Dòng chảy

Công tác chính sách trong Quân đội: Ý Đảng hợp lòng dân

Thứ Tư, 27/07/2022 15:53

Ngày 7 tháng 1 năm 1947, trong thư chia buồn gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng khi biết tin con trai ông là Vũ Chí Thành - tự vệ thành Hoàng Diệu vừa hi sinh ngày 2 tháng 1, Hồ Chủ tịch đã viết: “Tôi được báo cáo rằng con của Ngài đã oanh liệt hi sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên hình như tôi mất đi một đoạn ruột. Những cháu và anh chị em khác dũng cảm hi sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống loài. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ...”

Kể từ ngày Bác gửi bức thư, tới nay đã 75 năm mà lời lẽ trong thư vẫn vô cùng xúc động. Bác Hồ chính là người đặt nền móng cho Ngành Chính sách Quân đội. 75 năm qua, hành trình thơm thảo của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước và Quân đội, đã sớm xác định và luôn được bồi đắp, chăm lo sâu sắc tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh ngay từ những năm đầu mới giành được độc lập. Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Quang Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị về chặng đường trưởng thành toàn diện và những dấu mốc đáng ghi nhận của công tác Chính sách trong Quân đội.

Đại tá Đoàn Quang Hòa

VNQĐ: Thưa đồng chí Đại tá Đoàn Quang Hòa, nhìn lại 75 năm, một hành trình ba phần tư thế kỉ với những đóng góp lớn lao, thiết thực, kịp thời, giàu ý nghĩa của hoạt động Chính sách trong Quân đội, đồng chí có thể khái quát những nét cơ bản của mảng công tác này trong chặng đường 75 năm?

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Trước tiên, tôi xin thay mặt cán bộ, nhân viên Ngành Chính sách Quân đội cảm ơn các nhà văn đã quan tâm tới mảng hoạt động hết sức quan trọng này. Chặng đường 75 năm hoạt động Ngành Chính sách Quân đội là chặng đường với nhiều dấu mốc, thành tựu mà tựu trung nhất là luôn noi theo lời dạy của Bác Hồ. Từ những ngày đầu tiên, Bác Hồ đã khẳng định sự ghi nhớ, tri ân những đóng góp máu xương của người chiến sĩ rằng: Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Đó cũng là định hướng xuyên suốt trong hành động của Ngành Chính sách Quân đội cho tới hôm nay.

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, sự giúp đỡ, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước, Ngành Chính sách Quân đội đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với Quân đội, hậu phương quân đội; chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, củng cố niềm tin của nhân dân và các đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào quá trình chiến đấu và chiến thắng, xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đó cũng là quán triệt và thực hiện sâu sắc lời Bác Hồ đã căn dặn.

VNQĐ: Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách. Dù bộn bề công việc, Bác vẫn luôn dành thời gian để thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Trong các bài viết, bài nói của mình, đặc biệt trong Thư gửi tới các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ ngày 27 tháng 7 năm 1950, Người đã viết: “Ngày 27 tháng 7 là một ngày kỉ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình liệt sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hi sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta... Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức. Và tôi trân trọng gửi các anh em thương binh và gia đình các tử sĩ lời chào thân ái và quyết thắng!”

Trong một lá thư khác, Hồ Chủ tịch lại nhắn nhủ và khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do”.

Tình cảm thiêng liêng của Hồ Chủ tịch dành cho xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách đã tác động như thế nào tới các hoạt động của Ngành Chính sách Quân đội hiện nay?

