Có đúng là phi công vũ trụ Gherman Titov “cứu” tượng Bác?

Thứ Bảy, 01/01/2022 00:15

PHAN VIỆT HÙNG
 

Hôm 22/5/2021, có bạn facebook lại tag tôi vào một bài viết có tên Ai đã giải cứu tượng đài Hồ Chí Minh tại Moskva? đăng trong nhóm “Liên Xô (CCCP) - Một thời để nhớ”. Chỉ sau 8 tiếng, bài viết bịa đặt này đã có tới 1300 lượt like và 230 lượt chia sẻ. Đúng là bó tay! Do cái thông tin cũ rích bịa đặt này lại tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội, tôi đành phải một lần nữa lên tiếng phản biện.

Tượng Bác Hồ giữa lòng Moskva

1. Gherman Titov là nhà du hành vũ trụ thứ hai của Liên Xô, người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay trên vũ trụ dài hơn 1 ngày và là nhà du hành vũ trụ trẻ nhất thế giới. Titov bay lên vũ trụ khi mới chỉ 26 tuổi.

Người Việt Nam biết đến Gherman Titov bởi nhiều năm liền ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, có nhiều đóng góp củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Bác Hồ đã lấy tên Titov để đặt cho một hòn đảo nhỏ giữa Vịnh Hạ Long khi ông sang thăm Việt Nam. Tháng 9/2015, tượng đài nhà du hành vũ trụ Gherman Titov đã được khánh thành tại hòn đảo này.

Tôi có may mắn được tham gia vào quá trình xây dựng tượng đài Titov từ khi còn sơ khởi, như gặp gỡ các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, được xem mẫu thạch cao các phương án. Cũng xin bật mí phương án đầu tiên của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ đã không được chọn, và sau đó phương án của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã được triển khai. Tôi cũng ra tận đảo khảo sát nơi đặt tượng và dự lễ khánh thành, ở đó đã có dịp gặp vợ và con gái của nhà du hành vũ trụ nổi tiếng này.

Dài dòng một chút như vậy cũng để muốn nói rằng với tôi, Gherman Titov là một nhân vật rất đáng kính trọng pha lẫn cảm mến, và các thông tin về ông tôi nắm tương đối chắc.

2. Bài viết Ai đã giải cứu tượng đài Hồ Chí Minh tại Moskva? ngay sau khi đăng lên mạng thì được/bị lan truyền chia sẻ chóng mặt. Có người anh gửi link hỏi tôi ngắn gọn: “Có đúng không?”

Về chuyện này trước đây tôi cũng đã từng nghe một số vị cao tuổi từng học ở Liên Xô về kể lại, còn ghê hơn kia. Chẳng hạn như bác Titov giật phăng cúc áo, phanh ngực ra chửi cái bọn định làm bậy kia! Nhưng đọc câu chuyện đó thành văn bản, thì đây là lần đầu. Tôi sẽ phân tích những chi tiết vô lí của bài viết đã nêu.

Tác giả viết: “Do tượng được dựng từ khi còn Liên Xô nên sau khi Liên Xô bị tan thì tượng Bác cũng phải chịu chung với số phận các tượng của những nhà lãnh đạo cộng sản khác theo chủ trương phá bỏ trong phong trào bài cộng sản của chế độ mới tại nước Nga do Enxin (Yeltsin) làm Tổng thống. Tượng đài các lãnh tụ cộng sản, kể cả tượng đài các vị nguyên soái huyền thoại của Liên Xô thời chiến tranh vệ quốc cũng bị phá bỏ.” Rồi tác giả kể: “Một sáng chủ nhật” (vu vơ chả biết tháng mấy năm nào) có một đội công nhân với máy xúc máy ủi đến định phá tượng Bác thì bỗng ông Titov đến hỏi có biết đây là tượng ai không, rồi giải thích một hồi, thế là đám kia bỏ đi. Và tượng đài Bác nhờ đó được “giải cứu” nên tồn tại từ đó đến nay.

Không hiểu tác giả lấy đâu tư liệu để viết ra những dòng trên.

Ta phân tích nhé. Đầu tiên cùng xem ở Nga có bao nhiêu “tượng đài các lãnh tụ cộng sản” bị phá bỏ dưới thời Yeltsin như tác giả viết.

Tượng Lenin sau khi Liên Xô tan rã (12/1991) hầu như không bị đập bỏ tại Nga. Một số liệu của báo Luận chứng sự kiện cho biết từ 1991-2019, tức sau 28 năm (thời kì Yeltsin từ 1992-1999), số lượng tượng đài Lenin ở Nga chỉ giảm có 15%. Ngay tại thủ đô Moskva, tượng Lenin vẫn sừng sững nơi các địa điểm đông người qua lại như sân vận động Luzhniki, triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân ВДНХ, quảng trường Kaluzhskaya...

