Dòng chảy

Văn học trẻ Hà Nội có gì mới?

Thứ Bảy, 11/06/2022 15:32

 Thời nào văn học trẻ cũng luôn được những người viết quan tâm, không đơn giản vì họ là tương lai của văn học mà ở những người viết trẻ chúng ta thấy được một không khí văn chương do họ tạo ra một cách không cố ý.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, không khí văn chương trẻ mỗi thời sẽ mang một diện mạo khác nhau. Hiện tại, dường như đã có một thế hệ văn chương mới ra đời cùng sự phát triển của mạng xã hội, sự thay đổi ngấm ngầm và tinh vi của ngôn ngữ, hành vi sáng tạo… Đây là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhưng chưa thực sự có một toạ đàm nào nói thật rõ vấn đề này.

Sáng 10/6/2022 tại trụ sở Hội Nhà văn Hà Nội, Ban Nhà văn Trẻ Hà Nội - Câu lạc bộ Văn học Trẻ Hà Nội đã tổ chức buổi toạ đàm Văn học trẻ Hà Nội có gì mới với sự tham dự của các bạn viết trẻ Thủ đô và những ai quan tâm đến văn học trẻ nói chung.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, một trong những kế hoạch nhiệm kì 2020-2025 của Hội Nhà văn Hà Nội là khơi nguồn sáng tác cho các cây bút trẻ.

Rất nhiều vấn đề đã được các tác giả trẻ đưa ra và bàn luận như: Tính tiền phong trong văn học mạng thời kì đổi mới; Tiềm thức và vô thức trong sáng tạo; Hiện thực là gì, có phải cứ trải nghiệm mới viết được văn; Ảnh hưởng văn học dịch và cách khai thác ngôn ngữ của văn chương thế hệ mới…

Văn học mạng không còn là vấn đề mới với chúng ta. Mười mấy năm về trước văn học Việt Nam đã chứng kiến những sự xuất hiện của văn học mạng và cũng chứng kiến dòng văn học ấy dần dần hình thành, định vị trong nền văn học đương đại. Nhìn lại, chúng ta đã quen thuộc với những cái tên mà thời đó đầy xa lạ như: Trang Hạ, Gào, Nguyễn Phong Việt… Đã có rất nhiều tranh cãi, bàn luận xung quanh dòng văn học mạng, tuy nhiên, như một lẽ tất yếu của thời đại, văn học mạng vẫn ngày càng phát triển hơn, rõ rệt hơn “bất chấp” sự không hài lòng hay phản đối của nhiều người.

Bước vào văn chương từ dòng văn học mạng và đã có những thành công nhất định, tác giả trẻ Nhật Phi chia sẻ suy nghĩ của mình về văn học mạng hiện nay: Sự sáng tác của các bạn trẻ trên không gian mạng ngày nay hoàn toàn thiếu đi sự tự do, phóng khoáng của thế hệ trước. Các tác phẩm thường được các bạn gắn mác rất cụ thể, không chỉ là thể loại, đề tài, mà còn là một số khung cốt truyện đã được quy ước từ trước. Ngay cả trong những thể loại thuộc về trí tưởng tượng như kì ảo hay khoa học giả tưởng, hệ thống của các bạn cũng đòi hỏi những nhãn mác rất cụ thể, như tiên hiệp, tu tiên, huyền huyễn, hard sci-fi, soft sci-fi… Điều này vô hình trung tạo ra một sự hạn chế trong quá trình sáng tạo, khu biệt các dòng sáng tác, đôi khi là cảm giác khá tù túng. Mặt khác, hệ thống này buộc người viết phải có hiểu biết ít nhiều về các dòng văn học và có sự định hướng rõ ràng cho từng tác phẩm của mình… Văn học mạng của giai đoạn này hoàn toàn không phải là sự manh mún. Mạng xã hội, trong văn chương cũng như trong hầu hết các lĩnh vực khác, đang dần trở thành một hệ thống “dân gian” mới, cập nhật nhanh hơn và lan truyền rộng hơn, mà trong đó, sẽ có những điều ở lại và đóng góp vào bức tranh văn hoá chung của cả một dân tộc, cũng như cách mà dân gian đã vận hành hàng ngàn năm nay.

Cũng theo tác giả Nhật Phi, chúng ta đang tự cắt đi mối liên kết của mình với người đọc phổ thông, bất kể ta có viết ra những tác phẩm sâu cay, phản ánh xã hội chân xác như thế nào. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, khi mà mạng xã hội không chỉ là mạng xã hội mà đã kiến tạo ra cả một xã hội mạng, chúng ta cần có cách tiếp cận không chỉ cởi mở hơn mà còn phải chủ động hơn trên không gian mạng.

