VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
Nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Trong nhật ký thời chiến có những “nỗi buồn chiến tranh”

Thứ Sáu, 31/07/2020 06:00
Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng trong buổi giới thiệu bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn An

 Giải Nobel Văn học 2015 đã tôn vinh những cuốn sách phi hư cấu viết về chiến tranh của nữ tác giả người Belarus Svetlane Alexievich, nhưng dường như, trong lòng mỗi cuộc chiến đều có những “tác phẩm phi hư cấu” do chính những người lính, những người giáp mặt với khói bom lửa đạn là tác giả, đồng thời cũng là nhân vật, mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Một loạt những nhật ký thời chiến đã dần được phát hiện, công bố và xuất bản trong suốt những năm qua đã gây những ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ, bên cạnh đó còn cho người ta nhìn về những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thông qua những câu chuyện, những cuộc đời một cách chân xác nhất từ lăng kính tức thời của những người trong cuộc. Người có công vận động sưu tầm và công bố những nhật ký thời chiến này là Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, vốn là một người lính, cựu chiến binh của Trung đoàn 196, rồi Trung đoàn 751, Sư đoàn 347, Quân khu 1. Nhân dịp Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do Đặng Vương Hưng làm chủ biên, VNQĐ Online đã có cuộc trò chuyện với anh xoay quanh bộ sách này. 

Bài liên quan:

Dấu ấn tâm hồn của các anh hùng, liệt sĩ

- Vẫn biết anh là người khởi xướng và dành nhiều tâm huyết cho các trang thư, nhật ký chiến tranh, nhưng tôi vẫn muốn hỏi, điều gì đã dẫn anh đến công việc này? Chắc hẳn phải có một kích hoạt nào đó…

+ Khi làm công việc sưu tầm những lá thư thời chiến, tôi đã nghĩ, rồi mình sẽ phải sưu tầm các nhật ký thời chiến. Điều này có một lí do từ sâu thẳm mà tôi chưa từng nói ra. Đó là chính bản thân tôi đã đánh mất gần chục cuốn sổ tay ghi những trang nhật ký đời lính. Đó là những cuốn sổ tôi ghi lại quãng thời gian từ năm 1980 đến 1983, khi tôi còn là anh lính ở Trung đoàn 751, Sư đoàn 347, Quân khu 1, đóng ở Thất Khê - vùng biên giới phía bắc, giáp với Cao Bằng của tỉnh Lạng Sơn...

Càng về sau tôi càng ý thức về sự mất mát không gì có thể thay thế và bù đắp lại đó. Mất rồi không làm sao viết lại được nữa. Từ đấy, tôi ý thức về giá trị của những dòng nhật ký, về tính hiện thời của nó. Còn chính thức thì, tháng 12 năm 2004, dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt một nhóm các nhà văn và cựu chiến binh, chúng tôi đã phát động Cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Gửi lại mai sau, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh v.v... chính là kết quả của cuộc phát động này.

- Và từ khi nào thì anh có ý tưởng sẽ tập hợp những nhật ký chiến tranh lại thành một bộ sách có hệ thống?

Là một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như nhiều cựu chiến binh khác, tôi hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hi sinh và mất mát. Nghề làm báo đã giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu... Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra một điều: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kì quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ; góp phần lí giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn!

Ý tưởng làm một bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký được viết trong thời chiến của chúng tôi đã hình thành như thế, từ nhiều năm nay. Đó là một bộ sách tư liệu chân thực về các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc và cuộc chiến tranh vệ quốc chống xâm lược bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những cuộc chiến đó đã kết thúc trên đất nước ta, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong mỗi gia đình Việt Nam, nhất là với những gia đình thương binh, liệt sĩ và các cựu chiến binh.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng với bộ sách mất 16 năm chuẩn bị để có thể ra mắt. - Ảnh: Dương Tử

