Những khoảng không trên cánh đồng bao la, luôn có tiếng gọi. Tôi cho đó là tiếng đồng nội. Trong tôi luôn có tiếng gọi này. Vì vậy khi mới ra trường sư phạm vào những năm bảy mươi, tôi chọn về đồng tứ giác Long Xuyên. Nhiều người ngạc nhiên với quyết định này, bởi thời ấy nơi đây là vùng hoang vu, nghèo đói và đò dọc cách trở; nhưng với tôi, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời. Vừa sống đúng với sở thích sau buổi dạy cùng lũ học trò rong ruổi trên đồng bắt chuột, đuổi chim, tát mương bắt cá…, lại vừa được phục vụ xã hội.
Giữa đồng quạnh hiu, không có gì để giải trí, buồn nên tôi cầm viết ghi lại những hình ảnh xung quanh mình. Những truyện ngắn đầu tay của tôi được nhiều bạn đọc nhớ đến như: Đồng xanh, Bông hoa nở muộn, Nhớ khói... đều ra đời trong căn phòng tập thể nép bên ngôi trường làng nhỏ, giữa đồng tứ giác mênh mông nước phèn và vẳng tiếng cá đớp bóng cây, như tiếng gọi thẳm sâu của đồng nội, đánh thức những con chữ trong tôi bén rễ đâm chồi...
Nhà văn NGÔ KHẮC TÀI
**********
Văn chương phú lục chẳng thông
Trở về làng cũ cho xong học cày
(Ca dao)
Đồng xanh chạy theo hình vòng cung, con kênh mới sang làn nước bạc cắt ngang giống như dây cung, giương mũi tên màu xanh hướng về chân trời bao la, hướng theo dấu chân người đi. Những năm đầu tiên lên trên tỉnh làm việc, mỗi tháng Tình còn về thăm nhà, khoanh hai tay “báo cáo tía” coi bộ đổi khác. Dần dần cậu ít khi về, hai năm sau này, hầu như không thấy về nữa trừ những ngày tết. Ông Tư giận dỗi, Út Tình nói là mắc bận công tác.
Nhà vắng người Ông Tư đã cho mướn cặp bò, làm vẫn không hết việc, may nhờ có lối xóm, có Bời có anh em Sáu giúp đỡ. Bời giúp bà Tư vá đệm phơi lúa, gom lúa vô bồ, nấu cơm cho bọn thợ cày cánh Năm Ngọ, hay bơi xuồng ra chợ bán giùm mớ dưa leo, rau má hái trong vườn. Anh em Sáu giúp ông Tư các khâu gieo sạ, bón phân, xịt thuốc trừ sâu, canh nước ban đêm. Ông Tư khỏi mướn ai cũng khỏi lên tiếng mượn. Với anh em của Sáu, ông Tư có thể coi như việc có trước có sau trả ơn cho gia đình. Hai anh em không phải dân địa phương, mồ côi cha mẹ dắt nhau lang thang đồng này qua đồng kia làm mướn. Thấy Sáu hiền lành bệch bạc, hoàn cảnh lại côi cút, ông Tư kêu Sáu cho nguyên bụi tre cất nhà để an cư, rồi ông dùng uy tín lên xã xin đất cho Sáu lập nghiệp. Trường hợp của Bời mới khiến cho ông Tư khó nghĩ. Lối xóm thường thấy Bời qua nhà ông Tư, lát sau Sáu lót tót đi tới. Bời lẹ làng cả tay chân lẫn miệng, Sáu lại ít nói như khù khờ nên lối xóm đồn đãi Bời đã dụ dỗ trai tơ, ngôi nhà vắng vẻ của ông Tư trở thành điểm cho hai người hò hẹn. Tuy ông Tư không tin nhưng cũng sinh nghi vì nhìn thấy ánh mắt của Sáu nhìn Bời như dại hẳn đi. Bời gọi Sáu à. Ông Tư không thấy điều gì. Lúc Sáu gọi Bời… nghe êm, nghe ngọt. Mía tháng bảy vượt nước lên mặt, trổ cờ cũng chưa ngọt bằng lời Bời, vậy là không được, hóa ra Bời đã lợi dụng. Ông Tư định nói với Bời vài câu, chưa kịp lại