VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
ĐẠO DIỄN, NSƯT TẠ TUẤN MINH

Người ta sẽ không phê phán những người nhìn thấy khó khăn nhưng vẫn dám làm

Thứ Sáu, 04/09/2020 01:58

Tỏa sáng trong vai trò diễn viên, đã đạt đến những đỉnh cao trong nghiệp diễn, ngay khi chuyển vai trò làm đạo diễn sân khấu, NSƯT Tạ Tuấn Minh đã ghi dấu ấn với vở diễn “Người tốt nhà số 5”, một vở kịch còn ít được biết đến đến của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nhân dịp Nhà hát kịch Việt Nam đưa vở kịch vào chương trình biểu diễn, Văn nghệ Quân đội Online đã có cuộc trò chuyện cùng anh xung quanh vở diễn này.

- Ở vai trò diễn viên, Tạ Tuấn Minh được giao những vai diễn nặng kí mang tính hình tượng như Hamlet, Otenlo, Nguyễn Huệ, Từ Hải, Chí Phèo... và đã bộc lộ được tài năng cũng như tỏa sáng trên sân khấu. Chuyển sang vai trò đạo diễn, anh cũng trình làng bằng một vở diễn khá xương xẩu, không dễ với một đạo diễn nhập môn. Đó là lựa chọn hay do “tình thế xô đẩy”?

+ Trước khi chọn “Người tốt nhà số 5” của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ làm vở diễn báo cáo tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu, tôi đã mất nửa năm trăn trở để tự mình chuyển thể truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sang kịch bản sân khấu. NSND Anh Tú khi ấy khuyên tôi không nên dàn dựng “Cánh đồng bất tận” vì nó quá khắc nghiệt và nhạy cảm trong mọi vấn đề. Tôi đã nghe lời anh ấy. Tôi quyết định lựa chọn kịch bản “Người tốt nhà số 5” của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ làm bài tốt nghiệp chuyên ngành Đạo diễn sân khấu của mình.

Sau khi quyết định dàn dựng và tiến hành tập luyện, tôi lại vấp phải sự không đồng ý của thầy chủ nhiệm, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng. Thầy cho rằng đây là một kịch bản hay nhưng rất khó, khó trong việc tìm xung đột và mâu thuẫn, khó trong cách xử lí về không gian và điều quan trọng là khó hấp dẫn... Thầy khuyên tôi nên chọn những kịch bản dễ xử lí hơn, vừa sức với tôi hơn, bởi bước khởi đầu thầy không muốn tôi mạo hiểm húc đầu vào đá. Thầy lo cho tôi, bởi trước khi chủ nhiệm lớp Đạo diễn sân khấu của tôi, thầy cũng đã từng chủ nhiệm lớp diễn viên, dạy tôi từ những câu thoại vụng về, bỡ ngỡ khi mới bước chân vào trường Đại học sân khấu và điện ảnh năm 1998. Tôi đã kiên trì, tôi đã vật vã, thậm chí là... ăn vạ thầy. Cuối cùng thầy của tôi cũng mủi lòng và chấp nhận với một điều kiện: “Cậu phải làm cho tôi ngồi lại đến cuối cùng và lên sân khấu bắt tay cậu sau buổi báo cáo tốt nghiệp bằng chính những điều cậu làm trên sân khấu”.

Cuối buổi báo cáo, thầy đã lên sân khấu bắt tay tôi. Nhìn thấy ánh mắt của thầy long lanh, rạng rỡ, tôi biết mình đã làm được điều thầy kỳ vọng.

- Trong giới sân khấu, từ diễn viên chuyển sang vai trò đạo diễn cũng nhiều. Với riêng anh, anh nhìn nhận về hai vai trò này thế nào?

+ Tôi cho rằng đó là mối liên hệ không thể tách rời. Với diễn viên là xây dựng hình tượng nhân vật, với đạo diễn là xây dựng hình tượng của vở diễn. Không có diễn viên sẽ không có vở diễn. Diễn viên xây dựng tốt hình tượng nhân vật sẽ truyền tải được ý đồ của đạo diễn giúp cho đạo diễn xây dựng nên hình tượng của vở diễn. Trưởng thành từ diễn viên, tôi có kinh nghiệm khi chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên nhằm mục đích đạt được hiệu quả cao nhất cho những ý đồ đạo diễn của mình.

