VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nguyễn Thi – Hồn văn thăng hoa

Thứ Sáu, 09/12/2011 14:59
Nhà văn Nguyễn Thi
Ngày đầu về với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn vóc hình cao ráo trong bộ bà ba đen bạc phếch rộng thùng thình, gieo ấn tượng rất thương! Hậu quả gầy ốm ngót 5 tháng trường vượt Trường Sơn, vượt sốt rét, vượt ho xuất huyết gian nan! Khuôn mặt vuông nắng sạm, góc cạnh, song tiếng cười thì tròn đầy, sâu lắng và ánh nhìn mở rộng đôi mắt nhân hậu trong sáng, nồng ấm, đầy sức truyền cảm.

Sống, làm việc cùng anh, niềm lạc quan ở rừng như có tiếng hát. Lắm lúc hàn huyên vui vẻ, anh nhắc lại thời mười tám trẻ trai mới theo kháng chiến, vào du kích Thới Tứ - Hóc Môn, thuộc quyền chỉ huy của bà Hồ Thị Bi, dịp tết, bà tiếp tế bánh tráng thịt heo ăn mệt nghỉ. Nằm không buồn, nhớ mênh mông, 3 ngày làm 5 bài thơ. Những dòng đầu đời vu vơ lãng mạn, buồn cười:
Ôi, biết làm sao vẫn nhớ nhung!
Nắng vàng xa thẳm có sầu chung
Mùa như tẻ lạnh niềm tơ tóc
Sầu ở thiên thu, gió ở lòng…

Làm tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng (VNQGP), ra tiếp số 2, anh viết bi ký bút danh đầu tiên: Nguyễn Thi (tên con trai anh vừa 6 tháng tuổi đã chia xa). Tạp chí dù ít người, chúng tôi lần lược thay phiên nhau đi chiến trường. Người “thủ trại” đảm đương sự vụ: ra tạp chí, theo dõi cuộc thi viết, ngoài ra còn tải gạo, cưa củi, cuốc rẫy, chống càn, dời cứ, đào hầm, cất nhà…

Dù anh vừa đi chiến trường Ấp Bắc, xông qua nam quốc lộ 4 - con lộ bạc đầu, bám vùng Cai Lậy - Mỹ Tho với các địa danh: Long Trung, Ba Dừa… dài ngày, về viết một loạt ghi chép: Cô gái đất Ba Dừa, Sen Trong Đồng… Sau gửi ra Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) được đăng nguyên văn…. Song phong trào đồng khởi Bến Tre luôn thu hút hồn văn. Đầu năm 1964, anh dẫn đầu đoàn đi Bến Tre gồm Thanh Giang, Trần Nam Hương - cử nhân văn chương và Huỳnh Công Thu - hoạ sĩ tốt nghiệp cao đẳng Mỹ Thuật Hà Nội.

Chúng tôi xuất phát từ trạm giao liên Nam - Tây Ninh, men theo biên giới xuôi xuống Long An. Đêm đầu tiên, gặp đơn vị bộ đội đánh đồn, pháo Gò Dầu phản kích nổ vào đội hình “thử phổi!”. Giao liên dẫn chạy vượt làn pháo. Bóng dáng Nguyễn Thi cao lớn, sải cặp giò dài nhanh nhẹn. Chợt thấy hoạ sĩ Thu vừa dứt sốt rét Trường Sơn ốm ròm, mang cái ba lô “xưởng họa” oằn lưng, còn vác thêm cuộn giấy vẽ è ạch, anh chộp vác tiếp Thu.

Bấy giờ vào mùa khô, suốt đêm vượt “Đồng chó ngáp” nổi tiếng bát ngát đến chó chạy le lưỡi ngáp dài! Chúng tôi cố lê đôi chân sưng vù trong dép râu trên gốc tràm cháy, gốc rạ đốt đồng, bụi tro bốc mù mịt nghẹt thở! Mệt đừ vậy mà khi đến trạm, anh vẫn cặm cụi ghi chép. Ít khi anh ghi chép trước đối tượng khai thác, chỉ chăm chú lắng nghe; trò chuyện với ai, thường lấy tờ giấy che miệng. Phong thái cho liên tưởng thành ngữ: “Nói là gieo, nghe là gặt”.

