Sự kiện do Hiệp hội Văn bút Hoa Kì - PEN America tổ chức, nhằm đấu tranh cho quyền tự do thể hiện, sau khi tiểu thuyết gia người Anh gốc Ấn thoát hiểm từ vụ ám sát hồi tuần trước.
Sự kiện Stand With Salman: Defend the Freedom to Write (tạm dịch: Đứng cùng Salman: Bảo vệ quyền Tự do Thể hiện), được tổ chức bởi PEN America, thư viện New York và nhà xuất bản Penguin Random House.
Theo đó đám đông tụ tập gần các bậc thang của Thư viện Công cộng New York ở trung tâm Manhattan, với sự hiện diện của các nhà văn để đọc tác phẩm của Salman Rushdie. Đám đông bao gồm rất nhiều thành phần, từ sinh viên, nhà văn, nhà hoạt động chính trị cho đến khách du lịch. Một số nhân viên cảnh sát cùng với cảnh khuyển cũng được bố trí trong khuôn viên này với mũ bảo hiểm và mang theo súng.
Một vài người mặc áo phông trắng với dòng chữ "Read Rushdie" (tạm dịch: Hãy đọc Rushdie) được viết bằng các chữ cái đầy màu sắc. Những người khác thì cầm các banner lớn in bìa sách của ông, bao gồm The Satanic Verses (Những vầng thơ của quỷ Satan), Joseph Anton (tên của cuốn tự truyện và cũng là bí danh trong những tháng ngày trú ẩn ở xứ Wales của Rushide) và Quichotte (tác phẩm mới nhất của ông, ra mắt vào năm 2019).
Nhiều người tập trung ở Thư viện Mahattan.
Một số người cũng mang theo các banner của tổ chức Văn bút Hoa Kì với các trích dẫn từ Rushdie. Một tấm biển viết, “Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là giải trí. Tốt nhất nó nên là một cuộc cách mạng”. Đây là đoạn trích từ một bài phát biểu của Rushdie tại Đại hội Cất lên tiếng nói được tổ chức bởi PEN America vào năm 2012. Một người khác viết, "Nếu chúng ta không tin vào tự do của mình, thì ta không có tự do".
Pamela Marquez, một nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kì đã đi tàu hỏa từ Fairfield, Connecticut đến tham dự. Cô nói với tờ The Guardian: “Điều thực sự quan trọng đối với tôi là bảo vệ quyền dám viết của các nhà văn. Tôi muốn mọi người hiểu thêm về công việc của họ, cách họ đã nỗ lực như thế nào nhưng không nhận được đủ sự công nhận. Và vì vậy đó là lí do tại sao tôi ở đây”.
“Kiến thức là sức mạnh mà chúng tôi có được thông qua sách vở là từ bộ óc sáng tạo của các nhà văn này.” Salem Fray, một giáo viên tiếng Anh ở Harlem, cho biết anh tham dự để đứng lên đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Anh nói: “Tôi sẽ đứng lên phản đối như bất kì ai, và sẵn sàng nói những gì cần phải nói, bất kể kết quả có ra sao đi nữa. Tôi nghĩ đây là hành động cần thiết và rất đúng đắn”.
Trong lời phát biểu mở đầu của mình, đương kim giám đốc điều hành của PEN America, Suzanne Nossel, cho biết: “Khi kẻ sát nhân đâm dao vào cổ Salman Rushdie, hắn ta không chỉ xuyên qua da thịt của một nhà văn nổi tiếng, mà còn là xuyên vào thời gian, khiến tất cả chúng ta giật mình và nhận ra rằng nỗi kinh hoàng của quá khứ hiện về một cách ám ảnh. Hắn ta xâm nhập xuyên biên giới, tạo điều kiện cho cánh tay nối dài của một chính phủ báo thù tàn bạo vươn tới một thiên đường bình yên. Hắn ta đã phá vỡ sự an yên của chúng ta, khiến chúng ta thức trắng ban đêm, suy ngẫm về sự khủng khiếp của những khoảnh khắc cách đây mới đúng một tuần.