- Sự “hai trong một” đó đã giúp gì cho anh trong dàn dựng và làm việc với các diễn viên tham gia “Người tốt nhà số 5”?

+ Nhiều chứ. Khi dàn dựng, tôi tự đặt mình vào nhân vật để đo liều lượng, sự logic về tâm lí để đưa ra những cách thức biểu diễn thuyết phục nhất. Khi làm diễn viên, tôi luôn được các bạn đồng nghiệp đánh giá về chuyên môn tốt nên khi ở vai trò đạo diễn, trong chỉ đạo diễn xuất tôi có kinh nghiệm và rất nhiều thuận lợi về sự thuyết phục. Họ tin tôi, họ làm theo tôi... và điều đặc biệt quan trọng, tôi không biến họ thành con rối trong tay đạo diễn, họ mặc sức sáng tạo và thăng hoa trên bộ khung mà tôi đã vẽ ra. Nếu bay quá, tôi kéo họ lại. Nếu chìm quá, tôi đẩy họ lên... Tôi không bao giờ áp đặt, sau mỗi buổi tập tôi đều hỏi họ: “Anh/chị cảm thấy diễn như vậy có thuận không?”. Nếu chưa thuận, chúng tôi lại tính một cách diễn khác sao cho diễn viên cảm thấy thoải mái nhất. Thường chúng tôi làm việc với nhau khá vui vẻ. Tôi quan niệm trong những buổi tập phải thực sự thoải mái mới có thể thăng hoa và đạt hiệu quả tốt.

Đạo diễn Tạ Tuấn Minh nhận hoa nhận hoa chúc mừng của đồng nghiệp sau khi vở diễn kết thúc. Ảnh: FBNV.

- Có vẻ anh vẫn đau đáu với tác phẩm tốt nghiệp của mình? Điều gì ở vở diễn của Lưu Quang Vũ khiến anh đồng cảm sâu sắc?

+ Nhiều lúc tôi cứ băn khoăn tự hỏi chính mình, tại sao xã hội ngày càng hiện đại, càng tiến bộ, con người ta lại ngày càng đối xử với nhau tàn bạo vậy? Sự thật luôn trần trụi, cay đắng còn sự dối trá thì luôn che đậy, ngọt ngào? Và nếu sự tàn bạo, dối trá ngày càng phát triển đến mức trở thành chân lí thì thật là nguy hiểm. Xã hội hay nói rộng hơn là thế giới này sẽ ra sao khi cái xấu lấn át cái tốt, cái tốt ngày càng yếu thế, lợi ích cá nhân lấn át lợi ích của cộng đồng? Câu trả lời tôi đã tìm thấy trong “Người tốt nhà số 5” của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông luôn đau đáu một nỗi đau đời khi đưa ra câu hỏi: Lòng tốt liệu có cần tồn tại? Đột nhiên tôi lại nhớ đến một câu hỏi mà Hamlet, vai diễn của tôi trong vở kịch của W. Shakespeare, tự hỏi chính mình: “tồn tại hay không tồn tại?”. Vậy lòng tốt cần tồn tại hay không nên tồn tại? Đó là những câu hỏi mang tính thời đại và chưa bao giờ là cũ cả khi sự vô cảm, cái xấu bắt đầu nhiều đến mức đáng sợ, còn cái tốt chỉ lập lòe như đom đóm, hay như một que diêm le lói giữa đêm đông. Hiệp của “Người tốt nhà số 5” và Hamlet trong vở kịch cùng tên đều đấu tranh đến tận cùng vì chân lí, vì những điều tốt đẹp, cho dù có phải trả giá.

- Và họ đều thất bại…

+ Cuối cùng họ đều thất bại. Nhưng đôi khi từ sự thất bại, con người ta sẽ bừng tỉnh và vỡ ra chân lí. Sự thức tỉnh, thanh lọc tâm hồn để họ nhận ra chân lí, đó là những điều tôi muốn gửi gắm đến khán giả thông qua vở diễn “Người tốt nhà số 5” của Lưu Quang Vũ. Đó cũng chính là bản chất của bi kịch. Bi kịch của người tốt trong xã hội hiện nay. Tôi chỉ mong muốn một điều nhỏ nhất, mỗi một khán giả đi xem về họ đều nhận thấy trong con người họ có Hiệp. Tự nhận thức những việc làm của mình chưa tốt tức là... họ đang tốt dần lên. Lòng tốt bây giờ chỉ có trong viện bảo tàng và mỗi chúng ta chính là những viện bảo tàng ấy.