Anh như một người thợ gặt cần cù, “năng nhặt chặc bị”, làm vốn tu từ; phong cách quan sát tinh tế, so sánh hình tượng nghệ thuật công phu. Bất cứ khung cảnh tiếp xúc nào, anh cũng liên hệ tu từ. Phương ngữ được anh phả hồn chữ vào và khéo dùng nên mọi miền đều thích. Phong cách trở thành thói quen “ghi trong đầu”, khi anh ngồi lại ghi chép, phác thảo như tác phẩm.

Chúng tôi đến trạm giao liên, thuộc Kiến Tường nằm trơ vơ vài ngôi nhà lợp đưng nhỏ nhoi giữa mênh mông đồng cỏ cùng lau lách. Giặc vừa mới càn qua đây. Bất ngờ tôi dẫm phải đạp lôi của giặc gài lại, nổ tung người nhảy dựng, tưởng chừng văng mất bàn chân. Vốn không lắm lời, viết văn kiệm từ, Nguyễn Thi ngồi nhìn lặng im, đôi mắt buồn lo đưa mấy ngón tay to, móng dài cáu bẩn rờ rẵm mãi lên bắp chân tôi sưng nhanh lớn bằng cái ghè. Ba anh em khiêng võng tôi vào gửi trạm cứu thương nằm khuất trong vùng lau lách, dưới cụm tràm thưa. Buổi chia tay man mác buồn. Cánh đồng hoàng hôn mông lung lổn nhổn mây đen.

Hơn một tháng sau, chân bong gân sai khớp vừa cắt bột, tôi chống gậy lần theo đoàn. Đến trạm giao liên ở tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp - Mỹ Tho, tôi cảm nhận điều buồn đau tê điếng, rụng rời. Anh em giao liên kể cái nỗi anh Bảy Tấn khóc than đồng đội. Ra đi bốn người. Một người bị thương nằm lại!… Giờ đây chỉ còn hai!…

Vào buổi chiều định mệnh, vừa đến trạm, anh Tấn và Thu đi tìm công sự khắp nơi không thấy; nhân thấy nhiều trái đào chín rụng đầy gốc, Thu nghĩ đến sẽ mặc bộ quần áo tươm tất một chút khi về nhà, nên lượm những trái đào bóp vắt nước định sẽ nhuộm bộ quần áo vải bồng bột trắng.

Chỉ còn một đêm nữa thôi là vượt sông Tiền, bên kia là Bến Tre, Tân Thành Bình xã nhà, Thu sẽ gặp lại ba má, anh chị em và mấy cô gái hàng xóm. Nhưng một bầy 5 chiếc trực thăng HU1A của Mỹ bay đến vây bắn. Loạt hỏa tiễn đầu, ba anh em nằm chồng lên nhau dưới cái mương lạn trong vườn đào. Cụm vườn đào, trúng hỏa tiễn cháy đen xơ xác. Ba anh em xém chết trong gang tấc.

Mới ở Hà Nội về, chưa quen chiến trường, Thu vọt ra phía bờ kinh. Lộ mục tiêu! Bầy trục thăng vây bắn. Họa sĩ Huỳnh Công Thu chưa kịp nhuộm bộ đồ… Đau đớn thay giữa đường Thu nằm lại! Một tài năng trẻ chưa được cống hiến thỏa lòng. Chỉ còn lại những bức ký họa dọc đường cho đồng đội nhìn tới tiếc thương trào nước mắt. Đêm ấy mưa tầm tã… Nguyễn Thi và Nam Hương cùng anh em trạm chèo xuồng chở thi hài họa sĩ Huỳnh Công Thu đến mai táng ở nghĩa trang Láng Biển - Cai Lậy - Mỹ Tho.

Tôi đi tiếp theo sau Nguyễn Thi trong nỗi ngậm ngùi từng bước chân qua khu vườn đào xơ xác, những trái đào chín vàng rụng lăn lóc bên bờ kinh, càng tiếc thương bạn đồng hương... Xuống sâu đồng bằng, bót đồn dày đặc, qua quốc lộ 4: con lộ “bạc đầu”, vượt sông Cửu Long: con sông “giảm kỉ”; lòng tôi cứ thầm lo và thầm mong đừng phải nghe giao liên báo tin… buồn đứt ruột!

