Anh Ruộng

Thứ Hai, 25/04/2022 00:41

. HỒ TĨNH TÂM
 

Khoảng gần cuối mùa khô năm 1974, tiểu đoàn tôi cùng đội hình trung đoàn hành quân sâu vào vùng bốn chiến thuật, về đứng chân ở bờ bao Mỹ Hòa, thuộc tỉnh Kiến Tường (nay là Tiền Giang). Lúc này tôi được tiểu đoàn rút lên làm trợ lí tác chiến, kiêm trợ lí quân lực, sống chung với anh Ruộng là trợ lí quân khí của tiểu đoàn. Anh Ruộng người Thanh Hóa, vào chiến trường từ năm 1967, còn vào B2 năm nào thì tôi không nhớ. Anh Ruộng lầm lì ít nói, cũng chỉ cao bằng tôi, nhưng mập hơn hẳn, nên nhìn chắc chắn như một cục đá biết lăn. Đi lên từ lính bộ binh, đã trải qua cả trăm trận đánh, nên anh Ruộng kinh nghiệm đầy mình; cả kinh nghiệm sống ở đồng nước, cả kinh nghiệm chiến trường, nói chung chuyện gì anh cũng giỏi. Chính anh chỉ cho tôi nghe tiếng đề ba, tiếng đạn pháo rít, để biết đạn có bắn trúng mình không, bắn phía trước hay phía sau, bắn bên phải hay bên trái. Tất nhiên là cả cách nhìn trái bom xoáy rít, hình nó dài hay tròn, mà nhận biết nó rơi đâu, nên nhảy phía nào để tránh. Anh Ruộng bảo bom dữ dội thật, nhưng không đáng sợ bằng pháo, bằng rốc két, mình chỉ cần nhìn cách phản lực chúi xuống cắt bom là coi như yên tâm. Hết kinh nghiệm trận mạc, anh chỉ cho tôi hầm bà lằng các trò khác trong cuộc sống. Như trò chơi bài tiến lên, trò gọi hồn, trò tiễn vong, thuật xem tướng; rồi thì cách cặm câu, giăng lưới, sập chuột, nấu bẹ môn ngứa làm sao để ăn không bị rát họng…, cả cách phá mìn claymore ra sao để lấy thuốc nấu nước pha trà. Cũng chính anh chỉ cho tôi tự làm được cái đèn búng tuyệt diệu từ đạn M79, đạn tiểu liên K2 và đạn cạc bin. Xin nói, ở chiến trường, cứ nhìn anh nào có cây đèn búng thắp bằng dầu hôi, cây đèn pin cổ ngoéo, cái bình tông inox, hộp quẹt zippo, cái ba lô dù, tấm pông xô dù, cái chén ăn cơm bằng sứ… chắc chắn anh đó là lính cựu. Giả như anh ta có cả đồng hồ Orient, radio National hai pin của Nhật, thì hẳn anh ta phải là lính cựu đầy bản lĩnh, bom đạn khó mà ăn được. Anh Ruộng là người như vậy, hèn chi anh sống nhăn từ năm 1967 đến lúc ấy, mà chẳng có vết thương nào nặng cả, ngoại trừ ít miểng bom miểng pháo làm trầy da rách thịt.

Lúc tôi từ dưới B thông tin lên, việc đầu tiên anh Ruộng bày cho tôi là cách cặm câu và giăng lưới. Nghĩ cũng lạ. Lính trận mà anh Ruộng luôn có cả mớ cần câu vót bằng tre, cái nào cũng dài chừng nửa mét. Trong túi bồng của anh còn có hơn chục thước lưới, hai cuộn dây cước với độ to của sợi khác nhau, mấy chục lưỡi câu lớn bé dùng để câu lươn và câu cá. Xế chiều đi cặm, sáng sớm đi gỡ cá, tha hồ ăn. Ăn không hết thì cho anh em bên hậu cần, quân y. Chán ăn cá đen thì giăng lưới bắt cá trắng, như cá diếc, cá mè dinh, cá sặc…

