VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhớ những cánh rừng đầy giấy bay (NGUYỄN MINH CHÂU)

Thứ Hai, 27/02/2012 01:19
Bọn chúng tôi, một lớp người cầm bút viết văn trong bộ đội đã trong ngoài năm mươi, có những lúc ngồi một mình nghĩ gần nghĩ xa, việc thế giới, trong nước, chuyện vợ con, gia đình, bếp núc, và bạn bè, và công việc. Và không biết những anh khác thế nào, chứ riêng tôi, trong những cái lúc ngồi lơ mơ nghĩ ngợi một mình như vậy, qua làn khói thuốc lào tuôn xuống một trang giấy lúc khuya khoắt, bên một ngọn đèn cùng thức với mình, bao giờ cuối cùng cũng thấy hiện ra một cánh rừng.

Lúc bấy giờ, tưởng như từ nơi chân cái giường cá nhân mà mình đang ngồi xếp bằng tròn, và từ chân cái bàn viết nhỏ kê áp vào giường nằm, đã là rừng. Tưởng như những cánh rừng của suốt một đời bộ đội mình đã đi qua đang đổ ập về trong ký ức. Và từ trong các cánh rừng vầu, rừng cà boong, săng lẻ, sến, táu, những cánh rừng suốt mùa mưa, ve kêu dóng dả buồn đến nẫu ruột, hay mùa hè nóng nực, suốt ngày chỉ muốn chạy ra ngoài suối nhúng mình xuống một cái, sẽ bước ra những người bạn của suốt một đời cầm bút trong bộ đội mà mình đã từng may mắn được gặp và được nghe chuyện của họ.

Cái gì làm nên tác phẩm văn học?

Cuối cùng, nói gọn lại là, những con người và triết lý sống của những con người ấy.

Không có đời sống thì không có tác phẩm văn học. Có một cô Kiều (thậm chí người ta còn đem truyện Kiều ra bói) là bởi chưng cái đời sống của nhân dân ta dưới chế độ phong kiến xưa – nhất là những người đàn bà – đã trải qua bao đau đớn, chìm nổi.

Những người đồng đội từ trong các cánh rừng chiến tranh gần trong gang tấc bước ra và đến ngồi bên tôi kia bao giờ cũng mang một dáng vẻ vừa hư vừa thực. Họ đứng một chân ngoài cuộc đời và một chân đứng trên trang giấy. Các đồng chí có biết cái ngỡ ngàng này mà bất cứ một nhà văn nào đã từng nhiều lần cảm thấy khi đọc một bài phê bình nhân vật của mình: anh sực nhớ ra những ai ở ngoài đời, những ai bằng xương, bằng thịt đã làm nên cái cốt lõi, cái bắt đầu cho trí tưởng tượng và sự phóng đại.
Trong cái số rất đông đúc những chàng trai trẻ đã từng chen chúc nhau khoác súng đi trong rừng Trường Sơn giữa những đám khói bếp giữa rừng thuở nào, trong một cuốn sách tôi đã viết từ rất lâu, có hai anh chàng tên là Lữ và Khuê. Người thứ nhất cho đến bây giờ tôi vẫn không biết lôi anh ta từ đâu ra, có lẽ là một nhân vật hoàn toàn của trí tưởng tượng hoặc nguyên mẫu là chính mình. Còn người thứ hai, thực đến nỗi cho đến cái tên thực của anh ấy tôi cũng đã chép luôn vào sách. Mỗi lúc nghe nhắc đến cái nhân vật này trên các bài phê bình văn học tôi lại cứ ân hận, một nỗi niềm ân hận nảy ra bởi tình cảm và đồng thời cả sự tò mò, rằng ngày đó tôi quên không ghi địa chỉ cụ thể gia đình anh ấy. Đó là một chiến sĩ gia đình làm nghề chạm bạc. Từ 1968 tới giờ anh ấy chắc đã lên tới cấp trung đoàn, sư đoàn chưa biết chừng. Và tôi cứ muốn biết cuộc đời bộ đội của anh ta từ ấy về sau ra sao?

