Tiểu thuyết là cái đích của người viết văn xuôi Việt Nam

Thứ Hai, 15/03/2021 11:07

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1975, hiện anh đang công tác ở Truyền hình Nhân Dân. Là một người chịu đọc và có những phân tích sắc sảo, Nguyễn Hoài Nam là một gương mặt rất đáng chú ý trong đội ngũ những người làm phê bình hiện nay. Anh đã xuất bản tập tiểu luận phê bình Mùi chữ (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2013) và viết nhiều bài phê bình về văn học nghệ thuật đăng tải trên các báo và tạp chí.

- Thưa nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, bây giờ đã hết năm 2020 rồi, một mốc thời gian mà căn cứ vào nó, ta có thể nhìn lại nhiều thứ trong đó có văn học. Nhưng nhìn nhận cả một nền văn học thì e rằng lớn quá. Tôi nghĩ khu biệt trong khu vực tiểu thuyết có vẻ sẽ khả thi hơn dù chắc chắn có người sẽ nghĩ chúng ta hơi liều! Nhưng không sao, nếu ai cũng sợ hãi không dám đánh giá thì ai sẽ làm. Nhìn nhận của anh và tôi có lẽ cũng chỉ phác qua được những nét chính hoặc trong những phạm vi, đối tượng chúng ta có thể nắm bắt được. Vậy với quan sát của anh thì tiểu thuyết Việt trong hai mươi năm qua có những gì khác biệt so với giai đoạn trước đây?

+ Việc nhìn lại một quãng thời gian của văn chương, ở đây ta đang nói riêng đến thể loại tiểu thuyết, theo tôi, bao giờ cũng cần thiết. Nhìn lại chỉ một năm qua thôi, cũng đã là cần, nói gì đến nhìn lại hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, một quãng thời gian mà đời sống xã hội, từ toàn cầu cho đến mỗi quốc gia, đều có những biến động cực kì to lớn và sâu sắc. Bình thường, trong văn chương, hai mươi năm là đủ để ta chứng kiến sự chín muồi, thăng hoa của một thế hệ tác giả, đồng thời cũng là chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ tác giả kế tiếp. Điều ấy đã diễn ra ở tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ XXI.

Anh hỏi về cái khác biệt của nó, tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, so với giai đoạn trước đó, thì tôi có thể nói ngắn gọn rằng nó có khác. Vấn đề không phải chỉ là lực lượng tác giả đông hơn, sự trẻ hóa những người viết tiểu thuyết mạnh hơn. Mà khác ở đây nằm trong sự mở rộng tầm quan tâm của các nhà tiểu thuyết, sự đào xới của họ vào những vấn đề của thực tại đời sống xã hội cũng như thực tại đời sống tư tưởng, tình cảm của con người. Những câu chuyện về con người thân xác, con người tâm linh, và đặc biệt là câu chuyện về “phận người” trong cuộc tồn sinh giữa cuộc đời, giữa những giao thoa văn hóa và giao thoa tự nhiên được nói đến khá nhiều, mà đấy là điều mà cả một giai đoạn dài trước đó tiểu thuyết Việt Nam ít nói đến. Cái khác còn nằm ở sự nỗ lực thay đổi tư duy tiểu thuyết, nỗ lực thay đổi lối/ cách viết của mỗi tác giả. Có lẽ, sự va đập với thực tế toàn cầu hóa, sự trải nghiệm với nhiều dòng văn hóa hiện đại và hậu hiện đại đã khiến các nhà tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm qua cũng đi đến việc xác lập một ý thức: “Dẫu thế nào, cũng không thể viết như trước được nữa.” Về đại thể là như thế, còn với từng người viết, ý thức đó có thể mạnh yếu khác nhau. Thậm chí sẽ có những người còn không đặt nó thành vấn đề.

- Nói chung khi bình phẩm một giai đoạn tiểu thuyết, chúng ta không chỉ bàn bạc trên những diện chung mà cần phải có những điểm cụ thể. Liệu anh có thể cho tôi một danh sách khoảng 10 hoặc hơn những cuốn tiểu thuyết mà theo anh là đáng chú ý nhất trong hai mươi năm qua. Tôi biết việc này là khá mạo hiểm nhưng về mặt nào đó chúng ta chỉ là những độc giả thôi. Và độc giả thì có quyền đánh giá theo cái gu và khả năng bao quát của mình, tất nhiên đó chỉ là ý kiến của anh và không thể đại diện cho tất cả.

