VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Ngôi nhà số 4 - ngày đó nhớ lại (VÕ TRẦN NHÃ)

Thứ Hai, 02/04/2012 10:30
Đón xuân Nhâm Tý 1972 trên đường Trường Sơn xong, Đoàn ở chiến trường “đi A” chúng tôi ra tới miền Bắc. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết là sau tết 1972, tại Quân y viện 203 ở Nam Hà, tôi được các anh Chính Hữu, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng và Doãn Trung tạp chí Văn nghệ quân đội đến tận viện thăm tôi ngay trên giường bệnh (lúc tôi bị thương và bị chất độc hóa học khá nặng ở chiến trường, được đưa ra Bắc điều trị). Bây giờ tôi lục đọc lại nhật ký, trong chuyến đi thăm tôi đó có cả nhạc sĩ Xuân Hồng nữa. Bởi vì Xuân Hồng đã ra Bắc trước tôi. Theo anh Vũ Cao, rủ Xuân Hồng đi để xem tôi có phải đúng là “Võ Trần Nhã” không? Vì Xuân Hồng và tôi cùng ở Cục Chính trị Miền. Tôi thật bất ngờ bàng hoàng cảm động và sung sướng đến không kìm được nước mắt, khi các anh hỏi thăm trong ấy - tức là hỏi đến “gia đình” tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng - và nhắc đến anh Nguyễn Ngọc Tấn - Nhà văn Nguyễn thi. Tôi nói: “Anh Bảy Tấn đã hy sinh rồi trong Mậu Thân 68, đợt II của cuộc Tổng tấn công quyết liệt vào Sài Gòn. Anh chết mà trên tay vẫn còn cầm khẩu P.38! (khẩu súng mà anh đã mang từ ngày ở Văn nghệ quân đội đi “B”). Anh Trọng Oánh, anh Nam Hà và cả anh Triệu Bôn nữa cũng đã vô tới tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng rồi...”.

Ra viện, tôi được về với “Ngôi nhà số 4” - thật không gì vui mừng cho bằng! Khi đó Thu Bồn và Liên Nam ở chiến trường vừa ra cũng lại về “Ngôi nhà số 4”. Vậy là nhà số 4 Lý Nam Đế có cả cũ và mới, người “hậu phương lớn” và người “chiến-trường-xa” thành một “Đại-gia-đình” đông hơn. Lúc bấy giờ cường độ đánh phá của địch khá dữ dội. Hà Nội sơ tán. Theo lịch trên, những người trong “Ngôi nhà số 4” cũng buộc phải sơ tán. Tuy vậy tạp chí vẫn ra mắt bạn đọc hàng tháng đúng kỳ.

Hà Nội lúc ấy rất thường xuyên báo động máy bay, nhưng hầu như ngày nào “Ngôi nhà số 4” cũng có người. Ai đi sơ tán, đi. Ai về, lại về. Lại đi, lại về. Tuy không thành sự sắp xếp, nhưng “Ngôi nhà số 4” gần như không mấy khi vắng người. Chẳng người này, thì người khác không có vẻ gì hoang vắng. Hồi ấy Hà Nội thường hay bị bom, lúc chỗ này, khi chỗ khác, liền liền. Nhưng, người của “Ngôi nhà số 4” luôn gặp nhau trong giữa những ngày sơ tán căng thẳng đó. Sự gặp nhau tuy chốc lát, lẻ tẻ nhưng ấm áp - cái ấm áp tình anh em đồng đội giữa hồi đang chiến tranh: đơn giản chỉ một cái gật đầu chào và lời thăm qua loa nhưng thấy ấm áp tình người của “Ngôi nhà số 4”! Từ anh Vũ Cao vẫn với chiếc xe đạp lọc cọc tằng tằng... Rồi bác Mạn, cụ Thanh Tịnh... hai người này thường xuyên tại đây. Tôi lúc đó các anh cho ở một phòng trên tầng lầu 1 rất may mắn đó lại là nơi Nguyễn Thi ở trước khi đi chiến trường. Người bạn kết thân đầu tiên với tôi ở “Ngôi nhà số 4” là Văn Thảo Nguyên. Phòng anh và phòng tôi chỉ cách nhau phòng của Xuân Sách. Anh Cao và anh Hoàng dặn Văn Thảo Nguyên và các anh trong “Ngôi nhà số 4” chú ý coi chừng Võ Trần Nhã: sợ ở một mình có gì không hay kịp - các anh sợ tim tôi xảy ra sự cố đột ngột. Tôi biết Bé Uyên và Văn Thảo Nguyên - hai bố con anh có thường chú ý đến tôi. Tôi thật sự cảm động khi được biết các anh em trong “Ngôi nhà số 4” lo lắng tới tình trạng sức khỏe của tôi. Ôi, ấm áp biết bao nhiêu nghĩa tình đồng đội anh em ở “Ngôi nhà số 4” đang lúc còn chiến tranh mà tôi là người từ miền Nam được ra đây. Tôi sẽ ghi tạc mãi những tình cảm thân thương nầy của “Ngôi nhà số 4”.

