Dòng chảy

Vì sao họ viết?

Chủ Nhật, 19/06/2022 11:47

 Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra rất sôi động, hào hứng tại Đà Nẵng. Mỗi tác giả trẻ đã đem đến hội nghị một cá tính sáng tạo, một gương mặt văn chương. Chủ đề thảo luận của của hội nghị lần này là “Vì sao chúng ta viết?” và mỗi tác giả sẽ có những câu trả lời khác nhau. Nhân dịp này, VNQĐ gửi đến bạn đọc ý kiến của một số đại biểu.

Phạm Minh Quân

Sinh 1993, là nhà nghiên cứu độc lập, dịch giả, sống và làm việc tại Hà Nội. Sách đã xuất bản: Các mô thức văn hóa (Nxb Tri thức, 2018), Tình dục và ức chế ở xã hội man dã (Nxb Thế giới, 2019), Điêu khắc - Sculpture Tạ Quang Bạo (Nxb Thế giới, 2020), Tư duy nguyên thủy (Nxb Thế giới, 2021), Ngôi nhà điên - Crazy House (Nxb Thế giới, 2021), Hồi ức của một nhà buôn tranh (NxbThế giới, 2021)…

Đối với một người viết trẻ, có lẽ lợi thế lớn nhất chính là thời gian. Thời gian để đọc, học, tìm hiểu và tích lũy vốn tri thức lẫn trải nghiệm cho sự viết của mình. Những người viết trẻ, đồng nghĩa với việc có một xuất phát điểm sớm cho một hành trình trọn đời. Bởi vậy, sự chuẩn bị càng tốt bao nhiêu, thì con đường càng thuận lợi bấy nhiêu.

So với những thế hệ viết trước đây, ví dụ như thế hệ viết trước 1975 phải trải qua những bi thời vất vả của lịch sử, lấy nghịch cảnh để rèn lí tưởng và ngòi bút, thì thế hệ ngày nay, sinh ra trong một bối cảnh ổn định hơn, cũng như thụ hưởng thành tựu của công nghệ thông tin, nên cánh cửa tiếp cận tri thức, nhất là tri thức nhân loại, càng trở nên rộng mở dễ dàng. Nhưng không phải là không gặp những khó khăn. Trở ngại trước tiên là trước một ma trận thông tin, đòi hỏi người viết cũng phải biết gạn lọc và sáng tạo để tìm đến cái riêng.

Mặt khác, cho dù đời sống vật chất được cải thiện, nhưng không có nghĩa đời sống tinh thần luôn song hành theo phương thẳng đứng. Con người chúng ta càng trở nên phản tư và phát hiện ra nhiều vấn đề chiều sâu nội tại hơn, thậm chí là khủng hoảng. Đối với các cây viết thế hệ mới, đôi khi không chỉ là viết để phản ánh hay đương đầu với thực tại ngoại cảnh, mà viết cũng là đối mặt/đối thoại với chính bản thể của mình.

“Vì sao chúng ta viết?” là câu hỏi mang tính mục đích luận. Mỗi người viết lại theo đuổi một giá trị, một sứ mệnh, một đích đến khác nhau. Dù viết gì, tôi nghĩ, ngay từ thời điểm đặt bút viết thì chính chúng ta đã trả lời câu hỏi đó. Viết trước hết là một nhu cầu tự thân, và khi viết là ít nhất là ta đã có một tiếng nói cho riêng mình (“Tôi đi tìm tiếng nói/ Cho cổ họng của tôi” - Thanh Tâm Tuyền). Tôi không dám nói ra những ngôn từ sang trọng rằng mình viết để phụng sự cho điều gì đó lớn lao, hay coi viết như là một bản mệnh được ấn định. Nhưng trong viết, đặc biệt là quá trình viết, vốn dĩ vẫn quan trọng hơn đích đến, tôi tìm thấy vẻ đẹp của sự nhẫn nại.

