Trần Quý Hai, vị tướng uy dũng

Thứ Hai, 10/01/2022 10:33

. KIỀU MAI SƠN
 

Trong cuộc đời hơn 70 năm của mình, Trung tướng Trần Quý Hai (1913 - 1985) để lại dấu ấn với đồng đội, cấp dưới là một vị tướng uy dũng. Với gia đình, ông là người định hướng các con học hành để trở thành những công dân có tri thức tham gia xây dựng đất nước.

Cái uy trước Phùng Tư lệnh

Trung tướng Trần Quý Hai (1913-1985)

Nhớ về Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không cho biết: Dù kiêm rất nhiều nhiệm vụ song ông Hai có một trí nhớ tuyệt vời. Vì thế, cán bộ cấp dưới vẫn nhắc nhau lên báo cáo cho ông Hai nghe thì phải hết sức cẩn thận.

Một hôm, ông Trần Nhẫn cắp cặp theo ông Phùng Thế Tài lên Bộ Tổng Tham mưu báo cáo việc tổ chức lực lượng dân quân tự vệ toàn quốc cho ông Trần Quý Hai nghe. Cũng như mọi lần đi báo cáo, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Phùng Thế Tài căn dặn ông Nhẫn: “Chỉ được ngồi nghe, không được nói gì cả.”

Phùng Tư lệnh báo cáo một lúc, ông Trần Nhẫn thấy ông Trần Quý Hai lẩm nhẩm như đọc bảng cửu chương. Đột nhiên, ông Trần Quý Hai hỏi:

- Này anh Tài, đi đâu mất 120 khẩu súng rồi?

Tư lệnh Phùng Thế Tài lúng túng giải trình, mãi mà ông vẫn không tìm đâu ra cho khớp con số 120 khẩu súng. Ông Tài đá chân ông Nhẫn liên tục, có ý nhờ giải thích giúp. Không ngờ cơ sự lại thế này nên ông Trần Nhẫn cũng không biết phải nói thế nào. Sau đó Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Quý Hai nói:

- Hôm nay đồng chí Tài chuẩn bị báo cáo kém quá. Thôi đi về đi, sáng mai đúng giờ này lên đây báo cáo lại.

Đó là thêm một lần ông Trần Nhẫn chứng kiến cái uy của tướng Trần Quý Hai mà Tư lệnh Phùng Thế Tài rất sợ. Trước đó, ông đã chứng kiến việc thủ trưởng của mình ngồi im thin thít khi báo cáo với tướng Trần Quý Hai rồi. Trong Quân chủng Phòng không Không quân, Tư lệnh Phùng Thế Tài nổi tiếng là vị tướng nóng tính “hét ra lửa”. Ôn lại kỉ niệm về người thủ trưởng cũ, Trung tướng Trần Nhẫn kể:

- Lúc lên xe về quân chủng, trong lòng tôi có một cảm giác khó tả, và lúc này tôi mới thấy cái uy của đồng chí Trần Quý Hai. Tôi vẫn nghĩ đồng chí Phùng Thế Tài là một người “hét ra lửa”, thế mà trước mặt đồng chí Trần Quý Hai mà ngồi im thin thít như thế thì mới biết ông Hai có uy thế nào.

Tàu địch vào hải phận thì phải đánh

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh (1926 - 2016) nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến kể lại kỉ niệm sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964. Khi đó ông Khánh là Trưởng phòng Tác chiến A, phụ trách nghiên cứu kế hoạch chiến lược, vừa giúp thủ trưởng Cục, thủ trưởng Bộ theo dõi nắm tình hình củng cố phòng thủ và bảo vệ miền Bắc.

Khoảng 19 giờ ngày 2/8/1964, Cục phó Cục Tác chiến Trần Văn Nghiêm và Trưởng phòng Hoàng Nghĩa Khánh ngồi ở Sở Chỉ huy, nghe trực ban tác chiến báo cáo: Có một khu trục hạm của Mĩ đang đi vào hải phận của ta, vòng lên hướng đảo Cát Bà. Ông Đoàn Bá Khánh - Tham mưu phó Quân chủng Hải quân - trực chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân, xin chỉ thị Bộ cách xử trí. Cục phó Trần Văn Nghiêm báo cáo với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, thường trực chỉ huy là Thiếu tướng Trần Quý Hai để xin chỉ thị.

Tổng Tham mưu phó Trần Quý Hai trả lời: - Ủa! Cách xử trí như thế nào à? Tàu địch vào hải phận của ta thì phải đánh chứ còn chờ gì nữa?

“Lập tức chúng tôi chuyển lệnh cho đồng chí Khánh trực chỉ huy Hải quân là Bộ đồng ý đánh” - Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh viết trong hồi kí.