Thời gian ở “Ngôi nhà số 4” nầy, tôi được các anh trong tạp chí Văn nghệ quân đội tạo mọi điều kiện để cho tôi được ngồi viết. Tôi đã viết được tập: “Lá thư ấp Bắc” truyện và ký. “Những người ở Rạch Gầm” tiểu thuyết. “Trên vành đai Bình Đức” ký sự dài nhiều tập...

Và, một kỷ niệm đáng nhớ nữa là 9-3-1975 (tôi nhớ không lầm là ngày đó) tôi lại được cùng anh em Văn nghệ quân đội lên đường đi “B” lần thứ II tiếp tục vào chiến trường. Lần đó có Thu Bồn, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Văn Thảo Nguyên... Cuộc lên dường nầy mãi cho đến ngày toàn thắng!

Còn một kỷ niệm nữa ở “Ngôi nhà số 4” mà tôi không thể nào quên đi không nhắc đến. Đó là căn phòng của Nguyễn Thi ở trước khi lên đường đi “B”.Và, lần đi “B” ấy anh đã đi mãi mãi! Rồi với cứ liệu của thiên bi tình sử đời anh, tôi đã tái hiện lại khúc bi kịch tận cùng của “anh Nguyễn và anh Trăm” - tức của Nguyễn Thi và người vợ đầu tiên từ miền Nam vượt tuyết ra Hà Nội ôm hoa đến số 4 Lý Nam Đế chúc mừng “Hạnh - phúc - mới của anh - mà tôi đã diễn tả sau đây trong tiểu thuyết “Một gia đình ở Sài Gòn”:

“ Số 4 Lý Nam Đế... anh được báo trước rằng nàng sẽ đến. Đến vào buổi sáng nay. Tin nầy cũng như tin anh được biết trước rằng nàng sẽ ra Hà Nội, tức là ra với chàng. Với anh. Ấy vậy mà anh vẫn cưới vợ sau một trận đau lòng vô cùng dữ dội. Bây giờ anh được biết chắc chắn rằng sáng nay nàng sẽ tới anh. Mới nghe tin này làm anh bật ngật. Cơn đau như xé lòng anh trở lại. Anh có thoáng đặt câu hỏi: “Đến nữa mà làm chi?”. Nhưng ngay tức khắc anh gạt ngang câu hỏi vô lý ấy đi. Anh nhìn bức ảnh độc nhứt trên bàn làm việc: “Bé Song Anh hai tuổi rưỡi” - nét chữ mềm mềm cồm cộm của nàng! - cô ấy đến là phải! Đến để thăm con! Ôi! Song Anh của... chúng... ta... - Anh buột miệng nhẩm lên những tiếng ấy, câu ấy một cách ngập ngừng và đầu óc anh lại trống rỗng như hồi lúc nghe tin nàng mắc sai lầm - mặc dầu không biết theo định mệnh nào, và, gạt bỏ tất cả những lời khuyên can chí tình của bè bạn, anh đã vừa cưới xong vợ kế vài ba tuần nay.

