. ĐÀO VĂN HỢP
Nửa đêm về sáng người chồng tỉnh giấc, căn phòng tối đen như mực. Ngoài đồng vang vọng tiếng côn trùng ri rỉ nỉ non. Lắng tai nghe thật kĩ, lẫn trong mớ âm thanh đó là tiếng phì phì. Tiếng rắn. Đúng tiếng rắn. Làn hơi dồn dập, đứt khúc, chứng tỏ con rắn ở gần. Rắn nhà? Không đúng. Mười năm kinh nghiệm nuôi, bẫy, ngâm, bán rượu rắn dạy anh ta khả năng phân biệt tiếng rắn nhà và tiếng rắn hoang. Tiếng rắn này là tiếng rắn hoang. Nhưng sao lạ quá? Tiếng rắn hoang gần, gần lắm. Lạ nữa là tiếng rắn khi giận dữ khắc khoải, khi thiết tha gọi mời.
Người chồng khe khẽ gỡ tay. Người vợ miễn cưỡng dở mình, miệng chóp chép như muốn càm ràm - mất giấc ngủ người ta. Thị từng tuyên bố, ngủ là ưu tiên số một, làm số hai, ăn số ba. Ưu tiên số một cho phép người vợ suy ra định đề, ngủ tốt là sức khỏe tốt. Từ định đề trên, người chồng cố gắng tránh làm phiền giấc ngủ người vợ. Đầu tiên người chồng lặng lẽ ngồi dậy. Sau anh ta nhẹ nhàng dịch sát thành giường. Hai chân quờ quạng một hồi không thấy dép. Bực mình bật đèn flash điện thoại. Ánh sáng phản chiếu khuôn mặt vợ khó chịu. Thị nheo nheo mắt, đôi nhãn cầu chớp chớp liên tục để quen ánh sáng xanh, giọng ngái ngủ: “Đi đâu?” “Kiểm tra chuồng trại. Có tiếng hổ phì lạ lắm. Ngộ nhỡ sổng biết đường liệu.” Người vợ ngáp một cái, theo đà ngáp âm vực lời nói như cái loa rè rè méo tiếng: “Ôi dào, rõ vẽ. Nuôi cả tổng rắn thì rắn kêu, rắn đói đòi ăn là thường.” “Ngủ đi!” Người chồng gắt trống không, cách nói thường dùng từ ngày cưới nhau. Người chồng ở đây tên Thi - biệt danh vua bẫy rắn…
Minh họa: Tô Chiêm
Thi hé cửa, hơi nóng mùa hè oi ả phả hầm hập qua khe. Khẽ lách người ra ngoài, sự tương phản nhiệt độ trong ngoài khá rõ. Bên trong điều hòa kêu ro ro mát lạnh. Bên ngoài gió đồng xào xạc nhưng không làm dịu bớt cái ngột ngạt. Bóng điện lâu ngày già ánh sáng vàng vọt, lờ mờ. Thi lần lữa mấy bận toan thay xong việc nọ xọ việc kia quên béng mất, thế nào ngày mai cũng phải thay.
Cửa lán rắn đổ nghiêng bóng dưới nền sân vườn. Vài sợi sắt sáu cài thêm tựa hồ những chú rắn con ngoằn ngoèo nơi vách cửa. Thanh chốt cửa nom dị dạng như khúc rắn mất đầu nằm ngang. Bên trong lán, quạt điện quay vù vù. Từng dãy ô nuôi chạy dài. Giữa chúng là lối đi nhỏ. Thi thận trọng xem xét xung quanh. Không có chút bất thường nào. Mùa nóng rắn thức về đêm. Bản năng hoang dã kiếm mồi ban đêm chưa mất hẳn. Hai con mắt ban ngày đen như hai hạt đỗ, giờ Thi quét đèn hai hạt đỗ như hai viên bi sắt nung đỏ. Con khoanh tròn như cái săm xe đạp đen sì. Con ngóc đầu lên lưỡi thè ra thụt vào. Chúng đang đánh hơi những chuyển động xung quanh. Từ lúc Thi ra ngoài tiếng phì phì im bặt. Hay tiếng phì là của con rắn bắt sáng nay? Nghĩ vậy, Thi đi tới chỗ để túi lưới nơi góc vườn. Thân chuối ken kín um tùm. Cây lớn đẻ cây bé. Chuối rẻ vợ Thi chẳng buồn chăm. Chúng tự sinh, tự lớn. Có những buồng chuối chín gãy gục chặt bỏ làm thức ăn cho bò cho lợn. Túi lưới lồng ngoài bao tải. Thi nhấc ra thấy túi vẫn nguyên hai con rắn nằm cuộn tròn ngoan ngoãn. Một con khoang đen trắng cỡ ghi đông xe dài quãng mét tư, khả năng trườn rất nhanh nếu gặp kẻ thù. Một con hổ phì tự nhiên nặng khoảng ba cân. Cả hai đều là rắn khu đồi hoang, cánh đồng xa.