- Một nét khác biệt lần này, đó là những trang viết của các nhà văn, nhà báo, các văn nghệ sĩ đi chiến trường, đồng thời nhiều người cũng là liệt sĩ, đã hiện diện cùng nhật ký của những người lính khác. Anh định hướng tới điều gì khi để chung trong một bộ sách như vậy? Chắc hẳn anh cũng cân nhắc về điều này khi thực hiện…

+ Thực ra, ghi nhật ký (kể cả của các nhà văn) không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả nhật ký... Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kì. Có lẽ, giá trị của thể loại nhật ký, trước hết là ở sự chân thực của cảm xúc người viết, sự trung thực với chính mình và trung thực với các nhân vật và sự kiện được phản ánh. Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì bạn đọc đọc được trong “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đều là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật với những gì riêng tư nhất. Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy. Họ coi sổ tay nhật ký như một người bạn tin cậy để tâm tình, để trút bầu tâm sự vào đó, như một cách giải tỏa cho nhẹ lòng và để không còn bị ức chế. Bởi vô vàn những bất cập trong cuộc sống, chiến đấu hằng ngày, có thể khiến người ta không hài lòng, thậm chí là bực tức và đau buồn.

- Vâng! Nhưng ở nhật ký của các nhà văn, nhà báo và các văn nghệ sĩ khác thì với tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, những nhìn nhận, dự cảm về mọi thứ trong cuộc chiến chắc hẳn cũng ở những tầm mức khác hơn… Khi tiếp xúc với những nhật ký của các văn nghệ sĩ, những người đã chiến đấu cho lí tưởng và đã có những người gửi lại thân xác nơi chiến trường, anh có cảm nhận gì?

+ Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày từng tháng của các văn nghệ sĩ, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết cận kề bên nhau và hầu như không có ranh giới. Họ thật sự là những người con của Tổ quốc, của dân tộc trong những ngày đạn bom và máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước, và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh. Nếu đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long, hay Nhật ký đi B của Triệu Bôn… chúng ta sẽ thấy các tác giả giống nhau ở một điểm: Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 tại chiến trường miền Nam nhưng mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi. Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi vẫn còn nóng hổi hơi thở chiến trường, nơi mà sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.

- Và ở ranh giới sinh tử ấy, những điều sâu kín nhất sẽ được bộc lộ…

+ Đúng vậy! Và bởi thế, ngoài những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, đây đó ta còn bắt gặp cả những “nỗi buồn chiến tranh”, những trang viết thấm đẫm nước mắt. Ta biết được đã có lúc người lính phân vân, thậm chí hoang mang, vì bản năng sống, vì anh có thể đón nhận những điều phũ phàng nhất do chiến tranh mang lại. Thậm chí, đã có phút giây anh nghĩ tới cái chết. Nhưng đó là những tình cảm rất thật của con người.

- Vâng! Trên con đường đi đến hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ chúng ta đã đi qua những mất mát, hi sinh và những thương tổn tâm hồn. Những nỗi buồn ấy đã không khiến những người lính gục ngã mà chỉ như một chỉ dấu tâm hồn nhiều suy ngẫm. Anh có nhìn nhận gì về cách người lính thời chiến ứng xử với những nỗi buồn của họ?

+ Trong mỗi người lính thời đất nước có chiến tranh đều có những niềm vui, nỗi buồn và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Điều quan trọng là họ vẫn tiếp tục chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Không ai có thể phủ nhận được lí tưởng cao đẹp và tình yêu quê hương đất nước của các anh các chị - những người đã ngã xuống và những người còn sống sót trở về sau trận đánh!

- Khi tiếp xúc với một lượng lớn các tài liệu, hiện vật, các nhật ký của những người lính, quá trình thực hiện bộ sách chắc hẳn cũng để lại trong anh nhiều kỉ niệm. Bản thân anh có ấn tượng với nhật ký nào, và nó có khiến anh rút ra điều gì về chiến tranh…

