Răn đe

Chủ Nhật, 20/02/2022 15:51

Trong ảnh là tên lửa hành trình với động cơ hạt nhân “Burevestnik” của Nga trong cuộc tập trận răn đe chiến lược do Nga tiến hành ngày 19/2/2022. Cuộc tập trận dưới sự chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga.

Tham gia tập trận có Lực lượng Hàng không vũ trụ, Quân khu phía Nam, lực lượng Tên lửa Chiến lược cùng các Hạm đội Phương Bắc và Biển Đen của Nga. Bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược đã cùng lúc khai hỏa gồm tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và máy bay chiến lược có khả năng mang bom, tên lửa hạt nhân. Nga cho biết, các nhiệm vụ dự kiến trong cuộc diễn tập đã được hoàn thành đầy đủ. Tất cả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu, đang chờ xác nhận cụ thể.

Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga gồm ba bộ phận cấu thành từ lực lượng mặt đất - Lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng hải quân và lực lượng không quân (máy bay tên lửa chiến lược và máy bay ném bom thuộc Lực lượng Không quân - Vũ trụ).

Theo các điều khoản của hiệp ước START-3, có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, Mĩ và Nga sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và không triển khai. Những mục tiêu này đã đạt được, hiện tại kho vũ khí của Nga và Mĩ được duy trì ở mức đã thỏa thuận.

Tuy vậy, theo công bố của Bộ Quốc phòng Nga vào cuối năm 2021, tỉ lệ vũ khí hiện đại trong bộ ba hạt nhân Nga đã vượt 89%, một kỉ lục lịch sử. Hiện Nga vẫn tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược để đảm bảo nhiệm vụ phòng thủ đất nước trước các mối đe dọa tiềm tàng trong điều kiện mới.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây trước khả năng NATO sẽ kết nạp Ukraine làm thành viên. Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine. “Hành động của Tổng thống Vladimir Putin cho thấy mục đích thật sự của ông không phải là chinh phục và sáp nhập Ukraine vào Nga, mà là để thay đổi trật tự hậu Chiến tranh Lạnh tại Đông Âu”, ông Trenin viết. Nhưng ông cũng đưa ra một số “lằn ranh đỏ” khiến Tổng thống Vladimir Putin có thể động binh, như việc NATO kết nạp Ukraine hay phương Tây đặt căn cứ quân sự hoặc hệ thống tên lửa tầm xa tại Ukraine.

Trọng Thái

 

VNQD
Thống kê