Đến Tỉnh đội Bến Tre gặp lại, chúng tôi ôm nhau mừng chảy nước mắt. Qua ác liệt sống chết, mới xa mà tưởng chừng lâu lắm! Để thở không khí chiến trường, trả cái giá máu và sinh mạng thế đó. Nguyễn Thi kể: đã dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua Quân Khu 8 khai mạc ở huyện Ba Tri, được tiếp xúc Nguyễn Văn Tư - mệnh danh ông Tổ binh ong vò vẽ. Vẻ măt hân hoan, anh kể đã thuyết phục cậu trinh sát Tỉnh đội mạo hiểm dẫn vượt rào ấp chiến lược An Đức vào thắp nhang viếng mộ nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu, cho thỏa lòng khi đã về đến đất Ba Tri!

Tìm hiểu về Bến Tre đồng khởi, Nguyễn Thi với tầm nhìn chiến lược, bám khai thác sâu khu trù mật Thành Thới đang bị dân phá banh. Một khu trù mật điển hình được Ngô Đình Diệm cùng cố vấn Mỹ trực tiếp cắt băng khánh thành. Đây là một khu trù mật trọng điểm - thí điểm; nơi tập trung mọi chính sách bình định tàn bạo của địch, diễn ra mối mâu thuẩn chủ yếu và gay gắt không riêng giữa giai cấp nông dân và địa chủ mà mâu thuẩn đối kháng đẫm máu giữa nhân dân miền Nam và giặc thù Mỹ - Diệm. Thiết thực là vấn đề ruộng đất, thâm độc nhất là chiến lược chính trị: kềm kẹp dân, lê máy chém giết dân, tố Cộng, sát Cộng, hòng thực hiện mưu đồ Bắc tiến… Ý đồ tư tưởng nhà văn còn tầm xa hơn, anh khai thác Bến Tre đồng khởi toàn diện, tìm hiểu tận nơi…

Sau đó, anh đến Minh Đức gặp tôi đang thâm nhập xã điển hình phát huy truyền thống đồng khởi. Đêm ấy, chúng tôi ngủ chung giường có giăng mùng, trong nhà dân sát bờ sông Hàm Luông. Ở rừng ngủ võng, chưa hề ngủ chung. Ở đây, trong vùng địch, chuyện ngủ chung nhau đơn giản cũng gây cảm xúc, hai anh em tâm sự thâu đêm.

Đêm thật yên tĩnh, nghe cả tiếng dòng sông Hàm Luông khua sóng rì rầm. Lâu lâu nghe tiếng mõ khắc xa: 6 tiếng, mõ khắc gần: 3 tiếng. Chúng tôi đã được dân cho biết đó là hiệu lệnh báo luồng tàu địch hiện đi tới đâu, càng nghe yên lòng khi định vị mình đang sống giữa lòng cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ!

Anh tâm sự: Quý biết bao cảm xúc hiện thực. Nếu như mình không ngủ ở một cái ấp cheo leo bên bờ sông mà tàu giặc không lúc nào vắng bóng thì làm sao có xúc cảm để mà viết. Chỉ có cảm xúc chân thật mới viết nên những dòng chân thật làm rung động lòng người…

Một lần khác, cũng ý niệm này, anh bộc bạch một cách xúc động: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà mình nghĩ nếu có chết đi cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt đủ làm cho ta vui sướng và bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn, can đảm hơn. Đó là cảm nghĩ thường xuyên đến với mình mỗi lần tiếp xúc với nhân dân. ”

Ý tưởng nhân văn cao đẹp, kích phát sinh sức sáng tạo dồi dào. Chứng tỏ nghệ thuật của Nguyễn Thi là nghệ thuật của những điều chân lý giản dị; của những tính cách Anh hùng. Truyện của anh tạo ra lớp lớp đa chiều bằng hình ảnh và câu văn tu từ dồn nén nhiều tầng hàm ý. Nhà văn định hình phong cách sáng tác như tâm tính con người anh: hiền nhu - lặng lẽ - khiêm nhường, mà anh hằng tâm niệm phương thức: giúp người ta cảm hơn dạy người ta nghĩ… Có thể nói gọn hơn: nghệ thuật truyền cảm.