Hồi đó cá nhiều vô kể. Mùa nước, khều xuống một ổ kiến vàng, lấy trứng kiến ngồi câu một lúc cũng được vài chục con cá rô cỡ hai ngón tay. Thời tôi còn làm tiểu đội trưởng thông tin vô tuyến điện, muốn ăn cá là xách xoong quân dụng đi tát hố bom, bắt một lần được quá nhiều, để dành không được, toàn phải vứt đi. Mà cá, cũng chỉ có kho với muối, nướng, hoặc nấu cháo, ăn hoài cũng ngán. Ở đây anh Ruộng bày cho tôi lấy cành trâm bầu, cột vào đầu sợi cước một bông hoa, rồi ngồi vặn radio nghe đài và câu rắn mối. Câu được khoảng chục con thì đem nướng lên, gỡ lấy thịt chấm muối ớt mà ăn. Thời gian về bờ bao Mỹ Hòa một tháng đầu không đánh đấm gì, tôi chỉ có một việc là nghe đài hát vọng cổ, hát nhạc bolero, rồi chơi bài tiến lên. Việc thứ hai là ăn cá, lươn, ăn rết. Hết kho lại luộc, nướng chấm muối vì không có mỡ, mắm, bột ngọt chi cả.

Nhớ một lần tôi lên trung đoàn nộp báo cáo quân lực trở về, đường xa lại phải băng qua cánh đồng đưng khô héo, đáng lẽ buổi trưa phải ở lại ăn cơm với ban quân lực E bộ, nhưng tôi tranh thủ nộp xong báo cáo rồi về ngay, thành thử về tới nơi thì khát cháy cổ và đói rã bụng. Khi đó cánh lính trẻ chúng tôi ai đi đâu cũng chỉ nghĩ tới đơn vị, cứ nơm nớp lo xảy ra đánh đấm, đơn vị sẽ thiếu một tay súng. Việc đi nộp báo cáo của tôi đáng lẽ phải có một người đi cùng, để giúp nhau khi lỡ gặp tao ngộ chiến giữa đồng, nhưng sau lần đầu đi cùng tay trinh sát, tôi thấy không cần thiết, nên các lần sau vẫn tự đi một mình. Vì nghĩ bụng, nếu gặp bọn biệt kích thì tìm cách lủi tránh, nhột quá mới buộc phải nổ súng, đi hai người mà gặp đám biệt kích chừng chục tên thì cũng chẳng đánh lại chúng, nên đi một mình cũng vậy, tiết kiệm cho tiểu đoàn một tay súng sẵn sàng chiến đấu.

Hôm ấy trên đường trở về, phát hiện thấy dấu đưng bị bọn biệt kích đạp gục xuống, lại có cả đầu lọc thuốc Ruby Queen, nên tôi phải đi vòng khá xa để tránh đụng độ. Bởi vậy về tới căn cứ thì đói lả vì đã ba giờ chiều. Anh Ruộng để phần hai con cá khô rán, tôi rất ngạc nhiên. Lâu nay tôi chỉ ăn cá nướng, cá kho muối, làm gì có cá khô mà ăn, lại là cá khô rán nữa chứ. Chao ôi. Nó thơm, nó ngon, nó khiến tôi sướng lịm cả người. Anh Ruộng cho biết đó là khô cá mối, tiểu đoàn trưởng cho được ba con và ít mỡ, anh ăn hết một con, còn hai con chừa phần cho tôi. Hình như đó là cá khô người nhà tiểu đoàn trưởng Hai Mai gởi vào, ông đem chia hết cho các tổ trong K bộ của tiểu đoàn. Với tôi, đó là buổi ăn nhớ đời. Đang đói nhừ tử mà được ăn cơm nguội với cá khô rán thì… Nói ra, tới con mèo ngồi trong xó, con chuột ngồi trong hang cũng nuốt nước miếng nhìn thò lõ.

