Giáo dục vùng cao, đời sống giáo viên vùng cao luôn là vấn đề lớn mà các cây bút quan tâm. Bởi những thầy cô ở đó đều là những người trẻ, có kiến thức và ôm hoài bão lớn, vì cuộc sống họ đến với vùng cao, nguyện đưa vai gánh chịu bao vất vả. Như phải sống cuộc sống biệt lập với những người không cùng dòng tộc, khí hậu khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, thiếu thốn đủ thứ: từ điện, nước, sóng điện thoại đến... tình cảm. Hơn thế nữa để được làm nghề các thầy cô còn phải vượt qua những luật tục, bất đồng ngôn ngữ, tâm lí đồng bào không thấy tầm quan trọng của sự học… để hòa đồng với cuộc sống bản địa, lấy được lòng tin, tạo ra niềm say mê đến trường của các em.
Là một người có nhiều năm công tác ở vùng cao, từng nhiều lần trèo đèo lội suối đến với các bản làng, các điểm trường biên giới xa xôi nên tôi hiểu, đồng cảm và ngưỡng mộ các thầy cô đứng chân dạy học ở đó. Họ ở không chỉ một hai năm, mà có khi cả phần đời còn lại. Một trong những người tôi ngưỡng mộ đã thành vợ, thành mẹ, thành bà của các con các cháu tôi. Rất nhiều gương thầy cô đã được tôi giới thiệu trên sách báo. Truyện ngắn Rừng thích đổ vàng cũng là tác phẩm nằm trong mạch nguồn cảm xúc này…
Nhà văn ĐOÀN HỮU NAM
*
* *
- Thằng Lẩu cũng đưa con về chuyến này đấy!
Câu nói vu vơ của người đứng bên ngoài bờ rào vuột qua Hiển như ông trăng vuột lên trời.
- Bố con thằng Lẩu về thì chỉ còn nước chắp tay lạy cô giáo thôi!
Nhát cuốc vun vào của một người khác tan nhanh như nhúm muối thả xuống suối Tả Hồ.
- Sáng mai cô giáo đi đón kẻ lạc đàn chứ?
Già bản gõ gõ cây gậy có cái đầu dê đen bóng vào hàng rào nói vọng vào. Thấy Hiển lặng yên, ông hắng giọng:
- Bố con kẻ kéo rào ngược dòng cũng về đấy, xã đưa danh sách rồi mà!
…
- Chuyện “răng đè nhầm lưỡi” cô giáo thả vào rừng đi. Cô có thương là thương con bé May, chứ thương gì thằng Lẩu.
Lẩu, Lẩu, Lẩu, anh Lẩu, bác Lẩu, ông Lẩu… người đã làm Hiển trồng nứa chờ măng; đã khiến Hiển phải đun cạn một nghìn hai trăm sáu mươi bảy ấm nước, hơn ba mét khối nước bốc thành hơi bay lên trời mà lòng dạ vẫn như giọt nước đậu trên lá khoai… Trời ơi! Hiển bức bối muốn hét lên, muốn đập vỡ một cái gì đó cho hả.
Chừng như hiểu được bức xúc đang cuộn trào trong Hiển, già bản không nói gì nữa, ông lầm lũi đi về phía rừng.
Chờ cho rừng vầu che khuất bóng người, Hiển sập mạnh cửa. Trong cái ô hình chữ nhật, buồng chẳng ra buồng, phòng chẳng ra phòng, cô thấy mình như con lửng chui vào giữa bụi đùm đũm, động cựa kiểu gì cũng hàng trăm mũi gai chọc vào da thịt. Ấm ức, tủi hổ, bầu trời trước bão, thùng thuốc súng đặt bên bếp lửa… tất cả hòa quyện, trào dâng đến nghẹt thở. Đã thế cái đài bán dẫn, vật duy nhất nối Hiển với thế giới bên ngoài lại lải nhải về nỗi khổ của người tự ý di cư. Hừ, cuối thế kỉ hai mươi rồi mà còn có kẻ như thời ăn lông ở lỗ, còn nghĩ đến chuyện đan rọ quẳng ra rừng cho thú to, thú nhỏ chui vào, ném hạt giống xuống đất là ung dung chờ ngày gặt hái. Điên, điên thật. Rác rưởi kéo theo chông chà, một kẻ đi làm khổ bao người ở… Mà thôi, mặc xác, gã về là việc của gã, bấn bíu gì mà phải day với dứt… Hiển bực bội khóa mồm cô phát thanh viên bằng một tiếng tạch khô khốc rồi lôi bình rượu bị bỏ quên ở gậm giường ra rót đầy cái cốc thủy tinh, từ từ chuyển lửa vào cái túi chứa thức ăn đang rỗng rễnh.
