VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Một lần lên biên cương với Duy Khán (CHU LAI)

Thứ Hai, 24/10/2011 01:00

Trong tôi nào có bao nhiêu

Mà sao mời mọc quá nhiều thế em.

Không hiểu sao mỗi lần nhớ đến Duy Khán, tôi lại cứ hay chạnh nhớ đến hai câu thơ thương thương tồi tội ấy. Đến khổ! Đi xa ngày ấy, trong túi chỉ vẻn vẹn có vài chục ngàn công tác phí, đổi sang tiền Riên lại giật xuống chỉ còn vài đồng, tiền đâu mà mua vàng mua chỉ trong khi buổi chợ Phnômpênh nào cũng chang chói ánh kim tiền, cũng đến lắm đường cong nét lượn nhức mắt và cũng thật nhiều tiếng cười mời chào đon đả đến thế!

Tồi tội thương thương cả cái cười, dáng đi, điệu ăn tiếng nói của anh. Hồn nhiên, trong trẻo, hay xúc động, hay khóc đến gần như trẻ thơ. Khóc vì chỉ cần một chén rượu uống giữa nhân tình bạn bè. Khóc vì một trận mưa đêm sao buồn thế. Khóc vì một câu thơ chợt làm lúc nửa đêm động chạm đến nỗi đau cuộc đời. Và khóc vì cả ngay cả cái ngất ngây, đa đoan của chính mình. Bạn bè trong ngôi nhà số 4 ai cũng còn nhớ cái đận khóc cuối cùng của anh khi cùng một lúc Duy Khán nhận quyết định nghỉ hưu và quyết định phân nhà. Có gì đâu, vẫn chỉ là một căn hộ cấp bốn dài chừng ba chục thước vuông ở quê anh, Hải Phòng. Run rẩy cầm tờ quyết định, anh khóc: “Đây là bài thơ đẹp nhất đời tôi...!”.

Nhưng anh cũng biết cười. Cái cười tinh khiết, không biết làm ác, nghĩ ác về ai, về cái gì. Phải chăng chính vì cái chất thuần hậu pha một chút ngẫu hứng, tùy tiện đó đã tạo nên văn phong, nên giọng thơ rất riêng của anh. Văn anh lan man, bảng lảng như cái anh cả đời lang thang, nhưng đọc xong cứ thấy xao động một cái gì lạ lắm. Thơ anh cũng vậy. Không quá vùi đầu vào tìm ý tứ cao siêu, cũng không đánh bóng mạ kền cho câu thơ ánh lên như chậu nhôm bắt nắng nhưng đó đây cứ rờn rợn chấm phá cái năng lực xuất thần. Chiều chiều nhìn lên đỉnh núi quê tôi, thấy bóng người nhỏ như chiếc tăm nhòe. Tăm nhòe! Nội chỉ một cái liên tưởng vu vơ đó thôi là đủ rõ một tài hoa làm nghề. Cái nghề cơ cực, mỗi câu mỗi chữ là như chiết từ tim từ óc mình ra. Chiết đến rỗng roãng, đến không còn cái gì trong cơ thể nặng chưa đầy 40 ký lô ấy nơi anh nữa.

*

* *

Vậy mà con người có thể xác quá đỗi gầy gò đó lại hay đi. Và đi rất khỏe. Càng đi càng tươi roi rói. Đi háo hức, bền bỉ và lầm lũi như một người lính thực thụ – người lính cầm bút.

Ngày ấy, biên cương còn xục xịch. Đường rõ xấu. Từ Bộ Tư lệnh Quân khu của tướng Sùng Lãm gần ngã ba Chẽ, muốn lên đến Móng Cái, cầu Ka Long phải mất đứt đi một ngày thẳng căng. Mà lại phải ngồi xe bịt bùn, thứ xe cứu thương không cửa, người khỏe thần kinh cũng chỉ một đoạn là say. Tôi say. Như Trang say, thậm chí phải nhắm mắt luyện Yoga để khỏi nôn ói. Thế mà, ngồi ngay bên cạnh, Duy Khán vẫn nói cười với chàng trợ lý đẹp trai dẫn đường rổn rảng như ngồi giữa quán nhậu phố phường. Chợt nhớ cái đận đi Trường Sa sóng gió cấp bốn, ráo trọi các em văn công văn nghệ bò lê bò càng hết, riêng con người này vẫn đứng trên boong cao giọng đọc thơ ứng tác véo von. Thật kỳ lạ! Ăn ít uống nhiều, có ngày chỉ uống, thể tạng yếu ớt, bệnh tật cùng mình, tưởng chỉ như một cơn gió thổi cũng ngã, vậy sức lực đâu mà anh tươi tỉnh đến thế? Và về sau đi với Duy Khán vài bận tôi mới chợt vỡ ra: con người anh phân thân thành hai. Một con người lẻo khoẻo ở phố phường và một con người tráng kiện khi trở về núi rừng với đồng đội. Mỗi lần đi là mỗi lần được tắm rửa linh hồn ông ạ! Anh hay dùng cái đuôi ông ạ mặc dầu câu nói chẳng cần gì đến hai tiếng ông ạ ấy cả.

