Franz Peter Schubert (1797 - 1828) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo. Tên tuổi của ông gắn liền với bước khởi đầu của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc thế giới. Cuộc đời ông thật ngắn ngủi, nhưng di sản tinh thần của ông vô cùng đồ sộ. Ông sáng tác hơn 600 ca khúc, 9 bản giao hưởng cùng nhiều tác phẩm âm nhạc phục vụ nghi lễ, thính phòng… Nhân dịp 225 năm sinh Schubert và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo, tập ca khúc Hành trình mùa đông của Franz Schubert được dịch sang tiếng Việt và công diễn song ngữ (Đức - Việt) tại Viên (thủ đô nước Áo). Để hiểu thêm về âm nhạc của Franz Schubert và Hành trình mùa đông, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với các dịch giả, nghệ sĩ đã góp phần đưa giấc mơ này thành hiện thực.
- Xin được bắt đầu câu chuyện với dịch giả Chu Thu Phương. Franz Schubert được xem là nhà soạn nhạc vĩ đại của nhân loại, là người mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Vầng hào quang ấy đã lôi cuốn chị, dĩ nhiên, nhưng còn lí do nào khác khiến chị dịch tập ca khúc Hành trình mùa đông của Franz Schubert sang tiếng Việt?
Chu Thu Phương: Tôi đã từng sống tại nhiều đất nước. Mỗi đất nước tôi đều có một tình cảm rất đặc biệt. Tới Áo, tôi nhận thấy vẻ đẹp tuyệt vời của nhạc cổ điển, của opera, của các ca khúc nghệ thuật ngập tràn không gian. Tôi bắt đầu hiểu được điều Karl Krauss, một nhà phê bình văn học nổi tiếng, từng nói: “Đường phố ở Viên được lát bằng văn hoá. Đường ở những thành phố khác được trải bằng nhựa đường”. Trong một buổi tham quan quận Dưbling, thành phố Viên, Áo, người hướng dẫn khi ấy là TS Patrick Horvath có dừng lại giới thiệu về một cây bồ đề Schubert. Tôi rất tò mò, không hiểu tại sao cây bồ đề ấy lại tên là cây bồ đề Schubert. Chính từ sự tò mò ấy, tôi biết được nước Áo không chỉ có một cây bồ đề Schubert mà có đến hàng trăm cây bồ đề Schubert cũng như tầm quan trọng của bài hát Cây bồ đề của nhạc sĩ Franz Schubert đối với Áo. Đó cũng là lần tôi choáng váng trước vẻ đẹp của tập ca khúc Hành trình mùa đông.
- Cây bồ đề vốn là tên một bài thơ của Willhelm Mller, một nhà thơ Đức. Nhưng, qua âm nhạc của Franz Schubert, từ một thi phẩm đến một nhạc phẩm, Cây bồ đề đã trở thành niềm kiêu hãnh của nước Áo?
Chu Thu Phương: Vâng! Nhạc sĩ Franz Schubert đã từng viết một bài hát tên là Cây bồ đề. Một bài hát dịu dàng của dòng nhạc lãng mạn. Người ta hay quên nhắc tới tác giả bài thơ là Willhelm Mller, một nhà thơ Đức mà Franz Schubert phổ thơ rất nhiều. Ca khúc Cây bồ đề là ca khúc thứ 5 nằm trong tập Hành trình mùa đông nổi tiếng gồm 24 bài hát do nhạc sĩ Franz Schubert phổ thơ của nhà thơ Wilhelm Mller.
Do ảnh hưởng của bài thơ, hay là do ảnh hưởng của bài hát, hay là bài hát và bài thơ chịu ảnh hưởng quan niệm truyền thống của Áo cũng không rõ nữa, nhưng từ lâu, cây bồ đề đã trở thành biểu tượng về quê hương của Áo. Một cây bồ đề Áo dịu dàng tỏa bóng trong mùa hè xanh mát, khác với một cây sồi Đức hiên ngang sừng sững, thâm trầm.