Đồi hoang ở đây là ba ngọn núi nhỏ nằm chơ vơ góc cánh đồng mênh mông. Những khoảnh ruộng kẹp giữa ba ngọn núi bị bỏ hoang phủ đầy lau sậy. Từ xưa đến nay dân làng ít ai đặt chân đến khu này do âm khí nằng nặng quanh núi. Thêm nữa người làng đồn núi có ma. Ma không biết có không, nhưng Thi chắc chắn một điều núi rất nhiều rắn…
*
* *
Thi tỉnh giấc đúng vào giờ đêm trước khi tiếng phì phì từng chặp nổi lên lúc gần lúc xa. Thi ra ngoài - im lặng; quay vào vài phút tiếng phì phì lại nổi lên. Điên tiết thật! Tay đèn pin, đầu đèn soi, Thi nín thở ngồi nghe ngóng dõi mắt bốn phía chờ đợi. Chỉ một tiếng động nhỏ lập tức hai con mắt, hai ngọn đèn sẽ quét lia lịa tìm đáp án. Thật lâu, chân Thi nhưng nhức. Chả có gì ngoài đêm đen tĩnh mịch xen những tiếng giun dế tấu ca bất tận. Uể oải đứng dậy Thi mang nhốt hai con rắn vào lán chờ khách sộp ăn hàng tuyển giá cao. Xong anh nai nịt gọn gàng, chân đeo ủng, người khoác áo mưa loại dày, đầu đèn soi sáng quắc, túi quần thủ thêm chiếc đèn pin mới sạc, tay túi lưới, tay gậy tre phòng thân. Từ buổi rắn qua kì ngủ đông đây là ngày đầu đi soi cóc, ếch, nhái... Lượng mồi nuôi rắn cần ngày một nhiều, chịu khó soi giảm chi phí thức ăn.
Mấy cốc bia ban chiều khiến bước chân Thi lâng lâng. Gió lồng lộng thổi. Thi đi dọc con kênh lên ven đê lớn. Gió ở đây thổi mạnh hơn dưới đồng. Những loài giáp xác he hé đầu khỏi mặt nước ao bèo. Động vật lưỡng cư nhỏ chồm hổm ngồi hóng mát rình mồi. Miệng thỉnh thoảng tóp tép. Cổ trắng phập phồng theo nhịp thở. Mắt mở tròn thao láo, lấm tấm đỏ mỗi lúc bắt ánh đèn soi. Túi nặng thêm thì chân mỏi hơn. Đoạn đường đã xa, sắp sang khu vực xã bên, Thi ngoặt xuống cánh đồng xuyên qua núi để về. Đường tắt. Bờ ruộng lòa xòa lá lúa, lúa đương kì ngậm đòng, hương ngai ngái, nồng nồng xộc qua mũi. Núi lừng lững trước mặt. Gió đưa tre trúc cót két. Âm thanh hòa lẫn tiếng vun vút những ngọn bạch đàn, phi lao. Không gian ám mùi liêu trai ma mị. Thấp thoáng lau sậy cỏ lác phất phơ chân núi, Thi bước nhanh bởi qua hết mấy mặt ruộng này là đến con mương nhỏ dễ đi giáp khu ruộng hoang. Tới nơi, chân chạm bờ mương, cỏ voi, thân lau quệt mặt ran rát. Thi hơi chột dạ. Một cái đầu rắn màu đất lấp ló từ đám cỏ. Thi kệ, tiến tiếp. Rất nhanh, cái đầu rắn lại thò ra cách mấy sải chân như vừa đúng đoạn đường Thi bước. Mỗi lần như thế con rắn lộ thêm một đoạn. Vài lần thì thân rắn đã nhô cao vút. Mặt ruộng thấp hơn bờ mương kha khá. Thế mà con rắn ngóc cao gần bằng ngực Thi. Lúc này thì Thi sững người sửng sốt. Một con rắn ước lượng phải trên ba mét. Hổ chúa, hổ chúa. Thi thầm reo lên, tiền lập tức nhảy múa trong đầu.
Con rắn không sợ người, trực diện Thi dù nửa đứng nửa nằm dưới ruộng. Thi tiến một chút nó lùi một đoạn. Hai con mắt như hai hòn than đỏ rực trước ánh đèn. Thi soi xuống, những cái vảy màu vàng nghệ dưới cổ to bằng hạt ngô, lưỡi nó lè ra hít hít. Cái lưỡi chẻ đôi ngúc ngắc đưa thông tin lên mũi. Phía trên mũi, một cái vảy hình tam giác lớn hết nửa đầu. Vảy tam giác lớn tỉ lệ thuận số tuổi. Loài này được mệnh danh hổ chúa do thân hình to lớn nhưng rất nhanh nhẹn, bò trườn, leo trèo, bơi lội đều giỏi.