Hiển bắt đầu nghề dạy học ở Sín Chải giống như người thổi nước lạnh thành nước nóng. Sín Chải có nghĩa là làng mới. Cách đây mấy đời, do mưa dồn, bão đuổi, hoàn cảnh cùng cực, gần hai chục con người ở tận cái nơi mặt trời mọc dắt díu nhau về phía mặt trời lặn tìm đất ở. Những con người đau đáu khát vọng ấy vừa leo tới đỉnh đèo Gió đã ồ lên như nhặt được của trời cho. Trước mắt họ, trong lòng vòng vây núi non là cả một thung lũng với mươi quả đồi hình gọng vó trồi lên ngập trong màu xanh. Dòng suối tựa như vành khăn viền quanh thung lũng thu gom hết những dòng sữa chắt ra từ dãy Hòa Si, đổ vào cái bể đá khổng lồ phình ra ở cuối nguồn rồi nối tiếp cuộc hành trình bằng cách xuyên qua lòng núi. Đang mùa hanh hao mà gió từ bốn bề sườn núi rót xuống thung lũng ào ào như đổ thóc vào bồ. “Núi là cố định, là đường đi dĩ nhiên của Dương. Nước là thứ bất định, là đường đi dĩ nhiên của Âm. Trong tự nhiên, gặp gió thì tản, gặp nuớc thì tụ…”, cái thế đất tàng phong, đắc thủy, tụ khí (giữ gió, được nước, tụ sinh khí) này rất hiếm, có thể coi là cái gốc để sinh sôi, cái lưng cứng để tựa. Mọi người bàn nhau rồi quyết định lấy mảnh đất trời cho này làm cội rễ, lấy thung lũng, núi đồi nuôi ngày, nuôi tháng. Mấy chục năm lặc lè kéo đá ngược dốc, người Sín Chải gặt hái được rất nhiều nhưng mất mát cũng không ít. Trong vây hãm của nguyên sơ, khởi thủy, khắc làm, khắc ăn, khắc sinh sôi đốt đốt, hai tay vơ vào mồm thì đủ, thì thừa, nhưng hiểu biết thì như con kiến leo cành đào, con tắc kè quẩn quanh trong kẽ đá, bởi vậy nơi đây mới được mở một điểm trường; bởi vậy Hiển mới được làm một giáo viên cắm bản…
Minh họa: Hải Kiên
Ngày leo theo con dốc như sợi dây thừng ông giời thả loăng quăng nối Sin Chải với thế giới bên ngoài là ngày Hiển được nếm náp vinh quang của người quan trọng. Già bản, sau khi đọc xong lá thư nửa chữ Quốc ngữ, nửa chữ Mông của ông chủ tịch huyện là cầm tù và rúc lên từng hồi như tập hợp phường săn. Sau tiếng tù và là cuộc tụ họp già trẻ, gái trai trong ngôi nhà chính. Trong khi già bản trịnh trọng ghi dòng chữ Hoàng Thị Hiển nhập bản ngày… tháng… năm… thì ở bên ngoài bốn con dê đồng loạt be be từ tạ kiếp dê để biến vào kiếp giời, kiếp đất. Những ngày tiếp theo Hiển theo chân già bản đến từng nhà. Từng nhà đãi cô và già bản rượu, thịt, cơm nếp và những lời lẽ hào phóng. Con gà theo nhau tiếng gáy. Nhà nọ bắn được con nai, trước khi chia đều cho dân bản không ngần ngại móc quả tim, xẻo tảng thịt ngon treo lên vách: “Phần cô giáo”. Nhà kia có con lợn nái mất tích trong rừng hơn tháng bỗng dẫn đàn con lúc nhúc trở về: “Của giời cho, phần cô giáo một con”. Nhà khác nhân thể trồng chuối: “Trồng thêm cho cô giáo vài hốc, thêm mấy gốc chuối là thêm neo giữ cô giáo lại đất này…”.