Trần Phú Minh Anh

Sinh năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện là học sinh THPT. Tác phẩm đã xuất bản: Bức tranh huyền bí (Truyện dài, Nxb Kim Đồng, 2021).

Em cảm thấy rất vinh dự và hào hứng được cơ hội gặp những người yêu và đam mê viết văn, nghe những lời phát biểu hay và giá trị, và trải nghiệm được các hoạt động cùng họ.

Sự thuận lợi hay khó khăn đến với em phụ thuộc vào việc em đang sáng tác trong hoàn cảnh nào nhưng thường là thuận lợi vì em chỉ viết khi có nhiều cảm hứng. Cảm hứng có thể đến từ những điều nhỏ xung quanh tình cờ xảy ra trong cuộc đời (như một chiếc lá rơi tự nhiên có thể gợi lên những kí ức từ tuổi thơ em) hoặc từ cảm nghĩ bên trong. Em gặp khó khăn khi thỉnh thoảng diễn đạt những ý tưởng của em trong những câu nói hay của tiếng Anh sang tiếng Việt. Từ nhỏ em học ở trường quốc tế cho nên thế mạnh ngôn ngữ của em thật ra là tiếng Anh. Vì vậy em chủ yếu sáng tác bằng tiếng Anh. Có lúc em cũng gặp khó khăn khi truyền những ý hay của em sang tiếng Việt. Vì cho dù mình vẫn dịch ngôn ngữ được, có những cụm từ, câu nói, hoặc cấu trúc câu chỉ hay trong một tiếng và sẽ không bao giờ 100% truyền được cái hay đó sang một tiếng khác.

“Vì sao chúng ta viết?” - chúng ta ăn, uống, ngủ, kiếm tiền để sống sót, để sống cho có thôi, với cơ hội duy nhất mình đang có. Nhưng đối với em, chúng ta viết để sống mãi mãi. Để làm cho cuộc sống có lí do hơn chỉ là để tồn tại. Vì khi chúng ta viết, chúng ta truyền một phần của bản thân mình sang thế hệ tiếp theo. Như thế một phần nhỏ của bản thân mình, những cảm nghĩ thật là sâu sắc hay những kí ức thật là rực rỡ, sẽ tồn tại trong mỗi người của thế hệ tiếp theo khi họ đọc những gì chúng ta viết.

Và cả quá trình và kết quả của viết văn thật là đẹp. Nó như là một cơ hội cho mình để lại một món quà nhỏ, một dấu tích bí ẩn nhưng thật ngọt ngào, là mình, một con người nhỏ bé trong cả vũ trụ bất tận này, đã từng tồn tại trên thế gian kì lạ này.

Hoàng Thị Trúc Ly

Sinh năm 1989, là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Thất Sơn. Những tác phẩm đã xuất bản: Hành trình những dấu giày (bút kí, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2018), Những đêm trong rừng (truyện ngắn, Nxb Quân đội Nhân dân, 2020).

Chúng ta vừa trải qua một cơn bão kinh hoàng, cơn bão ấy đã làm cho cả nhân loại chìm trong lo sợ, mất mát. Và giờ đây, cơn bão vẫn dai dẳng chưa qua. Song, con người học cách chấp nhận, sống chung, và đối mặt với nó như bao cơn bão của tự nhiên vẫn hiện hữu theo mùa tháng năm. Nhưng bao giờ cũng vậy, sau bão, vạn vật sẽ hồi sinh. Văn chương cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Sau nhiều lần phải dời thời gian tổ chức, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X cũng chính thức diễn ra vào những ngày gần cuối tháng sáu này. Tôi nghĩ sự hồ hởi, nôn nao là tâm trạng chung của các bạn viết trẻ được mời tham dự lần này. Có một điều thật lạ trong văn chương là mặc kệ bạn là ai, đến từ vùng miền nào, chỉ cần có chung một niềm đam mê là nhanh chóng xích lại bên nhau cười nói, tay bắt mặt mừng như thuở quen thân từ muôn kiếp nào. Và chính những sự thân thương, đáng yêu ấy, chỉ những cái nắm tay ngắn ngủi ấy đã phần nào truyền lửa cho nhau, động viên nhau dấn thân vào nghiệp chữ nghĩa.

