Gần mười hai giờ trưa ngày 17 tháng 9 năm 2021, hết giờ làm việc, chiếc xe máy của Thượng úy Nguyễn Văn Thứ đang bon trên đường về nhà, nơi cơm gia đình đang đợi anh để cùng ăn. Cũng như mọi khi, anh tập trung nhìn đường, lúc qua cầu Châu Sơn, chợt giật mình bởi tiếng hô cứu, theo phía tiếng hô, thấy nhiều người đang nhốn nháo hốt hoảng bên thành cầu. Đoán có chuyện chẳng lành, anh dừng xe lại. Theo hướng những ngón tay chỉ về phía xa và phát hiện có người đang nhấp nhô quãng giữa sông cách chừng gần trăm mét.
Bộ Quốc phòng tăng cường xe xét nghiệm lưu động giúp nhân dân Hà Nam
nhanh chóng phát hiện các ca dương tính với Covid-19. Ảnh P.V
Dựng vội chân chống xe, lột vội bộ đồ mặc ngoài, từ độ cao thành cầu chừng 20m, Thượng úy Nguyễn Văn Thứ phóng mình xuống dòng sông Châu đang cuồn cuộc nước lũ. Bằng sải tay dài cùng những cú đạp nước thuần thục của một người bơi lội giỏi, chỉ chưa đầy một phút anh đã tiếp cận được người phụ nữ đang sắp chìm, rồi lựa theo dòng chảy để cố gắng dìu chị vào bờ. Khi Thượng úy Nguyễn Văn Thứ và người phụ nữ đuối nước đã nắm chắc được phần thắng với thủy thần thì thuyền đánh cá của người dân gần đấy cũng đến kịp để tiếp thêm sức. Người phụ nữ đuối nước đã được đưa lên bờ trong niềm vui của rất nhiều người chứng kiến.
Câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Văn Thứ ngay lập tức đã được lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng xã hội với những lời cảm phục dành cho người lính Cụ Hồ. Hành động ấy, có thể nói, đã truyền cảm hứng, lan tỏa hai chữ: tình người khi mà giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, có rất nhiều sự vô cảm của con người với cơn hoạn nạn của người khác. Khi được hỏi về chuyện này, Thứ cười bảo, người lính nào bơi tốt như em, gặp hoàn cảnh này đều có phản xạ ấy. Mà người đồng chiêm ấm áp tình và lính đồng chiêm, ai cũng bơi giỏi hết, rồi lảng sang chuyện khác. Tôi cũng nghĩ Thứ thật lòng mình chứ không chỉ là lời khiêm tốn. Đó là phản xạ có điều kiện của người lính được huấn luyện các kĩ năng để giúp nhân dân trong những khoảnh khắc nguy hiểm. Nó lặng lẽ ngấm rồi thường trực trong tâm thức và rất tự nhiên, bật ra bất cứ lúc nào khi gặp hoàn cảnh. Công việc của Thứ là làm quản lí của tỉnh đội. Về chuyện bộ đội Hà Nam chung tay cùng cả nước chống dịch, Thứ kể, thời gian này anh phải bảo đảm hậu cần không chỉ cho tỉnh đội mà còn cho các khu cách li. Nói rồi anh xin phép phải đi làm việc vì mọi người đang chờ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 151 Bộ CHQS tỉnh Hà Nam tích cực cải biến món ăn phục vụ công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung tại đơn vị. Ảnh P.V
Vâng, người đồng chiêm ấm áp tình. Còn nhớ vào những ngày đầu tháng 10 năm 2021, lúc các tỉnh phía Nam đang ở đỉnh dịch thứ 4, bà con các tỉnh phía Bắc từ Miền Nam vội ồ ạt kéo nhau về quê tránh dịch với phương tiện chủ yếu bằng xe máy. Khi bà con trở về quê đi qua địa phận tỉnh Hà Nam đã được các lực lượng chức năng ở nơi đây giúp đỡ, chia sẻ nhiệt tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhớ lại việc này, ông Thắng, chủ tịch xã Thanh Hải, xã cuối địa phận Hà Nam giáp Ninh Bình được giao nhiệm vụ đón tiếp bà con đã chia sẻ: “Bắt đầu từ ngày mồng 6 đến ngày 15 tháng 10, đã có hơn 6700 lượt bà con tránh dịch đi qua địa phương. Hầu hết, khi về đến địa bàn xã, vì đi xe máy đã gần ba ngày, ba đêm và cơ bản chỉ ăn mì tôm, bánh mì nên rất nhiều người đã xuống sức, nhất là những người già, trẻ em. Xuất phát từ thực tế ấy, xã Thanh Hải, cùng Ban CHQS huyện Thanh Liêm và lực lượng dân quân xã Thanh Hải... đã dựng 2 rạp kết hợp với nhà văn hóa xã để đón tiếp, cho bà con nghỉ ngơi. Để giúp người già, trẻ em và những người đã xuống sức sau hành trình dài trở về nhà an toàn, những ngày này, các đoàn thể cùng với những người lính của Ban chỉ huy quân sự xã, cùng một số cô giáo tiểu học và trung học trong xã đã tổ chức nấu tại chỗ trên 700 xuất cơm 0 đồng có thịt, trứng, rau, canh… ước khoảng trên 20.000 đồng một xuất. Kinh phí giúp đỡ bà con về quê chống dịch được trích từ quỹ tăng gia sản xuất của Ban CHQS huyện Thanh Liêm rồi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cùng lực lượng dân quân xã Thanh Hải và các nhà hảo tâm đóng góp. Với những người mệt mỏi không thể lên đường có thể nghỉ lại nhà văn hóa. Có trường hợp gia đình có cháu nhỏ hết bỉm, đồng chí công an xã phải chạy đi mua. Rồi trường hợp hai vợ chồng có con nhỏ mới 2 tháng tuổi đi khỏi trạm đón tiếp được gần 20 ki lô mét đến nút giao Liêm Tuyền thì không thể đi tiếp. Đồng chí chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã trực tiếp đi xe lên đón đưa về nhà văn hóa xã hỗ trợ ăn uống nghỉ ngơi, cho cháu quần áo, sữa… rồi kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp được 20 triệu giúp gia đình. Hai ngày sau, khi đã khỏe mạnh, lực lượng đón tiếp thuê xe để hai vợ chồng về trên Phú Thọ.
Tình cảm của các lực lượng đón tiếp khiến nhiều người rất xúc động. Nó tiếp thêm động lực cho bà con tiếp tục hành trình về đến quê hương an toàn.
QUỲNH CHI
VNQD