Rừng của mùa sau

Thứ Năm, 07/04/2022 00:37

. THU TRÂN
 

Huyên đang tìm lại rừng xưa.

Ngày ấy, tuổi hai mươi, cứ mỗi hè, lứa sinh viên của Huyên phấn khởi tràn về Cần Giờ như mở hội. Hơn mười năm sau chiến tranh mà Cần Giờ vẫn còn hoang hoá. Những cánh rừng cần được trồng lại đang chờ tay người.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Mảnh đất sình lầy lệt bệt nước ven rừng. Muỗi, muỗi kêu như sáo thổi. Sinh viên được cấp nón tai bèo, suốt ngày mở ra quạt phành phạch đuổi muỗi. Lớp đạo diễn sân khấu “phiên” thành sáu đội, mỗi đội năm người, hệch hà hệch hạc, hai ngày trời với sự giúp sức của những chàng trai trồng rừng chính gốc Cần Giờ, rồi cũng dựng xong mỗi đội một căn chòi. Đội “Hoa rừng” của Huyên được “phiên” về một Tarzan cao mét tám, da ngăm đen, tóc xoăn xoăn nơi mí trán trông rất “điện ảnh”. Khi tự giới thiệu mình, Tarzan bảo: “Tui người Cần Giờ gốc. Ba tui là đặc công Rừng Sác. Tui mới học tới lớp bốn, mê rừng hơn mê chữ nên nghỉ học lâu rồi. Còn ai hỏi tui gì nữa hông?” Huyên giơ tay: “Xí xí, Tarzan tên gì?” “Tui tên Tarzan, còn hỏi!” Cả đội “Hoa rừng” cười ồ lên. Nhìn cái mặt Huyên sường sượng chắc thấy tội lắm nên Tarzan làm hoà: “Chọc cô cho vui thôi, chớ tui tên là Đước, Nguyễn Rừng Đước”. Cả bọn lại ồ lên ngạc nhiên. Nhỏ Lam nhí nhố: “Nguyễn Rừng Đước? Tên thiệt hay tên sáng tác vậy cha nội, đừng có hão huyền nha!” Tarzan chấm ngón tay trỏ lên đầu lưỡi, rồi quệt lên trán: “Dóc tội, tui thề, tên ông nội tui đặt cho tui đó, ổng là thổ địa Rừng Sác mà!”

Huyên nâng niu, gói ghém từng kỉ niệm nơi vùng đất rừng ngập mặn như hành trang quý giá trong cuộc đời. Tuổi trẻ, máu cứ cuồn cuộn chảy từ tim lên óc khi đọc “Thép đã tôi thế đấy”. Bạn bè của Huyên hùng hồn hát: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ…”. Ai cũng ước làm Pavel Korchagin tay cầm xẻng đi qua đường ray ướt lướt thướt tuyết, mơ về một ngọn cờ độc lập tự do vĩnh cửu. Bạn bè lớp mười hai của Huyên ào ạt viết huyết tâm thư tình nguyện ra mặt trận biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Đã có người mãi mãi tuổi mười bảy nơi chiến trường. Bọn sinh viên sân khấu như Huyên đi trồng rừng mà ai cũng tưởng mình ra mặt trận. Khát vọng cống hiến hừng hực.

Ngoài chuyện dựng nhà cho đội “Hoa rừng”, Tarzan còn được phân công hướng dẫn kĩ thuật cho các cô gái. Kĩ thuật trồng rừng ngập mặn là gì? Ứ biết. Đám con gái ngồi nhiều chuyện ta bà. Tarzan nói gì kệ Tarzan. Đến mức bực quá, anh ta hét lên:

- Mấy bà vừa phải thôi, nghệ sĩ, nghệ sĩ… kệ cha mấy bà chơ!

La Ngà được bầu làm đội trưởng, cũng thấy kì kì với lần xao nhãng đầu tiên của cả đội khi bắt đầu công việc, xuống nước, ôn tồn nói với Tarzan:

- Xin lỗi anh, thật lòng xin lỗi, do mọi người chưa hình dung được công việc thôi!

Và rồi, cả đội cũng quen dần. Chỉ tiêu mỗi ngày mỗi người trồng hai trăm cây, cắm cọc và chằng néo dây đảm bảo khi triều lên, sóng gió thế nào, cây mắm cây đước con vừa được cắm xuống bùn phải tuyệt đối vững chãi.

