Bền bỉ cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 2009, mười năm sau, ở cuộc thi truyện ngắn mang tên “Lửa mới” (2018 - 2019) Vũ Thanh Lịch đã bước lên ngôi vị cao nhất với tác phẩm Nhà Thánh, một trong chùm năm truyện đã đăng. Nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá nhận xét, văn của Vũ Thanh Lịch là dạng “lách sâu vào không gian văn hóa làng với một sự thẩm thấu kĩ và tinh, có khả năng phục sinh những chữ, những cách nói dân gian tưởng chừng đã mất… Là một trường hợp điển hình cho kiểu nhà văn cắm đời mình thật sâu, thật kĩ, thật lòng ở một vùng đất. Rồi từ đấy, cứ tự nhiên mà tỏa ra với thiên hạ, với văn chương đất nước”. |
- Xin chúc mừng tập truyện mới của chị vừa ra mắt độc giả. So với các tập truyện ngắn trước, Nhà Thánh có gì khác biệt?
+ Cảm ơn anh và Văn nghệ Quân đội đã cho tôi đến gần hơn với bạn đọc và tự tin hơn với nghiệp văn chương chữ nghĩa, nhất là lại được “khoe” một tập sách mới, cũng là cuốn sách tôi cảm thấy hài lòng hơn cả sau 6 cuốn đã xuất bản. Khác với những lần trước, mỗi cuốn sách như là “tổng kết” một đoạn đường sáng tác, lần này tôi lựa chọn 12 truyện ngắn xoay quanh chủ đề lịch sử - văn hoá để đưa vào tập. Số 12 cũng là con số nhiều ý nghĩa trong văn hoá dân gian và là con số tôi đặc biệt yêu thích.
- Có một hiện tượng không phải hiếm đối với các tác giả văn xuôi, đó là, sau khi đoạt giải cao nhất, họ thường chững lại, giảm tần suất viết hoặc chuyển sang một lĩnh vực khác, thậm chí là “biến mất”, chị có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
+ Đã là người cầm bút thì ai cũng có nhu cầu viết, không phải chỉ viết để tham gia cuộc thi này cuộc vận động nọ mà vì thôi thúc và khát vọng của chính bản thân. Vậy nên không có ai bỗng dưng chững lại hay giảm tần suất viết cả. Nếu có xuất hiện ít đi thì tôi nghĩ, có thể tác giả cảm thấy tác phẩm mới chưa vượt qua được chính mình của hôm qua nên chưa vội công bố, cũng có thể do tập trung cho một thử nghiệm mới, bởi nhu cầu làm mới chính mình luôn thường trực trong mỗi người viết mà.
Tập truyện ngắn "Nhà Thánh" của Vũ Thanh Lịch.
- Văn chương luôn là thứ không dễ dàng, nghe nói chị cũng là người khá vật vã với nó, thậm chí có thời gian bị stress vì nó?
+ Đúng ra, văn chương đã cứu tôi khỏi stress. Có thời gian dài tôi hoàn toàn không ngủ. Anh biết đấy, khi người ta không ngủ người ta thường nghĩ linh tinh rất nhiều thứ, “hết khôn dồn đến dại”, sẽ đến lúc không kiểm soát được cảm xúc và ý nghĩ của mình. Tôi đã cố gắng vượt qua giai đoạn đó nhờ nhiều thứ và một trong những thứ quan trọng nhất là, thay vì nằm nghĩ linh tinh, tôi ngồi dậy viết, viết bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu. Khi tĩnh trí, tôi “nhặt nhạnh” lại, như cô Tấm ngồi nhặt thóc ra thóc gạo ra gạo vậy. Cuốn mình vào đời sống các nhân vật, đầu óc tôi không còn chỗ cho những ý nghĩ tiêu cực nữa. Thậm chí, khi những thứ tôi viết được nhặt riêng thành “thóc”, thành “gạo”, thành câu chuyện văn chương, được bạn đọc đón nhận, tôi thực sự hứng khởi, tràn trề niềm vui, hi vọng, có thêm bạn bè… Tất cả đó đã dẫn tôi về phía sáng, phía tin yêu. Chưa kể, viết ra giúp tôi tìm lại hứng thú đọc, và thêm hiểu - yêu - cảm thông - chia sẻ - chấp nhận - trân quý mọi thứ đến với mình. Tôi nhận ra, tất cả những thứ xảy đến với mình đều vô giá. Nhờ nó mà tôi được đến tận cùng những cung bậc cảm xúc, cả tích cực và tiêu cực, và nó theo tôi vào văn chương, văn chương lại cho tôi tình yêu với cuộc đời này.
