Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và Thư viện Quốc gia Pháp, ngày 8/8, TS. Nguyễn Giáng Hương có buổi thuyết trình Một số vấn đề về lưu trữ và chia sẻ tư liệu trong nghiên cứu khoa học xã hội, tại Viện Văn học. Đây là sự kiện trao đổi tư liệu, trao đổi chuyên gia trong bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên được kí kết từ năm 2017.
TS. Nguyễn Giáng Hương (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp - Thư viện Quốc gia Pháp)
Do đặc điểm lịch sử, có nhiều tư liệu về Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại các thư khố nước ngoài. Điều đó khiến cho những nỗ lực nghiên cứu về Việt Nam đôi khi gặp khó khăn bởi các yếu tố khách quan. Để khắc phục tình trạng đó, Thư viện số Hoa Phượng vỹ (thuộc Thư viện Quốc gia Pháp – nơi được xem là kho tư liệu lớn nhất thế giới về Việt Nam và Đông Dương, Đông Á) đã được khai trương. Đây là một thư viện trực tuyến với nguồn tư liệu số hóa dồi dào, truy cập toàn cầu một cách dễ dàng (tại địa chỉ: https://heritage.bnf.fr).
Về nội dung tư liệu, Thư viện Hoa Phượng vỹ bao gồm các ghi chép tiếng Việt, tiếng Pháp về Việt Nam và Đông Dương, Đông Á. Không chỉ có sách, tại đây còn nhiều báo chí, bản đồ, hiện vật với niên đại từ thế kỉ XVII đến 1954.
Về cấu trúc, Thư viện Hoa Phượng vỹ hiện ra với cấu trúc liên ngành trong việc phân chia mục tra cứu. Cụ thể, có 8 mục chính: Lưu chuyển -Truyền thống - Tư tưởng - Văn học - Chuyển giao văn hóa - Các triều đại và chính quyền -- Khoa học và xã hội - Đời sống kinh tế. Bên trong các mục này có nhiều tiểu mục, đáp ứng yêu cầu cụ thể hơn của người tra cứu. Chẳng hạn, mục Truyền thống gồm: Phong tục - Kĩ nghệ - Nghệ thuật truyền thống; Tư tưởng: Phật giáo, Đạo Cao Đài, Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Tín ngưỡng bản địa, Triết học phương Tây.
Điểm đặc biệt trong cấu trúc của các mục chính là có phần giới thiệu và dẫn nhập của các chuyên gia đầu ngành. Sự bình đẳng trong tư cách chuyên gia của những dẫn nhập này nhấn mạnh đến tư thế của các quốc gia trong mối quan hệ học thuật là điểm mà Thư viện Hoa phượng vỹ đã tinh tế gửi gắm. Nhận định về mối quan hệ này, ngài Michel Espagne (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) cho rằng: “Hành trình khám phá châu Á đã mang lại vô số những ghi chép uyên bác về hành chính, y tế, luật pháp, tôn giáo do người Việt Nam và người Pháp để lại, kiến tạo nên một đối tượng nghiên cứu độc đáo, một loại hình văn hóa bác học lai hợp in dấu trong các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp và của Thư viện Quốc gia Việt Nam, tiêu biểu là kho lưu chiểu Đông Dương. Lịch sử nước Pháp đan xen với lịch sử Việt Nam, có những điểm khác nhau nhưng cũng có những tương đồng, chính điều đó dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường tìm kiếm cứ liệu” (Lời giới thiệu Thư viện Hoa Phượng vỹ - https://heritage.bnf.fr).
Có thể nói, việc khai trương Thư viện Hoa Phượng vỹ với những động thái chia sẻ tích cực về mặt tư liệu đã tạo nên cơ hội rất lớn cho những nghiên cứu về Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Từ đây, “đã mở ra một chương mới” (Michel Espagne) cho những nỗ lực phục hoạt một Việt Nam từ trong quá khứ.
LÊ PHONG
VNQD