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Phải nói rằng rất xúc động và hết sức thiêng liêng mỗi khi chúng ta đọc lại những bức thư của Hồ Chủ tịch gửi nhân Ngày Thương binh liệt sĩ. Máu xương của mỗi người con Việt Nam ngã xuống vì Tổ quốc không thể đo đếm bằng vật chất, nhưng tình cảm của Hồ Chủ tịch tới từng con người cụ thể, tới toàn thể những người đã hi sinh, đã cống hiến một phần thân thể đã khẳng định một điều: Dân tộc ta, nhân dân ta mà đứng đầu là Hồ Chủ tịch luôn hết sức tri ân, nghĩa tình, dành những gì tốt đẹp nhất có thể với những người có công với nước. Từ những ngày đầu cách mạng tới chặng đường chống Pháp, chống Mĩ, các cuộc chiến tranh hai đầu biên giới, những ngày hòa bình và hôm nay là đất nước trên đà đổi mới với những thành tựu lớn lao thì công tác thương binh liệt sĩ, trong đó có các hoạt động của Ngành Chính sách Quân đội đã luôn quán triệt thực hiện đúng đắn, sáng tạo trên tinh thần những lời dạy của Bác Hồ. Mỗi bức thư của Hồ Chủ tịch thường rất ngắn, những câu nói của Bác thường rất giản dị nhưng ý nghĩa hết sức sâu sắc và luôn có tính thời sự. Bác căn dặn: “Tôi mong rằng, các đoàn thể văn hóa, công nhân, nông dân, phụ nữ, nhi đồng và các bộ đội hoặc đến an ủi thương binh và gia đình liệt sĩ, hoặc viết thư thăm hỏi, ai sẵn quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến...” Đó đều là những căn dặn hết sức thiết thực, cụ thể, chí nghĩa, chí tình với nhân dân ta, bộ đội ta. Chúng tôi luôn tâm đắc và tâm nguyện một điều, công tác chính sách luôn bắt đầu từ những điều cụ thể, con người cụ thể, sự việc cụ thể và nhất là phải được thực hiện bằng cái tâm và tấm lòng yêu thương, bác ái. Đất nước chúng ta có thời gian rất khó khăn, bị bao vây ngặt nghèo về kinh tế, người dân còn thiếu ăn, thiếu mặc; bộ đội ta cũng khó khăn, thiếu thốn rất nhiều nhưng thực hiện những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, công tác Chính sách Quân đội đã vượt qua vô vàn khó khăn để làm tốt nhất và có được những thành tựu, dấu mốc đáng tự hào.

VNQĐ: Đối với công tác Chính sách Quân đội, trong suốt chặng đường trưởng thành của mình luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành... Từ nền tảng ấy, đã dựng xây nên thành tích nổi bật qua các thời kì. Nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, xin đồng chí chia sẻ những thành tích nổi bật trong thời kì chống Pháp và chống Mĩ tới dấu mốc Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Chúng tôi luôn tự hào về chặng đường phát triển và trưởng thành của mình. Ngay sau khi được thành lập, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh các khu đã chủ động, tích cực làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gây dựng được phong trào cả nước ủng hộ thương binh; đề xuất và tổ chức tốt Lễ phát động Ngày Thương binh toàn quốc, vận động toàn dân chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ (ngày 27 tháng 7 năm 1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ đó, ngày 27 tháng 7 hàng năm được lấy là Ngày Thương binh liệt sĩ.

Các mặt công tác chính sách được hình thành và phát triển đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, như: chính sách cung cấp đảm bảo mức sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ; công tác thương binh, tử sĩ là một mặt hoạt động rất quan trọng, góp phần giữ vững tinh thần chiến đấu của bộ đội; chính sách khen thưởng, động viên, cổ vũ kháng chiến, nâng cao chí khí chiến đấu của quân và dân.

Cùng với đó, công tác chính sách hậu phương quân đội cũng ngày càng phát triển và trở thành một mặt quan trọng của công tác chính sách; nhiều cuộc vận động quyên góp nuôi dưỡng bộ đội, ủng hộ kháng chiến đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân như: quỹ độc lập; quỹ đảm phụ giải phóng; hội mẹ chiến sĩ; phong trào “Mùa đông binh sĩ”.

Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù hoàn với muôn vàn khó khăn, ngặt nghèo nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, công tác chính sách đã hình thành và phát triển, từng bước phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, công tác chính sách được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đặt thành một nội dung hoạt động lớn, với những bước phát triển mới cả về công tác nghiên cứu, đề xuất, ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nổi bật là:

Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân và ưu đãi quân nhân phục viên.

Tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện các chế độ, chính sách về nghĩa vụ quân sự, quân hàm, tiền lương, khen thưởng.

Ban hành nhiều huân, huy chương, như: Huân chương Quân giải phóng, Huân Huy chương Chiến thắng, Huân Huy chương Kháng chiến. Khen thưởng động viên phong trào thi đua xây dựng Quân đội.

Chính từ những chủ trương, chính sách đúng đắn đã góp phần củng cố hậu phương, động viên tiền tuyến, tập trung toàn lực giải phóng miền Nam. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất non sông là công sức, trí tuệ, xương máu của toàn quân và dân ta, trong đó có những đóng góp nhất định của công tác chính sách và Ngành Chính sách Quân đội.

Đồng chí Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An (07/6/2022)

VNQĐ: Trong chặng đường mới, có không ít khó khăn, thử thách, nhất là khi đất nước phải giáp mặt với đói nghèo, lạc hậu. Song, công tác Chính sách trong Quân đội bằng niềm tin, trí tuệ và sự sáng tạo của mình, luôn bám sát đời sống nhân dân, đời sống bộ đội, nhất là đời sống các gia đình đối tượng chính sách để có sự tham mưu và thực hiện tốt nhất các chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí hãy khái quát những nét tiêu biểu, những thành tích nổi bật trong thời kì Đổi mới đến hôm nay với bạn đọc?

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Công tác chính sách trong thời kì đầu đổi mới (1986-2005) đã được tiến hành toàn diện từ đòi hỏi thực tiễn. Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, tham mưu, đề xuất với trên ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chế độ, chính sách, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và hậu phương quân đội; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc trong điều kiện mới. Tổ chức biên chế của ngành được tiếp tục củng cố, kiện toàn, phát triển, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng Quân đội, hậu phương quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là:

Tiếp tục đề xuất và thực hiện các chính sách đối với quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia; chăm sóc thương binh, bệnh binh.

Hướng mạnh hoạt động tham mưu đề xuất và thực hiện các chính sách đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phục vụ những sự kiện chính trị lớn của đất nước; tôn vinh người có công với nước, đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội.

Công tác hậu phương quân đội được đẩy mạnh, có những bước phát triển mới, sâu rộng, góp phần giải quyết khối lượng lớn những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh.

Cũng từ thực tiễn sau hàng chục năm chiến tranh kết thúc, tồn đọng chính sách còn rất nặng nề, bức xúc, tác động lớn đến tình hình xã hội, Cục Chính sách đã chủ động nghiên cứu giúp Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ ban hành bổ sung Chỉ thị tiếp tục giải quyết những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh (năm 1991), Chỉ thị về công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ (năm 1993); về công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh ở Lào (năm 1994), ở Campuchia (năm 2000). Kết quả đó đã góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội ở từng địa phương và trong cả nước; có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc.

Công tác Chính sách (2006-2022) đã có bước trưởng thành mới. Ngành Chính sách Quân đội đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng tại ngũ, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của Quân đội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đạt hiệu quả thiết thực trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với người có công trong Quân đội; đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần thiết thực chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.

Tập trung tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, giải quyết khối lượng lớn các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh.

Bám sát tình hình thực tiễn, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo, chủ động đề xuất và chỉ đạo thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Chủ động đề xuất và chỉ đạo thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được dư luận đánh giá cao, góp phần tích cực bảo đảm tình hình an sinh xã hội trong thời kì mới.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị; gắn liền với sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân ta, 75 năm qua, từ tổ chức tiền thân là Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục, Ban Thương binh ở các khu, Ngành Chính sách Quân đội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, linh hoạt, công tác chính sách đã từng bước cụ thể hóa, pháp luật hóa, hoàn thiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các vấn đề chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự phát triển, trưởng thành của Quân đội, nguyện vọng của bộ đội và đối tượng chính sách. Với những nỗ lực ấy và những thành tựu đạt được, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng những phần thưởng cao qúy. Nhiều cán bộ công tác trong ngành không ngừng tiến bộ và trưởng thành, phát triển thành cán bộ cấp tướng, giữ các cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, làm rạng ngời thêm truyền thống vẻ vang của Ngành Chính sách Quân đội. Những thành công của công tác Chính sách Quân đội trong các thời kì càng khẳng định và làm sáng tỏ thêm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỉ luật nghiêm”.