Thi dứ dứ cái gậy tre đực. Nó lẹ làng né ngay tức khắc. Đầu bắt đầu bạnh ra thách thức, hơi rít khè khè, phù phù. Thi tiến nó lùi. Thi lùi nó tiến. Hai bên thủ thế. Dờn dứ. Hết kiên nhẫn Thi vung gậy. Tiếng gậy vun vút xé gió. Bằng một động tác mềm mại, con rắn uốn nửa thân trên cúi rạp, tránh đòn. Loáng cái nó mất hút không dấu vết dưới trập trùng lau lách. Chân ung dung sải bước. Đầu nghĩ cách bắt con rắn. Mươi bước chân. Ô kìa, lạ chưa, con rắn hiên ngang chờ, thái độ nôn nóng: đầu bạnh sẵn, đuôi xoăn tít quất gió thị uy. Thi đến gần nó dựng người, cố rướn cao thêm cái đầu bất ngờ phun nọc. Thi nhanh chân lùi xa giữ khoảng cách an toàn. Rõ ràng cú phóng nhằm mắt, chủ quan là chết. Nhưng nó không thể cắn mình. Mình chẳng làm gì được nó. Đi tiếp? Nhùng nhằng đến sáng mất. Hay quay lại? Đang băn khoăn lựa chọn bỗng có tiếng quăng mình rất gọn. Bạp. Cú mổ nhanh trúng mép ủng. Vội vàng lia đèn. Thủ phạm đã lấp trong cỏ còn mỗi khúc đuôi ngoe nguẩy. Khúc đuôi chia rõ rệt hai màu vàng đen - một con cạp nong. Hú vía. Con hổ chúa vẫn uy nghi sừng sững kia. Sau cú tấn công hụt nó liên tục le lưỡi khè. Có vẻ nó giao tiếp với Thi hoặc kêu gọi ra lệnh đồng loại.
Thi lui dần, lui dần, chấp nhận đi đường cũ là thượng sách…
*
* *
Nằm trên giường mà ánh mắt con hổ chúa lởn vởn trong đầu. Thi trằn trọc không tài nào chợp mắt nổi. Tại sao hai con rắn tấn công mình? Nếu nó là hổ phì, cặp nia đã đành, vì Thi bắt anh em, họ hàng, vợ chồng chúng. Còn đây là những chủng khác nhau hoàn toàn. Mối quan hệ giữa chúng, nếu có, thuần túy là chuỗi thức ăn. Con này là mồi của con kia, thế thôi. Tự hỏi, tự trả lời, kết luận là khó hiểu mung lung. Thi chuyển qua những chuyện ma truyền miệng. Ma có thể hóa thành những con vật để dọa người, hại người. Không lẽ ma thật. Ma hóa rắn cản người lên núi ban đêm.
Mạch suy nghĩ bị cắt ngang bởi tiếng phì phì. Đây là đêm thứ ba. Cũng là đêm thứ ba con hổ phì bị nhốt. Dứt khoát là nó. Tiếng phì là của nó. Thi chậm rãi rời phòng ngủ đến trước lán, không vội mở cửa, bắc ghế, đứng sát tường nhòm qua ô gió. Bên trong vẫn im lìm. Quạt vẫn quay. Đèn vẫn sáng. Ba đêm nửa chừng mất ngủ đôi mắt muốn díp tịt, miệng ngáp lấy ngáp để, Thi cố nấn ná thêm chút. Lại một hồi phì phì dài. Một tín hiệu thì đúng hơn. Đúng lúc đó từ ô gió giữa lán, một đầu rắn dò dẫm, đánh hơi tìm đường. Thi dụi mắt để nhìn con rắn di chuyển cái đầu tới cây đòn tay gần nhất. Nửa thân trước vắt qua cây đòn nửa thân sau còn ngoài ô gió rất dài. Chính xác con hổ chúa. Nó mò tới đây làm gì?
Con rắn bám cột trụ. Thi căng mắt quan sát. Thân hình ba mét bóng nhẫy cuộn dọc cột xoan xập xệ. Phần vảy lưng màu vỏ nhãn, khác lúc giáp mặt ở chân núi, vội nhìn Thi tưởng nó màu đất. Đầu dốc ngược, đôi lúc nó vặn cong người, giơ cổ, le lưỡi hướng này hướng kia định vị điểm đến. Xuống đất con rắn chậm chạp bò một đoạn. Rồi đột ngột đầu ngóc cao một sải tay lắng nghe. Hai con mắt tương tự mắt người. Nó là loài duy nhất mắt có hai phần đen trắng riêng biệt. Các loài rắn khác mắt chỉ một tròng đen đơn điệu. Dáng điệu nó là hình ảnh vị chúa tể đi giải cứu thần dân. Xương sườn linh động giúp vảy bụng giống những cái chân có khả năng thích nghi nhiều địa hình. Qua hai lần đánh hơi nó đến đúng ô nhốt con rắn phì ngửi ngửi mặt lưới mắt cáo rồi sang ô nhốt con cạp nia, lặp lại việc ngửi vòng quanh nhà tù nhỏ.
Cửa mở, thấy động, bằng hai cú gấp khúc quăng mình nó vắt vẻo trên cây khóa giang.
Thi vớ cây sào. Con rắn nhằm hướng ô gió. Tích tắc còn cái đuôi.