Quan tâm đến danh xưng “người viết trẻ” nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh đã có một tham luận sâu sắc khi luận bàn đến nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề này. Anh cho rằng, thơ trẻ thường bị xem là văn học ngoại biên, chưa thực sự là văn chương đích thực. Theo cách hiểu của không ít những “cây đa, cây đề” hiện nay, trẻ tức là chưa trưởng thành, trẻ người non dạ và chỉ mới tập tành viết. Tiêu chí này thường gắn với sự phân định ngôi thứ, đẳng cấp. Ai cũng hiểu là nếu trẻ thì phải học hỏi, phải trải nghiệm, phải chịu sự chỉ bảo, dìu dắt, thậm chí búa rìu của những bậc đàn anh, cha chú trong thơ. Anh khẳng định: “Với tôi, thơ ca là thể loại luôn gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ làm thi ca thăng hoa và phát lộ hơn bất kì độ tuổi nào khác, những vĩ thanh sau tuổi trẻ chỉ là sự chắt lọc của trí thông minh, tài làm xiếc chữ mà thôi.”

Tuổi trẻ dễ đem đến nhưng nghi ngờ khiến nhiều người đặt dấu hỏi hay bỏ ngỏ nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng tuổi trẻ là nhiệt huyết, là mãnh liệt là cháy bỏng nhất. Vậy tại sao chúng ta lại không đặt kì vọng thậm chí là niềm tin vào những người viết trẻ? Đặc biệt là ở lĩnh vực thơ. Những câu thơ của tuổi trẻ luôn là những câu thơ được viết ra bởi một trái tim nóng bỏng nhất, một tâm hồn sục sôi nhất, vậy có lí do gì mà chúng ta lại cho rằng đó chỉ là thơ của người viết trẻ và chưa sòng phẳng trong việc nhìn nhận và tiếp nhận.

Một số tác phẩm của các tác giả trẻ đã xuất bản trong thời gian qua.

Cùng có mối quan tâm đến thơ trẻ, tác giả Võ Thị Hà đặt ra câu hỏi: Thơ trẻ đang phát triển theo hướng phi chính thống, văn học mạng nở rộ, nhiều tác giả không có xu hướng in ấn, giới phê bình đã tìm thấy hoặc gọi tên đúng diện mạo của thơ trẻ hiện nay chưa?

Đây cũng là câu chuyện rất đáng quan tâm. Bởi dường như các nhà phê bình chưa có cái nhìn thoả đáng về văn học trẻ, đặc biệt là thơ trẻ. Không hiếm để chúng ta bắt gặp đâu đó trên báo chí, truyền hình một nhà phê bình tên tuổi nói về một cuốn sách không mấy tên tuổi của một tác giả tên tuổi. Nhưng chắc chắn là sẽ rất khó bắt gặp hình ảnh nhà phê bình ấy nói về một cuốn sách được cho là đáng bàn của một tác giả trẻ. Như vậy, những người viết trẻ cũng cần có được sự đánh giá sòng phẳng từ phía người đi trước như một động lực, như một thôi thúc.

“Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng có những người làm phê bình tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại có tư duy còn đứng yên hoặc đi theo lối mòn. Người làm phê bình hôm nay đã thực sự cập nhật được tình hình, những nội dung, xu hướng sáng tác của thế hệ mình chưa? Họ đã chịu đọc một cách nghiêm túc, rộng mở, đã có nền tảng để đưa ra những nhận định công tâm, chính xác, khoa học, khách quan và văn minh về thơ trẻ?” - Vấn đề mà tác giả Võ Thị Hà đề cập đến chắc hẳn cũng cần sự quan tâm, lên tiếng của các nhà phê bình hôm nay.

Những người viết trẻ hôm nay, có thể họ đến với văn chương theo cách rất khác thế hệ trước. Và chính bản thân mỗi người trẻ của hiện tại đến với văn chương cũng ở trong những tâm thế và cách thế khác nhau nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn thấy được ở họ những khát khao, những đam mê và cả những khẳng định.

Tác giả Đức Anh đã nói lên những điều này thay cho rất nhiều người viết trẻ cùng thế hệ: “Viết lách sẽ là một con đường khả dĩ để hiểu được một thế giới đang ngày càng lạ lùng hơn. Ngày nay, tôi được nghe nhiều bạn đọc nói rằng họ không hiểu nổi con mình, họ không thể nắm bắt kịp một thời đại mà có thể kiếm hàng ngàn đô la dễ dàng qua những phép tính nhị phân trên màn hình. Tiêu chuẩn đạo đức của ngày trước đang dần thay đổi, tiêu chuẩn đạo đức mới của cuộc sống ngày nay đang dần hình thành. Thật ra thì thời đại nào cũng như vậy. Nhưng ta cần văn chương dành riêng cho thời đại này.”

NGÂN HẠNH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)