***

Thai nghén nghiền ngẫm ý tưởng, tổng hợp chất liệu văn học từ hai vùng đất (Mỹ Tho, Bến Tre); với diễn biến hiện thực của hai khu trù mật: Long Trung và Thành Thới, nhà văn xây dựng một khu trù mật điển hình ở xã Trung Nghĩa điển hình. Tiểu thuyết dù mới ba chương chưa kịp đặt tên, song đã hé mở chủ đề tư tưởng cho chúng ta dự đoán: “Kết thúc tiểu thuyết sẽ là một cuộc “đồng khởi long trời dậy đất” ở xã Trung Nghĩa; khái quát cho toàn miền Nam, kéo theo sự sụp đổ mưu đồ Bắc tiến của Mỹ - Ngụy Sài Gòn; mở ra tiền đề cho cuộc chiến tranh nhân dân phát triển lên đỉnh cao, dẫn đến ngày toàn thắng!”. Sau khi gửi ra Hà Nội, ba chương tiểu thuyết mới được VNQĐ công bố mang tên: Ở xã Trung Nghĩa.

Sau những chuyến thâm nhập chiến trường, chúng tôi xếp lại bản thảo viết dở dang, tập trung viết truyện anh hùng toàn miền lần thứ nhất. Nguyễn Thi viết chuyện Nguyễn Thị Út: Người mẹ cầm súng. Võ Trần Nhã viết Nguyễn Minh Tua: Lá cờ Hê-rôn. Thanh Giang viết Hồ Văn Bé: Đánh trong lòng địch. Lê Anh Xuân nhà thơ đồng hương Tân Thành Bình với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tư , viết truyện: Giữ đất…

Nguyễn Thi thành công truyện Anh hùng Người mẹ cầm súng, thể hiện tính cách độc đáo người phụ nữ dân dã đầy khí phách: “Còn cái lai quần cũng đánh!”. Khi tác phẩm công bố được khen, anh nói vui: “Mình biết người ta khen là khen chị Út Tịch chứ không phải khen gì mình. Nhưng trong hoàn cảnh thế nầy thì hãy bằng lòng như vậy đã. Còn tôi dự định mỗi tiêu đề là một chương tiểu thuyết cho sau nầy…”. Đây cũng là một, trong nhiều nỗi khát vọng viết tiểu thuyết luôn bị dở dang! Tiếp theo, Đại hội Anh hùng lần thứ hai, anh viết về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh “Ước mơ của đất” mới phần một dở dang …

Cuộc sống và sáng tác của chúng tôi lúc nào cũng tất bật. Khao khát hoàn thành ý đồ những tiểu thuyết trong không khí chiến trường luôn kêu gọi và đảm đương vô vàn sự vụ chức trách cùng sinh hoạt thời chiến … Thế nên anh từng tâm sự với tôi một câu chua chát: “Tình hình nầy ngồi viết tiểu thuyết nó chướng lắm!”.

Nghị lực hằng tu dưỡng, Nguyễn Thi vượt lên bất hạnh, bất chấp hiểm nguy, lao xuống Củ Chi, trong bối cảnh chiến trường Củ Chi đang chốt sư đoàn 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” tàn phá bình địa, đất trắng. Trải bom đạn khốc liệt, anh trở về viết thâu đêm dưới ánh đèn tù mù thiên ký sự hừng hực sức sống: Những sự tích ở đất thép; thể hiện những dũng sĩ anh hùng Trần Thị Gừng, Phạm Văn Cội gan góc nổi tiếng.

