Với nhà giáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Hai, 03/01/2022 00:19

. LÂM XUÂN HOÀNG
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân và sử sách

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy tiên đã 8 năm. Nhưng trong lòng tôi, ông như chưa bao giờ có chuyến ra đi… về quê mẹ mãi mãi.

Nếu không có đại dịch Covid-19, tại Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi ông yên nghỉ cuối cùng, từng dòng người trong Nam ngoài Bắc qua đường thiên lí sẽ nườm nượp về đây thăm viếng vị Đại tướng huyền thoại.

Không biết tự bao giờ tên họ cha mẹ đặt cho ông nơi chôn nhau cắt rốn ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là Võ Giáp lại chuyển thành Võ Nguyên Giáp. Từ “Nguyên” đệm vào giữa tên và họ có ý nghĩa gì đặc biệt? Đó còn là một bí ẩn chưa ai minh giải thuyết phục.

Cho dù đi xe Bắc - Nam, không phải du lịch, hành khách vẫn sẵn lòng bỏ ra mươi ngàn đồng yêu cầu lái xe tạt về phía biển để được thắp hương tưởng niệm Đại tướng và cầu may mắn, an toàn cho chuyến đi. Khói hương nghi ngút suốt năm tháng. Hoa tươi mỗi ngày lại chất cao đến nỗi “quá tải” phải quy định các đoàn thăm viếng tập thể mới được dâng hoa. Quy định là vậy nhưng lòng người vẫn cứ muốn “phá lệ” để được đặt một bó hoa lên mộ vị “thánh” của mình!

Không cần nhiều lời hoa mĩ để ca tụng, cũng chẳng cần xây dựng tượng đài, lăng mộ to lớn uy nghi. Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây trong lòng dân bền chắc. Dù ai nói ngả nói nghiêng, ông mãi là một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.

Cũng như nhiều người Việt Nam cùng thế hệ, tôi biết và mê Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần như cùng một lúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cụ thể hơn nữa là từ bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu.

Vốn là một thầy giáo ở trường Thăng Long, Hà Nội, nghe theo tiếng gọi cứu nước, Võ Nguyên Giáp xếp bút nghiên tham gia cách mạng và trưởng thành trong tiến trình lịch sử của dân tộc với công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Để rồi, đến hôm nay, người dân Việt Nam không nguôi tri ân một-con-người!

Tài thao lược quân sự, chiến công lừng danh, không có lời nào ca ngợi đủ. Nhưng có một điều ít người nhắc tới đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận mình là một nhà giáo, muốn gắn bó với nghiệp “trồng người” như buổi ban đầu đã chọn. Có lần ông đã trầm ngâm tâm sự: “Nếu không có chiến tranh tôi vẫn là thầy giáo…” Ông yêu hòa bình, yêu con người và cuộc sống vô cùng chứ không phải đam mê vòng nguyệt quế chiến tranh. Ông xa lạ với ánh hào quang chiến trận mà nhà thơ Pushkin, thi sĩ lừng danh nước Nga đã viết: Tôi đã quen chiến trận/ Thích nghe tiếng gươm khua/ Mơ từ thuở bé thơ/ Vinh quang trong khói lửa…

Nhưng nói gì thì nói, thiên tài quân sự của Đại tướng vẫn cứ ngời sáng, sánh vai cùng 9 tướng tài thế giới từ xưa đến nay. Con mắt tinh đời của Bác Hồ đã nhìn rõ Võ Nguyên Giáp từ những ngày cách mạng còn trứng nước. Ra Sắc lệnh phong cho ông làm Tổng Tư lệnh Quân đội (chức danh này trên thế giới thường thuộc về nguyên thủ quốc gia) rồi phong hàm Đại tướng (tháng 01/1948) lúc Võ Nguyên Giáp mới 37 tuổi cùng với 10 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này chứng tỏ Bác Hồ tin tưởng vào tài năng và đức độ của Võ Nguyên Giáp gần như tuyệt đối. Và tài đức đó đã được kiểm chứng qua thực tiễn chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mĩ, không thể không kể đến vai trò của người Anh cả, Tổng chỉ huy quân đội.

Đất nước và mỗi con người đều trải qua những bước thăng trầm mà lịch sử chân chính và nhân dân mới soi xét thấu đáo, đúng đắn. Nhà giáo Hồ Cơ thật tài tình khi khắc họa chân dung Tướng Giáp: Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn.

 

Mệnh lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường

Là người lính nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên vô cùng khốc liệt và có mặt trong đoàn quân chiến thắng của Đại tướng, giải phóng Trị Thiên - Huế, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi nhớ mãi những kỉ niệm liên quan đến vị tướng Tổng chỉ huy chiến trường.

Mùa xuân năm 1975, đơn vị tôi, Trung đoàn 6 - Phú Xuân, trực thuộc Quân khu Trị - Thiên không được nghỉ ngơi củng cố, không tổ chức ăn tết. Theo lệnh của Đại tướng qua Quân khu, phải tổ chức đánh liên tục trên một địa bàn khá rộng trong bối cảnh “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”. Đánh rồi chốt. Chốt rồi lại đánh. Chiến trận triền miên, khói lửa mịt mù, tiếng nổ vang rền rừng núi. Chúng tôi gần như kiệt sức trước những trận đánh không cân sức. Vậy nên tổn thất là không tránh khỏi, thậm chí còn có nơi mất chốt. Sau này mới biết đó là lối đánh “Giương công” nhằm giữ chân Sư đoàn 1 của địch, không cho chúng vào chi viện chiến trường Tây Nguyên.