Thật là một việc làm của một con người - mà việc làm trọng hệ của cuộc đời có đâu như trò đánh đáo của trẻ con? Ấy vậy mà anh quyết định vấn đề tưởng như đã ngã ngũ. Té ra khi chờ đợi cho buổi sáng nay, anh cảm thấy bàng hoàng nhức nhối tâm can. Về phép lý, anh hoàn toàn không có lỗi lầm nào cả. Nhưng về Song Anh - chắc rằng Song Anh khi lớn lên sẽ trách ba. “Con ơi, ba đã phạm một sai lầm - không, một lỗi lầm rất lớn với con gái thương yêu của ba rồi!”. Câu nói nầy lần đầu tiên anh nhẩm ra thành lời, và lời của anh vang lên trong căn phòng trống trải, cũng lần đầu tiên trong buổi sáng hôm nay, trước lúc má Song Anh ôm bó hoa đến chúc mừng “Hạnh - phúc - mới” của anh bằng nước mắt. “Và, câu nói đó đã đi theo suốt cuộc đời chiến đấu của anh cho đến phút cuối cùng!).

- Anh! (Sau mấy tiếng gõ cửa rụt rè, và cánh cửa mở ra).

- Cô... mới ra...

Nàng chảy nước mắt ngay sau khi nhìn thấy mặt anh. Nước mắt nàng trong như pha lê, lăn tròn trên đôi má đầy đặn của người con gái đứng tuổi, rồi nhểu từng giọt một rơi trên những cánh hóa trong bó hoa nơi hai bàn tay ôm trước ngực nàng. Sắc hoa trên tay nàng thì tươi tắn nõn nà ngát hương. Sắc mặt nàng thì não nề ủ dột. Còn anh? Anh tưởng chừng hóa thạch trước mặt nàng. Không gian địa chỉ còn trơ lại từng đợt lá sấu lìa cành rơi rụng lả tả ào ào xuống mặt đường của đại lộ Lý Nam Đế, và tiếng chổi quét kéo dài ràn rạt của những công nhân vệ sinh thành phố mà thôi.

Ai? Ai sẽ giải thoát cho tình cảnh này? Không ai cả! Thời gian sẽ gỡ cho anh và cho nàng. Đúng như vậy. Cả nàng và cả anh đều tự thấy sức lực mình không còn có thể đứng nổi thêm giây phút nào nữa nơi cánh cửa mở rộng với những giọt nước mắt, và hoa, và nhịp đập dữ dội của mỗi trái tim trong mỗi lồng ngực của mỗi người, nên hai người tự dưng (không ai bảo ai và cũng không ai mời ai) đều cất chân bước đến hai chiếc ghế để sẵn ở gần ô cửa mà chính giữa là chiếc bàn con con để đọc, chúng nó như chực chờ tự bao giờ chờ cứu vớt cơn hấp hối của cả hai: chủ và khách!

Nàng đặt bó hoa lên bàn. Gỡ bọc giấy ra là cái bình pha lê ôm lấy những bông hoa cắm sẵn. Cho nên nàng chỉ cần mở cái xách tay, rút cái khung lồng chiếc ảnh bé Song Anh (Bé Song Anh đang ngồi trước cây đàn dương cầm, trên có cắm một bình bông nhỏ, lơ thơ vài nhánh với hai chiếc lá rời rạc và một nụ cười xinh xinh mà đầy vẻ cô đơn). Nàng nhẹ nhàng đặt khung ảnh bé Song Anh trước bình bông.

- Xin chúc mừng hạnh phúc mới của anh! - Nàng nói khẽ trong nước mắt.

- Cám ơn cô... đã mang hình con ra đến đây...

Anh cầm chiếc khung ảnh lên và rung rung áp vào môi mình. Bây giờ thì đến lượt nước mắt anh chảy dài trên tấm ảnh của con. Mặt anh tái đi. Môi anh giựt giựt. Mắt anh mờ dần vì tràn ngập nước mắt và nước mắt!