Mỗi một thế hệ sẽ mang trong họ một sứ mệnh nào đó gắn với sự tồn tại, phát triển và phồn thịnh của dân tộc. Và mỗi một thế hệ người viết trẻ cũng không ngoại lệ. Thế hệ những người viết trẻ hôm nay thật sự hạnh phúc và may mắn. Sự hạnh phúc và may mắn này có được là nhờ Tổ quốc trao tặng. Người viết trẻ hôm nay được trang bị kiến thức, được sống và học tập trong một xã hội phát triển, năng động và sáng tạo. Mà bản chất của văn chương là sự sáng tạo, nên sự thuận lợi trong nghiệp viết là dồi dào. Tuy nhiên, một bộ phận người viết trẻ hôm nay cũng chịu sự tác động tiêu cực của cuộc cách mạng 4.0, các bạn đã vô hình trung bị kéo vào những ồn ào thay vì nên chăm chút cho tác phẩm của mình hay quảng bá đứa con tinh thần ấy đến độc giả thông qua các nền tảng xã hội.

Đối với tôi, viết văn là công việc chưa bao giờ dễ dàng. Có những bản thảo khiến tôi mất ăn, mất ngủ, thậm chí rất lơ tơ mơ khi chưa hoàn thành mà phải dừng lại để làm công việc kiếm sống. Những lúc ấy tâm trạng tôi rất phức tạp, tôi cảm thấy khá khổ sở. Nhưng vẫn tiếp tục dấn thân. Và rồi không ít lần tự hỏi: Vì sao tôi lại viết? Thực sự tôi cảm nhận viết văn là công việc cô độc nhất trên đời. Nhưng nó thú vị như kiểu các cô cậu be bé háo hức mong chờ được hóa thân vào một nhân vật mà mình yêu thích khi tham gia lễ hội Halloween. Và đương nhiên lễ hội Halloween diễn ra bất cứ khi nào tôi có cảm xúc mà không cần phải đợi ai tổ chức cho mình. Hơn thế nữa, văn chương giúp tôi vun đắp một tâm hồn đẹp. Vì chỉ có tâm hồn đẹp mới nuôi dưỡng được những cảm xúc đẹp và những cảm xúc ấy chắc chắn sẽ cho ra những câu văn đẹp.

Vân Phi

Sinh năm 1990, làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Bình Định. Tác phẩm đã in: Ngày mắc cạn (Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020).

Tôi đến với tâm thế của một người trẻ, muốn tìm thấy những điều mới, thú vị liên quan đến văn chương và gặp gỡ những người bạn mà lâu nay chỉ biết qua trang viết. Tôi muốn lắng nghe những quan điểm, chia sẻ của các bạn viết trẻ và những nhà văn tiền bối về sáng tác, đặc biệt là về trách nhiệm của người cầm bút trong xã hội hiện thời. Hi vọng, cuộc hạnh ngộ này sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ của mỗi chúng tôi, để bồi đắp thêm tình yêu văn chương và từ đó, mỗi người viết sẽ có những định hướng rõ ràng hơn về sáng tác của mình.

So với người viết thế hệ trước thì thế hệ chúng có không gian kết nối được mở rộng, các bạn trẻ được tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau, thu nạp phong phú kiến thức. Họ đã dễ dàng hơn trong việc tìm đọc các tác phẩm của người viết khác. Chính cái sự đọc, như một nuôi dưỡng, như một tích lũy, và là chất xúc tác để họ viết. Tất nhiên, bản thân họ phải có một tố chất, một sự say mê, trường lực nào đó mới có thể gắn bó lâu dài với chuyện sáng tác.