“Hắn ta phá vỡ sự thoải mái của chúng ta, buộc chúng ta phải suy ngẫm về sự tự do non nớt của chính mình. Hôm nay, chúng ta tập hợp tại đây để sát cánh cùng Salman, nhà lãnh đạo và là đồng nghiệp kiên cường của chúng ta, người đang phải chịu những cơn đau đớn bởi một fatwa không bao giờ kết thúc. Chúng ta sát cánh cùng Salman trong nỗ lực vực dậy tinh thần của anh ấy, nhưng cũng đồng thời quyết tâm giữ vững cuộc sống của mình".
Nam diễn viên Aasif Mandvi cũng đã trích đọc cuốn tiểu thuyết sắp sửa ra mắt vào đầu năm sau của Rushdie, Thành phố chiến thắng, mà ông đã hoàn thành trước cuộc tấn công. Nó có đoạn “Bản thân tôi giờ đây chẳng là gì cả. Tất cả những gì còn lại chỉ là thành phố của những ngôn từ. Lời nói là thứ chiến thắng sau cùng”.
Nhà văn Jeffery Eugenides tại buổi đọc Salman Rushdie.
Jeffery Eugenides, tiểu thuyết gia người Mĩ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer Lưỡng giới, mở đầu bài đọc của mình với các đoạn từ cuốn Những đứa trẻ nửa đêm xuất bản vào năm 1981 của Rushdie. Bằng cách mô tả khoảng thời gian khi ông còn là một nhà văn trẻ đi lưu diễn ở London, Eugenides nhớ lại rằng ông đã say mê các tác phẩm của Rushdie như thế nào và muốn gặp trực tiếp ông ấy ra sao.
“Tôi đã tra cứu tên của anh ấy trong danh bạ điện thoại ở London. Nó ở đó, dưới mục Rs - Rushdie, Salman, cùng với một địa chỉ và số điện thoại. Tôi đi đến nhà anh ấy, nhưng Salman lại không có ở nhà… Và mẹ vợ của anh đã cho tôi vào… Tôi nói với bà tại sao tôi đến đây, và bà ấy lấy cho tôi một mảnh giấy để tôi đã viết một bức thư và rồi tôi trở lại khách sạn của mình”.
“Đó là thế giới mà chúng ta từng sống, một thế giới mà sự điên rồ duy nhất có thể là khi một nhà văn vô danh ghé thăm một người nổi tiếng khác. Tôi quá háo hức xuất hiện trước cửa nhà Salman. Thế giới đó được gọi là nền văn minh. Chúng ta hãy cố gắng bám vào nó ”.
Các nhà văn khác đã đọc tại sự kiện này bao gồm Reginald Dwayne Betts, Siri Hustvedt, Gay Talese, Colum McCann và Roya Hakakian. Sự kiện đã được phát sóng trực tiếp và PEN America cũng đề nghị những người không thể tham dự thể hiện sự ủng hộ của mình bằng cách tổ chức một buổi đọc công khai tác phẩm của Rushdie trong cộng đồng của mình. Người dùng mạng xã hội được khuyến khích đăng video đọc các đoạn trong tác phẩm của ông lên mạng xã hội và gắn hashtag #StandWithSalman.
Sự kiện này được cũng là một lần mô phỏng trở lại buổi đọc Những vầng thơ của quỷ Satan đã từng tổ chức trước công chúng chỉ vài ngày sau khi fatwa được tuyên thệ chống lại Rushdie vào năm 1989. Lần trước có hơn 3.000 người tham gia. Con trai của Rushdie, Zafar Rushdie, người đã ở cùng cha mình trong bệnh viện, cũng đã tweet rằng “thật tuyệt khi thấy đám đông tụ tập bên ngoài thư viện”.
Sự kiện diễn ra chỉ sau một ngày sau khi thẩm phán ở Mayville, New York, từ chối cho Hadi Matar, 24 tuổi, người đã không nhận tội cố gắng giết người và hành hung Rushie,được bảo lãnh. Khi ở trong tù, Matar nói với tờ The New York Post rằng anh ta coi Rushdie là người chống Hồi giáo và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “lãnh tụ tôn giáo” Ayatollah.
THUẬN NGÔ Dịch từ The Guardian và The New York Post
VNQD