Làm cách nào độc giả có thể hiểu rõ một ngành nghệ thuật có lịch sử lâu đời cũng như đặc biệt như là hội họa, khi trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, đây không hẳn là những kiến thức được dạy hay dễ dàng tiếp cận nếu không có hứng thú riêng? Câu hỏi này sẽ nói lên vai trò của những tác phẩm hướng dẫn, chỉ dẫn sơ lược về hội họa.
Nếu trước đây Nxb Kim Đồng từng cho ra mắt Đến với nghệ thuật của tác giả Rosie Dickins dành cho lứa tuổi thiếu nhi với những hướng dẫn căn bản nhất, thì mới đây sau hơn 10 năm ra mắt, Nxb Trẻ đã ấn hành lại Hiểu Và Thưởng Thức Một Tác Phẩm Mỹ Thuật của nhà nghiên cứu Kathy Statzer dành cho lứa tuổi trưởng thành, và cũng có thể được xem là cánh cửa hướng dẫn những người muốn đi vào môn nghệ thuật này.
Hiểu Và Thưởng Thức Một Tác Phẩm Mỹ Thuật do Nxb Trẻ phát hành, Diệp Thanh Trúc dịch.
Theo đó đây không chỉ là những hướng dẫn căn bản nhất về các thời kì hội họa nổi bật, mà đó còn là quá trình dẫn dắt độc giả tự tìm hiểu và tự thấy mình qua các di sản để lại. Có kinh nghiệm hơn 2 thập kỉ giảng dạy trong ngành hội họa, Kathy Statzer thấy rằng thậm chí với giới chuyên ngành, các trường mĩ thuật chỉ dạy kĩ thuật để vẽ, còn mĩ cảm thuộc về phần riêng mỗi người, và không ít người cảm thấy khó khăn đi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật.
Hiểu Và Thưởng Thức Một Tác Phẩm Mỹ Thuật là tác phẩm đa phương tiện, với việc đọc, tự vấn và trả lời những câu hỏi được hướng dẫn cũng như bản thân người đọc sẽ tự đặt ra. Tập trung kích thích cảm nhận cá nhân của mỗi độc giả, cuốn sách này giúp họ trò chuyện với người hướng dẫn, giúp họ thông qua nghệ thuật mà soi thấy mình, để hiểu bản thân hơn và nghe được tiếng nói bên trong chính bản thân mình.
Lướt từ thời kì sơ khai với những bức vẽ trên vách đá hang động của thời tiền sử gắn liền với sự sinh tồn… cho đến thế kỉ XX, khép lại bằng bi kịch của danh họa người Hà Lan, Van Gogh; Kathy Statzer chắt lọc để mang đến những kiến thúc chung nhất và cơ bản nhất và các trường phái cũng như đặc trưng hội họa. Theo đó, người đọc biết được hình tượng tuần lộc, sơn dương, ngựa, bò tót… tìm thấy trong hang Lascaux ở Pháp đã góp phần nào phản ánh nhu cầu vật chất của người tiền sử, từ đó gợi nên một sự tôn trọng, biết ơn và tôn kính phương thức tồn tại của mình. Theo đó đặc trưng của thời kì này là những con bò tót có kích thước và tỉ lệ nổi bật, gửi gắm một sự trân trọng to lớn; trong khi hội họa Ai Cập tiếp sau thì tập trung vào những pho tượng đẹp không tì vết, vì họ quan niệm đây là vật chứa vĩnh hằng cho các linh hồn.
Hội họa lên đến đỉnh cao vào thời Hy Lạp cổ đại với sự tự nhận thức về cái đẹp, nhưng vẫn còn cứng nhắc bởi ánh nhìn trực diện. Chỉ đến khi nền hội họa Hy Lạp cổ điển gắn với cái đẹp thì mới kịp mô phỏng hiện thực với những trí óc minh mẫn trong cơ thể tráng kiện, mà di sản để lại đến tận ngày nay là tượng Lực sỹ ném đĩa của Myron hay các công trình cột Caryatid phản ánh "phụ nữ nâng đỡ công trình".
La Mã tiếp nối Hy Lạp thống trị thế giới, và làm nên nghệ thuật của quyền lực với các đặc trưng là sự đối xứng có phần hoàn hảo. Thời kì này cũng góp phần để lại kiến trúc khung vòm không giói hạn, từ đó bước sang nghệ thuật Thánh thần thời kì Trung Cổ. Đánh dấu bước chuyển tiến lớn khi từ chủ nghĩa hiện thực Hy-La chuyển sang quan tâm hơn đến tôn giáo, tuy nhiên cũng như hội họa Hy Lạp cổ đại, thời kì này nét vẽ nhiền phần cứng nhắc, và quan trọng hơn là tập trung vào các vầng hào quang và coi những yếu tố thiêng liêng là trên hết.
