. CAO NGUYỆT NGUYÊN
Những tiếng kêu thảm thiết của người đàn bà vọng ra từ căn phòng cạnh bếp. Tiếng kêu mỗi lúc to hơn càng làm cho những người đứng chờ thêm rối ruột. Ba người đàn ông đi đi lại lại, hết đứng lại ngồi. Một ca đẻ khó. Đẻ con so. Gã đàn ông già nhất trong ba người đã chuẩn bị sẵn đèn lồng đỏ chỉ chờ để đem ra cổng treo báo hỉ. A nhà này cũng có con, có cháu chứ chẳng phải một lũ mất gốc như bọn khốn trong làng thường bảo. Những hi vọng, hân hoan ngấm ngầm của ba người đàn ông càng trở nên luống cuống xen với những tiếng kêu gào. Mụ già luồn một tay vào giữa hai chân cô gái. Những tiếng quát của mụ cũng ngày một khàn hơn. Rặn đi! Rặn đi! Đến con trâu con ngựa nó còn biết đẻ xoạch một cái, mày hơn ngày trời rồi. Một nùi giẻ to nhét thẳng vào mồm người đàn bà trẻ đang đầm đìa mồ hôi, mặt đỏ như gà chọi. Mắt cô trợn lên. Cái siết tay như nghiến nát thanh giường. Tiếng trẻ con oe oe. “Phù!” Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Tiếng gõ cửa hối thúc bên ngoài. Mụ già bọc đứa bé vào tấm vải đỏ rồi bước ra khỏi cửa.
Minh họa: Tào Linh
Con trai!
Ba gã đàn ông rú lên sung sướng. Người đàn bà vừa sinh hạ quý tử kiệt sức thiếp đi, thân thể toang hoang rốc cạn. Cô tỉnh dậy khi nghe tiếng đứa bé gào chói tai, cái tiếng đanh và ráo hoảnh ấy. Nó đang đòi ăn. Mụ già mang nó vào bên cạnh cô.
Cho bú!
Mụ trao đứa bé nhưng vẫn còn dè dặt. Khuôn mặt đứa bé mới dễ thương làm sao. Đôi mắt đen và buồn này đúng là của mẹ. Hào ôm nó vào lòng, đôi môi non nớt tộp chặt đầu vú. Ôi, núm ruột, tình yêu và cuộc đời của cô là đây. Giọt nước mắt rớt xuống khuôn mặt đứa bé. Mắt nó long lanh gọi, đôi tay bé bỏng lần tìm. Từ nay cô đã làm mẹ rồi. Cô muốn ấp chặt con vào lòng, muốn nấc lên rằng “mẹ yêu con, mẹ thương...”
Loáng thoáng tiếng nói của ba người đàn ông bên ngoài. Họ đang bàn đặt tên cho thằng bé. Hào cúi xuống nhìn con chợt nghĩ, đứa con này nên gọi mụ già kia là cụ, bà, hay bác nhỉ?
Nhưng người trong nhà này không ai bận tâm điều ấy.
*
* *
Trâu về chuồng. Đêm cũng xuống. Xong việc bếp núc, Hào ra ngoài ngõ đón trâu. Trong nhà quây quần cơm tối, tiếng thằng bé dỗi hờn không muốn ăn. Hào đưa tay vo viên vạt áo. Cô nhìn ánh mặt trời cuối cùng dần tắt bằng con mắt nuối tiếc. Một ngày nữa lại kết thúc. Một ngày rồi một ngày. Hồi xưa sau mỗi buổi cấy ai cũng chỉ mong tối đến để được duỗi mình. Nhưng đêm với Hào, chỉ nghĩ tới đã rùng mình. Nếu như ngày ấy cô nghe lời mẹ thì có lẽ... Nhưng Hào đặt trái tim lên đầu. Hào cãi mẹ cổ hủ. Tình yêu mà. Xa xôi có là gì. Người đàn ông ấy không ngại yêu xa, lặn lội mấy trăm cây số đến gặp, đưa cô về ra mắt bố mẹ. Hào chợt nhoẻn miệng cười cay đắng, một giọt nước mắt rịn ra nơi khóe mắt. Chao ôi, ai mà nghĩ. Đón đợi cô không phải bố mẹ chồng già tốt tính, không phải mái ấm đơn sơ nghèo nhưng giàu tấm lòng. Xe đi xa lắm. Lần đầu trong đời cô đi xa đến vậy. Trời còn chưa sáng, đến một đoạn đường hoang vu, gã người tình bảo cô xuống. Những cú dồn đẩy, ánh đèn pin sáng lòa chiếu vào mắt, cô không nhìn rõ ai với ai. Hai người đàn ông to cao sừng sổ sấn tới. Lùi lại, cô nép sát vào gã người tình. Một cú huých đau điếng vào lưng, không kịp định thần, cũng không kịp kêu cứu Hào đã bị dồn vào thùng xe rồi chở đi.
