Nhà văn Lê Phương Liên vốn quen thuộc với bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ. Bạn bè văn chương cũng thường nhìn nhận bà như một tác giả viết cho thiếu nhi. Nhưng mới đây, nữ nhà văn tuổi bảy mươi gây bất ngờ trong làng văn khi ra mắt cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử có nhan đề “Nữ sĩ thời gió bụi” viết về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Chỉ sau hai tuần, cuốn sách đã được in nối bản. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên về tác phẩm gây chú ý văn đàn này. |
PV: Thưa nhà văn Lê Phương Liên, có thể nói với “Nữ sĩ thời gió bụi”, bà đã có một bước rẽ đột ngột và rất ấn tượng trong sáng tác của mình sau bao nhiêu năm dường như đã “đóng đinh” với tư cách một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Sự thay đổi lần này mang lại cảm xúc như thế nào với bà?
Nhà văn Lê Phương Liên: Thực lòng tôi luôn tâm nguyện mình sẽ viết cho thiếu nhi suốt đời! Quá trình nghề viết văn xuôi của tôi như sau: Cuốn sách Những tia nắng đầu tiên được Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 1971 (cách đây 50 năm) là truyện vừa! Sau đó nhiều năm tôi bắt đầu viết truyện ngắn cho thiếu nhi, rồi viết tản văn. Việc tôi viết cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi có yếu tố khách quan là sự mời đặt của người ở Phú Thượng (nơi có di tích lịch sử khu mộ bà Đoàn Thị Điểm và ông Nguyễn Kiều) và cũng có nền tảng chủ quan là tác giả đã có trải nghiệm tay nghề, có sự thôi thúc nội tâm để dấn thân vào một đề tài khó! Tôi không nghĩ là việc viết tiểu thuyết dã sử là một “bước rẽ đột ngột”, tôi vẫn đang đi thẳng! Khi viết xong tôi cảm thấy tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi vẫn có thể làm bạn với thiếu nhi, các em học sinh từ 13, 14 tuổi cho thể đọc được cuốn này.
Cùng với Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm là nữ văn sĩ hiếm hoi của văn học Việt Nam giai đoạn trung đại. Chính vì vậy hai nhân vật này đã mang lại nhiều cảm hứng cho các thế hệ sau, kích thích sự tìm hiểu, khám phá. Song để viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời các nữ sĩ này sẽ là thách thức lớn. Vậy khó khăn lớn nhất của bà khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm “Nữ sĩ thời gió bụi”?
Để thực hiện được một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của một nữ sĩ Việt Nam thời trung đại rõ ràng là một “thách thức lớn” với tất cả những ai muốn thử sức. Trước hết là tôi không biết chữ Hán, chữ Nôm, việc này có thể khắc phục được bằng cách đọc các tư liệu đã được dịch sang chữ quốc ngữ. Tôi đã được chị Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc- Tổng biên tập Nxb Phụ nữ - Đơn vị xuất bản tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi - PV) tặng cuốn Một điểm tinh hoa- Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ do PGS-TS Trần Thị Băng Thanh (sưu tập và giới thiệu) là cơ sở tư liệu để tôi viết tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi. Nói như vậy không có nghĩa là yếu tố tư liệu là yếu tố quan trọng nhất để sáng tác tiểu thuyết có tính sử thành công. Tiểu thuyết là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu để trí tưởng tượng chìm ngập vào tư liệu (kể cả tư liệu thực tế và tư liệu sách vở) không thoát ra được thì cũng không thể viết được gì. Tôi xác lập một cuốn sách bố cục chặt chẽ mạch lạc. Không kể lể dài dòng theo lối văn giả cổ mài viết theo lối văn hiện tại. Tiểu thuyết phát triển theo thời gian tuyến tính có điểm nhấn tạo tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách nổi bật. Tiểu thuyết là hình ảnh nước Việt 300 năm trước. Có hàng loạt câu hỏi đặt ra: Phương tiện giao thông? Kiến trúc dinh thư quan lại và nhà ở thường dân khác nhau như thể nào? Trang phục, cách để tóc, vấn khăn của nam, nữ, già, trẻ ra sao? Ngôn ngữ của từng nhân vật, cách xưng hô thế nào cho chính xác? Để có câu giải đáp tôi phải tìm đọc các loại sách nghiên cứu từ đó tưởng tượng ra để viết. Theo tôi khó khăn lớn nhất để viết cuốn sách này là sự tự vượt mình, tác giả từ thế kỉ 21 trở về xã hội Việt Nam thế kỉ 18, hóa thân vào các nhân vật để suy nghĩ, nói năng, ứng xử cho hợp cảnh hợp tình, khiến cho người đọc thấu cảm hòa nhập với vui buồn của từng nhân vật.