Đôi mắt trong veo luôn chớp chớp hai hàng mi đen dày và đôi tay tiểu thư mềm mại của Huyên như mách với mọi người rằng, nàng không tài nào đảm đương nổi việc. Khi những thành viên trong đội rửa tay, buộc tóc, ra cửa sông Lòng Tàu ngắm mặt trời lặn và đọc thơ thì nàng vẫn còn vật vã với vài chục bầu cây. Đây cũng là lí do Tarzan luôn phải bám theo nàng vào lúc cuối giờ. Bỗng có ngày Tarzan nhìn nàng cười phá lên:

- Tui coi cô trồng cây mắc cười chết đi được!

- Anh mắc cười tui cái gì?

- Cô trồng cây như múa á, mần vậy sao nhanh bằng người ta được!

Huyên bướng bỉnh:

- Tui thích thì sao? Anh không biết đâu, hồi thi vô trường sân khấu, tui thì năng khiếu bằng bài múa một mình đạt điểm tối đa á!

- Và giờ trồng cây, cô cũng múa luôn?

- Tui không múa, mà tại vì tôi trồng cây bằng đôi tay nghệ sĩ.

- Chịu thua cô luôn á, còn tới hơn ba chục bầu cây chưa xé kìa, có muốn tui phụ không?

- Tui chờ câu này của anh mỗi ngày, mà sao tới bây giờ mới hỏi?

Mặt Tarzan tần ngần thấy thương:

- Chờ mấy cô kia ra ngắm sông hết rồi, tui mới dám hỏi, sợ người ta dị nghị…

Rồi như chợt nhớ điều gì, Tarzan bắc tay làm loa la lớn:

- Mấy bà ơi, làm ơn đừng có hứng bất tử mà nhảy xuống sông tắm nha, sông còn cá sấu đó!

Những buổi chiều như thế trôi qua êm đềm với Huyên và Tarzan. Bốn cô còn lại trong đội mỗi khi làm xong việc, thường bấm nhau ra cửa sông ngắm trời trăng mây nước, ý nhị tạo không gian riêng cho hai người. Đội trưởng La Ngà chịu chơi tuyên bố: “Ít ra phải có một đứa cắm lại mảnh đất này, để mai mốt khi cánh rừng đội mình trồng phủ xanh bờ bãi, thì có một cái nhà để tụi mình trở về, cái nhà chung của con Huyên với ông Tarzan chẳng hạn”. Huyên nhún vai: “Ừ thì mấy bà thí chốt tui đi, mai mốt về lại thành phố, ai nói chuyện tiếu lâm cho mấy người cười thì biết!”

Nói vậy thôi, chứ thiệt lòng, Huyên thích những lúc riêng tây với Tarzan. Huyên thích vồng ngực vạm vỡ của Tarzan chạm vào lưng khi anh cúi xuống phía sau, dang tay nhấn tay nàng thật sâu vào lớp đất bùn cho cây đước con vừa cắm xuống đứng lên vững vàng. Những khi ấy, nàng còn nghe được hơi thở thơm mùi rừng ngập mặn của anh phà phà sau tóc nàng ấm áp. Rồi những lọn tóc mảnh mai sau gáy nàng bay bay. Anh bao nhiêu? Hai mươi hai, anh hơn nàng hai tuổi, có quyền chứ, tuổi trẻ có quyền nghĩ và làm những điều gì đó rất lạ lùng…

Nhà của Đước có gì? Có má làm nghề trồng rừng như Đước và thằng em trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhà của Đước có gì? Có một mái tranh ven bìa rừng ngập mặn như căn chòi của đội “Hoa rừng” nhưng vững chãi hơn, có thêm cái tivi đen trắng cho má Đước coi thời sự mỗi tối và con chó vàng tên Lóc. Đước kể, gia đình cũng có một căn nhà xây nho nhỏ trong thị trấn nhưng ai cũng ghiền rừng nên ở rừng miết, nhà thị trấn đóng cửa để đó, lâu lâu về mở cửa giỗ quảy ba và ông bà nội. Nỗi “ghiền rừng” trong gia đình Đước được lan truyền từ đời ông nội. Ông nội Đước lớn lên bằng những bước chập chững đầu tiên cắm trên rễ đước rễ mắm rễ bần. Đời ông cố ông sơ Đước gắn bó với mảnh đất Cần Giờ từ lúc chiều chiều bọn khỉ trong rừng còn ào ra tung tăng với người. Chúng mở nắp nồi lục lọi cơm nguội, phồng mang trợn mắt ăn lấy ăn để, cho đến khi nào bị người phát hiện, lấy cây đuổi mới chạy vô rừng. Ngày ấy, chiều chiều, cá sấu còn bò lên bờ ra thị trấn dạo chơi, khi các cô gái đẹp trong làng chọn chồng phải là người diệt được những con sấu hung tợn ghiền ăn thịt người. Đi ngang nhà một ai đó trong làng, thấy trước nhà treo nhiều đầu sấu khủng là biết nhà đó có bà chủ đẹp, nhà đó có con gái đẹp.