+ Tôi sẽ trả lời ngay, chỉ kèm theo một lưu ý: Đây là danh sách những cuốn tiểu thuyết Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI mà tôi đã đọc và đã thích, ít nhất là đã thấy chúng có “vấn đề”. Nhưng như thế cũng có nghĩa rằng những cuốn mà tôi chưa kịp đọc, không đọc, hoặc không biết để đọc còn nhiều hơn gấp bội. Thôi thì cũng xem như đây là một ý kiến trước chư quân:

- Bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn Đội gạo lên chùa

- Giàn thiêu của Võ Thị Hảo

- Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà

- Hội thề của Nguyễn Quang Thân

- Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thuỵ

- Tranh Van Gogh mua để đốt của Hồ Anh Thái

- Chuyện tình mùa tạp kĩ của Lê Anh Hoài

- Gần như là sống của Đỗ Phấn

- Miền hoang của Sương Nguyệt Minh

- Mình và họ của Nguyễn Bình Phương

- Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều

- Con chim Joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy

- Thư gửi Mina của Thuận

- Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang

- Phúc âm cho một người của Nguyễn Khắc Ngân Vi.

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam trò chuyện cùng nhà văn Uông Triều.

- Có một dự đoán rất cũ nhưng tôi nghĩ rằng vẫn cần thiết nhắc lại. Đó là có ý kiến cho rằng tiểu thuyết sẽ chết, vậy theo anh tiểu thuyết có chết được không? Trong một bối cảnh ta có thể nhìn thấy sự nở rộ của các thể loại khác như du kí, tản văn, hồi kí và đó mới là những cuốn sách bán chạy nhất chứ không phải tiểu thuyết.

+ Câu chuyện về “Cái chết của tiểu thuyết” vốn đã được gióng lên ở phương Tây từ những năm 1960, 1970. Là bởi vì người ta thấy tiểu thuyết dường như đã đi hết con đường của mình trong việc mang lại một dưỡng chất tinh thần cho độc giả. Nó, ở lúc ấy, dường như bị rút kiệt mọi khả năng tự xác lập mình như một nghệ thuật luôn mới. Hơn thế, nó còn chịu sự cạnh tranh của một loại hình kể chuyện xem ra sinh động hơn hẳn, là điện ảnh, cùng vô số phương tiện giải trí khác nữa, ví dụ như các chương trình truyền hình. Thế nhưng rốt cuộc thế nào, thì chúng ta đã thấy.

Còn ở Việt Nam hiện nay, như anh nói, xem chừng người ta thích đọc các loại sách tản văn, du kí, hồi kí, tự truyện hơn tiểu thuyết. Có thể đúng, nhưng như thế không có nghĩa rằng nó sẽ đưa đến “Cái chết của tiểu thuyết” như nhiều người hằng lo ngại. Tôi cho rằng cần nhìn từ hai phía. Thứ nhất, người đọc/tiếp nhận Việt Nam nói chung vẫn có thể vừa ưa đọc tản văn, du kí, hồi kí, tự truyện, vừa vẫn thích thú với tiểu thuyết. Bởi vì, tiểu thuyết cho người ta những trải nghiệm đọc khác, những nhận thức và cảm xúc khác, khác với các loại sách kia. (Một trong những điều khác ấy, là việc được thưởng thức, suy nghĩ về một câu chuyện. Tôi nói gọn là việc được thỏa mãn nhu cầu “hóng” một câu chuyện). Và thứ hai, sau này thế nào không biết, còn hiện tại thì hầu hết những người viết văn xuôi ở Việt Nam đều đẩy cái đích của lao động nghệ thuật của mình về phía tiểu thuyết, cái thể loại bòn rút của người sáng tạo không biết bao nhiêu là thời gian và tâm lực. Hầu hết đều mơ ước đến một sự nghiệp tiểu thuyết, cực chẳng đã mới bằng lòng một sự nghiệp truyện ngắn. Còn một sự nghiệp tản văn hay du kí, hồi kí, thì quả thật tôi… chưa dám nghĩ đến. Đây có lẽ là lí do quan trọng nhất để, ít ra thì, “Cái chết của tiểu thuyết” vẫn chưa đến với tiểu thuyết Việt Nam lúc này. Tin tôi đi, cái đam mê viết tiểu thuyết của bản thân nhà tiểu thuyết nó vĩ đại vô song. Khi họ muốn viết và có thể viết, thì cho dẫu biết trước không bán được, sách ra không ai mua, họ vẫn cứ viết.

- Theo quan sát của tôi, trong những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đang trở thành một dòng rất mạnh và được nhiều người viết và độc giả quan tâm. Có phải do vấn đề chủ quyền dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, những sự kiện đang nóng lên ở biển Đông… hay thứ gì đó kích thích xu hướng này. Anh có kiến giải gì không?