- Vâng! Thông điệp ấy được gửi gắm qua nhân vật ông Kỉnh làm bảo vệ bảo tàng trong vở diễn. Có một câu nói khôi hài về người tốt, ấy là “người tốt như ma ấy, nghe nói nhiều chứ chả mấy khi gặp”. Anh nghĩ thế nào về người tốt trong tác phẩm văn học nghệ thuật và người tốt trong cuộc sống hàng ngày?

+ Thi thoảng tôi cũng tưởng tượng ra ma, mỗi lần một hình thù khác nhau. Lúc vui thì con ma của tôi thật khôi hài và ngộ nghĩnh, lúc hoảng sợ thì nó mang một hình dáng quái đản, lúc tức giận thì nó như một quả núi khổng lồ, lúc yêu thì nó mang bóng dáng của những nàng tiên bước ra trong tranh, đẹp một cách lạ kì như trong truyện kinh dị của Bồ Tùng Linh... Nói chung là hình như chúng ta chỉ tưởng tượng ra sự tồn tại của ma và lòng tốt cũng vậy, lòng tốt cũng chả có hình thù gì rõ nét nhưng chúng ta có thể mường tượng và định hình nó qua hành động cụ thể. Người tốt trong tác phẩm văn học nghệ thuật là khát vọng của tác giả thông qua hình tượng nhân vật bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, những vấn đề mang tính triết học mà tác giả trăn trở, gửi gắm với khán giả để làm thay đổi một điều gì đó. Còn người tốt trong cuộc sống hàng ngày phải thông qua những hành động cụ thể bộc lộ cái tốt của anh ta, và người ta phải nhìn thấy bên trong cái tốt ấy, động cơ của cái tốt ấy phải trong sáng và xuất phát từ khát khao muốn làm việc tốt. Tôi vẫn nghe đâu đó trong cuộc sống người ta nói về một người nào đó: “Anh ấy tốt lắm”.... Khi nghe những điều ấy tôi thấy vui vui nhưng cũng rợn rợn ”ma bắt đầu có thật”... những con ma mang khát vọng bay lên thiên đường.

Hiệp - Nhân vật chính của vở "Người tốt nhà số 5" là một người mang khát vọng về những điều tốt đẹp. Anh nhận được sự đồng cảm từ Mây, cô gái anh tình cờ gặp khi cùng làm một việc tốt, sau đó giữa họ nảy sinh tình cảm. 

- “Người tốt nhà số 5” của Lưu Quang Vũ trước đây chỉ mới được dựng cho chèo, ngoài ra gần như nó chưa được công chúng biết đến. Đó là thuận lợi để anh sáng tạo hay là trở ngại? Anh có từng được xem những bản dựng trước đó?

+ Kịch bản “Người tốt nhà số 5” là kịch bản viết cho kịch nói của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Năm 1985, Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành chuyển thể dựng cho chèo và dành Huy chương vàng hội diễn sân khấu toàn quốc. Theo một số thông tin, tôi được biết trong Sài Gòn có đạo diễn Vũ Minh cũng dàn dựng vở “Người tốt nhà số 5” trên sân khấu kịch nhưng cũng khá lâu rồi. Thật tiếc là tôi chưa được xem một bản diễn nào cả, có thể thời điểm đó tôi còn quá nhỏ. Nếu được xem những bản diễn đó, biết đâu tôi sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho bản diễn của tôi hôm nay, nhưng tôi chợt nghĩ không được xem cũng có những thuận lợi, bởi tôi không bị ảnh hưởng và chi phối bởi bản diễn của các đạo diễn tiền bối, tôi có thể mặc sức sáng tạo mang tư duy và dấu ấn của cá nhân tôi, của cái tôi riêng của mình.

- Làm mới một vở diễn cũ luôn chứa đựng những mạo hiểm. Chắc hẳn anh cũng nhìn ra những mạo hiểm ấy ở vở diễn của Lưu Quang Vũ?