Hai tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam ra đuổi. Tàu khu trục Maddox và Turner Joy của Hải quân Mĩ quay đầu chạy về phía nam. Vào hải phận tỉnh Thanh Hóa, ở phía đông đảo Hòn Mê, Hải quân Việt Nam phóng hai quả ngư lôi vào tàu khu trục Maddox nhưng bị trượt. Khu trục hạm Mĩ bắn tàu phóng lôi Việt Nam bị thương nặng một chiếc. Đây là cái cớ để đế quốc Mĩ tổ chức ném bom phá hoại và phong tỏa vùng biển miền Bắc nước ta lúc đó. Không quân Mĩ đã mau chóng ném bom vào các tỉnh Khu 4 và khu vực cửa biển Quảng Ninh.

Ngày 5/8/1964, ở Bãi Cháy, Không quân Việt Nam bắn rơi 3 máy bay Mĩ, bắt sống “giặc lái” đưa về Ban Chỉ huy căn cứ Hải quân. Quân dân tỉnh Quảng Bình cũng bắn rơi một chiếc.

Ông Hoàng Nghĩa Khánh vội vàng chạy lên phòng họp Sở Chỉ huy báo cáo tin mới này. Cả hội nghị cười ồ, dừng hẳn cuộc họp có phần căng thẳng hôm đó. Ông Khánh trông thấy Tổng Tham mưu phó Trần Quý Hai và Cục phó Trần Văn Nghiêm nở nụ cười trên gương mặt. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - tới máy điện thoại báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Tiếp đó, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào gọi điện thoại ngay cho Cục trưởng Cục Tuyên huấn Hoàng Minh Thi lệnh chuẩn bị đưa tin thắng lợi đầu tiên này của quân dân ta phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngay bản tin 18 giờ hôm đó.

Trước đó, ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa những năm đầu kháng chiến chống Pháp ghi dấu ấn chỉ huy của Chính ủy Trần Quý Hai và Tư lệnh Hà Văn Lâu. Một trong những phép dụng binh được các ông sử dụng đó là hạ thành bằng mưu “Tam quốc chí” đã được Trung tướng Trần Quý Hai kể lại trong hồi kí.

Tướng Leberit, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương ra Huế đã phát lệnh: Phải dập tắt những “đống lửa” du kích! Leberit coi nguồn gốc đại họa chính là những căn cứ Việt Minh trên rừng núi Thừa Thiên.

- Phải đánh đồn, chứ không còn cách nào khác - Tư lệnh Hà Văn Lâu nói.

Chính ủy Trần Quý Hai hỏi lại: - Nên đánh đồn nào?

Tư lệnh Hà Văn Lâu mỉm cười: - Đồn Cầu Nhì. Tôi đã nghiên cứu kĩ rồi. Đồn đó hiện nay dễ ăn hơn cả. Lại có nhiều súng đạn.

- Đánh cách nào? Ông Trần Quý Hai lại hỏi dồn.

Ông Hà Văn Lâu thản nhiên trả lời: - Tôi đã có cách, ta sẽ không tốn một viên đạn nào mà vẫn hạ được đồn này.

Đoạn Tư lệnh đứng dậy thân mật hỏi Chính ủy: - Anh đã đọc Tam quốc chí chưa? Chúng ta sẽ hạ đồn Cầu Nhì như Khổng Minh hạ Kinh Châu ấy. Không tốn một mũi tên hòn đạn nào. Nếu có tốn chăng nữa thì cũng sẽ rất ít.

Đồn Cầu Nhì, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải bên quốc lộ số 1, cách thành phố Huế 30 km về hướng tây bắc. Chính ủy và Tư lệnh Hà Văn Lâu đã lệnh cho chiến sĩ của Tiểu đoàn 16, do Tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng chỉ huy cùng viên Thiếu úy K’men, một hàng binh là người Đức theo ta đóng giả quan Tây vào hạ đồn giữa ban ngày.

Sau đó, các ông lại chỉ huy hạ đồn Hộ Thành, ở trong Thành Nội. Đồn Hộ Thành bị tiêu diệt không kịp trở tay trong lúc các cổng thành vẫn đóng kín. Nhiều giả thuyết li kì về đường ra lối vào của bộ đội Việt Minh được thêu dệt y như có phép thần vậy. Nhân dân cố đô truyền tai nhau: Việt Minh tạm rút lui cũng như ngày xưa Lưu Bị rút khỏi thành Tân Giã ấy!

K.M.S

* Bài viết sử dụng tư liệu trong hồi kí của Trung tướng Trần Quý Hai và Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh.

VNQD
Thống kê