Tò mò nổi lên, Thi xem thử hai con rắn hoang. Cả hai con rắn rọc rạch tìm cách thoát. Chắc hẳn thông điệp từ con hổ chúa khiến chúng chưa hết xao động. Hai con rắn thè lưỡi ngửi bốn phía nơi giam giữ. Phải chẹn thêm. Nghĩ là làm, Thi lấy bạt che kín phần lưới mắt cáo giằn lên tấm ván. Cảm giác hành động như bị ai theo dõi. Thi ngước lên thấy con hổ chúa chưa chịu bỏ cuộc. Hai con mắt thô lố nhìn vào sắc lạnh ẩn chứa sự tức giận, cảnh báo. Thi rùng mình nổi da gà, hoang mang sợ hãi. Những chuyện về rắn báo oán, rắn đầu thai giết kẻ thù đâu phải chuyện hoang đường. Nó đang hiện hữu thực tế không tin không được.
Thi trở lại phòng ngủ trong tâm trạng phân vân. Làm sao con rắn tìm được nơi cách xa dăm cây số đường đồng? Thật không thể hiểu. Càng nghĩ càng rối bời. Chuyện xưa bà kể văng vẳng đâu đây. Bà kể, đội đào huyệt, bốc mộ nọ một ngày nhận phá nấm cho nhà kia. Trong lúc đào có con rắn hổ mang chạy ra. Đám người la hét hò nhau đập. Họ dùng cán xẻng vụt khắp thân rắn. Các khúc quằn quại oằn lên chịu đòn. Nó cố chút hơi tàn trườn vào bụi cây rậm rạp. Con rắn có cơ may trốn thoát. Một anh thấy thế, hô lớn: “Đánh rắn phải đánh dập đầu. Xẻng, xẻng đâu?” Lưỡi xẻng thẳng sáng loáng, bén ngọt, anh đâm phập nhát một. Cổ rắn gần đứt lìa, máu túa thành vệt đỏ tươi. Sự sống còn sót lại là cái đuôi ngắc ngứ, ngắc ngứ. Hết đời một kiếp rắn. Nhưng chuyện chưa hết, khoảng một tuần sau, nửa đêm vợ chồng anh và đứa con bảy tuổi đang ngủ ngon chị vợ bỗng thức giấc. Chị ta thấy ươn ướt dưới chiếu, quờ tay, khỉ gió đứa con trai đái dầm. Chị lôi con dậy thay quần cho nó. Bực bội vì mất giấc ngủ, chị quát thằng bé: “Sư bố mày, lớn tồng ngồng rồi còn đái dầm. Nhuốc.” Tiếng “nhuốc” làm người chồng tỉnh ngủ. Anh đánh diêm châm đèn dầu. Chị vợ và đứa con thu lu trên giường. Lửa diêm lóe sáng chị rú lên kinh hãi. Anh chồng chạy tới: “Chuyện gì? Cái gì?” Theo tay người vợ chỉ anh hoảng hồn: một con rắn vảy cá chuối hoa to gấp mấy lần con rắn ở nghĩa địa, đầu nó tiến gần cửa sổ cách đỉnh màn gang tay. Anh nhanh chóng bế con dắt vợ xuống nhà dưới đóng chặt cửa một mình quay lên nhà. Tiếng đồ vật đổ lục cục. Anh đưa mắt lên bàn thờ, nơi tôn nghiêm thờ cúng tổ tiên đang có một con rắn khác lồng lộn hất văng mọi thứ. Bụi bát hương mù mịt. Chân hương vương vãi tứ tung. Anh đứng run lẩy bẩy, luôn miệng lầm rầm cầu xin. Hồi lâu hai con luồn đi. Kể từ đó anh kia gặp rắn không dám động chân động tay. Với những con rắn lớn, anh đứng nghiêm chắp hai tay cung kính.
Lời bà kể tan loãng hư không. Ba đêm mất ngủ đẩy Thi đắm chìm vào giấc say. Trong cơn mê rắn lồm ngồm hàng đàn. Thi không sợ, bắt hết, nhét con này vào túi lưới, nhốt con kia nuôi lớn thêm. Con thì bị Thi rạch bụng, làm sạch ngâm rượu - tam ngũ thất xà có đủ, khoang đen khoang trắng, khoang vàng khoang đen kết hợp phì đất, hổ trâu, rắn ráo… Chúng quấn quýt vặn xoắn nhau trong bình rượu mờ ảo, lênh bênh. Nhưng rắn nhiều quá, làm thành vòng tròn vây quanh Thi. Chạy đi đâu? Cứu, cứu tôi. Có ai không? Cứu, cứu… Khó thở quá. Kìa rắn… Cút hết, tránh ra… Thi vùng vẫy. Tay vung loạn xạ vô vọng. Những con rắn ranh mãnh đã sục sạo đôi tai. Con lùi lũi rúc hai lỗ mũi. Nhiều con như những con lươn, chúng không cắn ngay mà cố gắng luồn lách tới những nơi nhạy cảm nhất. Có con dũi xoáy toạc da đầu, cảm giác chúng cố gặm vào trong não …
Thi choàng tỉnh, người đầm đìa mồ hôi. Rõ ràng điều hòa chưa tắt kia. Vợ co ro đắp tấm chăn mỏng. Không dám nằm tiếp, Thi ra hè ngáp vặt ngồi chờ trời sáng. Ánh mắt hổ chúa, giấc mơ hãi hùng bám riết tâm trí bải hoải, rệu rã. Chờ đợi mãi, lòng cứ thấy thiêu thiếu điều gì. Quái lạ, sao con gà trống lai chọi chưa gáy, trời tang tảng sáng rồi còn gì. Thi vuốt mái tóc bù xù nhổm dậy. Tấm lưới quây khu chuồng gà tơ tớp. Vài mắt lưới rách xiêu vẹo. Lác đác bóng gà mái dưới gốc bưởi quả bói vụ đầu. Con gà trống lông đen điểm những vệt long lanh tía đâu? Mọi ngày nó thường dậy sớm nhất. Tiếng gáy vang báo hiệu ngày mới và đánh thức cả đàn. Thi dáo dác ngó nghiêng hồi lâu, không thấy, tiện thể cầm theo túi ngô vạch lưới chui vào. Kia rồi, con gà trống nằm chết rã rượi dưới nền đất, cánh xõa lông xơ xác. Thi lật con gà lên, hằn dấu răng, là nó con hổ chúa. Chưa hết, thêm một con gà bằng vốc tay bên cạnh. Thi cầm con gà lên thấy mềm oặt, bộ khung xương nát bét, lấm nhấm dấu răng nhỏ - là con cạp nong. Đến cả ư? Thi ngồi tần ngần bên xác gà, phỏng đoán chúng bị cắn lúc anh ngủ mê.