Hiển tự nhiên giàu có. Hiển vui sướng, tự hào. Sáu tuổi làm đứa trẻ mồ côi; mười lăm năm sống trong thương hại và trách nhiệm nửa vời của ông chú bà thím, thời gian là dòng sông nửa sống nửa chết, cái mo nang úp sấp là Hiển trôi được là quý lắm rồi, mong mỏi gì quý mến, trân trọng.
Trái tim, nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn là hòn than vùi trong tro nóng, gặp củi khô, gió nổi, ngọn lửa bùng lên, Hiển rạo rực, náo nức, cô lên kế hoạch dạy sáng, dạy chiều, dạy đêm. Hình ảnh già trẻ, trai gái cả bản lúc ăn, lúc ngủ, lúc trong nhà, ngoài ruộng, chỗ nào cũng bàn đến chữ nghĩa, học hành, đến luồng gió mới làm đầu óc Hiển sôi lên. Bóng dáng một cô Hiển chững chạc lên lớp, chững chạc trước dân bản, chững chạc báo cáo điển hình làm Hiển suốt ngày như người lên đồng.
Ngọn lửa trong Hiển vừa bùng lên đã gặp ngọn gió từ dãy Hòa Si thổi cho tắt dúi dụi. Bọn trẻ Sín Chải từ lúc bập bẹ tiếng nả nả(1) đến lúc tự khoác bao dao vào rừng nào có biết gì, cần gì đến cái chữ. Cứ ngỡ họp nhau ở nhà chính là trốn được việc nhà, là được tụ tập đánh quay, chơi đu, múa khèn như trong ngày hội, ngờ đâu đến lớp vất vả chẳng khác gì lội ngược dòng suối mùa lũ. Chữ nghĩa vào đã khó như đánh vật, ra lại dễ như thả chim lên trời, sểnh một chút là chữ bay, người bay. Trẻ con đã vậy, người lớn còn khó chịu hơn. Làm người thì phải ăn, phải mặc, trời cho có mùa, có vụ, muốn có ngô lúa lên sàn, trâu ngựa vào chuồng thì phải bám vào giời, vào đất, con trẻ đến lớp cho vui, được lúc nào hay lúc ấy thì được, cả năm nhóng nhóng nhuốt nhuốt thì chỉ có sàn rỗng nồi treo vách thôi.
Lớp học của Hiển tan ngay trong tháng thứ hai. Hiển bàng hoàng, vỡ mộng. Trôi theo cái vỡ mộng là đám học trò lại cả ngày lầm lũi trên nương, dưới ruộng, lớp học là cái chợ quê lúc tan chiều, là cuộc sống của Sín Chải trở lại buổi khai sinh.
Buồn, buồn ghê gớm, ruột gan nẫu ra như mớ dưa ế. Loài gậm nhấm không được gậm nhấm thì răng dài ra mà chết. Ngày nào, sáng ra cũng luẩn quẩn ngóng mặt trời lên, chiều về cũng luẩn quẩn chờ mặt trời xuống, răng không dài thì đuôi cũng mọc, muốn tồn tại, muốn ngẩng mặt với giời thì phải làm một việc gì đó, dù có mang tiếng gà mái gáy gở cũng phải bay đến từng nóc nhà mà gáy.
