Thanh Thảo là một trong những nhà thơ đương đại tiêu biểu, quen thuộc với bạn đọc cả nước. Dù ông viết về chiến tranh hay viết về thực tại đời sống thì người đọc vẫn luôn nhận thấy ở đó một giọng điệu riêng, cái nhìn riêng, nhiều ấn tượng, day dứt và ám ảnh. Một lần gặp gỡ gần nhất, khi được hỏi vị trí những tác phẩm viết về chiến tranh trong “gia tài” thơ Thanh Thảo, ông đã trả lời: “Những tác phẩm ấy, trước hết, có chỗ đứng trong lòng tôi, trong tâm hồn tôi. Nếu anh gọi tâm hồn tôi là gia tài của tôi, thì thơ về chiến tranh và người lính của tôi nằm gọn trong đó”. Câu trả lời của ông chính là tinh thần “mở” cho cuộc trò chuyện với Tạp chí Văn nghệ Quân đội số này. |
- Thưa nhà thơ Thanh Thảo, hôm nay tôi đọc lại bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình, sáng tác năm 1973 và cả những bài thơ viết về chiến tranh mới nhất của ông. Ở đó, có những câu thơ trực diện viết về người lính, có những câu thơ chất đầy hoài niệm về một thời máu xương đã đổ, và dường như ở thời điểm nào thì thơ ông cũng vang lên tiếng nói của thế hệ mình: “Thế hệ chúng tôi nhìn rất rõ mặt mình”. Phải chăng, dù cuộc chiến có lùi xa đến đâu thì tiếng nói ấy, ngọn lửa ấy trong ông cũng không phai nhạt?
+ Cảm ơn anh đã đọc những bài thơ viết về chiến tranh và người lính của tôi. Trong rất nhiều sáng tác của tôi, cả thời chiến lẫn thời bình, cả thơ ngắn và trường ca, hình tượng người lính luôn là hình tượng trung tâm mà tôi thương yêu, chia sẻ, ngưỡng mộ, kể cả xót thương. Tôi đã viết thật lòng mình, đã trang trải máu thịt, vì tôi biết, những “dấu chân qua trảng cỏ” rồi sẽ mờ đi, sẽ nhòe đi sau chiến tranh, khi cuộc sống đã chuyển sang những hình thái khác. Nhưng tôi không muốn những gì người lính đã hi sinh và đóng góp cho Tổ quốc lại bị quên lãng, hoặc chỉ được nhớ đến trong những dịp lễ lạt, kỉ niệm.
Khi tôi viết Thế hệ chúng tôi nhìn rất rõ mặt mình thì đó là cái nhìn tự ý thức, cái nhìn của người từng trải, không tham vọng nhưng vẫn đầy hi vọng vào tương lai của đất nước mình, vào hạnh phúc của nhân dân mình.
- Vâng, hòa bình của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân… đã được góp bằng rất nhiều sự hi sinh, mất mát của bao thế hệ “không tiếc tuổi xuân mình”. Trong chiến tranh, người lính chiến đấu là để cho hòa bình thống nhất đất nước, và với họ những ngày hòa bình đầu tiên vẫn luôn là một sự kiện đáng nhớ nhất trong đời. Những ngày ấy với ông diễn ra thế nào, thưa nhà thơ?
+ Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng những ngày hòa bình đầu tiên tháng 5/1975 ở Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, một kẻ lang thang tự do từ các đường rừng về thành phố. Tháng 5 ấy, tôi lấy một chiếc xe đạp “nu” (không chắn bùn, chắn xích, không chuông, không phanh) của cơ quan mang từ chiến khu về làm phương tiện di chuyển trên các đường phố Sài Gòn. Mỗi khi đạp chiếc xe này rong ruổi ngoài phố, tôi lại được bà con nhìn theo với ánh mắt ngạc nhiên và sự bao dung thân thiện. Có lẽ bà con thấy cái xe đạp này… kì quá! Xe gì mà trần thùi lụi, đen trùi trũi, trông bùi bụi mà chạy cùi cụi. Tôi vốn là người không có khiếu nhớ đường, ngày ở rừng vẫn thường đi lạc, khi về giữa một Sài Gòn mênh mông và xa lạ thì chuyện lạc đường phải được coi là chuyện bình thường. Nhưng lạc rừng khác với lạc trong thành phố, vì ở thành phố có quá đông người để mình hỏi đường. Ngày ấy, mỗi khi tôi hỏi thăm đường, người Sài Gòn đều hồ hởi chỉ cho tôi rất cặn kẽ. Đó là nét đẹp đặc biệt của người Sài Gòn. Có lẽ người Hà Nội ngày trước cũng giống như vậy.
