Mật gấu

Chủ Nhật, 17/04/2022 00:26

. TRẦN NGUYÊN MỸ
 

Lão ôm hai tay đầy rau đắng, bát mật ong, tảng thịt bò… mở khóa chui chuồng sắt, vuốt ve bụng bạn gấu dỗ dành: “Gấu cưng ăn đi, mày ăn gan trời tao chẳng tiếc. Cứ tràn trề sinh khí để còn nuôi nhau”. Con gấu ngựa ngồi cao gần đầu lão, khi đứng chỉ ngang vú, gầm gừ trong họng tớp sạch đồ ăn, đôi mắt nhấp nháy chực nói: “Ngon ngon, cảm ơn…”. Lão tâng tẩng luồn ra khỏi chuồng rồi bập khóa. Tiếng tách khô khốc làm lão giật mình tỉnh giấc, thì ra lão mơ.

Minh họa: Lê Anh Vân

Nơi lão sống gọi là miền núi nhưng toàn dân góp, từ xuôi lên. Một ốc đảo miền xuôi thu hẹp giữa miền rừng Tây Bắc diệu vợi. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, nhà nước lập lên những lâm trường với hàng trăm, hàng ngàn người. Họ là những lớp thanh niên mặc áo xanh tình nguyện từ đồng lên rừng phát triển kinh tế và giữ biên ải. Nơi lão làm việc ngoài cổng treo biển lớn: “Lâm trường Cánh kiến đỏ”. Những đồi cằn, rừng tạp được thay dần bằng rừng cây chủ cánh kiến điệp trùng phủ kín một vùng núi hoang vu. Sản phẩm thu về là cánh kiến phơi khô, nhập kho cho lên xe tải chuyển về xuôi. Nghe lãnh đạo nông trường phổ biến cánh kiến có giá cao, xuất khẩu sang Liên Xô, Cu Ba... làm nguyên liệu công nghiệp có chất cách điện sản xuất máy bay, tên lửa… còn dân cư trong vùng trước đấy chỉ biết lấy cánh kiến cho vào chuôi dao, chuôi liềm thì tuyệt cú mèo, chắc như đinh; pha vào cồn đánh véc ni thì vàng óng soi gương được. Vào bên trong lâm trường chẳng khác gì trại lính: mái lá sạp tre dài làm giường, nghe kẻng gọi ăn cơm, đi họp đi làm. Lán trại nào cũng có cày cuốc dao liềm và có cả súng ống, chỉ thiếu tiếng trẻ con. Họ cũng phiên chế các tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn hẳn hoi. Cứ ba tháng một lần họ tập quân sự, ném lựu đạn, bắn đạn thật đì đòm…

Chiến tranh qua đi, lớp người xung phong áo xanh trở về làm nông dân với nghề truyền thống là ruộng nương. Những đồi cánh kiến cạo đến đỉnh lúc này được thay bằng nương sắn, ngô, lúa và đỗ tương. Màu của cây lương thực lên ngôi ngấm vào cái dạ dày đã nghe ấm áp hơn. Xóa bao cấp, không cấm chợ ngăn sông, sản xuất bung ra làm ăn đổi mới. Ngọn gió trong lành trăm nhà đua nhau làm ăn. Cây lương thực lại được thay dần bằng loại cây ăn trái. Phận cây thay đổi, con người còn nhạy hơn. Cái cổng lâm trường cánh kiến dỡ xuống, cùng các đội này đoàn kia cũng đi vào cuốn lịch sử địa phương.