Sau hơn ba tuần trăng lấy ngày thay đêm, lấy đêm thay ngày, Hiển quyết định làm con nước tự tìm lối chảy. Ngày ngày, Hiển lấp thời gian bằng cách vào rừng lấy về hàng đống nấm mối. Giống như rau dớn, rau má, hoa chuối rừng, nấm mối vốn là thứ trời cho người vùng rừng. Thứ nấm mọc như vãi gạo, ngọt như mì chính cánh này chỉ cần cho nửa rá vào chảo là cả nhà tha hồ xì xụp, là cả chõ mèn mén đi bay. Số nấm lấy về, Hiển lấy lá vả gói thành từng gói nhỏ rồi mang treo vào cửa từng nhà. Qua một ngày hì hụi mặt ngó đất, mông nhòm trời, về nhà thấy gói nấm là nhà nào, nhà nấy hớn hở xào nấu, là biết ơn nàng tiên hiện ra từ cái then cửa. Tối tối Hiển chống gậy đến từng bếp tỉ tê: “Ngày xưa người Mông được ông trời cho chữ. Có chữ, người Mông khắp bản gần đến bản xa, đâu đâu cũng có tiếng trẻ học bài, người già bàn luận thời cuộc, lí lẽ phải trái phân minh, bản trên, bản dưới yên ấm, ngoài ruộng, trên nương, lúa trĩu bông, ngô sai hạt, trâu bò từng đàn tự khắc đi, tự khắc về. Sự phồn vinh sung túc từ chữ, do chữ của người Mông, tộc người vốn bị ông trời đày ải lên tít lưng chừng núi đã chọc vào mắt lũ ác quỷ chuyên ghen ăn tức ở. Một ác quỷ rình lúc vua người Mông ngủ say đã sà xuống liếm tất cả các chữ trong lòng bàn tay vua rồi bay đi. Mất chữ, người Mông bị bịt mất lối ra con đường sáng, bản làng lại chìm trong sự tăm tối, ai ai cũng mặc cảm với sự thấp kém của mình. Vua tôi người Mông bàn nhau đi tìm lại chữ, biết bao người lên đường, biết bao người nằm lại trên đường mà lớp sau vẫn cứ tiếp bước lớp trước”(2). Con chữ nuôi con đường sáng cho người Mông là thế. Khát vọng có chữ của người Mông là thế. Chẳng lẽ người Mông Sín Chải khác người Mông các nơi? Chẳng lẽ vì trót đánh rơi con chữ bên kia dãy núi mà người Mông nơi đây chịu thấp kém hơn người Mông nơi khác?
Những giọt nước từ vách đá rỉ rả rỏ đêm rỏ ngày cuối cùng cũng thành đường, thành rãnh. Đến lúc hạt thóc gối nhau trong bồ, trâu ngựa phởn phơ trong rừng đã có mươi đứa trẻ lác đác tới lớp. Lòng Hiển như cái cối mùa mưa, vui đến năm mùa không hết xuân. Cô lên lớp bằng giáo án, bằng tấm lòng, bằng ý chí của người leo núi. Niềm vui như con suối cộng nhiều lạch nước, hoa chưa nở, cây chưa thành, song mớ kiến thức ít ỏi cùng ngọn lửa trong Hiển chưa đến nỗi thành gói muối quẳng lên gác bếp.
*
* *
Cơn say như thỏi thép rút ra từ trong lò. Hiển lững thững đi về phía bờ vụng. Trời yên, gió lặng, không khí đặc quánh, bên bết. Nắng xế loe hoe như kẻ nghiện biết mình đang sức tàn lực kiệt giật mình lóe nốt đôi sợi lương tri còn sót sau quãng đời hoan lạc. Mùa tàn phai, cây cối đã dồn cả mỡ màng, sinh nở vào dòng nhựa âm thầm, song những bụi đùm đũm vẫn vồng lên khoe khoang sự sung mãn. Từng chùm quả chín màu vàng rộm ken lẫn màu xanh no đủ khiến dọc hai bờ khe ngờm ngợp một rẻo xôi nhiều màu trộn khéo.
Vụng nước tắm trong ánh chiều tà. Trong tĩnh lặng, màn sáng lung linh kì ảo nhảy nhót trong làn sóng lăn tăn như mời, như gọi. Lần nào cũng vậy, cứ ra đến bãi cát bờ vụng là Hiển lại mụ mị vì làn nước trong veo, vì âm hưởng ngọt ngào của dòng thác rót xuống hang như rót vào cái sừng trâu không đáy. Kể cũng lạ, từ ngày lên đây, được nhấm nháp thứ rượu mở nút là mùi thơm tỏa ra ngây ngất, cho vài giọt chảy qua cuống họng là người ngợm rừng rực như đang nắm bàn tay người khác giới, Hiển đâm nghiện, mọi thứ từ thiên nhiên tác động đến cơ thể cô đều cảm thấy có hương rượu. Cơn gió mang hơi hướng của hoa rừng nhè nhẹ trườn lên từ lòng suối mang hơi rượu. Làn nước ướp trong cái bể đá khổng lồ ngọt như rượu ủ trong hang đá. Những sợi nắng màu mật rót, ánh trăng tãi trong đêm… tất cả như được ướp trong rượu. Cái thú được tẩm trong hương rượu thiên nhiên đã giúp Hiển khỏe khoắn, vợi bớt những cô đơn, mất mát, thiếu thốn, hướng cô vào niềm khao khát êm đềm mỗi ngày cô tự xây lên rồi lại tự đạp đổ.