Mà nhắc tới chuột, tôi xin kể chuyện này. Số là lúc còn sống ngoài Bắc, tôi chưa bao giờ dám ăn thịt chuột, thịt mèo, thịt rắn; bởi tới thịt chó mẹ tôi còn chê hôi, còn chê lên chê xuống. Hôm ấy tôi cũng đi nộp báo cáo quân lực trên E bộ về tới khoảng hai hay ba giờ chiều gì đấy, anh Ruộng lấy cà mèn cơm nguội để phần cho tôi, trong ngăn đồ ăn có mớ thịt chặt vuông vức, bằng khoảng hai ngón tay chụm lại, màu vàng nâu, nhìn rất hấp dẫn. Tôi hỏi, anh Ruộng trả lời là thịt chim gà nước. Vậy là tôi ăn ngon lành. Thịt ấy vừa béo vừa thơm, anh Ruộng dùng xoong quân dụng để nướng, mỡ tươm ra nên thành thịt rán. Thứ thịt ngon ngọt hấp dẫn, tới cả những cọng xương nhỏ cũng giòn rụm, ăn không chê được chỗ nào. Tôi ăn hết chỗ cà mèn cơm nguội với thịt, còn chép lưỡi thòm thèm. Bấy giờ anh Ruộng mới tủm tỉm cười, nói cho tôi biết đó là thịt chuột. Mùa nước đã bắt đầu chụp đồng, họ hàng nhà chuột kéo lên gò, bờ bao, sáng nay anh chỉ gài ba bốn cái bẫy sập đã bắt được hơn chục con. Tôi nghe anh kể cách bắt, được ăn qua, đâm mê, chiều nào cũng đi gài bẫy sập, gài xong, đợi chừng khoảng tiếng đồng hồ thì chạy đi thăm, hầu như cái nào cũng dính một con chuột đồng béo núc. Để lâu sợ chuột bị bẫy đè bẹp ruột, thịt hôi.

Qua hơn tháng yên ổn ở Mỹ Hòa, tới chừng nước ngập lên lưng lửng bờ bao, cũng là lúc tụi lính Trung đoàn 10 Sư 7 bắt đầu càn. Hàng ngày, chúng dùng pháo bắn cấp tập, dùng máy bay phóng rocket và dội bom vài lần, sau đó dùng xe lội nước M113 và M118 yểm trợ bộ binh xông vào. Thế nhưng bọn chết nhát này, cứ cách bờ bao chừng vài chục mét là chựng lại. Chẳng biết chúng lấy đâu ra quân mà vây kín chúng tôi bốn phía. Đạn dược ê hề. Trọng liên 14 li 7, M79, AR15, cối 60 và cối 80 bắn mặc sức. Chúng bắn từ sáu giờ sáng tới sáu giờ chiều, nhưng cứ lúc trời sập tối là dừng lại, lùi ra xa, rồi nằm im án binh bất động. Lúc này cả bốn dãy bờ bao rách nát vì đạn pháo, toác hoác vì bom tạ bom tấn, cây cối xác xơ.