Thực ra chia sẻ chuyện từng bị stress, tôi cũng rất băn khoăn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, trong cuộc sống nhiều áp lực này, tôi mong muốn các bạn của tôi, những ai đã bị hoặc có nguy cơ hãy tự mình tìm lối. Chẳng phải mọi chuyện trên đời này đến với chúng ta đều có lí do hay sao, và dù là lí do gì thì đều có ý nghĩa nhất định đối với ta, chỉ là ta có nhận ra không và nhận ra vào lúc nào mà thôi.
- Vâng. Rất chia sẻ với chị về vấn đề stress và áp lực của cuộc sống hôm nay. Chị có thể chia sẻ thêm nguyên do nào khiến chị trở thành một kiểu nhà văn, nói như nhà phê bình Văn Giá là “cắm đời mình thật sâu, thật kĩ, thật lòng với một vùng đất”?
+ Khi chúng ta biết yêu, biết rung động thì điều đầu tiên là rung động với những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, mà trên đời này có gì gần gũi thân thương hơn là không gian sống của chính mình, nơi mình được sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nói cách khác, là cái không gian văn hoá làm nên con người chúng ta, cả con người sinh học và con người văn hoá.
Tôi sinh ra, lớn lên ở Ninh Bình, mảnh đất không lớn nhưng khá đặc biệt vì là điểm giao thoa của miền núi - đồng bằng, miền Bắc - miền Trung, vừa có rừng, vừa có biển, cũng là nơi người tiền sử cư trú từ rất sớm (cách đây khoảng 3 vạn năm), hơn 1000 năm trước là kinh đô đầu tiên của nước ta, chưa kể, tiến trình nào của lịch sử đất nước cũng ít nhiều lưu dấu ở đây, hoặc là dấu ấn vật chất, hoặc tinh thần. Tôi thấy mình may mắn được sống trong không gian đậm đặc những trầm tích văn hoá ấy. Đó cũng là nguồn năng lượng vô giá cho sự sống và sự viết của tôi. Vậy nên tôi luôn cố gắng để viết được gì đó về vùng đất này, cho vùng đất này, như là tấm lòng tri ân của đứa con bé mọn với miền đất dấu yêu đã sinh thành và dưỡng dục mình. Như con tằm nằm trong cái kén quê hương, rồi cũng đến lúc phải ươm tơ thôi nhỉ! (cười)
Tôi thấy mình may mắn được sống trong không gian đậm đặc những trầm tích văn hoá ấy. Đó cũng là nguồn năng lượng vô giá cho sự sống và sự viết của tôi. Vậy nên tôi luôn cố gắng để viết được gì đó về vùng đất này, cho vùng đất này, như là tấm lòng tri ân của đứa con bé mọn với miền đất dấu yêu đã sinh thành và dưỡng dục mình.
- Nhà văn Vũ Thanh Lịch -
Ảnh: Vũ Thanh Lịch trong một chuyến đi điền dã tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: NVCC
- Vốn từ vựng, cách nói đậm chất dân gian trong các truyện ngắn của chị được lấy từ đâu, liệu có giống cách mà nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ và cái bút, thấy từ nào hay, lạ trong dân gian thì ghi ngay vào?
+ Tôi và anh, chúng ta cùng thế hệ 7x, chúng ta sinh ra và lớn lên ở giai đoạn mà những mới - cũ không ngừng giao thoa, xung đột, tiếp biến và nó cho chúng ta được “va đập”, nó bắt chúng ta phải lựa chọn, thanh lọc xem cái gì nên giữ cái gì nên thay đổi, rồi cả cách mà chúng ta tiếp thu, tiếp nhận thế nào nữa để giữ được mình mà vẫn bắt nhịp, hoà đồng với bạn bè cùng trang lứa ở khắp nơi trên thế giới. Trong cuộc “va đập” và “chọn lựa” này, có nhiều thứ nếu chúng ta không giữ lại sẽ bị trôi tuột đi mất. Ngôn ngữ cũng vậy, âm thanh và chữ viết có thể không mất được nhưng cách nói, cách biểu cảm lại là thứ dễ đổi thay, thậm chí biến mất, nhất là cách nói ở những vùng nông thôn, giản dị, thô mộc, thậm chí cũ kĩ nhưng vô cùng sinh động. Mà cũng lạ, ở cùng một huyện, thậm chí một xã, mà nghe phát âm chữ cái, dấu thanh thôi cũng biết người làng trên hay làng dưới, xã này hay xã kia, chưa kể có những vùng nói câu nào là chơi chữ câu ấy, vừa dí dỏm vừa thâm thuý. Vậy nên tôi luôn có ý thức sưu tầm, ghi chép, lưu giữ lại, như lưu giữ kỉ niệm riêng của mình ấy, rồi đôi khi những chữ, những tiếng ấy cứ tự nhiên thốt ra cùng các nhân vật của tôi. Tất nhiên tôi không chỉ ghi chép ngôn ngữ mà còn nhiều thứ lắm, cuộc sống mênh mông thế cơ mà.