- Và như thế, chúng ta hiểu rằng, việc chuyển ngữ tập ca khúc Hành trình mùa đông của Franz Schubert sang tiếng Việt không đơn thuần là dịch thuật. Đó là những trải nghiệm văn hóa kết tinh từ quá trình sống một cách sâu sắc với Viên (Áo) cũng như với những giá trị kinh điển đến từ âm nhạc của Franz Schubert?
Chu Thu Phương: Với Hành trình mùa đông, tôi đã tìm ra nét đẹp lay động trái tim và hiểu ra dịch tập ca khúc này là cách trả lại món nợ ân tình của tôi với nước Áo. Tôi dịch tập ca khúc với mong muốn đưa vẻ đẹp của những ca khúc nghệ thuật kinh điển của Áo đến gần hơn với tâm hồn người Việt. Lần đầu tiên tiếng Việt, bằng bản dịch tập ca khúc 24 bài hát với tên Hành trình mùa đông của nhà thơ Wilhelm Mller (Đức) và nhạc sĩ thiên tài Franz Schubert (Áo) sẽ được tự hào cất lên ở giữa một nhà hát thính phòng nổi tiếng - Oper in der Krypta tại Viên, thủ đô âm nhạc của thế giới. Buổi công diễn đầu tiên của tập ca khúc tiếng Việt này sẽ là một buổi pha trộn giữa một số bài hát chọn lọc được hát bằng tiếng Đức, tiếng Việt và những dẫn giải Đức - Việt xung quanh tập ca khúc. Mong dự án có một không hai này sẽ trở thành một món quà nhân kỉ niệm 225 năm ngày sinh nhạc sĩ Franz Schubert, gửi tặng bà con người Việt Nam ta ở Áo nói riêng (nhân năm kỉ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo), ở các nước nói tiếng Đức, các nước châu Âu và trên thế giới cũng như các bạn yêu âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói chung.
- Để dịch tập ca khúc Hành trình mùa đông sang tiếng Việt, giữ được vẻ đẹp nguyên bản của nó, khiến các lời ca có thể được hát lên trong giai điệu, hòa âm của một ngôn ngữ khác, điều đó không hề dễ dàng. Cùng với những nỗ lực tuyệt vời của dịch giả Chu Thu Phương, tôi biết rằng còn có sự đóng góp đầy nhiệt huyết của dịch giả Ngô Tự Lập. Duyên cớ nào đưa anh đến với Hành trình mùa đông?
Ngô Tự Lập: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ dịch các bài hát của nhạc sĩ Franz Schubert, mặc dù ông là một trong những nhà soạn nhạc yêu thích của tôi. Mọi thứ bắt đầu một cách bất ngờ. Một buổi tối, tôi nhận được cuộc gọi qua messenger từ cô Chu Thu Phương, một nhà ngoại giao đang làm việc tại Viên và là một phiên dịch viên, người mà tôi đã gặp đôi lần tại các sự kiện văn hóa ở Việt Nam dù chưa có dịp trò chuyện.
Phương nói với tôi rằng cô ấy rất thích những bài hát do tôi dịch, tự hát và đưa lên tài khoản facebook. Chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn thân trong một số cuộc thảo luận về dịch thuật. Phương là một con người rất thông minh và nhiều ý tưởng. Chúng tôi rất đồng ý với nhau về cách dịch ca từ: bản dịch trung thành cả về ngữ nghĩa lẫn phong cách với bản gốc, đồng thời lời ca cũng cần phải “hát được”. Hơn nữa, bản tiếng Việt phải nghe tự nhiên như bản gốc.
Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về dịch thuật, dịch thơ và dịch lời bài hát nói riêng. Tôi phát hiện ra rằng Phương là một dịch giả rất giỏi của không chỉ một ngôn ngữ, và tôi đánh giá rất cao. Thế rồi một ngày, cô ấy gửi cho tôi bản dịch bài hát Cây bồ đề của Schubert. Bản dịch rất đẹp với tư cách là một bài thơ. Dù vậy, để biến nó thành ca từ, tức là để hát được, cần phải tốn thêm nhiều thời gian và năng lượng. Tôi chỉ đưa ra vài nhận xét.