Rồi đùng một cái, lại nhận ngay lệnh cấp tốc giải phóng Huế. Cán bộ chiến sĩ vừa mừng, vừa lo, vừa có chút nghi ngờ. Tôi lúc đó là một cán bộ đại đội cũng suy nghĩ như vậy; con người cả thôi, sắt đá gì đâu. Hơn nữa tầm nhìn của chúng tôi chỉ là của những người lính dưới đáy chiến trường khốc liệt đón nhận mệnh lệnh giữa lúc mặt trận đang vang rền tiếng súng nên sự hiểu biết, nhận thức hạn chế là không tránh khỏi.

Tại phòng tuyến Tây Nam Huế, địch đang chốt giữ hàng chục cao điểm quan trọng, binh lực, hỏa lực dồi dào, nổi trội hơn quân ta. Thế mà lệnh thần tốc giải phóng Huế, không thể tin tưởng tuyệt đối. Nhưng lệnh Tổng chỉ huy phải thực thi ngay. Chúng tôi tổ chức đánh mở đường luồn qua các cao điểm địch đang trấn giữ, hành quân liên tục suốt ngày đêm. Nhiều người kiệt sức nằm lại bên đường, chờ lực lượng thu dung. Đơn vị cứ thế mà xuyên rừng nhằm thẳng xuống Huế dưới làn đạn pháo cấp tập liên hồi của Mĩ từ Hạm đội 7 nã vào.

Nếu không gặp sự cố cắt chéo đội hình địch ở dãy núi Sa Trúc, nổ súng đánh nhau loạn xạ trong đêm, pháo dập bom dội nát cánh rừng thì biết đâu chúng tôi có thể tóm cổ được các “yếu nhân” địch như Trung tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1, Thiếu tướng Lâm Quang Thi - Phó Tư lệnh Quân đoàn 1, Đại tá Kỳ - Tỉnh trưởng Quảng Trị, Đại tá Duệ - Tỉnh trưởng Thừa - Thiên, Nguyễn Phúc Liên Thành, Trưởng Ti An ninh Thừa - Thiên khét tiếng diệt Cộng… đang co cụm ở Mang Cá, Huế. “Thần tốc, táo bạo” quan trọng vô cùng trong chiến trận. Nhờ “thần tốc, táo bạo” mà giải phóng Huế nhanh đến không ngờ, niềm tin thắng lợi cuối cùng được củng cố, sức mạnh chiến đấu của bộ đội nhân lên gấp bội.

Mất Tây Nguyên và Trị - Thiên - Huế, địch rơi vào thế bị động, khủng hoảng cả về chiến lược và chiến thuật quân sự trên toàn chiến trường miền Nam. Và chính lúc này, mệnh lệnh lịch sử được phát ra từ vị Tổng Tư lệnh tối cao: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng…” Mệnh lệnh của Đại tướng như tiếng kèn xung trận giữa mùa xuân 1975.

Thời gian lúc này theo tôi không chỉ là vấn đề thời cơ mà còn là lực lượng, là sức mạnh vô song trong chiến tranh. Thực tế trong chiến dịch giải phóng Huế đã minh chứng hùng hồn cho điều đó. Đơn vị chúng tôi đánh chiếm cố đô đã ba ngày, hàng ngàn binh sĩ địch từ các cao điểm trên rừng vẫn còn lục tục kéo về nhập vào đoàn quân bại trận khai báo, chịu sự giải giáp của quân Giải phóng. “Thần tốc, táo bạo” là thế.

Mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 07/4/1975 đã góp phần làm tan rã hàng chục vạn binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, tạo đà bừng bừng khí thế chiến đấu áp đảo của quân ta, giải phóng miền Nam nhanh đến không ngờ (30/4/1975). Bộ Chính trị từng dự kiến việc hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ, cứu nước vào mùa khô 1975 - 1976. Nếu kéo dài chiến tranh thêm một năm nữa như dự kiến ban đầu thì những tổn thất mất mát mà dân tộc phải gánh chịu không hề nhỏ. Đường lối quân sự tài tình của Đảng cùng với vai trò không thể thiếu của Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã kết thúc sớm cuộc chiến khiến thế giới thán phục. Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát ra trên chiến trường vào các thời điểm cụ thể có giá trị như những binh đoàn, góp phần tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Thay lời cuối cùng

Vấn vương với vị tướng huyền thoại, xin dẫn lại lời Người: “Nếu không có chiến tranh tôi vẫn là thầy giáo…” Sự nghiệp đánh giặc lừng danh nhưng có vẻ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn cứ nuối tiếc nghề dạy học, nghiên cứu lịch sử như đã chọn.

Trải mấy chục trận đánh, chốt giữ ở một loạt các cao điểm vô cùng ác liệt trên một ngàn ngày, hai lần bị thương, nhiều lần suýt chết…, rời quân ngũ, tôi khoác ba lô trở lại trường ĐHSP Vinh trong dáng hình người lính “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Hết chiến tranh, “trồng người”, trồng cây xanh hòa bình sao lại không làm! Đại tướng vẫn còn mơ mộng đẹp đó suốt cả cuộc đời cơ mà!

Nghỉ hưu, khi có điều kiện tôi lại ra Vũng Chùa - Đảo Yến thăm viếng vị Đại tướng huyền thoại và nhớ lại một thời chiến trận dưới trướng của Tổng Tư lệnh tối cao. Mộ ông hòa vào cây cỏ… Nhà giáo Đại tướng lừng danh của nhân dân yên nghỉ bình dị, thanh thản như một người dân bình thường. Nói về Bác, nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng khẳng định: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Thật thú vị là cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những nhà giáo luôn canh cánh với nghiệp “trồng người” và đã trở thành thánh thành thầy của dân tộc Việt Nam.

L.X.H

VNQD
Thống kê