. TRẦN ANH THÁI
Từ thuở ấu thơ, tôi đã được cha dạy rằng, chúng tôi là “Con Rồng cháu Tiên”. Truyền thuyết này bắt đầu từ Lạc Long Quân và Âu Cơ: Hai vị thần sinh ra dân tộc Việt có với nhau 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi và 50 người theo cha xuống biển. Cuộc chia li kì lạ này, lần đầu tiên báo về nỗi cô đơn, kiếp sống góa bụa, một sự vong thân đầy bi tráng trong suốt chiều dài đằng đẵng của lịch sử vinh quang và cay đắng, ngập tràn nước mắt mà người Việt phải chịu đựng, vượt qua. Lạc Long Quân, vị thủy tổ của người Việt thuộc loài Rồng. Loài Rồng thì không thể tách rời sông nước. Ông là người giỏi nghề biển, đóng được thuyền lớn làm phương tiện tiêu diệt thủy quái. Cuộc hôn phối Lạc Long Quân - Âu Cơ với sự gắn kết sống chết cùng sông nước của loài Rồng, lại là một tiên báo khác về định mệnh dân tộc Việt. Và cũng từ đây, tâm thức biển được hình thành ngay từ thuở ấu thơ - từ thời đức thủy tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Mối nhân duyên kì vĩ này là sự hình thành nên nước Việt.
Không phải ngẫu nhiên, từ buổi sơ khai dân tộc Việt, trên các trống đồng Văn Lang - Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm trước, đã tìm thấy, phần lớn đều khắc hình thuyền buồm lướt sóng. Nhiều cỗ quan tài của người cổ xưa là hình ảnh con thuyền được đóng từ những cây gỗ lớn. Ở đất nước chúng ta, trên dọc bờ biển dài hơn 3000 kilômét đầy bí ẩn và kì thú, không ở đâu không có những ngôi đền thờ thần biển, thờ cá voi… Tổ tiên người Việt từng có tục xăm mình ngay từ thời cổ đại kéo dài cho tận thời Trần. Người Việt cổ xăm trên thân thể mình hình thù thuồng luồng, ba ba, rồng rắn… nhằm mục đích khi sống cùng sông nước sẽ tránh được mối đe dọa hiểm nguy của các loài thủy tặc. Tất cả những điều đó không là gì khác, chính là tâm thức biển. Và vì thế, biển là một giá trị thiêng liêng, tồn tại vĩnh cửu trong tâm hồn và thể xác mỗi người.
Lịch sử nước Việt hàng ngàn năm qua là lịch sử của những khúc ca bi tráng và trữ tình về thân phận con người. Ý chí và sức sống mãnh liệt của người Việt được cất lên từ những tiếng hát trong thẳm sâu của trạng thái tâm thức bi tráng và trữ tình đó; nó song hành cùng với mọi niềm vui và nỗi đau khổ mà người dân Việt đã chịu đựng và trải qua.
Và bởi vì, sau mất mát đau thương to lớn, sau những cuộc chiến tranh tàn khốc, tội ác và hận thù, người dân Việt luôn khao khát vươn tới cuộc sống thanh bình, vươn tới vẻ đẹp, tình yêu, lòng bao dung. Thành ngữ “Lấp biển vá trời” hay “Rẽ nước biển Đông để tìm sinh lộ” là những tuyên ngôn vang lên ý chí và sức mạnh từ thuở xa xưa, khi tổ tiên ta còn trong thời kì hồng hoang dựng nước. Cách đây gần 2000 năm, nữ tướng Triệu Thị Trinh, người con gái đất Cửu Chân, từng khát khao chinh phục biển cả tai ương bằng những lời thơ dũng mãnh, đã khắc sâu trong ý thức nhân dân: Tôi muốn cưỡi gió mạnh/ Đạp bằng sóng dữ/ Chém cá kình ở biển Đông. Năm 1075 - 1077, danh tướng Lý Thường Kiệt khi mang quân chống lại quân Tống xâm lược đã cho người đọc vang lên bài thơ Sông núi nước Nam: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Đó là bản tuyên ngôn vĩ đại về chủ quyền đầu tiên của dân tộc và cũng là ý thức hệ của mọi người dân trong quá trình xây dựng một quốc gia độc lập và chiến thắng oanh liệt kẻ thù ngoại xâm.