Gần nửa thế kỉ lập nghiệp, sinh con đẻ cái vùng đất chướng khí sáng dần ra trở thành thị tứ. Đồng rừng đất rộng người thưa, sơ bộ tổng điều tra dân số thị tứ chưa đến năm trăm người. Cũng là thị nhưng buồn như bọ chó cắn. Lão tặc lưỡi sinh ra trên đời ai chọn được bố mẹ, lớn lên ai chọn được quê hương, nếu được chọn thì lão chọn con quan, nhà tạo. Chọn quê thì thủ đô, Pháp hay Mĩ mà định cư… Thôi đành vậy, thị tứ rừng xanh và yên bình, lão khoe với cố hương là nơi rất đáng sống. Những mái nhà sàn xen lẫn nhà đất tường trình thấp thoáng xa gần, khuất trong mây bay và nương rẫy xanh um đượm màu cổ tích. Chiều về nghe bản nhạc rừng, lợn, dê, bò kêu át cả tiếng người. Mỗi hộ trấn một quả đồi, nhà nào biết nhà ấy, chín người mười làng nếu ai trồng thuốc phiện trong vườn cũng khó biết… Nhoáng một cái đã hơn bốn mươi năm trên đồng rừng. Cậu thanh niên học xong lớp bảy mặt non tơ, mặc áo xanh xung phong trở thành ông già sơn cước. Tính sổ bảo hiểm nghỉ chế độ, từ thời xung phong cộng với hơn hai mươi năm chuyển sang làm cán bộ địa phương, lão đủ điều kiện hạ cánh an toàn. Về hưu lão làm gì? Vào bản uống rượu say khướt tối ngày với da trâu phơi gác bếp mà dân bản gọi là kẹo cao su; hay đến nhà ông y tá già đánh cờ vồ với đám hưu non. Lão không chơi. Lão nghĩ khác, làm khác. Phận người ai cũng phải làm việc, không nhúc nhắc chân tay hay động não thì chết non hơn sống già. Phải có cách gì để cho bổ thần kinh, bổ tâm và có cái gì mà đếm. Cuộc toan tính của lão quá căng nhưng không sao, đáp số đến sau một tuần mất ăn mất ngủ.

Minh họa: Lê Anh Vân

Gần nhà xa ngõ, gọi là nước Lào nhưng chỉ cách một đường biên. Biên giới trong bản đồ chứ không nằm trong tim lão. Lão nhớ đến ông bạn kết nghĩa người Lào bên kia biên giới, cách nhà vài giờ đi bộ. Hai người vẫn năng đi, khi thì sang Lào uống rượu Chăm pa, khi thì về Việt uống rượu nút lõi ngô say xỉn gác chân lên cổ nhau mà ngáy. Căn nguyên tình bạn là đây, lão nhớ như in. Cũng là thời lão mới lên Tây tiến, ta có chủ trương giúp huyện Mường Ét đào mương dẫn nước từ đất Việt sang Lào. Tinh thần giúp bạn là giúp mình, hai huyện Sông Mã, Mường Ét núi liền núi, bản liền bản của hai quốc gia cùng ra quân huy động hàng ngàn ngày công đào đắp. Công trình đào mương nhưng thực chất là khoét núi đục đá dài hơn mười cây số. Cờ đỏ sao vàng quấn cờ hình tròn màu trắng lấp lóa. Tiếng mìn phá đá vang động vùng biên. Những áo chàm, áo nâu lẫn áo xanh xung phong lấm lem bùn đất vật lộn với xà beng, cuốc xẻng bắt nước chảy ngược về Thượng Lào. Lâm trường của lão cũng ra quân đào mương đợt đầu. Lán trại hai bên Sông Mã, Mường Ét san sát bên nhau, đến bữa cùng nghe theo kẻng ăn xôi. Tiếng Việt, Lào ríu rít như chim. Được mấy hôm lão có bạn mới, bạn lão là người Lào nói tiếng Việt khỏi chê. Một hôm bạn Lào tìm lão rủ rê:

- Đến với người Lào thì phải ăn mắm ngóe, tối đi tán gái Lào với tao, có nàng lưng eo, vú nhọn ngon lắm.

Lão thích, nhưng còn sợ:

- Bập vào gái có chồng thì ăn dao quắm, biết cô nào chưa chồng mà cưa kéo, tao ở đồng lên núi tiếng tăm chưa biết.

Bạn lão mách:

- Cứ thấy gái chưa tẳng cẩu là gái trinh, chiều xuống suối tao gặp nàng thả tóc mướt như mây, ghẹo vài câu mặt đã đỏ như lửa, quăng chài chắc được ăn. Tao bảo cho.

Hồi đó lão mười tám trẻ tơ, nghe thế sướng cứng người, ừ luôn. Tí táy tí mẻ được vài hôm đội trưởng bên Lào đeo xà cột đến lán Việt gặp đội trưởng công trình, gọi lão và bạn lão viết bản tường trình vì tội lão dám chọc ghẹo gái ngoại quốc có gia đình. Lão chết cứng. Hóa ra, đối tượng này có chồng bộ đội Pa Thét, thả tóc vì người Lào không có tục tẳng cẩu như phụ nữ Thái. Ông bạn Lào phải đứng lên xin lỗi và cùng lão chung nộp một yến rượu, một yến nếp, một yến lợn để cúng ma việc mới xuôi. Phận rủi nên duyên, sau vụ đó lão kết nghĩa với ông bạn Lào đến bây giờ vẫn khăng khít.