Gái trinh.
Nhà này không cần gái trinh, cốt về để làm. Hai gã đàn ông cười nhạt.
Vậy không có giá đấy đâu.
Hào lại bị tống lên xe. Hôm ấy, cô không biết ngày hay đêm, sáng hay tối, chỉ một màu đen đặc. Cô nằm đấy như kẻ chờ tử thần gõ cửa. Gã đàn ông nhìn cô chằm chằm. Hào co rúm người như con chó bị dồn tới đường cùng. Xé toạc kinh hoàng. Thân thể rách nát tàn rụi. Cánh cửa đóng sập lại. Hào khóc, đầu rỗng rễnh, chẳng thể nghĩ rồi đây sẽ ra sao.
Bụp. Một bọc ni lông được ném vào. “Mặc vào.” Những tiếng xì xào xa lạ. Cuộc giao ngã kết thúc. Hào phải theo người đàn ông đi bộ về với đôi tay bị trói. Cô biết rồi đây đời mình sẽ không khá hơn trâu ngựa là mấy. Người đi trước, dáng cùi cũi, đầu chúi, cái mặt lưỡi liềm đen sạm, bộ quần áo cũ rích đã sờn vai và đôi môi tái nhợt kia trông thật đáng sợ. Đường rừng xa quá, mấy ngày rồi cô không một miếng cầm hơi, chân tay càng bước càng thấy nhủn xuống chực ngã. Hào không biết gã nói gì, hình như đang mắng chửi, vì gã kéo sợi dây và xỉa xói vào mặt Hào. Gần tối, Hào được dẫn vào một căn nhà lưng chừng đồi. Trời nhá nhem khiến cảnh sắc thật ảo não. Xung quanh, lưa thưa những mái nhà y như nhau với những bờ rào bằng đất được đắp thành ụ cao. Căn nhà trước mặt cánh cổng bằng tre chêm thêm vài thanh nhôm chắp vá từ những vật dụng bị hỏng. Dưới bếp đang bập bùng lửa. Bên ngoài những gùi ngô còn chưa bóc vỏ vứt chỏng chơ.
Gã đàn ông dong cô vào bếp. Một bà già lưng còng đang nấu cơm. Hai người đàn ông một già một trẻ chăm chú nhìn Hào rất lâu, bắt cô xoay trái, xoay phải nói với nhau gì đó, một gã bất thần đưa tay vỗ bốp vào mông cô. Hào giật nảy, rùng mình kinh hãi. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rau và một bát đậu phụ màu ngà vàng. Người đàn bà trói cô vào cột. Tàn bữa, họ chỉ vào mâm cơm ra hiệu cho Hào ăn đi rồi rửa bát. Những ý nghĩ từ đoạn đường rừng sôi lên trong lòng. “Phải sống! Dù có khổ cũng phải sống để trở về.” Đói quắt ruột, cô vét sạch thức ăn trong bát, vét nốt chỗ cháy cơm trong nồi mặc kệ những con mắt hau háu đang nhìn mình. Ăn xong Hào bê bát ra chum rửa. Người đàn bà ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kĩ dựa lưng ra sau, khuôn mặt giãn ra, ung dung xỉa những sợi rau còn giắt ở kẽ răng. Khuôn mặt như nói lên rằng, đã đến lúc nhàn rồi, đến lúc được nghỉ ngơi rồi đây.