Và có lẽ cũng vì thế mà thiên nhiên biển cả từ lâu trở thành một phần máu thịt trong thể xác và tâm hồn của nhân dân. Trong tâm thức của mọi người, biển mặc nhiên tồn tại. Vì lẽ đó, biển luôn ám ảnh và có mặt ở mọi nơi. Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên - Mông, những vần thơ quả quyết hào khí của Trần Quang Khải (1241 - 1294) vang lên dũng mãnh từ bến sông Nhị Hà: Bến Chương Dương cướp giáo/ Cửa Hàm Tử bắt Hồ/ Thái bình càng củng cố/ Muôn thuở nước non nhà. Đó là tuyên ngôn của một ý thức sống, là sức mạnh của lòng quả cảm, yêu nước trước nạn xâm lăng; nhưng đồng thời cũng là tuyên ngôn cho một khát vọng và niềm tin không gì lay chuyển về một sự bền vững hòa bình muôn thuở…
Nhưng với người Việt, tinh thần biển không chỉ vang lên trong các cuộc chiến tranh chống xâm lăng, mà sau chiến tranh, cho dù phải trải qua xiết bao biến động, những đe dọa khốc liệt của dòng đời, thậm chí ngay cả tai họa đến từ cái chết, ông cha ta không ngừng thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước biển trời sông nước: Mùa thu về không báo tin cho chim nhạn cùng về/ Đáng cười rằng người đời cứ buồn thương trước cái chết (Đạo Hạnh thiền sư, 1072 - 1127). Trước sân nhà trai, tiếng chim khuya khắc khoải kêu dưới bóng trăng/ Sông biển trước chùa, chính là hình ảnh chân thực về người (Đoàn Văn Khâm, 1173 - 1210). Lướt gió thuyền con ruổi tít mù/ Non xanh nước biếc áng trời thu/ Khuất lau, sáo nổi vài ba tiếng/ Sương tỏa, trăng chìm dưới sóng sâu (sư Duyền Quang, 1254 - 1334). Vạn dặm sông xanh, trời vạn dặm/ Từng miền dâu ruối, khói quanh miền/ Ông chài ngon giấc không ai gọi/ Tỉnh dậy sau mưa, tuyết ngậm thuyền (Dương Không Lộ, 1016 - 1094)… Tuệ Trung thượng sĩ (1230 - 1291), vốn được vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy, nhưng sau chiến thắng Nguyên - Mông, ông từ quan về chuyên tâm thiền học. Ông tìm về với biển để yên lặng tựa vào cõi sâu tâm thức: Tấm thân suy yếu kể chi mà/ Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà/ Muôn tía nghìn xanh tràn đất nước/ Chân trời góc biển dưỡng tình ta; Sóng dài, thuyền nhỏ nổi lênh đênh/ Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh/ Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến/ Gió thu như đã dậy mênh mông… Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị vua anh minh hai lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, một bậc trí giả, vị Phật hoàng, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông có một tâm hồn lớn, sâu thẳm tuyệt đẹp và một trái tim nhân ái bao dung của biển cả, một tình thương xuyên thấu vũ trụ, đủ để ôm chứa biển trời sông nước: Quang cảnh hồ động thiên/ Hoa cỏ kém vẻ xanh tươi/ Thượng đế thương hiu quạnh/ Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc; Khách đến chơi không hỏi việc đời/ Cùng đứng tựa lan can ngắm biển khơi mờ mịt ở chân trời…
Ông cha ta bỏ lại sau lưng những vết thương chiến tranh để lựa chọn trạng thái ung dung, bình an, tự tại; một tình yêu cuộc sống thanh thoát nhẹ nhàng; mang tâm thế mênh mang của biển cả cùng một tư duy vũ trụ. Những điều này không phải tự nhiên mà có. Nó đến từ thẳm sâu tâm hồn dân tộc, từ cốt cách phong độ của người Việt qua những tài năng siêu việt…
Tôi muốn đưa ra một vài ví dụ trên để chúng ta cùng suy ngẫm. Tinh thần của biển đến từ mọi giác quan và cảm xúc của nhân dân. Biển với người Việt vừa mang nỗi niềm trắc ẩn vừa là niềm vui thanh khiết nhưng cứng cỏi, giàu thi hứng ý vị sâu sa. Biển là nơi nương tựa của tình yêu và cũng là nơi cha ông chiến thắng giặc ngoại xâm; rồi biển lại là chốn trở về bình an che chở, là nguồn sống vô song nuôi dưỡng tâm hồn và cuộc sống người dân. Tất cả những thiên tài nước Việt đều mang chứa trong tâm hồn nguồn thi hứng lớn lao từ biển. Với Đức Thánh Trần, biển là trang ấp, là sân nhà, là nơi vùi thây quân xâm lược. Với Nguyễn Trãi, biển là khát vọng sống - Bốn phương biển cả thanh bình, là bao dung, nhân nghĩa và tha thứ. Với Nguyễn Du, biển là “tâm”, là nỗi niềm thăng trầm trắc ẩn, là cõi bể dâu muôn nỗi của kiếp người.
Tinh thần biển ở mỗi người dân Việt, cả trong quá khứ và hiện tại, là những tiếng hát của tự do và nhân bản. Nó được nuôi dưỡng từ tình yêu biển trong sáng, chân thực và cách nhìn thấu suốt, đa dạng trong mọi chiều kích của đời sống nội tâm phong phú của con người. Trần Thánh Tông (1240 - 1290), vị hoàng đế vĩ đại, là người có khả năng kết hợp tài tình giữa tinh thần tự hào dân tộc chiến thắng Nguyên - Mông với tình yêu cuộc sống yên vui thanh bình, và phong độ ung dung phóng khoáng, tự tin: Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi/ Tối về ngủ ở eo biển trăng sáng/ Bỗng nhiên được hứng thú hay/ Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút.
Vậy là đã đối lập với chiến tranh xâm lược của quân Nguyên - Mông trước đó. Không phải chỉ hòa bình mà còn là an nhiên tự tại, thơ ca và tình yêu cuộc sống. Tất cả là thiện tính, là vẻ đẹp, đối trọng với chiến tranh, với tội ác. Nó là dấu ấn khắc sâu vào đá, là sự thức tỉnh văn hóa, là ánh sáng chống lại bóng tối. Và vì vậy mà người Việt không ngừng cất lên lời ca của chính mình, hát về tình yêu cuộc sống, về biển cả mênh mang cô đơn mà tráng lệ, về vẻ đẹp của tự do thuần khiết…
T.A.T
VNQD