Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 950 (đầu tháng 10/2020)

Thứ Tư, 30/09/2020 14:33

 Báo Quân đội nhân dân là một tờ báo lớn không chỉ của Quân đội mà còn của cả nước với bảng vàng thành tích: 2 Huân chương Quân công (hạng Ba, 1956; hạng Nhất, 1961); Huân chương Chiến công (1961); Huân chương Lao động (1963); Huân chương Hồ Chí Minh (1990); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2000); Huân chương Sao vàng (2005); Anh hùng Lao động (2010); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2010). Hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày ra số đầu tiên (20/10/1950-20/10/2020), đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ quân đội đã có cuộc đối thoại với các đồng chí: Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ - Quyền Tổng Biên tập; Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng Biên tập; Đại tá - Nhà báo Ngô Anh Thu - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Bài đối thoại với nhan đề Nhà báo chiến sĩ: Chỉ có thể đứng thẳng! sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 950.

Phần Văn xuôi ấn tượng với các truyện ngắn: Người sưu tầm của Đức Anh, Trả hết cho rừng của Nguyễn Thảo Nguyên, Không phải lỗi tại Cuội… của Trần Thị Tú Ngọc; ghi chép Quân khu 5 trên tuyến đầu chống dịch của Việt Hùng; tản văn Giếng làng của Nguyễn Thị Mai Phương.

Người sưu tầm độc đáo bởi chủ đề cũng như giọng văn của người viết. Luôn có những con người kì lạ, làm những công việc kì lạ. Điều này vốn chẳng có gì đáng nói. Nhưng những con người ấy, công việc ấy lại có một sức hút đủ để làm thay đổi nhiều người khác. Cuộc sống phải chăng luôn là những cuộc truy tìm, khám phá, mặc dầu có thể trong cuộc truy tìm ấy chúng ta có thể bỏ qua những điều quý giá để nhận về cho mình sự phù du, hư ảo. Cuộc đời như một trò chơi, và con người đôi khi cũng như một đồ chơi của kẻ khác… Tác giả chinh phục bạn đọc bằng sự quan sát tinh tế, lối kể hấp dẫn và những suy tư giàu triết lí.

Trả hết cho rừng là câu chuyện về một người lính ở phía bên kia đào ngũ để trở về với cuộc sống đời thường và những ám ảnh, day dứt không nguôi về quá khứ của mình. Trên con đường chạy trốn khỏi chiến tranh ông đã mắc sai lầm, sai lầm ấy đã thay đổi cuộc đời ông và khiến cho ngay cả những tháng ngày hạnh phúc sau này của ông cũng không được trọn vẹn. Truyện có những tình tiết gây bất ngờ.

Lỗi không phải tại Cuội… mang không khí huyền hoặc, liêu trai. Những biến động, những nguy cơ trong cuộc sống, những con người đâu đó ta đã gặp qua đều có thể là nhân vật trong một câu chuyện nào đó của nhà văn. Sự huyền hoặc, kì ảo mà người viết đem đến, choàng phủ lên nhân vật gợi mở nên những liên tưởng, những khả thể khác. Truyện mang đến cho người đọc những ý niệm sâu xa về cõi nhân sinh.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu truyện ngắn Trong mưa có ba người của nhà văn Đỗ Phấn.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vũ Bình Lục, Nguyễn Đức Lợi, Đặng Mỹ Duyên, Lê Thuý Bắc, Vĩnh Thông, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Trang Thanh, Lê Hoà, Nguyễn Quang Hưng, Lê Thanh My, Đinh Sỹ Minh, Ngô Kim Đỉnh. Sự sinh động và cuốn hút được các tác giả tạo nên cho trang thơ số này. Mỗi tác giả đến từ mỗi vùng đất khác nhau, góc nhìn khác nhau, trải nghiệm khác nhau và giọng điệu khác nhau. Sự hiện diện của những cây bút gạo cội bên cạnh những cây bút trẻ tạo nên những góc nhìn, phần nào cho thấy sự vận động của dòng chảy thơ ca hôm nay ở Việt Nam.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả trẻ Hương Giang cùng chùm thơ ấn tượng của cô.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Phạm Minh Quân, Hồ Anh Thái, Trần Văn Trọng, Lã Nguyên, Đỗ Thị Hường, Hiền Đỗ.