Vợ dậy ra hỏi: “Bị sao vậy?” “Gà rù, cúm.” Thi giấu. Sợ rằng người như thị sẽ làm mọi chuyện rối tinh lên. “Tím đen thế kia. Hay con gì cắn?” “Con gì cắn! - Thi bĩu môi - Chắc chết lâu, từ đêm qua mình không biết.” Thị quảy quang đi bắt bèo. Trước khi ra cổng, sực nhớ, thị nói váng, cốt để Thi nghe tiếng: “Nhà bác Thà mời ăn mải đào móng. Sáng nay.”
*
* *
Anh Thà xây nhà to từ tiền đền bù đất ruộng. Dân làng ì xèo bàn tán anh gặp thời. Làn gió đổi mới nông thôn, người người làm công nhân, nhà nhà bỏ ruộng. Anh Thà đón lõng đổi ruộng tốt lấy ruộng xấu, mua thêm giá rẻ, tổng sở hữu hơn hai mẫu ruộng. Giá đất ruộng đền bù tăng từ ba mươi, năm mươi, bảy mươi,… một trăm năm mươi triệu trên sào Bắc Bộ. Dự án đường liên tỉnh chạy qua khu ruộng nhà anh mất gần mẫu. Tiền đền bù đất và hoa màu xấp xỉ hai tỉ. Vợ Thi xuýt xoa tiếc biết thế ngày xưa mua thêm ruộng. Ngày xưa rẻ, người ta tha thiết bán, toàn ruộng quanh nhà rõ tiện. Thị non gan bàn lùi thành ra cả đổi cả mua được có nhõn mẫu ruộng vừa ao cá vừa rau màu.
Anh Thà làm nhà trên đất bố mẹ. Nói là ăn mải đào móng nhưng máy cẩu làm hết, anh em bạn bè đến giúp chủ yếu chờ uống rượu. Tính ra móng nhà xém đúng gốc cây quéo cổ thụ tuổi cả trăm năm, bố anh Thà quyết không cho chặt, rưng rưng: “Cái cây to đã trải qua mấy đời người. Linh hồn nó đã gắn bó hòa vào đất vào người nhà ta. Chặt bỏ đi khác gì đem dao phạt tay mình.” Anh Thà bảo phải chặt không rễ cây to xuyên đổ nền nhà. Thế là hai bố con sinh bất hòa. Cuối cùng người già phải lún vì cái đất cái nhà tương lai thuộc về người trẻ. Riêng Thi cây quéo nào lạ. Tuổi thơ Thi và anh Thà lớn lên bên gốc quéo. Nhiều buổi trưa nắng anh em rủ nhau chơi trò thi bắn nỏ. Kẹp hòn sỏi vào ná thun mà ngắm bắn những quả quéo lủng lẳng. “Con chim xanh đậu cành cây quéo” này. Bắn trúng phát nào anh Thà đều reo to câu kia. Mà bắn trúng cũng đâu có rụng, quả quéo lắc lư làm triệt tiêu hết lực, cùng lắm loét nham nhở. Chán, mệt, anh Thà bảo: “Hái lượm kiểu người tiến hóa không ăn thua. Thôi, trở về với cách của người nguyên thủy cho nhanh.” Nói xong anh thoăn thoắt bấu các vấu cây trèo lên ngọn. Thi bé hơn chỉ dám trèo cành thấp. Nằm ngửa trên mấu chãng ba vặt quéo xanh chấm muối ớt. Chua chua, mặn mặn, cay cay chảy nước mắt. Anh Thà tư thế vượn người giữa um tùm cây lá chọn những quả không già không non. Bởi già quá chua, non quá bé ăn chả vị gì. Vào giây phút Thi lim dim mơ màng tận hưởng vị quéo với khoái cảm người hái lượm nguyên thủy thì phía trên có tiếng rắc rắc, đi kèm là tiếng loạt xoạt, mở choàng mắt, cành cây cấp bốn anh Thà bò ra không chịu được sức nặng của vượn người mười sáu tuổi gãy, chỉ còn một lớp vỏ bám vào cành cấp ba. May vượn người kịp túm cành khác đu đưa nhích người vào. Mặt anh xám ngắt. Trấn tĩnh lại anh dè dặt tụt xuống. Thi chả biết hỏi thăm hay động viên, tí tởn: “Tái mào!” Anh Thà gật: “Ừ, tí toi.”