Nhà văn Lê Phương Liên (áo tím) tại buổi ra mắt tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi". Ảnh: PV
Tác phẩm dựng lại gần như trọn vẹn cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, tuy nhiên bà lại chọn cách bắt đầu từ năm nhân vật chính bước vào tuổi 16 mà không nhắc đến giai đoạn ấu thơ. Đồng thời bà xây dựng hình ảnh Đoàn Thị Điểm toàn bích, văn võ song toàn, đẹp người đẹp nết. Bà có e ngại rằng sự tròn trịa ấy của nhân vật sẽ khiến người đọc hồ nghi về sự có thực của một con người như vậy trong đời thực?
Tôi xác định mình viết tiểu thuyết dã sử về bà Đoàn Thị Điểm chứ không viết tiểu sử “kể truyện danh nhân”. Nếu tôi dành một vài chương để dựng lại thời thơ ấu của bà Đoàn Thị Điểm thì cả cuốn tiểu thuyết sẽ bị loãng, nếu sa đà vào câu chuyện của ông bà thân sinh nữ sĩ họ Đoàn, người đọc sẽ bị phân tán. Bởi thế tôi đã chọn cách “vào truyện ngay lập tức”. Tiểu thuyết dã sử tập trung vào nhân vật Đoàn Thị Điểm từ tuổi 16 rời khỏi gia đình êm ấm bắt đầu tự hình thành tính cách riêng, vượt qua mọi khó khăn để lập thân trong xã hội và tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình.
Tôi đã tạo dựng nhân vật Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm toàn bích trong tiểu thuyết vì bà đúng là như vậy. Tư liệu về bà Đoàn Thị Điểm cũng như tất cả các công chúa, giai nhân, nữ tướng…trong thời cổ đại, trung đại của Việt Nam hoàn toàn không có di ảnh nào để lại cho hậu thế. Bởi vậy tôi tạo dựng vẻ đẹp của nhân vật Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chỉ dựa trên tư liệu văn học. Việc bà tự may ba cái túi rất độc đáo, tự may chiếc áo gấm ngũ thể sang trọng đều là có trong tư liệu. Đoàn Thị Điểm trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi là một trí thức cần lao dùng tài năng thiết thực cho đời sống. Bà học võ để tự bảo vệ mình trong thời loạn lạc. Bà dùng chữ nghĩa để dạy học, bà học và thực hành nghề thuốc để chữa bệnh. Sau này bà dùng nghề thuốc để chăm sóc thương binh. Bà xưng danh Hồng Hà nữ sĩ cũng là để mở trường, đó là kế mưu sinh của “nữ sĩ thời gió bụi”. Bà nấu ăn giỏi để nuôi gia đình trong cơn đói kém. Bà dùng tài thơ phú để tỏ lễ phép với vị quan địa phương (thay anh làm câu đối mừng quan hiệp trấn), dạy dỗ con chồng khi ông làm việc quan xa nhà, thể hiện tình cảm với quê hương (viết thay lí trưởng mừng đình làng mới). Tài thơ văn của bà thăng hoa nhất là trong tình tri âm với thi sĩ Đặng Trần Côn để dịch bản Chinh phụ ngâm chữ Hán thành chữ Nôm. Phải chăng bà đã trải nghiệm nỗi đau khổ của các gia đình chinh phụ nên bà muốn làm việc chuyển nghĩa sang chữ Nôm (chữ ghi âm tiếng Việt) để chỉa sẻ cùng dân thường một khúc ngâm giải tỏa nỗi niềm thời chiến? Tôi nghĩ là nhân vật Đoàn Thị Điểm trong Nữ sĩ thời gió bụi là một kiểu người không xa lạ với thế hệ các bà mẹ của chúng ta trải qua 30 năm chiến tranh (1945-1975).
Tác phẩm xây dựng một thế giới các nhân vật hết sức phong phú, những người từng xuất hiện trong các truyền thuyết liên quan đến Đoàn Thị Điểm cũng được xuất hiện trong cuốn sách này. Nếu người viết không cao tay sẽ có nguy cơ khiến các nhân vật mang tính minh họa nhiều hơn là những nhân vật thực sự có số phận, tạo được ấn tượng và được người đọc nhắc nhớ. Bà suy nghĩ gì về điều này?
