. HUY PHẠM
Minh họa: Lê Anh Vân
Ngày đầu tiên bước vào công ti chị Phương, văn phòng hạng A nằm trong tòa nhà sang trọng hiện đại nhất thành phố, tôi thấy thật lạ lẫm, không giống không gian làm việc một tí nào. Bên ngoài, một logo khổng lồ được thiết kế tuân theo phong thủy với các sắc màu của đèn giao thông nhấp nháy, cộng thêm vài yếu tố hành tinh vũ trụ vây quanh choáng ngợp. Bên phải, bàn thờ ông thần tài to tướng, tay cầm điếu thuốc đang cháy dở, ông nhìn tôi nở nụ cười cười thảo mai. Trên đầu ông thần tài, một kệ gỗ to lớn chắc chắn nâng đỡ hai quái thú hình thù kì lạ, dường như đó là đứa con lai giữa rồng và chó, bằng đá cẩm thạch. Hai con vật há mồm thật lớn, đầu lưỡi nhọn hoắt cong lên. Dưới chân mỗi con đều có mảnh gỗ nhỏ, ghi vỏn vẹn hai chữ trịnh trọng: “Cấm Sờ”. Sau này tôi mới biết hai con Cấm Sờ rất linh thiêng. Chúng được đưa về từ Đài Loan, không có hậu môn, với ý nghĩa rằng tiền chỉ đi vào mà không có bất cứ cánh cửa nào để thoát ra. Tội nghiệp tiền. Sao con người lại có thể nghĩ đến một khái niệm đáng yêu đến thế?
Bàn tiếp tân cũng theo thước tấc phong thủy, cao vượt trội, che lấp cô gái nhỏ bé ngồi bên trong. Cô thò đầu ra cười vui vẻ rồi nhanh nhẹn dẫn tôi vào chỗ của mình. Cô bé này xinh xắn, bạn gái anh giám đốc sáng tạo to lớn ngay phía sau lưng tôi. Dù cô không có bảng gỗ dưới chân, nhưng tôi cũng hiểu mình chẳng nên sờ.
Không khí của ngày đầu tiên cởi mở dễ chịu. Ai cũng nở nụ cười trên môi. Trừ thiết kế văn phòng lạ lẫm, mọi thứ ổn hơn tôi tưởng tượng.
Tôi quen chị Phương qua một người bạn. Chị Phương gọi tôi về với nỗ lực mở rộng công ti và những kế hoạch lớn dài hơi sau này. Trước đó, tôi chưa từng làm cho công ti quảng cáo Việt Nam nào trong đời. Buổi tiệc nhỏ thân mật khi tôi nhận lời với chị diễn ra ở nhà hàng Nhật, gồm bốn người quan trọng trong cấu trúc mà chị sẽ xây dựng. Bữa ăn đúng như phong cách chị Phương khi tôi nhìn thấy sau này, với các món ăn được gọi vừa đủ và tính toán cẩn thận chi tiết cho cả bàn, để đến khi mọi người đứng dậy, sẽ không thừa mứa bất cứ thứ gì. Ngay cả món sò phủ trứng cá tuyết cũng chỉ là một con duy nhất được cắt làm tư, chia đều cho mỗi người chứ không phải ăn cả con thô lỗ như tôi và bạn bè vẫn thường làm.
Tôi không đoán được tuổi chị Phương. Bề ngoài chị có vẻ hơn bốn mươi một chút, nhưng năng lượng bên trong chị lại tràn trề như chàng trai mười bảy. Nhanh nhẹn, rổn rảng, ào ào, tốc độ đôi lúc khó tin. Nhiều khi, sự thẳng thắn trực diện của chị làm tôi bối rối. Có lần chị thuyết phục tôi oang oang trong thang máy đông người rằng ngực chị to và thật, rằng tôi phải tin chị. Trong khoảnh khắc kì dị đó, tôi tin chị hoàn toàn. Thực tế đó cũng không phải là việc cần phải phản đối hay kiểm chứng. Vấn đề chỉ là thang máy quá nhỏ và mình không biết nên trốn vào đâu.
Hay lần khác, chị Phương tâm sự thẳng thắn, chị có niềm đam mê đặc biệt với tiền. Không phải đàn ông, tiền mới có thể làm chị hạnh phúc. Thực tế, cuộc đời chị gắn liền với tiền thật. Chuyện này có thể kiểm chứng trên gương mặt xinh xắn của chị, hai đồng tiền lớn, sâu hoắm trên má. Dường như đó là yếu tố tiên quyết của những người kinh doanh, không phải hai đồng tiền trên má, mà là một tầm nhìn gãy gọn, chật hẹp nhưng sâu thẳm về đúng vấn đề duy nhất mà họ theo đuổi. Thứ được phản ảnh rõ rệt ở đây là tiền, ngọn hải đăng chói lòa dẫn dắt họ băng băng về đích.