Hòa bình, ngay những ngày tháng 5 ấy ở Sài Gòn, đã mang ý nghĩa của thiện chí, của tình yêu thương và sự chia sẻ. Nhiều đêm đi chơi thật khuya ngoài phố, chúng tôi đã cảm nhận được sự an toàn. Nhớ một lần, vào khoảng 6 giờ chiều, tôi và nhà văn Thái Thành Đức Phổ nổi hứng phóng Honda từ Sài Gòn về tận… Cái Bè thăm bạn. Tôi không biết chạy xe Honda, nên yên lòng ngồi phía sau để anh Phổ chở. Cỡ chừng 8 giờ tối, khi chạy trên lộ Bốn thuộc địa phận Châu Thành (Mỹ Tho) thì xe chúng tôi va quẹt với một anh du kích (có lẽ hơi quá chén). Để tránh anh du kích, nhà văn Thái Thành Đức Phổ đành quay ngang và xe Honda…lật. Tôi ngồi sau nhưng lãnh đủ, bị chà xát xuống mặt lộ, chảy máu tùm lum. May sao, mấy anh du kích đã lập tức dìu chúng tôi vào một trạm cứu thương “dã chiến” bên đường. Ở đó, một em gái y tá hết sức dễ thương đã băng bó cho tôi. Khi tôi ngỏ lời cảm ơn, em đã nói thật nhỏ nhẹ: “Có chi đâu anh!”. Tôi không bao giờ quên được giọng nói ngọt lành và cực thu hút ấy của em gái y tá người Mỹ Tho. Ngày chiến tranh, tôi đã từng ở địa bàn Cai Lậy, và rất có cảm tình với giọng nói của các em gái ở đó. Bây giờ, lại nghe chuyện có người bị tai nạn trên đường cao tốc Trung Lương, một chiếc xe đi ngang qua nhìn thấy đã… chạy luôn. Sao kì vậy nhỉ? Hay tôi đọc báo thấy nói có nơi ở Hà Nội người ta treo bảng “Chỉ đường giá 10k”, nghe thật kì cục. Nếu hồi tháng 5/1975 ở gần ngã ba Trung Lương ấy, tôi không được người dân địa phương sơ cứu kịp thời khi bị tai nạn, thì không biết điều gì xảy ra nữa. Bây giờ phú quý có thể “tiến lên”, nhưng sao lòng nhân ái lại “giật lùi” thế chứ?
- Vẫn là câu chuyện những ngày hòa bình. Xin được hỏi nhà thơ về Trại sáng tác Văn học Quân khu 5 - diễn ra sau thời gian thống nhất đất nước mà ông tham gia. Trong quan sát của tôi, có thể nói đây là một trong những trại sáng tác đặc biệt nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là bởi trại viết có sự góp mặt của rất nhiều “anh tài” từng vào sinh ra tử trong chiến trường, đặc biệt còn bởi thời gian trại viết diễn ra dài, cách tổ chức cho những nhà văn, nhà thơ đi thực tế sáng tác cũng rất khác, và đặc biệt hơn còn ở tình đồng chí, đồng đội trong trại viết mà tôi từng được đọc, được kể. Điều đó có đúng không, thưa nhà thơ Thanh Thảo?