phát giác. Thật bất ngờ Bời đã phải lòng một đứa… chính là Út Tình chứ không phải thằng Sáu. Bằng chứng, mỗi lần nghe tiếng xe Honda chạy từ xa, mắt Bời long lanh lên kín đáo phóng về phía cửa. Ông Tư thấy mất một tấm hình của Út Tình tay cầm điếu thuốc để chống lên chồng sách vở, đôi mắt mơ màng ra vẻ như học dữ lắm, như nghiên cứu dữ lắm. Ông Tư rất ghét tấm hình, ai lấy cũng được. Mà chính Bời đã lấy, vì ông Tư thấy Bời nhiều lần lật cuốn album của Út Tình ra ngắm nghía. Những sự việc xảy ra trong nhà ông của sắp nhỏ sao rắc rối, một đứa sờ sờ trước mắt lại đi đuổi theo cái bóng, một đứa biết vậy còn hi vọng, còn Út Tình trên tỉnh… Mỗi lần có ai lên tỉnh lỡ đường ghé thăm Út Tình, họ trở về kể chuyện này, việc nọ cho ông Tư nghe. Nào là Út Tình sống sung sướng trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Nào là cậu Út chịu chơi dẫn đi uống bia, đèn quán mờ mờ có các cô gái ngộ lắm kìa… Đang nói bỗng bỏ lửng, ông Tư hỏi thêm rồi làm sao nữa. Họ khen mà giống như chê. Họ kể lại như chửi khéo, khi Bời chạy qua khách đã về. Bời hỏi lại nhưng ông Tư giấu biến. Út Tình đã như vậy, tại sao ông lại giấu, thật khó coi. Tình cờ bước ra vườn, ông Tư nghe Sáu thật thà kể hết mọi việc của Út Tình cho Bời nghe. Nào ngờ Bời lại ngoe nguẩy với Sáu “anh đi nói người ta, tới mình còn tổ cha”. Gương mặt Sáu buồn giống xề bún thiu.
Phải chi Bời nói lời nào khác. Phải chi Bời im lặng, để cho kí ức của Bời có một góc còn nguyên vẹn. Hình ảnh những mùa hè cánh đồng nằm đợi mưa, trời nắng như mê cỏ khô giòn kêu lách tách. Tất cả tìm nơi trốn nắng. Lũ vịt ở mãi dưới ao bèo không chịu lên, lũ bèo cứ chiếm lấy bãi bùn trước bến kênh nước cạn kiệt, còn người đem chiếu ra trải dưới bụi tre nằm uể oải đợi buổi chiều mát. Út Tình với Bời lang thang quanh xóm tìm món gì ăn, nhưng me nước chín chùm nào bị tụi nhỏ trong xóm hái chùm đó. Hình ảnh con đường cỏ mọc lan ra lề cầu tre lắc lẻo, hai người đi học bất ngờ Bời té xuống kênh, Út Tình quăng cặp sách nhảy theo quên là con kênh cạn Bời có té cũng không sao, rồi Út Tình với Bời lặn mò cá luôn quên cả đi học. Hình ảnh Út Tình đi cày về mệt, vừa đi vừa quạt nón lá, ngang qua rẫy dưa thấy Bời gánh nước Út Tình bỏ nón lá xuống, hai người cùng gánh nước cho tới buổi chiều gió trở ngọn. Đấy là hình ảnh của làng quê nghèo, ở đồng lúa hàn vi.
Sang qua góc kí ức khác, hình ảnh con người mới nguyên, tươi rói bao nhiêu là bận rộn, bề bộn các con kênh được xẻ ngang, xẻ dọc, một lượt con đường được mở rộng đắp cao. Sình đất ngổn ngang trước mỗi nhà. Út Tình và Bời hăng hái tham gia công tác đứng trong dây chuyền, Út Tình quăng đất cho Bời chụp không thua con trai. Khi nước lên đồng… Khi con đường đã khô… Khi ngôi chợ mới, trạm xá mở ra… Xã Tây Phú giống như bị dồn nén lâu ngày nay bừng ra sức sống, lại vắng mặt Út Tình. Khi đồng được đánh thức lại vắng mặt người nông dân. Phải chi Bời nói khác đi. Phải chi Bời im lặng.