+ Tôi xin kể một trường hợp. Nếu đọc nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường K, bạn đọc sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những “thói hư tật xấu” trong sinh hoạt của người tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là, sau chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều “thói hư tật xấu” đó, và kể cả tác giả, đều hi sinh. Khi thân nhân gia đình các anh đi tìm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Sông Bé, một điều kì lạ, rất khó giải thích, đó là, mộ của các anh được quy tập thành hàng, tiểu đội trưởng “đứng” đầu tiên, như là khi còn sống, họ vẫn trong một hàng quân, cùng đội ngũ… Sau tất cả, những người lính ấy đều về với đất, mang theo những tốt xấu đời thường. Tây tiến viễn chinh cũng là nhật ký về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam xuất hiện trong bộ sách. Tên của liệt sĩ Trần Duy Chiến giờ đây đã được đặt cho một con đường ở Đà Nẵng. Đó có lẽ cũng là người trẻ nhất được đặt tên đường, bởi anh sinh năm 1957, nếu còn sống cũng chỉ ở tuổi ngoài sáu mươi.

 

Nếu đọc nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường K, bạn đọc sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những “thói hư tật xấu” trong sinh hoạt của người tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là, sau chiến tranh, hầu hết các nhân vật nhiều “thói hư tật xấu” đó, và kể cả tác giả, đều hi sinh.

Khi thân nhân gia đình các anh đi tìm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Sông Bé, một điều kì lạ, rất khó giải thích, đó là, mộ của các anh được quy tập thành hàng, tiểu đội trưởng “đứng” đầu tiên, như là khi còn sống, họ vẫn trong một hàng quân, cùng đội ngũ…

Sau tất cả, những người lính ấy đều về với đất, mang theo những tốt xấu đời thường.

- 31 nhật kí trong tập sách với gần 5000 trang sách. Anh có nghĩ rằng nó đã phản ánh diện mạo của một dòng chảy âm thầm, mãnh liệt và khách quan trong những trang nhật ký của những thế hệ người Việt tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc? Có thể dùng từ “đầy đủ” để nói về nó hay không thưa anh?

+ Xét về sự đa dạng, bộ sách cũng tập hợp hầu hết đại diện các quân binh chủng: Nếu như Mãi mãi tuổi 20 đại diện cho thế hệ lính sinh viên nhập ngũ ngày  6 tháng 9 năm 1971 tại chiến trường Quảng Trị, thì nhật ký Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường sẽ đại diện cho thế hệ những chiến sĩ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên; nhật ký Trời xanh không biên giới của Đặng Sỹ Ngọc là của lực lượng Pháo Cao xạ ở chiến trường Khu 4 cũ; Nhật ký Bão lửa cầu vồng của Nguyễn Văn Thân là của lực lượng Pháo binh mặt đất; còn Nhật ký Hoàng Công Sơn thì đại diện cho binh chủng Đặc công; nhật ký Tây tiến viễn chinh đại diện cho thế hệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80…

Dù sự xuất hiện của các tác giả có khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, về thời gian… nhưng các trang nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm chung: Đó là những tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước.

- Bây giờ, gần như không còn những trang nhật ký viết tay nữa, nhưng anh có tin ký ức con người Việt Nam sẽ vẫn được lưu giữ theo một cách thức “bí mật” nào đó chứ không phải tất cả đều phô ra trên mạng xã hội và những tiện ích khác? Anh nghĩ gì về thế hệ “viết nhật ký trên facebook” hôm nay và những trang nhật ký chiến tranh của những người lính hôm qua?

+ Ngày nay, công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể lưu giữ cảm xúc, suy nghĩ, hoặc gửi cho nhau cách xa hàng vạn cây số. Và trong nhật ký không chỉ có nội dung những con chữ, mà còn cả hình ảnh, âm thanh sống động... Nhưng có lẽ vì thế, mà những trang nhật ký viết tay, đặc biệt là Nhật ký thời chiến Việt Nam, lại càng có giá trị hơn! Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kĩ, ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến cho thời đại chúng ta đang sống!

- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ Online!

 

“Chúng tôi kì vọng, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” sẽ như một tượng đài di sản phi vật thể mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn tâm hồn mình cho thế hệ mai sau”.

 Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng 

- Chủ tịch Hội đồng quản lí Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”

DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)