Lực lượng người viết trẻ hiện tại đông hơn trước nhưng dường như, chúng ta vẫn chưa có tác phẩm thực sự nổi bật và đánh động đến lương tri, tư tưởng, tạo sức lan toả lớn. Người trẻ hiện tại bị can dự quá nhiều từ những yếu tố bên ngoài. Có lúc, sự ham thích thể hiện đã kéo người viết trẻ vào những son phấn, ồn ào của mạng xã hội mà quên mất điều cần nhất của một người sáng tác là hãy gửi những tâm tưởng, những điều sâu kín nhất vào tác phẩm của mình.

Tôi viết để giải nén cảm xúc, để tự soi mình qua những con chữ. Văn chương bồi đắp tâm hồn, để con người sống đẹp hơn, biết bao dung san sớt hơn, tôi viết một phần cũng vì điều ấy. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, trong thực tại này, văn chương cũng cần cất lên tiếng nói của thân phận, thời đại, xoáy vào những “mảng xám” xã hội. Người cầm bút không thể thu mình trong cái vỏ ốc để rủ rỉ rù rì những hoa, những cỏ, những cô đơn riêng mình mà ngó lơ hay thờ ơ trước nỗi đau, sự bất công, tha hóa... Tôi nhớ đến câu nói của nhà báo Hữu Thọ: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc” và đặt ngữ cảnh điều ông muốn nói về nghề báo trong sự liên tưởng đến sáng tác văn chương hiện nay.

Tôi nghĩ, người viết văn cũng cần cái tinh thần ấy…

Kiều Maily

Sinh năm 1986 là người Chăm ở Ninh Thuận. Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện, sống và làm việc tại Hội An. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai khoảng trống (Thơ, Nxb Thanh niên, 2013), Nàng hoa của cát (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2019) Em đi lễ hội (truyện Chăm cho thiếu nhi, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2020).

Tôi đến đây cả với tâm thế một độc giả, với sự tò mò. Tò mò muốn biết các bạn đồng lứa và các bạn trẻ suy nghĩ thế nào về đời sống trước những biến đổi của thực tại, của thế giới mới và sự kích thích mới lạ. Thế hệ người viết trẻ hôm nay là thế hệ của hội nhập, nhưng người trẻ hiện tại vẫn đang bị loay hoay để tìm lại chính mình. Những người trẻ bây giờ, những người của thể kỉ 21 sống và đối đầu với những vấn đề khác những thế hệ trước. Nhiều, có thể kể ra đây và điểm chính.

Bây giờ sự nghèo khó không còn là trung tâm mà được thay thế bằng sự bất công trong xã hội. Chiến tranh chỉ còn là tiếng vọng, thế giới bây giờ là toàn cầu hóa với những hệ lụy về bất công toàn cầu. Cho nên sự bất công của xã hội ta cũng nằm trong xu thế chung ấy ...

Mạng xã hội ngự trị lên tất cả chưa bứt ra được thế giới ngoại vi, chi phối hết mọi nhịp số bằng tốc độ chóng mặt của nó. Internet cũng mang đến nhiều điều mới về cung cách diễn đạt ý tưởng và Internet cũng đến nhiều thách thức mới, lớn rộng hơn xưa.

Thời hậu covid, đại dịch thúc đẩy con người tìm ý nghĩa của đời sống khác xưa. "Con người toàn thế giới cùng chung một số phận, không thể sống riêng lẻ ích kỉ". Tuổi trẻ bây giờ có lẽ sẽ (phải) đi tìm những đồng cảm từ xa hơn những khung cảnh từng trải của người đi trước.

Vì sao chúng ta viết? Thật ra có muôn vàn lí do để phải “ Viết”. Viết để giải tỏa tâm tư, khơi thông tư duy. Viết để chia sẻ những điều cảm thấy cần nên viết. Viết để đấu tranh các vấn đề xã hội diễn ra hàng ngày trong thực tại. Viết để tạo mối liên kết trong thế giới vốn dĩ cô đơn. Viết để tập nhìn thế giới, Cũng là một cách để nhìn rõ hơn bản thân.

KIM NHUNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)