Họa sĩ Trịnh Bá Quát: Tài năng là yếu tố quyết định trong nghệ thuật

Thứ Ba, 28/09/2021 20:31

Hoạ sĩ Trịnh Bá Quát sinh năm 1957 tại Nam Định, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam.

Ông nguyên là Giám đốc Bảo tàng Đặc công; nguyên Trưởng Ban thường trực Cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng (LLVT - CTCM), trực thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác mĩ thuật đề tài cách mạng và bảo vệ Tổ quốc - Hội Mĩ thuật Việt Nam.

Giải thưởng, danh hiệu: Giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam các năm 1994 và 1996; giải Nhì và giải Ba triển lãm của Hội Mĩ thuật Hà Nội các năm 2010 và 2012; Huy chương Vì sự nghiệp mĩ thuật Việt Nam (2011); Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá nghệ thuật Việt Nam (2012); Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích sáng tác về đề tài LLVT - CTCM...

Trong các chặng đường phát triển của nền mĩ thuật Việt Nam, đề tài LLVT - CTCM đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng, gắn liền với các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, phục vụ nhiệm vụ chính trị và cổ vũ đời sống nhân dân. Ở bối cảnh đương đại, mảng đề tài này đang có phần thiếu vắng sự sôi nổi, phong phú. Bắt nhịp đời sống, phát huy sáng tạo từ dữ liệu hiện thực đồ sộ, sinh động để cho ra đời những tác phẩm xứng tầm là trăn trở thường trực và cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của giới văn nghệ sĩ. Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề này với họa sĩ Trịnh Bá Quát, người có nhiều năm sáng tác và hoạt động gắn bó với mĩ thuật đề tài LLVT - CTCM.

- Những năm gần đây, trong bức tranh tổng quan của mĩ thuật Việt Nam, mảng sáng tác về đề tài LLVT - CTCM được cho là thiếu vắng những tác giả, tác phẩm nổi bật. Điều đáng nói, đề tài này từng có những giai đoạn phát triển thật sôi động, rực rỡ. Là một hoạ sĩ quân đội, ông nhìn nhận gì về sự chững lại này?

+ Nhận định cho rằng những năm qua thiếu vắng tác phẩm mĩ thuật về đề tài LLVT - CTCM là hoàn toàn chính xác. Lược sử lại nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam thì thấy, các tác phẩm đề tài này tập trung vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp và thời kì đầu chống Mĩ là rất lớn, với nhiều tác giả tên tuổi. Thế hệ họa sĩ thời kì ấy có cách cảm nhận đề tài tinh tế; tư duy sáng tác, chất tạo hình cao; nội dung sâu sắc. Nhờ đó, chúng ta có thành tựu tác phẩm mang giá trị lớn về lịch sử, tuyên truyền, đồng thời mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Những năm tháng hào hùng của toàn dân tộc được giới họa sĩ khai thác, lột tả một cách sống động. Chất anh hùng ca và tính chân thực của cuộc kháng chiến thể hiện rõ nét. Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng trong giai đoạn đó như: Du kích làng Phù Lưu của Nguyễn Tư Nghiêm, Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An, Kết nạp Đảng ở Điện Biên của Nguyễn Sáng, Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc của Dương Bích Liên... Đây là những tác phẩm đạt giá trị rất cao về cả nội dung, hình thức, phong cách nghệ thuật…, từng đoạt nhiều giải thưởng lớn. Cha anh ta đã làm nên một nền mĩ thuật ấn tượng về đề tài LLVT - CTCM thông qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhìn lại, có thể thấy, thành tựu chủ yếu của mĩ thuật đề tài này đã được khẳng định trong các cuộc kháng chiến.

- Ở lĩnh vực văn học, thời kì hậu chiến đã xuất hiện nhiều tác phẩm ấn tượng về đề tài LLVT - CTCM với một thế hệ cầm bút rất hùng hậu. Điều đó dường như đồng nghĩa với việc, khi có một độ lùi thời gian nhất định để lắng đọng và chiêm nghiệm, nghệ thuật sẽ thăng hoa. Với mĩ thuật giai đoạn này thì sao, thưa ông?