VNQĐ: Phải khẳng định rằng, quan điểm “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỉ luật nghiêm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nền tảng vững chắc, tạo ra hành trình thuận chiều của công tác Chính sách trong Quân đội, bởi những điểm căn cốt nhất, sát sườn với đời sống nhân dân nhất đều xuất phát từ trái tim hướng tới trái tim. Chính sự đồng cảm và đồng thuận ấy đã góp phần tạo dựng nền tảng để một đất nước như Việt Nam với hàng triệu đối tượng, gia đình chính sách, người có công có được sự ấm no, hạnh phúc. Phải chăng đó cũng chính là tiếp nối đạo lí và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta?

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Đúng vậy! Phải khẳng định rằng, truyền thống và đạo lí “Ăn quả nhớ người trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”… chính là bản chất tốt đẹp từ cội nguồn của người Việt luôn trao truyền, tạo những dòng chảy mạnh mẽ, xuyên suốt tới hôm nay. Một dân tộc mà cha ông ta đã chủ trương Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) thì nhất định luôn lấy nhân nghĩa làm đầu, sức dân làm trụ nước. Trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, muốn khơi được sức dân, trước hết phải chăm lo đến đời sống của nhân dân. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng thì việc chăm lo tới đời sống của các đối tượng chính sách cũng chính là góp phần chăm to tới đời sống của nhân dân, ổn định xã hội và phát triển đất nước một cách bền vững. Bởi vậy, có thể khẳng định, những hoạt động toàn diện của công tác Chính sách trong Quân đội đã góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội, của Quân đội ta.

VNQĐ: Tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Ngành Chính sách Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kì mới đã và đang đặt ra như thế nào với đội ngũ những người làm công tác Chính sách trong Quân đội hiện nay, thưa đồng chí?

Đại tá Đoàn Quang Hòa: Trong thời gian tới, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội và hậu phương quân đội có sự phát triển mới; nhiệm vụ công tác chính sách phải triển khai với khối lượng lớn và yêu cầu cao. Để đáp ứng lòng mong mỏi của bộ đội và nhân dân, sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ngành Chính sách Quân đội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, nỗ lực cố gắng hơn nữa để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Đối với đội ngũ những người làm Chính sách trong Quân đội, phải luôn luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị, của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan chính trị các cấp, luôn xác định phải thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ một cách chủ động và sáng tạo, thực hiện đúng đắn và toàn diện đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ những người làm công tác Chính sách trong Quân đội rất tự hào và tự tin trong chặng đường tiếp theo của mình, bởi bên cạnh chúng tôi chính là niềm tin vô hạn của nhân dân và chiến sĩ luôn đồng thuận và đồng hành, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để các hoạt động công tác Chính sách trong Quân đội có bước phát triển mới, góp phần phục vụ tốt hơn, công bằng và hữu ích hơn trong đời sống xã hội.

Cuộc sống hôm nay đang diễn ra rất sôi động. Bộ mặt của đất nước ta đang phát triển và hướng tới văn minh, sánh vai với bè bạn năm châu đúng theo tâm nguyện của Bác Hồ. Trong những thành tựu đáng tự hào ấy, hành trình làm theo lời Bác, thuận ý Đảng, lòng dân của công tác Chính sách trong Quân đội đã góp phần tạo dựng và tiếp tục phát huy hình ảnh, vẻ đẹp bộ đội Cụ Hồ với đất nước, với nhân dân.

VNQĐ: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã tham gia cuộc đối thoại này!

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)