Hầu hết những người trong bộ phận sáng tạo như tôi không giống chị Phương. Bọn tôi không có một triết lí gọn gàng đến thế. Tôi đặt đam mê của mình ở khắp nơi, lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Hơn nữa, môi trường tôi trưởng thành chủ yếu ở những công ti Nhật, nơi mọi người không ưa chuộng sự trực diện. Vì vậy, những ý nghĩ tế nhị trong đầu tôi hiếm khi được bộc lộ một cách rõ ràng.
*
* *
Thứ hai đầu tuần luôn bắt đầu bằng cuộc họp kéo dài suốt buổi sáng. Từ bên ngoài bước vào, tôi có thể nghe giọng chị Phương ào ào không ngớt: “Tụi em phải đòi tiền về cho chị, tụi em phải làm nhanh lên. Không có tiền chị chịu không được. Không có tiền chị sẽ điên lên! Tụi em có biết không? Chị phải có tiền.” Những ồn ào này thật xa lạ. Ở công ti Nhật, sẽ là những lời trầm ấm ngập ngừng đại loại: “Chúng ta phải thu hồi tài chính... đó là cách thức chúng ta hoạt động...” Cả hai phương án này đều không kết quả mấy. Cơ bản vấn đề nằm ở việc các bộ phận kế toán đều như nhau. Họ có đam mê giữ lại tiền, cho dù biết chắc chắn rằng phải trả khoản này hay khoản kia nhưng chỉ cần trì hoãn một ngày thôi, họ sẽ lâng lâng cả tuần và chỉ có hành động như thế mới giúp họ được sống trong hạnh phúc mãi mãi.
Tôi nghĩ mình đứng ngoài tất cả. Công việc và bộ phận của tôi không dính dáng trực tiếp đến tiền, thứ mà sau này tôi nhận ra rằng phản ảnh mọi bất ngờ xảy ra trên đời. Để đến cuối cùng, tôi rút ra kinh nghiệm, cho dù làm ở bất kì công ti nào đi chăng nữa người ta luôn trải qua bốn chu kì: tháng trăng mật, khủng hoảng nhỏ, khủng hoảng to, rồi đến vượt qua hoặc từ bỏ.
Tháng trăng mật là thời gian đầu tiên khi mình vừa bước chân vào, mọi thứ đều tươi tắn thân thiện, nụ cười ở khắp mọi nơi. Lúc này mình chưa có kì vọng ở sếp hay bất kì đồng nghiệp nào. Bản thân công việc mới mẻ, hấp dẫn và vừa phải. Vì thế em tiếp tân ở cửa mới xinh xắn dễ chịu làm sao, chỉ cần nhìn thôi đã mát lòng mát dạ.
Tháng trăng mật trôi nhanh, khủng hoảng kích cỡ nhỏ và vừa ập đến. Công ti nào cũng có vấn đề của nó. Những rắc rối bắt đầu ló dạng, rụt rè ranh mãnh như ánh nắng quái ác xuyên qua rèm cửa vào buổi sáng. Em tiếp tân xinh xắn kia, mỗi lần đến văn phòng trễ vài phút lại nhìn tôi bằng ánh mắt đam mê kì quặc, hí hoáy cúi xuống ghi ghi chép chép. Lúc đầu cứ nghĩ em gái rảnh quá ngồi viết nhật kí: “... người đàn ông mơ ước của mình sáng nay đến trễ, dáng điệu mệt mỏi...” Không ngờ ghi để báo cáo nhân sự.
Còn công việc, tháng trước mới mẻ vừa phải, nay bỗng nhiên cũ rích, chất chồng. Có lúc ập đến bằng khối lượng nhiều vô kể. Giọng chị Phương oang oang khắp hang cùng ngõ hẻm, giận dữ, đốc thúc, than thở...
Trở lại diễn biến chính của câu chuyện, bấy giờ vào cuối tháng mười, không khí mát mẻ hơn, những cơn gió dễ chịu thổi suốt con đường dọc toà nhà. Ánh nắng chứa chan dìu dịu cho đến tận trưa và những trái dầu xoay xoay liên tục từ trên đổ xuống tạo nên một cảnh tượng bình yên ngoạn mục.
Nhưng không khí trong văn phòng khác hẳn. Cả công ti dồn sức cho một dự án lớn, nhãn hàng sữa trẻ con dẫn đầu thị trường. Tôi chưa bao giờ làm việc với sữa, những khái niệm này đối với tôi thật xa lạ. Tôi không tin rằng trên đời có bất kì loại sữa nào làm cho đứa bé thông minh. Nếu có, người lớn mới nên uống. Vậy mà các phụ huynh đều kì vọng vào điều đó. Rõ ràng họ cũng cần sữa nữa. Ngành quảng cáo những năm qua thật tài tình. Sữa có thể làm con người thông minh.