Truyền thuyết về cá sấu Cần Giờ lại được thêu dệt nhiều hơn vào thời chiến tranh chống Mĩ. Dưới thảm rừng đước rừng mắm ngả nghiêng nham nhở bốc trốt vì chất dioxin tận diệt, có nhiều am thờ bộ đội. Ngày ấy bộ đội đặc công Rừng Sác không chỉ có nhiệm vụ tiêu diệt những chuyến tàu tiếp tế vũ khí và quân lương của Mĩ cho quân lực Cộng hoà từ Biển Đông vào Sài Gòn qua cửa ngõ sông Lòng Tàu, mà còn phải chiến đấu với cá sấu. Những con cá sấu to như chiếc thuyền nhỏ nghiện thịt người bởi mùi máu loang ra trên mặt sông, trên các bãi sình lầy sau các trận chiến sinh tử. Ba Đước, một chiến sĩ nổi tiếng quả cảm với nhiều lần diệt được sấu dữ, đã hi sinh trong một trận tấn công tàu giặc cuối tháng 4 năm 1975.

Ngày ba Đước chưa hi sinh, thỉnh thoảng ông được phép về thăm gia đình ở thị trấn. Đước nhớ khi ấy, anh chỉ chừng bảy, tám tuổi, thằng em tên Nguyễn Rừng Mắm mới vừa tròn tuổi tôi. Gọi là thị trấn cho sang, chứ thật ra chỉ là một cụm vài mươi căn nhà lợp lá dừa ọp ẹp. Đàn bà và người già co cụm lại sống với nhau. Thị trấn vui nhất vào những buổi chiều khi các thuyền câu nhỏ của đàn bà và người già trở về, con nít và chó tràn ra bờ biển đón người thân vui mừng tíu tít. Ngày ấy, biển còn hoang sơ, tôm cá còn rất nhiều. Ông nội Đước bảo, không vung lưới thì thôi, vung lưới thì khẳm cá đem về. Cá tôm đánh bắt được chủ yếu đổi lấy gạo tương cà mắm muối với lái buôn, một phần để lại cho nhà ăn, một phần gửi vào rừng cho bộ đội Rừng Sác.

Những ngày ba Đước được về thăm nhà là những ngày vui nhất tuổi thơ Đước. Sau màn công kênh cu Mắm trên vai, ba lôi Đước ra nhánh sông nhỏ gần nhà tập cho Đước bơi đứng. Ba bảo, miệng sấu rộng ngoác nhưng khi tấn công chúng chỉ gắp được ngang thân người. Người bơi đứng gặp sấu luôn an toàn là vì thế. Con trai ba phải biết bơi đứng giỏi, mai mốt cu Mắm lớn con còn dạy lại cho em. Đước còn nghe lỏm được câu chuyện “đơn đao phó hội” ba kể ông nội nghe. Chuyện rằng, có một ông tướng muốn thu phục đạo quân nổi dậy lừng lẫy. Người cầm đầu đạo quân nổi dậy ra điều kiện, nếu ông tướng bơi qua dòng sông đầy sấu một cách an toàn thì ông sẽ đem quân về hàng phục. Ông tướng đồng ý, bất chấp sự can ngăn của các bô lão có kinh nghiệm trong vùng. Người đứng hai bên bờ sông nín thở. Ông tướng bơi qua sông thành công, tiếng hò reo cảm phục vang dậy.