*

* *

Và cũng con người thứ hai ấy có giọng đọc thơ giữa đồng đội nơi tiền đồn rất lạ. Nó không đắm say, xõa xượi lối hô phong hoán vũ như đồng nghiệp Thu Bồn, cũng không hớp hồn thôi miên kiểu sân khấu như Phạm Ngọc Cảnh. Duy Khán đọc thơ trầm tĩnh, hơi lạnh nhưng lại rút ruột rút gan mà phơi ra với nắng gió cuộc đời. Người nhỏ thó, giọng đọc lại thật to. Đến nỗi anh chàng trợ lý phải bấm nhẹ: “Coi chừng nghe chú đọc thơ, pháo bên kia sông lại bắn sang bây giờ”. Nhưng tiếng thơ của anh vẫn ngang bướng không gian âm lượng. Và những cặp mắt trai trẻ trên điểm chốt dưới lùm tre gai phập phồng vẫn cứ đau đáu nhìn lên anh, nhìn lên nhà thơ của mình. Bắn ư? Chết ư? Chả quan trọng. Tớ đang ngồi giữa những tay súng thiện chiến đang khát thơ kia mà. Cuộc sống trên này cơ khổ quá! Thiếu thốn quá! Không có thơ thử hỏi còn có gì. Có cái đếch gì mà phải to với nhỏ. Cặp mắt ranh mãnh và trẻ trung hơn hớn hẳn lại nhìn sang, ngầm nói với tôi như thế.

*

* *

Của đáng tội, anh hay nói tục thật. Nhưng tục một cách duyên dáng, rất đúng chỗ, đúng lúc nên lại trở thành vui. Nói tục và biết nói tục là văn hóa đấy ông ạ! Anh hay đánh bài bây như vậy. Và cũng chỉ tục với những người ngang tuổi hay dưới tuổi một chút, chứ cứ như lúc này đây, giữa đám lính trẻ, anh lại rất hồn hậu, mô phạm như người cha, người anh lâu ngày mới có dịp trở về vui cùng con cháu.

Anh còn pha cả một chút bỗ bã trong các cuộc đối thoại, giao tiếp với đồng đội nữa. Buồn cười! Vị chỉ huy sư đoàn trẻ măng đang hết sức cảm động giới thiệu đoàn, giới thiệu nhà thơ nổi tiếng Duy Khán trước các thành viên trong Bộ Tư lệnh biên cương thì bất ngờ, nhà thơ nói luôn: “Thôi, thơ phú gì, rầy rà! Có rượu không, cho chén uống rồi giới thiệu thì hãy giới thiệu!”. Tưởng vị chỉ huy vừa ở học viện cao cấp hết sức nghiêm chỉnh ra sẽ bị hẫng, bị gượng gạo nhưng không, cả Bộ Tư lệnh cười ồ và từ lúc đó, cái không khí chan hòa cởi mở giữa hai bên lính chiến với lính văn mới thật sự bùng nổ. Cũng từ đó, họ cứ quấn lấy anh, cười đùa tâm sự với anh như đã quen nhau từ lâu rồi. Lúc ấy, tôi vốn vụng về, hơi cứng nhắc, cứ nhìn anh nói cười như không với đơn vị mà nảy sinh cái sự thèm, thèm một năng lực thẩm thấu con người, thẩm thấu cuộc đời đến thành bản ngã của một thi sĩ.

Tuy nhiên, nữ sĩ Như Trang (đoàn đi chỉ có ba người), vốn là một phụ nữ chắt chiu, hay cả nghĩ lại không chịu được như thế. Chị kéo riêng anh ra một chỗ nói nhỏ: “Ông vừa làm cái trò gì thế? Không sợ người ta cười cho à? Rượu! Lúc nào cũng rượu!”. Duy Khán hơi đuỗi mặt ra một chút rồi lại nhào vào đám đông đang hâm mộ anh. Tưởng anh vô tâm, anh không mấy để bụng những lời nói này nói nọ thường xảy ra tất yếu trong một chuyến đi đông người, nhưng không, đêm về, sau mấy cái xoa bụng cho nhuận tràng, anh đột ngột hỏi tôi với nét mặt ngơ ngác, thiểu não đến tội: “Này! Sao Như Trang nó lại mắng mình nhỉ?”.