Tôi bế tắc trong mấy tuần liền. Cho đến khi chấp nhận rằng sữa đúng là thừa sức làm cho em bé khôn ngoan ra thật. Tôi tự diễn giải rằng sản phẩm này tăng cường sức đề kháng và bé sẽ khỏe mạnh. Thông minh đến từ trải nghiệm. Bé nào có ba trăm sáu mươi lăm ngày trải nghiệm không ngừng nghỉ sẽ sáng láng hơn bé bệnh nằm nhà mất vài tuần, những trải nghiệm bị khiếm khuyết. Hoặc trong sữa có vô số nguyên tố giúp mắt bé sáng hơn. Làm sao bé có thể thông tuệ được khi cứ nhìn gà lại hóa thành cuốc? Dù tôi không chắc ở tầm tuổi này bọn trẻ quan trọng gà hay cuốc hơn và trên thực tế, tôi chưa thấy mặt mũi con cuốc bao giờ.
Tuy không hiểu được các khái niệm, nhưng chị Phương bấn loạn chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Đốc thúc đội nhà, ngoại giao với khách hàng, gom góp bất kì tia hi vọng nào, bởi vì ngân sách lần này là khổng lồ. Khối lượng tiền nếu đổi ra tờ mệnh giá lớn nhất có thể phủ hết người chị Phương, chất chồng đè chị không thở được vì hạnh phúc. Nó giải quyết được rất nhiều vấn đề của người kinh doanh, kế hoạch tài chính, các chỉ số, triển vọng, danh tiếng... Nhưng trước hết, phải vượt qua bốn công ti đối thủ khác đã.
Minh họa: Lê Anh Vân
Thử thách diễn ra như những ván bài. Tôi thành công trong lần trình bày đầu tiên. Khách hàng đồng ý rằng loại sữa này đúng là thông minh như cách tôi hiểu dù tôi chưa uống giọt nào. Cả đội vui mừng hả hê. Hạnh phúc nhất vẫn là chị Phương. Chị đặt vào đó niềm đam mê và nguồn năng lượng hiếm thấy. Thường ván bài nào cũng vậy, khi đã dẫn dụ người ta lún sâu vào, những quân bài bắt đầu trồi sụt không thể nắm bắt, điều này giống như định luật của cuộc sống: “Thời điểm mà mọi thứ đều có thể xảy ra, thứ tồi tệ nhất sẽ xảy ra”.
Trong lúc mọi thứ chớm vào guồng, chị Phương bắt đầu nói công khai về căn bệnh thầm kín của chị. Tình yêu dành cho công việc cản trở một phẫu thuật nho nhỏ cần thiết và đây là thời điểm không thể trì hoãn hơn được nữa. Những ngày này, ẩn sâu ở lời than thở vu vơ về sức khoẻ, sự phiền toái y tế, nỗi nhớ công việc chưa kịp xảy ra, chị vô tình để lộ chút hờn dỗi của một tâm hồn cô độc, chút buồn tủi của người đàn bà có cả cuộc đời vội vã sôi động, nay sắp nằm im lìm trong bốn bức tường lạnh lẽo và đang băn khoăn tự hỏi xem ai sẽ là người quan tâm đến những việc này. Cuối cùng, chị Phương cũng tìm ra được câu trả lời, đó là chính chị. Chị nói với tôi như đinh đóng cột rằng chị sẽ đặt sức khỏe lên trên hết và không bao giờ để bản thân mình rơi vào tình huống này nữa.
Chị Phương chọn làm cuộc phẫu thuật đơn giản trong bệnh viện quốc tế danh tiếng mà chị tin tưởng, vắng mặt ở công ti luôn một tuần. Tuy nhiên khác với tưởng tượng của tất cả, bốn bức tường không giam giữ được chị. Các tin nhắn và cuộc gọi từ đó phát ra tấp nập. Có lúc những mệnh lệnh đi kèm hơi thở hổn hển hoặc tiếng xuýt xoa của người vừa bị tiêm một mũi đau đớn bất ngờ. Tôi tưởng tượng được hết quang cảnh trong phòng bệnh. Nơi chị Phương chau mày suy nghĩ, tay bấm điện thoại liên tục trong khi các điều dưỡng nam lực lưỡng ghì chặt chị xuống giường, cô y tá kinh nghiệm với cái kim dài trên tay tiến đến...