+ Lực lượng sáng tác sau giải phóng khá dồi dào, chúng ta có thể điểm danh đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi, có những tác phẩm tốt. Năm 1974, Tổng cục Chính trị thành lập xưởng Mĩ thuật Quân đội với gần 30 họa sĩ, nhà điêu khắc ở các đơn vị cơ sở trong chiến trường ra. Trong những năm 1974 - 1989, các họa sĩ đã tập trung sáng tác và làm triển lãm về hình ảnh người lính, đề tài LLVT - CTCM, ca ngợi hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ. Đây là giai đoạn mà hơi thở cuộc sống trong chiến đấu còn nguyên vẹn với các hoạ sĩ. Họ đã khắc họa những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng với xúc cảm mạnh mẽ. Nhiều hình ảnh, chi tiết được ghi chép lại tỉ mỉ, kĩ lưỡng trong cuộc kháng chiến đã trở thành chất liệu qúy giá. Đặc biệt, tinh thần chiến đấu hi sinh của cán bộ, chiến sĩ, quân dân ta trong chiến tranh cũng đã hun đúc nên nguồn cảm xúc lớn để các họa sĩ xây dựng tác phẩm của mình. Khi lập xưởng tập trung sáng tác, với khí thế bước ra từ cuộc chiến tranh, đội ngũ họa sĩ miệt mài, chuyên tâm sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Không chỉ các tác giả trong quân đội, mà giai đoạn ấy, các họa sĩ ngoài quân đội có chuyên môn, cảm xúc cũng đã góp phần đáng kể trong sáng tác đề tài LLVT - CTCM. Nhiều tác giả thành danh có thể kể tên là: Huỳnh Văn Gấm, Hoàng Trầm, Giáng Hương, Nguyễn Văn Chung, Tạ Quang Bạo, Đặng Thị Khuê, Lê Anh Vân, Đỗ Sơn, Phạm Việt, Nguyễn Cương…

Tiếc là vào năm 1990 xưởng Mĩ thuật Quân đội đã ngừng hoạt động.

- Vậy theo ông, hiện nay chúng ta thiếu vắng lực lượng sáng tác đề tài LLVT - CTCM hay chỉ thiếu vắng những tác phẩm có chất lượng?

+ Gần đây, mĩ thuật Việt Nam thiếu vắng tác phẩm về đề tài này vì đội ngũ sáng tác vững vàng đã ngày càng mai một. Chiến tranh trôi qua gần nửa thế kỉ, các họa sĩ giai đoạn trước mà đam mê tâm huyết với đề tài thì người còn người mất, tuổi cao sức yếu nên khó có tác phẩm mới. Đây là một thực tế chúng ta có thể kiểm chứng bằng việc điểm danh đội ngũ họa sĩ mặc áo lính sau kháng chiến, sẽ thấy còn lại rất ít, đếm trên đầu ngón tay chỉ khoảng năm đến bảy người, trong đó lại chỉ khoảng vài ba người còn sáng tác. Toàn quân có khoảng 50 hoạ sĩ nhưng chủ yếu công việc của họ là trang trí hội nghị, làm pa-nô, vẽ tranh cổ động... cho đơn vị cơ sở chứ không tham gia sáng tác theo mảng đề tài lớn. Bên cạnh đó, nếu tính các họa sĩ sinh ra sau chiến tranh, ngoài quân đội mà tâm huyết với đề tài LLVT - CTCM thì càng ít. Sự thiếu vắng về lực lượng cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu vắng tác phẩm. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác đáng được đề cập tới. Chẳng hạn, nguồn đầu tư không tương xứng để các tác giả theo đuổi đề tài; đầu ra tác phẩm cũng không có, kể cả các bảo tàng của quân khu, quân chủng, binh chủng, bảo tàng mĩ thuật… cũng không đâu mua lại tác phẩm đề tài LLVT - CTCM. May ra Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn có kế hoạch lưu lại. Về yếu tố thị trường, tác phẩm đề tài này rất khó bán nên dù đau đáu nhưng trên bước đường dài, nhiều họa sĩ cũng không thể theo đuổi. Vì những nguyên do trên, tôi nghĩ nếu có tác phẩm đề tài LLVT - CTCM thì cũng rất khó đạt chất lượng như kì vọng.