Sau một thời gian, Phương nói với tôi rằng cô ấy đang bàn với một số nghệ sĩ Áo về việc tổ chức một buổi biểu diễn các bài hát của Schubert bằng tiếng Việt và tiếng Đức, và đề nghị tôi tham gia dự án. Tôi đã do dự khá lâu, bởi tôi không biết tiếng Đức và rất bận. Nhưng ý tưởng thú vị của Phương và sự nhiệt tình của cô ấy cuối cùng đã thuyết phục được tôi.
- Vừa là một dịch giả, anh còn sáng tác nhạc và tự mình biểu diễn (bên cạnh vai trò là một học giả). Để những bản dịch tiếng Việt ca khúc của Franz Schubert “có thể hát được”, anh đã làm sao?
Ngô Tự Lập: Tôi đã dành khoảng một tuần để làm việc với bản dịch bài Cây bồ đề của Phương, cố gắng điều chỉnh nó cho phù hợp với giai điệu mà vẫn giữ nghĩa gốc. Đây là một thách thức rất lớn do sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Tiếng Việt có sáu thanh điệu, cùng một âm có thể cho các nghĩa khác nhau khi nó được phát âm bằng những thanh điệu khác nhau. Nghĩa là ý nghĩa của câu thơ sẽ bị thay đổi khi ghép một thanh điệu sai vào một nốt nhạc sai.
Sau đó, chúng tôi đã bàn bạc, thậm chí tranh luận, để đưa ra phương án tốt nhất cho bản dịch. Hài lòng với bản dịch, chúng tôi quyết định tiếp tục hợp tác dịch thêm năm bài hát nữa, đó là các bài Người quay đàn dạo, Chúc ngủ ngon, Giấc mơ xuân, Hy vọng cuối cùng và Những giọt lệ đóng băng. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành công việc, mặc dù đó là thời gian bận rộn nhất đối với cả hai chúng tôi.
- Hợp tác trong một dự án, cùng nhau dịch một bài hát, hẳn là giữa hai dịch giả phải có những đồng điệu nhất định cả về quan niệm dịch thuật, mĩ cảm nghệ thuật và phần nào đó là cá tính nghệ sĩ nữa, thưa chị Chu Thu Phương?
Chu Thu Phương: Anh Ngô Tự Lập và tôi thực ra rất gần gũi nhau trong ý niệm chung về một bản dịch hoàn hảo. Ngay từ khi chưa biết về nhau, mỗi người trong chúng tôi đã theo đuổi lối dịch như vậy. Anh Ngô Tự Lập đã nhắc đến “ý niệm về một bản dịch hoàn hảo” trong cuốn Dịch và dịch ca từ (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016), tôi cũng theo đuổi cách dịch để người đọc có thể phân tích bản dịch như phân tích bản gốc về cả nhịp điệu, thi pháp, gieo vần, vị trí xuất hiện chữ quan trọng và cả cách chơi chữ nữa trong bản dịch tập thơ Khúc đệm trữ tình của Heinrich Heine (Nxb Văn học, 2015). Những cuốn sách đó có thể nói là những tuyên ngôn cho cách dịch của chúng tôi. Bởi vậy, việc kết hợp với nhau hoàn thiện tác phẩm đã diễn ra rất thuận lợi.
Bước phân tích tác phẩm là không thể thiếu, việc đó do tôi đảm nhiệm, bởi tôi biết tiếng Đức. Bước này bao gồm cả việc phân tích về thi pháp, từ vựng và cả về vị trí của từ cần nhấn trong bản nhạc. Để hiểu được tác phẩm này tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ của các giáo sư âm nhạc và ca sĩ nổi tiếng tại Áo. Bước vào hợp tác với nhau, mỗi người chúng tôi đều phải vượt qua nỗi lo ngại riêng. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng bất cứ nhà văn nào cũng rất yêu con chữ của mình và đương nhiên là không muốn nhân nhượng. Nhưng ý niệm chung về một bản dịch hoàn hảo và mục đích chung đã giúp chúng tôi cùng nhìn về một hướng, hợp tác trong tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau để ra được một tác phẩm chung thật đẹp. Bản dịch Hành trình mùa đông là kết hợp những điểm đẹp nhất trong lời dịch của hai chúng tôi, là tình yêu chúng tôi dành cho tập ca khúc ấy.