Nuôi quân ba năm dùng một ngày, với lão đến ba mươi năm mới dụng quân. Lão mời bạn Lào đến uống rượu ăn mừng nghỉ hưu non và đề nghị giúp đỡ. Bạn kết nghĩa gật đầu. Ba ngày sau chú gấu ngựa to như con bò lai nhốt trong nhà bạn Lào đã nhập tịch chui sang Việt Nam, nằm ngon lành trong chuồng sắt nhà lão, kèm theo quyển sổ chép tay dây đầy mật gấu cứng queo, ghi nguệch ngoạc mấy dòng cách chăm sóc khai thác gấu.

Có gấu lão vui như mơ, có hôm mơ cả ban ngày. Cứ cơm rượu xong là lão ra chuồng gấu, qua song sắt lúc quả chuối lúc cái kẹo lão nhú nhứ không thôi. Lão yêu gấu hơn vợ, mụ vợ già mãn kinh hay nói dai, con cái thì đi làm ăn tận Hà Nội. Ngày lên chức bà nội, vợ về thủ đô trông cháu nên lão có thú vui nào khác ngoài bạn gấu. Lão chăm chút gấu rất thành tâm, cho ăn thịt bò tươi, uống sữa Mộc Châu, tắm mát, lau li chuồng trại. Tính ra chi phí vụ này cũng khối tiền, nhưng tiền không phải tất cả, có gấu làm bạn hiền, lại đẻ ra tiền làm lão mê mẩn. Thiên hạ nghỉ hưu là hết vị nhưng lão thì mở ra nghề mới hốt bạc. Nghĩ vậy lão phục tài mình lắm, phong cho mình thông minh đột biến.

Vừa lúc, có tiếng còi ô tô ngoài ngõ kéo lão về mặt đất. Nhòm ra thấy một người khó đoán tuổi nhưng có lẽ thua tuổi lão, mặt trắng lằn vết sẹo tím trước trán, đội mũ phớt, mặc đồ bò xám bước tới sát chuồng gấu. Khách lạ, lão chưa biết chào thế nào, thì khách chỉ vào chuồng gấu nhăn nhở:

- Biết ông mua được gấu quý, tôi đến chúc mừng ông!

Lão bối rối, trong nhà chưa tỏ người ngõ đã tường, lão đánh trống lảng:

- Ấy chết, chuồng trại bẩn thỉu, mời chú vào nhà.

Khách nói bô bô:

- Không sợ gì đâu, vùng này chưa có ai đi tù vì nuôi nhốt gấu - Nhìn con gấu lừng lững lông mượt đen như đồng hun, mắt khách sáng lên nói tiếp - Tôi đánh xe xuyên đêm từ Hà Nội lên vì con gấu này.

Lão hấp tấp:

- Sao biết, con gấu thì có việc gì đến chú?

Ông khách thản nhiên:

- Tôi là người đi sau, thua ông. Tôi săn con gấu ngựa cả tháng trời nhưng không kịp. Thiên thời địa lợi nhân hòa đều thuộc về ông. Ông sang Lào chỉ mươi cây số, tôi thì mất nửa ngàn cây, lại thủ tục nhập cảnh phiền phức. Tiếc quá, người của tôi cử đến thì con gấu đã bán cho ông. Tôi không trách ai, chỉ đề nghị ông một việc...

Lão vừa mừng vừa tức, mừng vì đi trước một bước làm nên đại sự, tức vì ông khách đang đặt bẫy cài mưu gì đây:

- Chú nói đi.

Ông khách trả lời:

- Đồng thuận thì cả hai đều vui. Tiền tươi thóc thật. Một cây vàng ông mua gấu hôm trước, nay tôi trả gấp đôi. Gật đầu đi, ngon hơn buôn ma túy.