Ngày trở lại, chị xanh xao hơn và dường như mất đi ít nhiều năng lượng. Đứng trước biến cố của cuộc đời, chị đã đặt niềm tin ở hai nơi. Bệnh viện quốc tế sẽ cho chị sức khỏe. Đội ngũ trong công ti chắc chắn mang về khách hàng sữa thông minh quan trọng mà không cần chị nhúng tay vào. Để đáp lại niềm tin đó, mọi thứ không xảy ra.
Đầu tiên, bệnh viện quốc tế danh tiếng mà ai cũng biết kia trong lúc thực hiện ca phẫu thuật tưởng chừng như đơn giản, lại vô tình cắt mất sợi dây nào đó không đơn giản chút nào. Chị Phương quay lại bệnh viện trong đau đớn buồn bực. Chị nguyền rủa những y bác sĩ vô trách nhiệm, thiếu chuyên môn, nguyền rủa luôn giai đoạn xúi quẩy của cuộc đời, trong lúc bàn thờ giải hạn vừa lập nên bên cạnh hai con Cấm Sờ nghi ngút khói.
Tranh thủ lúc này, đội ngũ trong nhà đổ thêm rất nhiều dầu vào lửa.
Lần trình bày thứ hai, khi chỉ còn một đối thủ duy nhất, thảm họa ập đến. Giám đốc của nhãn hàng, người xuất thân từ chuyên gia bò sữa, người vỗ ngực tự hào với biệt danh “Thắng Bò”, cố gắng truyền đạt cho tất cả hiểu về tầm nhìn trí tuệ, triển vọng tương lai trẻ em Việt Nam. Anh này ngoài bốn mươi, rắn rỏi, cởi mở và thân thiện. Anh dùng rất nhiều thước phim của Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc cùng những hình ảnh tươi đẹp hoành tráng khác, chiếu cho mọi người xem bằng niềm đam mê ngang ngửa chị Phương đang nằm trong bốn bức tường bệnh viện và chỉ có thể lắng nghe cuộc họp qua điện thoại. Tất nhiên, những điều bổ ích này đều không liên quan đến sữa.
Sau hơn một giờ đồng hồ, để đáp lại nhiệt huyết của anh Thắng Bò, mọi người bắt đầu hoang mang. Thật ra, bọn tôi có thể chia sẻ tầm nhìn kia với anh, tuy nhiên về mặt công việc, vẫn phải quan tâm đó là loại sữa gì, con bò thần thánh đến từ đâu, trong sữa có chất gì, tại sao phụ huynh nên yên tâm rằng con họ sẽ trở thành thông thái. Những điều này anh Thắng không nói. Vì vậy đến phần hỏi đáp, câu hỏi được đưa ra rất rõ ràng: “Điểm đặc biệt trong sản phẩm của anh là gì?”
Anh Thắng sốc ngớ người ra một lúc rồi nói: “Không hiểu câu hỏi.” Có hai người cố gắng diễn đạt lại với những cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên vẫn cùng một nội dung. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng làm anh Thắng nổi điên. Anh nhanh chóng vứt bỏ lớp áo của cô bò sữa hiền lành, hiện nguyên hình là một con bò tót hung tợn quyết đoán. Anh gằn từng chữ: “Tôi chỉ quan tâm đến tầm vóc trí tuệ Việt, tôi không có điểm đặc biệt nào hết.” Nói xong anh húc tung tất cả, cầm tập hồ sơ bước nhanh ra khỏi phòng.
Anh Thắng Bò ra đi, để lại sau lưng bầu không khí hoang mang sợ hãi mà anh không hề hay biết. Một khoảng lặng im phình ra, bao trùm căn phòng rộng lớn, nhấn chìm tất cả cho đến khi cô trợ lí lớn tuổi của anh cất giọng run rẩy: “Trời ơi! Sao lại đặt câu hỏi như thế cho anh Thắng? Ở tầm này người ta không trả lời những câu hỏi đó...” Xen kẽ là tiếng thở dài đứt quãng một cách khó nhọc.
Chị Phương tức tốc quay lại công ti trong ngày hôm sau, mặt tái xanh vì ca mổ. Bên hông trái của chị lủng lẳng chai nước thải nối với ống nhựa xuyên thẳng vào trong. Cuộc họp được tổ chức ngay lập tức trong rối bời, trên thực tế chẳng có giải pháp nào được đưa ra. Chị Phương liên tục trách móc đội nhà bất cẩn và câu hỏi đã làm tổn thương anh Thắng Bò, một người đàn ông thông thái với tầm nhìn xa vời vợi. Tôi cố gắng giải thích cho chị hiểu đó chỉ là câu hỏi bình thường xuất hiện trong rất nhiều buổi họp như vậy. Các nhãn hàng Nhật đều trả lời rành mạch điểm đặc biệt trong sản phẩm của họ mà không bao giờ nhận thấy bất cứ sự tổn thương nào. Nhưng chị Phương không quan tâm. Đối với chị, câu hỏi tầm thường kia đã thật sự chọc tiết anh Thắng Bò và chọc vỡ luôn những ảo vọng về nguồn ngân sách khổng lồ chị hằng mơ ước. Trong lúc những đau đớn trong tâm hồn chị chưa được xoa dịu thì cơn đau vật lí xộc đến. Chị lê từng bước khó nhọc với hai người đỡ hai bên, chầm chậm đi ra phía thang máy, quay về bệnh viện.