+ Nghệ thuật luôn đòi hỏi phải làm mới, luôn tạo ra những thách thức và sự thay đổi. Tôi luôn tự tạo những áp lực cho riêng mình về sự sáng tạo. Một ai đó đã làm phương thức này, tôi sẽ vật vã để tìm ra phương thức khác. Một ai đó khai thác bằng góc nhìn này, tôi sẽ nhìn bằng góc nhìn khác. Tôi nhìn thấy sự khó khăn trong vở diễn của Lưu Quang Vũ nhưng tôi không cho rằng tôi mạo hiểm, bởi tôi và ekip đã tìm đúng chìa khóa để mở vở diễn và cách thức thể hiện. Người ta sẽ không phê phán những người nhìn thấy khó khăn nhưng vẫn dám làm cho dù họ thất bại, mà người ta chỉ phê phán những người nhìn thấy khó khăn, sợ thất bại mà không dám làm thôi. Mà tôi là người chưa bao giờ sợ thất bại, vì tôi thất bại nhiều rồi. Tôi luôn tự mình đứng lên ở chính những thất bại ấy.

Người ta sẽ không phê phán những người nhìn thấy khó khăn nhưng vẫn dám làm cho dù họ thất bại, mà người ta chỉ phê phán những người nhìn thấy khó khăn, sợ thất bại mà không dám làm thôi. Mà tôi là người chưa bao giờ sợ thất bại, vì tôi thất bại nhiều rồi. Tôi luôn tự mình đứng lên ở chính những thất bại ấy.

- Có những thứ vở kịch đề cập, sau gần 40 năm đã cũ đi, nhưng về giá trị tư tưởng thì vẫn còn nguyên giá trị. Anh đã chuyển tải những giá trị ấy đến người xem đương thời thế nào? Lồng những yếu tố mới vào một kịch bản cũ với độ lùi khá xa như vậy hẳn là đạo diễn phải trăn trở rất nhiều?

+ Tôi không sa đà vào câu chuyện thời bao cấp, tôi chỉ mượn câu chuyện thời bao cấp để nói những vấn đề mang tính thời đại, đặc biệt là thời tôi đang sống. Nhưng vẫn phải đảm bảo thế hệ cũ đi xem nhìn thấy mình trong đấy, thế hệ trẻ bây giờ tiếp nhận, thấy hấp dẫn và không thấy cũ. Bởi vậy, tôi và họa sĩ NSƯT Doãn Bằng đã bàn bạc và thống nhất đưa ra deco sân khấu theo phong cách đương đại thiên về mặt biểu tượng và ẩn dụ hơn là tả thực. Chúng tôi không đưa ra những căn nhà giống hệt thời bao cấp, mà ước lệ bằng những sợi dây chằng chịt và những màng bọc trong suốt như những tổ kén trên sân khấu. Những ngôi nhà tổ kén ấy có thể diễn ra bên trong mà khán giả có thể quan sát được, hay tách ra trở thành chiếc giường thẳng đứng nơi vợ chồng Bình - Yến nằm, hay những cú xoay của vợ chồng Chất - Thủy lúc bên trong, lúc bên ngoài cánh cửa, gợi cho khán giả sự liên tưởng thú vị. Tôi dùng thủ pháp cận cảnh đặc tả trong điện ảnh để đưa lên sân khấu mà không cần dùng máy quay phim. Trang trí sân khấu là một sự sáng tạo tuyệt vời của NSƯT Doãn Bằng, deco này giúp tôi rất nhiều trong xử lí không gian sân khấu, mảng miếng đạo diễn và tạo đất diễn cho diễn viên. Nếu không có trang trí của anh ấy, có lẽ sẽ không có một bản diễn thú vị như vậy.