Lão bắt đầu run, nhưng cố hãm. Thằng cha này là tình báo kinh tế hay sao mà biết rõ giá ông mua. Đúng là đồng tiền đi trước đồng tiền khôn, lãi gì bằng. Cả đời buôn sắn chỉ có một trăm thế mà… hay là bán quách gấu luôn, rồi tậu con khác, trong một đêm ăn ra cây vàng. Món tiền dư dật dưỡng già chưa hết. Lão là thổ công rách trời rơi xuống, có sỏi trong óc đừng hòng nhằn được ông. Chắc nó định bịp ông ăn đầu người. Mang tiếng rừng rú chứ mua được gấu Lào về khó khăn, biên phòng tóm được thì… Lẩm nhẩm trong đầu mấy giây, lão nghiến răng nhấn từng câu như dao cạo tinh nứa:

- Không được, tôi không bán. Hai cây chứ mười cây tôi cũng không bán, tôi mê chơi gấu chứ không phải mê tiền. Nó là vô giá!

Ông khách cười nhạt như bò hắt hơi, quay đầu xe còn nói:

- Lạ quá, trâu tơ chê mạ non, chỉ sợ hối không kịp.

Mươi ngày sau. Đúng hẹn ông bạn kết nghĩa Lào đến nhà. Uống nước xong, hai người mặc đồ bảo hiểm đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, tiến vào chuồng gấu ngăn cách tấm lưới B40. Lão mừng hấp hởi, vụ thu hoạch đầu mùa đây. Chú gấu vẫn vô tư, ve vẩy tai thân thiện. Sát nách lão là người bạn Lào mặt lạnh khô không lộ cảm xúc gì. Bỗng người bạn khom lưng tay cầm xi lanh chứa thuốc mê, nhanh như điện cắm phập vào bàn chân sau của gấu. Cũng rất nhanh chú gấu to lớn lừ đừ hực một tiếng, đổ ập xuống như người đuối nước. Lão thất kinh. Bạn Lào nói, đừng sợ, mười lăm phút sau gấu tỉnh thôi. Hai người chui nhanh vào chuồng, vạch túm lông dày đen như đồng hun dưới bụng của gấu, một vết thương hở tím tái có ống thông bé hin hin, mùi khăm khẳm. Bạn Lào chỉ tay vào nói rành mạch:

- Đây là kim luồn, dây chuyền từ ống mật chủ dẫn ra ngoài da để hút. Muốn đặt kim luồn phải thuê bác sĩ thú y cao tay tiêm thuốc mê, làm phẫu thuật đặt kim nối ống thông. Đến ngày chỉ cần gây mê vạch ống thông cho xi lanh mà hút. Còn một cách hút mật nữa. Nhưng vùng cao không làm được, đến kì thuê bác sĩ dưới xuôi mang máy móc gây tê, siêu âm hút chích. Chi phí mất cả chỉ vàng.

Đang say chuyên môn, hai tay cầm đồ nghề, ông bạn nháy mắt với lão bảo cho tôi một hơi. Lão móc thuốc lá châm lửa đút tận môi, bạn bập bập mấy hơi rồi nhả thuốc. Thành thạo thay xi lanh mới to gần bằng bắp ngô có mũi tiêm dài nửa gang, tay cạy nút đút vào ống thông, rút ra một thứ nước xanh rờn vàng ỏng và nóng rẫy. Hai người rảo bước ra khỏi chuồng, một tiếng tách khô khốc, cửa khóa. Vừa lúc chú gấu hồi dần, đôi mắt ngơ ngác chuyển sang màu lửa, lóe lên như hằn thù ai. Nó thở hồng hộc, ngoác mồm gầm lên mấy tiếng. Hết lo cho gấu, lão quay ra nhìn chằm chằm vào cái xi lanh to hỏi:

- Bao nhiêu?

- Ba trăm xê xê bí mí(1) tươi, chất lượng cao còn bốc khói. Hàng độc sướng chưa.

- Sướng. Bao nhiều tiền một xê xê?

- Vừa bán vừa kỉ niệm một xê xê là một trăm ngàn rưỡi tiền Việt, tổng tiền ba trăm xê xê gần năm mươi triệu đồng. Một năm chích hút hai đến ba lần thu về hơn trăm triệu. Một con gấu khai thác hai mươi năm. Lãi ròng chóng mặt, giết người cũng chẳng được nhiều tiền như thế - Ông bạn Lào nhìn soi vào mắt lão cũng đang lấp lánh vì tiền.

- Để tôi xem nào - Lão vồ lấy cái xi lanh, rút tiêm bơm ra, phun vào mồm một ngụm nhấm nháp mặt rạng ngời - Bí mí tươi sống uống quên đời, đến già mới được hưởng. Chẳng trách bọn phìa tạo ngày xưa uống rượu mật gấu ông nào cũng vợ hai vợ ba là phải. Mời ông làm một tí!