Một phần lớn những điều tôi đã viết trong cuốn sách kia là do được Khuê kể cho mà nghe. Ngay bấy giờ, ở trong cánh rừng xơ xác vì B52, anh là “tình nhân” của tôi, một người cầm bút đi thâm nhập thực tế. “Này, đến một lúc nào đó ngồi buồn tình cậu lỡ mó đến cây bút mà viết văn thì cả một lũ chúng tớ đến giải nghệ mất!” Tôi đã nói đùa với Khuê. Sao lại có một anh chàng kể chuyện tài đến thế kia cơ chứ? Mà nhớ, cái gì cũng nhớ hết, cái gì cũng biến thành nhận xét riêng, thành ấn tượng, kỷ niệm. Mà ngồi một chỗ cũng biết xa trăm dặm chiến trường ở phía sau, dọc các dẫy lèn đá có cô coi kho nào xinh đẹp vừa mới được điều đến, hay ở phía trước nó vừa đánh bom vào đâu, nó vừa ra chốt ở đâu, ngụy hay Mĩ chốt, đều biết hết.

Tôi có kinh nghiệm mỗi chuyến đi thực tế mình chỉ cần có được cái may mắn và vinh dự, cuộc đời trao cho mình lấy một hai người như thế ấy, họ đã sáng tác cho mình một nửa, làm hộ cái công việc vô cùng nặng nhọc, vất vả cho mình một nửa, họ như cái vạch nối giữa đời sống và nhà văn.

Họ như những người phát ngôn của đời sống, cái đời sống, vừa trần trụi vừa đầy mơ ước với tất cả cái vẻ thực không hề tô vẽ. Những con người như vậy dù họ có đơm đặt, thêm dấm ớt vào câu chuyện kể, thì cũng chính đó là cái men say của đời sống bao giờ cũng phải có.

Nhưng đời sống trong những khu rừng mà cả nhân dân ta đều làm tổ, từ đó trong hàng chục năm làm chỗ đi và về cho việc đánh giặc, lại có những người lính chỉ biết im lặng, cứ lùi lụi phát rẫy, đào hầm, làm lán và đánh giặc, không hay nói, không thạo nói, chỉ biết đỏ mặt và ngượng, họ quen im lặng như đất cát, họ là số đông các anh em bộ đội mình ra đi từ các làng quê bình dị và khiêm tốn. Họ từ đồng ruộng quê hương đến với rừng như một kẻ xa lạ và ra đi như một người thân thuộc, sau khi để lại cả một thời tuổi trẻ.

Địa dư nước ta hình thành nên một hình thể như thế nào đó, mà mỗi lúc Tổ quốc đứng trước nạn ngoại xâm là nhân dân ta nghĩ ngay đến con cái đang lặn lội trên rừng.

Vạt áo nhà văn làm sao đựng hết chữ nghĩa trong cái lẽ sống quên mình mà bộ đội ta đã viết nên trong các cánh rừng Trường Sơn trước đây và cả các miền rừng Tây Nam và biên giới phía Bắc bây giờ?

Mỗi lúc nhớ đến đời sống của bộ đội ta, trong những năm chiến tranh, tôi lại suy nghĩ đến ở đâu đó trên một chặng đường miền tây Trường Sơn. Sau một trận bom, chúng tôi đi qua một cánh rừng toàn cây cà boong, một loại cây có dầu, đang cháy rừng rực giữa trưa nắng, và trong nắng, lửa và khói cứ bay cuộn lên những tờ giấy trắng. Hình như bom địch và đánh trúng một kho giấy giữa rừng. Chúng tôi đi qua khu rừng cháy, mãi đến xẩm chiều ngày hôm sau, vẫn thấy những tờ giấy như đang bay đuổi theo, có những tờ đã cháy mất nửa. Những tờ giấy phơi cái mặt trắng giữa trời xanh hoặc đang nằm lẫn trong cỏ, trên nền rừng. Tất cả các tờ giấy ấy chỉ nằm chờ chúng tôi, những nhà văn viết về chiến tranh đến nhặt lấy.


NGUYỄN MINH CHÂU




 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)