Đêm ấy, Hào bị ép vào căn phòng sát bếp, chỉ đủ một góc nằm. Hai tiếng một lần, ba người đàn ông thay nhau mò vào. Bao nhiêu ẩn ức, thèm khát, thiếu thốn cả một đời đều dồn lên thân xác đứa đàn bà xa lạ. Lạ là, cả gã đàn ông ở cái tuổi gần đất xa trời kia cũng vậy. Họ không màng đến những cú co người đau đớn, giọt nước mắt của Hào.
Tiếng nghiến răng chịu đựng len giữa tiếng thở gấp gáp thỏa mãn.
Hào bã ra như cây non gặp bão. Cô nghĩ qua đêm nay mình sẽ chết mất. Chết trong cay đắng tủi nhục nơi đất khách quê người. Chết mà mang theo bao uất hận. Nhưng không, đời mà. Chết đâu có dễ, đặc biệt với những kẻ khốn cùng. Phải đủ trăm điều cay cực chứ làm gì muốn chết mà chết được.
Tờ mờ sớm hôm sau, tiếng người đàn bà đằng hắng gõ cửa. “Con trâu” đến giờ dậy làm rồi. Hào xuống nhà bếp xay ngô. Mụ già nhìn săm soi. Cái nhìn khó hiểu.
Xong bữa sáng, Hào theo người đàn ông cõng gùi lên nương bẻ ngô. Lòng cô như thấp thỏm. Thằng con trai út, mặt còn trẻ măng, vừa đi vừa hát nhanh, chậm tùy hứng, chẳng quan tâm mấy đến sợi dây buộc tay Hào đang nối vào thắt lưng mình. Ngô ở vùng này, đất cằn cỗi nhưng trổ những bắp thật đều và đẹp. Chỉ một thoáng đã được lưng gùi. Bỗng nhiên thằng Út ôm bụng, nhăn mặt. Nó nhìn quanh quẩn kéo Hào đến gốc cây, buộc vào đấy rồi chạy đi. Trống ngực thình thình. Đời Hào có lẽ sống chết vào lúc này. Cô cúi xuống nâng tay lên. Chỉ một thoáng, sợi dây đứt. Cô vứt gùi ngô mà chạy. Chạy mãi. Tiếng hò hét phía sau lưng càng lúc càng gần.
Hào chết rồi ư? Ý nghĩ đầu tiên khi Hào tỉnh dậy. Mọi thứ mờ mịt. Thân thể đau thấu không nhấc nổi. Ừ, chết được cũng tốt.
Không chết được đâu.
Tiếng ai đó gần ngay bên tai như thẽ thọt, đâm chọc vào trái tim. Hào bật khóc, cô nhớ mẹ biết bao. Người mẹ già lam lũ vất vả một đời, lúc nào cũng chửi mắng cô mơ mộng, lười biếng. Cây chổi lông gà chặp ba lúc nào cũng giắt sẵn trên mái… Sao bây giờ cô lại thèm được nghe mẹ chửi, cầm roi quất vào chân đến vậy. Nước mắt ầng ậc. Một bàn tay ráp rúa đưa lên má cô lau. Đúng là mẹ rồi. Hào mở mắt. Xung quanh chật chội ngột ngạt mùi bồ hóng, mùi lõi ngô cháy. Một người đàn bà ngồi bên cô. Người đàn bà ấy biết nói tiếng của cô chứ không phải thứ tiếng xa lạ.
- Tỉnh rồi à?
- Chị là người mình ư?
Người đàn bà gật đầu, cười cay đắng.