Dưới hầm bí mật - Tranh của họa sĩ Trịnh Bá Quát

- Đã có rất nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác mĩ thuật trong và ngoài quân đội, trại sáng tác... được tổ chức trong những năm qua, lẽ nào đó không phải là động lực thúc đẩy các hoạ sĩ? Là người có nhiều năm gắn bó với các hoạt động kể trên, ông đánh giá thế nào về hoạt động và hiệu quả phong trào?

+ Sau khi xưởng Mĩ thuật Quân đội ngừng hoạt động thì có một bộ phận nhỏ chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thành lập Ban Vận động sáng tác mĩ thuật toàn quốc đề tài LLVT - CTCM, sau này gắn với giải thưởng 5 năm và cuộc vận động sáng tác đề tài LLVT - CTCM của Bộ Quốc phòng. Hằng năm, tác phẩm tham dự còn ít ỏi, thiếu vắng ngay trong chính các cuộc vận động, cuộc thi… Tôi đã có khoảng 20 năm theo dõi mảng này và nhận thấy số lượng tác phẩm vốn đã ít, nay còn ít dần đi. Tính riêng ở triển lãm mĩ thuật toàn quốc, số lượng tác phẩm đề tài này chỉ chiếm khoảng 4 - 12% trong tổng số tác phẩm trưng bày và giảm dần theo các năm. Đội ngũ họa sĩ hiện nay gần như không sáng tác, còn lại một số ít ỏi lác đác vẽ nhưng chưa có tác phẩm đáng chú ý. Các cuộc vận động, trại vẽ, đi thực tế... thực chất cũng không đem lại hiệu quả thiết thực, có thể thẳng thắn nói là “có phát nhưng không động”!

Chiến tranh đã lùi xa, vốn sống, tư liệu, xúc cảm, sự hừng hực khí thế của năm tháng chiến tranh đã phai nhạt hoặc không còn. Thị trường mĩ thuật những năm vừa qua cũng nhiều thay đổi biến động. Nhiều tác giả không mấy tâm huyết với đề tài này nữa để mà sáng tác nhằm bán được tranh, sống được bằng nghề.

- Tôi cho rằng việc sáng tác là do ý thức, đam mê tự thân họa sĩ. Vậy nên chăng vấn đề đặt ra là làm sao để các hoạ sĩ thực sự quan tâm, có cảm xúc trước đề tài này và sáng tác như một niềm thôi thúc. Ngoài ra, các họa sĩ hôm nay cũng đâu nhất thiết phải sáng tác về chiến tranh, thời bình đang có rất nhiều hình tượng xứng đáng để hội họa khai thác, sáng tạo…

+ Sáng tác văn học nghệ thuật nói chung đều bắt đầu từ yếu tố tự thân cá nhân. Mĩ thuật càng tôn trọng, đặt yếu tố cá nhân lên trên hết. Với đề tài LLVT - CTCM thì họa sĩ phải có xúc cảm, tư liệu và cả kinh phí nữa… mới diễn tả được hết ý đồ của mình. Cụ thể hơn, họa sĩ phải sống với đề tài, đau đáu với đề tài, và cũng phải được hỗ trợ từ nhiều hướng thì mới khả dĩ. Để các họa sĩ thực sự quan tâm, có cảm xúc thì cũng phải tạo điều kiện cho họ được tiếp cận, tìm hiểu và thẩm thấu. Đã có những đợt tập trung đi thực tế, trại sáng tác với đề tài người lính hôm nay trong nghệ thuật tạo hình. Đã có những tác phẩm đề cập đến lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, người tốt việc tốt, xây dựng bảo vệ Tổ quốc… Nhưng các hoạ sĩ chưa có thời gian để thấm được đời sống của người chiến sĩ. Bên cạnh đó, triển lãm chuyên đề cũng chưa nhiều, chưa có không gian dành cho họ nên họ cũng tự hỏi vẽ để làm gì. Thiếu sự định hướng, đầu tư, quan tâm, chờ đợi và công chúng… đó là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận. Chưa kể, đây còn là đề tài rất khó.