- Để hiện thực hóa dự án Hành trình mùa đông cần sự góp sức của nhiều người, tôi muốn nói đến những nghệ sĩ Áo. Đại diện cho họ đang bên cạnh chúng ta. Xin chào bà Dorothee Stanglmayr - Giám đốc Nhà hát ca kịch dưới hầm nhà thờ Thánh Peter cùng nghệ sĩ piano Ekaterina Nokkert và ca sĩ Hans-Jưrg Gaugelhofer! Như Karl Krauss nói, “đường phố ở Viên được lát bằng văn hoá”, thưa bà Dorothee Stanglmayr, nhận định đó gợi lên suy nghĩ gì cho bà trong tư cách giám đốc một nhà hát opera ở Viên?
Dorothee Stanglmayr: Trên bình diện quốc tế, Viên được mệnh danh là thủ đô văn hóa thế giới. Nhưng chính xác thì văn hóa ở đây là gì mà khiến nó trở nên đặc biệt như vậy? Là giám đốc một nhà hát opera nhỏ của riêng mình ở chính giữa trung tâm thành Viên, dưới hầm mộ nhà thờ Thánh Peter, tôi vinh dự có quyền được tự do sống trong nền văn hóa cao cấp theo cách nhìn của mình. Và tôi làm điều đó với niềm vui lớn lao! Điều đặc biệt của “NHÀ HÁT dưới HẦM MỘ” là gì vậy? Theo tôi, đó là cái trải nghiệm cá nhân, không thể thay thế, là cái gốc rễ cội nguồn của nhà hát. Đó là một nhà hát opera nguyên bản, trung thực, không có những trang thiết bị kĩ thuật như lưới treo hoặc sàn kép. Đó là một trải nghiệm bền vững.
- Những trải nghiệm cá nhân, cao cấp và bền vững được phát triển trong môi trường tự do, theo tôi cũng là gốc rễ của tinh hoa văn hóa phương Tây (mà thành phố Viên là một biểu tượng). Nhưng, thưa bà, làm sao để những trải nghiệm cá nhân ấy gặp gỡ, gắn kết hay đan dệt thành một nền văn hóa, một không gian văn hóa nơi cộng sinh của nhiều cá nhân?
Dorothee Stanglmayr: Cái chúng tôi đem đến cho khán giả là một nhà hát opera không có khoảng cách xa vời, gần gũi với khán giả dưới gian hầm nhỏ bé của nhà thờ, nơi chỉ có đủ chỗ cho 80 vị khách. Số lượng khán giả hạn chế ấy tự nó đã toát lên sự sang trọng của một buổi biểu diễn rất riêng tư. Chúng tôi diễn toàn bộ các cảnh trong vở diễn ngay trước mắt khán giả của chúng tôi cùng với phần đệm piano, tập trung chú trọng vào các ca sĩ. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới khán giả của chúng tôi, nhanh chóng tạo nên tương tác xúc cảm mạnh mẽ. Nhiều khán giả cảm thấy mình là một phần của nhà hát, đó cũng là một điểm quan trọng trong ý tưởng về nhà hát của tôi. Một nhà hát opera chỉ có thể sống động trong tương tác với khán giả. Ở đây cái cho và cái nhận bình đẳng với nhau.
- Được biết nhà hát nhạc kịch của bà hiện nay biểu diễn năm loại hình sân khấu: nhạc kịch opera, nhạc kịch trẻ em, đêm ca khúc, nhạc kịch nhẹ operette và hòa nhạc cổ điển. Sự vĩ đại của Franz Schubert, những giá trị cao cấp mà âm nhạc của ông mang đến, những đêm ca khúc đầy ấn tượng… là lí do bà quyết định công diễn Hành trình mùa đông tại nhà hát của mình. Còn duyên do nào khác không, thưa bà?