+ Vâng, mỗi khi nhắc tới Trại sáng tác Văn học Quân khu 5, lòng tôi lại trào lên những kỉ niệm và lòng biết ơn. Ngay sau hòa bình, nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Nguyễn Chí Trung đã quyết định phải thành lập ngay trại sáng tác này. Trại viết “thu gom” anh em sáng tác ở Khu 5 là chính, nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt, như tôi là người ở chiến trường Nam Bộ, còn anh Nguyễn Công Khế và chị Ngô Thị Kim Cúc thì hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên đô thị. Nhà văn Nguyễn Chí Trung muốn trại sáng tác văn học về đề tài chiến tranh có nhiều màu sắc, nhiều vùng miền (như họa sĩ Lê Văn Tài ở Huế), như thế sẽ có nhiều tác phẩm phong phú, đa phong cách hơn. Chúng tôi đã tập hợp trong trại viết này tới 3 thế hệ, từ lớp nhà văn, nhà thơ lớn tuổi như Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, tới một lớp “sồn sồn” như Liên Nam, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Đăng Kỳ… Và lớp trẻ nhất là chúng tôi gồm những Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai, Thanh Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Trung Trung Đỉnh, lúc ấy ở độ tuổi 30, còn hồn nhiên ngây thơ lắm. Trong vòng 4 năm, trại sáng tác này đã cho “xuất” mấy chục tác phẩm viết về chiến tranh, trong đó có những tác phẩm có chất lượng, được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Riêng với tôi, nếu không có trại sáng tác này, tôi không biết mình làm sao có thể viết được hai trường ca, Những người đi tới biển (xong tháng 12/1976) và Trẻ con ở Sơn Mỹ (xong tháng 2/1978, in trọn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 4/1978). Ngoài ra, tôi còn tập hợp xong tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ, sáng tác ở chiến trường Nam Bộ, in ở Nxb Tác Phẩm Mới năm 1978, tới năm 1979 thì nhận được Giải thưởng văn học thường niên của Hội nhà văn Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội nhà văn trao giải thưởng này. Hồi ở trại viết ấy, chúng tôi chơi với nhau như anh em ruột thịt, chia sẻ với nhau những gì mình có, tình anh em giống như tình đồng đội trong chiến tranh vậy.
- Nhắc đến trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ in trọn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 4/1978, làm tôi nhớ đến bài thơ Theo chuyến tàu đi của ông. Sở dĩ tôi nhớ Theo chuyến tàu đi bởi đây là bài thơ đầu tiên của ông được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8/1967.
+ Ôi, anh còn nhắc đến bài thơ vụng dại đầu tiên của tôi ấy ư? Mỗi khi nhắc đến bài thơ này, tôi lại muốn bày tỏ tình cảm sâu đậm với các anh biên tập Văn nghệ Quân đội, đặc biệt với nhà thơ Xuân Sách, người đã trực tiếp đọc, biên tập chùm thơ 5 bài của tôi, và đã chọn được bài thơ này cho tạp chí. Sau này, khi đã in khá nhiều thơ trên Văn nghệ Quân đội, thì tôi vẫn không quên “bước đi đầu tiên” của mình được sự chăm chút vô tư, đầy trách nhiệm của những người biên tập tạp chí như thế. Với một bài thơ đầu tay của một sinh viên không quen biết, nhà thơ Xuân Sách đã viết cho tôi tới 2 lá thư. Đó là điều tôi không ngờ tới. Khi có nhuận bút, lúc ấy là 12 đồng, một số tiền to với nhóm chúng tôi, cả nhóm đã kéo nhau tới Bưu điện xã Ký Phú để nhận. Sau đó mua 2 con gà béo, 2 lít rượu đồng bào, và tổ chức liên hoan tưng bừng. Cuộc liên hoan đó còn có cả thầy Lê Đình Kỵ đến dự. Nhân đây cũng nói, hồi ấy tình thầy trò chúng tôi rất thắm thiết, và tôi thường xuyên đến thăm các thầy để cùng đàm đạo và học trực tiếp ở các thầy.
- Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ về những kỉ niệm thật đáng nhớ này. Nhiều năm quan sát và suy ngẫm về thơ ca, tôi thấy: “Có người thơ lấy chữ làm trung tâm. Họ ghì sát hồn mình vào chữ. Chữ ám thị, chữ nở hoa, chữ khóc, chữ cười, chữ mở giọng trong thân phận chữ”... Nhưng khi đọc những câu thơ Đất nước ngấm vào ta/ đơn sơ/ như Tháp Mười không điểm trang/ đầy im lặng/ trên tất cả tình yêu/ tình yêu này đi thẳng/ đến mỗi đời ta/ bất chấp những ngôn từ (Một người lính nói về thế hệ mình); Như người xuyên rừng nhãng bước chân đi/ cứ chăm chăm phát cây mở lối/ gánh nặng là chữ/ muỗi vắt là chữ/ mồ hôi là chữ/ đói bụng là chữ/ buồn vô ngôn (Trường ca Chân đất), thì ở Bất chấp những ngôn từ hay trong Buồn vô ngôn có vẻ như đang hàm chứa một “dụ ngôn” nào đó phải không, thưa nhà thơ?