- Nhà này nhờ tôi đến khuyên cô. Đã bán về nhà chúng nó rồi thì không chạy được đâu, hoặc cũng đừng cố chạy. Tôi đã bị bán về làm trâu ngựa nhà bọn nó hai mấy năm rồi, đẻ mấy lứa con. Cũng dăm bẩy lần trốn, rút cuộc, không thoát được. Bọn nó cắt một gân chân để tôi khỏi chạy. Đừng dại. Cố sống, may ra còn cơ hội.
Người đàn bà nhìn Hào rồi vội vàng đứng lên. Dáng đi cà nhắc, kéo lê một bên chân khiến Hào kinh hãi. Có thể sau lần này Hào cũng bị cắt gân.
Chúng nó đưa người đàn bà ấy đến để Hào mở mắt to mắt nhìn mà sợ.
Và Hào sợ thật.
Minh họa: Tào Linh
Bao nhiêu mùa xuân qua, trên má Hào, những tàn rụi thời gian phủ đầy vết tàn nhang. Cũng lâu rồi cô không dám nhìn mình trong gương. Năm nay Hào ba hai, hay ba ba cũng chẳng còn biết nữa. Những lần cô ngồi bóc hạt ngô bên hiên nhà, len lén nhìn thằng con đang chơi cùng đám bạn ngoài ngõ. Nó lớn quá. Nó là khúc ruột của Hào nhưng chưa một lần gọi cô là mẹ. Cai sữa, đám người tách nó ra. Người ta tỉ tê là mẹ nó đã chết. Hào nhếch miệng cười chua chát khi nghe họ gọi nó là A Lượng. Cộc lốc như cái cội nguồn nhí nhố của nó. Nó cũng không hỏi ai là bố. Ở làng này, biết bao nhà đều như thế.
Hào chỉ biết lén nhìn, len lén thương con. Khi kiếm được quả đào trên rừng hay cái bánh cái kẹo cô đều cho nó. Nó nhìn Hào rồi nhìn món quà trên tay mẹ. “Phì” nó nhổ bọt rồi chạy đi. Ruột gan Hào như bị trăm ngàn con dao băm chặt.
Những ngày mưa tầm tã ở vùng núi này thật não ruột. Lê thê, dằng dặc. Thằng bé đi chơi cùng đám bạn trong làng về, đến chiều tối thì sốt. Nó nằm một chỗ, trán nóng như cái bếp lò. Trong nhà, ai cũng cuống quýt. Thằng bé này lạ lắm. Nó ít ốm, nhưng lần nào ốm là một trận hơn tuần mới khỏi. Mụ già còn mải đi cắt thuốc. Trong nhà chẳng có ai. Thật nhẹ, cô đến bên, ấp bàn tay lên đầu nó, rồi đặt lên đấy cái khăn. Cô cầm lấy bàn tay nó mà áp vào má mình. Thằng bé hé mắt nhìn, cơn sốt đã lấy đi cái gắt gỏng và bực dọc mọi ngày. Nó ngoan ngoãn nhìn Hào bằng ánh mắt mệt mỏi.
Hào biết nó thích con cào cào bằng lá giang. Lần trước bị thằng bạn giật mất nó khóc cả ngày. Hào lặn lội lên rừng tìm lá, gai nhọn đâm xước xát bàn tay. Nhưng lòng cô vui vui lạ. Hào đưa con cào cào cho thằng bé. Nó đưa tay cầm rồi nhìn cô bằng ánh mắt rất lạ.
Có những chiều thật hiếm hoi, khi cái nắng đầu đông hanh hao vàng như rót mật. Hào được cắp chậu quần áo xuống giếng làng để giặt giũ. Ở đó, cô bắt gặp vài người phụ nữ như mình. Nếu ngày trước, gặp họ Hào sẽ râm ran nói chuyện cho đỡ buồn, sẽ mừng vui biết mấy. Nhưng bây giờ, Hào cũng như họ, lặng lẽ giũ những đám vải bụi mù, cáu bẩn, lặng lẽ múc nước hùng hục. Mặt ai cũng như những pho tượng bằng xi măng vô cảm. Lần trước Hào ghé sát hỏi một người trong số họ.