Tay máy cẩu hạ cây quéo từ chiều qua. Thân cây bằng cái mâm đồng. Đống cành lá héo rũ một góc chờ làm củi. Gốc cây chằng chịt rễ chềnh ềnh ngay cổng. Mấy gã thanh niên dùng xẻng vi chỉnh móng cột. Một tay cầm xẻng thẳng xắn lớp đất mỏng. Chưa ưng ý, gã ta xỉa xỉa nhẹ lưỡi xẻng, cười mỉm, nhìn gã bên cạnh: “Nét chưa?” Tay kia liếc mắt: “Được của nó đấy. Cứng cáp gớm.” Chỗ gốc cây bị đào lên to bằng cái ao nhỏ. Một gã lia đoạn rễ cụt. Chán tay chưa đứt, gã gọi xà beng bặm môi đâm cái rễ. Bậc… bậc… bậc.... Cái rễ lật lờ như đuôi con rắn ngắc ngứ. Mới nghĩ thế đầu Thi giần giật đau, ánh mắt rắn chúa chập chờn ẩn hiện.
Gần trưa, xe cẩu tự hành đến mua cây. Hai gã tổ lái vật vã vê vê, chỉnh chỉnh. Thân cây đưa lên xe rung bần bật. “Quá nặng.” Gã lái xe làu bàu. Còn gốc gã phụ xe ngắm nghía luồn dây cáp. Để chắc ăn, gã lồng hai sợi. Gốc được nhấc từ từ, rễ cái rễ con tua tủa bồng bềnh không trung. Gã lái xe xoay cần cẩu, tiếng vặn dây cáp cần trục ken két. Phựt. Sợi dây thép đứt băng, gốc nặng trịch rơi ầm. Máy trộn bê tông bắn tung lên, chân gãy tan tành, boong trộn lăn lông lốc. Ai đó hét lên. “May quá, không trúng người.”
*
* *
Hôm sau, Thi kéo cá cho anh Thà. Hai nhà đổi công giúp nhau đỡ phải thuê hay nhờ người khác. Xong xuôi, vợ anh tính tiền, dọn dẹp. Anh Thà chuẩn bị nồi canh cá, nháy mắt làm tí. Thi chối: “Hôm qua vẫn còn say anh ạ!” “Hôm qua là hôm qua.” - Anh Thà bồi thêm - “Nay việc nay. Cá chính vụ.” “Thì uống vậy.” Thi nhóm than nướng thêm cá. Đồ nhậu toàn cây nhà lá vườn. Cá, rau thơm, hành ngò, tía tô, chanh sả gừng riềng bạt ngàn. Tiền đền bù đất nhận nửa năm mà dự án làm đường vẫn tận đâu đâu, chưa bị phá hạng mục nào.
Nồi canh cá nghi ngút khói thơm phức. Nắng tãi lấp lánh, lọt qua cành cây, tán lá, chấm hoa vàng trước lều. Bữa rượu hai người vì vợ anh phải về lo thuốc, nước, hoa quả phục vụ đội thợ. Đến chén rượu thứ ba anh Thà nhấp nhứ uống, cuối cùng nghiêm giọng: “Đêm qua tôi mơ...” Thi sốt ruột chờ nghe. Anh Thà khép bớt cửa lều, ra điều cảnh giác khách không mời. “Giấc mơ cổ quái lắm, thực thực, ảo ảo.” Thi bắt đầu thấy lạ. Chơi với nhau từ bé, Thi hiểu rõ con người anh. Có chuyện gì anh nói ngay, nói thẳng, đôi lúc hơi bốc đồng. Nhớ cái đận tivi chiếu cảnh người trốn dịch đi xe máy, đi bộ cả ngàn cây số. Thi và anh ngồi đúng chỗ này ăn uống. Anh chép miệng: “Khổ thân, gia tài cả thanh xuân bán sức lao động cho các khu công nghiệp tuềnh toàng trên chiếc xe máy. Mà tôi nói thật, cấm dịch ba tháng, chứ cấm ba năm tôi chẳng chết.” Vợ anh lườm: “Phét lác vừa thôi ông tướng.” Anh cười hì hì: “Cấm thì tôi…”, anh chỉ tay ra cánh đồng, “lúa kia tôi cấy tôi gặt. Còn thức ăn…”, anh khoát tay xum quanh, “bí nhất tôi câu rô phi rán giòn, đủ sống chưa?” Anh cười sảng khoái, mãn nguyện đời sống tự cung tự cấp.