- Phụ trách Phòng Quản lí di sản văn hóa của Sở Văn hóa và Thể thao, một công việc... nên gọi là phải làm hay được làm nhỉ, tìm kiếm và bảo tồn những giá trị văn hóa của vùng đất quê hương mình, chị có thể chia sẻ những tương tác trong công việc hành chính với công việc viết lách không?
+ Tôi phải chia thời gian cho hợp lí thôi. Giờ hành chính đương nhiên phải làm việc hành chính và cố gắng hoàn thành nó trong khung giờ mặc định, không phải tôi chăm chỉ đâu, mà tôi sợ phiền người khác. Vậy nên những việc gì liên quan đến nhiều người thì tôi luôn cố gắng hoàn thành sớm và trọn vẹn nhất có thể, để thời gian còn lại được tự do với sở thích riêng, cố gắng tránh không để ai phải phàn nàn vì mải mê văn chương mà lơ là công việc. Trong đầu không ít người, những ai được gọi là nghệ sĩ, văn sĩ các thứ thường rất chuệch choạc về giờ giấc và nề nếp, tôi không muốn họ nói ở đâu đó rằng, “ôi dào, nghệ sĩ ấy mà”. Đấy là về thời gian. Còn về tính chất công việc thì thật là tôi thấy mình may mắn. May mắn mới đến với tôi vài năm trở lại đây thôi, như là duyên muộn ấy, muộn nhưng là cái duyên ở lại với mình và là duyên phận của mình. Tôi được tiếp cận, làm việc với tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hoá của chính nơi mình sinh ra lớn lên. Anh tưởng tượng xem, tôi đã có sẵn máu văn chương, giờ lại được “sa” vào một kho tàng đầy ngọc ngà châu báu tích lũy từ hàng ngàn vạn năm đến giờ với muôn hình vạn trạng, ở đó tôi kiểm chứng được những phù du và bất tử, những ngắn dài nhân thế, những hư thực đời người, được làm việc bằng cả trí tuệ và cảm xúc, cả trách nhiệm và đam mê. Giống như các tỉ phú sở hữu quá nhiều ngân lượng, tôi cũng khá vất vả để hoàn thành công việc của mình. Vậy nên có thời điểm tôi hầu như không còn hoặc còn rất ít thời gian cho văn chương.
- Làm di sản “vất vả nhưng thú vị”, có ý tưởng nào được hình thành và thăng hoa trong tác phẩm của mình từ thực tế công việc của chị?
+ Có chứ, các truyện trong tập Nhà Thánh được hình thành nhờ những gợi ý mà tôi được hiểu, được biết trong những chuyến công tác rong ruổi khắp miền di sản quê tôi đấy. Chưa kể, làm việc ở lĩnh vực này, tôi được tiếp xúc với nhiều chuyên gia, nhiều nhà nghiên cứu cả trong nước, ngoài nước, đây là cơ hội để tôi thu lượm được những tầng sâu kiến thức mà tôi chưa có cơ hội được tiếp cận trong các giai đoạn học hành trường lớp. Tôi cũng được tiếp xúc với những người dân lao động lam lũ trong vô số hoàn cảnh, điều kiện, tư duy, tâm hồn, tình cảm… khác nhau, mỗi phận đời ở mỗi thời điểm, mỗi vùng đất lại cho tôi thêm những cảm nghiệm về cuộc sống khác nhau, tất cả đó đã cho tôi cơ hội nhặt nhạnh, gom chắt từng hạt bụi vàng, biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ dùng những bụi vàng ấy mà làm một bông hoa hồng.
- Chị làm tôi nhớ đến Bông hồng vàng của Paustovsky đấy.
+ Ngày bé đọc truyện đó tôi từng mơ là cô gái được tặng bông hồng, còn giờ thì tôi muốn mình là người thợ kim hoàn, chứ làm gì có ai đi tặng hoa hồng cho bà già, anh nhỉ.
Vũ Thanh Lịch tại Ghềnh Đá Đĩa, Phú Yên, trong chuyến đi khi dự trại sáng tác của VNQĐ. Ảnh: NVCC
- Chắc chắn không chỉ riêng tôi mà nhiều người sẽ mong sớm được thấy bông hồng đó. Còn bây giờ, ta quay lại một vấn đề liên quan đến công việc mà chị đang phụ trách. Có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận là, rất nhiều di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể đang dần biến tướng, thậm chí biến mất bởi sự lợi dụng mưu cầu kinh tế, như trong truyện ngắn Nhà Thánh mà chị đã đề cập. Chị nghĩ gì về thực trạng này?