Tất cả tại ông bạn của ông Tư, là ông Minh. Nhiều khi ông Minh tự trách nhưng rồi thấy việc đã xảy ra không thể đổ thừa cho ai, thêm nữa mình cũng đã có suy nghĩ như người. Chẳng phải lúc đó chính ông cũng đã ngao ngán ruộng đồng, cảnh chân lấm tay bùn. Còn gì bằng khi dịp may lại rơi vào đứa con út. Cả ông lẫn Út Tình chẳng bao giờ ngờ ở môi trường mới ngoài bề mặt, còn có bề trái biến cây quýt ngọt trở thành cây quýt chua, biến người nông dân trở thành tay dắt mối… Út Tình có số sung sướng, học hết lớp bảy ở xã Tây Phú, hết lớp đi chơi long nhong cho tới năm mười sáu tuổi. Khi hai người anh có gia đình ở riêng, cậu Út được ông Tư cho cầm đôi bò. Giai đoạn này công nhận cậu có phần vất vả, hừng đông đang ngủ ngon giấc bị ông Tư đánh thức dậy đi cắt cỏ. Buổi trưa quét dọn chuồng trại tắm rửa cho bò. Giữa khuya phải trỗi dậy nhiều lần vung đống rơm un muỗi. Đôi bò được chăm sóc khỏe mạnh tới mùa chúng mới trả công lại. Tuy nhiên cái tuổi thanh niên hăng sức của Út Tình chỉ được ba năm ngắn ngủi, một sáng Út Tình đang cày mướn đám ruộng của Bảy Tần được ông Tư kêu vô nhà. Nhà có khách quý. Ngang qua bếp Út Tình thấy Bời đang tiếp bà Tư làm vịt mà mắt Bời đỏ hoe, chẳng biết Bời đã biết hết chuyện hay vì khói bếp củi chưa khô. Cậu Út nhìn chiếc mũ cởi để trên bàn, nhìn người đàn ông được giới thiệu là bác Năm Minh. Hóa ra khi Út Tình chưa xuất hiện trên cõi đời này, còn ở đâu trong trời đất mịt mù, mọi người đã có quan hệ với nhau, ông Minh đã được làng xóm đùm bọc nhất là gia đình của ông Tư. Chắc là ông Minh muốn chuộc lỗi cán bộ làm công tác mãi năm năm sau ngày hòa bình mới tìm về nơi kỉ niệm cũ. Út Tình chợt hiểu vì sao đôi mắt của Bời đỏ hoe. Ông Minh có giọng nói thiết tha, như van như nài thuyết phục người nghe. Rồi đây Út Tình sẽ được nâng cao trình độ văn hóa, sẽ được làm việc, ông Minh thường xuyên đi họp ở mấy thành phố sẽ dắt Út Tình đi theo mở mang. Út Tình được sung sướng ai mà không mừng, ba của Bời nói phải chi Bời là con trai cho theo ông Minh. Nhưng Út đi vắng, hai người anh ở xa, lấy ai lo việc đồng áng, vợ chồng ông Tư rơi vào tình trạng bối rối. Ông Tư bưng li nước trà lên rồi phân vân để xuống bàn. Bà con lối xóm bỏ anh sao? - Ông Minh đưa mắt nhìn quanh, nhìn Sáu, nhìn thím Tư Ẩn, nhìn Bời đang bưng nồi cháo vịt đứng lấp ló ở cửa buồng. Vô tình tất cả như được ông khách trao cho trách nhiệm. Khi người lớn bắt đầu cầm đũa, nâng li Út Tình lui về phía sau. Ba của Út Tình thuộc loại rượu mạnh. Ông Minh còn hơn, ông bưng li lên uống tà tà. Bời moi trong bếp lửa lấy ra củ khoai nóng rồi trao cho Út Tình. Cầm củ khoai nướng cháy khét da, một món mà Út Tình rất thích. Rồi Út Tình rờ lớp da cháy khét, bẻ đôi củ khoai như muốn nói rồi đây trên tỉnh không có món như vậy đâu. Ăn rồi đi thôi, đừng quên đồng xanh.