+ Có những điều còn cao hơn chữ nghĩa. Đó là cảm giác của tôi khi lần đầu băng qua Đồng Tháp Mười, hay khi đi trong rừng rậm Trường Sơn. Bây giờ người ta hay nói đến thực tế ảo. Nhưng ngày chiến tranh, thực tế đó có thể là máu, là trách nhiệm, là phải trả giá từ những gì cụ thể nhất. Thế thì “buồn vô ngôn” là phải rồi.
- Khi làm thơ, ông có quan tâm nhiều đến “chữ” trong thơ không?
+ Ai cũng làm thơ bằng chữ. Nhưng chữ trong thơ cũng có năm bảy đường. Với tôi, chữ bật ra từ vô thức, tôi gần như không phải chọn lựa. Tôi quan tâm nhiều hơn đến hình ảnh, nhưng đây cũng là những hình ảnh bất chợt hiện, những hình ảnh của ám ảnh, những hình ảnh của cảm giác, nhiều lúc như thoáng qua. Thơ tôi nghiêng về cảm giác. Tôi không quá chắc về một điều gì. Giống như một nhân vật của nhà văn Abdulrazak Gurnah - nhà văn gốc Tanzania, chủ nhân của giải Nobel văn chương 2021, có nói: “Một khi ta bắt đầu quá chắc chắn vì điều gì đó thì ắt là nơi ấy bắt đầu của sự mù quáng”. Khi viết thơ, tôi có thể mù mờ, nhưng không thể mù quáng.
Như tôi đã nói, tôi không quan tâm nhiều đến chữ. Tôi quan tâm đến từng mảng thơ, đến cấu trúc mảng, cấu trúc khối, đến toàn cục của bài thơ. Chữ nằm trong đó cả mà. Ai thì cũng viết chữ mới làm ra thơ. Tôi không ngoại lệ.
- Những bài thơ đầu tiên của ông được người đọc biết đến là những bài thơ viết về người lính, viết về chiến tranh. Sau này đề tài ấy cũng chiếm một phần không nhỏ trong “gia tài” thơ Thanh Thảo. Qua thơ viết về đề tài chiến tranh và người lính, ông muốn thể hiện điều gì, cho mình và cho bạn đọc?
+ Tôi đã từng khao khát được đi chiến trường, được giáp mặt chiến tranh, nói như bây giờ là để được trải nghiệm. Chính vì tôi muốn viết về người lính, nên mới đánh liều làm một cuộc “Lang thang qua chiến tranh” dài 5 năm như thế. Tôi yêu thương những người lính, và tôi muốn bạn đọc, nếu đọc thơ tôi, cũng có tình yêu như vậy. Những người lính, trong cuộc đời, họ chịu nhiều thiệt thòi lắm. Không phải ai làm lính cũng lên tướng, lên tá. Rất nhiều người đã chết khi chỉ là binh nhì. Tôi không phải lính chiến, nhưng tôi có nhiều cơ may đi với người lính, và tôi nghĩ là mình đồng cảm với họ. Luôn luôn, tôi chọn cho mình một vị trí thấp hơn một người lính bình thường, để cảm nhận, để viết về họ một cách thật lòng nhất.
- Nhiều người cho rằng đời sống văn học hiện nay khá trầm lắng và thơ ca đang ngày càng “mất giá”. “Mất giá” ở đây có phải vì “thơ là thứ dễ làm với nhiều người Việt”?
+ Cũng đúng, thơ là thứ dễ làm, nhưng không chỉ với người Việt. Thơ trên thế giới hiện nay nhiều vô kể luôn. Nhiều người làm thơ bây giờ yêu bản thân mình trước, rồi mới yêu thơ sau. Yêu sự nổi danh nổi tiếng của mình trước, rồi mới quan tâm đến chuyện thơ mình sống chết thế nào. Nhưng cái đó chả hề hấn gì đến thơ cả. Hồi chiến tranh người mình hay hát Ai đi cứ đi, chiến trường súng nổ. Vậy thôi.
