Văn học trẻ là bộ phận quan trọng, không tách rời với nền văn học Việt Nam, dù ở trong bất kì giai đoạn nào. Sự phân biệt văn học trẻ ở đây đơn thuần là cách để nói về những người sáng tác ở lứa tuổi còn trẻ mà hiện nay chúng ta đang khung họ ở độ tuổi dưới 35.
Trong bối cảnh, xuất hiện nhiều người viết trẻ sáng tác văn học, đồng thời cũng có nhiều sự quan tâm dành cho văn học trẻ, cộng hưởng cùng Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa qua,Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) phối hợp với Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học Văn học trẻ hôm nay: mạch riêng và nguồn chung.Hội thảo bàn luận nhiều vấn đề xung quanh văn học trẻ và người viết trẻ hôm nay.
Hội thảo diễn ra vào sáng 30/6/2022 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Có 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo bàn về vấn đề văn học trẻ hôm nay.
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn đề dẫn vào hội thảo: Khi nhắc đến văn học trẻ hiện nay thì truyền thông nói chung đang có hai xu hướng chính, một là động viên, cổ vũ, tin tưởng và hai là bày tỏ sự hoài nghi, băn khoăn. Hai thái độ này tuy trái ngược nhau nhưng cho thấy được những sự quan tâm và mối bận tâm dành cho văn học trẻ. Tuy nhiên, chúng ta còn cần thêm nhiều mối bận tâm khác nữa cũng như còn nhiều câu hỏi cần được đặt ra và trả lời về văn học trẻ. Ở vị trí là những người làm công tác tuyển sinh và đào tạo những người sáng tác thì Khoa Viết văn - Báo chí vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề khó khăn. Hội thảo này cũng như là một động lực và mở ra nhiều hướng tiếp cận hơn cho công việc của thầy trò trong Khoa.
Khi quan tâm đến văn học trẻ, có những “tín hiệu” để chúng ta nhận biết họ ngay từ khi họ xuất hiện. Tiến sĩ Thái Phan Vàng Anh cho rằng: “Dấu hiệu để nhận biết sự xuất hiện của các nhà văn trẻ là những hiện tượng, những ‘ồn ào’ văn học xung quanh họ”. Cùng với đó chị đưa ra những trường hợp cụ thể như Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phạm Thu Hà, … Trong số họ không phải ai cũng trở thành hiện tượng hay tâm điểm của một giai đoạn văn học nào đó. Dẫu vậy, bằng những thành quả sáng tạo có đôi khi âm thầm lặng lẽ, các nhà văn trẻ đã làm đầy thêm cho thành tựu chung của văn học đương đại. Nhìn nhận người viết trẻ từ những sự “lạ”, tiến sĩ Thái Phan Vàng Anh khẳng định, “chừng nào còn mang ý thức lạ hóa một cuộc chơi, các nhà văn trẻ sẽ còn tạo được những dấu ấn riêng, mới cho những thành tựu văn học sắp tới”.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, có không ít các tác giả trẻ hiện nay đang có xu hướng làm mới, làm lạ chữ cũng như phong cách viết một cách cố ý và khiên cưỡng. Cách này không đem đến cho người viết sự hiệu quả. Nhiều người viết trẻ quá quan tâm/ bị thu hút bởi hình thức. Hình thức sẽ dẫn đến những đột phá nhưng không nhiều người làm được điều này và sâu xa ra thì để có được điều này trước hết phải là sự thay đổi quyết liệt từ trong nội tại tư duy của người viết.
Không gian trưng bày các tác phẩm của các tác giả trẻ đã xuất bản trong thời gian qua.
Ở một góc quan sát khác, tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm đưa ra nhiều suy tư với văn học trẻ. Đặt trong sự đối sánh với những thế hệ trước, anh nhận định: Văn học trẻ hôm nay chưa tự tin khi đứng bên cạnh những thành tựu của các thế hệ đi trước có thể lí giải từ nhiều nguyên nhân như, ít có những câu chuyện lớn lôi cuốn toàn bộ xã hội, tập trung ý chí tinh thần cộng đồng như thời chiến. Câu chuyện của đời sống hôm nay là những diễn biến của thế sự, đời tư, mỗi cá nhân là một mảnh vỡ, một hình thái riêng biệt… Do vậy, việc so sánh thành tựu cần có một khung quy chiếu tương đồng, một hệ thống tiêu chí cụ thể, khả dĩ áp dụng được cho các thế hệ nhà văn, các hình thái văn chương.
Có thể nói, các bậc tiền bối tên tuổi cũng từng là những người viết trẻ, người viết trẻ hôm nay không hẳn là kém hơn thế hệ trước, chính xác là họ khác nhau. Sự khác ấy do lịch sử, do xã hội, do không gian sáng tạo, do tự thân người viết… Và suy cho cùng thì mỗi thế hệ khác nhau về suy-tư-thời-đại-mình.
Theo nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa: Mỗi người viết trẻ hôm nay là một “người chữ”, nên đều trình hiện mình đầy bản lĩnh tự tin với phông nền văn hóa văn chương triết mĩ vững chắc. Họ xác tín định nghĩa, rằng phàm những tác phẩm lấy tự thân mình làm mục đích, chứ không làm công cụ, thì đó là văn học, rằng phàm cái gì không mang tính chức năng sứ mệnh, chỉ cốt thỏa mãn nhu cầu văn hóa thẩm mĩ, thì đó là văn học. Họ ý thức cao độ, rằng muốn đi đường xa đường dài với văn chương, muốn đi kịp tốc độ tiến hóa của văn chương, thì không có cách nào khác là phải không ngừng cập nhật tích nạp tinh hoa tri thức và tinh túy văn học của nhân loại. Họ nỗ lực đột xuất mình lên để không chỉ thêm vào bức tranh văn học một sắc gam mới, mà còn là một sức sống mới.