Những câu chuyện Đước kể vào những chiều nắng muộn, Huyên nghe mãi, nghe hoài không chán. Không ngờ anh chàng mới học lớp bốn mà kể chuyện lớp lang và duyên dáng lạ lùng. Lại cực kì thông minh nữa. Có những chiều thanh toán mớ cây trồng sớm, anh lại ôm guitar, đàn cho đội “Hoa rừng” hát. Khi mọi người đàn hát say sưa, Huyên nhìn Tarzan rạng ngời. Nàng nghĩ, nhất định sẽ có ngày nàng trở lại, buộc anh đi học bổ túc văn hoá. Người hào sảng tài hoa như Đước không thể học ít được. Anh còn làm được rất nhiều việc cho mọi người, mọi người cần anh. Chí ít ra là người dân đất Cần Giờ với cuộc sống còn lạc hậu, nghèo nàn, lam lũ. Huyên bỗng nghĩ rất lãng mạn rằng, nàng sẽ thay đổi được Tarzan.

Chiều định mệnh ấy, cả đội “Hoa rừng” hứng lên đòi đi thuyền trên sông. Chiếc thuyền bé xíu. Năm cô gái và một chàng trai. Thuyền trôi tà tà trong nắng, dưới những tán cây xanh vô cùng lãng mạn. Tất nhiên là có đùa giỡn, chọc ghẹo nhau và hát. Trong một lần cả bọn lăn vào nhau cười rũ vì câu chuyện tiếu lâm của Tarzan, thuyền bị nghiêng và lật giữa sông. May là tất cả đều biết bơi. Không quan tâm đến chiếc thuyền bị xoáy mất giữa lòng sông, Tarzan tay cầm cây dầm bơi và hét: “Bơi vô bờ mau lên, mau lên các bạn, khúc sông này còn cá sấu”. Tất nhiên là Tarzan bơi đứng. Anh đã yểm trợ cho từng cô gái bơi vào bờ an toàn. Đến phiên Huyên, khi nàng bơi còn cách bờ khoảng chục mét thì cá sấu xuất hiện. Một con cá sấu nhỏ như đứa trẻ lên năm đuổi theo nàng và Tarzan. Bằng một cú đẩy hút hồn của Tarzan, Huyên đã lên được bờ. Còn Tarzan vẫn bơi đứng dưới sông dùng cây dầm chống trả con sấu. Sau một hồi quần nhau tả tơi, con sấu phải bỏ đi.

Bị rách da khá nặng ở cả chân và tay, Tarzan không về nhà, mà dưỡng thương ở chòi canh giữa rừng. Đội trưởng La Ngà phân công Huyên chăm sóc Tarzan. Những thành viên của đội sẽ làm choàng việc của Huyên. Tất nhiên, để cả đám không bị kỉ luật, sự cố lật thuyền được ém nhẹm.

Lửa gần rơm. Chòi canh cao ngút ngàn tiếng chim và gió rừng suốt ngày đêm. Những vết thương ngoài da của Tarzan sớm lành vì bài thuốc từ các loại lá rừng do ông nội Tarzan truyền lại. Ngoài thời gian làm thuốc, đắp thuốc cho Tarzan, Huyên đã nói chuyện với Tarzan rất nhiều.

Mãi lâu sau này, Huyên không yêu được ai một cách đằm thắm và sâu sắc như yêu Đước là do những ngày nàng và anh sống cùng nhau trên chòi canh quá sắc màu. Tuổi ba mươi, tuổi bốn mươi, sống bên Mĩ, Huyên từng li hôn hai người chồng nhưng nàng cũng không thể trả lời tường tận trước tòa là vì sao quyết định li hôn. Chẳng lẽ nói rằng, nàng nghiện cồn cào mùi da thịt của chàng trai trẻ giữ rừng và mùi gió có hương rừng ngập mặn tuổi hai mươi? Sống không hợp nhau thì li hôn thôi, đó là lí do vô lí và phù phiếm nhất khi các cặp vợ chồng muốn li hôn mà không muốn moi móc gan ruột ra trước tòa.

Hương vị trái cấm đầu đời với Tarzan đã chi phối cả cuộc đời Huyên. Nằm trong vòng tay Tarzan, Huyên rà rà cánh môi trên hai cánh tay anh. Da thịt anh thơm mùi gì nhỉ. Mùi mật ong nắng cháy. Ngòn ngọt và khen khét. Mùi lạ, nàng chưa từng được nghe bao giờ. Và rừng lông tơ trên cánh tay anh dưới cánh môi nàng nữa, êm ái ngồ ngộ ngạt ngào. Cảm giác đê mê rất lạ xâm chiếm cả hai người. Bàn tay chàng êm ái lướt nhẹ trên thân thể nàng. Tim chàng, tim nàng nhảy lung bung trong lồng ngực. Nàng ngây thơ bảo: “Có cách nào cho tim mình bớt nhảy lung bung không anh?” “Có”, chàng trả lời, cánh môi chàng lướt trên thân thể nàng róng riết. Ngực trần nàng căng ra rạng rỡ, hai nụ hồng chúm chím xinh xinh, nụ hoa hàm tiếu đầu đời tận hiến…

