"Thành đồng Tổ quốc" là danh hiệu bất tử mà Bác Hồ đã trao tặng để tôn vinh sứ mệnh thiêng liêng của quân và dân Nam bộ mở đầu cho cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 luôn ra sức luyện rèn, hăng hái thi đua, xứng đáng với những nét vàng truyền thống của cha anh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Hướng tới kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu 7, đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc đối thoại với đồng chí Trung tướng Trần Hoài Trung - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài đối thoại mang tên Lực lượng vũ trang Quân khu 7: Mãi mãi xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” sẽ mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt chào mừng 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đoàn Hữu Nam là một cái tên không còn xa lạ với độc giả qua nhiều trang tiểu thuyết và một loạt trường ca về vùng biên viễn. Sinh ra tại Hà Nam, lặn lội lên Yên Bái, Lào Cai lập nghiệp, vào đời bằng nghề công nhân cầu đường, thông tin lưu động ở các huyện vùng cao… Gần năm chục năm vừa lao động vừa sáng tác, trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, Đoàn Hữu Nam gắn bó với Lào Cai như một cơ duyên, ẩn sâu trong đó là cái tình cái nghĩa đối với một vùng đất đầy biến động phức tạp và những con người nơi biên ải gan góc kiêu hùng trong dòng chảy kì vĩ của lịch sử.
Nhân tiểu thuyết Rễ người của nhà văn Đoàn Hữu Nam vừa được trao giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV, 2017-2020, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với ông. Bài trò chuyện mang tên Để có những tác phẩm viết về dân tộc và miền núi đúng nghĩa… sẽ góp phần làm sinh động, đặc sắc cho tạp chí số đặc biệt này.
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Giai điệu đàn thần của Trần Thị Tú Ngọc, Những cánh hoa rơi của Ngô Nhân Đức, Nhan sắc rừng xưa của Hữu Phương, Vệt nắng trong vườn của Đỗ Phấn, Khan njram huyền thoại của Kiều Maily.
Giai điệu đàn thần tái hiện câu chuyện Thạch Sanh - Quỳnh Nga - Lý Thông với cái nhìn mới của nhà văn. Sau khi giết được trăn tinh và đại bàng, vạch tội Lý Thông, Thạch Sanh cưới Quỳnh Nga công chúa và trở thành đức vua. Cuộc sống cao sang nơi cung gấm liệu có thực sự phù hợp và đem lại hạnh phúc cho chàng? Chàng và Quỳnh Nga có sống được bên nhau đến đầu bạc răng long sau tất cả những gian nan mà họ đã trải qua? Lý Thông có thực sự hối hận sau những tội lỗi đến trời cũng không dung tha nổi? Bằng liên tưởng riêng, sâu sắc, nhà văn Trần Thị Tú Ngọc sẽ mang đến cho bạn đọc câu chuyện khác phía sau cổ tích.
Những cánh hoa rơi hấp dẫn bạn đọc bởi những nhân vật đặc biệt, ấn tượng, những tình tiết bất ngờ. Truyện kể về những rung động đầu đời của một chàng trai từng là chú tiểu trong chùa với một cô gái điếm. Điều gì khiến cậu khao khát tìm kiếm và mong gặp lại cô gái ấy trong hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc, và ngay cả khi cậu đã trở thành một chàng trai đã hoàn tục. Cuộc hội ngộ bất ngờ với những diễn biến làm thay đổi cuộc đời chàng trai ấy sẽ để lại cho bạn đọc nhiều suy ngẫm sâu xa.
Nhan sắc rừng xưa là những nuối tiếc về tình yêu gắn với sự rực rỡ tuổi trẻ của cô văn công chiến trường Thúy Mận. Cùng với đó là những day dứt bởi lỗi lầm mà cô đã gây ra cho Tuệ Hiển. Những cô văn công một thời không ngại bom đạn, mang đến cho những người lính cảm hứng chiến đấu, tình yêu Tổ quốc qua vẻ đẹp của nghệ thuật, nhưng sâu trong lòng họ còn là tình yêu, và sự đố kị mà không phải ai cũng đủ sự rộng lượng tránh được. Truyện đề cao sự nhân văn với một cái kết đẹp.
Vệt nắng trong vườn là những suy tư, hoài niệm của một người đàn ông về ngôi nhà cũ trong thành phố. Những khu vườn đầy cây và ánh nắng luôn thu hút, hấp dụ và gợi nhiều suy ngẫm cho nhân vật tôi. Phía sau đó còn là kí ức về một vùng đất đặc biệt, con người đặc biệt. Kí ức là thứ chẳng dễ gì cũ đi. Hình ảnh về cô gái trong khu vườn xưa cũ ấy đã trôi qua gần nửa thế kỉ nhưng vệt nắng trong vườn đã tái hiện tất cả.