Ngoài ra, tôi dùng hiệu ứng âm thanh của giọt nước xuyên suốt vở, xoáy thẳng vào đầu các nhân vật và khán giả, tạo sự bức bối, khó chịu như những câu hỏi luôn vang lên mà chưa có câu trả lời, buộc họ phải thức tỉnh. Những âm thanh cuộc sống như tiếng mỡ rán cá, tiếng hút thuốc lào, tiếng máy đánh chữ, tiếng làm lốp, tiếng sấm chớp, tiếng mưa trộn vào nhau tạo nên một thứ âm thanh hỗn độn bế tắc của cuộc sống. Kết mỗi cảnh tôi không dùng nhạc như các đạo diễn khác hay dùng mà tôi sử dụng tiếng mưa trên mái tôn tạo cảm giác ẩm ướt như cả nhà hát chỗ nào cũng có nước. Âm nhạc tôi dùng bài “Khi người lớn cô đơn” của Phạm Hồng Phước – một tác giả trẻ, một bản nhạc hiện đại để tải chủ đề của vở mà khán giả lớn tuổi không thấy xa lạ, còn khán giả trẻ lại cảm thấy gần gũi... Có những ngôn ngữ hiện đại tôi đưa vào vở kịch để khán giả bây giờ dễ tiếp nhận về mặt ngôn từ...

Thiết kế sân khấu hiện đại, linh hoạt và đa dụng đã hỗ trợ đắc lực cho thành công của vở diễn "Người tốt nhà số 5".

- Anh hài lòng với diễn xuất của dàn diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam tham gia vở diễn chứ?

+ Tôi thực sự hài lòng và cảm ơn họ rất nhiều. Họ là những nghệ sĩ biểu diễn tuyệt vời, đa phần họ đều là những người trẻ có chuyên môn, có tâm huyết, nhiều trăn trở và sức sống mãnh liệt. Đặc biệt là NSND Việt Thắng, thế hệ đàn anh của chúng tôi, anh ấy là một tấm gương về đạo đức làm nghề để chúng tôi noi theo. Tất cả các diễn viên của tôi, không có họ, sẽ không có thành công của vở diễn ngày hôm nay.

- Việc bà xã, diễn viên Thanh Hường, cùng tham gia vở diễn (với vai bà Ngoạt) có mang lại cho anh “khó khăn” gì trong ứng xử hay chỉ đạo diễn xuất không?

+ Tôi coi cô ấy như những diễn viên khác, không thiên vị, thậm chí còn khắt khe hơn. Cô ấy luôn luôn cố gắng trong lúc tập luyện trên sàn tập cũng như tập ở nhà. Với tư cách đạo diễn, tôi hài lòng về vai diễn xuất sắc của cô ấy, khi biểu diễn cô ấy luôn nhận được nhiều tiếng cười và những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Ekip chúng tôi hay đùa nhau: Thanh Hường vừa là chủ nhiệm, kiêm đạo cụ, kiêm phục trang, kiêm osin cho cả ekip và nấu cơm chăm con cho Đạo diễn. Việc to, việc nhỏ, việc gì cũng đến tay cô ấy. Tôi trân trọng và biết ơn cô ấy.

- “Người tốt nhà số 5” vừa được dàn dựng để biểu diễn trong kịch mục của Nhà hát kịch Việt Nam. Sau vở diễn này anh có kế hoạch gì để tiếp tục khẳng định vai trò mới của mình tại Nhà hát?

+ Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được Ban giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đặc biệt là Phó Giám đốc phụ trách, NSƯT Xuân Bắc tin tưởng giao nhiệm vụ cho tôi, tạo điều kiện để vở diễn “Người tốt nhà số 5” chính thức trở thành tiết mục của Nhà hát. Tiếp theo tôi vẫn ấp ủ được dàn dựng kịch bản “Mầm sống hay Cõi người” do tôi chuyển thể từ truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trên sân khấu. Tôi sẽ kiên trì, sẽ cố gắng, ấp ủ và chờ đợi. Tôi chợt nhớ đến một câu của Hiệp trong “Người tốt nhà số 5”: “Sống phải có niềm tin chứ, dù đó chỉ là ước mơ. Giống như tôi tin Mây sẽ đến thăm tôi... và Mây đã đến”.

- Vâng! Với nhiệt huyết và quyết tâm của anh, tôi cũng tin rồi “Mây sẽ đến”. Cảm ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ Online.

Đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh sinh ngày 9/11/1980 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội (Khoa Diễn viên Sân khấu Điện ảnh) năm 1998.
Tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội (Khoa Đạo diễn Sân khấu) năm 2018.
Anh đã đạt nhiều giải thưởng dành cho diễn viên tại các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Hiện làm việc tại Nhà hát kịch Việt nam.

TIỂU HOÀNH SƠN thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)