Còn nói về “giá” thì tôi chưa bao giờ nghĩ thơ có giá gì. Thế nên tôi không biết nó có thể mất giá hay lên giá. Thời thế đã thay đổi. Có một thời, trong chiến tranh và ngay sau hòa bình, thơ đã là món ăn tinh thần, món ăn tâm hồn không thể thiếu của người Việt. Thời ấy đã qua. Nhưng biết đâu, vào một lúc nào đó, nó trở lại. Mỗi nhà thơ nên nghĩ mình viết những bài thơ với tất cả năng lượng tâm hồn mình, còn giá cả của nó thì đừng nghĩ. Với đời sống văn học, đó không phải là những cuộc giải trí theo kiểu showbiz, trình diễn kiểu thời trang hay những lễ hội pháo hoa. Thơ lặng lẽ vì nó không thể ồn ào, không sống được trong ồn ào. Đó là tiếng nói riêng tư, của một người với từng người một.
- Khi đọc một bài thơ lẻ, tôi thường quan tâm đến những gì tác giả làm được trong bài thơ đó, như: nội dung, ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu... Nhưng khi đọc nhiều bài thơ của cùng một tác giả, thì ngoài những thứ vừa nhắc, tôi còn quan tâm đến giọng điệu đã được thể hiện trong đó. Đọc thơ, trường ca của ông trước đây và bây giờ, tôi thấy dù nhà thơ viết theo lối quen (lối quen với Thanh Thảo), hay có những thể nghiệm mới, có những thay đổi về bút pháp... thì vẫn nhận ra được giọng điệu riêng lưu trú trong đó. Theo ông, việc tạo và giữ được giọng điệu riêng đối với mỗi nhà thơ ở từng giai đoạn sáng tác khác nhau có khó không? Điều cần thiết của một người viết văn, làm thơ là luôn phải giữ được giọng điệu cho riêng mình?
+ Anh đã nói vào cốt lõi của thơ rồi đấy. Cái giọng điệu riêng trong thơ của một nhà thơ là cái ta cảm được chứ khó thấy. Nhưng cái giọng riêng ấy mới là cái đáng nhớ nhất ở một nhà thơ. Nếu anh cảm thấy cái giọng điệu riêng ấy là có ở thơ tôi, thì tôi đã được rồi đấy. Khi đã có cái giọng riêng ấy rồi, anh có thể cách tân, thể nghiệm, thay đổi… nhưng anh vẫn là anh, thơ anh vẫn là thơ anh, và người ta nhận ra ngay, dù không chỉ rõ được ở điểm nào. Như khi ta yêu thật lòng một ai đó, ta cũng không nói được là yêu từ cái gì và vì cái gì.
- Giọng riêng nào của nhà thơ Việt mà ông thấy có nhiều cảm mến?
+ Tôi thấy thơ Quang Dũng rất có giọng riêng, dù ông viết về đề tài nào, cái giọng riêng của ông vẫn ám ảnh người đọc. Quang Dũng là một thiên tài, dù suốt đời ông phải sống trong những sức ép, dù thực tế hay tưởng tượng. Và ông còn phải tự sửa thơ mình, dù những chữ sửa bao giờ cũng dở hơn những chữ đầu tiên.
- Tôi đã đọc hai trường ca mới nhất của ông: Dạ, tôi là Sáu Dân, viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Hiển thánh năm 25 tuổi, viết về người chiến sĩ cộng sản trung kiên Trương Quang Trọng, và thấy ở đó một lối viết khá chân thành giản dị. Nhưng bên trong lớp áo ngôn ngữ chân thành giản dị ấy lại toát lên được tầm vóc của những con người sống vì dân, hòa mình vào với nhân dân, với đất nước mà trở thành “anh hùng”. Viết là để tôn vinh những con người ấy, hay ông muốn nhắc nhớ điều gì với chúng ta?
+ Tôi cũng có “cài” trong đó vài ba thông điệp nhỏ, mong người đọc sẽ nhận ra khi đọc những tác phẩm rất bình dị này. Những người cách mạng, những người lãnh đạo sẽ sống rất lâu trong lòng nhân dân nếu họ biết hi sinh, biết cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước. Và sự hi sinh hay cống hiến cho nhân dân, cho đất nước phải là rất vô tư. Không ai tinh tường hơn nhân dân đâu.