- Chị còn muốn trốn không?
Người đàn bà cười khanh khách, mắt vô hồn nhìn Hào rồi lắc đầu. Chẳng lẽ đòn đau đã khiến họ quên rằng mình cũng là một con người ư? Nỗi thất vọng dâng lên trong lòng cô. Hào biết, cay đắng, nhục nhã, khổ cực không dập tắt ngọn lửa trong lòng mình. Mắt cô vẫn luôn bừng bừng lửa giật. Không. Nhất quyết cô không cam chịu sống và chết như súc vật. Đến một ngày... một ngày nào đó...
- Chó cái! Nhà bao việc mà mày còn ngây ra ở đây.
Mụ già định cầm cái gáo cán gỗ đập Hào một cái, nhưng thằng bé liền giằng lấy ném xuống đất. Nó đứng chắn giữa Hào và mụ già. Ánh mắt tức giận. Những người ở cái giếng cũ kĩ hôm ấy đều sửng sốt. Hào thấy lòng mình ấm lại. Đây chẳng phải lần đầu chịu đòn đau. Nhưng cô thấy mình không còn đơn độc. Trước nay cô vẫn nghĩ căn nhà xa lạ mãi xa lạ dù cô ở đó mười mấy năm và có khi đến chết. Đợi cô chỉ là những công việc nặng nhọc không tên và lũ lợn trong chuồng đang gào rống. Những cứt đái bừa bộn. Nhưng không...
Có tay Hào, đàn lợn trong chuồng năm nay lớn quá, thoáng cái đã đến ngày xuất chuồng. Đám lái buôn đi qua dè bỉu trả giá thấp. Lão cả nhổ bọt đuổi đi. Tao chẳng ngọng mà bán cho chúng mày. Mụ già ngăn tay lại. Bây giờ nhà còn ai, thằng Lụ và con trai nó đi làm xa nửa tháng nữa mới về. Một mình ông làm sao đem xuống chợ mà bán được.
Hai người ngồi đấy cãi nhau một hồi. Lão cả quay sang nhìn Hào. Lão suy nghĩ một hồi rồi quyết.
- Mai, mày đi cùng tao xuống chợ. Mày mà trốn thì không chỉ một chân, mà hai chân sẽ què.
Hào cúi đầu câm lặng.
Khi ngồi lên chiếc xe ngựa, cô vẫn đưa mắt lần tìm con, thằng bé cũng đang đứng ở cửa nhìn theo, cái nhìn chờ đợi.
Đôi sọt chở lợn lắc lư theo nhịp ngựa. Hào ngồi cùng với lũ lợn để giữ cho đôi sọt không tròng trành. Bao năm rồi cô mới thấy cảnh nhộn nhịp nơi phố chợ. Đây là một buổi họp chợ đông đúc sát biên giới. Người người tấp nập giao thương. Vừa đến nơi lão cả và Hào đã bị bọn lái buôn vây kín, nèo kéo. Cảnh tượng hỗn loạn, lão cả cũng chẳng còn mắt nào để ý đến Hào nữa. Lòng cô rối bời, đôi mắt thằng bé cứ ghim vào tim cô, như châm từng cái một buốt nhói. Những le lói yêu thương, những hàn gắn mẹ con bao năm cô hi vọng mới chỉ manh nha đôi chút. Nếu cô bỏ đi rồi, nó sẽ ra sao, đứa con trai bé bỏng tội nghiệp. Cô không xứng đáng làm mẹ, trăm ngàn lần không xứng. Có người mẹ nào mà nỡ bỏ con mình? Nhưng Hào còn muốn được sống thêm một lần. Được trở về quê hương, để tìm người mẹ già đang khô héo đợi con. Biết bao giờ mới được xuống chợ một lần nữa. Hào trùm lại chiếc khăn trên đầu và lách qua đám người chen chúc.
- Mù à?
Tiếng người đàn ông gắt lên khi bị Hào va trúng. Cô không sợ mà thấy mừng. Là tiếng “mình”. Bao lâu rồi cô mới nghe thấy thanh âm quen thuộc và dễ chịu ấy. Ôi cái tiếng chửi cũng thấy thân thương.