*
* *
Bệnh tình chị Phương không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngày chị thông báo anh Thắng Bò đồng ý cho phần trình bày lần cuối về dự án diễn ra, giọng chị đầy quyết tâm, nhưng thừa khó nhọc. Đây là cơ hội cuối cùng, lo sợ mọi thứ vuột khỏi tầm kiểm soát lần nữa, chị Phương nhất quyết phải tham gia lần thuyết trình này cho bằng được. Chị muốn anh Thắng Bò hiểu rằng, ngày tệ hại kia chỉ là một tai nạn, chị và đội ngũ của chị sẽ tận tâm tận lực vì sản phẩm sữa thông thái của anh cho đến khi cả đất nước đạt được tầm vóc trí tuệ xuất sắc mới thôi.
Bọn tôi sửa chữa bài vở trong hai ngày hai đêm, phù hợp với tầm nhìn mới của anh Thắng. Từ bỏ ý nghĩ bằng cách nào phụ huynh có thể hiểu được sản phẩm tốt nhất, chuyển hẳn sang anh Thắng sẽ muốn nghe gì.
Buổi hẹn vào đầu giờ chiều, lúc này một cơn mưa tầm tã ập đến. Hạt to dày đặc trút xuống xối xả trong những cơn gió rầm rú. Bọn tôi ríu rít chui vào taxi. Đến nơi, từ bãi xe đến sảnh hẵng còn một đoạn dài và mọi người đều thấm ướt, lạnh run.
Chị Phương đi thẳng từ bệnh viện. Chiếc xe gầm cao của chị vừa xịch đến, hai người trong số bọn tôi cầm dù chạy. Mặt chị tái xanh, môi nhợt nhạt, bước xuống trong mù mịt gió nước tung bay vần vũ xung quanh. Nhưng chị Phương không màng đến, mục tiêu trước mắt của chị là sảnh lớn phía trước. Chị lê từng bước khó nhọc, chai nước thải vẫn lủng lẳng bên hông.
Buổi thuyết trình bắt đầu có vẻ căng thẳng, nhưng những gì xảy ra lại êm thấm. Tôi nói phần của tôi, có lúc nhìn thấy anh Thắng Bò gật gù, lúc lại thấy chị Phương nhợt nhạt phía dưới. Thực tế, tôi không nghe được giọng mình. Tôi cũng không nghe được gì khác xung quanh, chỉ nhìn thấy mọi người ngồi đó, thành hai hàng dài, những gương mặt thân quen xa lạ, một thế giới trống trải không có âm thanh. Thêm vài người nữa trình bày từng phần khác nhau nhưng tất cả cũng chỉ là hình ảnh sống động diễn ra trước mắt, tôi tuyệt nhiên không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cả chị Phương cũng vậy. Chị là người nói cuối. Chị đứng dậy khó nhọc, đôi môi tái nhợt chuyển động liên tục, đứt quãng, mím vào rồi thở ra... Tất cả như đoạn phim từ từ trôi... Trong cách thức chậm rãi đầy tổn thương của chị, phảng phất hình ảnh một con chiến mã thừa quyết tâm, bịt kín hai bên mắt, chỉ nhìn vào phía trước, dữ dội lao băng băng về đích bằng những nước phi đầy tự tin, cực kì chắc chắn...
Mọi người vỗ tay rôm rả, lúc này tôi giật mình quay lại cuộc họp.
Anh Thắng Bò nói những lời cám ơn sau cùng, mọi thứ kết thúc, bọn tôi chiến thắng.
*
* *
Có vẻ như câu thắng một trận đánh nhưng thua cả cuộc chiến đúng với tình huống này. Quá nhiều thứ bọn tôi đã bỏ ra: công sức, niềm say mê, thời gian và sự bền bỉ. Sau khi giành được nhãn sữa thông thái, mọi người đần độn hẳn ra, không còn sức lực để làm bất cứ thứ gì nữa. Nguồn cảm hứng trôi tuột đi mất, tất cả chỉ còn lại bài toán nan giải về chi phí, kế hoạch, cam kết con số, các khoản phạt... Nhưng nan giải nhất vẫn là anh Thắng và đội nhà anh, những con người khó đoán.