Ông bạn kết nghĩa khẽ khàng từ chối. Ừ ông này uống mật gấu như nước mó, thòm thèm gì. Chính con gấu này cũng là ông ấy nuôi, mấy tháng một lần vật ra mà hút mật. Còn lão từ ngày lọt lòng mới nếm. Ui chao! Ai bảo mật gấu đắng, cái đắng ngọt ngào ngấm tận gan tận óc. Vừa nâng cao sức khoẻ tuổi già vừa hái tiền. Mỏ vàng trong chuồng gấu nhà lão chứ đâu xa, suýt tí nữa mình bán gấu cho thằng cha đại gia Hà Nội. Lương hưu nhòm nhèm gì so với gặt hái mật gấu tươi. Bảo hiểm trả lương hưu, gấu rừng cho mật lão tha hồ phong lưu. Thế mới biết chẳng có gì là muộn cả, đến hưu đời lão mở ra chân trời mới.

*

*        *

Nhà sang thì cổng rộng, lão đã xây một cái cổng hoành tráng đẹp chẳng khác gì cổng chào cửa khẩu. Cái cổng đã to lại đặc biệt. Cổng sắt mạ đồng vàng chóe. Nội bất xuất ngoại bất nhập, tiếng chuông kính coong làm dân bản đi qua giật mình thon thót. Âm thanh sắc và lạnh nhưng ngăn cách thế giới bên ngoài với bên trong. Cổng đồng bịt kín chỉ thừa ra một lỗ bằng bàn tay. Ai đến bấm chuông, gọi chả thưa. Nếu không vào được thì giao dịch qua lỗ nhỏ tí hin. Rắc rối và mờ ám quá, dân bản không quen, thưa dần rồi ít đến, có việc cần mới gọi lão oang oang từ đồi.

Khách trong bản, trong thị tứ thưa dần, mà đúng ra dân bản không thèm đến nhà lão nữa, họ lánh xa cái cổng đồng như thuốc diệt cỏ. Dân bản không đến, lão cũng không mời. Lão có bạn gấu ngựa rồi. Đã có nhiều khách không mời mà đến, người xa kẻ gần đều có cả. Khách đến nhà lão đều giống nhau: là người ốm nặng, có người thập tử nhất sinh, thoáng nhìn màu da thì biết.

Mùa xuân khí trời mát mẻ, lộc lá phơi phới đầy rừng, lòng lão như trẻ lại, đặc biệt gấu ngựa cũng phởn phơ hứng tình. Cả ngày gấu lồng lộn trong chuồng, có lúc nghiến răng kèn kẹt, lúc lại dùng tay rung lắc dữ dội như muốn phá tan chuồng trại, lúc lại nằm im mắt nhắm tịt, thở hắt ra như sắp chết... Nghe tiếng thanh sắt chói tai, tưởng bạn gấu đang đói, hai tay lão ôm đầy rau đắng, tảng thịt bò tươi mở khóa cho gấu ăn. Nhưng lạ thay nó không đụng răng. Động cỡn cho lắm vào, mệt thì ăn sau, rồi cũng nhẵn như chùi, lão nghĩ như đi trong bụng gấu. Còn món tráng miệng chắc mày không khách khí? Lão vào nhà lấy ra một cốc vàng óng dậy mùi hương. Đây, đây là mật ong rừng, tiêu chuẩn của bạn quý, nào tu đi. Lão cầm cái cốc ba trăm mililít đúng bằng số lượng mật vẫn hút, đưa cho gấu. Lão yêu gấu nhưng luôn công bằng, lấy của gấu bao nhiêu thì cũng cho bấy nhiêu. Lão nhăn nhở chìa cốc mật ra: “Nào mật ong tráng miệng đây”. Gấu nhún vai đứng thẳng, vươn tay bám vào tấm lưới dí mõm, lè lưỡi dài ra ngoài liếm, nhưng chưa tới. Cốc mật sóng sánh suýt rơi. Bỗng tay gấu gồng lên như kìm sắt bẻ cong mấy sợi B40 tạo thành lỗ như bàn tay. Một cái tát như trời giáng vào mang tai lão. Sức mạnh của thú dữ hứng tình bị kìm hãm làm lão nổ đom đóm, máu phun đầy mặt. Con gấu đút tọt cái tai người vào mồm nhai ngấu nghiến. Gấu thèm thịt người, hay khát cái khác? Mùa xuân phơi phới thức dậy, hai hòn cà căng nhức, chín mọng của con gấu ngựa trưởng thành trông như hai quả gấc.