- Cứu em với!
- Cứu em, đưa em về với. Em xin dùng cả đời này để báo đáp anh.
Nhìn ánh mắt lưỡng lự của gã đàn ông, Hào quỳ sụp xuống ôm lấy đôi chân hắn mà van lạy. Dăm ba người qua lại nhìn theo bằng ánh mắt tò mò.
- Thôi cô đứng dậy, theo tôi.
Hắn bảo Hào chui vào cái sọt rau ở cuối chợ rồi phủ lên dăm ba thúng mủng.
- Đợi đây, nghe tiếng tôi bảo ra mới được ra đấy.
Tim đập thình thịch mà cô còn lo người ngoài nghe thấy. Linh cảm mách bảo, lần này cô sẽ được cứu thoát. Chẳng lẽ đời lại nghiệt ngã với cô đến như vậy. Hào tin “người mình” sẽ thương mình. Dù thoáng qua cái dáng người nhong nhỏng gầy, cái mắt diều hâu hơi nanh ác. Nhưng nếu phải đánh cược đời mình thêm lần nữa, Hào vẫn sẽ làm vậy.
- Ra đi!
Một cú giáng như trời đánh phủ lên đầu cô. Xung quanh chao đảo. Những cú nện đòn đổ lên thân thể. Cô nghe loáng thoáng tiếng người nói. “Thôi, định đoạt mạng nó à?” Đến khi tỉnh dậy đã thấy mình tròng trành lắc lư trên chiếc xe thồ. Cô đang nằm trong cái rọ trói lợn lúc sáng.
*
* *
Tiếng ồn ào huyên náo, sau đó là tiếng hỏi. Tiếng đối đáp của lão già.
- Này, tìm người hả?
- Muốn bắt lại người thì đưa cho tôi bằng này.
- Ăn cướp hay sao. Người anh em, mình thương lượng chút đi.
Thôi thế là đi tong một con lợn. Hơn chẳng bằng hao. Rồi mày sống cũng không bằng chết đâu. Đồ thối thây. Chuyến đi này khổ biết bao nhiêu. Bước chân ngựa bập vào đá từng nhát lẫn trong tiếng lão cả ề à chửi rủa. Cái rọ lăn lóc, người Hào văng qua văng lại giữa hai bên thành xe đau điếng. Gió vun vút thổi qua những ruộng ngô bên đường mang theo cái lạnh gai người. Lão cả lo lắng nhìn lên bầu trời đang đang cuồn cuộn mây. Bão. Làm sao qua được con dốc thẳng đứng kia. Một tiếng sét rạch ngang trời. Mưa ầm ầm trút nước. Sọt lợn chực lăn xuống. Lão cả vuốt nước trên mặt, bực bội tháo dây, thét Hào bước xuống. “Không chỉ một chân mà hai chân mày sẽ què”. Dưới kia là vực thẳm, bên này lão cả đang lăm lăm con dao trong tay. Hào khẽ nhệch miệng. Chẳng rõ là cười hay khóc hay cả hai. Không còn mưa cũng chẳng còn gió rít. Một khoảng trống rỗng bỗng ùa vào xâm chiếm tâm hồn Hào…
*
* *
Người ngựa về đến nhà khi mờ sớm. Ướt sũng. Nhưng không thấy con đàn bà ấy đâu. Mụ già tất tưởi chạy ra vồ lấy lão già, tra hỏi. Lão hận mình đã đem nó đi. Mất cả chì lẫn chài rồi. Nó bỏ trốn phải không. Lão lắc đầu. Thế nó đâu. Lão ngồi bệt xuống đất. Dưới vực. Mụ già thất thần đi về thềm cửa, bên cạnh cái ghế cũ kĩ bao năm. Thằng bé đứng bên mép cửa nhìn ra. Trong ánh mắt xa xăm của nó như chợt thiếu vắng một điều gì
C.N.N
VNQD