Khi nói về sữa, họ bộc lộ niềm tin thơ ngây mãnh liệt về tương lai của các nguyên tố sẽ thay đổi cục diện trí tuệ Việt. Có lúc tôi nhầm lẫn rằng hàng triệu con người ngoài kia đang rất ngu ngốc và phải chờ thêm thời gian nữa, khi sản phẩm thông thái lần này ra đời may ra mới cứu vãn được tình hình. Nhưng khi nói về số tiền phải chi trả, họ lập tức trở nên khôn ngoan, quyết đoán, có lúc xen lẫn vô vàn cục súc. Trên thực tế, ngân sách bị cắt đi rất nhiều và nếu đổi ra tờ mệnh giá lớn nhất, tôi không chắc có thể che phủ nổi chị Phương ngộp thở vì hạnh phúc trong đó hay không. Phương diện công việc, họ là những con sói đói mồi, luôn đòi hỏi mọi thứ. Có hẳn một danh sách dài luật lệ, về việc phải trả lời email trong bao lâu, thời hạn ra sao đối với tin nhắn, con người nào bắt buộc phải hiện diện trong các buổi họp và buồn thay, lúc nào cũng có mặt tôi.
Đó là một hình phạt. Những cuộc họp có thể diễn ra bất cứ lúc nào, kể cả thứ bảy và chủ nhật, kéo dài từ sáng cho đến tận đêm khuya. Các vấn đề hóc búa như tối ưu chi phí, sáng tạo, truyền thông, tần suất tiếp cận... cho đến làm thế nào để quản lí chính con người trên nhãn sữa cũng được đem ra bàn thảo một cách kĩ lưỡng tận tình.
Chị Phương hồi phục, tràn trề sinh lực sau cơn bạo bệnh cũng không thể chịu nổi những tình huống hại não lê thê này. Nhiều lúc chị gật gù trên ghế hồi lâu, bỗng nhiên giật mình tỉnh dậy nói vài câu vô nghĩa rồi cáo lui. Nhãn sữa đặt chị vào một tình huống khó xử. Quá nhiều thời gian và công sức đã đặt vào đây, mặc dù ngân sách sau cùng chỉ bằng một nửa so với ban đầu, nhưng chị cũng không thể rời bỏ được. Bởi vì như vậy có nghĩa là tự tay vất đi tất cả. Dù gì chị vẫn phải về đích. Có lúc những thương thảo tài chính phức tạp thực sự làm chị Phương nổi giận. Chị buông luôn vài lời cục cằn khó nghe với chính khách hàng mà chị hằng yêu quý trân trọng. Nhưng khác với tất cả các con người trong công ti đang muốn bỏ chạy, chị Phương có mục tiêu và tầm nhìn riêng của mình, chị quyết tâm theo đuổi mọi thứ đến cùng. Vậy là đội của tôi cứ rơi rụng dần. Mọi thứ chất đống ngổn ngang.
Không phải những người từ nhãn sữa không ý thức được những đòi hỏi quá xa của họ. Tuy nhiên, luôn có một lợi thế mà ai cũng muốn giành về phía mình. Rốt cuộc, tôi hiểu công việc này thật ra không phải về chiến lược, sáng tạo hay ý tưởng. Nó đơn thuần là cách thức thực hiện giao kèo giữa con người với con người, sự thỏa thuận để đôi bên cùng có lợi, nhưng rồi bên nào cũng muốn phần hơn. Sau hết, phần hơn kia luôn thuộc về khách hàng, những người nắm đằng chuôi. Để bù đắp lại điều này, nhãn sữa đôi khi mời bọn tôi ăn uống, hoặc cố gắng tạo vài pha hài hước thô tục để kéo giãn không khí phòng họp. Đó là những hình phạt khác, khi tất cả phải ngồi nhăn răng cố thể hiện một nụ cười bài bản chuẩn mực. Giờ tôi thực sự nghi ngờ sản phẩm của họ, liệu nó có mang đến sự thông thái.
Phẩm chất của người kinh doanh sau cùng cũng giúp chị Phương nhìn rõ vấn đề. Khi chị phải đối diện với núi việc chất chồng của các khách hàng khác, bởi vì những con người mà chị đang có phải tập trung hết vào sự hài lòng khó nhằn của nhãn sữa. Chị ít tham gia các cuộc họp hơn, nhiệt tình săn đón chị dành cho đội bên kia giảm dần, chỉ còn lại bài toán tài chính chị vẫn đang đeo bám quyết liệt.