Hiển nhìn mặt vụng như nhìn chốn dung thân rồi từ từ lột bỏ quần áo, nhẹ nhàng bước xuống mặt nước. Từng quầng sáng vỡ ra theo bước chân. Ngọt ngào, dịu mát thấm dần vào từng mao mạch làm cho cơ thể Hiển nóng dần lên như đang nhấp rượu. Da trắng, tóc dài, khuôn mặt bầu bĩnh, má lúm đồng tiền, vẻ tự tin, báu vật còn lại của mẹ cha ngời lên trong làn nước trong vắt. Tự nhiên Hiển lại nghĩ đến Lẩu (lại Lẩu. Ý nghĩ về Lẩu làm cho Hiển thành con vích ngu đần, càng kéo ra nó lại càng đi ngược vào trong cô).
Đã có một lần Hiển suýt dâng mâm cỗ còn nguyên vẹn cho Lẩu. Trưa ấy Hiển đi thăm một học sinh ốm về, run rủi thế nào lại gặp Lẩu cùng đường. Dọc đường hai người như hai con ốc sên bò ngược dốc. Đến chỗ tảng đá phẳng, rộng như gian nhà dưới gốc cây sấu, Lẩu buột miệng: “Ở chỗ này uống rượu không say đâu!” Hiển phì cười: “Giời đất chỗ nào chẳng như nhau mà chỗ này say, chỗ kia không say”. Lẩu phân bua: “Tôi nói thật đấy, người già bảo chỗ này là chỗ nghỉ của các thần linh đi tuần, người uống rượu, thần linh cũng vui chung nên không say”. “Vậy hôm nào ta xách cân thịt, ống rượu lên đây uống chung, rượu làm người say thì anh mất cái gì?” - Hiển tinh nghịch hỏi. Lẩu luống cuống, lắp bắp: “Tôi… tôi mất con trâu… Không, nhà tôi có cái gì cho cô giáo lấy cái ấy.” - Chợt Lẩu hạ gùi xuống: “Tôi vừa bên ông cái May về, có rượu, có thịt đây, cô giáo có theo tôi thử không?” Vừa qua quãng đường quá “hai con dao quăng”, cái chân đang muốn nghỉ, cái bụng đang đòi ăn, Hiển vui vẻ nhận lời, hai người vào chỗ tảng đá hì hụi kê bếp, gom củi nướng thịt. Vừa làm Hiển vừa cười thầm về sự mạo hiểm của mình.
Thịt chín, xôi, rượu bày ra. Mặc cho Hiển nhỏ nhẻ nắm xôi, xé thịt, Lẩu điềm nhiên uống. Những bát vầu rượu cứ thủng thẳng rót vào cuống họng Lẩu như rót nước. Hiển cười phá lên. Rượu trong ống là nước, nhưng vào cuống họng là lửa. Lửa mà càng thổi càng tắt thế kia là không bình thường rồi. Đã thế ta cùng vui với hắn xem giời đất ra sao.
Hiển đỡ ống rượu từ tay Lẩu rồi chui đầu vào cuộc chơi. Một bát, hai bát, ba bát, rồi bốn bát… Người Mông nói: “Uống rượu: một bát là người, hai bát là ngựa, ba bát là lợn”, đằng này càng uống càng người, càng chống chếnh như cái túi nước treo ở lưng chưng giời, thế có buồn, có bực không.
Hiển uống. Lẩu uống. Uống đến khi ống rượu rỗng không lăn long lóc xuống chân dốc, tảng thịt nướng khét lẹt trên bếp thì giời say, đất say. Hiển mỉm cười nhìn những ngọn núi vồng lên giữ chân những đám mây lang thang rồi thiếp đi trong mãn nguyện.
Lần ấy Lẩu không “ăn cỗ”, Hiển không lấy của nả của Lẩu, song số phận lại bắt Hiển gắn vào nhà Lẩu như ké dính bờm ngựa. Một buổi (lại một buổi) Hiển trên đường thăm học sinh về. Cô đang vừa đi vừa vơ vẩn với giời, với đất thì bị một toán người từ bụi rậm xô ra giữ lấy. Hiển sợ tái mặt, lưỡi líu, song những người kia chỉ cái cầu tượng trưng bằng tre dưới chân cô nói giọng thân thiện:
- Khôông sơợ, khôông sơợ, mình nhờ làm việc tốt thôi mà!