Khan njram huyền thoại là câu chuyện đầy cảm động của hai anh em bị thất lạc nhau do chiến tranh. Chiếc khăn của người mẹ đã giúp họ tìm được nhau sau rất nhiều năm. Truyện mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, và chính bản sắc ấy đã giúp cho con người sống sót, vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống, của chiến tranh, bền bỉ sống và tin vào những điều tươi đẹp, hạnh phúc.
Những ám ảnh bão lũ là bút kí của nhà văn Đinh Phương trong chuyến đi thực tế vào miền Trung sau cơn lũ lịch sử.
Phần Văn xuôi còn có ghi chép Nhiệm vụ đặc biệt của Nguyễn Đức Cường, kí ức chiến trường Rừng xưa xa lắm của Đỗ Văn Nhâm.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu truyện ngắn Trên đảo của nhà văn Phạm Duy Nghĩa.
Phần Thơ số này quy tụ nhiều cây bút quen thuộc với bạn đọc VNQĐ như: Nguyễn Minh Khiêm, Lê Văn Hiếu, Đỗ Trọng Khơi, Huỳnh Minh Tâm, Trần Huy Minh Phương, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Kiên Thụy, Trần Thị Huyền Trang, Trương Công Tưởng…
Hình ảnh những người lính trong chiến tranh hay trong thời bình vẫn luôn là cảm hứng bất tận cho những người cầm bút; luôn chiến đấu hết mình, không ngại hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước, nhân dân, người lính đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm cùng những lí tưởng cao đẹp. Những trang thơ viết về người lính với nhiều cảm xúc mới, góc nhìn mới, lay động và chia sẻ sẽ làm nên không khí đặc biệt cho phần thơ số này. Bên cạnh đó là sự sinh động và đa dạng của đời sống được các nhà thơ cảm nhận, chắt lọc và hình tượng hóa vào những thi phẩm mang tính nghệ thuật cao và mang đậm hơi thở của cuộc sống, thời đại.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Trần Đình Thu cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Mùi thơm ở đâu buồn tan ra ở đó của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh giới thiệu thi tập Mùi thảo quả vẫn lừng hương của Nguyễn Thị Liên Tâm.
Người Biên Tập cũng sẽ trở lại với bạn đọc trong mục “Thơ trên bàn biên tập” với bài viết Cảm giác trong thơ.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Vị khách của nhà văn được giải Nobel năm 1957 Albert Camus. Truyện do Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Phan Việt Hùng, Ngọc Khuê, Đoàn Công Minh, Trần Nguyễn Lan Nhi, Nguyễn Thị Phương Thúy, Thu Sang, Trần Hồng Hoa.
Có lẽ Antokolsky là một trong những người nước ngoài đầu tiên đến thăm "Người con gái Việt Nam" tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bởi sau ông, từ ngày 11 đến 21/11/1958 có 39 đoàn khách quốc tế đã tiếp tục đến thăm Trần Thị Lý và 62 đoàn khác tiếp tục đăng kí vào thăm.
Trong cuốn Sức mạnh Việt Nam in năm 1960 nói trên, Pavel Antokolsky kể ông có nhận được một bức thư của nhà văn Nguyễn Văn Bổng yêu cầu nhà văn Xô-viết đưa ra công luận Liên Xô và thế giới những tội ác tày trời của Mĩ - Diệm với đồng bào miền Nam. Antokolsky gọi cuộc gặp với Trần Thị Lý là "cuộc gặp có ý nghĩa nhất trong chuyến công tác vào mùa thu năm 1958".
Bài viết Sức mạnh Việt Nam của Phan Việt Hùng sẽ góp phần để chúng ta thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về đất nước, dân tộc mình.
Những nghệ sĩ trẻ đem tâm trạng rất đời của mình để làm chất liệu cho sản phẩm nghệ thuật. Victor Hugo - một đại diện của chủ nghĩa lãng mạn - từng thốt lên: “Khờ khạo thay nếu cho rằng tôi không phải là anh!” Nếu như có thể nhận ra quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn ở đó thì mỗi tự sự của giới trẻ, tôi thấy mình trong đó… Văn hóa giới trẻ đương đại và những gì còn lại của chủ nghĩa lãng mạn là một bài viết thú vị và đáng suy ngẫm.