Sau lần yêu nhau đầu tiên ấy, Huyên ngồi khóc rấm rứt vì vết thương con gái. Tarzan lúng ta lúng túng dỗ mãi nàng không nín. Chàng đành để nàng ngồi đó, tuột xuống chòi, đi tìm loại lá rừng đặc biệt nhai ra và đắp lên vết thương đau rát của nàng. Chàng nói: “Tha thứ cho anh đi, đây là lần đầu tiên anh biết...” Nhìn ánh mắt tồi tội của chàng, nàng bỗng thấy thương thương, rồi cười phá lên: “Anh làm như em hay lắm vậy, em cũng lần đầu mà!” Bọn khỉ Cần Giờ luôn tung tăng trong rừng như một đám ngỗ ngược, chúng nghe hai người cười đùa với nhau, bèn chấp chới bu lại xem, đứa trước chồng lên đứa sau, kêu loé choé vang cả khu rừng.

Hai tháng qua nhanh như một giấc mơ. Giấc mơ tuyệt vời, có muốn mơ nữa cũng không bao giờ mơ lại được. Về lại thành phố, vào năm học mới chưa được bao lâu, Huyên phải theo gia đình vượt biên. Qua Mĩ, Huyên và Tarzan còn liên lạc với nhau bằng thư viết tay. Địa chỉ Huyên gửi cho Tarzan là cơ quan rừng phòng hộ của anh. Sau một thời gian thư qua tin lại đều đặn, Huyên không nhận được hồi âm của Tarzan nữa. Nàng cũng không hiểu vì sao, thôi đành buông xuôi vì không còn cách liên lạc nào khác.

 

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Nàng trở về vì hai lí do. Hoài Lâm chọn đề tài “Rừng ngập mặn Cần Giờ hồi sinh” làm luận án tiến sĩ lâm nghiệp. Con trai nàng mê động thực vật và yêu rừng ngay từ bé. Lâm bảo với mẹ rằng, sau chiến tranh, rừng ngập mặn Cần Giờ bị phá tan nát bởi bom đạn và chất diệt cỏ dioxin. Để tái tạo rừng như xưa, các nhà dự trữ sinh quyển thế giới dự báo Việt Nam phải mất một trăm năm. Nhưng sức sống rừng Việt Nam thật diệu kì, chỉ trong vòng ba mươi năm, rừng ngập mặn Cần Giờ lại xanh bát ngát và được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Câu trả lời đầu tiên cho sự thành công khác biệt này là: thủy triều biển Cần Giờ lên xuống ngày hai lần với tốc độ rất nhanh. Thiên nhiên ưu đãi người Việt tạo nên sự khác biệt. Hoài Lâm chộp lấy đề tài này làm luận án như một sự “khoe khoang” với bầu bạn thế giới về thiên nhiên tuyệt vời của đất mẹ quê hương.

Còn một điều sâu xa tận đáy lòng mà Huyên không thể tỏ bày cùng ai, nàng muốn về Cần Giờ để tìm lại Tarzan. Bặt tin nhau hàng chục năm, Huyên nghĩ có lẽ Tarzan đã có một gia đình yên ấm. Mà có khi như vậy lại hay. Hai gia đình hai bên chiến tuyến. Tarzan là con liệt sĩ, gia đình cách mạng nòi. Cha nàng là sĩ quan ngụy. Tarzan có con đường thênh thang của anh ấy, dính với nàng thật không tiện. Thôi thì sống một mình với tình yêu của riêng mình có khi lại nhẹ nhàng hơn. Mà sau ba mươi năm trời đằng đẵng, nàng mong gặp lại Tarzan để làm gì nhỉ? Chỉ nhìn nhau thôi, nàng tự nhủ, chỉ nhìn nhau thôi là đủ. Phải gặp nhau để nhìn nhau thôi, không thì sẽ muộn. Mảnh gỗ đước Tarzan khắc hình nửa trái tim có chữ Đ nàng vẫn còn giữ. Mảnh gỗ đước hình nửa trái tim còn lại khắc chữ H Tarzan có còn cầm? Tarzan đã hứa với nàng ngày ấy trên chòi cao ở trong rừng, dẫu có thế nào, hai đứa cũng phải giữ mãi hai nửa tim này, để có ngày mà tìm về với nhau.