Khi Út Tình đi, tiếng xe thưa dần rồi im bặt. Sáu sắp sửa ra về, Bời chặn lại hỏi Sáu đã mua mấy chai rượu đãi khách. Bời tỏ ý không bằng lòng ông Minh, người hướng dẫn tương lai Út Tình mà uống rượu tà tà. Ông Tư quên rót mời, ông Minh vẫn tự tay rót. Hóa ra người vừa bước chân đi, kẻ ở nhà lại mang nỗi lo lắng cho người đi. Không riêng gì Bời, ông Tư cũng có linh tính. Nếu kêu ông Tư cắt nghĩa linh tính ấy ra ông không nói được vì cán bộ hầu như ai cũng uống rượu. Từ trên huyện xuống thăm đồng, người nào người nấy mặt đỏ gay.
Minh họa: Bùi Quang Đức
Đồng xanh bao la, chan chứa lòng bao dung. Gia đình Bảy, gia đình Sáu-bù-lon chạy xe đạp ôm, chạy xe lôi ở ngoài chợ thất nghiệp tới đây cũng tìm được đất. Một số việt kiều từ Campuchia chạy giặc về cũng được đồng cứu mạng, họp lại ở thành một xóm còn giữ thói quen vận xà rông, chào ghe cà dom lạ mắt. Cuộc sống đồng sâu vốn quạnh quẽ, nhưng không một gia đình nào bị bỏ rơi. Không những Bời giúp ông Tư, lúc không có việc gì Bời vẫn chạy sang lấy chổi gom lá tre, lá mận nấu cho ông bình thủy nước để dành pha trà uống đỡ buồn. Hay Bời bưng rổ xuống bếp lê la cùng với bà Tư. Nhà vắng. Không gian lặng lẽ như chia làm hai phần, ông ở nhà trước, bà ở nhà sau ra vườn với lũ ngỗng cổ dài nghêu. Bời tới mang theo tiếng cười, tiếng nói vô tư. Bời đi ngọn gió đồng luồn cửa sau ra cửa trước. Ban đầu ông cho Bời đã đành vì Út Tình, sau đó ông biết Bời cũng thương hai vợ chồng già của mình như hàng xóm đi chợ về, đi ruộng vô ghé qua nhà nấn ná ở chơi với ông hàng giờ. Anh em của Sáu tới như thường xuyên, Sáu để mặc cho thằng Bảy chờ đợi mỏi mòn ngã lăn ra ván ngáy khò khò vì Sáu mải mê chuyện trò. Sáu khoe cây rơm mục của mình mọc rất nhiều nấm. Ông Tư cho Sáu hay đêm qua có tiếng cá táp ngoài mương. Giấy hút thuốc đã hết, ông Tư vừa nói vừa đứng lên đi tìm giấy xé ra từng vun, ông còn lấy gối kêu Sáu nằm xuống. Khi Sáu nằm, ông Tư lại ngồi im lìm không nói năng như thấy mặt nhau để cho ấm áp đêm đông. Nhà của anh em Sáu cũng thuộc loại nhà vắng, hai kẻ côi cút, giải quyết khoảng thời gian trống trải bằng cách Sáu cặm cụi làm lụng. Thấy ông Tư lụm cụm bên công việc, ông không lên tiếng nhờ Sáu cũng chạy qua giúp một tay. Trên miếng đất được xã chia cho, Sáu chừa một công vừa cất nhà, vừa trồng trọt đủ các thứ. Đậu, bắp, rau, khoai, mía mùa hè vẫn luôn xanh, lá mía vươn dài reo trong gió xào xạc. Người đi chợ về ngang ai cũng để mắt nhìn đám mía. Thím Hai Cung thì nói với Sáu hồi nào không có cục đất vụt chim, bây giờ đã có nên ham lắm. Sáu nhận ra ngay đây là câu nói biểu lộ lòng ganh tị, có nằm trong hoàn cảnh của Sáu mới hiểu. Suốt ngày cặm cụi xuống đất, Sáu như thì thầm cùng đất, sống với nội tâm. Chính Sáu là kẻ phát hiện đầu tiên về thay đổi của Út Tình. Cả ông Tư cả Bời chắc là Út Tình thấy vườn mía nhà mình được đánh lá gọn ghẽ, hai cái ao đã được vớt bèo sạch sẽ nên xúc động. Trong một lần về, Út Tình mở cái xách tay dây nhợ lòng thòng lấy ra một chiếc khăn lục óng ánh tặng Bời và một cái hột quẹt ga có hình người đàn bà cởi truồng tặng Sáu.
