Đi qua hai cuộc kháng chiến, nghĩa trang huyện Phong Điền hôm nay là nơi yên nghỉ của gần 5 nghìn liệt sĩ. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi ở khắp mọi miền quê, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã hi sinh cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường Trị Thiên khói lửa. Có những người khi nằm xuống chưa kịp nghe tiếng khóc chào đời của đứa con thân yêu…
Ngày mới về nhận công tác ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo nơi đây rất nhiều đồng chí là con liệt sĩ, con thương binh, con gia đình cách mạng. Khi đó, năm 2015, anh Nguyễn Đại Vui là Bí thư huyện uỷ; anh Võ Văn Vui là Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ; rồi anh Đoàn Kỹ Côi, Trưởng ban tổ chức huyện uỷ; anh Nguyễn Văn Xảo, Trưởng phòng kinh tế; anh Trần Thanh Yên, Chánh văn phòng huyện uỷ; anh Đồng Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện; anh Trần Văn Bình, Phó trưởng ban Dân vận…. đều là con liệt sĩ. Bí thư Huyện Đoàn, anh Hoàng Văn Thái thì là con của một trong 11 cô gái Sông Hương huyền thoại; Chánh văn phòng Uỷ ban huyện, chị Trần Thị Diệu Minh có cả ba mẹ đều là thương binh, bị nhiểm chất độc da cam, có bà nội, bà ngoại đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong nhà thờ bốn liệt sĩ. Còn một số người nữa, tôi không nhớ hết... Điều này xuất phát từ lịch sử của mảnh đất Phong Điền.
Đồng chí Võ Văn Vui (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế làm Lễ an táng liệt sĩ tại nghĩa trang huyện Phong Điền. Ảnh: TĐT
Phong Điền là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế, là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, nơi đây là chiến trường ác liệt. Có lẽ, vì thế mà đất và người Phong Điền quá nhiều ân tình với cách mạng. Phong Điền cũng được biết đến với những địa danh đã đi vào lịch sử như chiến khu Hoà Mỹ, Trạm phẩu thuật Tiền phương thôn Triều Dương, nơi 33 cán bộ y bác sĩ đã anh dũng hi sinh trong một trận càn của địch. Nhiều trận đánh các liệt ở thôn Cổ Bi, suối nước nóng Thanh Tân, điểm cao 82…. đã trở thành huyền thoại. Phong Điền cũng là nơi thành lập Lữ đoàn pháo binh 368 (Quân đoàn 1) và Trung đoàn 4 (Đoàn Phong Quảng).
Phong Điền là cái nôi cách mạng. Trong kháng chiến nhiều nơi cả làng, cả xã đi theo cách mạng như Phong An, Phong Chương, Phong Sơn, Phong Hiền, Phong Hoà… Hiện nay, toàn huyện có 13 xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 784 thương binh, 3.610 liệt sĩ, 4.700 người có công với cách mạng, 522 bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Có lần, một phóng viên hỏi tôi: Nghe nói ở Phong Điền có nơi cả họ, cả làng làm quan hả anh? Tôi đã trả lời anh ta: Đúng rồi anh a. Vì những cán bộ đó đều là con thương binh, liệt sĩ. Họ mang trong mình dòng máu cách mạng, họ phát huy tốt truyền thống của quê hương gia đình. Trong kháng chiến, cả họ, cả làng đi theo cách mạng, lên rừng xuống biển, nếm mật nằm gai… Sao anh không hỏi vì sao khổ cực, hi sinh vậy mà lúc đó họ vẫn một lòng đi theo cách mạng? Bây giờ ở Phong Điền có những dòng họ cả chục liệt sĩ, có những gia đình bốn, năm bằng Tổ quốc ghi công. Anh không tin thử về các làng như Phò Ninh, làng Đồng Lâm ở xã Phong An, lảng Tứ Chánh ở xã Phong Sơn tìm hiểu thì biết. Nghe tôi nói vậy, anh phóng viên im lặng không hỏi gì thêm!
Đi qua hai cuộc kháng chiến, nghĩa trang huyện Phong Điền hôm nay là nơi yên nghỉ của gần 5 nghìn liệt sĩ. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi ở khắp mọi miền quê, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã hi sinh cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường Trị Thiên khói lửa. Có những người khi nằm xuống chưa kịp nghe tiếng khóc chào đời của đứa con thân yêu, như ba của anh Nguyễn Đại Vui, ba của anh Võ Văn Vui, ba của anh Nguyễn Văn Xảo… là những người mà tôi vừa kể ở đầu bài.
Đồng chí Võ Văn Vui và tác giả trong chuyến công tác tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 (Nghệ An) năm 2015. Ảnh: TL
Mỗi lần huyện tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, tôi chưa bao giờ thấy vắng hai anh, Nguyễn Đại Vui và Võ Văn Vui. Có lẽ, hơn ai hết các anh muốn những lúc đó là dịp để được đứng trước hương linh của các thế hệ cha anh, để tri ân, tự hào, để thầm hứa với các bậc tiền bối phải phấn đấu cho xứng đáng với truyền thống gia đình; phải giữ cho bằng được những thành quả cách mạng mà chính cha ông của các anh đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu xương mới có được. Và bởi, hơn ai hết, chính các anh là những người chịu thiệt thòi nhất khi chào đời không có người cha thân yêu bên cạnh.
Tháng 8 năm 2015, tôi may mắn được tháp tùng anh Võ Văn Vui trong chuyến công tác ra Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 đóng ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An để dự Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Đoàn. Trong buổi liên hoan gặp mặt, rất nhiều các bác cựu chiến binh đã ôm lấy anh, ân cần hỏi thăm gia đình, vợ con. Tôi nhận thấy những tình cảm đó như là tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại. Hỏi ra, tôi mới biết, các bác là những người đã từng được gia đình, làng xóm xã Phong An quê anh cưu mang. Họ cũng là đồng đội của ba anh. Khi biết bây giờ anh là lãnh đạo huyện Phong Điền nhiều bác xúc động, tự hào và không cầm được nước mắt. Giọt nước mắt hạnh phúc của ngày gặp mặt. Giọt nước mắt tự hào khi thấy thế hệ con cháu đồng đội năm xưa đã trưởng thành. Chứng kiến những ân tình ấy tôi chợt nghĩ, đó là giọt nước mắt của MÁU LỬA SINH THÀNH!
Trần Đình Thăng
(Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Điền)
VNQD