Nhân học văn học (literary anthropology) là một chuyên ngành mới, có tên gọi đến từ sự giao thoa hợp thành của hai lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã từ lâu gần gũi với nhau: nhân học và văn học. Từ văn học ở đây không đơn thuần mang nghĩa chỉ văn bản nghệ thuật, văn chương, mà còn mang nội hàm của khoa học văn học với sự khởi phát thâm nhập đến từ nhân học ở cả cấp độ bản thể lẫn phương pháp. Hiển nhiên, để đạt đến sự xác lập của mình, nhân học văn học cũng phải trải qua một quá trình vận động phát triển không tránh khỏi những tranh cãi. Song, việc nhân học văn học mở ra những hướng nghiên cứu mới, mang lại những thành tựu mới, trên cả lĩnh vực nhân học lẫn văn học, thì không thể phủ nhận. Bài viết Vượt lằn ranh giữa hư cấu và thực tại: Nhân học văn học sẽ góp lời bàn sâu xa về vấn đề này.

Từ trước đến này, nói đến Hồ Dzếnh mọi người thường nghĩ ngay đến ông trong tư cách một nhà thơ, Văn xuôi Hồ Dzếnh - chất thơ từ những ân tình với cuộc đời là bài viết sinh động, độc đáo về văn xuôi của ông.

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, VNQĐ giới thiệu bài chân dung về ông của nhà văn Hồ Anh Thái - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, người có nhiều kỉ niệm gắn bó với Tô Hoài. 

Ngoài ra còn những bài viết ấn tượng, những chân dung văn học tiêu biểu, những vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật cũng được đề cập đến đầy hấp dẫn và thú vị trong phần này.

Tạp chí VNQĐ số 950 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/10/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

 

Văn

VNQĐ

Nhà báo chiến sĩ: Chỉ có thể đứng thẳng!

Đức Anh

Người sưu tầm

Việt Hùng

Quân khu 5 trên tuyến đầu chống dịch

Đỗ Phấn

Trong mưa có ba người

Nguyễn Thị Mai Phương

Giếng làng

Nguyễn Thảo Nguyên

Trả hết cho rừng

Trần Thị Tú Ngọc

Không phải lỗi tại Cuội

 

Thơ

Vũ Bình Lục

Bên di chỉ Hoàng thành; Gọi đàn; Hồn quê

Nguyễn Đức Lợi

Viết trên Tả Ló San; Ngọn roi của mẹ

Đặng Mỹ Duyên

Bên dòng sông gấm

Lê Thúy Bắc

Trên đỉnh mùa đông; Còn em với mẹ

Vĩnh Thông

Hanh trắng; Sài Gòn tháng chín

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Hãy cho tôi nhìn em; Còn gì không nhỉ

Trang Thanh

Khúc hát đêm cuối cùng

Lê Hòa

Chuồn chuồn; Khu vườn ẩn mật

VNQĐ giới thiệu thơ Hương Giang

Cuộc đấu súng cuối cùng; Alo, thêm một cái chết;

Tất cả những ban mai

Nguyễn Quang Hưng

Ngóng núi; Lính biển

Lê Thanh My

Trong mơ; Đà Nẵng và tôi; Tàn lửa

Đinh Sỹ Minh

Cao nguyên; Sông La

Ngô Kim Đỉnh

Những bản chiềng Tây Bắc; Về quê xoan…

 

Bình luận văn nghệ

Phạm Minh Quân

Vượt lằn ranh giữa hư cấu và thực tại: Nhân học văn học

Hồ Anh Thái

Bác Tô Hoài - thản nhiên như nước

Trần Văn Trọng

Văn xuôi Hồ Dzếnh - chất thơ từ những ân tình với cuộc đời

Lã Nguyên

Bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong thơ Nguyễn Duy

Đỗ Thị Hường

Dấu ấn lãng mạn chủ nghĩa trong truyện ngắn Maxim Gorky

Hiền Đỗ

Dệt gấm thêu hoa trên nền lịch sử

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Hai con mèo Tranh của họa sĩ: Lê Bá Đảng

Minh họa: Lê Anh, Trương Đình Dung, Đỗ Dũng,

Bùi Trọng Dư, Nguyễn Anh Minh, Lê Huy Quang, PV.

VNQD
Thống kê