Nhìn lại, “Đảng” từ chỗ là một danh từ chung, nay được sử dụng như một danh từ riêng, có giá trị đại diện cho toàn bộ tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật từ trước đến nay, Đảng luôn gắn với những sắc thái tích cực, tôn kính, tin yêu, trang trọng. Các văn nghệ sĩ có nhiều dụng công tìm tòi sáng tạo khi biểu hiện về hình tượng Đảng trong thơ và nhạc, mỗi người có cách biểu đạt riêng. Các tác phẩm ra đời và được công chúng đón nhận vừa là thành quả sáng tác nghệ thuật, vừa khẳng định được giá trị tinh thần của tác phẩm, vừa bộc lộ tấm lòng, tình yêu của văn nghệ sĩ với Đảng, với Bác Hồ, với dân tộc.
Bài viết Hình tượng Đảng trong thơ và nhạc sẽ đưa ra những dẫn chứng cụ thể cho nhận định này.
Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; và những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.
Tạp chí VNQĐ số đặc biệt 954 + 955 với nhiều tranh, ảnh đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 10/12/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV Lực lượng vũ trang Quân khu 7: Mãi mãi xứng danh “Thành đồng Tổ quốc” 3. Trần Thị Tú Ngọc Giai điệu đàn thần 12. Đinh Phương Những ám ảnh bão lũ 23. Phạm Duy Nghĩa Trên đảo 42. Ngô Nhân Đức Những cánh hoa rơi 61. Hữu Phương Nhan sắc rừng xưa 77. Lý Hữu Lương Nhà văn Đoàn Hữu Nam: Để có những tác phẩm viết về dân tộc và miền núi đúng nghĩa… 101. Đỗ Văn Nhâm Rừng xưa xa lắm 110. Đỗ Phấn Vệt nắng trong vườn 117. Kiều Maily Khan njram huyền thoại 125. Nguyễn Đức Cường Nhiệm vụ đặc biệt 158.
Thơ
Nguyễn Minh Khiêm Mưa rừng đào; Một người thương binh; Bát nước lạnh 34. Lê Văn Hiếu Vừa khóc vừa lau; Con chim sẻ trong sân bệnh viện; Chào nhau nghe nắng vỡ 37. Đỗ Trọng Khơi Buông; Cuối trăng; Đêm… 40. VNQĐ giới thiệu thơ Đình Thu Rừng ơi; Đêm cỏ may; Gùi em xuống đồng bằng 74. Thuận Vy Miền rừng nhiều gió; Quầng sáng 87. Lê Quốc Hán Tiếng hót; Hoa mẫu đơn ở ngã ba 89. Huỳnh Minh Tâm Những cơn mưa lớn; Bão; Bài thơ cuối mùa thu 90. Nguyễn Giúp Gió thung lũng; Trùng trùng mắt núi; Mùa đông 93. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh Mùi thơm ở đâu buồn tan ra ở đó (Đọc Mùi thảo quả vẫn lừng hương của Nguyễn Thị Liên Tâm) 96. Trần Huy Minh Phương Đi qua lọn gió đồng bằng; Một nhà thơ vừa mới qua đời 134. Đào Quốc Minh Mắt gốm 136. Trương Thị Bách Mỵ Trà My; Khuôn mặt ngày mưa ngâu 137. Phạm Vân Anh Tự cảm giữa đường biên; Xin mở một đường trăng 139. Nguyễn Kiên Thụy Sau trận đánh; Nhớ mùa mưa Tây Nguyên 141 Người Biên Tập Cảm giác trong thơ 143. Trần Thị Huyền Trang Tiềm thức; Tóc Huyền Trân; Bên kia giấc mơ 168. Trương Công Tưởng Bầy mối trong rừng mưa; Người đi về phía biển 171.
Văn học nước ngoài
Albert Camus Vị khách
(Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ nguyên bản tiếng Pháp) 146.
Bình luận văn nghệ
Phan Việt Hùng Sức mạnh Việt Nam 173. Ngọc Khuê Văn học viết về chiến tranh và người lính: Hướng đi nào cho thực tiễn sáng tạo? 177. Đoàn Công Minh Hình tượng Đảng trong thơ và nhạc 181. Trần Nguyễn Lan Nhi Văn hóa giới trẻ đương đại và những gì còn lại của chủ nghĩa lãng mạn 186. Nguyễn Thị Phương Thúy Ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn đến tiểu thuyết đô thị Nam Bộ 1945-1954 189. Thu Sang Một Hà Nội đổi mới trong tranh Trần Khánh Chương 194. Trần Hồng Hoa Người thầy đặc biệt trong Harry Potter 197.
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Sau cơn lũ Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Hoàn
Minh họa: Thành Chương, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng,
Trương Đình Dung, Bùi Quang Đức, Phạm Hà Hải,
Ngô Xuân Khôi, Hải Kiên, Nguyễn Đăng Phú, PV...
VNQD