- Nè tui đền ơn…
Mải cầm chiếc khăn lật qua lật lại quấn thử lên cổ, Sáu tò mò xoay hột quẹt trên tay không để ý Út Tình nói. Mà tại sao Út Tình lại đem chuyện ơn nghĩa, đền ơn cho hai người. Út Tình nói theo kiểu nửa đùa nửa thật hay là nói thật, chốn đồng xanh chòm xóm giúp đỡ lẫn nhau chắc là Út Tình cũng biết, không thể đánh đổi tình cảm bằng chiếc khăn hay cái hột quẹt theo kiểu ở chợ. Hay là đi làm cho nhà nước mấy năm, như Sáu đã biết, có những thầy, những cô ngồi nơi bàn giấy phải có quà cáp rồi đường ai nấy đi, lần sau gặp lại. Sáu không dám đem nhận xét của mình nói cho Bời nghe, rồi Sáu cũng để nó lại bên này bờ mương rãnh vườn trở về miếng đất của mình. Nhưng Sáu vẫn vô tình, tội nghiệp ông Tư vẫn còn bám theo mãi linh tính mơ hồ. Hai năm sau ngày Út Tình đi, lần thứ nhất ông âm thầm đi tỉnh thăm con. Lúc về ông Tư tình cờ gặp Sáu trên chợ, hai người kéo vô quán nước ông Tư thuật lại mọi chuyện cho Sáu nghe. Nào là tỉnh mở mang hơn trước quán xá mọc như nấm. Nào chuyện xe cộ ông Tư băng qua đường lóng ngóng chút nữa là bị xe đụng. Nào là phòng ở của Út Tình quạt máy quạt suốt ngày, phòng tắm tráng gạch men trắng phau phau, vòi bông sen phun nước mịn màng. Nhưng về Út Tình thì ông lắc đầu. Hai năm sau ông Tư còn lên thăm Út Tình một lần nữa. Út Tình bỏ ông Tư ở lại một mình với căn phòng lạnh lẽo. Từ lầu ba nửa đêm ông mò xuống hỏi thăm anh gác cửa. Anh nheo nheo mắt và nói úp úp mở mở là Út Tình đã đi chơi với ông Minh. Còn đi đâu, mắt anh lại nheo nheo trả lời, người ta đi ăn chơi chỉ có trời mới biết. Ông Tư bật lên tiếng kêu ông Minh ơi, ông Minh. Khi ông giật mình thức giấc thì Út Tình đã về lúc nào. Út Tình không chịu nằm trên giường mà nằm dài dưới gạch, nôn mửa dơ dáy, đàn muỗi bay vo ve quanh người. Lần này ông Tư âm thầm trở về nhà không kể gì chuyến đi cho Sáu nghe.
Đồng xanh giáp với chân trời theo hình vòng cung, con kênh mới đưa làn nước bạc cắt ngang dòng sông như trương mũi tên màu xanh, rồi gió tới uốn lượn tạo thành thảm sóng xanh. Mỗi lần ra đồng Bời thường đứng ngây nhìn một lúc mới bắt tay vô việc, khi nhớ tới Bời thường có thói quen vuốt ve cây lúa như Bời vuốt tóc. Ông Tư có nói một chi tiết, những lần lên tỉnh về giữa đêm ông giật mình thức giấc vì nghe tiếng xe cộ ồn ào, ông tưởng như mình chưa về nhà. Bời cười khi nghe ông Tư kể. Nhưng khi nhìn thảm lúa xanh rập rờn Bời bỗng nghĩ, dân ở đồng chắc cũng như vậy thôi. Khi đi xa, họ sẽ gặp lại màu xanh trong giấc mơ, và nửa đêm họ trằn trọc nhung nhớ. Mỗi lần về Út Tình thường bị ông Tư la rầy sinh tự ái không thèm về nữa. Nhưng lúc nào đó đồng sẽ gọi Út Tình quay về. Bời biết là chớ suy bụng mình ra bụng người, nhưng Bời tin. Mắt Bời sáng lên. Út Tình sẽ về lúc nào? Người nào không về nhà sống lang thang riết rồi quen, về thấy ngượng. Họ sẽ đợi một dịp thuận tiện len lén trở về, thường là dịp hàng xóm có hội hè đông vui. Mắt Bời sáng lên. Đúng rồi, Út Tình sẽ trở về trong dịp đình cúng Kỳ Yên sắp tới vào tháng ba. Người gốc đồng ruộng bắt đầu nhớ đến ngày cúng đình vào tháng ba. Tiếng trống chầu nôn nao thúc giục mọi người, gánh hát bội quần áo sặc sỡ, trai gái chen lấn bên nhau đã ăn sâu trong kí ức ngày còn tuổi thơ. Tự nhiên Bời khăng khăng Út Tình sẽ về với đám cúng đình năm nay.
