Dòng chảy
CHỦ NHÂN GIẢI WOMEN'S PRIZE FOR FICTION 2022:

Mặt trái của buồn thương luôn là buồn cười

Thứ Tư, 29/06/2022 06:45

Tiếng nói của những điều thường ngày lấp đầy tác phẩm vừa mới chiến thắng giải Women’s Prize for Fiction 2022, The Book of Form and Emptiness (tạm dịch: Cuốn sách của những Hình thức và Sự trống rỗng). Thế nhưng ít ai biết rằng điều này bắt nguồn từ việc Ozeki đã phải trải qua quá trình mất mát dài đằng đẵng.

Điều đầu tiên mà tác giả người Mĩ gốc Nhật, Ruth Ozeki làm vào buổi sáng sau khi được tuyên bố chiến thắng là thiền. “Một quãng ngắn thôi” cô nói khi chúng tôi gặp nhau tại khách sạn của cô. Cô ấy tin rằng mình sẽ không thắng (Meg Mason và Elif Shafak là những người được đánh giá cao hơn), và cô cũng đã lên kế hoạch cho một ngày bình thường. “Không phải tôi đang phàn nàn gì đâu”, Ozeki cười. Với bộ trang phục màu đen sang trọng, tinh tế, bất chấp cái nóng hầu như thiêu đốt, nhà văn 66 tuổi có vẻ ngoài rạng rỡ không thường thấy trong các cuộc phỏng vấn.

Chân dung chủ nhân giải Women's Prize for Fiction 2022 Ruth Ozeki.

Ozeki chắc chắn là thiền sư đầu tiên giành được giải thưởng cho cuốn tiểu thuyết thứ tư của mình. Tác phẩm của cô kể về Benny, 14 tuổi, người bắt đầu nghe thấy giọng nói của những đồ vật hàng ngày sau khi cha mình qua đời. Mẹ cậu, Annabelle, trở thành một người theo chủ nghĩa tích trữ sau cái chết của chồng, và theo một nghĩa nào đó, những thứ vô tri vô giác (áo của chồng, quả cầu tuyết, ấm trà màu vàng…) cũng đang nói chuyện với cô. Bám sát công việc của mình với tư cách “nhân viên lưu trữ”, Annabelle đã để cho ngôi nhà ngập tràn một đống hỗn độn, mà nói theo một cách ẩn dụ, họ đang chìm trong đau buồn, rác rưởi và đang có quá nhiều kí ức.

Về mặt triết học có phần nghiêm túc và mặt hình thức có phần vui tươi (chính cuốn sách – một vật vô tri, cũng đang nói với chúng ta), cuốn tiểu thuyết này đôi khi có vẻ chật chội và đầy kì quái như bộ sưu tập “chiết trung” của Annabelle. Tuy nhiên, cũng như tất cả các tiểu thuyết của Ozeki, The Book of Form and Emptiness đã không né tránh những vấn đề thời sự - sự nóng lên toàn cầu, chủ nghĩa tiêu dùng, bệnh tâm thần - hoặc đặt ra những câu hỏi lớn hơn: đâu là thực? Có giới hạn nào cho ham muốn của con người trong việc muốn nhiều hơn không? Tuy nhiên, chủ tịch của ban giám khảo đã mô tả đây là “một hành trình đọc có nhiều niềm vui trọn vẹn” và các nhà phê bình đã bị thu hút bởi “lối viết tươi sáng, ấm áp, thông minh và đầy đồng cảm”. Và đúng là câu chuyện về hai mẹ con Annabelle đã có ảnh hưởng sâu sắc và nâng cao tinh thần cho người trải nghiệm.

Là một nhà bảo vệ môi trường và nhà nữ quyền nhiệt thành, Ozeki đã đọc Rachel Carson (Mùa xuân vắng lặng) và thấm nhuần “ý thức chính trị” của những năm 1970. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô, My Year of Meats (1998) và All Over Creation (2003) được miêu tả như đã "đi sâu vào củ khoai tây", xuất phát từ mối quan tâm về biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa nông nghiệp (cha cô là nông dân ở Wisconsin). Các tiểu thuyết sau này, A Tale for the Time Being, lọt vào danh sách đề cử của giải Man Booker 2013, và The Book of Form and Emptiness đều chịu ảnh hưởng rõ ràng của Phật giáo. Câu hỏi “Những thứ thuộc về bên trong liệu có nói không?” trích từ một truyện ngụ ngôn của phái Thiền tông, là trọng tâm của cuốn tiểu thuyết mới nhất này. "Vật thể có thể dạy ta về thực tế không?" cũng là một câu hỏi khác. "Và câu trả lời, tất nhiên, là có."

Cuốn sách đã mất tám năm để viết - “mọi cuốn tiểu thuyết đều khiến tôi phải bận tâm lâu hơn - đây không phải là một cách làm tốt” - nhưng nguồn gốc của nó bắt nguồn từ cái chết của chính cha cô vào năm 1998. Trong một năm sau đó, Ozeki đã nghe thấy ông trò chuyện với cô. “Tôi đang làm việc gì đó quanh nhà, gấp quần áo hoặc bất cứ thứ gì, và tôi sẽ nghe thấy ông hắng giọng và gọi tên tôi. Tôi sẽ quay lại nhưng không có ai ở đó. Mỗi lần điều này xảy ra, nó là một cú sốc nhỏ, giống như một cú đấm - ông không ở đó”.