“Mơ thế nào?”Thi giục, anh uống cạn chén rượu, gắp miếng bong bóng cá nhai, nhúp nhánh mùi tàu đưa lên miệng, hỏi: “Chú nhớ cây quéo, à không, nhớ vụ gãy cành tôi suýt ngã chết không?” “Nhớ, em mười ba tuổi rồi.” “Đúng ra tôi nên nghe ông già đừng chặt cây quéo.” “Tại sao?” “Thế này, tối qua tôi tiếp rượu cánh thợ xây khuya lắm. Buổi tối cho người gọi chú thím bảo nhà em say bê bết không dậy được đâu. Tan cuộc tôi một mình xe máy phi ra đây. Rượu vào ngủ như chết. Không biết bao lâu, nửa tỉnh nửa mê, cả rượu và buồn ngủ, tôi nghe tiếng gió thổi cây lay vù vù. Thình lình xuất hiện thân cây to lắm. Dần dần rõ hơn, tôi nhận ra là thân cây quéo, cành lá xanh um chọc thủng mái bờ rô xi măng, gốc cây trùm kín lều. Cái giường tôi nằm bé tí dưới gốc, sợ quá, ú ớ, ai ai, cái gì nào. Tôi vừa dứt lời thì phía trên cao hiện ra khuôn mặt cụ già khắc khổ, râu tóc lòa xòa tạc giữa thân cây. Miệng cụ phát ra tiếng nói qua kẽ nứt tếch toách vỏ cây, lúc ồm ồm trầm đục, lúc lanh lảnh cao vút vọng từ cõi xa xăm nào. Cụ giận dữ quát: “Thằng ranh con kia. Mi thật là quá quắt. Mi… mi dám cho người giết ta sao? Ta nói cho mi hay. Ngày xưa cái lúc mi mười sáu tuổi đầu biết thế ta đã để cái vỏ cây đứt phựt mi thịt nát xương tan thì ngày nay ta đâu phải chịu kiếp nạn này. Mi tưởng là may mắn, ngẫu nhiên ư? Hừ, không có cái này của ta, hừ cái này, cái này này…” Ông cụ giơ gậy trúc trỏ mặt - tôi hốt hoảng lấy tay đỡ. Ông cụ chưa hết hậm hực: “Mi thoát chết mi mừng húm. Mi chả còn biết đất trời là gì để tạ ơn. Mi huênh hoang, dương dương tự đắc may mắn nhờ vỏ cây chưa đứt hẳn đủ thời gian bám cành khác lần vào. Mi lầm to, cái vỏ cây bằng ngón tay út giữ nào nổi cái cơ thể mấy chục cân. Hừ, nói mi hay, nhờ cái này này…” Ông cụ thúc thúc đầu gậy trúc: “Nó đấy. Mi có nhìn rõ cái mấu cong cong kia không? Ta không ngoắc nó vào cành cây lấy đâu mi có thể hai tay thõng thoài bấu víu.” Giờ tôi đã hơi hơi tỉnh cố vùng thoát, gắng sức y như năm mười sáu. Tôi biết, kia, cái điện thoại ngay kia, cố với bật lên xem chuyện gì. Tôi đã ngồi được dậy, gót chân lôi chiếu xô lệch. Bây giờ tôi biết chiếc gậy dính chặt tay. Tôi cảm nhận mình lơ lửng cách giường cao lắm. Phải, những chiếc lá, những quả quéo lúc lỉu chạm mặt, tôi đối diện khuôn mặt cụ già. “Sợ chưa, thằng ranh con?” Tôi mệt, thở gấp, cơ tay cơ chân căng cứng. Tiếng cười gằn dội chói tai. Tiếng cười bung ra từ lõi cây. Tôi đuối dần… Sau những phút tan hay náu mình trong cây, khuôn mặt cụ già hiện trở lại. Tôi nhìn rõ các chuyển động cơ mặt, nghe được cả nhịp thở của cụ. Còn tiếng nói thì lại mảnh như tiếng chuông gió xa xa: “Mi vẫn không tin đúng không? Mi tưởng đang mơ ư? Hay cho đám người trần mắt thịt các ngươi không thấu hết cõi nhân sinh. Vì tư lợi vật chất mà đánh đổi hậu vận dài lâu… Mi tưởng cái dây cáp chập xoắn từ vô vàn sợi thép dễ đứt thế sao? Các ngươi chặt rễ, cưa thân, thít cáp quanh chân, ta đau lắm, ta phải chịu. Nhiều lúc uất ức muốn trả thù, dư sức nhưng ta không làm, oán thù chất chồng được gì. Chưa kể làm như thế ta phạm thiên luật, vĩnh viễn linh hồn không siêu thoát. Không siêu thoát là không có cơ hội tinh tiến nên hôm qua ta chỉ làm đứt sợi cáp cảnh cáo các ngươi thôi.” Lúc này tai ù đi, chân mỏi, tay sắp buông xuôi, thốt nhiên tôi thều thào van nài: “Con xác phàm chẳng may mạo phạm xin cụ tha cho. Cụ dạy gì con xin nghe.” Khuôn mặt giãn ra: “Được, ta cho mi cơ hội. Trời sáng về nhà ra chân miễu xem, ở đó có một cái cây nhỏ từ hạt của ta mi hãy giữ nó. Sau khi xong nhà phải trồng cây non giáp với đất cũ để ta tái sinh chuyển kiếp. Nhớ lấy, của tự nhiên hãy để tự nhiên. Giờ thì xuống nào!” Cụ già lặn biến. Cây rung lắc, ào ào gió nổi bốn phía. Tôi tỉnh hẳn ngơ ngác, lạ thật, nhận ra đang ôm chân giường, toàn thân ê ẩm.”