Mẹ con Huyên ngồi trên du thuyền chạy dọc sông Lòng Tàu.

Nhìn vào những cánh rừng, nàng không thể xác định được nơi nào nàng đã từng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để ghim hai trăm cây mắm cây đước con mỗi ngày. Tất cả đều thay đổi. Rừng Cần Giờ giờ trải rộng đến chân trời. Cần Giờ đã trù phú, thịnh vượng hơn xưa. Những con đường trải nhựa, những hàng cây xanh tít tắp dẫn vào huyện lị. Hầu hết người dân Cần Giờ đều đã ở nhà xây, không còn những mái nhà lợp dừa nước thấp lè tè như xưa. Con trai nàng đề nghị:

- Mẹ xuống đây, vô một vài nhà hỏi xem. Con có việc, cần đi ra cửa sông với mọi người, chiều con quay lại đón mẹ.

Thật lòng, Huyên nghĩ rừng nào cũng là rừng, khi cây đã lớn lên rồi thì chỉ một màu xanh bất tận, biết đâu mà tìm.

Vượt qua quãng sình lầy lẹp nhẹp, Huyên tìm đến nhà của những công nhân giữ rừng. Những ngôi nhà giống nhau, nho nhỏ, được xây chắc chắn để đủ sức trụ lại trước những cơn triều cường suốt ngày đêm. Qua vài lần hỏi thăm, Huyên được chỉ tới ngôi nhà của một người đàn ông cao to rắn rỏi có đôi mắt đen ngời. Anh ta vui vẻ kéo ghế mời Huyên:

- Chị ngồi đi, đừng ngại, tụi tui có khách đến nhà hỏi thăm suốt á mà!

- Dà, cảm ơn anh, hồi trước tui là sinh viên đi trồng rừng ở đây.

- Dà, cả khu rừng hàng trăm hecta mà tui giữ đây cũng là sinh viên trồng ngày xưa đó chị. Chị về lại đây, có gặp người quen nào không?

Huyên ngập ngừng:

- Tui có một người quen, mà nói, chưa chắc anh biết, chuyện mấy chục năm rồi…

Chủ nhà xởi lởi:

- Chị cứ nói, chắc là có biết, không thì tui tìm cho chị. Ở cái đất Cần Giờ đất rộng người thưa này, người ta biết nhau nhiều lắm!

Huyên cười nhẹ đáp lại tấm thịnh tình của chủ nhà. Nàng lướt mắt quanh gian phòng:

- Anh có nhiều giấy khen quá ha, chắc giữ rừng giỏi lắm ha.

- Có gì đâu chị, giờ giữ rừng dễ mà, đâu có khó khăn như thời còn sấu của anh hai tui xưa kia…

“Đâu có khó khăn như thời còn sấu của anh hai tui xưa kia”, Huyên nghe mà giật mình, như có gì quen lắm. Nàng đứng lên, nhìn vào dãy giấy khen dán trên tường. Khen công nhân giữ rừng Nguyễn Rừng Mắm. Tim nàng đập lung bung, nàng run lên:

- Anh là Nguyễn Rừng Mắm?

- Ừ, tên ông nội tui đặt á, tên anh tui còn độc chiêu hơn: Nguyễn Rừng Đước.

Huyên muốn khuỵu ngay xuống. Nàng lảo đảo đưa tay vịn mép bàn:

- Bây giờ, anh Nguyễn Rừng Đước ở đâu?

- Chị biết anh hai tui à? Vậy là cũng biết lâu lắm rồi phải không? Anh hai tui hi sinh mấy chục năm rồi…

Theo ngón tay chỉ của chủ nhà, Huyên nhìn lên: bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Rừng Đước. Trong góc bằng đã úa vàng theo thời gian có lộng một tấm hình trắng đen nho nhỏ. Vẫn là chàng Tarzan có nụ cười hiền lành, tươi tắn như thuở nào. Huyên gục mặt xuống bàn oà khóc. Chủ nhà lúng túng:

- Chị, đúng rồi, chị có phải là chị Huyên? Sao lâu lắm chị mới trở về? Anh hai em nhắc chị suốt, nhắc đến nỗi má cũng nhớ chị luôn, mà má chưa một lần gặp mặt chị…

- Anh hai hi sinh năm nào, em?