Dorothee Stanglmayr: Những đêm ca khúc là một món quà thơ ấu đặc biệt với tôi. Tôi vẫn không ngừng tìm kiếm cái âm giai đặc biệt ấy. Ví như tác phẩm Hành trình mùa đông cứ chờn vờn mãi trong đầu tôi và theo đuổi tôi mãi đến khi tôi tìm ra được “giải pháp”, tìm ra được cái giọng hát ấy, cái giọng hát đã biến âm giai vang lên từ trong giấc mơ tôi thành hiện thực. Là một người nghệ sĩ nhạy cảm, Florian Pejrimovsky đã thể hiện được đúng điểm lay động lòng người để rồi cuốn hút, không buông hồn người ta ra nữa. Cứ như thế, đêm diễn tập ca khúc Hành trình mùa đông đã trở thành hiện thực vào mùa thu năm 2021, đối với tôi những dư âm của nó tiếp tục vang vọng mãi. Một buổi tối quý giá như vậy thật khó quên, nhất là khi nó diễn ra ở Nhà hát dưới hầm nhà thờ Thánh Peter.
Đặc biệt nhất trong kí ức tôi là trong buổi diễn đó tôi đã được gặp và làm quen với bà Chu Thu Phương, nhà ngoại giao phụ trách văn hóa của Việt Nam. Là một thính giả, bà đã tới thưởng thức đêm Hành trình mùa đông dưới hầm nhà thờ thánh Peter hôm đó. Tôi đã được nghe nói là bà đang dịch tác phẩm rất khó này sang tiếng Việt và đã có một số tiến bộ đáng kể trong việc này. Cuộc gặp gỡ ấy đã đưa đến một mối quan hệ thân thiết và một trao đổi văn hóa sôi nổi ở bậc cao.
Trong một cuộc nói chuyện riêng với ông Florian Pejrimovsky và bà Phương, chúng tôi tìm được sự đồng điệu trong việc hiểu cách diễn đạt bằng tiếng Việt. Tôi ngày càng khâm phục hơn nhiệm vụ khó khăn bà đã chọn để làm. Tiếng Việt quả là một thứ tiếng có âm điệu tuyệt vời.
Giữ được vẻ đẹp nguyên gốc cho âm nhạc của Schubert qua bản dịch là điều vô cùng quan trọng đối với bà Phương. Chứng kiến tình yêu và sự nghiêm túc cũng như phẩm chất làm việc bà Phương dành cho tác phẩm khiến tôi phải tôn trọng. Điều đó lại đưa tôi trở về đề tài đã nói ban đầu: Văn hóa là gì? Điểm thu hút của văn hóa là gì và tại sao chúng ta tìm thấy nét thu hút chúng ta ở nơi này mà ở nơi khác thì không? Không phải lúc nào đó cũng chỉ là chất lượng. Làm tốt thôi chưa đủ. Đó là niềm đam mê cống hiến hết mình cho một đề tài, thái độ kiên quyết khi phải tận hiến hết mình, không khoan nhượng cho đề tài đó.
- Cảm ơn bà Dorothee Stanglmayr vì sự ghi nhận đầy trân trọng đối với công việc dịch thuật và niềm đam mê nghệ thuật của các dịch giả Việt Nam. Tôi cũng hiểu rằng, một nhà hát, tự nó chưa làm nên các giá trị sống hoặc làm sống lại các giá trị văn hóa nếu thiếu đi những người nghệ sĩ, những đêm diễn. Franz Schubert và chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ XIX sẽ sống lại cùng Hành trình mùa đông trong Nhà hát dưới hầm mộ nhà thờ Thánh Peter. Chị cảm nhận thế nào khi là một phần của đêm ca khúc ấy, Ekaterina Nokkert?
Ekaterina Nokkert: Đối với tôi, tập ca khúc Hành trình mùa đông của Schubert có lẽ là một trong những tập ca khúc riêng tư nhất, và cũng là một trong những tập ca khúc mỗi lần ta đánh lên lại là một lần sống lại rất khác nhau. Chủ đề chính của tập ca khúc rất tối tăm - đớn đau, mất mát, trầm cảm, nỗi khát khao cái chết và nỗi lo sợ mình sẽ phát điên.