- Con ơi! Ba có lỗi với con!

Trong gian phòng rộng thênh thang, chỉ còn lắng nghe được có tiếng nước mắt của anh và của nàng.
Anh ngồi một bên. Nàng ngồi một bên. Ảnh con để giữa bàn. Lọ hoa chúc mừng “Hạnh - phúc - mới” sau lưng ảnh con. Bên trái, phía anh ngồi là bàn làm việc. Bên phải, phía nàng là cửa ra vào. Sau lưng anh, là ô cửa sổ. Sau lưng nàng, là ô cửa sổ. Phía cửa sổ là phía đường đại lộ. Phía cửa ra vào là hành lang chung. Bất giác cánh cửa ra vào, tự gió vô tình đã lùa khép kín lại. Tiếng chân người ngoài hành lang không còn nghe rõ hơn tiếng lá sâu rơi ngoài đường đại lộ. Mắt anh nhìn cánh cửa ra vào đã khép kín. Mắt nàng cũng nhìn cánh cửa ra vào đã khép kín. Cánh cửa khép kín giống như một tấm bia lớn giữa vuông vách tường màu trắng ngà, nó không nói lên được điều gì cả trước mắt anh và mắt nàng lúc nầy. Nhưng... Bởi nó là một vật màu đen dựng đứng sừng sững ở ngay trước mắt anh và trước mắt nàng. Nên lúc nầy đây, tưởng chừng như nó chính là tấm bia mộ: “Bia mộ của một tình yêu đã chết!” Mọi tiếng động ngoài đường phố như chuông xe đạp, còi ô tô, guốc dép người đi, chổi quét rác, lá rơi... đều lướt qua sau lưng anh, sau lưng nàng. Những kỷ niệm xưa giữa anh và nàng, giữa nàng và anh có lúc ngỡ như mới xẩy ra nóng hổi đâu đây; rừng miền Đông, Tha La, Cao Lãnh, buổi gặp gỡ ban đầu, tiếng đàn lời ca của nàng, mảnh giấy tỏ tình, nét chữ nguệch ngoạc của anh, lời hứa hẹn sắt son vàng đá của nàng, câu dặn dò keo sơn của anh, nước mắt của nàng... rồi tất cả tưởng như không có gì nữa, không thiết gì nữa...

- Em có lỗi với anh...

- Anh đã biết!

- Nhưng anh, - nàng khóc thành tiếng nức nở - Anh tàn nhẫn với con quá! Anh im lặng. Nàng vẫn khóc thút thít. Một lúc lâu sau gần như nàng quên rằng nàng vừa nói những gì với anh, thì anh khẽ lắp bắp “đúng” và anh nói:

- Đúng. Đúng. Tôi có lỗi với con. Bây giờ thì muộn rồi. Nhưng - anh tự nói với mình: “Từ nay về sau, tôi phải làm với tất cả sức lực của mình cho Đất nước, cho sự nghiệp mà tôi đang theo đuổi. Con tôi rồi sẽ hiểu cho tôi. Và đó chính là... Ôi, đau đớn lắm khi tôi nói ra câu “Tôi sẽ vì Con tôi!!. Không. Tôi sẽ chuộc lỗi với con tôi bằng tất cả sức lực của mình”.

Anh quay mặt nhìn nàng.

- Em à. Tất cả đều do sự chia cắt, do kẻ thù. Tội ác đầu tiên là từ chúng. Tại chúng nó tất cả. Nhưng em ơi, muộn mất rồi...

Lần đầu tiên anh xưng hô ngọt ngào với nàng như vậy. Và, coi như đó là lần cuối cùng anh đoạn tuyệt với nàng về cả nội dung lẫn hình thức. Sau lần gặp gỡ ấy, ở nàng cũng như ở anh đều có một nỗi xót xa chung: “Bé Song Anh”.

Trên đây là những kỷ niệm nhỏ của tôi ở “Ngôi nhà số 4”.

VÕ TRẦN NHÃ


 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)