*

*        *

Lão không kêu rên nghiến răng chịu trận, nằm yên trên giường để cho ông y tá hàng xóm dùng cồn lau rửa vết thương. Ông y tá lấy tay bịt bên tai phải lão, cúi xuống hỏi:

- Bên tai trái có nghe thấy gì không?

Lão không trả lời. Ông y tá lại bịt tai trái hỏi:

- Bên tai phải có nghe thấy gì không?

Lão nói rành rọt:

- Tôi nghe được.

Ông y tá hàng xóm cười nói:

- Vậy là tai trái điếc đặc, cha mẹ sinh con lành, già thành tàn phế.

Nghĩ mình nhỡ mồm, ông y tá cười:

- Sẽ phục hồi nhanh thôi, nhưng sẽ khó nghe. Nhưng đừng lo, hiện nay công nghệ y tế Việt Nam làm được tai nhân tạo. Chỉ mất kha khá tiền, bằng giá mười con gấu ngựa - Ông y tá vừa bơm thuốc uốn ván, kháng sinh và giảm đau, vừa dặn - Giờ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nếu làm sao gọi tôi.

Cơn đau dịu dần, lão thiêm thiếp. Ngoài cổng đồng nhà lão có rất nhiều người đang kêu khóc, nguyền rủa, hăm dọa vang tận chân núi. Đoàn người dồn thành cục đông cứng như lũ tràn phai, xô sập cánh cổng xông vào nhà. Số đông mặc áo bệnh nhân, mặt xanh mắt trắng. Có người đi xe lăn, có kẻ đeo lòng thòng bịch nilon trước bụng khai như cóc chết… Lão nhớ rồi, toàn là bệnh nhân hoặc người nhà đến mua mật gấu tươi - thuốc trị tứ chứng nan y - mong qua đại nạn. Lại nghe tiếng sắt thép rợn người ghê răng, lại nghe tiếng gầm của thú dữ… Lão dần mở mắt, căng tai phải nghe. Lão dùng hết sức bình sinh chống tay nhổm dậy lấy lại thăng bằng, như người mộng du liêu xiêu đi về chuồng gấu. Chuồng gấu trống không, mấy thanh sắt bị bẻ gẫy cong queo chỉ thấy túm lông màu đồng hun phất phơ trong chiều tà. Lão vừa đau tai lại nhói trong tim, cố mở tốc lực lần theo chân gấu. Thị tứ vắng hoe, chiều chỉ nghe dê lợn kêu ran át cả tiếng người. Vợ con thì ở xa, nhờ ông y tá già đi bắt gấu chắc là vô dụng. Đành liều. Qua vườn cây sau nhà là đến rừng, bóng tối lem nhem liếm từng mảng sáng cuối cùng. Lão tay không bắt gấu, lúc rời giường nửa mơ nửa tỉnh quên cả súng săn và đèn pin… Soạt, từ bụi cây ven đường một bóng đen xồ ra vả vào mặt lão một cú chết ngất. Bóng đen như tảng núi đè sập lấy lão, quật xuống đất cấu xé điên loạn.

Sáng hôm sau có người lên rừng lấy mộc nhĩ ré lên: “Có người chết!”. Một lát dân bản đến, đầu người đen như vẩy tê tê. Ông y tá vạch đám đông nhìn bộ mặt biến dạng đầy máu biết ngay là lão. Người ta cấp báo tin dữ cho vợ con lão ở Hà Nội và ông bạn kết nghĩa Lào. Khi tắm rửa tử thi, ông bạn kết nghĩa người Lào hốt hoảng: “Cái mật người không còn”. Vài người cứng vía xúm vào, thì ra kẻ xấu số bị gấu ngựa xé tan vùng bụng lôi buồng gan ra chỉ móc mật ăn, còn nội tạng thịt xương nguyên vẹn. Nghĩa tử là nghĩa tận, cái thị tứ dân góp chín người mười làng đến chật cổng đồng, không thiếu hộ nào. Ai cũng than khóc và dặn nhau: “Lấy của rừng rưng rưng nước mắt”.

T. N. M

--------

1. Bí mí (tiếng Lào): mật gấu. Một “xê xê” (cc) = 1 mililít.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)