Theo quan điểm thuần túy “kĩ thuật”, thoạt nhìn bản nhạc có vẻ không quá khó - tiết tấu phần lớn chậm rãi, đó cũng là những mô-típ đặc trưng được lặp đi lặp lại trong phần đệm của nhạc Schubert. Chỉ khi xem xét kĩ lưỡng hơn tập ca khúc này, cái khó thực sự mới được bộc lộ. Việc cân bằng âm sắc, không chỉ liên quan đến giọng người ca sĩ mà kể cả việc cân bằng trong bản thân các hợp âm và các bè, đã là hành động gia giảm cân chỉnh - tăng giảm quá một chút thôi cũng đã đủ để đánh mất đi một điều gì đó. Việc lựa chọn tốc độ cũng liên quan chặt chẽ đến tâm trạng cần được miêu tả, và trong bản thân tập ca khúc này cơ man nào là manh mối và những mối liên hệ chằng chịt chờ ta khám phá.
- Cân chỉnh âm sắc, tiết tấu trong một cấu trúc âm nhạc - loại hình nghệ thuật thời gian, tạo nên sự khác biệt, qua đó diễn tả tâm trạng trữ tình trong tác phẩm và cả tâm trạng của người nghệ sĩ trình tấu ca khúc nữa. Thi sĩ Xuân Diệu - một biểu tượng của thi ca lãng mạn Việt Nam - từng viết: Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân (Nguyệt cầm). Không chỉ có nhạc trong ca khúc, mà còn có nhạc trong lòng người như một sự hòa điệu. Phải không, chị Ekaterina Nokkert?
Ekaterina Nokkert: Tôi cảm nhận âm thanh như các sắc thái - không chỉ đơn thuần là màu sắc, như một người có thể nhìn thấy màu sắc trong cảm giác đi kèm sẽ mô tả nó, mà là các sắc thái cảm xúc khác nhau giữa sáng và tối. Làm việc trong dải phổ màu xám này là một thách thức lớn trong việc tạo ra các đường nét và đường viền trong đó. Trong tất cả các bài hát của tập ca khúc, piano là âm thanh khởi đầu - và ngay từ âm thanh đầu tiên, thậm chí là trước cả khi âm thanh đầu tiên vang lên, cái không gian chung của bài hát đã phải được hiện hữu cùng với ý tưởng rõ ràng trong nội tại làm sao có thể tạo ra không gian ấy. Những giọt hợp âm đóng băng có nghe “băng giá hơn” chăng nếu tôi làm cho quá trình phát ra âm thanh ngắn hơn và khô hơn một chút? Phần đầu của bài hát “Cây bồ đề” phải được cân bằng âm sắc như thế nào để người nghe có thể cảm nhận được ánh sáng ấm áp mà giếng nước cũng như cây bồ đề đang đắm mình trong đó? Người nghe sẽ cảm nhận được sự đau đớn của tiếng khóc trong những gam trưởng nặng nề, sâu lắng đến đâu, người ta cảm thấy lòng mình thắt lại thế nào?
- Cảm ơn Ekaterina Nokkert! À, chị Chu Thu Phương này, tôi nhớ một lần nói chuyện giữa chúng ta, chị nhắc đến “nỗi lạ lùng” trong âm nhạc của Franz Schubert. Hình như chị có ấn tượng đặc biệt với sự chuyển hóa gam trưởng và gam thứ trong cấu trúc giai điệu của Franz Schubert. Ekaterina Nokkert vừa nói đến “những gam trưởng nặng nề, sâu lắng” hay nỗi đớn đau, trầm cảm trong tập ca khúc Hành trình mùa đông. Nỗi lạ lùng này là gì vậy?
