sát mặt đất, bước lên chòi canh có cảm giác như đứng trên thung lũng mây vậy.

GIAO THỪA GIỮA BIỂN

Xuân đang đến, khi bộ đội Trạm T35 đang đón những luồng gió lạnh từ phương Bắc thổi về thì cách đó khoảng hơn 2.000km Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cùng các đồng đội căng mình chuẩn bị đón đợt biển động mùa gió chướng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thái cho biết: “Tiểu đoàn DK1 được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng biển rộng lớn trên thềm lục địa phía Đông Nam Tổ quốc. Cũng là bộ đội hải quân nhưng “lính nhà giàn” có nét đặc thù riêng biệt, đó là “thèm hơi đất”. Khi đặt chân lên nhà giàn làm nhiệm vụ, người lính sống trong hơi thở mặn mòi của biển cả. Để thích nghi với cuộc sống mới lưng chừng giữa trời và biển “người đất liền” phải mất 1 đến 2 tuần. Lần đầu bước chân lên sống ở nhà giàn hầu hết mọi người sẽ có cảm giác lâng lâng, ngỡ ngàng, ngước lên chỉ thấy mây trời, nhìn xuống chỉ thấy sóng biển mênh mông.

Cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 trực tết. 

Bộ đội nhà giàn từ khi ra khơi làm nhiệm vụ đến lúc trở lại đất liền thường 12 tháng, lâu hơn có thể 15, 16 tháng bàn chân mới được chạm đất. Đó cũng là khoảng thời gian họ không giao tiếp với môi trường bên ngoài xã hội, tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển đảo, chủ quyền của đất nước. Gắn bó với Tiểu đoàn DK1 từ năm 1996 và có nhiều năm làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, Thượng tá Nghiêm Xuân Thái chia sẻ: “Trước đây phải chờ đợi hàng tháng bộ đội nhà giàn mới giao tiếp được với gia đình qua dòng chữ ít ỏi của những bức thư. Giờ cuộc sống khá hơn, có sóng điện thoại nên việc trò chuyện với người thân cũng trở nên thuận tiện, gần gũi hơn”.

Xuân về mang theo hơi ấm của đất liền. Đó là chuyến thăm của những đoàn công tác, mang theo hương vị Tết. Để chúng tôi cảm nhận chân thực hơn cảm xúc của các chiến sĩ trên nhà giàn đón xuân, anh Thái đã kết nối chúng tôi với Thiếu tá Nguyễn Trường Thiệp, Chính trị viên Nhà giàn DK1/15. Hỏi về không khí đón xuân, anh Thiệp vui vẻ cho biết: “Xuân ở nhà giàn chỉ thực sự bừng lên khi chúng tôi nhận được những cây quất quả vàng lúc lỉu, cành mai, cành đào rực rỡ khoe sắc. Món quà đó là sứ giả của mùa xuân, làm mới không gian sống trên nhà giàn và trong tâm hồn những người lính trẻ”. Như cách diễn đạt của anh Thiệp, mỗi khi Tết đến, xuân về những người lính trực tết lại thêm nhớ nhà da diết. Nhớ bố mẹ, nhớ người thân, nhớ cả những điều giản dị bình thường nhất bên bữa cơm gia đình nên cây quất, cành đào gửi từ đất liền không đơn thuần là món quà về vật chất mà mang giá trị tinh thần, kết nối không khí Tết gia đình nơi quê hương với những người lính đảo.

Bộ đội Nhà giàn DK1-9 Ba Kè gói bánh chưng đón năm mới.

Câu chuyện của chúng tôi với Thiếu tá Nguyễn Trường Thiệp thêm phần thú vị hơn khi có sự xuất hiện của Hạ sĩ Trần Anh Tuấn, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đây là lần đầu tiên Tuấn đón Tết trên nhà giàn nên có nhiều cảm xúc mới lạ: “Không được đón Tết ở nhà, nhưng bù lại tôi sẽ được trải nghiệm đêm giao thừa đầu tiên giữa biển khơi cùng đồng đội. Đó là một vinh dự mà không phải ai cũng có thể có được”.

Cách xa hàng nghìn ki-lô-mét, ở hai đầu của Tổ quốc, lời của Tuấn - chiến sĩ nhà giàn nơi biển cả mênh mông cũng giống như lời bộc bạch của các chiến sĩ ra đa nơi “chòi canh trên mây”, dù trải qua muôn vàn gian lao vất vả, nơi khí hậu khắc nghiệt nhưng với họ khó khăn chỉ là thử thách, tôn vinh niềm kiêu hãnh, tự hào vì được đóng góp sức trẻ đương xuân của mình cho mùa xuân của đất nước.

Những cây quất, cánh mai, cành đào gửi ra nhà giàn, đảo xa như lời Thiếu tá Nguyễn Trường Thiệp là những sứ giả của mùa xuân đến với những người lính, còn với Tổ quốc, những người lính chính là những sứ giả hòa bình, những người mang bình yên, an vui và một cái tết an lành cho mọi nhà.

HÀ BÁCH

VNQD
Thống kê