Trang Thu - Con gái của nhà văn Nguyễn Thi năm 4 tuổi
Cuộc tập kích chiến lược vào Sài Gòn Xuân Mậu Thân - 1968, hầu hết anh em VNQGP chúng tôi chia nhau theo các đơn vị mũi nhọn tiến vào Sài Gòn… Những ngày này, Nguyễn Thi hồn văn không yên. Trong cái nỗi nôn nao thời điểm lịch sử diễn ra sự kiện trọng đại, anh còn một nỗi khát vọng triền miên được gặp con gái Trang Thu yêu quý hiện sống với ông bà ngoại trong lòng Sài Gòn.

Anh lại xếp bản thảo dở dang: Ước mơ của đất vừa xong phần một, đi đợt hai, hướng tây nam Sài Gòn. Mặc dù Chính ủy Phân khu 2 ông Lê Phải ngăn cản, anh nài nỉ riết mới được cho theo một tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu, chiến đấu trên đường Minh Phụng suốt 5 ngày đêm từ 5/5 đến 9/5.

Trong khi này, tôi và Nguyễn Trọng Oánh đi đợt I mặt trận phía bắc, được gọi về cơ quan. Tháng 6/1968, chúng tôi nhận được tin dữ từ FK.2 điện báo về Cục: “Nguyễn Thi hy sinh trên đường Minh Phụng, ngày 9-5!”. Cái bồng có bản thảo Ước mơ của đất, và tập vở học sinh bút tích cuối cùng của Nguyễn Thi, do Lê Phải gửi Lưu Quang Tuyến- Phó phòng Tuyên huấn mang về. VNQGP lúc này, anh Trọng Oánh và tôi tiếp nhận di cảo đó. Tập bút tích vài ba trang cuối cùng ấy gửi lên cho thủ trưởng Cục xem, khi hỏi lại thì thất lạc, thật tiếc vô cùng!

Trong nỗi đau bàng hoàng, anh Oánh và tôi soạn trong hai thùng thiếc tư liệu của Nguyễn Thi, chọn hằng chục tập ghi chép chữ lí rí trên giấy peluya và tập vở học sinh, cùng tất cả các bản thảo tiểu thuyết, truyện anh hùng và nhiều bản thảo dở dang khác… đóng thành hai gói to, vác nặng, đem lên gởi Cục chính trị, xin được chuyển ra VNQĐ theo loại hàng đặc biệt. (Đó là phần lớn nội dung cho nhà văn Ngô Thảo làm bộ Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi: 4 cuốn, 2.600 trang, NXB Văn học ấn hành -1996).

***

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn định hình nhân cách: Cuộc sống có trước, sách vỡ có sau; tự phát trưởng thành; từ trong huyết quản phát sinh cảm xúc nghệ sĩ. Anh khái quát đời mình: Sinh Bắc - Lớn Nam. Thế nên, khi tập kết ra Bắc quê hương, gần mẹ cùng thân quyến, song anh vẫn canh cánh nỗi lòng: Ngày Bắc- Đêm Nam. Ngày cùng đồng nghiệp lao động sáng tạo và bên vợ trẻ con thơ. Đêm thì da diết nhớ thương đồng bào miền Nam còn trong vòng tay giặc thù tàn sát, trong đó có con gái đầu lòng chưa nhận mặt mà hằng chiêm bao vọng tưởng bóng hình. Cho nên anh hăm hở trở về chiến trường xưa từ rất sớm… Và anh viết những câu thơ da diết từ gan ruột:
Những mối tình bằng nước mắt
Có bao giờ phai nhạt em ơi!
Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất
Anh làm thơ yêu tặng một con người.

Nhà văn Nguyễn Thi sống chết cùng chiến trường Sài Gòn, anh dũng trên tuyến đầu cùng chiến sĩ … Trong tiếng đạn bom ác chiến rền vang, cháy bỏng lên khát vọng của người cha! Cái khoảng cách hằng ngàn dặm, anh đã trả giá tâm lực, nhớ nhung, mồ hôi và cả máu để rút ngắn dần, cho đến chỉ còn vài dặm cuối. Ôi! Gần sao giữa Minh Phụng và Lê Văn Duyệt (Cách mạng tháng Tám bây giờ), nơi cháu Trang Thu đang sống với ông bà ngoại. Cơn hạnh ngộ cùng con gái đã gần kề. Oan nghiệt thay… ngàn thu biệt ly!…