+ Cái gợi ý để lí giải của anh về sự phát triển rất mạnh của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong hai mươi năm qua là chính xác. Vấn đề chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ rõ ràng là những vấn đề lớn, có sức tác động rất mạnh đến nhận thức và ý thức trách nhiệm của những người cầm bút. Họ tìm về quá khức như tìm về sức mạnh nội sinh của dân tộc, tìm về những kinh nghiệm đã giúp đất nước ta vượt qua bao phen nguy khó, tóm lại là tìm về quá khứ để tạo thành một thứ kích thích tinh thần tích cực cho hiện tại. Nhưng ở đây có một vấn đề tế nhị: Nếu là như thế và chỉ là như thế, thì nhà tiểu thuyết lịch sử chẳng khác một anh cán bộ tuyên truyền nhiệt tình và mẫn cán. Một nhà văn viết về lịch sử, phải là cái gì hơn thế. Nên nhớ rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Câu chuyện về “ngôi nhà chung toàn thế giới” nghe thì có vẻ hay ho đấy, nhưng nguy cơ nhãn tiền là sẽ có một số quốc gia dân tộc, nếu không đủ bản lĩnh và sức mạnh văn hóa nội sinh, rất dễ biến thành phiên bản của một số quốc gia dân tộc khác. Họ đánh mất mình vì không luôn tự đặt câu hỏi: “Ta là ai?” Mượn một tên sách của nhà nghiên cứu quá cố Trần Đình Hượu, tôi muốn nói rằng chúng ta chỉ có thể “Đến hiện đại từ truyền thống”. Và đây chính là một trong những nhiệm vụ của các nhà tiểu thuyết lịch sử đích thực bây giờ: Bằng sức mạnh của tưởng tượng và ngôn từ nghệ thuật, bằng dũng cảm vượt qua mọi định kiến, góp phần nhận diện nước Việt, người Việt từ những tầng sâu, xa trong quá khứ, cả cái mạnh và cái nhược, cả những chiến thắng và những thất bại, cả những giá trị cốt lõi và những thứ bông phèng nhảm nhí. Có nhận diện được, có truy ra căn cước dân tộc của mình, thì lúc ấy ta mới tiếp về “Tiên tiến và đậm đà bản sắc”.

- Và tiểu thuyết về chiến tranh? Một người bạn làm phê bình của tôi nói rằng, chiến tranh là mảnh đất vàng cho tất cả các nhà văn. Tôi thì không hẳn nghĩ thế, chiến tranh có thể là mảnh đất vàng cho các cựu binh và những người từng đi qua cuộc chiến. Còn những người trẻ như chúng tôi, chúng tôi lấy cơ sở và trải nghiệm gì để viết? Dù đất nước ta trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, dư âm của nó còn đậm đặc nhưng mỗi khi có người sinh sau cuộc chiến viết về nó, kể cả dư âm thôi thì hình như các nhà phê bình, các nhà văn lớn tuổi và cả độc giả không mấy tin vào điều đó. Họ có thể nghĩ: À, có trải qua đâu mà viết được, chiến tranh đâu có như thế…

+ Chiến tranh, tất cả các cuộc chiến tranh mà đất nước này đã trải, tôi cho rằng nó là “cái để viết” chẳng của riêng thế hệ nào. Những nhà văn từng đi qua chiến tranh, từng tham gia chiến tranh trong tư cách người lính, đương nhiên có thế mạnh của họ. Thế mạnh của người sống chiến tranh và coi viết chiến tranh như bổn phận phải trả món nợ với đất nước, với nhân dân, với những đồng đội đã hi sinh. Nhưng như vậy không có nghĩa là thế hệ không ăn bom ngủ đạn, không phải nhìn thấy xác người bị mìn pháo băm nhừ lại không thể viết về chiến tranh. Ta hãy hình dung chiến tranh như một… văn bản. Mỗi thế hệ, thậm chí mỗi cá nhân nhà văn lại có cách diễn giải của riêng mình về văn bản ấy, và cái sự hay, cái sức hấp dẫn, cái tầm cao tư tưởng trong tác phẩm của họ đôi khi chẳng liên quan nhiều lắm đến việc họ đã từng tham chiến hay chỉ nghe kể về và đọc các tư liệu chiến tranh. Anh có nói đến sự nghi ngại của các nhà phê bình và các nhà văn cựu binh khi họ thấy các nhà văn thế hệ sau viết về chiến tranh. Tôi thì lại nghĩ rằng, nếu quả thực có việc ấy, nó cũng chẳng thể ngăn cản được anh một khi anh muốn viết về chiến tranh. “Chiến tranh đâu có như thế” ư? Thật ra, chiến tranh đã diễn ra thực sự như thế nào trong tính toàn vẹn của nó và với tất cả ý nghĩa khả thể của nó, thì chỉ có Chúa mới biết được. Việc của mỗi nhà văn viết tiểu thuyết ở mọi lứa tuổi, là hãy nắm lấy cái mẩu/ mảnh chiến tranh mà anh ta quan tâm, và từ đó, xây dựng lên một thế giới nghệ thuật riêng có của mình.