Đặc công rừng Sác - Tranh của họa sĩ Trịnh Bá Quát

- Vậy trước những khó khăn trong vấn đề sáng tác mĩ thuật đề tài LLVT - CTCM, theo hoạ sĩ, đâu là định hướng và giải pháp lâu dài để chúng ta có được những tác phẩm chất lượng, xứng đáng với lịch sử cũng như thực tế sinh động đang diễn ra?

+ Theo tôi vẫn phải thực hiện các trại sáng tác, các cuộc vận động 5 năm 1 lần để triển lãm, đi thực tế và nên mở lại xưởng Mĩ thuật Quân đội. Khi các hoạt động trên được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp sẽ tập trung nắm chắc được đội ngũ họa sĩ toàn quốc, thu hút được những người có năng lực sáng tác đề tài ở cả ba miền. Chúng ta phải thay đổi cách vận động, đầu tư cho tác giả/nhóm tác giả, những người có tài năng và thực sự tâm huyết để họ sáng tác về đề tài. Bên cạnh đó, đội ngũ tổ chức cũng cần định hướng đề tài cụ thể hơn cho tác giả để họ đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, có phác thảo trước. Trong vấn đề này, có thể đầu tư theo từng giai đoạn, cấp độ... từ phác thảo, nâng cao phác thảo, thể hiện, nghiệm thu từng giai đoạn để có tác phẩm xứng đáng trưng bày ở nhà truyền thống, cảnh lớn của các cơ quan, đơn vị... lưu giữ tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các bảo tàng quân khu, quân chủng, binh chủng… Cần đặt ra hướng đi như thế may chăng mới tạo nên sức hút để giới họa sĩ chuyên tâm suy ngẫm, cảm thấu đề tài và có thể “nhả tơ”.

Tôi cho rằng, việc đầu tư cần được quan tâm một cách cụ thể, chi tiết, mang tính đặc thù hơn nữa, chứ các cuộc vận động sáng tác hay trại sáng tác tổ chức theo mô hình cũ nhìn chung chưa thể gặt hái được nhiều tác phẩm tốt. Ví dụ, một đợt đi thực tế thì đơn vị tổ chức phải biết chọn địa điểm để hoạ sĩ trải nghiệm, ngắm, ngẫm và ngấm vào để có cảm xúc chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa. Song song với đi thực tế thì phải cần tài liệu bổ trợ, vậy cần tổ chức các buổi toạ đàm, trao đổi để đầu tư sâu, có trọng điểm... cho những tác giả có tài năng, đau đáu với đề tài. Khi có môi trường tốt, có tác phẩm được đánh giá cao... sẽ thúc đẩy thêm nhiều họa sĩ theo đuổi…

Điều quan trọng nữa nên làm hiện nay, tôi nghĩ là cần tạo điều kiện để các họa sĩ tiếp cận với đời sống sinh hoạt, luyện tập và làm nhiệm vụ của chiến sĩ thời đại mới. Chiến tranh đã lùi xa nên đề tài người chiến sĩ mới, vũ khí mới, huấn luyện chiến đấu mới... sẽ gần gũi hơn, mang hơi thở đương đại để những người lính hôm nay họ luôn thấy được mình trong đó, công chúng cũng vậy. Thời bình rất nhiều hình tượng cao đẹp như bộ đội giúp dân phòng chống thiên tai, đối phó dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn… cần được ca ngợi, cần được khai thác mạnh mẽ vào nghệ thuật tạo hình một cách kịp thời, uyển chuyển. Mỗi thời đại có một vẻ đẹp riêng và đều đáng được cảm nhận, khắc họa, tôn vinh, lan tỏa sâu rộng. Hơn nữa, tác phẩm sau khi hoàn thành cũng nên được làm triển lãm để lực lượng vũ trang và nhân dân thưởng thức.