Bây giờ đã là những ngày cuối năm. Tôi thích cảm giác được sống trong những ngày này. Thời tiết mát mẻ dễ chịu xoa dịu mọi mệt mỏi và căng thẳng kéo dài. Mùa đã qua đi nên không còn kiểu cơn mưa mù mịt nữa. Những trái dầu xoay chậm rãi, đổ xuống theo những đường vòng trầm ngâm điềm tĩnh. Trong khi ở tòa nhà văn phòng hạng A, nhãn hàng sữa của anh Thắng Bò vẫn không buông tha mọi người, những ngày làm việc bận rộn thật sự kéo dài cho đến tận sát giao thừa.
*
* *
Tết trôi qua trong nhiễu nhương vì cuộc gọi từ chị Phương, nhãn sữa và cả tin tức về con virus lạ đang dần tiến đến Việt Nam. Công việc càng lúc càng hỗn độn. Hóa ra những cam kết trong danh sách dài dằng dặc kia là cái bẫy giăng ra làm đảo lộn mọi toan tính của chị Phương, cuộc sống bình yên của đội ngũ chuyên môn, đổi lấy từng lợi ích cụ thể cho nhãn sữa. Tôi quên cả việc tận hưởng mùa xuân. Chị Phương khác mọi người, chị không thích Tết. Chị yêu những ngày được đến công ti, yêu quý khách hàng. Chỉ có điều khách hàng đã bớt yêu chị hơn trước. Sự kiên nhẫn của anh Thắng Bò và những người bên phía anh ngày càng cạn kiệt.
Công bằng mà nói, bọn tôi không đáp ứng được kì vọng của nhãn sữa. Tôi từng trải qua nhiều dự án nặng nhọc, nhưng đây là trường hợp khó khăn nhất tôi gặp phải. Có một năng lượng tiêu cực bủa vây ngạt thở khi tôi phải đối mặt với những con người từ nhãn sữa. Không chỉ mình tôi cảm thấy điều này, vì vậy từng vị trí lần lượt ra đi, những người giỏi nhất. Ngân sách giảm nhiều so với dự tính nên chị Phương không tuyển thêm để lấp chỗ trống, chị buộc phải cân bằng bài toán kinh doanh. Nhưng khi kinh doanh cân bằng thì tất cả đổ nghiêng. Sự trì trệ và thiếu thốn về mặt con người làm nhãn sữa mất bình tĩnh. Hoặc có thể mất bình tĩnh là một thói quen của họ. Các cuộc họp vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng ẩn bên trong những gương mặt chuẩn mực dịu dàng là cảm giác chán chường giận dữ chỉ chực chờ bùng nổ. Công ti tôi và nhãn sữa lâm vào hoàn cảnh của cặp vợ chồng bất mãn tận cùng đang đợi ngày li dị nhưng vẫn còn dây dưa vào nhau bởi số tài sản chưa thể nào phân định. Ngoại trừ chị Phương vẫn còn quyết tâm bền bỉ, cả hai bên đã quá ngán mặt nhau.
Thời gian này, tin tức về con virus vô hình ngày càng hiện hữu. Những ca lây nhiễm đầu tiên đã xuất hiện cùng nỗi hoang mang lo sợ phủ lên thành phố. Chưa bao giờ tôi thấy khẩu trang dày đặc đến thế. Việc hắt hơi hay cơn ho húng hắng bất chợt là điều cấm kị. Dường như virus đã ở khắp nơi, trong không khí, thang máy, siêu thị, trên đường phố và cả những người đối diện. Cơn sợ hãi lớn lên từng ngày. Tòa nhà hạng A, văn phòng, cửa hàng tiện lợi, quán ăn... đầy những ánh mắt nghi ngại. Vài công ti bắt đầu cho phép nhân viên làm việc ở nhà, tình huống chưa từng xảy ra. Mọi người không thể ngờ chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh ở Vũ Hán xa xôi đã lan ra khắp thế giới, ào đến Việt Nam như một cơn gió độc. Chị Phương bộc lộ cả lo lắng lẫn sự bình tĩnh khó tin. Có lúc tôi thấy chị hoảng loạn trước thực tế mơ hồ, có lúc chị lại không tin rằng virus có tồn tại. Chị vẫn muốn bọn tôi đến văn phòng mỗi ngày, để được sợ hãi cùng nhau. Đường phố vắng dần, mọi thứ đứng lại. Những trái dầu cũng ngừng rơi xuống xoay tròn dù gió có thổi qua con đường bên hông tòa nhà từng cơn lạnh lẽo. Thành phố đứng trước nỗi run rẩy mơ hồ xám xịt cuồn cuộn phía trước.