Bời bước tung tăng trên bờ mẫu, gió thổi áo quần bay phất phơ. Tay Bời cầm nhánh cỏ lồng vực quơ quơ, giống như đứa trẻ. Bời tự nhiên, Sáu vô tình đang tưới rẫy nhìn ra, Sáu thấy thích thú pha lẫn tò mò. Ruộng nằm phơi nắng chan chát, suốt buổi trưa Bời ngồi nhổ cỏ Sáu trông Bời vui ngần. Sáu định bụng Bời đi ngang sẽ nhảy ra hù. Sáu núp trong đám bắp nhưng Bời chưa đi tới đã lên tiếng gọi - Sáu ơi - Gương mặt Bời có vẻ ngất ngây, miệng cười mỉm một mình. Nghe Sáu hỏi Bời không trả lời, Sáu càng thêm ngơ ngác. Bời mặc, vì Bời chỉ có thể đem điều mình vừa nghĩ nói cho một người là bà Tư bởi thỉnh thoảng bà còn nhắc tới Út Tình, bà sẽ không cho Bời quá mơ mộng. Sáu hái cho Bời mấy trái bắp non về nấu canh rồi đứng nhìn Bời khuất dần sau bờ tre xanh. Sáu nghĩ, ở đời không dụ được ai chuyện gì, ít ngày nữa sẽ biết ngay.
Nhưng ít ngày, cũng tại rẫy bắp Sáu có thêm một ngạc nhiên, buổi trưa ông Tư tìm tới thăm hai anh em Sáu. Lúc trước mỗi trưa ông thường không ngủ, thả dài theo xóm tìm người đánh cờ tướng, từ lúc buồn Út Tình ông Tư bỏ thói quen. Nay bất ngờ ông Tư đi vòng vòng các liếp bắp hỏi Sáu có nghe giống bắp mới miệt Phú Châu, giống đậu nành mới hột rất to. Đột ngột ông Tư hỏi - Theo mày giờ này Út Tình có mặt ở nhà nó làm gì Sáu. Sáu chăm chú nhìn ông Tư, bởi lâu lắm ông không nhắc tên Út Tình. Hôm trước, Bời đã gây cho Sáu sự thắc mắc, giờ tới ông Tư. Sáu chưa biết ông muốn hỏi gì thì ông tiếp tục. Giờ này theo mày thằng Út tao nó làm gì hở Sáu? Sáu đã thấy ông Tư làm sao rồi. Út Tình có việc của Út Tình, làm sao Sáu biết được việc trên tỉnh. Vốn nể nang ông Tư nên Sáu không dám tò mò. Ông Tư hỏi mượn Sáu cái hột quẹt hút thuốc:
- Tao không cho Út Tình đi làm nữa!
Sáu bỗng thấy tội nghiệp ông Tư, chim đã mọc lông cánh rời khỏi tổ, ông Tư có muốn hay không cũng không được.