- Anh ấy nói đúng đấy cô giáo ạ. Nhà Lẩu có con bị ốm nặng, thầy cúng bảo phải có mẹ nuôi mới khỏi. Cô giáo đã bước qua cầu này thì đúng là giời cho cô làm mẹ nuôi cháu rồi, cô phải về nhận con thôi!
Hiển còn đang e ngại thì mọi người đã kéo cô về nhà Lẩu. Vừa nhìn thấy con bé May nằm sốt rung giường, Hiển giật mình, cô chạy vội về nhà lấy thuốc sốt rét, thuốc bổ mang sang rồi thuyết phục mọi người cho mình chữa bệnh.
Con bệnh rời bé May, mọi người mừng rỡ, phục thầy, mến yêu cô giáo. Ông trưởng họ Thào tuyên bố Hiển không đẻ ra bé May nhưng làm cho bé May sống lại, theo phong tục, từ nay Hiển là con gà mái che chở cho đứa bé mồ côi mồ cút. Sau lời tuyên bố là lợn gà hóa kiếp, là buộc chỉ cổ tay, là lễ lạy bàn thờ. Lúc đầu Hiển ngỡ ngàng, e ngại, sau bản năng, phận sự cuốn Hiển đi như cây nứa trôi trên con suối mùa lũ. Người Mông coi phụ nữ là cái then cài cửa. Vợ mất, không có then cài, nhà Lẩu tuềnh toàng, cẩu thả, gà lợn ỉa vào tận cửa; thóc ngô đầy sàn nhưng quanh nhà bói không ra một cây rau, quả ớt; mâm cơm dọn ra, bữa thịt gà xé ê răng, bữa chỏng lỏn bát muối ớt. Khi đám học trò trở lại cắp sách đến trường, nhìn đứa bé mặt mũi nhom nhem, thân hình còi cọc thập thò trước cửa lớp, Hiển đã xa xót, day dứt như chính mình bỏ rơi đứa con rứt ruột. Giờ được làm mẹ, cô càng thấy mình phải gắng bù đắp cho nó. Trời chớm lạnh thấy May phong phanh áo váy sờn bạc, có chỗ hở cả da thịt, cô lấy quần áo cũ cắt cắt, khâu khâu cả tuần để bé có bộ quần áo tung tăng tới lớp. Ngang qua, thấy May ngồi trên cối xay trệu trạo nhai mèn mén trộn nước lã, cô về nhà nhổ cả ôm rau cải, bê cả lọ mì chính, lọ mỡ sang tiếp tế. Rồi cô bắt cóc rang ruốc bồi bổ, chữa còi xương, lấy lá chữa sài đẹn cho bé, bắt Lẩu rào vườn trồng rau… Khi được làm mẹ, người phụ nữ có một núi công việc để vui, có một núi công việc để làm.
*
* *
Ở nơi ẩn nấp, loài ăn đêm đang sửa soạn lấy ngày thay đêm.
Trên mặt đất, loài ăn ngày đang bắt đầu cuộc kiếm tìm, rượt đuổi.
Lại thêm một đêm nữa góp vào cái thúng đêm đầy lè lè mà dẫu có lắc đi lắc lại nó vẫn chênh vênh nửa đi, nửa ở.
Chuẩn bị bước vào một ngày phải đốt nóng những cái cần nguội, làm nguội những cái cần nóng. Bổn phận; gần xa; thuận tai; thuận mắt, nhập nhòa, Hiển làm vài động tác lấy lại thăng bằng cơ thể rồi chuẩn bị đi đón kẻ lạc đường. “Nghìn người cùng mặt, vạn cây cùng vỏ”, cô không thể khác dân bản trong lúc này được.
Vừa nhìn thấy cái dáng tiều tụy, ngơ ngác của bé May lòng Hiển đã trào lên xót thương, căm giận. Cô bứt khỏi đám người lố nhố, chạy xuống núi như ngựa lồng. Đến bờ vụng, Hiển ào vào dòng nước, sục xuống tận đáy, quẫy đạp, vọt lên, ngụp xuống, rã rời.