- Là một họa sĩ trưởng thành trong quân đội, ông có thể chia sẻ điều gì đã khiến bản thân gắn bó bền chặt với môi trường này. Nhìn rộng ra, với một họa sĩ thì môi trường có phải là yếu tố quyết định đến hướng đi, phong cách nghệ thuật và đề tài sáng tác hay không?

+ Tôi trở thành họa sĩ sau khi trở thành chiến sĩ. Tôi vốn say mê và thích vẽ nên may mắn là khi vào quân đội có cơ hội được phát huy sở trường. Bắt đầu từ công việc nhỏ là làm báo tường của đại đội, kẻ khẩu hiệu, phóng tranh cổ động để trang trí tuyên truyền trong đơn vị... sau đó tôi chuyển lên trung đoàn, hoạt động rộng hơn, rồi lên binh chủng, làm họa sĩ của binh chủng. Thời đó, xưởng Mĩ thuật Quân đội mở lớp bồi dưỡng sáng tác, chuyên môn mĩ thuật cho họa sĩ binh chủng, tôi may mắn được tham gia, sau đó dự trại của nhiều đơn vị khác. Năm 1982, tôi thi vào Đại học Mĩ thuật chính quy, do quân đội cử đi học, được đào tạo bài bản. Tôi đã sáng tác khá nhiều về đề tài LLVT - CTCM, đặc biệt là những sáng tác về bộ đội đặc công, cả trước và sau khi đi học. Tôi luôn trăn trở về hình ảnh người lính đặc công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cũng như trong giai đoạn mới.

Môi trường quân đội có sức ảnh hưởng lớn đến con đường đi và bút pháp, dấu ấn cá nhân của tôi. Có thể còn ít người vẽ về đặc công, riêng tôi, môi trường ấy mang đến nguồn cảm xúc đặc biệt. Những tác phẩm tâm huyết tôi đều vẽ về đặc công, đã được trưng bày ở các triển lãm. Đó cũng là nét riêng của cá nhân tôi trong sự nghiệp sáng tác. Môi trường làm việc, điều kiện sáng tác đã quyết định phần lớn con đường hội họa cũng như bút pháp, ngôn ngữ tạo hình trong các tác phẩm của tôi. Tôi lấy màu đen, nét đen làm chủ đạo; dùng nét mảng lớn to khoẻ, màu sắc mạnh, dứt khoát, chắc chắn để thể hiện sức mạnh, ý chí của người chiến sĩ và làm nên chất anh hùng ca gắn với nghiệp vụ riêng của bộ đội đặc công. Khi làm Giám đốc Bảo tàng Đặc công, được tiếp xúc một cách có hệ thống nguồn tư liệu dồi dào của đặc công giai đoạn giải phóng Sài Gòn hay nhiều trận đánh khác... tôi có thêm nhiều xúc cảm riêng để tìm tòi sáng tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Dù vậy, phải thừa nhận một điều, sáng tác nhiều nhưng tôi thấy mình chưa có tác phẩm thật sự xứng tầm với chiến công của bộ đội đặc công trong chiến tranh cũng như thời bình. Đề tài chiến thắng B-52 cũng đem lại cảm xúc cho nhiều họa sĩ, trong đó có tôi. Tôi khai thác đề tài ở bút pháp cá nhân, những mảng miếng lớn xen kẽ chi tiết tạo hình đường thẳng, đường chẹn, màu sắc... để thể hiện tính chất ác liệt của chiến tranh B-52. Đặc công và B-52 là hai đề tài tôi dành nhiều tâm huyết, chiếm phần lớn số lượng tác phẩm và thời lượng sáng tác của tôi.

- Mĩ thuật đề tài LLVT - CTCM trước hết là phục vụ cho người lính, sau góp phần lan tỏa sâu rộng tới quần chúng nhân dân... Nhưng thực tế, họa sĩ còn phải đối diện với sự đánh giá, nhìn nhận từ giới chuyên môn và không hiếm gặp sự khác biệt về thẩm mĩ ngay trong chính giới chuyên môn. Ông suy nghĩ thế nào về điều này, cá nhân ông có bị sự phân vân ấy chi phối khi sáng tác không?