Thì ra anh không quên cái gì cả. Nhưng không quên theo kiểu của anh, rất nhạy cảm nhưng lại cũng rất thuần phác. Bởi lẽ sau đó vài ngày khi trở về qua Hải Phòng, chính anh đã loay hoay mà cả mua một cuốn sách dạy nấu các món ăn tặng bà bạn đồng nghiệp, đồng hành.

*

* *

Kỷ niệm cuối cùng của tôi đối với anh là kỷ niệm bên dòng... không, giữa dòng thì đúng hơn. Giữa dòng Ka Long. Nắng sánh vàng, nước trong quá, trong đến nỗi có thể nhìn thấy cả những hòn cuội tròn ở dưới đáy. Tự nhiên thèm bơi, thèm được vẫy vùng. Ở giữa phố phường bụi bặm, giữa cuộc sống thường nhật tẻ nhạt, lên đến đây, không hiểu sao tâm tính lại cứ thích nghịch ngợm, thích được thách cứ với thiên nhiên rộng dài khoáng đạt như thế. Nhưng mà nghe nói còn có mìn. Có cả thủy lôi, hơi ghê ghê nhưng tôi đã đành một nhẽ, vốn lính đặc công, ngại gì. Cứ bơi vài sải cho thành một kỷ niệm với sông nước biên thùy rồi lên. Còn anh... Thấy tôi ào xuống nước, chẳng ngờ anh cũng tháo bỏ quần áo ào theo. Tâm thể gầy nhách, xương sườn, xương vai bao nhiêu cái lộ ra hết. Lại quần đùi lính nữa. Xuống đến đâu là nó phồng lên, sủi bọt ra đến đó. Vậy mà cười. Răng trắng nhóa. Lại còn phun nước phì phì làm như đang ngụp lặn giữa ao nhà. Đột nhiên anh không cười nữa mà thả người trôi xuôi về phía cây cầu đá bắc vòng qua sông. Rất có thể là một rủi ro đang chờ sẵn ở đó. Tôi gọi. Anh không nghe. Tôi đành bơi theo níu lại. Cũng đột ngột anh không bơi nữa mà hai mắt trân trân nhìn lên hàng chữ to khắc trên thân cây cầu. Tôi bất giác nhìn theo và chợt hiểu. Đó là hàng chữ Tình hữu nghị đời đời bền vững đang ẩn nhòa dưới ánh nắng. Hàng chữ này không hiểu có từ bao giờ và sự hiện diện ngang nhiên của nó lúc này là một sự lãng quên hay cố ý? Không biết, nhưng rõ ràng là ánh mắt trên nước của người lính già hơi xẫm lại, đăm chiêu như đang nhìn, đang nghĩ ngược lại vào trong lòng mình...

Sau lần ấy, trở về, anh có một bài thơ thật hay nhuốm chút xa xót về dòng sông, về cây cầu, về những điều sâu thẳm lẽ nhân tình giữa đôi bờ biên giới. Cũng cảm xúc man mác ấy, tôi viết được một cái truyện ngắn cũng đăng chung với anh trên tạp chí Văn nghệ quân đội, sau này xưởng phim Quân đội chuyển thể thành điện ảnh. Thế thôi. Chỉ có một chuyến đi nhọc nhằn và lãng mạn nhưng ký ức về anh còn đọng lại đến tận bây giờ. Cả cái mẩu ký ức nhỏ nhỏ này nữa: ra khỏi biên cương, Duy Khán trở về con người thứ nhất của mình. Lại lơ mơ, lại tùy tiện và đầy ngẫu hứng. Thì đó: xe quân khu đưa đến chợ Sắt, dừng lại ít phút, đến lúc đi, không còn thấy anh đâu nữa. Cả xe nháo đi tìm. Cả tiếng đồng hồ sau, mọi người mới thấy anh mồ hôi mồ kê, đang ngồi nói cười cái gì xôm lắm với ông khách hoàn toàn xa lạ tại bàn tiết canh, cháo lòng. Tất nhiên có cả chai rượu nhỏ kề bên.

Anh đã đi xa được vài năm rồi. Rất xa... Cây đại già vẫn còn đó, những vòm mái cong trên cao vẫn còn đó, bạn bè anh vẫn còn đó dù từ đó đến nay đã người ở người về và căn phòng nhỏ của anh ngày nào đầy thơ và rượu cũng vẫn còn đó. Chỉ vắng anh. Như vắng một hồn thơ tinh khiết, một lối sống trong lành và một dáng hình làm ấm lại những chiều đông trong ngôi nhà số 4 thân thương.

Trong tôi nào có bao nhiêu! Mà sao mời mọc... Cái thời một xu dính túi ấy đã qua rồi. Biệt thự cây đại của chúng ta bây giờ đã đổi khác. Khác từ cuộc sống bên trong đến hình hài kiến trúc bên ngoài. Chỉ tiếc là không còn anh...

CHU LAI

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next