Hiển về đến nhà thì bố con Lẩu đã đứng trước cửa tự lúc nào. Thấy Hiển, cả hai vội quỳ mọp xuống. Hiển giật mình, vội chạy lại đỡ Lẩu:
- Sao lại thế này?… Sao lại thế này?
Lẩu lắp bắp:
- Tôi có tội. Tôi theo người ta, tưởng trốn được người, trốn được mình, ngờ đâu… Tôi khổ quá rồi cô giáo ơi!
Hiển dằn lòng lại:
- Có gì thì vào trong nhà bày lên bàn đi, làm thế này cây đổ, người đổ đấy!
Lẩu lùi lũi dắt con vào trong nhà.
Hiển hạ hỏa hai bố con bằng những cốc nước chắt từ dãy núi Hòa Si. Qua câu chuyện bập bõm, cô giật mình. Thì ra Lẩu ra đi không chỉ từ cái bánh vẽ của ngọn gió đen từ bên kia dãy núi thổi vào. Thì ra Lẩu cũng “đốt lửa nóng vách”. Thì ra nỗi khao khát được cùng Hiển chung một mái nhà không phơi bày ra được khiến người ngợm Lẩu cả năm giời bị vùi mình trong đống thóc chưa rê. Thì ra vào “vùng đất hứa”, bé May không quen thung thổ, nhớ quê, nhớ mẹ nuôi quặt quẹo như cây tre non bứng khỏi hốc đá…
Sau giây phút xúc động ban đầu, những lời bộc bạch thô vụng của Lẩu rót vào Hiển như rót vào cái ao no nước. Những ngày trùm chăn chờ đợi; những đêm vật vã thân xác; những lúc cào cấu cho nỗi đau nhục thể trùm lên cơn khát; những khi đêm ngày bàn giao nhau là cả hạnh phúc tưởng như sờ thấy được, ôm lấy được tan như giọt sương cả đêm giời tích tụ… tất cả hiện lên rõ ràng, chồng chéo, hỗn độn khiến cho Hiển không còn biết mình nên vui hay buồn nữa, tiếng thở dài vô cảm buột ra:
- Anh nói vậy, tôi biết vậy. Chuyện ruộng nương chắc anh biết rồi, còn nhà cửa, vườn tược… Già bản bảo: “Cáo chết ba năm quay đầu về núi…”. Tôi không tin chuyện đó, nhưng cố giữ cho đẹp lòng già. Chìa khóa nhà đây, mong anh đừng thêm lần nữa ném nó xuống vực thuồng luồng.
Lẩu thở hắt ra như lời trăng trối của một tội đồ:
- Tôi biết, mất mùa mất một vụ, mất lòng người mất cả đời, tôi gieo gì phải gặt nấy thôi, chào cô giáo, bố con tôi về.
Nhìn cái dáng một cây một cọc lủi thủi trên con đường mòn, Hiển nao lòng, cô vơ vội cái chăn sợi, tất tả chạy theo, dúi vào tay Lẩu:
- Cữ này rừng thích đổ vàng, sắp sang đông rồi đấy, anh nhớ chăm con bé cẩn thận!
Lẩu tần ngần nắm lấy tay Hiển. Anh hiểu, cũng như mọi năm, mặc kệ những cơn bão lồng lộn dọc ngang, mặc kệ những tia nắng mặt trời rang khô mặt đất, sau cữ xá tội vong nhân những cái lá màu xanh sẫm của cây thích từ từ đổi sang màu vàng úa, để rồi cả cánh rừng bạt ngàn trên sườn núi Hòa Si đổ vàng như được khoác một tấm thảm khổng lồ. Cô giáo ơi, sắp đến mùa gặt hái rồi mà tôi vẫn trắng tay, nhưng cô ơi, con chữ mất đi, con chữ tìm lại, lòng tin mất đi, lòng tin tìm lại, tất cả đều do con người, từ con người. Sau bão giông trong xanh sẽ trở lại bầu trời, tôi, bé May, những người lạc đường trở về sẽ làm cho mọi người không phải rầu lòng bỏ cỏ. Và biết đâu, nhờ giời, tôi, cô và bé May sẽ được cùng ăn chung một nồi, sưởi chung một bếp. Ntù ơi!(3)
Đ.H.N
-------
1. Mẹ mẹ (tiếng Mông).
2. Lược truyện Người Mông tìm chữ (truyện cổ Mông).
3. Trời ơi! (tiếng Mông).
VNQD