Sau vài ngày như vậy, gạo muối bị bom vùi xuống và hất tung, chúng tôi phải chặt cây, đào củ chuối để ăn. Gì chứ chuối xiêm trên bờ bao nhiều lắm. Nhưng cả tiểu đoàn ăn riết trong gần tuần thì chuối cũng hết dần. Lính quay ra ăn rau tai tượng, ăn bẹ lục bình và cả môn ngứa. Lúc này, hai ba ngày tôi lại dẫn một đoàn chừng hai chục người liều mạng mở đường máu, dùng xuồng bơi về cứ E bộ bên Kinh Chuối, vừa để chở thương binh về viện tiền phương, vừa để chở lương thực và vũ khí đạn dược vào cho tiểu đoàn. Cùng xuồng với tôi bao giờ cũng là anh Ruộng, hai anh em đi hoài không còn thời gian kiếm thức ăn, người rộc đi. Riêng tôi râu tóc bờm xờm, nhìn cứ như thổ phỉ. Chính nhờ râu ria kín mặt mà cánh lính trẻ sợ uy tôi lắm, chúng gọi tôi là thủ trưởng, tuân lệnh tôi răm rắp. Nhiều anh khi đẩy chiếc xuồng ba lá chở đầy vũ khí đạn dược qua đoạn đường nước cạn, mệt quá ngồi vịn be xuồng để thở, chỉ cần tôi lừ mắt nói “Ngồi đợi lính Sư 7 tới tắm đạn đại liên cho hử”, vậy là họ lập tức gò lưng đẩy xuồng đi tiếp.

Cũng may là gần chục lần đi như vậy, chúng tôi chưa lần nào bị phục. Xin nói thêm là ban ngày đánh nhau với tụi lính Sư 7, tôi thấy như đánh trận giả. Cứ chúng vào gần thì ta nổ súng, chúng chựng lại, đợi đêm xuống thì tự động rút quân. Tôi chưa bị thương lần nào nên không hề biết sợ, cứ nhìn thấy xe lội nước của chúng ló ra là nhịp AK hai viên một. Tôi thừa biết đạn AK chỉ gãi ngứa xe thiết giáp, nhưng vẫn bắn để cảnh cáo. Mày mà vào sâu hơn nữa, ông sẽ cho mày ăn một quả lựu pháo chống tăng, hết ngáp nghen con. Và đối phương cũng biết giới hạn tiến tới đâu là vừa, việc còn lại để cho bom pháo giải quyết, chúng ngu gì xông vào để chết. Sau này tôi mới biết quanh vùng Kinh Chuối quân chủ lực của ta rất đông, nhưng tất cả đều án binh bất động để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch lớn vào năm 1975.

Lại kể tiếp chuyện hơn một tháng chống càn với tụi Trung đoàn 10 Sư 7. Ban ngày mệt bã, tranh thủ ban đêm tôi với anh Ruộng lội xuống mé bờ bao cắt môn ngứa nấu ăn. Môn đem lên bờ, cắt bẹ thành khúc, chần qua nước nóng, để thật ráo nước, rồi bỏ vào xoong quân dụng nấu sôi, đổ nước cũ đi cho nước mới vào nấu tiếp. Đêm nào không bị đầm già tới rưới đạn làm phiền, việc chắt bỏ nước được ba lần là ngon xơi. Còn như bị đầm già bắn dai như trâu đái thì cũng ráng chắt bỏ nước một lần, như vậy ăn vẫn được dù có cảm giác ngứa trong mồm và cuống họng. Thế nhưng ăn rau không có muối, thì nói như anh Ruộng là nhạt như nước miếng, cứ phải nhắm mắt mà nuốt, nuốt để tọng đầy cái bao tử trống lổng lúc nào cũng sôi lục sục. Thú thực, nhiều đêm trải miếng ni lông nằm ngủ trên mặt đất lớp nhớp ẩm ướt tôi vẫn mơ được ăn khoai lang nướng, sắn luộc. Ngon tới mức choàng thức giấc hình ảnh khoai sắn cừ chờn vờn trước mặt…

Hết đợt càn, quân số tiểu đoàn tôi còn 103, trên 203 lúc đầu. Điều tôi lo sợ nhất là những đêm mở đường máu chở thương binh ra ngoài và nhận tiếp tế bị địch mai phục đã không xảy ra. Nhờ anh Ruộng tôi trở thành lính cựu lúc nào chẳng biết, cũng tự mình kiếm được cá được môn ăn, cũng hếch mũi chỉ cho những anh lính trẻ cách nghe tiếng đạn pháo thế nào, nhìn bom xoáy ra sao để nhảy trái hay phải để né.

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)