Tác phẩm Ngày 3 Tháng 5 Năm 1808 của danh họa Goya trong cuốn sách.
Phát triển rực rỡ ở Ý là hội họa Phục hưng với đặc trưng coi trọng cảm xúc con người. Vào thời điểm này, nhìn chung nền hội họa vẫn theo truyền thống Kito giáo nhưng bích họa đã hiện đại, uyển chuyển và mềm mại, có khối lượng và thể tích hơn. Thời đoạn này cũng đánh dấu các kĩ thuật mới như tạo không gian, đổ bóng, trực giao… trong các dấu ấn đậm tính cá nhân, như việc kết hợp giữa khoa học và thiên nhiên (Leonardo de Vinci), giữa con người và tâm hồn (Michellango) hay giữa thế giới thần thánh và thế tục (Van Eyck).
Các giai đoạn nối tiếp Phục hưng gắn liền với những bối cảnh lịch sử, chính trị, tôn giáo của phương Tây. Theo đó, phong trào kịch tính Baroque bắt nguồn từ cuộc nổi dậy chống giáo hội thối nát, thoát khỏi sự kiềm chế của văn hóa phục hưng, đã sản sinh ra các danh họa như Carravagio với sự hung hãn, năng lượng và ánh sáng chói lòa của sân khấu; hay Rembrant đặc tả yếu tố Baroque của đời sống thường ngày.
Rococo phù hoa phát triển trong sự dịu dàng, lí tưởng, mềm mại và sáng sủa… trong sự tương phản một cách hoàn toàn với tình hình thực tế bấy giờ, nhưng bị coi là trống rỗng hoàn toàn. Chủ nghĩa Tân cổ điển với sự đổi mới trong không - thời gian, các nhân vật cân đối hoàn hảo… chuẩn bị bước tiến cho chủ nghĩa lãng mạn với sự đam mê, sợ hãi, choáng ngợp cũng như siêu phàm. Chủ nghĩa tấn tượng tiếp nối đối lập một cách trực tiếp với nghệ thuật vĩnh hằng, tiên phong chống đối cách vẽ hàn lâm.
Monet là một trong những nghệ sĩ tiên phong cho trào lưu này. Ông quan tâm đến chủ nghĩa hiện thực, đến cuộc sống đương đại và can đảm bộc lộ các mặt xấu xí. Ông và những nghệ sĩ cùng thời thích thú với thứ "ánh sáng thoáng qua" của chủ nghĩa ấn tượng, khi tập trung kí họa những thời khắc thoáng qua với các nét vẽ nhanh, hình khối thô, và chủ yếu là vẽ ngoài trời. Paul Cezanne như đại diện tiêu biểu cho trường phái hậu ấn tượng, khi ông phá vỡ hình khối ba chiều truyền thống, không cần biên giới, đường nét để cho mọi thứ tan hòa vào nhau.
Khép lại các giai đoạn trên với danh họa yểu mệnh Van Gogh, một người được mô tả như đầy sâu sắc, nhạy bén, tự chủ và nhạy cảm. Trong hơn 10 năm cầm cọ ngắn ngủi, ông đã để lại 800 bức vẽ chỉ trong 10 năm, và tất cả chúng đều rất đậm "tính người". Từ những nội dung và đặc trưng chính, Kathy Statzer đòi hỏi người đọc những sự liên tưởng tương tự với câu chuyện của bản thân mình. Cô hướng dẫn độc giả đi vào thời đoạn lịch sử nơi tác phẩm ra đời, cô chỉ cho họ cảm nhận đặc tính thiêng liêng cũng như khoa học của từng tác phẩm, để họ tạo ra những câu chuyện riêng và những lăng kính riêng, từ đó có cơ hội thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.
Hiểu Và Thưởng Thức Một Tác Phẩm Mỹ Thuật là cuốn sách phổ quát và rất cần thiết cho những "người nhập môn", cũng như những ai muốn tìm tiếng nói đồng cảm với những sáng tạo mà những nghệ sĩ đã để lại. Dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo, Kathy Statzer mở sẵn cánh cửa và mời gọi những người can đảm đồng hành cùng cô trong quá trình nhìn lại bản thân từ những phóng chiếu của vô vàn thời gian đã qua. Một cuốn sách giúp mở ra những chân trời nghệ thuật.
NGÔ MINH
VNQD