Chu Thu Phương: Có một điểm lạ lùng trong âm nhạc của Franz Schubert. Thông thường, gam trưởng được dùng để diễn tả những cảm xúc vui tươi, khoẻ khoắn; gam thứ dùng để diễn tả những cảm xúc êm dịu, man mác buồn, phải không? Thế nhưng ở Schubert thì gam trưởng và thứ dường như đưa lại những cảm xúc rất khác. Nếu nghe thử bất cứ một bài nào trong Hành trình mùa đông bạn sẽ thấy gam thứ khi ấy ngân lên với một cảm xúc như kể về cõi thực, có cảm giác như kể về một điều nghiêm trọng, kể về cảm giác buông xuôi, bất hạnh; trong khi gam trưởng lại vang lên như từ một cõi mơ, như ảo ảnh của hạnh phúc không có thực, gam trưởng vang lên như một tiếng khóc than. Cái xung đột trong cảm giác đó làm người hát, người đàn cũng như người dịch chìm vào một nỗi bất hạnh triền miền ngày càng sâu thẳm đưa bạn đến rất gần với cái chết. Bởi vậy, tập đàn, tập hát cũng như dịch ca khúc của Hành trình mùa đông, bạn nên tự hiểu là đã đặt mình vào một mối nguy hiểm cận kề.
Hành trình mùa đông là một nỗi đau, triền miên, dai dẳng và chỉ dẫn đến một điểm duy nhất cuối con đường: cái chết. Không ít lần trải qua khủng hoảng, không thiếu cả trầm cảm và suy nghĩ thường trực về cái chết trong đầu…, phải chăng tất cả những điều này, và ở một mức độ mạnh hơn nhiều, Franz Schubert đã từng trải qua? Ông quả là cô độc! Xin được dẫn lại những lời nhận định của bà Dorothee Stanglmayr như là một chia sẻ về nỗi đớn đau, cô độc trong âm nhạc của Franz Schubert: “24 bài hát của nhà thơ Wilhelm Mller do nhạc sĩ Franz Schubert phổ nhạc, tạo nên cả một không gian đớn đau, cô độc…” Có nghe mới hiểu, có những cơn đau như một nỗi ám ảnh, cứ cái gió đông về là lại nhớ. Xin người đón nhận lấy cơn đau tuyệt mĩ này!
- Cảm ơn chị Phương! Nỗi cô độc, đớn đau cho ta cơ hội đối diện chính mình. Tại đó, như Ayn Rand (tác giả Suối nguồn - một tác phẩm được viết trên nền cảm hứng chủ đạo của chủ nghĩa lãng mạn) đã nói, cơn đau thật bao dung. Đó thực sự là “cơn đau tuyệt mĩ”. Có điều gì khác biệt khi những kinh nghiệm tối tăm trong ca khúc của Franz Schubert (tiếng Đức) được dịch chuyển sang tiếng Việt, thưa chị Ekaterina Nokkert?
Ekaterina Nokkert: Tiếng Việt tạo nên những biến đổi trong thành phần âm nhạc - các phụ âm trong bản tiếng Việt sẽ không rơi vào điểm bạn chờ đợi chúng sẽ xuất hiện trong tiếng Đức, vì vậy việc chú ý đến giai điệu giọng hát là điều quan trọng hơn hết để giữ toàn bộ hòa tấu hòa hợp được với nhau và cùng với nhau tạo nên một khổ hát chung.
Biểu diễn và miêu tả tác phẩm này là cả một tấm công phu, chừng 75 phút tập trung cao độ, không gián đoạn - nhưng nó cũng đòi hỏi cả việc sẵn sàng xử lí nội dung ca khúc ở cấp độ trải nghiệm cá nhân. Tôi đánh đàn bằng cả những kinh nghiệm riêng của bản thân mình về những mất mát và đớn đau, chúng có tác dụng như một liều thuốc chữa lành vết thương lòng. Trong đời sống xã hội, chúng ta quá thường xuyên phải đương đầu với những cảm giác tiêu cực và những suy nghĩ mà ta coi là không mong muốn, chúng ta luôn cố gắng kìm nén, và nếu có thể thì từ chối cảm nhận chúng. Nhưng thực ra ta cần phải sống, phải trải qua từng cung bậc cảm xúc, đóng chặt lòng mình trước những cảm xúc ấy không làm cho những cảm xúc đó mất đi. Mỗi chúng ta đều có những góc tối trong tâm hồn và tác phẩm này buộc chúng ta phải soi lại mình và chiếu rọi một tia sáng vào những góc khuất đó.