+ Tôi không nghĩ một vài hay một số cá nhân có thể làm thay đổi hay biến dạng được các giá trị di sản văn hóa, những thứ được chưng cất và lưu truyền qua bộ lọc thời gian, không gian và có giá trị nhất định trong đời sống của con người qua các thế hệ, như viên linh đan đã luyện qua bao biến thiên của tự nhiên và xã hội. Không dễ gì thay đổi hay biến dạng được. Còn giả sử như có thành tố nào đó bị (được) biến đổi hoặc biến mất thì hẳn là sức mạnh nội sinh của nó chưa đủ để lưu tồn, vậy thì việc thay đổi hoặc thay thế để tốt hơn lên cũng là tất yếu. Cuộc sống mà chúng ta đang trải qua có quá nhiều áp lực, toan tính, cám dỗ khiến cho tham - sân - si có cơ hội nảy nở, một số người nghĩ ra cách làm giàu bằng cách thoả mãn những tham - sân - si của người khác thông qua các sinh hoạt văn hoá tâm linh. Nếu coi việc này thuần tuý là bài toán kinh tế thì không có gì để nói nữa. Nhưng đây là đời sống văn hoá tinh thần, thứ rất mong manh, dễ thay đổi, dễ bị tổn thương nếu bị vật chất tác động. Văn hoá tâm linh vốn là hoạt động tích cực, hướng thiện và nhân văn, tuy nhiên cách mọi người ứng xử với văn hoá tâm linh ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn có khác nhau, mỗi người thực hiện hoạt động văn hoá tâm linh lại có mục tiêu và mục đích khác nhau dẫn đến một vài điều đáng buồn như anh nhắc đến. Nhưng tôi tin, thời gian sẽ thanh lọc thôi. Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản xưa nay luôn là bài toán khó cần giải bằng nhiều cách. Chỉ cần chúng ta hành động đúng thì dù kết quả thế nào cũng ít nhiều góp sức làm gia tăng sức mạnh nội sinh, khả năng lưu tồn cho di sản và làm cho các giá trị văn hoá tâm linh trở về với bản chất nhân văn ưu việt vốn có.
- Đưa những giá trị ấy vào văn chương có phải là một cách giải? Chị đã làm gì để bảo tồn vốn viết, cũng là thứ rất mong manh nếu không được bồi đắp hàng ngày?
+ Bản thân văn chương cũng là một tài sản tinh thần vô giá, một thành tố của văn hoá. Lưu giữ các giá trị di sản phi vật thể khác trong văn chương có thể cũng là một lời giải hay cho bài toán khó. Thực tế là, chúng ta biết đến đời sống văn hoá tinh thần từ thời cổ đại hầu hết qua các tác phẩm văn chương hoặc mĩ thuật. Thần thoại Hy Lạp, các sử thi Mahabharata, Ramayana, Iliad, Odyssey, Đẻ đất đẻ nước, kim tự tháp Ai Cập, trống đồng Đông Sơn… là minh chứng rõ ràng nhất. Vậy thì không có lí do gì để chúng ta không tạo ra một mối duyên lành cho hai di sản này. Chưa kể cuộc hôn phối này mở ra cho người viết nguồn năng lượng dồi dào.
Vốn viết từ đời sống là vô tận, nhưng là kiểu vô tận của cót lúa, nghĩa là cái cót ấy vừa phải sử dụng và bảo quản để nó không bị mục mọt, vừa phải mang gieo trồng chăm sóc cho các mùa gặt tiếp theo. Tất nhiên bảo tồn vốn viết không giống bảo tồn di sản, phát huy vốn viết cũng không giống phát huy giá trị di sản, nhưng cả hai việc này tôi thấy có một yêu cầu giống nhau, là cần một sự lao động, nỗ lực nghiêm túc, thực tâm, thực lực của con người.
Vũ Thanh Lịch, sinh năm 1978 tại Ninh Bình. Là Thạc sĩ Văn hoá học. Hiện đang công tác tại Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình. Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Lửa mới của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2018-2020) với truyện ngắn Nhà Thánh. Đã xuất bản các tác phẩm: Trú rét (tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, năm 2013); Đi qua đồng cói (tập truyện ngắn, Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2015); Chân núi có một con đường (tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, năm 2015) Đánh thức trái tim (tập tản văn, Nxb Kim Đồng, năm 2017) Người hát gọi mặt trời (tập truyện ngắn, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018); Nhà Thánh (Tập truyện ngắn, Nxb Văn học, năm 2021). |
NGUYỄN MẠNH HÙNG thực hiện
VNQD