Trong những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng của đợt dịch thứ 4 bùng phát trên diện rộng tại các tỉnh phía Nam, đã có hàng nghìn chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia công tác chống dịch. Từ tuần tra biên giới đến phun khử khuẩn, từ đêm ngày phục vụ tại các khu cách li hay các chốt kiểm soát khắp mọi ngả đường, thôn xóm hay đường mòn, lối mở biên giới, thực hiện chiến dịch “hai mũi giáp công” - sàng lọc và cách li tại chỗ…, những con người bình dị, thuận lành ấy có mặt ở tất cả những điểm trọng yếu nhất, đảm nhiệm những nhiệm vụ không kém phần gian nan, nguy hiểm.
Dân quân tự vệ tỉnh Kiên Giang tham gia ứng trực tại các chốt biên giới
Đối diện với dịch bệnh sớm nhất có lẽ là lực lượng dân quân tự vệ các tỉnh biên giới phía Bắc, nơi có những vấn đề diễn biến hết sức nhạy cảm, vì vậy, nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt lên hàng đầu. Mặc dù thời gian trước đây, các anh đã có nhiều hoạt động phối hợp với lực lượng cùng Bộ đội Biên phòng trong nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, nhưng đây là đợt tăng cường cao điểm nhất, áp lực nhất và trong điều kiện địa hình khắc nghiệt nhất, trang thiết bị, lương thực phẩm thiếu thốn và nguy cơ bị nhiễm bệnh cao. Vậy là các tuyến đường giao thông “huyết mạch” tới các con đường mòn, lối mở vành đai biên giới cho đến các xã nội địa, hình ảnh những chiến sĩ dân quân không quản mưa nắng, ngày đêm sát cánh cùng các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh đã trở nên gần gũi, thân quen với mỗi người dân.
Khi chúng tôi đến xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, những chiến sĩ đồn biên phòng Thanh Lòa và dân quân tự vệ xã Thanh Lòa mặt đỏ ửng vì lạnh vừa kịp về chốt đón chúng tôi sau một ngày vất vả phát quang cây bụi, cỏ rậm khu vực đường biên, khai thông tầm nhìn biên giới.
Câu chuyện bên bếp than tổ ong khói mù mịt, vừa chuẩn bị bữa cơm chiều, anh Vy Văn Viện, dân quân xã Thanh Lòa cho biết: “Hồi mới ra trưc chốt cùng anh em biên phòng, chúng tôi cũng hoang mang vì chưa biết dịch bệnh như thế nào, chỉ nghe người thân ở bên kia biên giới nói rằng bên bạn chết nhiều lắm. Nhưng rồi cũng dần quen, dù địa hình đường tuần tra gian khó, nguy hiểm, thiếu thốn về trang bị, cơ sở vật chất, nhưng anh em chúng tôi luôn xác định rõ ý thức, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao.”
Vất vả, hiểm nguy không quản ngại, nhưng áp lực lớn nhất đối với những chiến sĩ dân quân tự vệ chính là việc ngăn chặn, vận động người thân của mình lao động ở bên kia biên giới không xuất nhập cảnh trái phép để trốn cách li. Nhiều đồng chí đã bị người thân oán trách, mắng nhiếc khi tham gia ngăn chặn, bắt giữ trong quá trình họ xâm nhập biên giới qua đường mòn, lối tắt. Quãng thời gian này, có lẽ với các anh là dấu ấn khó quên khi vừa tham gia tuần tra biên giới, canh trực tổ chốt để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, vừa nắm sát địa bàn, từng gia đình có người thân đang ở nước ngoài, nhất là những nơi có thể đi đường bộ về Việt Nam. Tranh thủ sau giờ trực, các anh lại đến các gia đình để vận động họ liên lạc với người thân không nhập cảnh bất hợp pháp về nước và nếu có nhu cầu nhập cảnh, phải theo đường hợp pháp, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định cách li tập trung.
Dân quân tự vệ TP.Hồ Chí Minh tham gia vận chuyển lương thực
Riêng tuyến biên giới Tây Nam từ đầu năm 2021 trở nên “nóng bỏng” khi tình hình dịch bệnh bên nước bạn Campuchia bùng phát. Tuy không gặp khó khăn về địa hình, khí hậu như tuyến biên giới phía Bắc, song để đảm đương tốt nhiệm vụ giám sát toàn tuyến biên giới “nội bất xuất ngoại bất nhập” cũng không hề đơn giản. Thời gian nghỉ ngơi hạn chế, nước ngọt thiếu nghiêm trọng và thường xuyên gặp giông lốc, sét đánh… những yếu tố ấy đã nhanh chóng được các anh vượt qua, nhanh chóng thích ứng để phối hợp với các lực lượng thiết lập “hàng rào” hiệu quả trong ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch bệnh.
Tại tỉnh Long An, kể từ mùa dịch đầu tiên đến nay, đã có 62.800 lượt dân quân có mặt trên mặt trận chống dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết anh em đều có người thân nhiễm bệnh và sức khỏe bản thân suy yếu sau những ngày dài lao lực, căng thẳng. Trong gian khó vẫn bền chí, vững lòng, những “sao vuông” trẻ của Long An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vẻ vang. “Tôi chỉ có một suy nghĩ là cống hiến hết sức lực của mình để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điều đó đã được ghi nhận và tôi vô cùng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là động lực để tôi và đồng đội cố gắng phấn đấu nhiều hơn, góp sức mình đẩy lùi dịch Covid-19” - chiến sĩ Khang Quỳnh Duy, dân quân xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ chia sẻ với đoàn chúng tôi.
Chung niềm vui như Duy, đồng chí Thái Trung Kiên, Trung đội trưởng trung đội dân quân thường trực, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng đã rưng rưng khi được đứng vào đội ngũ của những người cộng sản trung kiên. Trong suốt ba tháng chống dịch căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh, anh luôn là đầu tàu gương mẫu, xốc vác, tận tụy dẫn dắt các đồng chí trong trung đội của mình hoàn thành nhiệm vụ. Người chiến sĩ “sao vuông” ấy đã được Đảng ủy Quân sự thị xã và Chi bộ tổ chức Lễ kết nạp đảng viên giữa lúc “chiến dịch” vẫn còn chưa “hạ nhiệt”.
Vượt qua mọi mất mát, vươn lên, điều tốt đẹp nhất đọng lại trong mỗi người chúng ta chính là nụ cười chất phác, đôn hậu và những cống hiến âm thầm, lặng lẽ của những ngôi sao dân quân tự vệ trên khắp mọi miền đã biết dấn thân, hi sinh vì Tổ quốc.
PHẠM VÂN ANH
VNQD