Và cảm động thay! Tám năm sau, 1976, mẹ Thành Thị Du từ Nam Định đổ đường xa hằng ngàn cây số vào thành phố Hồ Chí Minh, ôm bó hoa huệ đỏ đi dài theo đường Minh Phụng chiến tích con trai yêu quý lưu lạc từ tuổi thơ! Mẹ chừng cảm ứng hương hồn con phưởng phất đâu đây trên tàng cây bên đường, vấn vương từng lá cành reo trong gió ngàn dư âm tiếng hát con ngày xưa:

Nóp với giáo, mang ngang vai / nhưng thân trai nào kém oai hùng

Giai điệu bài ca Nam Bộ kháng chiến từ Sài Gòn - Mùa Thu Ất Dậu 1945 dồn bước Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn ra đi; để đến Mùa Xuân Mậu Thân 1968 Nhà văn Nguyễn Thi trở về. Khúc Chiến sĩ hành - công trình đá tạc; hòa khúc Nhân văn - tài năng thăng hoa. Như nhân duyên tiền định, anh thở hơi thở Sài Gòn chiến trường, chiến đấu trong lòng Sài Gòn yêu thương đến hơi thở cuối cùng! Anh thấm giọt máu mình trọn vẹn thủy chung tươi đỏ mãi trong lòng người anh thương; trong lòng người đời hoài niệm tiếc thương anh.

Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, nhà văn từng gắn bó nhiều kỉ niệm thắm thiết với VNQGP-A.6 từ những ngày đầu làm tạp chí, nối dài cánh tay ân tình với VNQĐ; cùng những chuyến đi chiến trường sinh tử!... Đậm đà tình nghĩa ruột thịt như chuyến về Mỹ Tho, anh lo cưới vợ cho Võ Trần Nhã, chính tay tổ chức hôn lễ. Chuyến về Bến Tre, tác thành hôn nhân cho Thanh Giang, trực tiếp làm chủ hôn, chủ lễ xôm trò.

Cuộc đời anh tình duyên éo le, một lần ngang trái, hai lần sinh ly, cho nên anh hết lòng chăm lo duyên tình cho đồng đội, coi là niềm vui hạnh phúc của chính mình… Cuộc tình duyên anh là thiên tình sử: biệt ly bi tráng! Nỗi ám ảnh bi kịch của đất nước bị quân thù chia cắt, cuốn hút số phận con người lao vào vòng xoáy tang tóc đau thương tột cùng, nhiểm vào hồn văn Nguyễn Ngọc Tấn thoát thai truyện ngắn Im lặng bi thảm!

Âm vang tài hoa mà lận đận với “tư tưởng bi quan giao động…”. Tuy nhiên, vốn từng trải tử sinh thử thách ác liệt, thử thách sinh ly, bất hạnh, anh phục hồi chính khí, giữ vững phong độ lao động sáng tạo, giọng điệu nhân ái nhân văn… Minh chứng hùng hồn sau khi trở về chiến trường xưa, anh đã cống hiến một khối lượng lớn tác phẩm xuất sắc; nhận giải thưởng văn học Hồ Chí Minh lần thứ nhất…

Anh lưu lại trong lòng người hình ảnh: một nhà văn cầm súng; một nhân cách sống và viết giữa chiến trường ác liệt cao đẹp tuyệt vời; lưu lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5 - Thành phố Hồ Chí Minh; cùng hài cốt nằm lại ngàn thu thủy chung giữa lòng Sài Thành từng hát khúc Chiến sĩ hành: Mùa Thu rồi….

Hằng nhớ thời đa đoan viết vội, chiến trường sôi động luôn kêu gọi, lòng tôi không nguôi nhớ thương Anh với câu tự thán chua xót: “Tình hình này ngồi viết tiểu thuyết nó chướng lắm!”. Giờ im tiếng súng, đất nước yên bình, với đôi mắt trữ tình nhân hậu anh nhìn đồng nghiệp đang sống và viết tự do dưới ánh đèn điện, hẳn hài lòng hởi dạ mà chúc mừng: “Được viết tiểu thuyết trong khung cảnh hòa bình hạnh phúc lắm thay!

THANH GIANG

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)