+ Tôi xác định rất rõ, đã là tác phẩm mĩ thuật trước tiên phải đẹp, mang đến niềm rung cảm, xúc động. Song song với đó là nó truyền tải nội dung gì. Với đề tài LLVT - CTCM thì điều này càng cần thể hiện rõ. Các tác giả vẽ đề tài LLVT - CTCM trước tiên cần quan tâm đến thẩm mĩ để tác động đến người xem, khiến họ họ rung cảm trước cái đẹp. Sau đó là thông điệp tác giả muốn truyền tải thông qua tác phẩm. Nội dung cũng rất quan trọng nhưng thẩm mĩ thì không thiếu được trong nghệ thuật tạo hình. Nhiều người sáng tác đề tài và mãi không đạt tới đỉnh cao vì chưa đủ thẩm mĩ. Để có được yếu tố ấy là rất khó, tác phẩm chú trọng về nội dung quá mà chưa đạt thẩm mĩ thì chưa thể đẹp, còn kiểu đèm đẹp mà không mang nội dung gì thì tác phẩm cũng không đạt yêu cầu của đề tài. Đội ngũ sáng tác đề tài cũng nằm chung trong giới mĩ thuật nên cần đảm bảo các yêu cầu cốt lõi nhất. Không thể phủ nhận, đó là nhiệm vụ rất khó đối với các họa sĩ vẽ đề tài bởi cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải pháp, bút pháp, ngôn ngữ tạo hình và tính thẩm mĩ. Ở các cuộc thi, trại sáng tác... ban tổ chức cũng rất khó định hướng, gợi mở.

- Nói thêm về nhu cầu thưởng thức mĩ thuật, tôi thấy các triển lãm ở ta thường rất ít người xem. Chưa kể với các triển lãm đề tài LLVT - CTCM lại càng thưa vắng hơn và cũng hiếm khi thấy có sự hiện diện của người xem là bộ đội. Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới hiện trạng này?

+ Tôi muốn nói đến thẩm mĩ của người xem. Xem để thấm ngôn ngữ tạo hình về đề tài, chuyên môn, nghệ thuật thì không phải ai cũng xem được... Thực tế, người hiểu biết sâu và kĩ rất ít, đặc biệt là trong LLVT. 5 năm một lần triển lãm chuyên về đề tài nhưng rất ít bộ đội được đến xem, và năng lực thẩm định của cá nhân chiến sĩ cũng không thể đòi hỏi ngay sự sâu sắc. Họ thường xem đó là nội dung gì chứ chưa hiểu sâu sắc đẹp ở đâu, đẹp thế nào. Kể cả công chúng nói chung cũng vậy. Thế nên, hầu hết các triển lãm, chủ yếu người có chuyên môn đến xem chứ để hấp dẫn công chúng, bộ đội thì rất ít, thậm chí là không có. Đó là điểm mà dường như chúng ta chưa khắc phục được và rất đáng tiếc. Các cấp lãnh đạo cũng cần suy nghĩ để định hướng, nâng cao, mở rộng môi trường và năng lực thưởng thức nghệ thuật nói chung cho bộ đội. Sâu xa hơn, một phần cũng do giáo dục ở Việt Nam. Hệ thống sách giáo khoa các cấp chúng ta chưa đề cập nhiều về mĩ thuật, vẻ đẹp của nghệ thuật. Thẩm mĩ ở môi trường giáo dục chưa cao, giờ học mĩ thuật chưa truyền tải, lan tỏa được đến học sinh cái thích thú hấp dẫn của mĩ thuật. Vậy nên cần có sự giáo dục thẩm mĩ với học sinh ngay từ nhỏ. Theo tôi quan sát, các bạn trẻ giờ thích đi siêu thị, hội chợ hơn là đến triển lãm mĩ thuật, triển lãm mở ra trong thời gian 2 - 3 tuần nhưng rất vắng người đến. Tác giả vẽ rất kì công, hàng tháng hàng năm mới xong một tác phẩm nhưng ít được thưởng ngoạn, đánh giá, nhận xét... đó là thiệt thòi cho nền mĩ thuật và gần gũi nhất là cho chính các họa sĩ vẽ đề tài. Đâu đó còn nhiều một tỉ lệ không hề thấp bộ đội, công chúng chưa được thưởng thức mĩ thuật, đó cũng là thiệt thòi đáng kể. Cần bồi dưỡng cho bộ đội về nền tảng thẩm mĩ cơ bản, nuôi dưỡng đời sống tinh thần bên cạnh các nhiệm vụ chính quy là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc…