Dọn dẹp nhà cửa sau khi mẹ cô được chẩn đoán mắc Alzheimer, Ozeki đã tìm thấy những món quà được tặng từ các đồng nghiệp mà cha đã làm việc cùng với vai trò là nhà nhân chủng học ngôn ngữ, cũng như các đồ tạo tác Nhật Bản của mẹ (bà cũng là giáo sư ngành ngôn ngữ học, sinh ra ở Nhật Bản), bao gồm một bộ sưu tập những viên sỏi đã được đánh bóng từ thời ông nội ở New Mexico và một chiếc hộp rỗng, được dán nhãn “empty” (trống rỗng) cẩn thận. “Tôi biết những thứ này có câu chuyện của riêng nó, nhưng tôi không biết đó là chuyện gì. Và đó kiểu như là cảm giác đau lòng với tôi."

“Vì vậy, hãy bắt đầu với những giọng nói,” cuốn sách bắt đầu. Ozeki giải thích rằng mình muốn khám phá “khả năng nghe được giọng nói trên những sóng âm mà tai không có thể nghe”. Như một nhân vật nhà văn bỗng dưng “xuất hiện”: “Xin chào! Tên tôi là Nao, và tôi đang ở trong thời điểm hiện tại” vì vậy Nao trong A Tale for the Time Being “hiện ra trong đầu tôi”. Sau đó, có những giọng nói loạn thần, "sự u ám bên trong, sự chỉ trích bên trong, tất cả những thứ đó", làm phiền tất cả chúng ta, và đáng lo ngại hơn là những giọng nói khiến Benny tự đâm mình bằng kéo và rồi cậu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần. “Tại sao một số giọng nói là bệnh lí, một số bình thường và một số khác lại bị cho qua?” Cô tự vấn mình. “Bình thường thì sao? Bình thường là một trạng thái cân bằng, và chúng ta đã làm cho nó trở nên hạn hẹp”.

Giống như Benny, người bị trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng khi còn nhỏ, Ozeki đã phải trải qua vài tuần trong khu điều trị tâm thần sau khi bị “cái mà sau đó được gọi là suy nhược thần kinh” tại trường nội trú. Sau đó cô ấy đã đến trường Cao đẳng Smith, một trong những trường cao đẳng dành cho nữ lâu đời nhất ở Hoa Kì, nơi cô học tiếng Nhật (bị những tổn thương tâm lí hậu chiến, mẹ cô không bao giờ dạy cô vì không muốn cô “được xác định là người Nhật”) và giành giải nhất cho tiểu thuyết đầu tay. Cô trở lại Smith để dạy viết sáng tạo vào năm 2015 và hiện tại, sau nhiều năm sống trên Đảo Cortes ở British Columbia, cô sống toàn thời gian ở Massachusetts với chồng - một nghệ sĩ hoạt động vì môi trường và cũng đồng thời là một giáo viên.

Một số tác phẩm của Ruth Ozeki.

Sau khi tốt nghiệp, cô dành một vài năm ở Nhật Bản để nghiên cứu văn học cổ điển Nhật, sau đó chuyển về New York và dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh, trở thành giám đốc nghệ thuật của các bộ phim kinh dị có kinh phí thấp như Mutant Hunt (tạm dịch: Cuộc săn đột biến) hay Robot Apocalypse (tạm dịch: Khải huyền của người máy). Trải nghiệm không tưởng này đã dạy cô ấy về cách kể chuyện. Cuối cùng thì cô cũng đã làm một bộ phim tài liệu của riêng mình, và trong khi thành công về mặt phê bình (được đề cử cho giải thưởng lớn của ban giám khảo tại LHP Sundance), thì chúng lại là “thảm họa tài chính”. Cô đã dành cho mình một năm để viết một cuốn tiểu thuyết, mà cô hi vọng sẽ bán được 30.000 USD để trang trải các khoản nợ của mình. Ở thời điểm đó cô không thể ngờ rằng 25 năm sau, mình sẽ được trao 30.000 bảng Anh cho giải Women’s Prize for Fiction. Cô in bản thảo đầu tiên My Year of Meats vào đêm trước sinh nhật lần thứ 41, "để tôi có thể nói một cách thành thật là tôi chỉ viết khi ở độ tuổi 40”.

Nhưng sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai thì cái chết của cha lẫn mẹ khiến cô "gần như suy sụp thêm một lần nữa”. Vì vậy, cô đã chuyển hướng sang đạo Phật . “Lão, bệnh, tử đột nhiên đến đánh thức tôi. Đó cũng là điều đã đánh thức Đức Phật. Bạn nhận ra rằng cuộc sống sẽ về vô thường và tôi sẽ không có thể ở bên cạnh bạn mãi mãi. Làm cách nào để đối phó với điều đó?”. Cô xuất gia vào năm 2015.

Điều đầu tiên cô dạy các học viên của mình là cách thiền, và cô sử dụng các kĩ thuật thiền trong bản thảo. “Tôi sẽ nhắm mắt lại và thả một khung cảnh vào trong trí tưởng tượng, và sau đó tôi sẽ chỉ sống ở trong đó. Bạn nhận thức được tất cả các cảm giác trong thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Bạn có thể nhận thấy nhiều hơn một chút về những gì đang xảy ra với các nhân vật của mình".

Có phải chính Thiền đã mang lại cho tác phẩm của cô sự vui vẻ và chiến thắng không? Cô trả lời “Tôi chỉ có một khiếu hài hước kì lạ. Mặt trái của buồn thương luôn là buồn cười. Có một lí do tại sao Shakespeare luôn có những chú hề trong các bi kịch của mình. Mọi thứ đều vui, và mọi thứ cũng thực sự buồn. Đó là cả hai cùng một lúc". Và cuối cùng thì nó cũng khá giống như cuốn tiểu thuyết vừa mới chiến thắng của cô, vừa có hình thức và vừa trống rỗng.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)