- Sau khi đã viết và cho ra đời rất nhiều trường ca thì gần đây ông có viết hoặc ấp ủ thêm trường ca nào nữa không, thưa nhà thơ?
+ Tôi đã viết khoảng 15, 16 trường ca rồi. Như thế cũng tạm đủ. Tôi đang in một tập thơ ngắn mà mình rất tâm đắc, nhan đề Hát giữa gió mưa. Hi vọng tập thơ này sẽ đến với ai lắng lòng cùng những số phận con người trong tập thơ.
- Xin thú thật, ngoài việc yêu thích nhiều sáng tác của nhà thơ Thanh Thảo, tôi còn quý trọng ở ông sự chuyên nghiệp, sức làm việc, cùng tinh thần sáng tạo bền bỉ. Hi vọng với trường ca, ông sẽ chưa dừng lại ở con số 15, 16 tác phẩm như chúng ta vừa nhắc. Nhưng nếu coi sự “tạm đủ” ấy làm bằng lòng, thì cho đến nay trường ca hay bài thơ nào đã để lại trong ông nhiều ám ảnh, day dứt nhất?
+ Bài thơ Thử nói về hạnh phúc viết năm 1972 ở chiến khu R, và trường ca Metro viết năm 2009 nhân kỉ niệm 50 năm đường Trường Sơn là khiến tôi day dứt nhất. Đó là hai tác phẩm thật buồn và khiến tôi khổ tâm không ít. Nếu anh đọc hai tác phẩm này, anh sẽ hiểu được vì sao.
- Vâng, tôi cũng đã có cảm giác “gai người” khi chạm đến bài thơ Thử nói về hạnh phúc, với những dòng thơ:
“... máu đỏ thật không ồn ào
máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo
hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh
hạnh phúc nào cho chúng ta
hạnh phúc nào cho đất nước
những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được
mảnh đất hôm nay bè bạn chúng tôi nằm
nơi máu đổ phải sống bằng thực chất
không ai nỡ lo vun vén riêng mình
khi mộ bạn chính bàn tay anh đắp
nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước
thử lòng ta chung thuỷ vô tư
nơi vỡ vụn dưới chân bao mảng đêm hèn nhát
những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người...”
Và thầm hiểu những trăn trở day dứt của ông trong bài thơ này cũng như trong trường ca Metro.
Quay trở lại với cuộc trò chuyện. Trong những cuộc thi thơ, truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội thường có sự góp mặt của khá đông tác giả trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Với chiến tranh, người viết trẻ là những người đứng ngoài “đường biên”, song khi đứng ngoài “đường biên” thì những cảm nhận về không gian, thời gian, về sự khốc liệt của cuộc chiến ở họ cũng đã được nới rộng hơn ít nhiều, vì thế mà sức tưởng tượng, cái nhìn đa chiều cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Thưa nhà thơ Thanh Thảo, ông có nghĩ, những người sinh ra trong hòa bình hoàn toàn có thể viết được tác phẩm hay, tác phẩm lớn về chiến tranh không?
+ Tôi hoàn toàn tin như vậy. Thực tế trên thế giới đã có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh khi cuộc chiến ấy đã qua lâu rồi. Điển hình, là tiểu thuyết bất tử Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi vĩ đại. Lev Tolstoi đã viết bộ tiểu thuyết này sau cuộc chiến tranh Nga - Pháp tới hơn 70 năm. Dĩ nhiên, để viết tiểu thuyết ấy, Tolstoi không chỉ dựa hoàn toàn vào tưởng tượng. Ông đã làm việc cật lực với đủ loại tư liệu lịch sử, và chăm chút tới từng chi tiết nhỏ nhất. Khối lượng tài liệu của Tolstoi khi viết tiểu thuyết này phải nói là cực lớn. Những người trẻ hoàn toàn có thể viết hay, viết thành công về cuộc chiến tranh mà khi nó kết thúc, họ còn chưa sinh ra, hoặc mới sinh ra. Sự nhập thân của nhà văn vào tác phẩm, vào số phận những nhân vật trong tác phẩm là điều nhà văn trẻ hoàn toàn làm được và thành công. Miễn là họ có tâm và có tài.
- Tôi cũng tin điều này và càng thêm phần tin hơn khi nhận được những chia sẻ từ ông. Trân trọng cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện thú vị!
ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện
VNQD