Mô hình “Dân quân nắm hộ dân”, “Dân quân nắm các hộ gia đình” được thí điểm ở nhiều xã của Huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc giữ vững sự bình yên trong thôn xóm và góp phần phát triển chính trị, kinh tế ,xã hội của địa phương.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực sau 1 năm thực hiện mô hình
Hiệu quả từ thực tế
Mô hình lúc đầu xây dựng là “Dân quân nắm hộ dân” được triển khai ở ấp 3 trong xã Tân Hiệp, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, sau đó chuyển thành “Dân quân nắm các hộ gia đình” một cách toàn diện tại xã. Đồng chí Hồ Thanh Dũng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã cho biết, xã có trên 3,5 ngàn hộ dân, theo các tôn giáo khác nhau, sinh sống ở 9 ấp, trong đó có làng dân tộc S’ Tiêng. “Lúc đầu chúng tôi lựa chọn 36 đồng chí dân quân thường trực xã và dân quân ấp, mỗi đồng chí nắm tình hình 3 hộ dân, từ ấp 1 đến ấp 6. Sau đó nhân rộng ra 9 ấp với trên 120 đồng chí tham gia. Hiệu quả thiết thực nhất là liên tục từ năm 2020 đến nay, Tân Hiệp luôn hoàn thành chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ có chất lượng. Thanh niên về các đơn vị của Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng đều được đánh giá tốt”. Đảng viên Trần Hữu Phương đang tại ngũ ở Sư đoàn 302 (Quân khu 7) nói: “Tôi viết đơn nhập ngũ, trúng tuyển đầu năm 2021 và yên tâm thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Vì ở nhà dân quân và các đoàn thể địa phương đã hỗ trợ, quan tâm làm tốt chính sách hậu phương quân đội”…
Mô hình đã hỗ trợ nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đó là trường hợp của gia đình bà Lương Thị Huệ (ấp 2) có con vừa chấp hành xong án phạt tù, được lực lượng dân quân nắm chắc tình hình, tuyên truyền, đề xuất cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể hỗ trợ hòa nhập cuộc sống.
Bà Huệ xúc động chia sẻ: “Khi con trai tôi chấp hành xong án phạt tù trở về, cháu cũng e ngại nhưng được lực lượng dân quân xã, đặc biệt là anh Phạm Hải Nghi, dân quân trong ấp đến động viên, tuyên truyền giúp cháu chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đến nay, cháu đã có việc làm, thu nhập ổn định, tránh xa tệ nạn đã vướng phải.
Chia sẻ về mô hình, Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai cho biết. “Từ thực tế, chúng tôi xây dựng mô hình dân quân nắm bắt tình hình hộ gia đình, nhất là những hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ có con em vi phạm pháp luật. Một dân quân có thể nắm 3-5 hộ gia đình một cách toàn diện tại địa phương và báo cáo về Ban Chỉ huy quân sự xã tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chủ động có hướng hỗ trợ giúp đỡ khi cần thiết”.
Lực lượng dân quân thực hiện tuần tra nắm hộ dân tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành
Nhân rộng trên địa bàn…
Sau 1 năm thí điểm thực hiện, mô hình dân quân nắm hộ dân có 125 đồng chí tham gia gồm dân quân thường trực, cơ động, dân quân binh chủng, lực lượng tại chỗ. Dự và phát biểu tại buổi sơ kết một năm thực hiện mô hình, thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Trung Nhân biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được. Lãnh đạo Quân khu và Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị, mô hình thiết thực, có ý nghĩa và bám sát thực tiễn cơ sở nên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, báo cáo hoàn thiện, rút bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo thiếu tướng Đặng Văn Hùng, từ thành công này, tỉnh nên nghiên cứu một cách cụ thể, trong đó xác định rõ nhiệm vụ của tỉnh, huyện, xã, ấp để rút ra những bài học quý, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình trong tỉnh Đồng Nai và địa bàn Quân khu. Mặt khác phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần thực hiện hiệu quả những chủ trương của Đảng về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh.
N.H
VNQD