Một thế hệ người viết trẻ đã qua sẽ dễ dàng nhìn nhận và đánh giá hơn là một thế hệ đang còn trẻ. Thế hệ 6x, 7x, 8x “đời đầu” đã khép lại một chặng đường mà họ xuất hiện với tư cách là người viết trẻ, chúng ta có thể thấy ngay những thành tựu hay thiếu sót của họ. Còn với những tác giả sinh từ năm 1986 trở về sau, họ vẫn đang trẻ, đang viết nên chưa thể nhận định gì nhiều. Có điều, nhìn vào những gì họ đang thể hiện, người viết bài này vẫn tin là họ có thể tạo nên dấu ấn của thế hệ mình.
Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) hiện đang là nơi tuyển sinh, đào tạo những người sáng tác trẻ trong cả nước. Nhiều tác giả trẻ sung sức trong sáng tạo hiện nay đã và đang là học viên được đào tạo ở ngôi trường này.
Là người có nhiều trăn trở và đóng góp dành cho những tác giả trẻ ở Hà Nội, nhà văn Vinh Huỳnh chia sẻ: “Tôi có cơ hội tiếp xúc, đọc và nắm bắt xu hướng văn chương của các cây bút trẻ tuổi, nhận thấy trên thực tế có nhiều bạn trẻ sáng tác, in ấn, hoạt động văn học rất tích cực trên trang cá nhân, trên mạng internet…nhưng ít hoặc hầu như thờ ơ không quan tâm, hào hứng tới các hoạt động của Hội. Điều này có lẽ do họ thiếu tri âm tri kỉ. Nhìn chung tinh thần của hội đoàn chính thống thường không lắng nghe, thậm chí cho rằng sáng tác của những bạn trẻ không phải hoặc ít tính văn chương nên không chấp nhận. Ví dụ: những tác phẩm trinh thám, fantasy, sci-fi, truyện tranh thậm chí tác phẩm giống trò chơi điện tử hoặc các tác phẩm khó đọc. Hãy cứ xem xét chấp nhận các trường phái, phong cách, thậm chí các chiêu trò như đánh đố (hãy coi khó là một thể loại) cũng được chứ sao! Vì sáng tạo thường bao hàm cái khó, cứ phản đối rồi lại bảo sao văn chương trẻ quanh quẩn không nảy nở được. Sáng tác văn chương còn mang tính đặc thù khác nữa là khả năng tác chiến độc lập (người viết đồng hành với cô đơn), người viết càng tốt, cá tính sáng tạo (cái tôi) tự trọng càng cao, nên nếu không có tri âm tri kỉ, không có những sự lắng nghe, chia sẻ thì khó mà tiếp cận được họ.”
Bên cạnh đó, còn có nhiều ý kiến quan tâm đến câu chuyện người viết trẻ hôm nay sống và viết như thế nào, mưu sinh có phải là sự cản trở người trẻ đến với văn chương, các chương trình/chính sách hỗ trợ người viết trẻ… Nhiều vấn đề được đưa ra trong hội thảo nhưng để giải quyết được lại là câu chuyện khác, điều đó không chỉ phụ thuộc vào những người viết trẻ, những người làm công tác đào tạo sáng tác, công tác hội mà còn cần có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, liên ngành…
Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ: Đỗ Lai Thúy, Ngô Văn Giá, Trần Hữu Việt, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Đăng Khoa, Mai Anh Tuấn, Huỳnh Thu Hậu, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Vinh Huỳnh, Nguyễn Hoài Nam... và đông đảo các tác giả trẻ.
Người viết trẻ hiện nay đang đi theo rất nhiều hướng khác nhau, điều này làm nên sự đa dạng về phong cách, giọng điệu. Họ đưa đến nhiều quan niệm sáng tác, và quan niệm về văn chương của họ dường như cũng đã khác với những thế hệ trước. Ví dụ, trước đây nhiều nhà thơ có thể “thiêng hoá” vai trò của thơ khi nói về thơ, còn bây giờ với người viết trẻ có nhiều ý kiến “đơn giản hoá thơ” hơn. Mặc dù, suy cho cùng, thời nào cũng vậy, sáng tác là nhu cầu tự thân của mỗi người. Và đứng trước những khó khăn, thách thức của công việc sáng tạo thì mỗi người viết đều phải tự dấn thân nếu như đã đam mê và lựa chọn con đường văn chương.
Nguồn chung của văn học trẻ hôm nay vẫn đang sôi sục chảy như một sự tiếp nối dòng chảy của văn học Việt Nam, những mạch riêng đã xuất hiện nhưng có lẽ người đọc và những người quan tâm, rốt ráo với văn chương vẫn đang kì vọng hơn vào sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa, khác biệt hơn nữa. Như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trích dẫn tại hội thảo: anh muốn thơ phải “đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ nung chảy mình ra mà tìm lõi/ xé toang mình ra mà kết cấu”…
HOÀI PHƯƠNG
VNQD