Tôi nghĩ rằng đã viết tiểu thuyết thì dụng công tâm huyết lớn phải dồn cho việc xây dựng các nhân vật. Văn là người, bạn đọc nhớ đến nhân vật thì sẽ nhớ đến tác phẩm. Trong gia đình bà Điểm, người cha Đoàn Doãn Nghi và người anh Đoàn Doãn Luân là các nho sĩ thất thế đã tỏ thái độ thất vọng với khoa cử và từ bỏ triều đình Lê- Trịnh. Bà Đoàn Thị Điểm là thiếu nữ tài sắc có cơ hội bước vào giới tinh hoa quyền quý khi gặp thượng thư Lê Anh Tuấn. Tuy vậy bà đã sớm nhận ra con đường theo vua chúa là con đường đau khổ bế tắc! Bà muốn đi tìm hạnh phúc theo một đường mới. Sau đó bà dần dần trưởng thành, có tư tưởng trí thức. Có một nhân vật lớn đồng thời với bà là Lê Hữu Trác (1720-1791). Hai nhà có quan hệ thông gia (bà chị Lê Hữu Trác kết hôn với ông anh Đoàn Thị Điểm). Thân sinh Đoàn Thị Điểm là bạn đồng môn với thân sinh Lê Hữu Trác. Quê quán hai người gần nhau (bây giờ đều thuộc Hưng Yên). Dẫu ông Lê Hữu Trác kém bà Đoàn Thị Điểm 15 tuổi thì hai người vẫn có quan hệ thân cận. Chính vì vậy tôi đã dồn tâm huyết để Lê Hữu Trác thành nhân vật ấn tượng của tiểu thuyết. Sau khi người cha Đoàn Doãn Nghi và người anh Đoàn Doãn Luân mất, bà Đoàn Thị Điểm có sự hụt hẵng, bà cần có một người bạn tri kỉ chia sẻ suy nghĩ về thời cuộc. Lê Hữu Trác, một cậu bé sớm trưởng thành sẽ là nhân vật tri kỉ của bà Đoàn Thị Điểm. Quả thực Lê Hữu Trác (sau này là Hải thượng Lãn Ông) là người có cùng tư tưởng với bà Đoàn Thị Điểm, đó là tư tưởng người trí thức, không muốn tham gia triều đình mà muốn đem tài học của mình vào việc lan tỏa văn hóa như dạy học, làm thuốc, viết văn thơ nôm. Chính vì vậy trong tiểu thuyết, mỗi lần Lê Hữu Trác xuất hiện đều có vai trò chia sẻ đồng cảm cùng bà chị Đoàn Thị Điểm.
Tôi không nghĩ là việc viết tiểu thuyết dã sử là một “bước rẽ đột ngột”, tôi vẫn đang đi thẳng! Khi viết xong tôi cảm thấy tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi vẫn có thể làm bạn với thiếu nhi, các em học sinh từ 13, 14 tuổi cho thể đọc được cuốn này. (Nhà văn Lê Phương Liên) |
Đặng Trần Côn tác giả bản chữ hán Chinh phụ ngâm là một nhân vật nhất thiết phải xuất hiện trong tiểu thuyết. Tôi đã suy nghĩ để phác họa chân dung ông với tính cách thi sĩ đa cảm thương người thương đời và không tha thiết công danh. Tư liệu lịch sử về Đặng Trần Côn sơ sài đến năm sinh năm mất cũng mù mờ, chỉ biết là ông mất sớm. Vì vậy trong tiểu thuyết tôi cũng để cho Đặng Trần Côn là một nhân vật bí ẩn, con người ông toát lên vẻ thi nhân khiêm nhường sâu sắc.
Trạng Quỳnh là một nhân vật dân gian, trong tiểu thuyết tôi đã tạo dựng ông thành một người tượng trưng cho lương tri của dân chúng mách bảo mối nguy hiểm cho Phu nhân Nguyễn Kiều.
Nguyễn Kiều và Nguyễn Nghiễm là hai vị đại quan đều tham gia chính sự. Các ông đều là người có tài có đức đầy trách nhiệm với thời cuộc.Tuy vậy trong một xã hội đã suy vi, các ông không khỏi vướng vòng tục lụy. Truyện cầu hôn hụt bà Đoàn Thị Điểm của vị quốc thích Bỉnh Trung Công là truyện có trong tư liệu. Ông Nguyễn Nghiễm là vị đại quan yêu văn học quan tâm đến sáng tác của các văn nhân và nhiều vợ là có trong tư liệu. Tuy vậy những truyện ganh ghét, phao tin nói xấu, đe dọa khủng bố gia đình ông bà Nguyễn Kiều là những chi tiết của tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi.