- Còn một thực tế nữa, đó là khi đề cập tới câu chuyện mĩ thuật đề tài LLVT - CTCM, chúng ta thường nghĩ ngay đến những tác phẩm mang tính hiện thực là chủ yếu. Vậy phải chăng đề tài này quá khó để thể hiện bằng những bút pháp khác, mới mẻ hơn và phá cách hơn?

+ Tranh, tượng đề tài thường là những tác phẩm mang phong cách hiện thực, đây là một trong những mối băn khoăn của hầu hết ban tổ chức các cuộc vận động sáng tác. Những tác giả thành danh, có tác phẩm với nội dung hình thức tốt cũng thường mang tính hiện thực. Đa số các tác giả từ hiện thực đã trải qua mà nâng lên thành tác phẩm nghệ thuật và đoạt giải thưởng. Một số tác giả trẻ thiếu chất liệu thực tế thì lấy tư liệu từ phim ảnh lịch sử rồi mường tượng ra, lắng đọng thêm cảm xúc là bắt tay vào sáng tác.

Nhiều năm theo dõi mĩ thuật đề tài này tôi thấy có những tác giả trẻ dù không trực tiếp chiến đấu nhưng bằng trực quan sinh động, họ không dùng bút pháp hiện thực để thể hiện đề tài mà đi vào thể nghiệm sự mới mẻ, sáng tạo riêng, tiếc rằng tác phẩm lại không đứng được, không đạt tới đỉnh cao. Kết quả đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu có lẽ do hiện thực và sự bình dị thường dễ đi vào cảm quan và cảm xúc của mọi người hơn nên hiện nay nhiều họa sĩ vẫn đi theo hướng đó. Tôi thì nghĩ không nhất thiết phải phản ánh bằng hiện thực, các tác giả trẻ có thể vẽ bằng con mắt khác, bút pháp khác mà vẫn miêu tả được cái khốc liệt của chiến tranh. Nên khuyến khích, động viên thế hệ trẻ sáng tác đề tài bằng ngôn ngữ mới, cách nhìn mới, tạo hình mới. Họ không đi qua chiến tranh, không tả thực thì họ sẽ tạo nên bố cục, cách nhìn mới về đề tài này. Xu hướng chung của tạo hình thế giới là người sáng tác không mô phỏng súng đạn nhưng vẫn ra chiến tranh. Thế hệ trẻ nên bứt phá mạnh dạn để đưa đến những hình tượng mới cho đề tài LLVT - CTCM.

- Đã có không ít cuộc tranh luận về việc bây giờ nên chăng là thời điểm cần gỡ bỏ tư duy “minh hoạ” trong sáng tác đề tài, để họa sĩ được tự do hơn trong sáng tạo và công chúng cũng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn. Điều này có thực sự cần thiết, và để thay đổi thì phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

+ Đúng là cũng có những ý kiến cho rằng cần phải có sự thay đổi, mở rộng hơn về tư duy, ngôn ngữ và hình thức thể hiện mĩ thuật theo đề tài LLVT - CTCM. Nhưng phải nhìn nhận khách quan rằng, việc lựa chọn thử thách này là việc của cá nhân mỗi nghệ sĩ. Tôi nhận thấy tài năng là yếu tố mang tính quyết định mọi vấn đề trong nghệ thuật.

- Cảm ơn hoạ sĩ đã dành cho VNQĐ cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa này!

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG thực hiện

 

VNQD
Thống kê