Nhân dịp tiểu thuyết Một ví dụ xoàng được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 18/7/2022, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại”.
Bài liên quan:
một ví dụ xoàng, một cõi đời xoàng
Tọa đàm do Viện Văn học phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân nghệ thuật với lối viết biến ảo và phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết truyền thống. Nguyễn Bình Phương cũng tạo nên thế giới dị biệt nhưng không hề xa lạ với đời sống đương đại. Mỗi tiểu thuyết của ông là hành trình khám phá con người ở chiều sâu của vô thức hay trong “bản năng gốc” của nó. Tuy vậy, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không dễ tiếp nhận và luôn gây nhiều tranh cãi, với những đánh giá đa chiều.
Nhận định có tính tổng quát, đề dẫn cho những trao đổi học thuật liên quan đến tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học nêu lên 4 điểm rất đáng chú ý: Thứ nhất, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như một sự tuyên bố từ chối các đại tự sự để chú ý vào các tiểu tự sự, các vi lịch sử từ đời sống. Thứ hai, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường không quá dài, nhưng đó là những cấu trúc đa tầng, đầy thách thức. Thứ ba, Nguyễn Bình Phương có ý thức thúc đẩy quá trình liên văn bản để kết nối các bình diện văn hóa, tri thức, văn học, lịch sử. Thứ tư, ngôn ngữ tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang nhiều dấu ấn cách tân. Có thể nói, với những điểm nổi bật đó, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương luôn vẫy gọi sự tham dự, diễn giải từ công chúng văn học.
GS Trần Đình Sử tham luận tại tọa đàm.
Chú ý đến chủ đề tư tưởng của tiểu thuyết Một ví dụ xoàng, GS.TS Trần Đình Sử trong tham luận “Tự sự về cái ác - đọc Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương” nhấn mạnh, đây là tác phẩm viết về cái ác. Cái ác bao trùm tác phẩm. Những cái ác bên ngoài pháp luật, những cơ chế - điều kiện nào đã dung dưỡng cho cái ác, biến người ta trở nên tàn ác, trở thành kẻ có tội… Từ việc đọc tiểu thuyết này, Trần Đình Sử cũng cho rằng, cốt truyện của tác phẩm đơn giản, chuyện không mới, Một ví dụ xoàng nhưng không xoàng. Đó là lời cảnh báo về tình trạng thiếu vắng lương tâm, tình người, tính người, sự lên ngôi của cái ác… Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong ý kiến bình luận về tham luận của GS Trần Đình Sử đã bày tỏ, tiểu thuyết Một ví dụ xoàng là cuốn sách đầu tiên được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở nhiệm kì mới. Sự kiện này phá vỡ tiền lệ những người trong Ban chấp hành không nhận giải. Có thể nói, giải thưởng Hội Nhà văn trao cho Một ví dụ xoàng là rất thuyết phục. Vấn đề không chỉ là những hiện diện của cái ác, mà quan trọng hơn, cuốn sách nói với chúng ta về tình trạng: Cái ác trong cách nhìn của chúng ta về giá trị con người.
Chú ý đến khía cạnh ngôn ngữ như một biểu đạt thực tại, nhà văn Văn Chinh cho rằng, Nguyễn Bình Phương đã xuống tận đáy của ngôn ngữ, để tìm đến thật gần với những thực tại bị che giấu bởi ngôn ngữ quan phương. Theo nhà văn Văn Chinh, đó là một nỗ lực quan trọng của Nguyễn Bình Phương trong việc phục dựng lại thế giới ngôn ngữ đã bị tha hóa bởi truyền thông và văn hóa đại chúng. Cũng trên bình diện ngôn ngữ, PGS.TS Lê Dục Tú nhấn mạnh đến dấu ấn của văn hóa cộng đồng trong ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Cụ thể, nhà nghiên cứu nhận ra, khi tác giả tiểu thuyết sử dụng lớp ngôn từ thô tục, trần trụi, những câu văn trống không hay tỉnh lược… đã cho thấy một hiện trạng ngôn ngữ văn hóa xã hội đang diễn ra trong đời sống. Đồng thời, thực tại ngôn ngữ đó cũng nói lên tính chất phân mảnh, đứt đoạn của văn hóa hiện nay.
Nhà thơ Phan Hoàng phát biểu tại tọa đàm.
Tập trung vào cuốn Một ví dụ xoàng, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhấn mạnh tính chất phi truyền thống trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Chiến lược tự sự phi tuyến tính đã nói lên điều đó. Mặt khác, nhìn từ bình diện chức năng giáo dục của văn chương, dường như tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không minh họa cho một ý niệm dạy dỗ, bảo ban nào. Đó là một hành trình tự thấm thía, tự nhận ra những giá trị đang tồn tại trong đời sống và trong văn chương, nghệ thuật. Về mặt phong cách, Hoàng Đăng Khoa cho rằng, Nguyễn Bình Phương có phong cách đa dạng nhưng thống nhất, rất dị biệt nhưng không đứt lìa văn mạch dân tộc. Văn Nguyễn Bình Phương giàu chất điện ảnh, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn.