Trong tác phẩm này, tôi đặc biệt ấn tượng các nhân vật do nhà văn sáng tạo nên như Trần Minh Giám, Trần võ sư,... Cá nhân tôi đánh giá những nhân vật này góp phần tạo nên sự hấp dẫn không nhỏ cho cuốn tiểu thuyết. Từ đâu bà có ý tưởng xây dựng những nhân vật này?
Trần Minh Giám và Trần võ sư là hai nhân vật tác giả sáng tạo ra mang hình ảnh con người thời đại Lê- Trịnh. Trần Minh Giám xuất hiện là một kẻ cướp. Do mùa màng thất bát anh ta là “kẻ đói ăn vụng túng làm càn” ăn cướp vặt ở chợ quê. Tuy vậy nếu không gặp nữ sĩ họ Đoàn, rất có thể Trần Minh Giám sẽ trở thành một đại ca giang hồ khét tiếng gây thảm họa cho xã hội. Trong tiểu thuyết tôi dựng chân dung một người táo bạo mạnh mẽ, không chịu theo khuôn khổ cũ nhưng lại là người biết phục thiện. Chính Trần Minh Giám đã “nên người” khi theo học Hồng Hà nữ sĩ.
Trần võ sư là một nhân vật ẩn mình chìm khuất, gây bất ngờ trong tiểu thuyết. Ông là nạn nhân của chế độ phong kiến. Trần võ sư là hoạn quan. Ông đã không trở thành tay sai cho các ông vua sa đọa, bởi nhờ cụ Đoàn Doãn Nghi (người cha của bà Đoàn Thị Điểm) nhận về làm gia nhân khi ông bị sa thải khỏi cung vua. Trần võ sư là Kẻ sĩ giang hồ nghĩa hiệp trong xã hội tao loạn. Ông có tư tưởng thoát hẳn ra khỏi xã hội thời Lê- Trịnh nhưng vì có mối tình lớn với bà Đoàn Thị Điểm nên ông trở thành vệ sĩ suốt đời của bà Điểm. Tôi nghĩ rằng trong một xã hội phong kiến suy tàn loạn lạc một kiểu người như Trần võ sư chắc hẳn không xa lạ. Tuy vậy, tôi đã làm chủ ngòi bút không viết quá đi để tiểu thuyết dã sử biến thành sách kiếm hiệp kì tình.
Các tác giả chúc mừng nhà văn Lê Phương Liên với tác phẩm mới. Ảnh: PV
Phản hồi tâm đắc nhất bà nhận được đến nay, sau khi cuốn sách được phát hành là gì? Sau thành công của cuốn sách, bà có ý định tiếp tục với mảng đề tài này?
Tất cả mọi phản hồi về cuốn sách sau khi được phát hành đều có ý nghĩa khích lệ tôi. Điều bất ngờ nhất là việc phát hiện chữ HÀ trong tên hiệu HỒNG HÀ NỮ SĨ của một bạn đồng nghiệp trẻ quen thân với tôi. Nghĩa chữ HÀ được viết trong tên HỒNG HÀ NỮ SĨ nghĩa là RÁNG TRỜI không phải là SÔNG. Điều đó chứng tỏ rằng một cuốn tiểu thuyết dã sử có thể khích lệ bạn đọc khám phá tìm tòi thêm với danh nhân lịch sử Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đóng góp cho việc nghiên cứu văn học sử Việt Nam. Hiện nay cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi đã được in nối bản. Tôi tuổi đã cao, do đó mọi dự kiến viết tiếp như thế nào đều phải cân nhắc kĩ, không thể có những dự án ảo tưởng nữa.
Xin chân thành cảm ơn nhà văn!
Nhà văn Lê Phương Liên sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bà nguyên là Trưởng Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi nghỉ hưu bà là cán bộ biên tập tại Nhà xuất bản Kim Đồng. 50 năm cầm bút, bà dành gần như cả cuộc đời viết cho thiếu nhi, đã in hàng chục đầu sách dành cho các em nhỏ. Các tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Lê Phương Liên: - Bông hoa phấn trắng (1984)
- Khúc hát hạnh phúc (2002);
- Khi mùa xuân đến (1974);
- Câu hỏi trẻ thơ (1971)
- Bức tranh còn vẽ (1997);
- Hoa dại (1995);
- Ngày em tới trường (2002);
- Én nhỏ (1998)
- Những tia nắng đầu tiên (1971);
- Đêm tan (1986)
- Tuyển tập truyện thiếu nhi Những tia nắng đầu tiên (2006).
|
PHONG ĐIỆP thực hiện
VNQD