“Thế anh có thấy cái cây như ông cụ nói không?” - Thi nôn nóng. “Vấn đề ở chỗ đó - giọng anh Thà lạc đi - “Tôi ngủ được nữa đâu, tờ mờ sáng vội vã về nhà soi đèn quanh chân miễu quả nhiên có ba cây mọc gần nhau. Hai cây kia là giống xoài, cây bé nhất là quéo. Cái cây con bị thợ xây giẫm gãy nhánh nhỏ tôi cẩn thận rào kín.” “Anh trồng lại à?” “Lại chẳng, các cụ dạy có thờ có thiêng có kiêng có lành.”
Mặt trời khuất bóng. Nắng chiều đã tắt. Trên cao cuồn cuộn một màu mây xám. Thi cuốc bộ dọc kênh. Côn trùng nối nhau rỉ rả. Cánh đồng hối hả nhịp sống tự nhiên về đêm. Đòng đòng màu sữa điểm tô thảm lá xanh rì rào lướt sóng. Thi, bụng dạ ngổn ngang bởi tiếng phì phì thao thiết hằng đêm, ánh mẳt hổ chúa chưa nguôi ám ảnh. Và giấc mơ anh Thà xóa tan sự nghi ngờ về niềm tin mơ hồ trước đây. Thi quyết gọi lái buôn, bán chỗ rắn nuôi hơn hai năm qua. Sẽ bỏ lại những con sập bẫy từ mùa nắng trước thả hết cả. Thi lựa lí do hợp thức hóa, vợ ngạc nhiên: “Sao không nuôi đến kì nghỉ đông? Vào ăn, nuôi thời gian lớn thêm không hơn à?” “Cái đó tôi tính rồi, nuôi thêm lớn thêm, nhưng giờ đầu vụ ít người xuất giá tạm ổn. Biết đâu cuối vụ dịch bệnh, đóng cửa biên giới thương lái nghỉ mình chết.” Quay sang vợ đã lướt điện thoại, lơ đãng. Nói trắng ra bàn bạc là để tôn trọng thôi chứ chuyện nuôi rắn một tay Thi làm tất, vợ con chưa bao giờ đụng tay đụng chân. Mãi sau, thị hững hờ: “Tùy anh.”
*
* *
Gã lái buôn lọc những con chưa đạt cân nặng, đa phần là rắn hoang bẫy năm ngoái. Con phì và con cạp nia gã trả giá riêng. Thi dứt khoát không bán. Người bán càng từ chối thì người mua càng đẩy giá lên. “Cả cặp ba triệu bán không?” “Đã bảo không là không.” “Có mối khác à? Thôi thế này nhé, bốn triệu giá cuối.” “Tiền ai chả thích. Ấy thế đôi khi tiền vô nghĩa.” “Tóm lại chốt giá muốn bao nhiêu? Vòng vo mãi.” “Tôi thả phóng sinh.” Gã lái buôn nhất định không tin. Gã có cái lí của gã. “Thả thả có mà dở. Thả thằng khác nó bẫy nó xơi.”
Trăng vành vạnh đầu núi. Ruộng hoang, bóng núi bỗng mất vẻ bí ẩn dưới ánh trăng rờ rỡ ấy. Thi mở túi lưới, mười bảy chú rắn nhỏ đè nhau tuồn tứ phía. Con khoang đen khoang trắng thả tiếp theo. Ra khỏi túi nó cong đuôi nhanh chóng lủi mất dạng. Thi cởi dây buộc, tay nắm chặt đầu túi lưới bởi với con phì cần cảnh giác. Khi đặt túi đứng cách xa mươi bước chân Thi mới chiếu đèn lại. Con phì thả lỏng vòng tròn, đầu nó ra khỏi túi lưới, khúc đuôi quật quật trên miệng. Nó từ từ thè lưỡi sang trái, sang phải, liếm liếm, ngửi ngửi cỏ cây. Hẳn là nó đã cảm nhận được mùi và cảnh quen thuộc. Nhưng nó không đi ngay mà quay lại đầu ngóc cao. Vài giây sau đầu bạnh ra, nó phì phì hai nhịp một ba lần tất cả. Tiếng phì phì thao thiết gọi mời thay bằng khọt khẹt, khừ khừ. Mỗi lần phì phì là một lần nó gập đầu xuống một chút giống hệt hành động người ta cúi đầu tạ ơn. Thi xúc động, một thứ tình cảm lạ lùng không thể gọi tên chạy khắp cơ thể, miệng lắp bắp: “Năm đêm chưa ăn gì đói lắm không? Nhớ bắt chuột bảo vệ mùa màng nhá!” Con phì lúc ấy mới hạ người hướng về phía núi…
Đ.V.H
VNQD