Nhãn sữa và đội của tôi tiến hành vài cuộc họp thưa thớt chậm rãi. Vẫn những con người ngồi đầy đủ, nhưng tâm trí thì không. Đôi khi ai đó đứng dậy đi thẳng ra cửa kính, kéo rèm nhìn xuống một lúc lâu... Đó là quãng nghỉ đột ngột mà người nói cũng quên mất, mải vô ý đưa mắt qua cái bàn dài, ngang mấy đôi vai, xuyên qua lớp cửa kính, lơ lửng giữa không trung và tự hỏi, có chuyện gì đang diễn ra, có chuyện gì sắp diễn ra.
Giữa tháng ba, sự hỗn loạn về tin tức tiếp tục lan rộng về số người nhiễm bệnh và số người chết mà không ai có thể kiểm chứng được. Lúc này tôi bắt đầu nghe về cụm từ chưa bao giờ biết đến: “phong toả thành phố”. Có thật Sài Gòn sẽ như Vũ Hán?
Mấy tuần sau, nhãn sữa hủy hầu hết các cuộc họp nên bọn tôi chỉ còn trao đổi bằng email. Thông báo cuối cùng nhắc về việc dựa trên điều khoản dịch bệnh để chấm dứt mọi thứ. Chị Phương hoảng hốt kêu lên: “Có dịch bệnh gì đâu? Dịch bệnh cũng phải uống sữa chứ.” Rồi triệu tập cuộc họp bất thường để đánh giá lại tất cả công việc, nhưng những cái đầu vẫn để đâu đâu. Đột ngột, chị Phương cúi nhìn điện thoại rồi la thất thanh: “Ngày mai chính thức giãn cách xã hội toàn thành phố rồi! Giãn cách là sao tụi em?” Nhưng không ai trả lời. Một nỗi lặng im trĩu nặng bất chợt lan khắp căn phòng nhỏ, vượt ra phía ngoài, băng băng trên nóc các toà nhà, đuổi theo tia nắng sau cùng đang chạy trốn phía xa xa chân trời mờ ảo buổi hoàng hôn, từ trên cao chụp xuống. Thành phố sẽ bị phong toả.
Giữa phòng họp, chị Phương vẫn còn thảng thốt: “Vậy còn hợp đồng thì sao? Trời ơi...”
*
* *
Những ngày đầu, tôi mải mê nhìn hoàng hôn kì lạ trên ban công đầy gió thổi đến từ bờ sông uốn khúc, nhìn thành phố sôi động rực rỡ ngày nào bỗng nhiên vụt tắt. Một cú shutdown bất thình lình, kiểu như sự cần thiết nghỉ ngơi nhưng lại quá đột ngột.
Khi thành phố nghỉ, con người bên trong nó cũng vậy. Tôi để cho mọi việc xảy ra trong đời mình trôi lại nhiều lần chậm rãi trước mặt, kể cả những thứ cần phải ngủ yên. Rồi tôi lại loay hoay tìm cách để thời gian lướt đi bình thản suốt hai tuần. Đó là cột mốc lạ lẫm mà tôi và nhiều người khác phải trải qua trong biến cố chưa từng có này. Khi mình phải bỏ lại tất cả bên ngoài, quanh quẩn trong một không gian chật hẹp, quanh quẩn trong biết bao vẩn vơ dễ chịu buồn buồn. Có lúc tôi bắt gặp mình đang nói với dòng sông phía dưới, với mặt trời buổi sáng hay ánh trăng lạnh lẽo ban đêm về mọi thứ kì lạ đã xảy ra.
Buổi chiều cuối cùng của giãn cách, tôi đạp xe ra đường, trong khu phố của mình. Nhiều người cũng như tôi, bắt đầu bước ra ngoài bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui, chan hòa bỡ ngỡ. Ngày bình thường như một giấc mơ. Thành phố sau cùng cũng tìm lại được sức sống từng có của nó, ngại ngùng vươn mình đón ánh ban mai, bình tĩnh xua tan đám mây mù hoang mang bao phủ.
Và tôi không quay lại tòa nhà văn phòng hạng A nữa. Tôi nghỉ việc.
Sau này, nhiều lần tôi lại ngang qua toà nhà, đi dưới cơn mưa của những trái dầu xoay tít vòng tuyệt đẹp, nhìn lên tầng cao chỗ phòng họp, nơi thường đón ánh hoàng hôn cuối cùng. Tôi vẫn nhớ đến người phụ nữ xinh đẹp với hai đồng tiền sâu bên má. Người đã quên cả tính mạng của mình, quên luôn cơn đại dịch đảo điên nghiêng ngả, chăm chú điều khiển con tàu to lớn lướt băng băng giữa những trận cuồng phong dữ dội, tìm một đích đến xa xăm...
H.P
VNQD