- Có một câu hỏi anh đã từng hỏi tôi, tôi sẽ hỏi lại anh, vì thế mới công bằng. Sau tất cả thì theo anh các nhà tiểu thuyết Việt có đóng góp gì cho kho tàng tiểu thuyết của nhân loại dù nền tiểu thuyết hiện đại của chúng ta mới có khoảng trăm năm? So với các nền văn học lớn thì chúng ta chắc không dám so nhưng với những khu vực tương đồng thì chúng ta có quá lép vế chăng?

+ Riêng với câu hỏi này của anh, tôi xin được dẫn lại một ý kiến mà tôi rất tán đồng, của nhà phê bình Mai Anh Tuấn, rằng về nghệ thuật nói chung và về văn chương, trong đó có tiểu thuyết nói riêng, Việt Nam luôn là tấm gương chiếu hậu của những trào lưu, trường phái, khuynh hướng có nguồn gốc ngoại nhập mà thôi. Tôi còn muốn nói thêm: Với những ảnh xạ từ tấm gương chiếu hậu ấy, chúng ta còn rất ít khi đưa nó lên được mức độ điển phạm, ngang bằng với cái gốc. Một ví dụ: Chúng ta có tiểu thuyết hiện thực và có các nhà tiểu thuyết rất đề cao cái thực, tính chân thực, sống động, nhưng đã có ai dám mơ đến việc thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của mình sẽ sánh ngang với sổ hộ tịch Paris, như Honore de Balzac? Một ví dụ khác: Chúng ta viết rất nhiều tiểu thuyết chiến tranh, nhưng từ độ toàn cảnh rộng lớn của các chiến dịch, các mặt trận, các cuộc di chuyển quân, đến các tiểu cảnh sinh hoạt của những con người lọt thỏm trong cuộc chiến thì, chưa cần nói đến bá tước Lev Tolstoy đâu, mà viết được như bộ tiểu thuyết "Những kẻ thiện tâm" của Jonathan Littell, nhà văn người Mĩ gốc Đông Âu sinh năm 1967 - tức là hai mươi hai năm sau khi Đại thế chiến II kết thúc - tôi thấy cũng hình như chẳng có mấy ai. (Bộ tiểu thuyết này đoạt cùng lúc hai giải thưởng văn chương danh giá, là giải Goncourt và giải tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 2006).


"Đóng góp của chúng ta, là đóng góp của “trường hợp Việt Nam” vào những câu chuyện mà toàn nhân loại đang quan tâm: câu chuyện các giá trị văn hóa truyền thống đang mai một, câu chuyện đô thị hóa như vũ bão khiến làng quê chỉ còn thoi thóp thở trong biến dạng, câu chuyện những con người phải chấp nhận thân phận nhập cư cực nhọc trên xứ người để sống được, câu chuyện về những định kiến giới hoặc sắc tộc vẫn đang đè nặng dưới cái vỏ của một xã hội hiện đại, câu chuyện về những người trẻ bơ vơ lạc lõng không niềm tin… Tôi cho rằng, trong giao lưu và hội nhập, thế giới sẽ biết đến Việt Nam và những nhịp cầu thông hiểu sẽ được dựng lên, chắc chắn, chính là nhờ những câu chuyện mà tiểu thuyết Việt Nam chuyển tải".

                                                                                          (Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam)

Cũng phải chấp nhận thôi, vì chúng ta không có cái may mắn là nhà máy sản xuất những tư tưởng nghệ thuật tiên phong. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ta hoàn toàn phủ nhận thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, trong cuộc hội nhập với các dòng chảy tiểu thuyết trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp của chúng ta, là đóng góp của “trường hợp Việt Nam” vào những câu chuyện mà toàn nhân loại đang quan tâm: câu chuyện các giá trị văn hóa truyền thống đang mai một, câu chuyện đô thị hóa như vũ bão khiến làng quê chỉ còn thoi thóp thở trong biến dạng, câu chuyện những con người phải chấp nhận thân phận nhập cư cực nhọc trên xứ người để sống được, câu chuyện về những định kiến giới hoặc sắc tộc vẫn đang đè nặng dưới cái vỏ của một xã hội hiện đại, câu chuyện về những người trẻ bơ vơ lạc lõng không niềm tin… Tôi cho rằng, trong giao lưu và hội nhập, thế giới sẽ biết đến Việt Nam và những nhịp cầu thông hiểu sẽ được dựng lên, chắc chắn, chính là nhờ những câu chuyện mà tiểu thuyết Việt Nam chuyển tải. Điều đó, há chẳng phải là đóng góp có ý nghĩa hay sao.

- Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở này!

UÔNG TRIỀU thực hiện

VNQD
Thống kê