- Sau bận chị về đây trồng rừng khoảng hai năm, anh hai tình nguyện đi bộ đội qua K. Anh hi sinh trong một trận xáp lá cà với quân Pol Pot.

Chuyện Tarzan tình nguyện đi chiến trường, với Huyên không có gì là lạ. Nàng biết con người anh luôn rừng rực bầu máu nóng của người tráng sĩ, người tráng sĩ luôn sống hết mình vì những lẽ tươi đẹp trên đời. Tarzan khẳng khái, anh hùng như cha anh vậy. Huyên ngẩng lên lau nước mắt và nói chậm rãi:

- Chị đã không nhận được thư anh ấy, chị đâu biết anh ấy tình nguyện đi bộ đội…

- Chị thông cảm, thời đó, cơ quan anh hai đổi chỗ liên tục, thư bị lạc hay sao á. Có lúc em nghe anh hai than với má là chờ hoài mà không nhận được thư chị.

Mắm cẩn thận lôi ra một hộp thiếc. Đó là tất cả những gì gọi là di vật của liệt sĩ Nguyễn Rừng Đước do đơn vị đưa về. Trong số đó có vài lá thư của Huyên, có nửa trái tim khắc chữ H làm bằng gỗ đước. Huyên lấy hai nửa trái tim ghép lại, nàng xin phép người em được đặt hai nửa trái tim lên bàn thờ Tarzan một cách trang trọng. Bên cạnh là bàn thờ má anh, trong ảnh, bà cười mãn nguyện. Chợt nhớ, Huyên quay ra hỏi:

- Em bây giờ sống sao, có một mình à, Mắm?

Mắm buồn buồn:

- Gia tộc nhà em đã đến hồi lụn bại hay sao rồi chị ơi. Đời cuối còn hai thằng con trai thì anh Đước hi sinh khi chưa kịp vợ con gì, còn em không thể có con, xét nghiệm người ta nói do ảnh hưởng chất độc da cam. Phải thôi, hồi trước khi má mang bầu em, Mỹ nó rải chất độc quá chừng chỗ rừng ba em đóng quân. Tội nghiệp con vợ em, sống với em mà cứ hư thai hoài, em biểu nó li dị, cho lấy chồng khác, giờ có hai con, vợ chồng nó mần ăn khá lắm ngoài chợ huyện á!

Nghe Mắm kể chuyện thật thà, lòng Huyên bỗng dậy lên niềm vui khôn tả. Nàng có cảm giác như được làm sứ mệnh rất thiêng liêng cho gia đình Tarzan. Hoài Lâm chính là đứa con nàng hoài thai với Tarzan trên chòi canh giữa rừng. Những ngày vượt biên lênh đênh trên biển, dù bị sóng nhồi chết đi sống lại, nhưng với sự giúp đỡ và cảm thông của cha mẹ nàng, cuối cùng Hoài Lâm vẫn được giữ gìn trọn vẹn và ra đời trên đất Mĩ. Hoài Lâm không biết nhiều về cha mình, nàng chỉ nói cho con biết rằng, con là kết quả mối tình đầu rất đẹp của mẹ. Về Việt Nam lần này, khi thăm lại rừng xưa, nàng sẽ kể cho con nghe tất cả về Tarzan Rừng Sác. Nhưng bây giờ, nàng biết chắc rằng, Hoài Lâm sẽ rất vui khi biết còn một tình thân sống chết với rừng như chú Mắm. Còn chú Mắm thì hớn hở khi được Huyên cho xem hình cháu: “Nó giống y đạn anh hai, chị hai à! Em mong gặp nó quá. Nhứt định chị với cháu phải ở lại đây với em vài ngày, để em mần con gà nấu cháo cúng tạ ơn ông bà đất đai cái đã, dòng họ Nguyễn Rừng nhà mình đã hết số đâu…”

“Dòng họ Nguyễn Rừng nhà mình”, Huyên nghe mà ấm áp cõi lòng, nàng cảm động muốn khóc. Thắp thêm trên bàn thờ Tarzan nén nhang, nàng thầm thì: “Anh ơi, em đã mang con về với anh đây, chúng mình lại như xưa nhé!” Chiều buông dần, ráng chiều vẫn rực rỡ trên sông Lòng Tàu như trước đó ba mươi năm…

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)