Chú ý đến hình tượng người điên và diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Thoạt kì thủy, nhà phê bình Vũ Kiều Chinh cho rằng tiểu thuyết này “có kết cấu phân mảnh, các mảnh xoay quanh cuộc đời của một người điên, trong đó có một mảnh dành cho tính dục. Khi đặt tính dục bên cạnh thế giới của người điên, ta có cơ hội đối thoại ngược trở lại với những diễn ngôn tính dục của những người (được cho là) “bình thường”. Khi đặt tính dục vào trong mạch tâm thức của nhân vật điên, ta có cơ hội được khám phá những khả thể mới mẻ của tính dục, những quan niệm mới về thân xác trong logic của vô thức”. Tham luận gợi lên cho cử tọa những câu hỏi như: thế nào là người điên? Thế nào là người bình thường? Nếu xóa bỏ màu sắc giới thì tính dục còn lại gì? Đây là một tham luận khá thú vị từ một người viết trẻ với góc nhìn sắc sảo, rất đáng chú ý.
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã được nêu lên, đánh giá những chuyển động thuộc về tư tưởng, chủ đề, cảm hứng, ngôn ngữ, cách viết của Nguyễn Bình Phương trong tiểu thuyết. Nhà văn Phùng Văn Khai nhấn mạnh: Nguyễn Bình Phương lựa chọn cách viết riêng - kiểu Nguyễn Bình Phương, để bày tỏ những trăn trở về thực tại đời sống, theo cách của ông. Nhà thơ Phan Hoàng lại nêu lên những suy tư về con đường của văn chương trong việc kiến tạo các giá trị nhân văn của đời sống, từ trường hợp Nguyễn Bình Phương. PGS.TS Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh hơn đến một kiểu diễn ngôn mới/ khác về văn chương thông qua những trang viết của Nguyễn Bình Phương. Dường như, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên một mô hình tiểu thuyết mới, một lối tiếp cận hiện thực mới, một thực tại mới (trong tương quan với tiểu thuyết truyền thống). Như vậy, đặt vào chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Bình Phương.
TS Huỳnh Thu Hậu đến từ Đại học Quảng Nam phát biểu tại tọa đàm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong ý kiến phát biểu của mình đã nhận định, Nguyễn Bình Phương có một giọng điệu riêng, không giống ai, nhưng đó là kiểu của anh. Vì thế, Nguyễn Bình Phương độc đáo. Lựa chọn cách viết độc đáo đó, Nguyễn Bình Phương lên tiếng về các căn bệnh đáng báo động trong xã hội. Đó là sự xuống cấp của đạo đức, sự vô cảm của con người, xã hội. Cũng chú ý đến nét riêng khác trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, đó là một người viết có có ý thức sống lặng lẽ và viết “rối rắm”. Viết rối rắm một cách có ý thức như là cách thức biểu đạt sự rối rắm, hỗn mang của đời sống, của thực tại. Khác với Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sau khi phân tích một số trường hợp tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã đi đến nhận định: Nguyễn Bình Phương là một trường hợp cho thấy tính đồng quy của những giá trị văn chương, không phân biệt các không gian đọc khác nhau.
Tọa đàm “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại” còn nhận được nhiều tham luận đến từ nhiều nhà nghiên cứu, phê bình tâm huyết khác. Tuy nhiên, do thời lượng của buổi tọa đàm, nhiều ý kiến chưa được trao đổi tại diễn đàn. Mặc dù vậy, nhìn vào những vấn đề đã được gợi lên, Ban tổ chức cũng như những người quan tâm đến sự vận động của văn học Việt Nam đương đại sẽ có thêm có sở để hi vọng về một đời sống văn chương - học thuật sôi nổi hơn, bám sát những chuyển động của sáng tác cũng như tiếp nhận các giá trị văn chương ở Việt Nam.
Nguyễn Bình Phương là tác giả tiểu thuyết nổi bật của văn học Việt Nam đương đại. Kể từ khi những tác phẩm đầu tiên ra mắt năm 1991, trong hơn 30 năm qua, Nguyễn Bình Phương luôn bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật độc đáo với 10 cuốn tiểu thuyết ấn tượng (Vào cõi - 1991, Bả giời - 1991, Những đứa trẻ chết già - 1994, Người đi vắng - 1999, Trí nhớ suy tàn - 2000, Thoạt kì thủy - 2004, Ngồi - 2006, Xe lên xe xuống - 2011 (sau đổi tên thành: Mình và họ - 2014), Kể xong rồi đi - 2017, Một ví dụ xoàng - 2021). Tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học đến từ Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Hồng Đức, Đại học Quảng Nam, Đại học Phú Yên, Đại học Thủ Dầu Một, Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông Inalco (Pháp), Tạp chí Nhật Lệ, Báo Nhân dân và các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy văn chương khác trong cả nước. |
NGUYỄN THANH TÂM
VNQD