Ít ngày sau khi luồng cày đầu tiên vừa vỡ đầu đất, lập tức đồng vui lên cùng những bầy chim nhạn đất bay, rộn ràng. Bời vẩn vơ nhìn theo lũ chim có đôi cánh trắng. Chúng ở nơi đâu, ngoài biển xa hay trong đồng tràm, mỗi năm đồng vừa bắt đầu cày là chúng lập tức có mặt. Bầy nhạn trắng bay dịu dàng, thoắt nhanh như tên xẹt xuống sát mặt đất cắp con mồi theo đường cày rồi bay vút lên. Cánh đồng ríu rít tiếng chim nhạn, lũ sáo đen, sáo sậu như bị đuổi rút vô trong mé vườn. Khi đồng cày xong, mỗi sáng mất tăm không còn bóng chim nhạn để cho đồng xanh một niềm nhung nhớ. Bưng rổ cơm nếp cho hai người cày đất, Bời ngồi nhìn chim vẩn vơ chưa chịu vô nhà. Đồng cày xong ít ngày nữa đã tới cúng đình. Hôm trước Bời đã thấy ông Tư mang mấy lư hương ra phơi trước cửa đình. Bời nghe bụng dạ nao nao. Bời không hay ở nhà Sáu reo lên: - Ông Tư ơi cậu Út về. Út Tình đeo kính mát, áo bỏ vô quần. Hai em Sáu nghỉ trưa xong khiêng cái ách sửa soạn ra chỗ cột đôi bò, bất ngờ gặp Út Tình trước tiên. - Tía tôi đau làm sao mà đánh điện tín vậy anh Sáu? Nghe Út Tình hỏi bất chợt Sáu ngỡ ngàng, vì ông Tư chẳng thấy đau yếu. Hóa ra ông Tư không đùa, ông âm thầm xuống chợ thuê đánh bức điện cho con. Sáu để cái ách xuống - Nè cậu Út - Sáu bỗng ngập ngừng - Cậu coi chừng ông Tư giận, lâu quá cậu không về chơi. Hai anh em vội vàng bước theo Út Tình trở vô nhà. Từ sau bếp nhìn thấy Út Tình, bà Tư quýnh quáng hướng về phía đồng kêu lớn:
- Bời ơi !
Sáu lúc đó cũng luýnh quýnh quên không nghĩ tới việc sai thằng Bảy ra gọi Bời về. Ông Tư dựng chiếc leng vô góc nhà, kéo ghế ra ngồi. Trông ông Tư bình tĩnh lạ lùng giống như trời sắp đổ mưa. Sáu đứng nhìn hai cha con, bụng Sáu đầy hồi hộp. Út Tình rụt rè.
- Tía sao?
- Hai năm qua tao không có ngày mạnh giỏi.
Sắc mặt của Út Tình lộ vẻ ngơ ngác. Ông Tư cho nổ ra vấn đề, nhưng Sáu ngạc nhiên khi nghe ông Tư mềm mỏng - Mày có mang món gì về thì mang lên bàn thờ cúng ông bà. Thằng Bảy chạy vô bếp lấy cái mâm, bà Tư sắp mấy trái cam Út Tình mang về. Xong ông Tư đưa ống quẹt cho Tình thắp nhang. Út Tình lạy xong kêu tía định hỏi bức điện nhưng ông Tư cắt ngang. Vài bữa nữa cúng đình mầy ra mắt thần.
- Nhưng mà con đã lớn rồi, mười ngày nữa mới cúng đình mà tía !
Ông Tư lặng lẽ trở lại bàn uống nước trà. Sáu trông ông Tư rất bình tĩnh cũng đâm ra sợ.
- Này Tình, vô nhà rồi bỏ cái áo trong quần ra cho mát!
Út Tình ngoan ngoãn cởi áo, mặc áo thun ngồi xuống ghế. Bất ngờ ông Tư chuyển giọng rất cứng rắn:
- Út Tình đứng lên, lấy khăn choàng tắm quấn cổ.
- Chi vậy tía?
- Ra đồng cày ruộng tiếp anh em thằng Sáu.
Vẻ mặt của ông Tư đằng đằng sát khí, Út Tình lùi ra sau hai bước.
- Có chịu đi không? Một là trở lại với đồng ruộng, hai là mày đi luôn, trong hai phải chọn một.
Bời bưng thúng trở vô, thấy một tốp người từ ở trong vườn dắt bò ra ruộng. - Ai như có Út Tình - Bời nheo nheo mắt nhìn. Bời reo lên. Đúng như Bời đã nghĩ thế nào Út Tình cũng nhớ đồng quay về. Bời vô tư hoàn toàn không hay sự việc vừa xảy ra…
N.K.T
VNQD