- Vâng, cảm ơn Ekaterina Nokkert! Người đệm đàn và người hát, giai âm và ca từ dìu đỡ nhau trong nỗi cô đơn, buồn thảm, dang dở. Hans-Jưrg Gaugelhofer này, trong tư cách ca sĩ trình bày phần tiếng Việt tập ca khúc Hành trình mùa đông, anh cảm nhận thế nào về Franz Schubert?
Hans-Jưrg Gaugelhofer: Nhạc trưởng Nicolaus Harnoncourt đã phân tích một cách rất tuyệt vời: “Âm nhạc của Mozart và Beethoven là tác phẩm của các thiên tài, nhưng âm nhạc của Schubert lại là một điều kì diệu”. Trong quá trình thực hiện một dự án âm nhạc của nhạc sĩ Franz Schubert, tôi có vinh dự được hát các bài hát chọn lọc từ Hành trình mùa đông bằng tiếng Việt. Đó là một trải nghiệm đặc biệt. Anh biết đấy, có những tác phẩm mà ta cần thận trọng khi bước vào. Sói đồng hoang của Hermann Hesse, Nỗi buồn của chàng Werther trẻ tuổi của Goethe hay Hành trình mùa đông đều là những kiệt tác được đóng dấu “Tự chịu trách nhiệm khi mạo hiểm bước vào”. Tất nhiên, ở đây tôi không thể trả lời được chi tiết câu hỏi rằng liệu thế giới có thực sự như được mô tả trong Hành trình mùa đông hay không. Tôi sẽ nói một cách đơn giản: Không. Tuy nhiên, rất thú vị là thế giới cũng có thể đúng là như thế, ít nhất là trong một thế giới cảm xúc chủ quan của một cá nhân.
- Khi thể hiện tập ca khúc này (bằng tiếng Việt), anh có gặp khó khăn gì không?
Hans-Jưrg Gaugelhofer: Có những khó khăn dành cho người trình bày Hành trình mùa đông. Hát liên tiếp 24 bài hát là một điều vô cùng mệt mỏi, kể cả khi có những đoạn dừng lại nghỉ đi chăng nữa. Ngoài ra, người hát còn phải chìm đắm trong không gian đầy nặng nề, trầm cảm mà lại còn phải chú ý cả tới những yêu cầu khắt khe mà âm nhạc cổ điển đòi hỏi. Nắm vững kĩ thuật belcanto sẽ giúp ta có thể thành công vượt qua những khó khăn này. Cách tiếp cận cơ bản để biểu diễn được tập ca khúc này phải trước hết là sự trung thực. Chỉ một gợn đau khổ mà người ca sĩ cố gắng gượng tạo ra trong tập ca khúc này cũng sẽ ngay lập tức tạo ra sự chán nản của khán giả. Hơn nữa, điều quan trọng là phải diễn đạt lại lời bài hát thật rõ ràng, bởi tâm trạng khán giả sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng nếu họ không hiểu được lời bài hát muốn nói gì.
- Thưa các nghệ sĩ, qua cuộc trò chuyện này, có lẽ độc giả Việt Nam sẽ hiểu hơn về Franz Schubert, về một không gian văn hóa cao cấp ở Viên, về quá trình dịch tập ca khúc Hành trình mùa đông sang tiếng Việt, về những người nghệ sĩ góp phần làm sống lại vẻ đẹp âm nhạc của thiên tài Schubert trong tinh thần đương đại. Như là một trải nghiệm cá nhân, tôi hi vọng sẽ có dịp thưởng thức những ca khúc ấy, bằng tiếng Việt, tại Việt Nam. Nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo và 225 năm ngày sinh nhạc sĩ thiên tài Áo Franz Schubert, xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến con người và xứ sở nhân hậu, diệu kì ấy - quê hương của Franz Schubert. Xin cảm ơn quý vị đã tham gia cuộc trò chuyện cùng chúng tôi!
NGUYỄN THANH TÂM thực hiện
VNQD