Còn tượng các nhà lãnh đạo cộng sản khác thì sao? Ngoại trừ tượng Dzerzhinsky bị giật đổ trong cơn cuồng nộ chống chế độ Liên Xô năm 1991 (Viện Công tố Moskva tháng 4/2021 đã xem xét lại và tuyên bố đó là hành động vi phạm pháp luật), còn lại tượng của các lãnh tụ khác không hề bị suy suyển, kể cả lãnh tụ nước ngoài như tượng Karl Marx, Engels, Thälmann, Dimitrov... cũng như tượng đài Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên xi cho đến tận ngày nay.

Không những không bị đập bỏ, mà trái lại, một số bức tượng trong thập niên 90 của thế kỉ trước còn được “ưu tiên tu bổ” nữa kia. Trong số này có tượng đài Hồ Chí Minh ở Moskva (mà bài viết nói trên mô tả là suýt bị phá).

Lạ không? Lạ quá đi chứ!

2. Ở Liên Xô và Nga sau này, muốn dựng hay di chuyển, phá bỏ tượng đài hay các công trình kiến trúc đều phải có sự đồng ý của chính quyền sở tại.

Ở Moskva, chính quyền thành phố do Yury Luzhkov đứng đầu. Người này làm Thị trưởng từ 1992 cho đến năm 2010 (bị Medvedev cách chức). Luzhkov vừa mất tháng 12 năm 2019.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi đã có trong tay Nghị quyết số 455 ngày 9/6/1998 của Chính quyền Moskva về thực trạng và giải pháp giữ gìn các tượng đài của thủ đô, do Thị trưởng Luzhkov kí. Kèm theo đó là phụ lục danh sách 50 tượng đài cần được ưu tiên tu bổ, bảo vệ.

Ở mục thứ 6 của phụ lục này, tượng đài Hồ Chí Minh ở số thứ tự 36, ghi rõ: “36. Tượng đài Hồ Chí Minh trên Quảng trường Hồ Chí Minh. Nhà điêu khắc V.E Tsigal, kiến ​​trúc sư R.G.Kananin.”

Như vậy là có thể hiểu, dưới thời của Thị trưởng Luzhkov (khi đó Yeltsin vẫn là Tổng thống Nga) từ năm 1992 cho đến thời điểm có Nghị quyết 455 năm 1998 và về sau, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm bảo vệ của Chính quyền thủ đô Moskva. Thậm chí là ưu tiên như đã dẫn.

Vậy tác giả của bài viết kia lấy đâu ra thông tin là chính quyền Moskva muốn phá tượng? Và chẳng nhẽ chỉ mất vài câu nói mà một quyết định (nếu có) của chính quyền lại bị mấy công nhân vô hiệu hoá dễ dàng thế hay sao?

Hành văn, tình tiết, lời thoại ngô nghê của bài viết nói trên giống một truyện ngắn tưởng tượng ra hơn là một bài báo. Không có thời gian cụ thể, không thể hiện người viết là ai, và chứng kiến cùng với ai nữa. Do vậy, độ khả tín của nó là cực thấp! Có ai làm gì tượng Bác đâu mà phải “giải cứu”, ơ kìa!

3. Tôi đã đem những thông tin này hỏi một nhà báo có uy tín, công tác tại Nga từ 1989-1993. Nhà báo này cho biết cũng đã nghe ai đó kể chuyện này trước đây, nhưng ông không tin. Ông cho biết nhà ông ngay gần tượng đài, và những năm sau khi Liên Xô tan rã, không hề có bất cứ việc làm nào không hay từ chính quyền với tượng đài Bác Hồ.

Câu chuyện lan truyền trên mạng có thể làm nhiều người thêm phần yêu mến và cảm phục Gherman Titov, người bạn lớn của đất nước chúng ta. Nhưng cũng đừng nên gắn ông vào những sự kiện không có thật!

Tác giả còn cả gan đổi trắng thay đen bịa đặt trắng trợn như bảo Nga phá hủy cả tượng đài các nguyên soái huyền thoại thời chiến tranh vệ quốc thì đúng là bó tay thật rồi!

Với những gì đã phân tích ở trên, tôi hoàn toàn nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện trong bài viết đã nói.

Không hiểu tác giả của câu chuyện bịa ra những gì không có thật như thế nhằm mục đích gì. Những người không biết, năm này qua năm khác cứ nhắm mắt chia sẻ những thông tin bịa đặt này.

Ngoài tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moskva dựng năm 1990, ở nước Nga những năm gần đây đã dựng tượng Bác tại Ulyanovsk, Vladivostok. Tại Saint Petersburg đã có tượng Bác tại Viện Hồ Chí Minh, và sắp tới, được sự đồng ý của ngài Thống đốc và Chính quyền, tượng Bác sẽ tiếp tục được dựng tại đây - thành phố mà Người đã đặt chân đầu tiên khi đến với nước Nga năm 1923.

P.V.H

VNQD
Thống kê